PDA

View Full Version : Đức Giáo Hoàng Với Tân Đại Sứ Úc tại Vatican



px_hongtrinh
14-02-2009, 10:45 AM
Đức Giáo Hoàng Với Tân Đại Sứ Úc Tại Vatican

VATICAN CITY, 12 tháng Hai, 2009 (Zenit.org).- Sau đây là diễn văn của Đức Bênêđíctô XVI đọc vào ngày hôm nay, nhân dịp tiếp nhận ủy nhiệm thư của Ông Timothy Andrew Fischer, đại sứ thường trú đầu tiên của Úc bên cạnh Tòa Thánh

Thưa Ông Đại Sứ

Thật là một vui mừng đặc biệt cho tôi được chào mừng ông tới Vatican và tiếp nhận Ủy Nhiệm Thư cử ông làm Đại Sứ Ngoại Thường và Toàn Quyền của Úc tại Tòa Thánh. Tôi xin ông vui lòng chuyển tới Tổng Toàn Quyền là Bà Quentin Bryce, và Chính Phủ cũng như nhân dân quí quốc lòng biết ơn đối với những lời chúc thăm của họ. Với những kỷ niệm sống động về cuộc thăm viếng mới đây của tôi tại xứ sở tuơi đẹp của ông, tôi xin bảo đảm với ông rằng tôi luôn cầu nguyện cho sinh phúc của qúi quốc và đặc biệt tôi xin được gửi lời chia buồn tới các cá nhân và gia đình đang buồn sầu tại Victoria, là những người đã mất người thân trong các vụ hoả hoạn mới đây.

Việc bổ nhiệm ông làm Đại Sứ thường trú đầu tiên của Úc cạnh Tòa Thánh đánh dấu giai đoạn mới đáng hoan nghênh trong các mối liên hệ ngoại giao của chúng ta và đem lại một cơ hội để thâm hậu hóa sự hiểu biết lẫn nhau và mở rộng hơn nữa sự hợp tác vốn đã có ý nghĩa của chúng ta. Việc Giáo Hội giao tiếp với xã hội dân sự được đặt căn bản trên niềm xác tín rằng tiến bộ nhân bản, bất kể là của cá nhân hay cộng đồng, tùy thuộc vào việc nhìn nhận ơn gọi siêu nhiên thích đáng đối với từng con người. Chính là do Thiên Chúa mà mọi người đàn ông và đàn bà đã nhận được phẩm giá chủ yếu (xem Sáng Thế 1:27) và khả năng tìm kiếm chân lý và sự thiện của họ. Bên trong cái nhìn rộng lớn ấy, ta có thể đi ngược lại với các xu hướng của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa duy hiệu quả (pragmatism & consequentialism), hết sức thịnh hành ngày nay. Các chủ nghĩa này chỉ xem sét các triệu chứng và hậu quả của chống đối, của mảnh vụn hóa xã hội, của mù mờ luân lý, chứ không chú ý cho tới gốc rễ của chúng. Khi đem chiều kích linh thiêng của nhân loại ra ánh sáng, thì tâm trí cá thể tự nhiên được lôi kéo tới Thiên Chúa và tới các kỳ diệu của sự sống con người, một sự sống tự nó vốn là chân, mỹ, các giá trị luân lý và người khác. Nhờ cách đó, ta có thể tìm thấy một nền tảng vững chắc để hợp nhất xã hội và duy trì được một tầm nhìn đầy hy vọng.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một biến cố hết sức quan trọng đối với Giáo Hội hoàn vũ và đối với nước Úc. Những phản hồi đánh giá cao vẫn đang còn tiếp tục vang lên ngay bên trong quí quốc lẫn từ khắp mặt địa cầu. Trên hết, mọi Ngày Giới Trẻ Thế Giới đều là một biến cố thiêng liêng: một thời điểm để giới trẻ, mà không phải ai ai cũng có liên hệ gần gũi với Giáo Hội, gặp gỡ được Thiên Chúa trong một cảm nghiệm cầu nguyện, học hỏi và lắng nghe sâu sắc, và nhờ đó tiến tới chỗ cảm nghiệm được đức tin trong hành động. Như ông Đại Sứ đã nhận xét, chính các cư dân Sydney đã được niềm vui đơn sơ của khách hành hương gây cảm hứng. Tôi cầu xin cho thế hệ mới của giới trẻ Kitô Hữu này tại Úc Châu và trên toàn thế giới biết hướng lòng hứng khởi của họ đối với mọi điều chân thiện vào việc rèn đúc tình bạn chống lại mọi chia rẽ và tạo không gian để sống đức tin trong và cho thế gian, làm khung cảnh cho hy vọng và đức ái thực tiễn.

Thưa Ông Đại Sứ, dị biệt văn hóa đem lại sự phong phú cho cấu trúc xã hội của nước Úc ngày nay. Trong nhiều thập niên qua, cấu trúc ấy từng bị hoen ố bởi nhiều bất công mà người Thổ Dân từng phải chịu một cách đau đớn. Nhờ lời xin lỗi do Thủ Tướng Rudd đưa ra năm ngoái, một thay đổi sâu xa trong trái tim đã được khẳng nhận. Ngày nay, được đổi mới trong tinh thần hòa giải, cả các cơ quan chính phủ lẫn các trưởng thượng thổ dân đều có thể đương đầu một cách cương quyết và đầy cảm thương với toàn bộ các thách đố trước mặt. Một điển hình nữa cho thấy ý của chính phủ ông muốn cổ vũ lòng tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa là cố gắng đáng khen của chính phủ ấy trong việc làm dễ dàng các đối thoại và hợp tác liên tôn cả trong nước lẫn ở trong vùng. Các sáng kiến như thế giúp bảo tồn được các gia tài văn hóa, nuôi dưỡng chiều kích công của tôn giáo, và làm ngời lên các giá trị mà không có chúng trái tim xã hội dân sự sẽ héo úa.

Hoạt động ngoại giao của Úc tại Thái Bình Dương, Á Châu và gần đây tại Phi Châu là một hoạt động nhiều mặt và đang lớn rộng. Sự hỗ trợ tích cực của quí quốc đối với Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (Millennium Development Goals), rất nhiều những hùn hạp trong vùng, nhiều sáng kiến để củng cố Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạch Nhân, và sâu sắc quan tâm tới việc phát triển kinh tế hợp công chính đều là những hỗ trợ nổi tiếng và đáng kính. Và trong khi các tranh tối tranh sáng của việc hoàn cầu hóa đang đụng tới khắp thế giới một cách ngày càng phức tạp, thì qúi quốc đang chứng tỏ là mình sẵn sàng đáp ứng một số các đòi hỏi của nó một cách có nguyên tắc, có trách nhiệm và đầy canh tân. Trong số đó, không hẳn không quan trọng chính là những đe doạ đầy thách thức đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua việc thay đổi khí hậu. Có lẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử con người của chúng ta, mối liên hệ nền tảng giữa Đấng Hóa Công, Công Trình Tạo Dựng và Tạo Vật cần được cân nhắc và kính trọng. Từ sự nhìn nhận này, ta có thể khám phá ra một qui tắc chung về đạo đức học, bao gồm các qui phạm bắt rễ trong luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã khắc ghi vào trái tim mọi con người nhân bản.

Trong sứ điệp của tôi gửi Ngày Hòa Bình Thế Giới (World Day of Peace), tôi đặc biệt lưu ý tới nhu cầu cần phải có một phương thức đạo đức trong việc tạo ra các hùn hạp tích cực giữa thị trường, xã hội dân sự và nhà nước (xem số 12). Về phương diện này, tôi thích thú ghi nhận quyết tâm của Chính Phủ Úc trong việc thiết lập ra các mối liên hệ hợp tác dựa trên các giá trị công bằng (fairness), quản lý tốt, và một cảm thức tình lân bang trong vùng. Một chủ trương đạo đức thực sự phải có mặt giữa lòng mọi chính sách phát triển có trách nhiệm, biết tôn trọng và có tính bao hàm xã hội (socially inclusive). Chính đạo đức học mới làm cho một đáp ứng đầy cảm thương và đại lượng đối với nghèo đói trở thành một điều bắt buộc; đạo đức học biến thành khẩn trương việc hy sinh các lợi ích có tính duy cản vệ (protectionist) giúp cho các xứ nghèo có thể bước vào các thị trường phát triển, cũng như nó đã biến thành hợp lý việc các quốc gia nhất định đòi cho bằng được việc phải biết tính sổ và trong sáng trong việc sử dụng nguồn viện trợ tài chánh nơi các quốc gia tiếp nhận.

Về phần mình, Giáo Hội có một truyền thống lâu dài trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong lãnh vực này, Giáo Hội đặt lên hàng đầu phương thức đạo đức đối với các nhu cầu đặc thù của mọi cá nhân. Nhất là tại các nước nghèo hơn, Các Dòng Tu và các cơ quan của Giáo Hội, trong đó có nhiều nhà truyền giáo Úc, đã tài trợ và cung cấp nhân viên cho một mạng lưới rộng lớn các bệnh viện và bệnh xá, đôi khi tại các vùng xa xôi nơi nhà nước không thể phục vụ dân chúng của họ được. Đặc biệt đáng quan tâm là việc cung cấp chăm sóc y tế cho các gia đình, trong đó có việc chăm sóc sản khoa cao cấp cho phụ nữ. Tuy nhiên quả là oái oăm, khi có nhóm đã lợi dụng các chương trình viện trợ để cổ vũ việc phá thai, coi nó như một hình thức chăm sóc sức khoẻ ‘người mẹ’: lấy đi một mạng sống, lấy cớ là để cải thiện phẩm chất sự sống!

Thưa ông Đại Sứ, tôi chắc chắn rằng việc cử nhiệm ông sẽ củng cố thêm mối dây liên kết thân hữu vốn đã có giữa nước Úc và Tòa Thánh. Trong khi thi hành các trách nhiệm mới của mình, ông sẽ gặp được hàng loạt các phòng sở khác nhau của Giáo Triều Rôma sẵn sàng trợ giúp ông hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thành tâm khẩn cầu Thiên Chúa Tối Cao ban dư đầy phúc lành trên ông đại sứ, gia đình ông cùng đồng bào ông.


Vũ Văn An
VietCatholic News (14 Feb 2009 02:56)