PDA

View Full Version : Hát Trên Đỉnh Đồi



littlewave
10-02-2009, 10:41 PM
Vài suy nghĩ về BÀI THƠ CỦA THÁNH GIO-AN THÁNH GIÁ


Hát Trên Đỉnh Đồi




Đưa con lên núi lên đồi,
Riêng con với Chúa, ta ngồi nhìn nhau.
Ngắm nhìn nhan Chúa thật lâu,
Rồi dìu con bước vào sâu trong Ngài.





Ta lên, lên tận đỉnh đoài,
Ta vào động đá tạc lời nước non.
Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con.
Ta cùng sẻ ngọt chia ngon đủ điều





Con xin và Chúa sẽ chiều,
Tỏ cho con hết những điều con mong.
Con thì dâng Chúa cõi lòng,
Đáp tình Chúa đổ máu hồng thương con.





Gió về, gió thổi trên non,
Đê mê câu hát sắt son khối tình.
Giữa trời trong, giữa đêm trinh,
Lửa về, lửa cháy luyện tình cho thơm.




Bài Hát Trên Đỉnh Đồi nguyên là một bài thơ của thánh Gio-an Thánh Giá được Lm Trăng Thập Tự chuyển qua Việt ngữ (theo ý thơ hơn là theo sát lời thơ) và Lm Ân Đức phổ nhạc. Đọc qua hoặc nghe qua, chắc có người sẽ cảm thấy lời thơ quá tình cảm, thậm chí ủy mị và "trần tục". Quả thực, tuy nói về mối quan hệ thắm thiết giữa Chúa và linh hồn, nhưng bài thơ dùng nhiều từ ngữ và hình ảnh giống như mượn từ một mối tình đôi lứa, một cuộc hẹn hò của cặp tình nhân rủ nhau lên núi, vào động xa thật xa, thật vắng vẻ, kín đáo để được tự do một mình tha hồ tâm sự, thề thốt, trao tình.

Cách nay mấy năm, tôi đã được nghe ca khúc này của Lm Ân Đức trong suốt một tuần giảng tĩnh tâm cho các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, mỗi ngày hai lần vào đầu giờ giảng sáng và chiều. Lúc đầu tôi không để ý lắm đến ca từ, chỉ để cho tâm hồn buông theo điệu nhạc ngọt ngào dìu mình đi vào sự tĩnh lặng của linh hồn để kết hiệp với Chúa. Về sau quen âm điệu rồi, tôi mới bắt đầu chú ý đến lời thơ. Tôi không thấy có gì thắc mắc, nhưng những ngày cuối tuần phòng tôi có chia sẽ với các nữ tu rằng những hình ảnh của đoạn cuối gợi ý "đôi tình nhân đã đạt tới tột đỉnh của cuộc hẹn hò": tột đỉnh được mô tả bằng những từ "đê mê", "đêm trinh", "lửa cháy". Tôi chỉ nói thế mà không giải thích thêm, sợ các nữ tu chia trí ...

Quả thực, nếu dừng lại nơi nghĩa trực tiếp, người ta sẽ cảm thấy những từ như thế gợi lên những hình ảnh rất "trần tục". Bây giờ thì chính tôi cũng có đôi chút thắc mắc, hay đúng hơn tò mò, muốn tìm hiểu thêm, cho dù chỉ là hết sức sơ sài. Trước hết ta hãy đặt bài thơ này vào trong cuộc đời và tư tưởng của tác giả là thánh Gio-an Thánh Giá. Thánh nhân là một nhà thần bí lớn của Giáo Hội công giáo, sống cùng thời với một vị thần bí lớn khác là thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la vào thế kỷ XVI, cả hai đều là người Tây Ban Nha, là tu sĩ thuộc hai nhánh nam và nữ của dòng Cát-minh và đã cùng nhau hợp lực cải tổ lại hội dòng hồi ấy đang sa sút. Công cuộc cải cách đã khiến ngài chịu rất nhiều đau khổ, lúc đầu bị phe chống cải cách bắt tống vào ngục khoảng mười tháng, còn về sau lúc đã thành công, ngài lại bị chính phe cải cách truất hết mọi chức vụ trong dòng, đẩy về một đan viện xa xôi như một kẻ có tội chỉ vì ngài ủng hộ những anh em cải cách ôn hoà. Và ngài đã qua đời vì bệnh tật trong tình trạng như thế ngày 14-12-1591. Tôi nhấn mạnh tới những thử thách ngài phải chịu vì cho rằng các thử thách bất công ấy đã tinh luyện ngài, đưa ngài đi sâu hơn vào đời sống thần bí. Chính là trong thời gian bị giam cầm mà ngài đã viết toàn phần hay một phần ba tác phẩm lớn về đời sống thần bí, đó là: Bài ca thiêng liêng, Đêm tối của linh hồn và Ngọn lửa sống động của Tình yêu, - những tác phẩm được coi là cổ điển trong văn chương thần bí.

Thần bí không phải là bí mật, huyền bí. Trong đạo chúng ta, nói tới nhà thần bí là nói tới một người Kitô hữu có một cảm nghiệm thâm sâu về Thiên Chúa, một đời sống kết hiệp mãnh liệt với Thiên Chúa. Kinh nghiệm thần bí luôn tập trung vào việc tìm kiếm sự thống nhất, sự hiệp nhất. Mục đích của đời sống thần bí là đạt tới tình trạng "nên một với Thiên Chúa" không những bằng ân sủng siêu nhiên (mà ta không "cảm thấy" được) nhưng còn bằng cả kinh nghiệm sống động nữa. Thánh Gio-an Thánh Giá là một con người như thế và thường được gọi là vị "Tiến sĩ thần bí" (Mystical Doctor) bởi vì ngài đã suy nghĩ về kinh nghiệm của mình và rút ra những chỉ dẫn cho ai muốn đi theo con đường như thế. Theo kinh nghiệm đó, ngài mô tả hành trình vào sâu trong đời sống Thiên Chúa như một cuộc thanh luyện triệt để bắt buộc con người kinh qua những đêm tối, -đêm tối của giác quan, đêm tối trí tuệ, đêm tối của đức tin- trước khi mở ra trên ánh sáng thần linh.

Nếu thế thì không lạ gì khi các nhà thần bí thường so sánh kinh nghiệm thông hiệp giữa linh hồn vàThiên Chúa với một cuộc hôn phối. Con người chỉ có thể bập bẹ nói về những thực tại siêu việt bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm giới hạn của mình. Trong Kinh Thánh, trường hợp tiêu biểu và hiển nhiên nhất là sách Diễm Ca (hay Diễm Tình Ca). Trong loại văn chương này, các cách diễn tả và hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng nằm đàng sau ý nghĩa trực tiếp. Nếu không hiểu như thế thì chúng ta sẽ chẳng hiểu đúng điều tác giả muốn nói.

Bây giờ trở lại với bài thơ của thánh Gio-an Thánh Giá, tôi nhận ra rõ hơn cuộc hành trình của hai "bạn tình". Khởi đầu là một cuộc leo lên cao gồm hai chặng: một ngọn núi hay đồi phỏng chừng không cao lắm, rồi đến một động đá "rất cao" và "kín đáo" không ai biết. Hai đoạn cuối mô tả mục đích của cuộc "thoát ly": nơi đây xa hẳn cuộc đời huyên náo dưới kia, chỉ còn "ta với ta" tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu được mô tả với những hình ảnh: gió thổi nhẹ, tiếng hót êm ái của hoạ mi, khu rừng nhỏ xinh xinh, đêm thanh và ngọn lửa đốt cháy "và "không làm khổ tâm nữa" (theo bản tiếng Pháp). Đem cuộc hành trình này áp dụng cho cuộc hành trình thiêng liêng mà tôi đã phác vẽ lại trên kia, thiết tưởng không có gì khó hiểu hoặc khiến người đọc phải thắc mắc.

Học viện Phanxicô, ngày 7. 1. 2005
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô