PDA

View Full Version : Tòa Thánh và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Người Khuyết Tật và Người Đồng Tính



px_hongtrinh
04-02-2009, 09:47 AM
Tòa Thánh và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Người Khuyết Tật và Đồng Tính Luyến Ái


Đức Tổng Giám Mục Celestino Mogliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Il Regno”, một tập san Công Giáo Ý, về việc Tòa Thánh không ký nhận một số công ước mới đây của Liên Hiệp Quốc. Đó là hai công ước bàn về người khuyết tật và người đồng tính luyến ái.

Để trả lời cho các chỉ trích trên báo chí về lập trường của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng: đối với công ước về người khuyết tật, Toà Thánh nhìn nhận tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc phải đưa nhiều khía cạnh vào thực hành. Tuy nhiên, Tòa Thánh không thể ký nhận vào Công Ước vì bản văn ấy hỗ trợ việc phá thai, coi nó như một hình thức y tế sinh sản.

Phái bộ Tòa Thánh đã làm hết sức để đem công ước này trở lại với đường hướng bảo vệ nhân quyền đích thực, nhưng đã không thành công. Ngài cho hay: trong giai đoạn thương nghị, phái bộ Tòa Thánh đã nhấn mạnh tới tính hàm hồ trong ngôn từ và tuy không yêu cầu loại bỏ ngôn từ ấy nhưng đã yêu cầu phải dứt khoát minh xác để loại hẳn việc phá thai ra khỏi ngôn từ ấy. Nhưng lời yêu cầu này đã không được chấp thuận, với lý do: bản văn không có ý tạo thêm các quyền mới, mà chỉ bảo đảm để người khuyết tật cũng được các quyền như mọi người khác mà thôi.

Theo Đức Tổng Giám Mục, việc các nhóm ủng hộ phá thai gia tăng áp lực để đả phá đề nghị của Tòa Thánh khiến người ta hiểu rõ: đây không còn phải là vấn đề bảo vệ người khuyết tật nữa, một việc luôn đuợc Tòa Thánh hỗ trợ, mà thực ra là việc sử dụng công ước này để cổ vũ việc phá hoại tính nhất quán trong hệ thống luật pháp chân chính nhằm bảo vệ mọi người.

Không phải chỉ là đồng tính luyến ái

Đối với tuyên ngôn về xu hướng tính dục, bản sắc giới tính và nhân quyền, Đức Tổng Giám Mục Migliore nhận xét rằng tuyên ngôn này có 13 đoạn, trong đó có ba đoạn yêu cầu phải bãi bỏ mọi luật hình và chấm dứt mọi hình thức bạo hành chống lại con người chỉ vì xu hướng tính dục hay giới tính của họ.

Không có điều khoản nào minh nhiên nói tới việc gỡ tội (decriminalization) cho ‘đồng tính luyến ái’. Thay vào đó, người ta sử dụng các phạm trù xu hướng tính dục và bản sắc giới tính, là hai hạn từ chưa được luật quốc tế thừa nhận và định nghĩa dứt khoát, và do đó, liều mình bị giải thích và định nghĩa sai lạc tùy theo ý định của người sử dụng chúng.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng nếu các phạm trù trên được chấp nhận trong trạng thái lỏng lẻo và không rõ ràng ấy, thì điều này sẽ gây ra nhiều mơ hồ đáng kể cho ý niệm quyền lợi. Một trong các giải thích méo mó sẽ là: nếu một nước hay một nhóm tôn giáo nào đó khước từ cử hành cuộc hôn nhân cho các cặp đồng tính hay cho phép các cặp này nhận con nuôi, họ sẽ bị kết án là vi phạm các điều khoản chống kỳ thị này và do đó bị trừng phạt; nhiều khi, các chứ sắc tôn giáo buộc phải cử hành loại ‘hôn nhân’ này.

Ngài cũng chỉ trích giới truyền thông trong việc so sánh Giáo Hội với các xứ vốn ban hành các luật lệ đặt đồng tính luyến ái ra ngoài vòng pháp luật, với tội tử hình. Vì trên thực tế, Tòa Thánh luôn dứt khoát kêu gọi từng quốc gia và mọi quốc gia hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực và kỳ thị bất công đối với người đồng tính.

Phân biệt rõ

Nhân kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Đức Tổng Giám Mục Migliore nhấn mạnh tới sự đóng góp to lớn của Tòa Thánh về nhân quyền, một đóng góp không bao giờ tách rời quan điểm niềm tin vào Thiên Chúa Hóa Công… Khi xử lý các quyền lợi liên quan tới sự sống và tác phong của con người, của các cộng đoàn và dân tộc, sự nhận biết rõ đòi ta lúc nào cũng phải tự hỏi liệu nhu cầu cần nhìn nhận các quyền lợi mới có cổ vũ được lợi ích chân thực cho mọi người và các quyền lợi mới ấy có liên hệ ra sao với các quyền lợi khác và với trách nhiệm của mỗi người.

Vũ Văn An
VietCatholic News (04 Feb 2009 02:04)