Ðăng Nhập

View Full Version : Tôi sống, học tập vì ...



littlewave
05-02-2009, 12:27 AM
Tôi sống, học tập vì ... (http://lovebuddy.net/4rum/showthread.php?t=1520)

Ba tôi là một bác sĩ có tiếng. Má là trưởng phòng tài chính một công ty nước ngoài. Đôi lúc tôi tự hỏi tại sao hai con người hăng say lao động và thăng tiến như thế lại có thể sinh ra đứa con khác biệt hoàn toàn, là tôi?

Tôi là một học sinh tàng tàng, học trong một lớp tàng tàng của một trường tàng tàng không kém trong khu vực. Tôi không lấy làm hãnh diện lắm khi xếp mình vào bức tranh hoàn mỹ do gia đình tôi tạo dựng. Tôi cũng không mặc cảm lắm khi chủ đề chính trong những buổi bàn tán về gia đình tôi của cô bác trong xóm là ba má tôi, hoàn toàn chẳng có tôi.
Nói chung là tôi trung lập (hoặc chăng nghe nhiều đến mức đâm ra chai lì !). Tôi nhớ, có một lần đọc bài báo về SGK hiện nay, nghe phàn nàn rằng các thầy soạn đã khuyên răn học sinh nên quen với những thứ gây ô nhiễm, chẳng hạn tiếng ồn (nghe lâu sẽ thành quen, bình thường). Ngẫm nghĩ thì khá đúng đấy! Tôi đã nghe nhiều rồi, rằng "Nhà thế ấy mà có đứa con nhìn nản ghê", hoặc là "Chẳng biết mai này dựa dẫm làm sao?". Sống trong cái bóng hai người bao phủ, tôi đâm ra khó gần với bạn bè, hay nổi cáu với hàng xóm và từ lực học tàng tàng vốn đã gây nhiều lời ra tiếng vào, tôi càng "tàng tàng" hơn.
Nói chung tôi bị đưa vào thế cụt, chẳng biết làm gì khác ngoài đấu tranh tiêu cực. Ba má tôi biết chuyện, tuy thương tôi lắm nhưng chẳng biết khuyên làm sao (hai người chính là bản chất vấn đề khiến "tôi" như hôm nay). Tôi biết hai người không đặt nặng vấn đề học vấn, hay khả năng, tôi biết hai người khát khao muốn tôi cảm thấy bình thường trở lại, nhưng tôi cũng tự ti lắm. Dù gì thì cũng không xứng thật ...


***

Tôi đã suy nghĩ thật lâu trước khi đưa ra quyết định. Tôi vào phòng khách, để lên bàn lá đơn nhờ ba má chuyển sang trường khu vực khác. Hai người đồng ý, kèm theo vài câu nhắn nhủ dài hai tiếng về quá khứ thanh niên không thành công mấy của hai người. Tôi cúi đầu, cảm ơn sự quan tâm ấy. Tôi cũng dặn ba má là tôi sẽ đi xe buýt, không phô trương lắm mà rẻ. Bước ra khỏi phòng, tôi bật cười: "Mình đã có những bậc sinh thành đầy nghị lực và tình cảm, nhưng sự thật mình vẫn chỉ là con số 0."

Kể ra thì tôi cũng tiêu cực thật đấy. Chuyển trường với lí do "chính đáng" là : "Con muốn được thử sức ở môi trường mới" nhưng thật sự là tôi chỉ muốn trốn tránh mọi người. Họ sẽ không biết tôi đang học trường "tàng tàng" cỡ nào. Tôi có thể đi xe máy (tôi đủ tuổi rồi) nhưng tôi vẫn chọn xe buýt chỉ vì không muốn tăng tính "bảo đảm" cho những cuộc nói chuyện vẩn vơ, nội dung nhằm khẳng định và moi móc tật xấu của tôi. Tôi đã chuyển hướng đi khác, êm thấm trong quan hệ với hàng xóm và dứt hẳn bạn bè cũ. Thở phào. Ít ra thì tình hình của tôi không đến nỗi bí lắm.


***

Bến xe. Một giờ rưỡi chiều. Chiếc xe số 4 dừng tại chỗ quen thuộc đối diện chợ.
"Rồi. Bà con cô bác xuống trạm nào... Cậu nhóc, xuống lẹ kẻo rớt lại đấy".
Chị soát vé xinh đẹp, giọng miền Tây, nghe ngọt lịm. Ngồi ở cuối góc, tôi cười xòa, nhưng chị nói xong bước vội về phía bàn kiểm soát tận đằng kia nên chắc không nhìn thấy. Người đâu mà đến thương. Âm "nào" vọng dài và ngân, hệt như đang rao. Câu nói đùa của chị cắt ngang cái nóng mùa thu, chẻ dọc tâm trạng uể oải vì thời tiết khắc nghiệt của tôi. Ít ra thì cũng có một người chưa biết tôi ra sao. Tôi bước ra khỏi xe. Gió ập vào. Hà hơi khô khốc. Thêm mùi bến xe làm váng cả đầu. Tiu ngỉu rải bước theo quán tính về con hẻm nhỏ ngay bên cạnh siêu thị, tôi chắt lưỡi xót xa khi không nán lại trên chiếc xe mát lạnh cùng chị soát vé.

Hôm nay là một ngày như mọi ngày chán nản khác. Chỉ tiêu "mổ xẻ" thời gian ở nhà tự đưa ra khiến tôi có than cũng chẳng dám để lâu. 1 tuần 7 buổi, bỏ nhà đi rong ruổi trên đường phố để kiểm nghiệm cái gọi là "tính tự lập" của mình. Trường mới của tôi tận trung tâm thành phố. Đoạn đường từ nhà đến bến cuối cùng là 40 phút vật lộn với suy nghĩ "cúp tiết" mới hình thành được một thời gian. Bài test gian lao kéo dài mới 2 tuần đầu năm học đã làm tôi lăn lên lộn xuống. Cụ thể là 3 tiết Toán, 1 tiết Lý và 1 GDCD đang mong ngóng "dợt" tôi phía trước. Tôi đã phấn chấn khi bắt đầu lại ở một nơi hoàn toàn mới. Nhưng cái cảm tưởng thoát khỏi cái cũ chưa đủ để đưa tôi thật sự đi lên, sự thật là tôi vẫn chỉ cảm thấy mình đang thoát nạn. Tôi đi học không mục đích xâu xa, chẳng lí do to lớn. Tôi đi học đơn thuần cho một quan niệm lẩn trốn ăn sâu trong suy nghĩ. Bạn sẽ ra sao nếu mình làm việc mà không biết mục đích cuối cùng của mình?


***

Con đường tôi đi trải vòng theo khúc cua sau trường. Đó là nơi duy nhất tôi thấy trồng hoa giấy. Cái nét đặc trưng tưởng chỉ thấy ở Nà Nội này thậm chí còn làm tôi thấy mọi thứ trên đường đều khác hẳn những nơi khác. Cửa hàng bên này đẹp hơn khu cạnh siêu thị, lòng đường có vẻ như lát phẳng hơn, bố trí cây xanh hợp hơn. Ngay cả ăng-ten trên các nhà xung quanh cũng như đều và bớt rối. "Mình điên rồi". Tôi tự cười mình khi lóe lên suy nghĩ về những sự khác biệt có lẽ chỉ mình tôi cảm thấy đó. Trở lại với hiện tại, tôi đang bước qua cây hoa giấy cuối cùng, và phía trước là cổng trường, bên cạnh là quán nước ven đường hầu như chẳng bao giờ thấy học sinh ghé vào.

Bỗng nhiên tôi đứng khựng lại. Một thứ vô hình gây chùn bước.
Ngay tại đó, chỗ bóng râm rung rinh theo gió của cây hoa giấy, một bóng đen được đặt nhẹ nhàng vào vạt tối mờ mờ. Một con người, mặc quần đen, áo đen, và làn da có màu suýt khiến tôi chẳng phân biệt được với màu bóng râm. Đó là một người đã có tuổi! Tôi nhìn kĩ, cụ không mang dép, ngồi bệt dưới đất. Chân trái co lại, chân phải dựng, cụ ngồi hai tay đan chéo, một dáng điệu giản dị hơn bao giờ hết. Bồ đồ cụ mặc tuy đứng xa cũng rõ là đã sờn nhiều, vài chỗ chụm vá. Da cụ xám xịt, có vẻ đã giang nắng nhiều hơn là màu da sẵn thế. Mắt nhìn chăm chú về phía tôi.

Có lẽ tôi sẽ chỉ đâm đầu đi thẳng vào trường, nhưng tôi nghe tiếng nói phát ra từ trong bóng râm đó. Tiếng nói đặc trưng của người đã đứng tuổi, run run, đôi lúc ngắt quãng như dừng để thở:
- "Bao giờ đoàn xe quân ta về cô nhớ nhắn tôi cô nhé! Thằng Tiến nó biên thư là nó mong tôi lắm. Tôi phải ra đón nó".
Từ bên cạnh có tiếng nói với lại của chị hàng nước:
- "Dạ vâng. Khổ, cụ dặn con bao lần rồi".
Sau đó cụ lại im lặng.
Tôi tiến gần đến cụ, cho đến giờ tôi vẫn chẳng hiểu tại sao lúc đó tôi lại không đi thẳng vào trường. Cụ hình như chẳng để ý có người đang đến, vẫn nhìn về phía trước như ngóng đợi. Tôi ngồi nhìn cụ một hồi lâu. Gương mặt buồn, khắc khổ, tóc đã bạc trắng, phủ qua loa bởi chiếc khăn cũng cũ không kém bộ quần áo. Da cụ đầy vết đồi mồi, ngai ngái mùi đất, đôi môi thì lúc nào cũng mím lại, đôi lúc khẽ thở dài và chắt lưỡi. Và mắt thì lúc nào cũng hướng ra ngoài, về phía cái khoảng không mà tôi chẳng rõ có gì đang sắp đến !?.
Có tiếng của chị hàng nước: "Khổ thân chưa, tháng nào cũng vài lần lén trốn từ trại dưỡng lão sang đây ngóng con. Mà ngóng cái gì không biết? Con cụ ấy thì đã hy sinh rồi, bộ đội, người xứ Bắc. Nghe đâu cậu ấy bị thương, chuyển về đến Hà Nội thì mất luôn. Cụ từ đó lẩn thẩn, bỏ đi biệt xứ. Vào đến đây thì mấy chú dân quân đem vào trại. Mà cũng tại cái đám hoa giấy này, cứ khiến cụ lẫn lắm cơ. Này này ... Cậu làm gì đấy? Đừng đụng vào cụ ấy nhé. Để cụ ấy yên".

Tôi dần hiểu ra cụ đang ngóng gì. Đôi mắt mờ sương vì khắc khổ của cụ vẫn sáng lên khi tận cuối con đường có vài chiếc xe chuyển hướng vào. Rồi cụ cũng thất vọng vì chẳng chiếc nào đỗ xuống cả.
- "Cậu không lo di tản đi, ngồi đấy làm gì. Mấy chú quân binh tuần tra mà bắt được thì có mà nát đít".

Tôi bật cười. Có lẽ tôi cũng là một nhân vật trong cuộn film quá khứ trải dài trước mắt cụ. Cụ đang hoài niệm, nỗi niềm của một người có tuổi bất hạnh luôn đẹp. Và tôi thì chẳng muốn phá vỡ, mặc dù tôi biết sẽ có người đến đưa cụ về:
- "Cháu ở lại đón anh cháu theo đoàn thương binh về ạ. Cháu trốn mẹ ra đây, thưa cụ".
- "Thôi, về đi. Quân binh ở đây kỉ luật lắm. Đến ta già thế này còn bị lôi bần bật về đấy!". Cụ vỗ tay lên vai tôi.

Tôi đáp lại, chẳng thấy ngượng với cô hàng nước đang nhìn mình:
- "Không đâu ạ. Anh cháu về đây không thấy ai lại lo nghĩ. Cháu phải ở lại".
- "Ừ, thế đợi chung với ta. Đừng đi đâu lung tung đấy".

Cụ đang sống lại trong mình những kí ức rõ ràng nhất, ngay trước cái khoảnh khắc định mệnh của đời cụ. Một người mẹ xem đứa con là lẽ sống, đến khi đứa con mất đi thì tất cả sẽ chỉ còn những gì phía trước giai đoạn đau đớn ấy. Mắt cụ bỗng nhiên thẫm nước, cụ rên rỉ với bóng tối bao quanh cụ, "thằng Tiến" nào đó, về cái tình yêu của anh ấy trước khi nhập ngũ mà cụ không cho phép, về khoảng thời gian cả gia đình sống chỉ bằng củ sắn mà rộn tiếng cười, về cái đơn nhập ngũ mà cụ nhận được với tâm trạng nửa lo nửa mừng. Con cụ được tham gia kháng chiến, đó là hãnh diện cho những chàng trai đến tuổi được cống hiến cho đất nước. Dải đất hình chữ S mà tôi cùng cụ sinh sống không hẳn chỉ được xây dựng bằng mồ hôi và công sức, mà còn bằng máu và nước mắt. Giọng cụ run run, thỉnh thoảng nấc lên. Tôi nghe toàn bộ câu chuyện dựng lại qua giọng kể của người đã trải. Nhưng nửa được nửa mất, tuy nhiên tôi biết đó là những gì đẹp nhất mà cụ níu giữ, vật lộn với sự thật và hiện thực cô đơn. Tôi lúc đó bỗng dưng căm thù chiến tranh hơn bao giờ hết. Tôi đay nghiến cho những người bị cuốn vào cái vòng khói lửa ấy.

Chừng vài phút sau, có hai bác đến đón cụ. Tôi nhìn thấy từ xa bộ dạng hớt hải tìm cụ của họ. Tiếng cô hàng nước lại thốt lên:
- "Họ đến rồi kia kìa. Cậu lo đi đi, kẻo cụ ấy vùng cưỡng lại họ cậu bị vạ lây đấy. Khổ".

Tôi vội vàng quay sang: "Cháu nghe bảo đâu đoàn xe đã được chuyển thẳng về vùng di trú. Cụ đừng đứng đây nữa. Theo họ đi di tản ạ". Cụ quay sang tôi, mắt sáng lên: "Thế hả?". Nói xong thì hai người đó đã đến, cụ đưa tay cho họ đỡ dậy. Hai người ngạc nhiên lắm, cả cô hàng nước cũng thế. Cụ đi theo hai người, tay vẫn chỉ về cái khoảng không đằng trước và luôn miệng nói họ dẫn về chỗ "di trú". Tôi đứng nhìn họ đi đến cuối đường.

Tiết GDCD, chủ đề ngoại khóa là "Công dân với xã hội". Thay vì nghĩ về những thứ vẩn vơ xung quanh cuộc sống tôi như trước, tôi nghĩ đến cụ, đến chiến tranh phá tan bao gia đình. Cụ già rồi, không gia đình, không con cháu. Có gì xấu nào, khi thay vì ép cụ chấp nhận hiện thực thì những người chăm lo về già cho cụ nuôi dưỡng trong tim cụ một niềm tin nhỏ bé.
Rồi mai đây ai sẽ chăm sóc cụ? Ai sẽ hiểu cho những nỗi niềm chỉ cụ mới có? Trên thế gian này sẽ có mấy người chấp nhận nhưng không hề lung lay vào cái niềm tin của cụ, như tôi?
Hẳn sẽ có rất nhiều. Nhưng đa phần sẽ chỉ như cô hàng nước thôi. Chữ "khổ" sẽ kéo dài trong mỗi câu nói. Lý tưởng cao đẹp đó của họ sẽ bị cuộc sống cuốn đi không thương tiếc. Họ sống, xen lẫn sự đồng cảm và mưu sinh. Cần có những người thực sự xem các cụ như một lý tưởng sống. Cụ, và những người khác, cần những người hiểu và giúp họ vượt qua khó khăn tinh thần day dứt họ cả một thời gian.


***

Trong đầu tôi dần hiện lên kế hoạch chỉnh đốn học hành. Tôi cần phải chăm chỉ, tôi đã tìm ra mục đích của mình. Tan học. Bến xe. Bốn giờ rưỡi chiều. Chiếc xe buýt dừng lại, đón tôi là chị soát vé thân quen. Chị giựt chiếc vé dúi vào tay tôi. Tôi cười:
"Mai học xong chị cho em rớt lại tại đường rẽ vào Trung Tâm Thanh Niên vì Cộng Đồng, chị nhé".

Hoàng Minh Tú (vn-zoom)