PDA

View Full Version : Những câu chuyện của LM Martino Nguyễn Bá Thông



mimosa_jolly
19-02-2009, 10:19 PM
Lại... Một Chuyến Ði
Chuyện Thứ Nhất: Người Trong Một Nước Phải Thương Nhau Cùng!


LM Martino Nguyễn Bá Thông 15/02/2009



** Tôi vừa đặt chân về lại nước Mỹ sau 1 tháng "lang thang" tại Việt Nam và Campuchia. Trong lòng vẫn còn ngổn ngang nhiều thứ. Nhất là còn đang nợ bạn đọc những "cảm nhận thật" của tôi mà tôi hứa sẽ viết! Có bạn còn viết: "chúng con đang đợi các câu chuyện của Cha" cho dù đã đọc được một số bài viết tường thuật và các hình ảnh minh họa trên trang web của tôi http://www.hayyeuthuongnhau.org/ (http://www.hayyeuthuongnhau.org/) do một số người cùng đi viết. Nhưng họ bảo vẫn thiếu "dấu ấn" của tôi và nhất định đòi tôi phải trả nợ!

Thú thật, trong đầu tôi đã "sắp xếp" và cũng đã "take note" là sẽ tuần tự kể như thế nào để cho cả chuỗi bài "Lại... Một Chuyến Đi" (vì tôi đã viết "một chuyến đi" cho cái tết Đinh Hợi rồi) có "đầu có đuôi!" Nhưng tất cả các dự định đó đều... tiêu tan chỉ vì một câu chuyện. Một câu chuyện xảy ra sau cùng trong chuyến đi. Một câu chuyện sảy đến sau khi tôi đã rời lãnh thổ Việt Nam và đặt chân đến Hàn Quốc! Một câu chuyện mà đến giờ này, sau hơn 12 tiếng đồng hồ đặt chân lên đất Mỹ tôi vẫn thấy khó chịu. Thôi bạn cho phép tôi lấy câu chuyện "cuối" để làm... đầu cho "Lại... Một Chuyến Đi" nhé! Nào mời bạn bước vào câu chuyện thật thứ nhất: Chuyện "người trong một nước phải thương nhau cùng!"

Chuyến bay mang ký hiệu VN 938 của Vietnam Airline (Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam) cất cánh lúc 11:20PM đưa tôi và bố tôi cùng hơn 200 hành khách rời Việt Nam. Sau nhiều ngày... thiếu ngủ trầm trọng tại Việt Nam, tôi ngủ say như chết. Ngủ đến độ không thức dậy để ăn!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/405437906_bf9ffa1c37.jpg Hình chỉ mang tính minh họa




Tiếng bánh máy bay chạm vào đường băng đánh thức tôi dậy. Tôi tưởng mình đã đến sân bay Incheon International Airport, nơi chúng tôi sẽ có 4 giờ thoải mái mua sắm, ăn uống cho tới 10:05AM mới chuyển sang chuyến bay mang ký hiệu KE 035 của hãng Korean Airline về lại Atlanta. Thế nhưng sự việc không như tôi nghĩ:

- Tới rồi hả bố? Tôi vừa hỏi bố, vừa ngáp.



- Không! Bố tôi trả lời. Họ đáp xuống sân bay nào đó. Bố nghe không rõ, nhưng không phải là sân bay Incheon - Bố tôi đứng dậy lấy đồ và nói tiếp: "Chắc phải đi xe bus qua sân bay Incheon."

Tôi thở dài ngao ngán...

- Không đâu bác, họ nói là sẽ đợi ở đây, tại sân bay Busan này. Vì sân bay Incheon sương mù nhiều quá không đáp được nên phải đợi tan bớt rồi mới bay qua bên kia. Bà chị ngồi kế bên chúng tôi nói to. Chị lấy chồng người Hàn Quốc, nay mang con về quê hương ăn Tết.



- Cám ơn chị! Thế chị có biết họ dự tính ở đây bao lâu không? - Tôi hỏi chị vì sợ bị... lỡ chuyến bay về Mỹ thì sinh tội!



- Không em. Nhưng chắc không lâu đâu vì ở Seoul này khoảng 8 giờ là sương mù bớt rồi!
- Cám ơn chị. - Tôi vừa nói vừa nhẩm tính trong đầu... 8 giờ sáng bay, qua bên sân bay kia hết 30 phút. Thêm 30 phút hay cùng lắm là 1 tiếng di chuyển. Thế là vẫn OK, vẫn kip chuyến bay lúc 10:05AM! Và tôi bình an lăn ra... ngủ tiếp!

Lại tiếng bánh máy bay chạm vào đường băng đánh thức tôi dậy. Mở mắt nhìn đồng hồ: Mười giờ thiếu năm. Trời! Tôi dụi mắt lo lắng, hy vọng là không trễ chuyến bay. Qua hệ thống âm thanh, tiếng cô tổ trưởng tổ tiếp viên nhẹ nhàng thông báo: "Qúy khách đáp chuyến máy bay đi Mỹ không nên qúa lo lắng vì sẽ có nhân viên mặt đất, cả người Việt của Vietnam Airline với người Hàn của Korean Airline đón qúy khách, giúp qúy khách làm thủ tục nhanh gọn và sẽ không phải lo bị trễ chuyến bay! Vậy là an tâm. "Ít ra thì cũng như thế chứ!". Có tiến bộ và không "bịp thông tin" như trước! - Tôi khen thầm trong bụng.


Và dường như hiểu được điều tôi vừa khen, cô còn đến tận chỗ ngồi của chúng tôi và nhắc lại lời cô vừa nói trên hệ thống âm thanh để chúng tôi yên tâm:

- Con đã liên lạc với hãng Hàn Quốc, họ sẽ cho nhân viên của họ đón bác để dẫn qua bên kia - cô nói với bố tôi. Có cả nhân viên người Việt của Việt Nam Airline "hỗ trợ" phiên dịch và giúp nên bác cứ yên tâm!

Tôi không biết bố tôi nghĩ gì, chứ tôi thì "mát" lòng lắm! Sau bao nhiêu năm đi Vietnam Airline, lần đầu tiên gặp được một trưởng tổ tiếp viên lịch sự và coi "khách hàng là thượng đế" như cô! Thật đáng khen - chỉ tiếc là tôi không kịp nhìn tên cô để... khen cho "đúng việc, đúng người!"


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/2433101722_d6e0428d99_o.jpg Hình chỉ mang tính minh họa!



Nếu chuyện chỉ diễn ra tốt đẹp như thế thì đã không làm tôi còn "khó chịu" đến bây giờ! Cô tiếp viên dẫn chúng tôi ra đến cửa và "trao" chúng tôi (gồm tổng cộng 6 người) cho hai nhân viên (một nam một nữ) người Hàn Quốc và một nam nhân viên người Việt Nam. Với nụ cười vui vẻ cô một lần nữa xin lỗi chúng tôi về việc chậm trễ của chuyến bay và chúc chúng tôi "thượng lộ bình an". Nhưng rồi, ngay sau đó một chuyện khác đã xảy ra...

************************

Gần đấy có hai bác cũng khá lớn tuổi đang đứng "lơ tơ mơ" lo lắng vì không biết mình phải làm gì và đi đâu. Hai nhân viên người Hàn Quốc cũng... lo lắng không kém vì không thể nào nói cho bác hiểu được! Trong khi đó nhân viên viên mặt đất người Việt của Vietnam Airline đứng ngay cạnh lại không thèm giúp! Thấy thế tôi bước lên làm thông dịch viên bất đắc dĩ. Sau vài câu đối thoại giúp hai bên "hiểu được nhau" thì các nhân viên người Hàn Quốc tiếp tục check các hành khách khác. Tôi cũng biết được là hai bác đó cùng về Atlanta với tôi nên "an ủi" hai bác đừng lo lắng, cháu sẽ giúp (Hy vọng hai bác đọc được bài viết này)


Lúc này thì hình như nhân viên mặt đất người Việt hơi khó chịu vì tôi đã... giành mất việc của anh ta nên quay qua hỏi tôi cộc lốc với giọng hằn học:

- Họ cần gì?
- Bác gái cần xe lăn vì chân đau không thể đi xa được! Tôi trả lời.

Thế là anh ta đến xem một số giấy tờ của bác và... phán:

- Muốn có xe đẩy thì khi mua vé phải request. Bà không có request thì bây giờ... không có! Trên vé của bà chỉ có ghi "cần trợ giúp" thôi.

Thú thật tôi không hiểu rành lắm về việc "cần trợ giúp" và "cần xe lăn" có khác gì nhau trong ngôn từ "hàng không" hay không. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là khi khách hàng cần thì hãng máy bay phải có, cho dù khi mua vé có nói hay không. Thế là tôi trả lời anh:

- Cho dù khi mua vé bác có request hay không nhưng bây giờ bác cần thì anh phải có xe lăn cho bác. Đó là luật hàng không quốc tế. Anh đừng có mang luật Việt Nam ra đây mà áp dụng.

Tôi nói câu sau vì nhớ cách đây không lâu khi đọc báo Việt Nam có thấy một trường hợp hành khách bị khuyết tật mà "không biết" là khi mua vé phải request xe lăn nên đã không được cung cấp. Sau đó hành khách này đã thưa Vietnam Airline ra toà. (Không biết kết quả ra sao? Ai biết comment cho mọi người nhé!). Quay trở lại câu chuyện, chắc biết gặp phải kẻ biết luật mà lại đang ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam nên anh nhân viên mặt mày bí xị, bỏ vào góc đứng và không nói gì nữa.


Sau khi đợi các nhân viên Hàn Quốc kiểm tra xem họ có đầy đủ các hành khách đáp chuyến bay đi Mỹ hay chưa, tôi nói với họ bằng tiếng Anh là bác gái cần xe lăn vì chân yếu không thể đi xa được. Họ quay qua nhân viên người Việt nói:

- Anh có thể đi ra ngoài cửa tìm xem có chiếc xe lăn nào không? Vì bác này không có request xe lăn nên chúng tôi không chuẩn bị. Nếu bây giờ chúng tôi gọi xe lăn có thể phải đợi 15 hay 20 phút mà thì giờ thì gấp gáp vì đã 10:15AM rồi (Có nghĩa là chuyến bay về Mỹ đã đợi chúng tôi 10 phút!)



- She can walk! Nhân viên người Việt trả lời bằng tiếng Anh cộc lốc. Anh ta không thèm hỏi xem bác có thể đi bộ được không mà tự ý trả lời rồi quay ngoắt bước đi!

Lúc này tôi thật sự... nóng gáy! Tôi tính "bốp chát" với anh ta vài câu, nhưng một phần vội vì đã trễ máy bay, thêm nữa anh ta lại lủi nhanh, nên tôi không kịp nói gì. Trong khi đó anh người Hàn Quốc vội vã kéo vali giúp bác gái để bác đi mình không cho đỡ mệt!

Ôi! "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng!" Cái câu ca dao dễ mến đó của Việt Nam chẳng lẽ lại có "gốc" Hàn Quốc sao. Nhục, thật là nhục! Điều này làm tôi nhớ đến câu nói của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cách đây không lâu, mà trong đó có chữ NHỤC đã bị báo chí Việt Nam "mổ xẻ" và "cắt xén" để lên án! Có điều tôi chẳng biết với bạn thì sao chứ chuyện tôi đang chứng kiến thì... nhục thiệt! Ôi, người trong một nước! Ôi, nhân viên... "hỗ trợ" mặt đất của Hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam! Ôi, nhục!

Thế là một lần nữa tôi trở thành nhân viên hỗ trợ mặt đất bất đắc dĩ - Anh nhân viên Hàn Quốc đi đầu kéo va li của bác và dẫn đường cho cả nhóm, còn tôi thì "lẽo đẽo" kè bác gái ở phiá sau. Quãng đường khá dài, đi khoảng gần 20 phút. Bác bước đi từng bước chậm chạp và có vẻ đau đớn. Bác đau đớn hai đôi chân còn tôi mang trong lòng một nỗi đau, nỗi đau khó tả, nỗi đau của "Ng ư ời trong m ột n ư ớc!" Ôi quê hương! Ôi đất nước! Ôi dân tộc!

Chút suy tư:

Bạn thân mến, trong tôi có quá nhiều cảm xúc buồn vui muốn chia sẻ cùng bạn sau một tháng "lang thang" đi nghỉ. Không ngờ cảm xúc đầu tiên lại là bài này. Mogn bạn thông cảm nhé. Tôi viết lên bài này chẳng có ý trách móc hay lên án ai đâu. Chỉ muốn chúng ta nhìn ra, và chấp nhận rằng thế giới hôm nay, nhất là Nước Việt thân yêu của chúng ta có rất nhiều vấn đề, mà tôi tạm gọi là "căn bệnh" với hy vọng sau khi đã nhận ra mình "bị bệnh" thì phải tìm bác sĩ chữa cho mau!

Bài Tin Mừng cuối tuần này, Chủ Nhật thứ 6 thường niên năm B theo Thánh Marcô (Mc 1:40-45) cho chúng ta thấy anh cùi được Chúa cứu chữa sau khi chính anh nhận ra rằng mình đang bị cùi - và can đảm mở miệng nói "lạy Ngài, nếu Ngài muốn, xin làm cho tôi được sạch!" (Mc 1:40)

Lạy Chúa, thế giới hôm nay đang có rất nhiều căn bệnh! Có những căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, nhưng cũng có những căn bệnh đang hủy hoại cả một đất nước, cả dân tộc và đôi khi cả Hội Thánh của Chúa nữa. Xin cho các người lãnh đạo nhận ra được những căn bệnh đáng sợ đó và can đảm dám mở miệng xin Chúa cứu chữa, chứ đừng che dấu và lẩn tránh nó! Và xin cho chúng con, cùng chung tay với họ đốt lên những ngọn nến nhỏ trong đêm âm u, thay vì giơ tay dập tắt ánh sáng leo lét đó!

Ân Sủng và Bình An,
LM Martino Nguyễn Bá Thông

http://www.hayyeuthuongnhau.org/ (http://www.hayyeuthuongnhau.org/)

Saint Anne - Columbus, GA February, 13 2009

PS: Xin mời trở lại để cùng tôi đồng hành trong các câu chuyện kế tiếp!
6 Comments

mimosa_jolly
19-02-2009, 10:35 PM
Lại… Một Chuyến Ði - Chuyện Thứ Hai: Chuyện Những Người… "ĐIÊN"!


Người viết: LM Martinô Nguyễn Bá Thông 19/02/2009

** Sau khi "khai hoả" xong câu chuyện đầu tiên (http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/index.php?option=com_content&task=view&id=486&Itemid=28), tâm hồn tôi bớt... căng thẳng. Và thế là tôi bình an ngồi xuống viết chuyện thứ hai: chuyện của những người... "điên"!


Nhiều người gọi chúng tôi: "Cái lũ điên! Tết nhất ở nhà với gia đình, bạn bè, chứ ai lại đi rong như thế!" Và cũng có người gọi tôi "Ông cha điên, đó đâu phải việc của mấy cha!" Khi nghe câu đó tôi chỉ biết cười trừ! Giải thích sao bây giờ cho họ hiểu. Nhưng đôi khi bị "tấn công" dữ dội quá tôi đâm ra cắu bẳn: "thế các cha không làm việc đó thì để cho giáo dân làm nhé! Con có làm không? Hễ con làm thì cha thôi không làm nữa!" Biết là mình không nên nói thế nhưng đôi lúc "điên" quá nên phải nói. Thế mới được gọi là điên!



http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/dien8.jpg


** Mà có lẽ chúng tôi điên thật! Ai bảo cứ Tết không ăn Tết ở nhà lại cứ lang thang ngoài đường?! Mà có phải lang thang đi chơi Tết đâu! Cứ toàn lang thang đến những nơi "không ai muốn đến", hết nơi này lại sang nơi khác. Nơi bần cùng của xã hội, nơi nghèo khổ của trần gian, nơi chôn xác kẻ chết (nghĩa trang) nơi đống rác, dưới chân cầu... Tôi chịu chức Linh Mục được gần 5 năm và nhờ coi giáo xứ người Mỹ nên tha hồ đi vacation vào dịp Tết Việt Nam. Và thế là đã 4 cái Tết tôi... "điên"!


Này nhé, tôi không "điên" một mình đâu - Lại có nhiều người "điên" như tôi! Điển hình là Tết năm 2007 tôi lang thang ngoài đường mà tôi đã kể cho bạn nghe trong loạt bài "một chuyến đi (http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/index.php?option=com_content&task=view&id=24&Itemid=28)" rồi đó! Và Tết năm ngoái (2008), đúng nửa đêm giao thừa tôi và gần chục người bạn rời Sài Gòn lên đường đi Kontum ăn Tết với với người Thượng! Để cảm nhận được cái nghèo của họ! Nói là ăn Tết với họ cho... sang, chứ thật ra là chúng tôi lên đó "giúp họ" có chút gì để ăn Tết. Đặc biệt là trong số đó còn có một số phóng viên nhà báo, và một "chú" công an là những người bạn của tôi, đã cùng tôi nhiều năm giúp trẻ bụi đời trên dường phố. Và họ đã cùng tôi "bị" làm khó dễ nhiều lần! Họ cũng thương các em như tôi và có khi còn... hơn tôi nữa. Bạn ráng chờ đi tôi sẽ kể một câu chuyện để "chứng minh" cho bạn nhé!


Còn Tết năm nay (2009) cũng không ngoại lệ! Chỉ có khác là năm nay tôi đưa cả bố mẹ về Việt Nam ăn Tết với đại gia đình. Tuy vậy tôi cũng chỉ hứa với bố mẹ là tôi sẽ ăn Tết chung với gia đình từ ngày 28 Tết đến trưa mùng 1! Còn những ngày trước và sau Tết, xin cho tôi được làm người... "điên"! Cũng may, bố mẹ tôi đồng ý. Và còn tỏ ra vẻ thông cảm. Cám ơn bố mẹ nhiều! Dù rằng tôi là con một, và bố mẹ tôi muốn tôi ở nhà cùng đi chúc Tết họ hàng... Thế là được phép của bố mẹ, tôi thoả chí tang bồng làm người ... "điên"!

Nhóm "người điên" của chúng tôi, gồm tôi và những người "chưa một lần quen biết" - vì tôi thông báo lên website mời ai muốn đi thì đi - ra quân vào nửa đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14 tháng 1! Tuy tôi chỉ mới "hạ cánh" xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 10:30PM tối ngày 13, thế mà gần 3 tiếng đồng hồ sau, tôi và các bạn trẻ đã... lao mình vào màn đêm của Sài Gòn.

Lý do mà chúng tôi "vội vã" đi đêm 13 là vì một lý do rất đặc biệt - Đó là ngày sinh nhật lần thứ 33 của tôi. Tôi muốn dùng những đồng tiền giáo dân và bạn bè tặng sinh nhật để làm một điều gì đó có ý nghĩa và thế là... tôi rủ những bạn trẻ khác cùng đi đêm!

Chắc bạn nghe tôi kể riết cũng nhàm - lối văn lại cứ "sao y chính bản" nên hôm nay tôi mời bạn đọc bài viết của Mimosa Thanh Nhàn, một người điên của đêm hôm đó nhé!


*** Thế là "điểm hẹn "lang thang" đêm sinh nhật của Cha Thông" đã kết thúc trong niềm vui và để lại sự ấm áp trong trái tim mỗi người. Thật đúng khi nói tình thương làm ấm lên cái giá lạnh của đêm tối, và điều đó đã được trải nghiệm thực tế trong chuyến đi này.

Sau khi tập trung từ lúc 10h và đến đông đủ thì nhóm thực hiện một bữa ăn khuya ở Hủ tiếu Quỳnh, để lấy sinh lực cho một ngày mới.

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/dien.jpg

Ăn đi, giỡn hoài, lỡ tí Cha Thông không cho ăn thì sao?...hihi...


Ăn xong là nhóm đến Nhà Thờ Đức Bà đợi Cha Thông. Sau một thời gian ngó nhìn khắp nơi thì Cha xuất hiện với vẻ mặt rạng ngời bắt tay các bạn chúng mình. Thế là họp lại để Cha giới thiệu và làm quen với mọi người cùng đi, rồi phân chăn mền ra từng túi và chia tiền lì xì vào từng phong bì nữa... Chúng tôi cầm tay nhau cầu nguyện, sau đó cha Thông ban phép lành và... xong hết rồi, lên đường nào...


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/dien6.jpg


13 chiếc Honda - với 26 người... điên đến từ khắp các nẻo đường Việt Nam, Áo, Úc, Canada và Pháp lao đi vun vút trong bóng đêm! Không, chúng tôi không đi... đua xe, cũng không đi... ăn cướp! Chúng tôi đi chia sẻ niềm vui! Tạ Ơn Chúa, cám ơn Mẹ đã cho chúng con bình an!!!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/dien2.jpg
Cho Chăn Ấm vào Bọc!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/dien5.jpg
Cả Phong Bì Đỏ Nữa!

Cùng nhau đi trên các tuyến đường qua quận 5, quận 10 ,quận 1,... cứ từng cặp chay theo nhau, không khí về đêm quá lạnh, nhìn ai ai cũng lạnh lắm nhưng nụ cười thì luôn hiện hữu trên gương mặt. Nhìn dễ thương gì đâu luôn đó. Cứ thế, khi thấy ở một nơi nào đó, từ lề đường, một góc khuất có một hình dáng co ro đang nằm ngủ, thương lắm, cái giá lạnh bao trùm nhưng biết đi về đâu khi không có chỗ ngả lưng sau một ngày kiếm sống... Và nơi ấy, nơi góc khuất, nơi lề đường... trở thành nơi ngả lưng cho họ, những con người không được may mắn như chúng ta.


Xe ngừng lại, một vài bạn đi với Cha (mà chúng tôi gọi là chú) Thông đến với họ... Bên cạnh họ, chú Thông qùy xuống: "Bác ơi, Anh ơi, Chị ơi!" tiếng kêu nhẹ để đánh thức giấc ngủ của họ, ai nấy thoáng chút bỡ ngỡ khi nghe: "hôm nay là sinh nhật của một người và anh ấy có chút quà biếu Bác, biếu Anh, hay biếu Chị cái chăn đắp cho ấm, trời lạnh quá mà... cùng một chút lì xì nho nhỏ gởi lại..." rồi như chưa hiểu lắm nhưng trên những khuôn mặt ấy thoáng lên vẻ tươi tỉnh, niềm vui cùng nụ cười ấm áp khi nhận được sự chia sẻ trong tình người với nhau.

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/dien7.jpg

Mimosa chợt nghĩ, giờ này mỗi ngày mình luôn được nằm trong nệm êm chăn ấm, đâu có biết rằng mình hạnh phúc biết bao nhiêu... Còn ở đây, chỉ một khoảng cách nhỏ thôi nhưng sao khác nhau nhiều quá, nhìn các Cụ lớn tuổi nằm co ro, có Cụ đắp bằng cái áo mưa, có cụ nằm co ro với cái áo khoác che người, hay một cái chăn rất mỏng... lạnh lắm mà... nhưng biết sao được vì gia tài chỉ có vậy thôi. Có lẽ cuộc sống như vậy đối với nhiều mảnh đời ấy là hạnh phúc rồi... nhưng với mỗi người đi trong ngày hôm nay thì những hoàn cảnh ấy thương quá... và đã để lại trong chúng tôi thật nhiều suy tư...


Sẽ nhớ mãi ánh mắt ngạc nhiên nhưng vui lắm, nhớ mãi lời cảm ơn, nhớ mãi cái giá lạnh trở nên ấm hơn khi có cái chăn để đắp, nhớ mãi nụ cười vui khi nhận lì xì nho nhỏ để mai có bữa cơm ngon hơn ... chỉ một chút chia sẻ thôi, chỉ một chút quan tâm hỏi thăm thôi... vậy mà ý nghĩa và ấm áp biết bao... nhớ mãi nhé!


Sau khi qua các chặng đường đem yêu thương chia sẻ cùng mọi người ... đến 3h 20 thì ... hết chăn và cũng hết phong bì lì xì! Chú Thông đãi mọi người ăn rạng sáng! Hì hì ... ngon ngon... cùng nhau ăn uống và hỏi thăm nhau và làm quen. Lúc đó chúng tôi mới có cơ hội hát bài "Happy Birthday" chúc mừng sinh nhật chú! Cho dù đã hơi muộn, vì đã bước sang ngày 14!


Hơn 4 giờ sáng, ăn xong rồi nhưng mà không về nhà được vì nhà trọ chưa mở cửa. Thế là không thể bỏ các con... mồ côi! Chú Thông cũng không về khách sạn mà cùng chúng tôi kéo nhau ra công viên đối diện Khách Sạn New World chơi và đợi trời sáng! Thật đúng là... điên!


Nghe chú Thông tâm sự về những trải nghiệm đã qua trong cuộc sống của Chú ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, càng nghe nhiều mới biết thêm được biết bao nhiêu chuyện khủng khiếp xảy ra cho những đứa bé đáng thương, những đứa trẻ bụi đời, những cô bé đang lớn khi không có Gia đình, không có sự quan tâm của Bố Mẹ... Hy vọng có dịp chú Thông sẽ cùng chia sẻ nhiều hơn nữa... Nhưng nghiệm ra rằng, trong cuộc sống này tình người thật cần thiết, chỉ có tình yêu thương mới làm cho con người sống tốt hơn, tình thương và sự quan tâm sẽ vực dậy được biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh ... xin hãy cùng nhau hy sinh một chút, một chút thôi nhé!


Trời càng về sáng càng lạnh hơn! Chúng tôi bắt đầu co ro! Thế là chú Thông nảy ra sáng kiến - Tập thể dục bằng vũ điệu cha cha cha 18 bước! Lớp "nhảy" này do chính chú Thông làm "vũ sư" - nào... cha cha cha 18 bước nhé... một tiết mục học nhảy thật vui dù không có nhạc... chỉ là bước chân nhún nhảy theo tiếng hô của Cha... Ấy thế mà ấm ơi là ấm! Có dịp chúng tôi sẽ trình diễn cha cha cha 18 bước cho bà con coi nhá ... đẹp lắm đó!


Ánh bình minh ửng hồng, chúng tôi chia tay nhau, và lại trở về với công việc, với vòng xoáy của cuộc đời và cố đi tìm cho mình ý nghĩa của "hạnh phúc"nhưng có biết đâu rằng, hạnh phúc nằm trong những điều giản dị nhất!

Chút Suy Tư:


Bạn thân mến, Mimosa Thanh Nhàn đã tường thuật cho bạn chuyện của những người "điên" trên đường phố! Nhưng tôi lại muốn kết thúc câu chuyện này bằng một chút suy tư của những người "điên" ở nhà!


Có rất nhiều người cũng muốn xin được làm người "điên" trên đường phố với chúng tôi, nhưng vì lý do này hay lý do khác đã không thể. Nhưng tuy ở nhà họ cũng... "điên" không kém. Có hai điển hình mà tôi xin được nêu ra đây!

Có vài người ở tận Canada và Pháp, sau khi đọc được thông báo trên website của tôi về chuyến đi này đã không ngần ngại đi mua international money order gởi với lời chúc "mừng Sinh Nhật cha" cho tôi! Cho dù họ chưa biết tôi là ai! Đúng là... điên! Vì chỉ có... điên mới dám làm như thế!


Điển hình thứ hai là một cụ già. 3 ngày sau đêm hôm đó lễ tân khách sạn trao cho tôi một phong bì khá dày nói là của một người gởi. Mở ra tôi đọc được mấy hàng chữ nguyệch ngoạc như sau: "Con đã gần 80 tuổi, nghe cháu nói là cha mừng sinh nhật và sẽ ăn Tết với trẻ bụi đời. Con nhờ cháu ghé đưa cha số tiền con để dành ăn Tết năm nay - Chúc cha luôn bình an trong Chúa!" Và tổng cộng tôi đếm 152 ngàn.. Mệnh giá lớn nhất là 5 ngàn - số còn lại là các tờ 2 ngàn, 1 ngàn. Có nghĩa là cụ đã chắt chiu cả năm nay để ăn Tết. Thế mà.... Tôi bật khóc. Nước mắt tuôn dài và không thể làm chủ được. Bà chính là người mà Chúa Giêsu đã nói về rằng: "Thầy bảo thật anh em: bà (goá) nghèo này đã cho (bỏ vào thùng) nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà cho (đem bỏ vào đó;) còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà chia sẻ (bỏ vào đó) tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống". (Matthew12:43-44)


Và giờ đây khi ngồi viết ra những dòng chữ này tôi lại nhận được một email của một linh mục lớn tuổi như sau: Là một linh mục già trên 70 tuổi, tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa vì đã cho chúng tôi những người thừa kế trẻ đầy nhiệt huyết và sáng tạo trong thực thi Đức Ái. Tuy nhiên, "inter nos" - tôi xin cha luôn phát triển đời sống nội tâm để có Chúa luôn sống động trong cha, hướng dẫn cha trên mọi nẻo đường và nhất là gìn giữ cha cho khỏi những tự mãn khi thành công cũng như những nản lòng trước khi thất bại. Đồng thời cũng luôn phải cảnh giác với những "người đẹp" đang ngưỡng mộ cha và đi theo cha. Vì linh mục cũng là con người với những hậu quả của Tội Nguyên Tổ. Dù sao thì cũng phải đặt tất cả niềm tin yêu phó thác vào Chúa và luôn luôn "hãy làm tất cả vì Đức Ái" (1 Cor 16:14) Lm Theophile, fsf.


Vâng con cảm ơn cha đã nhắc nhở con! Con cảm ơn nhiều người đã cùng đồng hành với con, cách này hay cách khác, nhất là trong lời kinh nguyện! Xin cha và mọi người tiếp tục cầu nguyện cho con, để con không tự cao, và tự mãn mà biết nhận ra rằng mình chẳng là gì cả; mà chỉ là một khí cụ mà Chúa dùng để mang bình an và niềm vui đến với anh em! Xin cho con mãi mãi là người "điên" với Chúa và trong Chúa!


À quên nữa, nếu có ai cũng muốn làm người... "điên" như chúng tôi, xin bớt chút thời gian của mình. Tìm đến với các người kém may mắn hơn ta, những người bị xã hội bỏ rơi! Bạn sẽ tìm thấy "điên" cũng có cái hạnh phúc và bình an riêng của nó!

Lm Martinô Nguyễn Bá Thông

www.hayyeuthuongnhau.org (http://www.hayyeuthuongnhau.org)

Saint Anne Catholic Church, February 19th, 2009

... Mời bạn quay lại để đọc tiếp các chuyện khác nhé!

Ben
21-02-2009, 08:32 AM
Điển hình thứ hai là một cụ già. 3 ngày sau đêm hôm đó lễ tân khách sạn trao cho tôi một phong bì khá dày nói là của một người gởi. Mở ra tôi đọc được mấy hàng chữ nguyệch ngoạc như sau: "Con đã gần 80 tuổi, nghe cháu nói là cha mừng sinh nhật và sẽ ăn Tết với trẻ bụi đời. Con nhờ cháu ghé đưa cha số tiền con để dành ăn Tết năm nay - Chúc cha luôn bình an trong Chúa!" Và tổng cộng tôi đếm 152 ngàn.. Mệnh giá lớn nhất là 5 ngàn - số còn lại là các tờ 2 ngàn, 1 ngàn. Có nghĩa là cụ đã chắt chiu cả năm nay để ăn Tết.


Thật là đúng quá, tình yêu nối nhịp tình yêu, họ ko ngần ngại cho đi tất cả những gì họ có, mặc dù đó là cả sự chắt chiu dành dụm trong một năm. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".

mimosa_jolly
22-02-2009, 12:19 PM
Chuyện chưa bao giờ sảy ra mà lại... sảy ra!

Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông 21/02/2009

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_020_small.jpg

Gần 5 năm chịu chức Linh Mục tôi chưa bao giờ "ghé thăm" một dòng tu nào cả - nhất là các dòng tu tại Việt Nam. Nói ra thì có thể bạn "lên án" tôi hay bảo tôi "khó chịu!" Nhưng thật ra tôi sợ nhất các việc "tiếp đón long trọng" với người đưa đón, với người phục vụ mình ăn uống. Ngay cả ở Mỹ mỗi khi tôi đi giảng phòng tôi tự mua vé bay đến giáo xứ đó, rồi tự thuê xe, tự lái, tự thuê khách sạn, tự đi đến Giáo Xứ,... nói chung là tự túc mọi sự! Thế nên mỗi khi về VN tôi luôn... tránh các nhà xứ, và các dòng tu.

Thế nên mỗi khi về VN tôi luôn... tránh các nhà xứ, và các dòng tu. Tôi vẫn tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, nhưng tham dự như một giáo dân - Chỉ có ngày Chủ Nhật tôi mới xin được... đồng tế thôi - Ngoại trừ khi tôi về giáo xứ Long Thuận (Xuân Hưng, Xuân Lộc, Đồng Nai) nơi tôi đã học biết về Thiên Chúa và cha xứ hiện tại cũng chính là cha xứ mà khi ở Việt Nam tôi đã giúp lễ cho ngài! Sở dĩ tôi dài dòng văn tự giải thích là vì điều tôi... chưa bao giờ làm thì tôi lại sắp làm!

Đó là tôi về thăm dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, ở Cái Mơn, Bến Tre! Thật sự tôi chẳng quen biết ai ở đó - có thể chỉ là cái "duyên" mà Chúa se định chăng! Chuyện thế này!

Thỉnh thoảng tôi nhận đươc một email của một nữ tu ở Việt Nam "khích lệ tinh thần phục vụ"... không sợ chết của tôi. Sơ cũng bảo là có những buổi tối phòng máy vi tính của nhà dòng gồm ... 5 máy đồng thanh vang lên những bài "chuyện có thật" của tôi! Bên cạnh đó Sơ cho tôi biết là các sơ trong dòng luôn cầu nguyện cho tôi! Tưởng cũng chỉ là những cánh email bình thường, nhưng....

Bỗng dưng tôi nhận được email của sơ bề trên nói rằng biết tôi sắp về VN và mời tôi về thăm dòng và giảng cho các chị em. Tôi ngạc nhiên lắm, và email lại hỏi "Xin lỗi nhưng sơ thuộc Dòng nào, và địa chỉ ở đâu?" Sơ trả lời là dòng Mến Thánh Giá ở Cái Mơn, Bến Tre! Và hình như sơ.... sợ tôi thấy xa sẽ không về nên thòng theo "Chúng con sẽ cho xe đón cha!"


Sau khi coi lại chương trình về Việt Nam và Campuchia, tôi thấy mình... rảnh được hai ngày đầu tiên về tới VN. Vì tôi tính nghỉ để có thể "bình tĩnh" và quen với giờ địa phương để làm việc! Thế là tôi email lại cho sơ biết là tôi chưa từng đến thăm bất cứ nhà dòng nào, vì những lý do mà tôi đã kể ở đoạn đầu bài viết! Bên cạnh đó tôi còn nhấn mạnh những điểm sau:
Con sẽ đi tự túc - xin không đưa đón
Con sẽ ngủ ở ngoài, không ngủ trong nhà dòng. Vì tính con hay lang thang, đôi khi sẽ đi suốt đêm. Nên con không muốn làm phiền các sơ!
Các Sơ không được đãi tiệc! Các sơ ăn gì, con ăn đó - nhất là các món cá kho, rau luộc ở miền quê thì ngon nhất!
Con cũng xin nói trước là các sơ gặp con sẽ... thất vọng. Vì bao nhiêu người (trong đó có cả các Linh Mục và nữ tu ở Việt Nam) đọc các chuyện có thật của con và khi gặp con thì bảo "Ông cũng làm Cha được sao?" hay "Cũng may cha ở Mỹ chứ ở Việt Nam thì không ai cho chịu chức!"
Được gặp các sơ là niềm vui của con - để nhìn được những gương mặt đã và đang đồng hành với con trong lời Kinh Nguyện!
Theo ngôn từ ở VN thì tôi được gọi là "chảnh" - Thật sự tôi không "chảnh" đâu! Nhưng tính tôi thẳng thắn, nên nói trước để tránh mất lòng sau!

Và cuối cùng tôi kết: "nếu sơ không sợ bị thất vọng và chấp nhận những yêu cầu của con thì con mới đến. Còn nếu không, xin cho con...kiếu!"

Và ngạc nhiên thay sơ... đồng ý! Và thế là tôi lên đường cùng với người tài xế và một Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể cũng từ Mỹ về để đồng hành với tôi trong chuyến đi này!

Bây giờ mời bạn đồng hành với tôi qua hình ảnh và các lời "bình" của tôi nhé!
Vượt qua phà (tôi quên tên mất rồi) húng tôi tiến về Cái Mơn - Tôi đi Cái Mơn là ngày 15 tháng 1 và 4 ngày sau đó, ngày 19 tháng 1 thì sẽ thông cầu - Cho nên những ai đi sau này sẽ không phải chờ đợi phà... cực khổ như tôi nhưng cũng sẽ không được cái thú đứng trên phà nhìn sông nước!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_002_small.jpg
Hình Chụp Từ Trên Phà!


Sau khi qua phà thứ hai, tôi gọi sơ và sơ bảo cha cứ đi, sẽ thấy tháp chuông nhà thờ rất cao ngay bên tay trái. Và nhà dòng chúng con ở ngay bên hông! Nhưng, trời ơi! Hai bên đường là những hàng dừa cao chót vót! Tôi quay qua nói với người tài xế "Lợi ơi, mỗi năm dừa cao lên 2 tấc, không biết tháp chuông nhà thờ có được.. nới thêm hai tấc không? Vì có thể cha con mình sẽ không thể nhìn thấy tháp chuông đó!" Chính vì thế tôi bảo tài xế ngừng xe hỏi người bên đường cho chắc!

- Bác ơi, còn bao xa nữa đến Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn?
- Tui cũng người Công Giáo! Dòng nằm bên nhà thờ Cái Mơn, bên tay trái. Mấy chú đi khoảng 3 cây nữa thì tới! Bác nói chắc như đinh đóng cột!
Thế là chúng tôi cám ơn bác và tôi bảo tài xế nhấn cái đồng hồ trong xe để biết chắc mình đi khoảng 3 cây số! Sau khi xe đã chạy được đúng ba cây số, nhìn trước nhìn sau chẳng thấy bóng dáng "tháp chuông" đâu cả! Mà chỉ thấy có hai cánh đồng hai bên cùng với các rặng dừa! Chúng tôi... ngao ngán đi tiếp! Khoảng một cây số thì tìm được một người và cũng lại thắng xe để hỏi!

- À, các sơ đó hả! Tui biết, vì họ giúp dân ở đây nhiều lắm. Mấy chú đi khoảng 3 cây nữa thì tới!
Tôi nhấn nút cửa xe, cám ơn và đi tiếp! Trong xe ba chúng tôi giỡn với nhau: "không biết sẽ con bao nhiêu lần "ba cây số" nữa nhỉ!"

Cuối cùng rồi cũng đến! Tay bắt mặt mừng! Chiều hôm đó tôi đọc kinh chung với các sơ! Trên 200 người! Wow, lần đầu tiên tôi được "chúc phúc giữa các người phụ nữ!" Và sau đó thì chia sẻ với các sơ!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_009_small.jpg
Hình Chụp Sau Lễ!


Sáng hôm sau thì thức dậy... sớm! Vì chuông lúc 4 giờ! Tôi dâng lễ - chia sẻ với các sơ và còn được chụp hình nữa chứ! Và sau đó ăn sáng với mọi người!

Đây là hình ảnh các đệ tử ăn sáng!
http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_052_small.jpg

Rồi được .. (bây giờ tôi mới biết) người đã email tôi, và người được mọi người trong dòng thân thương gọi là gì Bảy chính là sơ Bề Trên Tổng Quyền - Sơ Agnes Phụng đi một vòng thăm quan dòng! Chính vì vậy tôi mới "hiểu" được nỗi lo lắng của các sơ! Và cũng học được rất nhiều từ các sơ! Tuy thiếu thốn đủ bề các sơ vẫn chia sẻ những gì "thiếu hụt" của mình cho người khác! Nói ra không phải khen các sơ, chứ chính tai tôi nghe các sơ dòng khác KHEN là các sơ có chương trình "cho người nghèo vay vốn và hướng nghiệp cho họ thuộc loại thành công ... nhất Việt Nam!" Mà khi đến tận nơi, nói chuyện với các sơ tôi mới thấy lời khen đó quả... không sai! Bên cạnh đó các sơ còn đưa 15 cụ già không còn nơi nương tựa về nuôi ngay trong trụ sở dòng!

Và các sơ cũng còn phải lo cho hơn 50 Sơ lớn tuổi mất khả năng lao động nữa! Và đây là hình ảnh các sơ lớn tuổi ăn sáng!

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_042_small.jpg

Từng đó miệng ăn cho cả nhà dòng, cho tất cả các việc từ thiện giúp vốn chỉ nhờ vào chính bàn tay của các sơ! Có ai tin rằng sau vườn các sơ là những cây mai đang chờ đón tết! Nhưng không phải là để chưng bày, mà là các sơ bán! Chính các sơ đã trở thành các nghệ nhân! Rất tiếc tấm hình đó biến đi đâu mất,

Rồi những vườn hoa lan, các sơ trồng để bán, 5000 đồng (30 cents) một nhánh hoa. Ôi biết bao công phu!

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_055_small.jpg
Tôi gọi nó là vườn hoa... khiết tịnh!

Rồi cũng những bàn tay đó làm nên các hũ tắc mà chúng ta mua về để uống! Các bàn tay thánh thiện đó đang nhanh tay cắt những qủa tắc nhỏ! Wow, tôi đẹp đẽ, ôi cao đẹp làm sao!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_050_small.jpg
Đôi tay DÂNG HIẾN - Dâng cả việc làm!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_056_small.jpg

Che đậy các thau tắc!


Còn đây là hình các sơ che "sương" và che "mưa" cho các chậu tắc! Còn khi trời nắng thì phải mở ra để lấy nắng! Các sơ ơi, nếu con có tường trình ... sai "quy trình" làm tắc thì tha lỗi cho con nhé! Lần sau về con sẽ đến học hẳn hoi!

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_038_small.jpg

Chỉ còn lại chiếc vách!


Có thể cái đáng thương nhất của các sơ là từ năm 2006 đến giờ đã không còn nhà nguyện để dâng lễ và cầu nguyện - Cơn bão Durian (Quả sầu riêng) năm đó đã dỡ đi tất cả nhà nguyện! Và đuổi các sơ "chui" vào một căn phòng đọc sách mấy năm nay để thờ phượng! Thật tội nghiệp! Ngôi nhà nguyện củ nay chỉ còn trơ trọi lại vách tường trước mà các bạn nhìn thấy ở đây!
http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_041_small.jpg

Sorry sơ! Con chụp lén!


Vẫn giữ lại một cái gì cũ kỹ đó làm "mặt tiền" hôm nay các sơ đang cố gắng xây lại ngôi nhà cho Chúa! Mà tôi đếm, thì thợ xây chỉ có 3 thợ... nam! Còn lại là thợ nữ! Hỏi ra mới biết các thợ nữ chính là các ... Sơ! Vì không đủ tiền thuê người nên các sơ cũng phải ra làm... thợ nề, thợ vác, và thợ hồ! Tội các sơ quá!

Đây là hình sơ bề trên mà tôi "lén" chụp (vì sơ không muốn tôi chụp cái nghèo của các sơ!) trước những ngổn ngang của ngôi nhà nguyện!

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_061_small.jpg

Nhớ các Sơ thật nhiều - cho con quay trở lại nhé!


Trong tất cả các sự tôi cần "ghi nhớ và suy niệm trong lòng" đó, điều làm tôi nhớ, và ấn tượng nhất đó là các sơ đặt Mình Thánh Chúa chầu luân phiên từ sau lễ ban sáng cho đến giờ kinh chiều! Hèn gì các sơ lúc nào cũng vui! Cũng đầy lòng chia sẻ vì luôn có "Chúa Thánh Thể đồng hành!" Tôi là dân Thiếu Nhi Thánh Thể nên chỗ nào mà kính Chúa Thánh Thể là ... MÊ ngay!

Trước khi chia tay, tôi cũng không quên vài hàng làm lưu bút gởi lại chút tình mà các sơ đã dành cho tôi! Tôi hứa nếu có về VN, nhất định tôi sẽ lại ghé thăm! Không biết các sơ có cho không? Nhưng với con, Nhà Dòng đã trở nên thành chỗ thân thương rồi đó!

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/doithuonglinhmuc/menthanhgiacaimon_2009_020_small.jpg

Xin Chúa chúc lành cho những dự tính của chúng con!


Tôi và sơ bề trên còn bàn nhiều thứ lắm, nhưng không tiện kể ra ở đây! Mong mọi người cầu nguyện cho các dự tính tốt lành của chúng tôi nhé! Cũng chỉ là các dự tính giúp người khác thôi đó mà!

À quên, nếu có ai muốn giúp các sơ một vài viên gạch để xây lại nhà nguyện, để có chỗ thờ phượng Chúa đàng hoàng xin liên lạc thẳng với các Sơ

Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn
c/o Sơ Agnes Nguyễn Thị Phụng
Xã Vĩnh Thành - Huyện Chợ Lách
Tỉnh Bến Tre
Điện thoại: 075-387-5146 hay tại Mỹ thì gọi 011-84-75-387-5146

Hay nếu qúy vị muốn có giấy miễn trừ thuế thì gởi về

Chi phiếu xin đề: One Body Village
Memo: Giúp Dòng MTG Cái Mơn
Và gởi về
Saint Anne Catholic Church
C/o Father Martino Nguyen
2000 Kay Circle
Columbus, GA 31907

(One Body Village - Một Thân Hình là tổ chức phi chính phủ mà tôi là một thành viên được lập ra để giúp các trẻ mồ côi, bụi đời và các em bị bán làm nô lệ tình dục - qúy vị có thể tham khảo thêm ở đây http://www.onebodyvillage.org/ (http://www.onebodyvillage.org/)

LM Martinô Nguyễn Bá Thông
http://www.hayyeuthuongnhau.org/ (http://www.hayyeuthuongnhau.org/)
Saint Anne Catholic Church February 20th 2009

mimosa_jolly
02-03-2009, 01:44 PM
Vấn Nạn Phá Thai - Chuyện thứ 3: "Tiếng khóc" chưa kịp chào đời!

Người viết: Lm Martinô Nguyễn Bá Thông 28/02/2009


Vấn Nạn Phá Thai


(Tiếng Vọng Ngân Từ Ðáy Tâm Hồn)


Chuyện thứ 3: "Tiếng khóc" chưa kịp chào đời!


Bạn thân mến, hôm nay tôi xin được trở lại với bạn về vấn đề "vấn nạn phá thai" - Và nếu bạn cho phép, tôi xin được tạm kết loạt bài viết về phá thai tại đây, vì để viết ra những câu chuyện này tôi đã phải trải qua khá nhiều đau khổ và nước mắt cũng rơi không ít. Khóc thương cho những "tiếng khóc" đã bị bóp chết khi chưa chào đời - và cho những cắn rứt của lương tâm khi các "ông bố, bà mẹ" đến tuổi "trưởng thành!"

Tôi, trong chiếc áo blouse trắng, vào vai "bác sĩ thực tập" theo bác sĩ "chính" vào phòng "nạo hút" (phá thai) của Bệnh viện Hùng Vương. Cuối giờ chiều nhưng vẫn còn bốn ca, trong đó có ba cô gái trẻ đang chờ lên bàn hút.


Đoàn M. N. được gọi tên và đưa vào phòng để chích thuốc tê (không có gây mê). Cô bé ngập ngừng bước lên bàn. Người nữ hộ sinh đọc "sơ yếu lý lịch":

- 18 tuổi; thai 17 tuần; chưa có con. Đã phá hai lần..."
Tôi nghe rợn cả tóc gáy, nhưng vẫn cố bình tĩnh vì đang trong vai "bác sĩ thực tập!" Còn cô bé thì cắn môi, mắt hướng lên trần phòng. Bác sĩ bắt đầu những thao tác cần thiết... Chỉ năm bảy phút sau, cái thai non đã bị hút hết ra khỏi người mẹ.

- Xong rồi con! - Nữ hộ sinh nhẹ nhàng thông báo.
Khi ấy, hai dòng nước mắt chợt đổ dài trên má N. Tôi thật sự không biết em khóc vì lý do gì? Riêng tôi, tôi khóc cho em và cho cả "tiếng khóc" chưa kịp chào đời.

Đứng trong phòng phá thai đến ca thứ ba, thì thân thể tôi bắt đầu lạnh; lỗ tai lùng bùng; chân tay run rẩy; mặt mày tái xanh. Không thể chịu nổi âm thanh của những mầm thai bị vứt đi chảy nghèn nghẹn trong ống hút...
Tôi "xin phép" được ra ngoài!

Sau đó khi bình tĩnh lại, tôi đi tìm Thảo - một trong số những người phải "giải quyết hậu quả" khi nãy. Cô gái lúc này đã chuẩn bị ra về. Đôi mắt vẫn còn đỏ hoe. Hỏi vì sao phải bỏ con, Thảo thật thà: "Quê tôi ở Cần Thơ, lên đây làm thợ may. Tôi đã làm đám hỏi rồi nhưng chưa đám cưới. Tôi sợ phá thai lắm, nhưng mang bụng bầu trước đám cưới khi về sẽ bị nhà chồng khinh rẻ"...

(Hàng trăm người đợi phá thai tại bệnh viện Từ Dũ - Ảnh LM Nguyễn Bá Thông)

Ngày hôm sau, trong vai một anh chàng dẫn người yêu đi "giải quyết hậu quả", tôi đến khoa Kế Hoạch Hóa Gia Đình (phá thai) của Bệnh Viện Từ Dũ. Mới 8g19 sáng mà số thứ tự tôi lấy được đã là 74.

Tôi và "cô bạn" (người em gái của bạn tôi, mà tôi mượn đóng vai "người yêu") nắm tay nhau ngồi đợi đến phiên mình. Bỗng dưng cô gái bên cạnh quay qua nói chuyện với "cô bạn" tôi: "Em sợ quá chị ơi! Ít nhất chị còn có ảnh (ý nói tôi) còn em đi một mình... thằng bồ em đã quất ngựa truy phong." Câu chuyện kéo dài và cô cho biết là cô là sinh viên năm thứ nhất, và cái thai đã hơn 10 tuần tuổi. Cô nói tiếp trong nghẹn ngào: "Dù bố nó có sao đi nữa thì nó cũng là con mình, nhưng..," cô nghẹn lại rồi nói tiếp "...nhưng còn chuyện học, việc làm... không chồng mà nuôi con thì còn khổ hơn."

Tưởng thế là đã đối diện với mọi chuyện kinh hoàng, nhưng cô bạn - mà tôi đã viết trong câu chuyện thứ nhất và là cô bác sĩ trong câu chuyện thứ hai - lại bảo "Chưa đâu Cha, ngày mai sẽ cho Cha đi coi những điều kinh khủng hơn thế nữa!"

Thế là chúng tôi đến phòng 109 Bệnh Viện Từ Dũ. Đây là phòng "dành riêng" cho những người đến phá thai đã quá lớn bằng phương pháp đẻ non. Hay nói đúng hơn là giết người khi chưa người chưa kịp cất lên tiếng khóc chào đời!

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Miền thì mỗi ngày trung bình có khoảng 15-20 cô gái đợi phá thai to. Đây là những trường hợp không thể phá bằng thủ thuật gắp thai do thai đã quá lớn (18-23 tuần). Những trường hợp này phải nhập viện làm các xét nghiệm, siêu âm, và viết cam kết. Nếu suôn sẻ thì từ khi nhập viện làm thủ tục đến khi ngậm thuốc, đau bụng đẻ non phải mất ba ngày. Ngoài những ảnh hưởng phụ của thuốc, có trường hợp cả tuần thai mới chịu ra. Cá biệt, có ca phải kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp mới phá được thai và thời gian kéo dài có khi cả nửa tháng. BS Miền cho biết với những trường hợp thai 18-23 tuần tuổi - những đứa trẻ đã phát triển hoàn chỉnh là một con người - đa số đều chết ngay sau khi bị "ép" đẻ non. Ôi, đau đớn làm sao! Ôi tình con người! Ôi tình mẫu tử!

Hãy Thử Đi Tìm Nguyên Nhân

Năm 2005 Ủy Ban Dân số - Gia đình và Trẻ Em Việt Nam công bố một con số khiến không ít người sửng sốt. Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu (QHTDLD) ở Việt Nam hiện nay là 14,2 tuổi, thay vì 19 tuổi như 6 năm trước kia (1999). Tôi không dám suy nghĩ là nếu năm 2005 là như vậy thì bây giờ 2009 thì tuổi đó là bao nhiêu! Theo quy định của luật pháp Việt Nam, lớp tuổi này vẫn được xếp vào hàng trẻ em, "biết ăn ngủ biết học hành là ngoan". Và ai quan hệ với các em sẽ bị phạt tù rất nặng vì "quan hệ với người dưới độ tuổi vị thành niên.Thế mà...

Có người lớn nào giật mình trước con số khủng khiếp này không?!!!

Con số nêu trên chắc không ít thì nhiều có liên quan đến tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam, vốn đang được thế giới cho đứng vào hàng thứ 3 (Sau Trung Quốc và Ấn Độ) - Huy chương đồng chứ có phải ít đâu. Ôi một huy chương nhục nhã.

Và con số đó chắc chắn cũng phải liên quan đến các bệnh viện "phụ sản", bệnh viện tư nhân, phòng phá thai lúc nào cũng đông nghẹt các bạn gái trẻ.

Đó là chuyện tại Việt Nam. Còn tại xứ cờ hoa (Mỹ) của ta đang sống thì sao? Tuy không "được" xếp cao chót vót như Việt Nam nhưng cũng đáng sợ lắm. Và đây là một hình ảnh nói lên sự đáng sợ đó.


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/phathai.jpg

140 lá cờ tượng trưng cho 140 bào thai bị phá bỏ trong một giờ tại Mỹ (ảnh chụp tại khuôn viên Đại học Harvard)



Những lá cờ này được một nhóm sinh viên Đại học Harvard cắm trên một bãi cỏ trong khuôn viên trường để kêu gọi người Mỹ cùng hành động xóa bỏ nạn nạo phá thai. Tấm bảng giấy có nội dung: "Trong một giờ học tới của bạn sẽ có 140 ca nạo phá thai ở Mỹ. Những lá cờ này đại diện các sinh linh bị chối bỏ ấy!"

Và Tìm Một Giải Pháp

Bạn thân mến, chúng ta đã dạy dỗ con cái mình rất nhiều. Ở đây tôi không có ý dám "lên mặt" chỉ bảo bạn đâu - nhưng xin cho tôi có vài ý kiến nhé! Chúng ta dạy cho con mình vô số kiến thức - thậm chí là những kiến thức cao siêu - về khoa học, vũ trụ, máy vi tính từ rất sớm. Điều đó không có gì xấu. Thế nhưng kiến thức tối thiểu nhất để vào đời, từ đánh răng hay tắm, hay cư xử ra sao khi người thân đau ốm, cách yêu thương và chăm sóc người ruột thịt; tình người, tình vợ chồng, và nhất là về phát triển giới tính thì hình như bố mẹ lại hay "ngượng ngùng" và ít dạy! Tóm lại, những đứa trẻ lớn lên gần như mù về những kiến thức cơ bản để xoay xở với cuộc sống đầy bất trắc của cõi người.

Và thế là bọn trẻ quờ quạng trong mớ kiến thức học mót, hết sức lõ mõ, từ những người xung quanh (cũng vốn hết sức lõ mõ) về nền văn hoá giới tính. Mớ kiến thức đó, khốn thay, đã tước bỏ hầu hết những di sản tốt đẹp từ ông cha bằng sự miệt thị "lễ giáo phong kiến lạc hậu!" Vậy mà chúng ta lại khinh miệt Tây phương và bảo rằng họ "sống buông thả". Trong khi đó chúng ta đang để cho con em của mình chơi vơi giữa trời, xoay xở chật vật và ngơ ngác trong sự hụt hẫng về một nền văn hoá giới tính mà chúng ta không dạy và giải thích cho chúng.

Phải chăng, chúng ta cố tình lờ đi một thực tại, là trẻ em cũng biết yêu và có những cảm xúc khác giới từ rất sớm, cho dù ai trong chúng ta cũng có thể đã từng mê mẩn một cậu bé hoặc một cô bé hàng xóm từ lúc 12 tuổi. Khi thành người lớn, nói dối đã quen, chúng ta cố dỗ dành mình rằng trẻ con chẳng biết yêu đâu. Và bây giờ, khi thấy chứng cứ hiển nhiên là trẻ con cũng biết yêu, thậm chí còn biết làm ra em bé, thì chúng ta tá hỏa.

Thôi tôi không dám dài dòng văn tự nữa, nhưng tôi nghĩ bạn đã hiểu tôi muốn nói gì. Để kết thúc bài viết này và cũng để "tạm gác" lại các câu chuyện về phá thai tôi xin được phép gởi đến một lá thư của một người đã từng bị ba mẹ mình cố tình... giết khi còn trong lòng mẹ! Nhưng anh đã sống, và khi anh trao cho tôi lá thư này anh đã 21 tuổi! Được sự cho phép của anh tôi xin mượn lời anh thế vào "chút suy tư" mà tôi vẫn viết vào cuối mỗi câu chuyện!

Chút Suy Tư!

Con biết ba mẹ cảm thấy rất xấu hổ và căm ghét con. Chỉ vì con là đứa trẻ không bình thường khi con mù cả hai mắt. Con bị mù bẩm sinh trong bụng mẹ do sự phá thai không thành của mẹ.

Con biết trong thâm tâm ba mẹ không muốn con có mặt trên thế gian. Từ nhỏ, ba mẹ luôn che giấu thân phận của con với mọi người và nhốt con vào một chỗ kín đáo mà không ai có thể thấy được con mỗi khi có khách hay bạn bè của ba mẹ đến nhà chơi, thậm chí ba mẹ còn bắt con phải lấy mền trùm kín từ đầu đến chân nữa...

Con lớn dần lên trong sự ghét hận và luôn bị ba mẹ trút giận, đánh đập từ ngày này qua ngày khác. Suốt 13 năm từ khi mới sinh, tuổi thơ con không may mắn khi ba mẹ không dành cho con một tình yêu thương, đồng cảm, dạy dỗ và giáo dục con hết lòng. Con không được phép lân la ra ngoài tiếp xúc, làm quen hay kết bạn với những trẻ con khác trong xóm, suốt ngày bị giam lỏng, tù túng trong nhà.

Hễ ba mẹ bực mình hay căng thẳng trong công việc, con đều bị ba mẹ đem ra để chửi mắng. Nhưng với em gái kế con thì được ba mẹ đối xử ngược lại. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì em con rất xinh đẹp, dễ thương như một thiên thần, cho nên lúc nhỏ đi đâu em con lúc nào cũng được ba mẹ bồng bế, dẫn đi khắp nơi khoe với mọi người. Ba mẹ luôn ấp ủ niềm hi vọng, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào em con và luôn đem con ra làm đề tài để so sánh với em.

Con luôn sống cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và trong cơn ác mộng của ba mẹ chỉ vì con bị khiếm thị và con cũng không biết tại sao con lại có thể chịu đựng và sống được trong một gia đình mà ba mẹ không hề thương yêu mình. Cho đến một ngày kia, khi con 13 tuổi, con khao khát được đến trường mù để học chữ và con cũng muốn thoát khỏi ám ảnh của sự đe dọa, đánh đập, kềm kẹp và bị nhốt đến vô lý như vậy của ba mẹ mãi được.

Vì vậy con đã năn nỉ xin mẹ cho con được đến trường học chữ. Có lẽ trong thâm tâm mẹ cũng muốn con biến nhanh ngay ra khỏi nhà, mẹ đã không do dự mà đồng ý ngay. Thế là con được mẹ gửi vào học nội trú ở hội người mù. Phải nói là từ khi con được đi học và sống ở hội, con như con chim bị nhốt lâu ngày trong lồng, nay được sổ lồng sải rộng đôi cánh mà tung tăng bay tự do giữa trời xanh. Con cảm thấy cuộc sống của mình thay đổi hoàn toàn, thoải mái và dễ thở hơn lúc ở nhà với ba mẹ.

Con cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức của thầy cô, bạn bè... và không bao lâu con đã thật sự trở thành một người khác, luôn tự tin, năng động và tham gia tất cả mọi hoạt động của trường, của hội. Nhà trường và thầy cô đã hết lòng, tận tụy thương yêu dạy dỗ, giúp đỡ và cho con một cái nghề, đó là nghề giáo viên dạy vi tính cho các bạn đồng cảnh. Giờ đây con đã trở thành một giáo viên và con rất hài lòng, hạnh phúc với công việc, với cuộc sống tự lập, tự do mà con đã từng mong muốn... Và điều quan trọng là con tự sống bằng tiền do chính sức lao động con làm ra.

Ba mẹ ơi, dù bây giờ đã đi làm và sống cùng với bà ngoại, không sống chung với ba mẹ và em nữa, nhưng lúc nào con cũng nghĩ và thương ba mẹ nhiều lắm. Mỗi lần con nghe tin mẹ sắp qua thăm bà ngoại, con vui và hớn hở lắm, dù con đang có hẹn đi chơi hay gặp gỡ bạn bè, con đều bỏ hết chỉ để ở nhà chờ mẹ

Con thật lòng rất hãnh diện và cảm ơn ba mẹ vì đã cho con một hình hài, tuy không được lành lặn, bình thường và sống thiếu vắng tình yêu thương của ba mẹ, nhưng con đã được cho một cuộc sống để sống hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng. Con thật sự lớn và chiến thắng khi vượt qua được sự khuyết tật nghiệt ngã của mình, vượt qua được nỗi cô đơn, mặc cảm, tủi thân vì không được ba mẹ chấp nhận. Con tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống cho mình khi con sống vui vẻ, thân thiện, cởi mở với mọi người và không bị người khác kỳ thị phân biệt hay thương hại.

Con chỉ mong ba mẹ nghĩ lại mà thấu hiểu lòng con và thương con một cách chân thành khi đọc được những dòng này của con. Con thèm lắm một lần được mẹ dang rộng vòng tay yêu thương mà ôm con vào lòng để con được chia sẻ những buồn vui và cả những nỗi đau riêng của con với mẹ. Con thèm lắm một lần được ba truyền hơi ấm sang cho con và cho con được làm nũng dúi đầu vào lồng ngực của ba mỗi khi con cảm thấy hụt hẫng, cô đơn, lạnh lẽo...

Ba mẹ ơi, con dám mong ba mẹ hi sinh thêm chút nữa cho con, ba mẹ hãy dành cho con một thái độ đối xử đặc biệt một chút xíu nữa ba mẹ nhé! Con xin ba mẹ hãy gần gũi mà cho con tình thân để con luôn được cảm nhận giá trị đích thực của sự yêu thương, ấm áp, hạnh phúc.

Thương ba mẹ thật nhiều,

Con của ba mẹ,

KT

Lm Martinô Nguyễn Bá Thông
http://www.hayyeuthuongnhau.org/ (http://www.hayyeuthuongnhau.org/)

mimosa_jolly
03-03-2009, 11:00 AM
Lại... Một Chuyến Đi: Chuyện thứ ba - Có Chăng Một Tình... Mẫu Tử?

Người viết: Lm Martino Nguyễn Bá Thông 03/03/2009

** 13 giờ trưa mùng một tết, bố mẹ tôi và tôi trở về đến Sài Gòn sau khi đi "ăn tết" với đại gia đình từ ngày 28 tết! Đường Sài Gòn trống rỗng! Bố mẹ tôi cùng các Cậu đi chúc tết các người thân quen. Riêng tôi xin phép về khách sạn - giặt quần áo và chuẩn bị cho hành trình "lang thang đêm mùng một!" và nối tiếp nó với hành trình Campuchia vào rạng sáng mùng 2 Tết!


Sau khi đã chuẩn bị xong cho hai chuyến đi - tôi mở computer trả lời email! Thấy nick của cô bạn "phóng viên" vẫn còn sáng! Nghĩ là cô đang... trực, nên tôi nhắn tin hỏi thăm. Không ngờ, cô báo sắp sưả ra trực và rủ tôi đi thăm các người "con nuôi" của cô bên quận 4! Thế là chỉ một tiếng sau, hai chúng tôi len lỏi vào những khu nhà ổ chuột và....vừa thắng xe trước nhà - mọi người nhìn chúng tôi "tò mò." Vũ nói nhỏ:

- Vũ thì "nhẵn mặt" ở đây rồi - Người ta nhìn là nhìn Thông đó!
Tôi cười không nói gì - Vì trên đường đi đến đây Vũ đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ba chị em mà chúng tôi đến thăm. Và đây là lời của cô bạn Phạm Vũ:



****************
http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/noidautheothoigian.jpgBé Em và Bé Út với những món đồ chơi mang về từ trại hè - Ảnh Phạm Vũ (chụp 2005)


Gọi các em bằng những cái tên yêu thương của thời thơ ấu là điều duy nhất tôi có thể làm để không vô tình nhân lên nỗi bất hạnh các em đang phải gánh chịu, là một cách để giữ lại lòng tin yêu vào cuộc đời cho Chích Chòe, Bé Em và Bé Út...

Mang tên Chích Chòe nhưng cô bé đã không nói được nữa từ năm lên 3 tuổi sau một cơn bệnh nặng. Từ đó em nổi tiếng trong xóm vì tính tình khó chịu, hễ không vừa ý là la khóc ầm ĩ. Thế rồi cũng chính nhờ cái tính ấy mà Chích Chòe đã mang ra ánh sáng một chuyện động trời.

Sau khi ba mẹ ly hôn, bốn mẹ con Chích Chòe về ở với bà ngoại. Rồi mẹ đi lấy chồng khác, mang hai em nhỏ theo cùng, một mình Chích Chòe ở lại với bà. Một lần mẹ đón Chích Chòe đến chơi với các em. Mới được vài ngày thì Chích Chòe bị ông bố dượng giở trò đồi bại, em chống cự quyết liệt đến lần thứ ba thì đành buông xuôi. Mà không buông xuôi sao được khi chính mẹ của Chích Chòe đã cầm cái gối bịt miệng con mình...

Về nhà, bằng nước mắt, bằng sự đau đớn, bằng những tiếng ú ớ, động tác chỉ trỏ, bà ngoại đã hiểu được Chích Chòe vừa gặp chuyện gì. Bà vội đưa em đi khám, làm đơn tố cáo, vội đón Bé Em, Bé Út về. Và bà phát hiện cả Bé Em, Bé Út cũng đã gặp tai họa. Các em đã phải đối diện, phải biết, phải sống cùng cái xấu, cái ác sớm quá. Mức độ của cái ác, cái xấu trong chuyện này cũng ghê gớm quá. Khi ấy Chích Chòe mới 13 tuổi, Bé Em lên 8 và Bé Út lên 7.

Trong phiên tòa xét xử hai vợ chồng "bị cáo" về tội "hiếp dâm trẻ em", ai nghe chuyện cũng phẫn nộ, ai biết chuyện cũng muốn khóc, vị đại diện viện kiểm sát cũng phải nghẹn lời khi đọc cáo trạng. Mẹ của Chích Chòe cũng khóc: "Bị cáo là mẹ ruột mấy đứa nhỏ, nỡ nào bị cáo hại con mình...". Trời ơi, nếu như những lời nói đó là sự thật? Nếu bà nói thật thì cả ba cô bé có thể vẫn sẽ phải chịu đau đớn, mất mát, nhưng còn có mẹ ở bên cạnh để chia sẻ, vuốt ve, bù đắp. Đằng này... Sự thật lại không phải như vậy.

Sự thật được thể hiện qua lời khai của chính các em vẫn được giữ nguyên và thống nhất từ đầu tới cuối về sự hiện diện của người mẹ đã trực tiếp gây nên bất hạnh cho con mình. Giờ nghị án, Chích Chòe, Bé Em, Bé Út chạy đến ôm mẹ khóc nức nở. Khi các bị cáo bị dẫn giải về trại giam, cũng ba cái bóng bé nhỏ ấy tất tả chạy theo xe. Đôi mắt của các cô bé thật đen, thật buồn và đầy nước mắt khi nhìn theo mẹ. Không ai bảo ai mà mọi người đều quây lấy ba cô bé, và rồi người ta nhận ra một điều may mắn thật lớn còn sót lại: các em vẫn nguyên vẹn là những đứa trẻ chỉ biết yêu thương, không biết nói dối, không biết hận thù.

Chích Chòe, Bé Em, Bé Út về nhà bà ngoại. Có được một rẻo đất, bà đã bán đi để nuôi cháu. Ai hỏi đến bà, câu trả lời chỉ có nước mắt. "Tôi tật nguyền, thất học, cả cuộc đời xiêu vẹo buôn gánh bán bưng nuôi con. Tuy vậy tôi cũng biết dạy con điều hay lẽ phải, không thể hiểu nổi nó ngu dại thế nào mà làm hại tới cả con mình. Giờ thì tôi đã già yếu, lại tật nguyền, không biết sẽ gánh gồng cho mấy đứa nhỏ được mấy ngày nữa...".

Thế giới đồ chơi của các em ở nhà bà ngoại có một búp bê bé bằng ngón tay với các bộ quần áo bằng vải vụn mấy chị em tự may, có mấy hòn đá xanh mài nhẵn để chơi chuyền, có các vật trang trí tự làm bằng vỏ trứng. Chỉ ngần ấy thứ là chưa phải chịu những thương tật về tâm hồn và thể xác.

Còn đau đớn hơn khi tôi đọc qua những bài tập làm văn lớp 3, lớp 4 của Bé Em, Bé Út, em viết: "Buổi tối, cả nhà em vây quanh mâm cơm, chuyện trò vui vẻ. Em cảm thấy rất ấm áp, hạnh phúc. Ăn cơm xong, mẹ rửa chén, ba coi tivi, chúng em học bài. Dù có đi đâu, em cũng nhớ về ngôi nhà hạnh phúc, tổ ấm yêu quí của em."

Đã có rất nhiều người kêu ca về việc dạy học sinh làm văn theo mẫu, hạn chế sự sáng tạo và quan sát, cảm nhận thực tế. Tôi nhớ về điều đó mà thấy lặng người khi đọc những bài tập làm văn của Bé Em, Bé Út. Những điều hạnh phúc trong các bài tập làm văn của các em thật rõ ràng, chỉ là theo mẫu.

Theo cảm nhận thực từ cuộc sống của mình, các em sẽ viết gì? Có lẽ sẽ là những câu hỏi bất tận như Bé Em đang nói: "Mẹ con bị 20 năm tù, như vậy là lâu lắm mới về? Hôm qua ở tòa, mẹ dặn phải vâng lời ngoại, ráng học giỏi. Nhưng con chỉ được học ở trường tình thương đến lớp 5 thôi, nếu đi học tiếp thì phải đóng tiền...". Bé Út thì thủ thỉ: "Con thích ăn cơm với sườn ram, nhưng bà ngoại bảo đâu có tiền, ngoại chỉ mua hai cái hột vịt xắt ra làm bốn...".


***************

Với những thông tin đau lòng như thế, tôi cùng Vũ bước vào nhà! Bé Em giờ đã học lớp 10 và Bé Út lớp 9 - nhìn tôi có vẻ thăm dò! Sau này tôi mới hiểu là hai em đã không tin... đàn ông kể từ sau những ngày kinh hoàng đó. Tôi cũng đã rất cố gắng để có thể "hoà đồng" và lấy lấy lòng tin của hai em nhưng đều hình như không có hiệu quả lắm! Nhất là sau việc tôi trả lời bé Út là tôi không phải là "bạn trai" của "mẹ" Vũ (các em gọi vũ bằng mẹ) - khi em hỏi! Điều đó càng làm cho các em... không tin tôi vì nếu không phải "bạn trai" theo lời của em, thì ai lại có giờ rảnh đi đến nhà thăm con nuôi của bạn mình vào mùng một tết! Ừa hén, em cũng có cái lý của em! Vì em bảo: "không ai điên mà lại làm như vậy!" Thôi thì tôi nhận tôi... điên!

Đang ngồi nói chuyện với hai bé thì Chích Choè "bay" về từ ngoài đường - Mỗi ngày em lang thang bán tờ dò vé số để có tiền giúp bà nuôi em! Thấy nhà có người lạ, cho dù đã 20 tuổi, em sà sát vào lòng "mẹ Vũ" và hỏi tôi là ai! Sau đó thì không khí trong nhà có vẻ "khuấy động" hơn với cái nhí nhảnh của cô bé Chích Choè! Nhưng cho dù cả em và tôi có vất "vất vả" cách mấy thì tôi vẫn không hiểu được em nói gì! Mỗi câu em nói, Vũ phải thông dịch lại! Nhưng tôi đã có một buổi chiều mùng một tết với ba em "ôi, vui quá xá bà con ơi!"

Chút Suy Tư:

Người ta thường bảo thời gian sẽ xóa mờ những nỗi đau, nhưng tôi biết nỗi đau của ba cô bé trong câu chuyện này sẽ lớn dần lên theo thời gian, khi các em lớn thêm, hiểu thêm. Nhiều người hỏi tôi rằng các cô bé sẽ sống ra sao, sẽ cần những gì để xoa dịu nỗi đau ấy?


Cả buổi nói chuyện tôi nhận ra rằng bé Út còn chút vô tư và hồn nhiên - có lẽ khi "điều đó" xảy ra em còn quá nhỏ để "hiểu." Cô chị lớn Chích Choè thì tính lúc nào cũng "nói cười liên tục" nên tôi không/chưa thể hiểu được tính cách của em - riêng cô em giữa - bé Em, cô bé xinh nhất, thỉnh thoảng mới nở một nụ cười! Nhưng cũng chỉ thoáng qua rồi lại vụt tắt. Cô bé lại buồn, một nét buồn rất người lớn, sâu thẳm và chấp nhận!


Cứ mỗi khi tôi viết một bài, tôi lại "khuyến khích" bạn hãy làm một điều gì đó, chứ đừng chỉ đọc xong, buông một tiếng thở dài, gạt hai dòng nước mắt và... coi như không có gì xảy ra! Cô bạn Phạm Vũ đã nhìn thấy ba cảnh đời đó và đã can đảm bước lên nhận trọng trách của... người mẹ với ba cô bé! Dù chưa chồng; dù tuổi đời còn rất trẻ; dù kinh tế khó khăn; dù những chênh vênh và lo toan của cuộc sống - Trong bao năm qua, Vũ đã và đang là người lo cho các em từng cái quần, cái áo đến tiền đóng học phí, các chuyến đi nghỉ mùa hè, cho đến tham dự những cuộc họp "phụ huynh!" Và hơn những cái chỉ thuộc về vật chất, Vũ đã và đang cố gắng làm... người mẹ mà các em không có. Tôi hanh diện có người bạn như Vũ và hy vọng sau khi tôi viết xong câu chuyện này Vũ sẽ không còn cô đơn trong việc nuôi dạy các em!


Tôi hỏi Vũ, "Vũ dự tính tương lai của các em sẽ thế nào?" Vũ thở dài, nhưng mỉm cười "hy vọng các em còn cảm nhận được tình con người, tình gia đình, tình mẫu tử và cố gắng vươn lên! Còn mình, Vũ chỉ cố gắng những gì mình có thể!"


Vũ cũng bảo, có người sau khi đọc muốn giúp các em, nhưng đòi phải dẫn họ đi gặp mặt, chụp hình và quay phim, nhưng mình từ chối vì các em "còn cả cuộc đời để sống, và để vươn lên!" Điều này thì tôi rất hiểu và thông cảm - vì cũng đã có người hứa cho tôi 100.000 dollars để giúp các trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, với điều kiện tương tự - nhưng tôi đành phải khéo léo... từ chối!


Sau khi lì xì cho các em, chúng tôi ra về nhưng không thể quên được câu chuyện đã xảy đến với các em! Hình ảnh các em sẽ còn mãi trong tôi! (Tôi đã có chụp hình với ba em, nhưng vì ba em không muốn nên tôi mạn phép không đưa lên đây!)


Lạy Chúa, hôm nay con viết bài này là Chủ Nhật thứ nhất Mùa Chay! Bài Tin Mừng nói về những cám dỗ của cuộc sống. Ngay cả Chúa cũng còn bị cám dỗ - huống chi là chúng con! Xin cho chúng con, dù cuộc sống có thể nào đi nữa cũng không thể bán rẻ hình ảnh con người đã được đã tạo dựng trong chính hình ảnh tuyệt vời của Chúa! Và xin cho chúng con, những người "may mắn" hơn họ, biết luôn là cánh tay nối dài chia sẻ tình thương của Chúa giữa trần gian!

Ân Sủng và Bình An,

Lm Martino Nguyễn Bá Thông

http://www.hayyeuthuongnhau.org/ (http://www.hayyeuthuongnhau.org/) và http://www.onebodyvillage.org/ (http://www.onebodyvillage.org/)

PS: Xin mời trở lại để cùng tôi đồng hành trong các câu chuyện kế tiếp!

mimosa_jolly
04-03-2009, 07:31 PM
Lại... Một Chuyến Ði - Chuyện thứ 4 - Không thể tin được! (phần 1)

Người viết: Lm Martino Nguyễn Bá Thông - N.H.N 04/03/2009

Bạn thân mến, như đã nói thêm trong các bài chia sẻ ngắn của các chuyến "bay đêm" là tôi về Việt Nam và Campuchia có "công việc" của nhóm "Một Thân Hình" - website http://www.onebodyvillage.org/ (http://www.onebodyvillage.org/). Còn các chuyến "bay đêm" chỉ các chuyến đi thêm của cá nhân tôi! Hy vọng vừa giúp được một ai đó và tạo cơ hội cho các bạn trẻ tại Việt Nam có cơ hội cảm nhận được hạnh phúc của sự... cho đi!

Chính vì thế, tôi không thể post "chương trình làm việc" lên mạng như chương trình các chuyến bay đêm! Những lúc bạn gọi điện thoại cho tôi mà bị "tò tí te" có nghĩa là tôi đang "ngoài vùng phủ song" của Việt Nam và đang "xuất ngoại" nhé! Xin lỗi bạn - không thể cho bạn biết lúc đó tôi đang ở đâu được! Giờ đây khi đã xong, tôi bắt đầu kể cho bạn nghe đây!

Mời bạn vào bài đầu tiên qua ngòi bút của người em họ mà tôi dẫn đi Campuchia chung với tôi nhé!


************************************

Tôi đến Campuchia hoàn toàn không dự tính trước. Những kế họach đi chơi của hậu tết sụp đổ, tôi chán chường và mệt mỏi sau một sự kiện buồn trong cuộc sống. Chính vì thế tôi nhận lời anh Thông (là anh họ của tôi) rủ đi Campuchia với anh, cho dù truớc đó tôi cũng đã từ chối và không hào hứng gì với các cuộc "hành trình Campuchia" của anh. Thế mới lạ, anh không nản và tiếp tục rủ và thế là nhân chuyện buồn - tôi lên đường! Tôi cũng không đặt kỳ vọng gì vào chuyến đi. Đơn giản nếu anh đi cứu trợ, tôi sẽ có khối việc để làm và quên đi nhiều chuyện không muốn nhớ. Nếu được thăm Angkor Wat, thế thì tuyệt. Còn nếu không thì cũng chẳng sao, anh đâu có rủ tôi sang đây đi chơi. Ờ, mà hay nhỉ, anh chỉ rủ tôi đi Campuchia, chứ cũng đã bao giờ nói với tôi đi qua đó làm gì đâu! Chỉ là tôi "tự đoán" thế thôi!

Từ lâu tôi biết anh làm việc với trẻ bụi đời, những người nghèo khổ và đặc biệt là những trẻ em gái bị bán làm nô lệ tình dục. Anh từng vài lần nói về nỗi ám ảnh ghê gớm của anh khi đi thực tế và chứng kiến những điều khủng khiếp trong cái thế giới đó. Dĩ nhiên tôi tin anh không nói dối, có điều tôi cũng thừa biết rằng mình chẳng thể nào hiểu và cảm nhận được rõ ràng những gì anh nói. Nhưng lần này khi qua đến Campuchia thì anh bảo: "Anh sẽ cho chú em thấy!" Và câu nói này anh lập lại nhiều lần với tôi trong chuyến đi.

Ngây thơ của người lần đầu... xuất ngoại:

Cùng với một người cháu họ của anh (lớn hơn anh 2 tuổi), chúng tôi đến Phom Phenh vào khoảng gần 2 giờ chiều. Anh Thông quyết định sẽ ở lại thủ đô qua đêm và cũng để tạo cơ hội cho hai đứa tôi được thăm cung điện hoàng gia và vài nơi khác.




http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/family_hoanguyenhue_nongphenh_216_medium.jpg

Cung Điện Hoàng Gia Camphuchia! Hình Cha Thông và Người Cháu



Chiều hôm đó, sau khi ngồi xe "túc túc" đi tham quan và dạo quanh thành phố xong thì anh dẫn chúng tôi ra con đường dọc theo bờ sông Mekông và bắt đầu giới thiệu các "nơi ăn chơi!" Rồi chúng tôi băng qua đường, mua dế chiên (một đặc sản ở Campuchia) và 3 chú cháu ngồi "nhậu" ngay trên tảng đá! Thật, chúng tôi đã hoà nhập vào với "người địa phương!"


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/family_hoanguyenhue_nongphenh_251_medium.jpg

Những chú dế và bò cạp, cũng như nhện được bán khắp nơi!




Sau đó chúng tôi về khách sạn tắm rửa và anh bắt đầu dẫn chúng tôi đi vào bài học vỡ lòng của thế giới "muôn màu vạn sắc." Người dân thường Campuchia thì sau 9h đã không thấy đâu, ngoài đuờng toàn những khách du lịch Tây. Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi thấy du khách ở qua đêm nhiều đến như vậy, vì Phnom Penh chẳng có thắng cảnh gì đặc biệt, trừ cung điện hoàng gia (và dĩ nhiên killing field) mà chúng tôi đã thăm viếng ban ngày. Khi đi ngang qua khu phố gồm thật nhiều quán bar bình dân, anh Thông nói với tôi:

- Em để ý, khách du lịch ở đây toàn những ông Tây già, đi một mình. Thống kê cho biết cứ 3/5 khách du lịch phương Tây đến đây là nhằm mục đích "sex". Và những lão già bệnh họan đó chủ yếu là muốn quan hệ tình dục với những bé gái.
Tôi giật mình khi nghe cái sự thật ghê gớm đó. Quả thật, mãi tận hưởng cái thú của kẻ lần đầu tiên... xuất ngọai, tôi đã không nhận ra thực tế rằng, mình đã đi ngang vô số quán bar, nhìn thấy vô số khách Tây, và họ toàn là đàn ông và đa phần hơn cả tuổi... bố tôi. Ngay cả trong quán bar và club, tôi cũng thỉnh thoảng mới thấy 1,2 cặp tình nhân người Tây phương. Còn toàn là những ông già. Đa số đều chọn cho mình một cô gái Campuchia hay Việt Nam để ngả ngớn. Không quá khó để tôi nhận ra người cùng "con rồng cháu tiên" với mình. Điều đó làm lòng tôi chùng xuống.

"Tập" Vào Hang Cọp!

Làm mặt lạnh như tiền - thật ra là vì quá run khi lần đầu vào quán bar (quán rượu) mà các cô mắt xanh mỏ đỏ vây chung quanh thế này - nhưng tôi cũng không tránh khỏi một vài tín hiệu mời gọi khiêu khích về... thân xác. Thật không có gì dễ hơn là kiếm cho mình một cô gái ở Campuchia. Anh cho tôi biết, vì luật pháp cấm, nên những kẻ muốn quan hệ thân xác với trẻ em thường cần thông qua những cô gái bán dâm, hay các người dẫn gái.

Tôi nhìn qua phía đối diện, mấy lão Tây già đang ngả ngớn với mấy cô gái. Đột nhiên tôi nhận ra rằng mình căm ghét tất cả khách du lịch lớn tuổi ở xứ Campuchia này. Dĩ nhiên tôi biết mình vơ đũa cả nắm, nhưng quả thật trong những ngày còn lại ở Campuchia, tôi không thể có ấn tượng tốt với bất cứ ông Tây già nào, và chỉ muốn nắm râu và bạt tai thật lực khi thấy cặp kè bên cạnh là một cô gái Campuchia. Thật sự những cảnh tượng về đêm đó nơi Phom Penh làm tôi mệt mỏi.

Lên Đường Đi Siêm Riệp:

Sau một đêm nghỉ ở Phnom Penh, chúng tôi lên đuờng đi Siem Riep. Thêm 6 tiếng đồng hồ ngồi trên xe cho tôi thấy một điều, đó là người dân Campuchia còn rất nghèo. Đất đai chắc chắn không tốt, vì tôi thấy những khu đất rộng mênh mông bỏ hoang, cỏ cây dại nhiều chứ ít đuợc canh tác. Nhà cửa thưa thớt, toàn vách lá, hiếm hoi mới có một căn nhà xây. Nắng cháy. Những cây cọ hay thốt nốt rải rác. Trẻ con đen đủi ốm yếu. Tôi không nắm rõ số liệu thực tế, nhưng nhìn bề ngoài thực sự là nghèo hơn đa số vùng quê ở VN.

Trên đường đi có rất nhiều bảng quảng cáo du lịch ở Campuchia - Anh chỉ cho tôi và bảo tôi chụp một cái hình của một bảng quảng cáo "bảo vệ trẻ em!" tại một điểm dừng chân (rest area) - Anh giải thích: "Em đọc các chữ trên đó em nghĩ gì? Chắc em hiểu những gì đã và đang xảy ra để người ta phải "quảng cáo" như vậy chứ! Và để khỏi dài dòng văn tự, và để bạn cùng suy nghĩ với tôi - Tôi xin đăng tấm bảng đó lên đây để rộng đường dư luận!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/family_hoanguyenhue_nongphenh_250_medium.jpg

Đây tấm bảng chào mừng du khách "có trách nhiệm"


Khi đến Siem Riep, anh chọn một khách sạn khá sang, nơi anh đã từng ở, nhằm mục đích phục vụ cho công việc sắp tới của anh - mà anh nói rằng tôi sẽ tham gia một vai trò quan trọng. Thật tình khi đi sang đây, tôi đã chuẩn bị tinh thần chắc sẽ có lúc ở ké nhà dân kia đấy. Chúng tôi cũng được ghé thăm một trường từ thiện của vợ chồng thầy giáo Sang mà bạn bè của anh đã từng giúp đỡ, và sáng hôm sau tôi cũng có dịp đi thăm Angkor trong nửa ngày. Chúng tôi cũng đi thăm làng người Việt trên Biển Hồ Tonle Sap. À quên, sáng hôm đó anh không đi Angkor với chúng tôi, viện cớ có việc "riêng"; anh bảo chúng tôi tự đi và hẹn đến chiều sẽ gặp lại! Những ngày sau đó tôi đã gặng hỏi anh nhiều lần là sáng hôm đó anh làm gì, nhưng anh chỉ cười và bảo "Anh sẽ viết!" Vì thế - bạn và tôi phải đợi nhé! Mong anh không để cho chúng ta đợi dài cả cổ!

Lần vào "hang cọp":

Tối hôm đó, anh dẫn chúng tôi đi "tham quan" - Anh có biệt tài quan sát những nơi cần đến, những ngả đường dẫn tới nó. Khi về Việt Nam thấy anh chẳng thuộc đường phố gì cả sao anh rành bên Siêm Riệp thế? Anh bảo "khi đối diện với cái chết, con người... khôn hơn nhiều!"

Bây giờ tôi mới hiểu, lần này anh đi Siem Riep là muốn tìm hiểu các nhà chứa do chính người Việt làm chủ. Chúng tôi đi vào một cái quán có cái tên một loài hoa rất đẹp. Nhưng có lẽ cũng đã hơi trễ nên quán đã... "đóng cửa." (Sau này tôi biết có thể là đang bận "tiếp khách"!) Thế là anh dẫn tôi vào một hộp đêm gần đó. Đây là một "teen club". Đúng như cái tên của nó, dân nhảy toàn là những gương mặt non choẹt búng ra sữa, độ chừng mười mấy, ai lớn chỉ cùng lắm là hai mươi tuổi. Tôi nhìn lũ nhóc, chẳng hiểu lòng mình đang nghĩ gì nữa. Trong những xúc cảm lẫn lộn, chỉ thấy chán nản là rõ hơn cả.

Ngồi một lát không chịu nổi âm thanh của hộp đêm, anh em chúng tôi ra ngoài. Quán ăn ngay truớc hộp đêm rất đẹp, bài trí rộng rãi và khá khéo. Có điều, thay vì thực đơn, điều đầu tiên chúng tôi nhận đuợc là một má mì đến hỏi hai chúng tôi (dĩ nhiên là bằng tiếng Anh) có muốn vài cô xinh đẹp ngồi cạnh chăng, đồng thời quảng cáo luôn là có thể đưa về khách sạn nếu muốn, v.v. và v.v... Sau khi anh từ chối, lúc này chủ nhà hàng mới xuất hiện và đem menu tới. Ôi Campuchia. Có nơi nào phạm tội về thân xác dễ hơn ở đây?

Vào "vai":

Tôi thức dậy vào sáng ngày 30-1. Lý do duy nhất tôi nhớ rõ ngày này vì đó là Sinh Nhật của tôi, chứ thực sự trong một thời gian dài tôi chỉ ước gì mình quên đi đuợc những gì đã trải qua trong ngày hôm đó. Nhận ra mình cảm nắng, mệt mỏi và nhức đầu. Cổ họng đau có lẽ vì hăng máu cởi trần nằm máy lạnh. Anh cho tôi hai viên thuốc và... bắt đầu phân công và lên "chương trình" tổng tiến công!

Thực sự tôi không tin tuởng lắm vào sự phân công của anh Thông khi anh nói tôi sẽ đóng vai tour guide cho anh. Tôi thì biết gì về cái vai trò này, và tôi cũng đã phản đối. Nhưng tôi nhớ ra rằng hôm qua cô chủ quán đã nhầm tôi là Campuchia chính hiệu, có lẽ vì bộ dạng bơ phờ và nước da ngăm đen của tôi. Tôi chẳng thể nào giả bộ làm du khách như anh được. Tiếng Anh của tôi cũng không đủ tốt để xạo rằng tôi là Việt kiều, hay người nước ngoài! Ừ thì... liều mạng vậy. Thế là tôi vào vai người hướng dẫn viên du lịch cho một du khách... giàu có - là anh - một Việt kiều xa quê từ nhỏ qua Campuchia chơi! Anh sẽ không biết nói tiếng Việt - chính vì thế không phải chỉ trong lúc "nhập vai" hai chúng tôi mới nói tiếng Anh mà bất cứ lúc nào ra đường chúng tôi cũng phải nói tiếng Anh để tránh... gặp sự cố!

Chúng tôi quay lại quán đóng cửa tối qua. Mục đích là muốn xem quán cafê này bán loại "cafe già hay trẻ?" Đường thoát chạy ra sao? Họ làm ăn thế nào! Và sau này anh mới cho tôi biết là anh muốn thử xem tôi vào... vai có được không trước khi ra quân tối hôm đó.


Thế là tôi được anh cử vào quán "thăm dò". Một người phụ nữ đứng tuổi cười hớn hở ra đón. Giả vờ xổ vài câu tiếng Anh đơn giản để biết chắc là bà ta không hiểu tiếng Anh, tôi mới quay sang tiếng Việt.

- Cái thằng quỷ sứ! - Người phụ nữ cười to. - Sao mày không nói sớm trời. Bày đặt tiếng Anh. - Tôi quay ra gọi anh vào quán.
Sự Thật Đau Lòng:

Vào quán ngồi, chúng tôi gọi hai ly cafê sữa đá và quan sát. Trong quán ngoài người phụ nữ đứng tuổi lúc nãy - mà chẳng bao lâu sau tôi nhận ra đó má mì - còn hai cô gái, đều là người Việt Nam. Ngoài ra còn một cô bé mười mấy tuổi tôi không rõ, nhưng chắc chắn phải 15 đổ xuống cũng ngồi đó, ăn mặc khá mô đen và khá khác so với hai cô kia. Tôi sẽ nhớ mãi cô vì cô rất giống một người bạn của tôi (nếu người đó nhỏ lại 7,8 tuổi.) Tôi nở một nụ cười... đểu giả, rồi gợi chuyện khá thẳng thắn với má mì:

- Tôi dẫn ông khách nước ngòai qua đây du lịch. - Tôi giải thích thêm vài câu cho bà ta tin rằng anh Thông qua Mỹ từ bé xíu và chẳng còn nhớ chút tiếng mẹ đẻ nào.

- À, vậy hả! - Người đàn bà cười cầu tài.

- Ngòai café ở đây còn gì không bà chị?

- Mát xa thì 5 đô một giờ.

- Mát xa mà có mát... gần không? - Tôi cười khẩy và hỏi tiếp.

- Tùy chú muốn gì thôi. Ở đây chiều khách tới bến!

Qua những câu bằng tiếng Anh, anh bảo tôi hỏi giá tiền từng "dịch vụ", từ mat xa, đến "tới bến" thì như thế nào. Tôi gật gù, lại quay qua giả vờ phiên dịch. Thật tình, tôi thấy mình nhập vai một thằng hướng dẫn viên... mất dạy cũng khá đạt, và trong lúc vừa cười vừa phiên dịch cho hai bên, trong đầu tôi thầm rủa chính mình: "Sao mà mày lại có thể nói chuyện khốn nạn một cách khéo thế?"


Má mì cho tôi biết rằng giá cả tiếp khách của các cô sẽ dao động khoảng 10 dollar. Theo sự hướng dẫn của anh, tôi hỏi tuổi của các cô gái ở đây. Tôi cũng giả vờ... "nhá" cho bà ta biết rằng, "ông khách" tôi dẫn đi giàu có lắm, và ông ta thích người càng nhỏ tuổi càng tốt. Má mì cười hì hì:

- Ở đây lớn nhất là hai mấy, còn nhỏ thì... - bà ta nhìn tôi...- Dĩ nhiên là không dám vi phạm pháp luật, em biết không, vài đứa tụi nó nhìn có vẻ con nít, nhỏ xíu nhưng mà thực ra cũng trên 16 rồi đó em. Em biết đó, pháp luật người ta cấm mà.
- Tất cả các cô này đều là người VN chứ hả? - Tôi hỏi lần nữa theo sự hướng dẫn của anh.
- Sao chú mày biết? Bà ta nhìn tôi hỏi với vẻ hình như hơi dò xét.
Tôi hơi ngớ người, tự hỏi mình có làm gì sai, nhưng cũng nhanh trí đáp lại:

- Thì ai cũng nói tiếng Việt, thêm nữa khu này ai chả biết là tòan dân Việt Nam hả bà chị.
Cho dù biết có thể nhiều khi bà ta chỉ buột miệng hỏi, nhưng tôi cũng ráng cười một tràng thật to và thật... đểu giả kèm theo câu trả lời của mình để tạo vẻ tự nhiên nhất có thể.

Anh bảo tôi yêu cầu họ cho anh coi phòng ở đây. Anh cho biết để phòng trường hợp anh không thể đưa các cô bé về khách sạn để hỏi thông tin. Đồng thời, "lối thóat," anh nói, "là điều đầu tiên anh muốn biết khi vào những chỗ như thế này."


Má mì đồng ý sẽ dẫn anh đi coi các phòng. Anh nhanh chân buớc vào trong. Tôi loay hoay cởi giầy. Đúng lúc này cô bé con lúc nãy lên tiếng gọi với vào trong.

- Má ơi. Lúc nãy hình như có người kiếm bà nội. Người ta vào trong đó, không biết có đi nhầm phòng không.
- Nội đâu mà nội. Người ta đi với "gái" đó.
Tôi quay lại nhìn trân trối. Tôi cứ tuởng cô bé cũng là "gái" nhỏ tuổi ở đây. Tôi ngơ ngác nhìn cô, rồi căm giận phóng cái nhìn vào người mà cô gọi là "má". Làm sao từ nãy đến giờ bà ta có thể nói đến chuyện trả giá mua bán thân xác trước mặt con gái mình? Nhưng... ít ra bà cũng còn một chút tính người, tôi tự an ủi nghĩ, vì khi nãy liệt kê những cô gái nhỏ tuổi đi khách bà ta không hề tính đến con gái mình. Nếu có chắc tôi sẽ nổi điên lên mất. Vả lại tôi còn chút xíu hy vọng là có thể các cô bé đều gọi má mì là má chăng.

Sụp Đổ - Bán Chính Con Gái Mình:

Sau khi dẫn tôi và anh đi coi một vài phòng, bà ta bảo chúng tôi tối quay lại, vì các cô gái tản mát khắp nơi. Có cô là tiếp viên, có cô là gái bar, còn các cô bé thì chỉ ở nhà, khi có khách "xịn" mới đuợc gọi tập trung. Dường như sự hăng hái trò chuyện và giúp đỡ nhiệt tình của tôi khi bà ta nhầm lẫn loay hoay với đống chìa khóa đã lấy đuợc cảm tình của má mì, thêm vào là thông tin ông khách này khá giàu có lại làm cho má mì hào hứng thấy rõ, luôn miệng nói chuyện.

Bây giờ bà ta quay qua quảng cáo đến một cô bé "mới rửa" có một lần, và bảo tôi phiên dịch cho anh xem anh có thích không. Anh trả lời với tôi cứ bảo bà ta tối dẫn đến hết, nếu thích anh sẽ chọn. Nhưng lúc này xảy ra một việc tôi không ngờ.

Vì không kiềm chế được sự thắc mắc, tôi chỉ cô bé gọi bà bằng "má" và hỏi nhỏ: "Con gái chị hả?" Bà ta cười xác nhận. Như có vẻ cởi mở vì sắp được khách sộp, bà ta chỉ tay vào cô bé con gái mình hí hửng: "Con nhỏ này cũng đã có người đặt hàng "rửa" 3000 đô. Chỉ còn chờ đủ "tuổi." (ý nói có kinh nguyệt lần đầu) Rồi bà ta cười ha hả đầy vẻ tự hào. Tôi theo phản ứng của một kẻ đang đóng vai tay hướng dẫn viên dắt gái cũng ngoác miệng cười theo, nhưng trong lòng đầy nỗi kinh hoàng và giận dữ. Bà ta đã ngả giá bán trinh chính con gái mình với một vẻ đầy khoái trá tự hào. Tôi nhìn qua cô bé. Đứng gần cửa, thọc tay vào túi chiếc quần jean trễ ngang hông, và chắc chắn cô nghe hết những gì mẹ cô nói, nhưng cô chẳng tỏ vẻ vui hay buồn. Có vẻ cô bé coi như đó là cái gì rất bình thường sẽ sảy đến với đời mình.

Chúng tôi ra ngồi lại để uống hết ly cafê và tiếp tục quan sát.

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/cafesua.jpg
Ôi ly cà fê vô tội!


Má mì lại thao thao bất tuyệt về các cô gái "nhỏ tuổi mấy cậu mới thích, chứ lớn quá mấy cậu đâu có thèm". Tôi thấy nụ cười trên môi mình lúc này đã cứng lại như một cái khuôn để sẵn. Mỗi lần liếc nhìn cô bé, nỗi căm phẫn trong lòng tôi dâng lên. Mỗi lần nhìn bà ta, nghe giọng cười và những câu "quảng cáo", trong đầu tôi lại ong ong những câu nói: "Bà ta bán chính con gái mình! Bà ta bán chính con gái mình!" Bất chợt, tôi nhận ra rằng, mình vừa có ý định sẽ chồm tới má mì, vòng cánh tay qua cổ bà ta mà bẻ mạnh. Ý nghĩ đó chỉ chớp lên một giây, rồi vụt tắt vì trời ơi, tôi nãy giờ đã vào vai đúng điệu một thằng dẫn gái cho khách, tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết mình đang trong hoàn cảnh nào. Tuy vậy, tôi vẫn không thể chối bỏ cái cảm giác lần đầu trong đời, tôi thực sự muốn giết một người. Tôi lẩm bẩm "Lạy Chúa tha tội cho con, và sáng soi cho con biết việc phải làm, cùng khi làm..." tôi đọc trong đầu để lấy lại bình tĩnh.


Tôi trả tiền hai ly café bằng tờ tiền mệnh giá lớn và cô bé chuẩn bị thối lại phần còn dư kha khá, nhưng tôi bảo là cho cô. Thực sự tôi chẳng hào phóng gì cả, tôi chỉ muốn thoát ra khỏi cái chốn này cho nhanh, tôi càng không muốn nhìn cô bé lâu. Cô bé chạy lại khoe với mẹ:

- Má ơi, còn dư người ta cho con nè!
- Giữ lấy lát mà mua xoài ăn. Má mì cười trả lời.
Ôi!... Có gì khác hai mẹ con người bán quán bình thường đâu. Tôi muốn điên lên và gào thét! Tại sao? Tại sao...?
Hết phần I - mời bạn quay lại để đọc tiếp phần II - Cái Đêm Hôm Ấy!

N.H.N

Ân Sủng và Bình An,

Lm Martino Nguyễn Bá Thông - N.H.N

http://www.hayyeuthuonhau.org/ (http://www.hayyeuthuonhau.org/) and http://www.onebodyvillage.org/ (http://www.onebodyvillage.org/)

mimosa_jolly
11-03-2009, 11:06 PM
Lại... Một Chuyến Ði - Chuyện thứ 4 - Không thể tin được! (phần II)

Người viết: Lm Martino Nguyễn Bá Thông - N.H.N 11/03/2009


Chuẩn Bị:

Trưa chiều hôm đó tôi thật sự phát bệnh vì cảm nắng, và cảm thấy kiệt sức, một phần vì ấn tượng của chuyện vừa xảy ra lúc sáng. Ôi Campuchia! Một đất nước chứa đựng công trình kì vĩ uy nghiêm bậc nhất từ bàn tay con người xây dựng, đồng thời cũng là nơi mà sự khốn nạn bệnh họan hiện diện khắp nơi, và thậm chí đã len lỏi vào mối quan hệ cao đẹp nhất của con người: tình mẫu tử...

Sau bữa cơm chiều tôi phải xin anh Thông hai viên thuốc chống nhức đầu. Tôi đọc kinh sáng soi truớc khi xuất phát, xin Chúa giúp đỡ tôi. Tôi không muốn vì ngu ngốc hay vì mất kiềm chế mà làm lộ ra thân phận của anh, để có thể gây nguy hiểm cho anh. Nhiều người đang cần anh gấp trăm gấp ngàn lần số những người cần tôi. Vả lại, lúc nào tôi cũng có thể chạy ra được, còn anh là người dấn thân vào đó. Có lẽ Chúa đã nhận lời tôi, sau này anh là tôi đã nhập vai rất đạt, đúng điệu một hướng dẫn viên "cao cấp" vì tiếng "Sir" lúc nào cũng ở đầu môi.

Nỗi Buồn Người "xa xứ":

Chúng tôi cố tình đi sớm để rảo qua những quán cà phê, karaoke Việt Nam trong khu đó, chúng tôi giả vờ vào hỏi thăm để lấy thông tin. Toàn bộ là người Việt Nam, từ chủ quán cho đến các cô gái đều là dân Việt. Hầu như tiếng Campuchia không được nói ở đây... Đôi lúc tôi nghĩ chắc khu "đèn đỏ" Sài Gòn nào đó cũng như thế này, mỗi tội không công khai đuợc bằng. Nghĩ đến chuyện người cùng đất nước sang đất khách quê người làm gái, tôi không thể tránh nỗi buồn cuộn lên từng chặp.

Anh và tôi cố tình trở lại quán "cafê" đã hẹn ban chiều sớm hơn giờ đã hẹn một chút. Vừa bước chân vào quán, chúng tôi đã nhận ra một vài cô gái khác, cùng với một người đàn bà phốp pháp đẫy đà ngồi đó. Khuôn mặt to béo, nước da nhờn nhợt của mụ làm tôi thực sự thấy ớn lạnh. Tôi lên tiếng hỏi, và bà ta cho biết rằng các cô chưa tập trung đầy đủ. Qua trao đổi, chúng tôi nghe thấy có một cô đi lễ chùa chưa về, các cô khác thì đang ở nhà hay đi học. Tú bà (người đàn bà phốp pháp này) - tôi sẽ gọi vậy để phân biệt với má mì (là người mà hồi chiều chúng tôi gặp) - bảo chúng tôi hơn nửa tiếng các cô sẽ tập trung đầy đủ.

Chúng tôi lại đi tìm một quán cà fê khác để giết thời gian, nghe những băng nhạc trẻ Việt Nam điếc tai, những cô gái Việt Nam chờ khách tán chuyện, những khách Tây chốc chốc ghé ngang hỏi giá... Cuối cùng cũng đến giờ "hẹn."

Cạm bẫy:

Mụ tú bà đã đuợc thông tin anh là khách sộp nước ngoài, nên thay vì giá cả đã đuợc nói truớc với má mì hồi sáng, mụ tăng lên gấp hai, gấp ba, nhiều chỗ cố tình nói lấp lửng về giá cả. Dưới sự hướng dẫn bằng tiếng Anh của anh, tôi hỏi cho rõ từng điều một. Sau đó là đến phần trả giá cho các cô gái. Anh yêu cầu tất cả vào phòng. Trong các cô có một cô bé, tôi cho là nhỏ tuổi hơn con gái của má-mì nữa. Vóc dáng của cô cũng hoàn tòan là một đứa bé, không có chút gì ra dáng thiếu nữ. Tú bà yêu cầu 100 USD cho cô bé, vì cô chỉ mới "phá trinh" cách đây vài ngày. Còn các cô khác, tú bà yêu cầu 60 USD cho dịch vụ trọn gói.

Anh đã quá quen với những trường hợp ép giá khách sộp thế này, nên anh từng buớc một, yêu cầu tôi phiên dịch ý của anh. Cuối cùng anh chọn ra 2 cô bé biết nói tiếng Anh, trong đó có cô bé mà mụ tú bà thì liên tục tìm cách có được giá cao. Thú thật, nhìn vào khuôn mặt của mụ ta đã khiến tôi lợm giọng. Chứng kiến cảnh mụ ta trả giá thân xác phụ nữ, đồng thời liên tục nhắc chuyện "con bé nó còn nhỏ, con bé nó mới phá trinh cách đây vài bữa à" khiến tôi chỉ muốn nhào tới bóp cổ con người này. Thực sự nỗi ghê tởm của tôi với mụ ta dâng lên cũng không kém gì má mì ban sáng thậm chí có phần hơn, vì ngọai hình kinh tởm của mụ ta.

Quá Sức Chịu Đựng:

Quá trình trả giá kéo dài. Tôi, miệng vẫn cố gắng cười tươi, quay qua quay lại giữa hai bên. Nhưng mồ hôi tóat ra đầy trán tôi. Với tôi, phải "nhập vai" này, giữa khung cảnh này và những con người này (dĩ nhiên trừ ra anh) là điều thật quá sức chịu đựng. Tôi cũng không hiểu làm thế nào mình có thể "nhập vai" lâu đến thế, miệng nói leo lẻo và luôn nở nụ cười. Nhưng tôi biết mình cũng có thể sụp đổ và gào lên điên dại bất cứ lúc nào trước những điều đang xảy ra trước mắt mà tôi đang chứng kiến... Ôi, tôi thật sự không hiểu làm sao anh có thể làm những điều này, và mức độ còn gấp nhiều lần như thế suốt bao năm qua... Hèn gì đôi lúc anh nói với tôi: "anh bây giờ "chai đá" lắm rồi! Chẳng còn biết vui buồn gì nữa!"

Cuối cùng chúng tôi đã thỏa thuận sẽ có 2 cô bé đó với giá 40 đô một cô. Anh bảo 2 cô ăn mặc đàng hoàng, đến chỗ lobby khách sạn anh sẽ dẫn vào. Nhưng tú bà vẫn chưa từ bỏ cơ hội để moi tiền anh. Lại lấy một chi tiết lấp lửng giá cả "ra ngoài" hay "ở lại" ra. Anh lập tức phát hiện và nhờ tôi phiên dịch. Bà ta phải giữ giá cũ. Bất chợt anh thay đổi quyết định sẽ lấy một phòng nơi đây để làm nơi nói chuyện với hai cô bé. Sau này anh mới cho tôi biết là anh phát hiện ra những điều đang xảy ra sắp sửa quá sức chịu đựng của tôi. Và sợ tôi "ngã ngựa" giữa chừng thì chết cả đám, nên anh mới quyết định như thế để cho tôi "thoát" ra khỏi nơi này! Chứ anh có thể trả giá xuống còn một nửa. Không những giá sẽ rẻ mà khi càng kéo dài câu chuyện "trả giá" (và không biết anh biết tiếng Việt - và chúng tôi đang đóng kịch) bọn họ sẽ để lộ ra nhiều thông tin về đường dây và các trẻ em bị bán vào đây nhiều hơn nữa.



Trích đoạn chuyên mục đặc biệt của Đài MSNBC về tệ nạn các trẻ bị bán làm nô lệ tình dục tại Campuchia.

Anh ở lại, tôi... đi:

Anh chọn một phòng ít người qua lại nhất, và yêu cầu đảm bảo không ai đến gần nghe lén hay thậm chí đi ngang. Hai cô bé không được mang theo điện thọai, hay bất cứ cái gì. Như nỗ lực sau cùng trước khi đuợc tạm giải thóat, tôi dặn đi dặn lại tú bà và má mì những yêu cầu của anh đến mức họ phải bảo nhau "không biết thằng này được cho bao nhiêu tiền mà nó nói khổ công dữ vậy?" Ngồi lại một chút, đủ để nghe bọn họ bảo nhau "chắc cha này (ám chỉ anh) biến thái mới dẫn một lần 2 con vô vậy", rồi tôi kiếm cớ... chuồn, vì thứ nhất tôi quá mệt mỏi, thứ nhì tôi sợ ngồi lâu, bọn họ hỏi vài thứ mà "hướng dẫn viên" chẳng biết trả lời gì thì bỏ mạng.

Khi ra khỏi đó, việc đầu tiên tôi cảm thấy là nhẹ nhàng. Nhưng tôi đã nhầm. Tôi đi tìm chỗ gọi điện thoại về nhà mà không được - vì đã hai ngày tôi không gọi điện cho gia đình thông báo mình vẫn khỏe và vẫn đi chơi. Chẳng hiểu sao không có quầy điện thọai quốc tế nào cho gọi về VN. Tôi cũng muốn kiếm nơi đâu nhắm mắt ngủ. Nhưng lại không dám về khách sạn, sợ mình quên đường quay lại đây. Tôi đi bộ hết con đuờng rồi quay lại, nhảy vào một tiệm Internet, hy vọng em gái mình có online chăng. Nhưng cũng không thấy nó. Máy vi tính thì cũ, bàn phím và con chuột thì tệ quá mức. Tôi không thể tập trung. Những ý nghĩ lại dày xéo trong tâm trí tôi.

Lo Lắng Đến Phát... Điên:

Phải. Tôi gần như muốn phát điên vì những điều đã trải qua. Nhưng giờ lại thêm lo lắng về anh Thông. Những suy nghĩ ngớ ngẩn nhưng dường như rất có lý với tôi lúc này nhảy nhót trong đầu. Liệu tôi có làm gì sai? Hay sơ hở gì trước con mắt cú vọ của mụ tú bà không? Nếu có, có khi nào chúng lừa anh vào bẫy, để 2 tiếng sau tôi quay lại, thấy anh thân tàn ma dại trong phòng? Cứ cho tôi có thể liều mạng mở đuờng mà chạy ra được, nhưng chuyện gì sẽ đến với anh? Khi mà đất nước quân đội và cảnh sát cũng đồng lõa với những họat động này, và những vụ bắt bớ chỉ là có lệ?

Tôi đã từng đọc và biết mua trinh ở Campuchia ngòai khách du lịch chính là một số sĩ quan quân đội và các chính trị gia. Nếu bị phát hiện họat động của chúng bị người khác tìm hiểu, làm sao chúng để anh toàn mạng quay về. Thậm chí tôi còn thấy anh nằm đó là may....

Tôi tự trấn an bằng cách nhắc cho mình nhớ anh đã lăn lộn họat động ở chốn này hơn 8 năm rồi. Nhưng lập tức câu trả lời khác nhảy đến: "Nhưng anh "hoạt động" một mình, chứ không phải có một thằng lớ ngớ đi kèm là tôi đây."... Trời ơi, hai tiếng đồng hồ đó với tôi là một sự tra tấn tinh thần khủng khiếp. Vậy mà tôi không thể tiếp cận được với một ai thân quen... Tôi rất muốn biến khỏi cái thực tại này, coi nó như là một cơn ác mộng.

Tôi uống thật nhiều nước, đi ra sau nhà vệ sinh mấy lần đến độ tôi còn nhớ rõ cái ổ mối ngang cửa mà chủ tiệm internet mê tín không dám phá đi... Tôi thấy có hai người bạn thân đang online trên Internet. Có lẽ lên mạng chờ chúc mừng sinh nhật tôi, nhưng tôi không dám chat... sợ rằng tôi sẽ lao vào bạn để trốn thực tại, và không dám nhớ để quay lại đón anh.

Tôi trước giờ vẫn nghĩ mình điềm tĩnh và có tinh thần vững. Nhưng thực tế thì đang tự chửi vào nhận định đó. May sao, tôi nghĩ đến Chúa, đến Đức Mẹ. Tôi đọc mấy kinh cầu nguyện, mong cho mình vững mạnh và sáng suốt. Tôi thấy mình bình tâm lại trong khoảng thời gian còn lại, đủ để không sụp đổ. Đến giờ hẹn, tôi nắm chặt hai tay, hít một hơi dài rồi quay buớc...

Gần đến nơi tôi thấy vẫn còn sớm, tính vào quán cà phê ngồi thì nghe tiếng ai gọi, rồi thấy má mì đang chạy lúp xúp tới. Bà ta bảo anh đã "xong việc", đang ngồi đợi tôi. Sau này tôi biết là anh sợ tôi ngồi ngoài đợi anh và căng thẳng "không chịu nổi" nên anh mới ra sớm. Anh đã đi một đoạn đường tìm tôi nhưng không thấy nên mới quay lại ngồi nghe bọn họ nói chuyện. Có lẽ vì muốn làm vừa lòng khách sộp, hay vì không thỏai mái truớc sự hiện diện của anh lúc cả đám đang bàn chuyện, nên tú bà mới gởi má mì đi kiếm tôi.

Sự Thật Phũ Phàng:

Sau câu chào, anh bảo tôi nên đòi tiền "dắt mối" cho đúng điệu hướng dẫn viên du lịch. Giả như tôi hăng hái lúc ban đầu theo anh thì sẽ nhất định kì kèo mụ tú bà đến chết thôi, nhưng tôi đã quá ỏai. Dù tinh thần có khá lên nhưng thể xác đã chịu hết nổi, chỉ muốn biến khỏi nơi này cho xong. Anh cũng hiểu nên không làm khó tôi, và chúng tôi sánh vai bước ra khỏi quán. Tôi không thể tránh việc ném cái nhìn cuối cùng về cô bé con má mì và cô bé tí tẹo (mà anh "thuê"). Dĩ nhiên tôi sẽ không thể can dự vào những chuyện sắp tới của cuộc đời cô bé. Thậm chí có khi sẽ không gặp lại cô lần thứ hai. Nhưng tôi sẽ không thể nào quên được. Tôi chỉ ước mong, đời hai cô bé sẽ "tốt" hơn!

Tôi gần như đã nuốt trọng thức ăn trong bữa ăn khuya sau đó vì không còn cảm giác, ngược lại chỉ muốn nôn. Tôi cũng cho anh biết rằng hôm nay là sinh nhật tôi. Anh chúc mừng và chúng tôi nâng 2 ly nước suối, vì chai Heiknekein tôi không thể uống nổi (còn anh thì không biết uống bia rượu). Nói theo một nghĩa nào đó, tôi sẽ không thể quên ngày sinh nhật này.

Những ký ức kể trên vẫn ám ảnh tôi rất nhiều ngày sau đó, thậm chí nó làm cho tôi thật sự mệt mỏi khi đang viết lại cho qúy vị đọc đây.

Những ngày còn lại ở Việt Nam, dù tôi không hỏi, nhưng anh hiểu được tâm trạng của tôi và nhắc tôi: "Nhiều người hỏi anh rằng, họ có thể làm đuợc gì?" Anh chỉ trả lời họ: "Be their voice!" - "Hãy là những tiếng nói cho các em!" Và anh nói thòng thêm nếu được em hãy cho mọi người biết những gì em đã được chứng kiến. Hãy nói thay cho các em về những điều khủng khiếp mà các em phải trải qua. Và đó là điều tôi đã làm khi viết ra những dòng trên.

Chút Suy Tư:

Bạn thân mến, vậy là bạn đã được một người khác dẫn vào thế giới "kinh hoàng" mà tôi vẫn gọi là "địa ngục trần gian" là "cái cũi nhốt người" - Nơi mà các em nhỏ bị đối xử còn tệ hơn các con vật. Người em họ của tôi đã can đảm dóng lên thêm một tiếng nói cho các em - còn bạn thì sao? Bạn đã đọc bao nhiêu câu chuyện tôi viết, đã rơi bao nhiêu giọt nước mắt, đã buông bao nhiêu tiếng thở dài, nhưng bạn đã nói lên tiếng nào cho các em chưa? Hay bạn vẫn còn đang "sợ hãi" mà không dám nói cho các em!

Hơn 2000 năm trước - đứng trước cảnh các người theo Chúa nghe giảng đói khát và các Tông Đồ lại "không muốn cho họ ăn" chỉ vì các ông chỉ có "5 chiếc bánh và hai con cá" sợ rằng cho đi sẽ còn gì để ăn thì Chúa Giêsu đã nói: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính các con hãy cho họ ăn!" (Matthew 16,14)

Ngày hôm nay, các em nhỏ đó còn "đói khát" hơn cả các người ngày xưa. Ngày xưa 5000 người chỉ đói về thân xác, còn hôm nay các em đói cả về tâm hồn, đói cả về hy vọng, đói cả về tương lai, và đói cả về tiếng nói! Bạn ơi, tôi xin bạn, tôi van bạn đó "bạn hãy cho các em ăn!" bạn nhé! Hãy chia sẻ những gì bạn có để xoa dịu "cơn đói" của các em! Và tôi tin chắc Chúa sẽ làm phép lạ trong đời của bạn như Ngài đã làm hơn hai ngàn năm trước!

Một lần nữa tôi xin mượn lời Chúa Giêsu và xin bạn "các em không cần phải đợi ai cả - chính các bạn sẽ là người xoa dịu cơn đói của các em!"

Ân Sủng và Bình An,


Lm Martino Nguyễn Bá Thông - N.H.N

http://www.hayyeuthuonhau.org/ (http://www.hayyeuthuonhau.org/) and http://www.onebodyvillage.org/ (http://www.onebodyvillage.org/)

PS: Xin mời trở lại để cùng tôi đồng hành trong các câu chuyện kế tiếp!

mimosa_jolly
19-03-2009, 03:21 PM
Trẻ Em Ăn Xin

Người viết: LM Martino Nguyen Ba-Thong 12/03/2009


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/chungnhan1.jpg

Nếu ai đã một lần về thăm gia đình tại Việt Nam, thì hình ảnh những cụ già, những em bé nhếch nhác xin ăn trên đường phố Sài Gòn, hay các thành phố lớn đã trở nên quá quen thuộc. Nhưng đằng sau những số phận cùng khổ này là gì? Trong số báo tháng này với chủ đề "bóc lột sức lao động" mời bạn cùng làm "phóng viên" với tôi nhé để lần theo dấu vết và một sự thật được phơi bày hết sức tàn nhẫn...

À mà nhỉ, chuyện "buôn người" hay "chăn dắt" thì thời nào cũng có, nước nào cũng có, là nỗi đau của con người, của loài người. Nhưng ai có thể ngờ...

Nỗi Đau Nhãn Tiền:

Tôi đang được một người bạn chở bằng xe máy len lỏi trong dòng xe đông đúc trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, đến đoạn gần ngã tư Nguyễn Văn Cừ, thì tiếng một phụ nữ "thét" lên: "Con ơi con, bỏ chân vô trong đi, xe cán lên chân con bây giờ". Tưởng có gì nguy hiểm lắm, mọi người thắng xe ngoái nhìn. Một cảnh tượng thật đau lòng: hai bé gái khoảng chừng 5 hay 7 tuổi ở trần da đen thui thủi đang ngồi bên lề đường. Trên vai hai đứa bé đèo thêm hai em bé chỉ mới hai tháng tuổi. Một đứa dường như quá mỏi nên ngồi xoải chân ra lòng đường, đặt đứa trẻ loi choi nằm dài trên đôi chân của mình. Những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương. Tay vẫn cầm một cái ca bằng nhựa giơ giơ lên giữa dòng người qua lại.

Tôi bảo bạn thắng xe, nhảy xuống, định đến giúp em và nhân tiện tính xin một tấm ảnh... Nhưng vừa đưa máy hình lên thì một đứa lớn phát hiện, em thét lên báo hiệu cho đứa kia rồi cả hai vội xốc hai em bé chạy thật nhanh qua bên kia đường mặc cho dòng xe cộ rất nguy hiểm. Chờ sẵn bên kia là hai phụ nữ, một người khoảng 40 tuổi, một người khoảng 20. Hai bé gái giao lại hai đứa nhỏ cho người phụ nữ lớn tuổi rồi đi thẳng. Hai người phụ nữ nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống - và hình như họ muốn gào thét vào tai tôi: "Ai cho ông chụp hình? Có muốn chết không hả?" Trời đang mưa phất phất, nhưng trong lòng tôi, dòng thác đã đang điên dại chảy tự bao giờ!

Đi Tìm Kẻ "Chăn Dắt"

Được mấy người bạn làm trong báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên "mách mối" - tôi và một người bạn tìm đến các quán nhậu bên bờ kênh Nhiêu Lộc khi ánh đèn đường yếu ớt hắt vào từng bàn nhậu!

Vừa kêu xong mấy món "nhậu" và có vẻ như đang chờ mấy người bạn - hai chúng tôi may mắn được vài em chiếu cố ngay! Nhìn bề ngoài tôi nghĩ các em khoảng chừng 5 hay 6 tuổi, nhưng khi hỏi ra em nào cũng bảo 10 tuổi, thậm chí còn 11! Cái đặc điểm giống nhau là em nào cũng ở Quảng Xương, Thanh Hoá - vào đây ăn xin với mẹ và bà! (chẳng em nào đả động đến ba). Nói chung, các em đều được "đào tạo" ra cùng một "lò" - nên bài bản giống nhau! Chỉ có điều duy nhất tôi tin đó là các em là người Thanh Hoá thật! Vì giọng nói thì không thể tránh được!

Theo thói quen của mình, tôi mời các em ngồi ăn - nhưng không như những đứa trẻ ăn xin ở trung tâm quận 1 - các em này không ai dám ngồi ăn, và ngạc nhiên hơn nữa là không cầm thứ gì khách cho ngoại trừ... tiền! Đêm đó chúng tôi theo "sát chân" các em và phát hiện ra một người đàn ông "chăn dắt!" Ông chạy xe biển số Thanh Hoá "36F" - Ông đến "thu tiền" cứ mỗi khoảng 2 tiếng và khi trời đã về "sáng" (khi các quán nhậu đóng cửa) ông đến đón 3 đứa bé và một bà cụ già (giả bị mù). Chúng tôi lập tức bám theo cho đến tận bên quận Tân Phú và họ mất hút vào trong con hẻm!
(Hay đúng hơn là tôi sợ bị lộ nên không... truy tiếp)

Hai hôm sau đó, chúng tôi tiếp tục "bám" theo các em và biết được người đàn ông tên Nghĩa: Ông thuê trọ ở đây cùng với nhiều người già và trẻ con! Cứ mỗi sáng khoảng hơn 5 giờ một tí thì tất cả mọi người - từ già đến bé - cuốc bộ ra đầu đường đón xe buýt đi... ăn xin! Chỉ riêng vợ chồng ông Nghĩa thì khoảng 10 giờ mới "thò đầu" ra khỏi cửa và lên hai xe gắn máy đi "thu tiền."

Tôi lân la, trong vai "đoàn thanh niên" giúp các trẻ em nghèo đi học lại đến khu nhà trọ đó tìm hiểu thì được những người hàng xóm cho biết rằng vợ chồng ông Nghĩa chỉ có hai việc đó là: ngủ và thu tiền trên sức lao động của các em.

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/nghechandat.jpg
Đứa trẻ (đứng) được ông Nghĩa thuê đi ăn xin!

Cô con gái chủ phòng trọ thẳng thắn cho biết ông Nghĩa thuê phòng làm ăn ở đây được nhiều năm. Hai vợ chồng ông Nghĩa thuê mấy người này cùng quê với họ ở Thanh Hoá với giá 300.000 đồng một tháng, họ đi ăn xin từ mờ sáng đến 12g trưa mới về ăn cơm và chiều đi tiếp. Cô con gái chủ phòng trọ nói: "Mấy đứa nhỏ bị thay liên tục, ổng tuyển người mới hoài".

Cũng theo cô, các em và các cụ già đi xin ăn mỗi ngày kiếm được khoảng trên dưới 100.000 đồng, có ngày gặp may thì 200.000 hay 300.000. Trung bình một tháng các em xin được khoảng 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khách có cho 1.000 đồng hay 100.000 đồng mỗi lần các em cũng không vui vì tất cả đều bị chủ "chăn dắt" thu trọn. Hằng ngày các em phải dậy để đi ăn xin từ sáng sớm đến nửa đêm nên em nào cũng ốm o gầy mòn và thiếu ngủ trầm trọng.

Theo tôi được biết thì ông Nghĩa chỉ là nhóm nhỏ trong các tay "chăn dắt" gốc Thanh Hoá vào Nam "làm việc" - Có những nhóm lên đến cả 30 hay 40 chục em và được "bảo kê" rất kỹ. Cũng như những việc làm "tối" khác - họ chia vùng ra rất rõ ràng và như là luật bất thành văn - ai ở vùng người đó! Tuy nhiên... máu vẫn đổ ra vì nhiều khi "lính" của người này qua "địa bàn" bên cạnh làm ăn!

Những Hợp Đồng "Béo Bở" Đong Đầy Nước Mắt và Máu!

Trong những bám gót các em, tôi được biết hầu hết các em bị đưa vào Sài Gòn đều có "hợp đồng" hẳn hỏi - Hợp đồng của bố mẹ các em ký nhận tiền ứng trước và cho con "đi làm!"

Tôi không có giờ để ra tận Thanh Hoá "điều tra" tiếp - nhưng đã gởi một người bạn "khá tin cậy" đi thay tôi và khi trở về người đó tường trình như sau:

Ở Huyện Quảng Xương, Thanh Hoá thì vấn đề đi ăn xin đã có từ lâu đời - Xuất phát từ Làng Đồn Điền, Xã Quảng Thái! Vấn đề đi ăn xin ở đây không chỉ thuần túy về kinh tế mà nó còn trên phương diện lịch sử và văn hoá! Người dân có tục đi ăn xin từ xa xưa và nay đã lây sang nhiều xã khác!

Thế nhưng, người bạn tôi nói tiếp: "Họ nghèo lắm, hễ nghe ai bảo mỗi tháng vào miền Nam kiếm được ba hay bốn trăm ngàn là họ cho con em đi ngay! Họ không cần biết con em của họ vào đó làm gì! Các tay chăn dắt công khai về các xã, các thôn để "Tuyển nhân viên" rồi dùng cả xe bò, hay công nông chở về "trại tập trung" đó!
Người bạn tôi cũng có ghé thăm các "biệt thự cao cấp" tại Thanh Hoá mà các kẻ "chăn dắt" xây cho vợ con họ ở! Nghe tôi hỏi về việc đó người bạn tôi bảo "Anh em mình làm cả đời cũng không có tiền xây nhà to thế đâu!"

Chút Suy Tư:

Bạn thân mến, chắc bạn cứ nghe tôi kể mãi các chuyện "không vui" nhưng có thật này cũng chán nhỉ! Có những người chỉ đọc xong rồi buông một tiếng "tội!" - Thế thì chưa đủ đâu bạn! Tôi chia sẻ với bạn một bài viết của cha Quang Uy, DCCT để bạn cùng suy nghĩ nhé!

- Một người đàn ông sảy chân ngã xuống một cái hố rất sâu, chân bị bong gân trẹo khớp rất đau, loay hoay mãi không thể tự mình thoát lên được...

- Một người Pharisêu đi ngang và nghiêm giọng: "Hừm! Chỉ có kẻ xấu mới ngã xuống hố!"

- Một bà đạo đức dừng lại và tặc lưỡi: "Thôi! Chịu khó vác Thánh Giá mà đền tội cho xứng nhé!"

- Một nhà toán học ngang qua chỗ ấy, ngồi xuống tính toán xem người bị nạn đã ngã xuống hố như thế nào?

- Một viên cảnh sát đến hiện trường, bắt đầu thẩm vấn và điều tra: "Anh tên gì? Nhà ở đâu? Anh có biết anh bị ai xô xuống không? Có bị ai tư thù, âm mưu hãm hại anh không?"

- Một người hay làm công tác xã hội, từ thiện bác ái, thì an ủi: "Cố gắng đợi nhé, đến chiều tôi sẽ trở lại mang cho anh một hộp cơm và một chai nước suối".

- Một thầy thuốc hỏi vọng xuống hố: "Anh thấy thế nào? Chân có đau nhức lắm phải không? Anh phải nhờ ai đi mua thuốc kháng viêm và giảm đau nhé!"

- Một thầy giáo ân cần hỏi: "Thế từ bé đến giờ, chưa có ai dạy anh những điều tối thiểu khi đi đường để không bị lọt hố sao?"

- Một cha xứ lộ vẻ xót xa thương hại: "Anh theo Đạo gì đấy? Nếu là dân Công Giáo thì ở Họ Đạo nào, Giáo Phận nào? Vợ con gì chưa? Có bị rối gì không?"

- Một phóng viên bắt gặp, phỏng vấn nạn nhân để biết toàn bộ câu chuyện về cái hố, lấy dữ liệu để viết thành một bài thật gay cấn đăng lên trang nhất tờ nhật báo phát hành hôm sau.

- Một người theo chủ nghĩa cá nhân biết chuyện thì bảo: "A ha, cái hố này của anh thì đã thấm vào đâu so với cái hố của tôi!"

- Một người có tính lạc quan thì xuýt xoa: "Ồ! May cho anh quá, chưa đến nỗi nào đâu, sự việc đã có thể tệ hơn nhiều."

- Một người khác, ngược lại, có tính bi quan, lắc đầu bảo: "Ôi! Rồi anh xem, không khéo tình trạng sẽ còn tệ hơn nữa đấy".

- Một nhà mô phạm đi ngang, nhìn xuống người đàn ông bất hạnh và trách: "Sao anh lại để ngã xuống dưới ấy, lần sau phải nhớ cẩn thận hơn nhé?"

Thế rồi Chúa Giêsu cũng đi đến đó, chú ý ngay đến cái hố, cúi nhìn xuống và thấy con người đáng thương ấy, Ngài nhẩy ngay xuống hố, bảo anh ta bám chặt vào lưng Ngài để cùng Ngài leo lên !

Mùa chay đã đến rồi. Bạn thuộc loại người nào? Chắc là người "hiện thân" của Chúa ở trần gian. Nếu bạn không thể nhảy xuống hố để giúp họ trèo lên - hy vọng bạn hãy làm một cái gì đó - dù chỉ là một tiếng gọi giúp họ!

Ân Sủng và Bình An,

Lm. Martino Nguyễn Bá Thông

www.hayyeuthuongnhau.org (http://www.hayyeuthuongnhau.org/) và www.onebodyvillage.org (http://www.onebodyvillage.org/)

vũng_nước
20-03-2009, 05:25 AM
Trời ơi ngó xuống mà coi!
http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/xe-khach.jpg

Người viết: LM Martino Nguyễn bá Thông


05/09/2008



***************


Trời ơi ngó xuống mà coi!


Linh Mục Martinô Nguyễn Bá Thông

Có thể bạn đã đọc được những phóng sự "Cơm... tù" từ những báo chí trong và ngoài nước trong nhiều năm qua. Bài viết này không có mục đích "báo cáo" với bạn những điều mới mẻ. Người viết chỉ mong bạn "thông cảm" và yêu thương những người thấp cổ bé họng hơn!
Nghe thì đã nhiều, nhưng không nghĩ trên đời lại có những kẻ ... bóc lột những người nghèo như thế bao giờ. Thế là tôi quyết định "du hành" một chuyến xem sao. Trong vai một người công nhân từ thành phố (Sài Gòn) về thăm gia đình tôi bắt chuyến tốc hành thẳng tiến về miền Trung - Tôi quyết tâm, sẽ đi cho đến khi nào chứng kiến được cảnh "cơm tù" thì sẽ quay trở về Sài Gòn.
Khoảng gần 1 giờ chiếc xe đò 50 chỗ nhưng đã chở hơn 60 người từ từ rẽ vào quán cơm K.H. ở Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận. Tôi hít một hơi thật sâu, lấy bình tĩnh và... can đảm để có thể chứng kiến những cảnh tượng có thể không đẹp mắt sắp sửa có thể diễn ra. Tôi chưa kịp thở xong thì đã nghe tiếng anh lơ:
- Nghỉ ăn trưa bà con ơi! 45 phút rồi đi tiếp.
Xe chưa dừng hẳn thì đã có 6 "nhân viên" (hay đúng hơn là phải gọi là đầu gấu) mặt lạnh như tiền chạy tới: 2 người khóa cửa sau xe, và 4 người còn lại đứng chắn ngay cửa xe trước đếm người xuống xe. Tôi cố tình chần chờ và muốn là người... cuối cùng xuống xe thì đã nghe:
- (Văng tục) mày có muốn xuống không hay để tao lên lôi mày xuống. Một trong bốn anh chàng mặt lạnh như tiền chỉ thẳng vào mặt tôi chửi. Tôi không nói gì, bặm môi âm thầm đi xuống.

Sau khi tôi ra khỏi xe, hai người nhảy lên kiểm tra xem có ai "trốn" ở sàn xe mà không xuống ăn cơm không. Biết chắc không còn ai ở lại, các "nhân viên" của quán ra hiệu cho chủ xe đóng cửa lại. Khoảng 60 hành khách, phần lớn là dân nghèo, chưa kịp vươn vai, duỗi chân đã bị... lùa vào quán. Một số người còn bị say xe và say nắng nên có vẻ uể oải chưa kịp vào liền bị chửi: "Vào quán đi. Bọn bay đứng ở đây làm gì?" Thế là mọi người lấm lét nhìn nhau rồi ... lặng lẽ làm theo.
Tôi đang tính thử đi bộ qua quán bên kia đường để xem phản ứng của các "nhân viên" thế nào thì bỗng hai chiếc bóng của hai thanh niên vụt qua trước mặt tôi chụp cánh tay của một cụ già (tôi nghĩ đã trên 70) định bước qua đường, gằn giọng:
- Đi đâu? Mày ra đường tai nạn ai chịu trách nhiệm?
Cụ già vừa vùng vẫy thoát khỏi hai thanh niên chỉ đáng tuổi... cháu mình vừa la to:
- Tôi đi đâu là là quyền của tôi!
Ngay lập tức, hai "nhân viên" nam này xô cụ ngã xuống đất và cũng nhanh như chớp, liền có hai "nhân viên" nữ của quán chạy ra, nắm hai tay cụ già lôi xềnh xệch trở vào. Cụ vùng vẫy và la to:
- Bớ làng! Hai cô này đánh tôi!
Nghe tiếng cụ kêu to, hơn chục nhân viên trong quán nhào ra, vây tròn quanh cụ già. Cả trăm người khách trong quán, trong đó có cả tôi, không ai dám can ngăn. Cụ thấy mình đơn phương độc mã, và không ai "bênh vực" đành "ngoan ngoãn" đứng dậy đi vào quán, không nói thêm lời nào.
Vào quán rồi mới biết nó ... dơ đến cỡ nào. Quán có sức chứa trên dưới 1000 người. Khách phải mua vé ăn, cơm giá 30 nghìn đồng; còn phở và bún thì 25 nghìn đồng. Sau đó, khách tự động lấy đĩa hoặc bát bằng nhựa ở chồng bát đặt trên quầy đi tới chỗ bán thức ăn - y như là nhà hàng Piccadilly ở Mỹ, chỉ khác là người phục vụ ở đây không niềm nở chút nào. Cô gái phục vụ nhìn vé tôi cầm trên tay, thò tay bốc một ít bánh phở, rồi thò tay bốc thịt đã xắt mỏng bỏ vô bát, sau đó cầm cái xô nhỏ nước đục đục (nuớc lèo) đổ vào bát. Sau khi nhận "tô phở" của mình, tôi cố ý tìm chỗ đông người chen vào, để nghe họ có ... dám bàn tán gì không?
Quán lúc này khá đông, tôi ước tính phải trên 6 trăm khách vì có tới 11 xe đò loại 50 chỗ ghé vào. Tuy nhiên tất cả hành khách ở đây đều bị kiểm soát chặt chẽ. Hàng chục "nhân viên" cả nam lẫn nữ chia đều các khu vực, để theo dõi từng cử chỉ của khách hàng. Một bác cũng độ trên 50 tuổi ngồi kế tôi, lưỡng lự trước bát bún không có mùi bún mà chỉ có mùi... hôi, thì một nhân viên nữ trạc tuổi 40 quát:
- Ăn đi! Không ngon à?
Khách vội lảng tránh, nói đi đường mệt chưa ăn vội. Chừng mấy phút sau, nhân viên nữ đó lại xuất hiện với giọng lạnh lùng:
- Ăn đi! Không hợp khẩu vị à? Cuối cùng, khách phải ngậm miếng thịt ôi vào miệng, chờ chúng đi để nhả ra. Riêng bát phở của tôi cũng thế, đã "phình" lên, nhưng tôi "may mắn" chưa bị chửi. Hay có lẽ họ nhìn tôi và nghĩ là tôi "có tiền" hơn những người nghèo kia nên không bắt phải ăn.
Thấy tình hình cũng quá căng thẳng, tôi đứng dậy, rời bàn đến chỗ bán các loại đồ ăn vặt, mua một số bánh kẹo để tính tí nữa lên xe sẽ phát cho mọi người. Tổng cộng gần 400 ngàn (khoảng 25 USD) - Sau khi tính tiền tôi gởi bịch đồ đó lại và nói là cần đi nhà vệ sinh. Thế là tôi "thoát" ra được phía bên hông nhà và tính "trốn" qua quán bên kia thì một "nhân viên" mặc áo đỏ cảnh giới hàng rào bên ngoài nhào tới quát:
- Mày đi đâu?
- Tôi qua bên kia mua bao thuốc lá. Tôi nhỏ nhẹ trả lời.
- Thuốc trong quán có, mày muốn tao đập chết à? Hai nhân viên nữ lại chạy ra chửi tôi tiếp:
- Thằng kia, mày chê cơm, chê phở không ăn thì thôi, đừng có lộn xộn! Thế là tôi lại "lặng lẽ" quay trở lại quán... cơm tù!
Hình như đã hiểu được cái luật ... rừng ở quán này. Những hành khách đã ăn cơm xong đang đứng gần tôi vội lảng tránh ra xa. Họ tỏ ra rất dửng dưng, coi như không biết, không nghe, và không thấy - y như trường hợp cụ già bị xô ngã và kéo đi lúc nãy.


************
http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/chuyencothat/thamnhung.jpg

Sau khi đã tận mắt chứng kiến, cái cảnh "trời ơi ngó xuống mà coi!" và về đến Sài Gòn tôi kể cho một số bạn bè là dân phóng viên nhà báo nghe, thì mới biết là những quán cơm nhu thế được bao che bởi Công An và chính quyền địa phương. Những người đúng ra được đưa lên để lo cho nhân dân thì lại là những người làm khổ dân. Họ làm ngơ để người giàu ăn trên đầu trên cổ nhân dân, thế mà vẫn được gọi là "Công an nhân dân, hay Ủy Ban nhân dân..." ôi những cái tên rất ... nhân dân đang làm khổ dân!
Ngồi nói chuyện một hồi họ còn kể cho tôi nghe câu chuyện của một anh công an từ Sài Gòn đi ra Huế cũng bị "khủng bố" như thế. Khi xe ghé vào quán K.H. thì anh ta cũng định sang quán bên cạnh ăn vì quán K.H. dơ quá - ngay lập tức được hai bảo vệ ngăn lại, bảo ở đây không ai được đi chỗ khác. Một người nắm cổ áo anh lôi vào, nói:
- Không ăn thì vô ngồi, không được đi quán khác!
Tức quá, anh rút từ túi quần ra chiếc túi có thẻ công an rồi bảo:
- Tôi đang đi công tác!
- Ông công an thì làm gì? Nhưng hai tay kia đâu có ngán, đáp lại ngay.
- Tao không ăn ở đây thì mày làm gì tao? Anh công an cũng chẳng vừa, thách lại:
- Mày có gọi công an huyện chứ công an tỉnh cũng không làm gì được! Tụi tao đã "mua" hết rồi. Một đầu gấu thách.
Chút Suy Tư:
Bạn thân mến, chắc rằng nếu bạn chứng kiến những gì tôi chứng kiến, mà bạn lại là người như tôi, đang sống ở nước ngoài chắc bạn "điên" lắm! Và nếu ở ngước ngoài chắc chắn chúng ta đã ra tay "nghĩa hiệp" để bảo vệ người cô thế rồi phải không bạn! Nhưng còn ở quê hương ta thì, người tốt cũng đành phải "ngoảnh mặt làm lơ," coi như không thấy điều gì sảy ra vì chính quyền của "nhân dân" đã bị "mua" bởi những người giàu.
Tôi vẫn biết rằng có nhiều người không thích những công việc tốt lành của một số tổ chức từ thiện đang được triển khai ở Việt Nam, vì họ lý giải "đem tiền về cho chính quyền ăn!" Tôi thì ngược lại, tôi không tin như thế. Tôi tin rằng những đồng tiền, hay vật chất mà chúng ta giúp đó đến thẳng với con những con người đói khổ và cần chúng ta giúp. Chỉ có một điều không may, đó là số người nghèo khổ cần giúp thì lại quá lớn!
Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: "Hãy đốt lên một ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối!" Và tôi tin chắc rằng bạn đã, đang và sẽ tiếp tục đốt lên những ngọn đèn cho những người cùng khổ. Những người đang kêu "Trời ơi ngó xuống mà coi!"
Ân sủng và bình an,
LM Martino Nguyễn bá Thông
www.hayyeuthuongnhau.org (http://www.hayyeuthuongnhau.org/)

mimosa_jolly
17-04-2009, 12:10 AM
Lại… Một Chuyến Đi - Chuyện Thứ 5 - Cũng Một Kiếp Người!

Người viết: Lm. Martino Nguyễn Bá Thông & Voi Con 16/04/2009


Trước khi kể tiếp cho bạn nghe các câu chuyện còn lại ở Campuchia, tôi mời bạn trở ngược lại Việt Nam một chút - Mời bạn cùng tôi ghé chơi trên mảnh đất đã từng là nơi chôn xác kẻ chết - nghĩa trang Tân Quy. Nhưng bây giờ nó đã trở thành "khu vực giải toả" (chưa biết để làm gì) và được bao quanh bốn phía bằng các tấm tôn. Chúng ta sẽ đến thăm những người bạn của một "người Công Giáo" vô gia cư!

Chiều 23 tết - Ngày tiễn ông táo lên trời, điện thoại tôi lại rung lên từng hồi. Có tin nhắn "Cha rảnh không, tụi con mời cha đi thăm hai loại người - nhưng bí mật lắm!" Đúng là hai cô bé khôn đáo để, đã gãi đúng chỗ ngứa của tôi! Cho dù có bận rộn cách mấy mà nghe có việc "bí mật" thế là tôi sẽ thu xếp công việc để "mạo hiểm" ngay! "OK" tôi nhắn tin trả lời cụt lủn vì tôi chẳng bao giờ biết dùng nhắn tin (text chat) - Ở Mỹ thì cả đời tôi cũng chẳng text chat cho ai, chỉ khi về Việt Nam thì ráng học vì "gọi điện thoại tốn tiền quá". Chỉ một phút sau tôi đã nhận được tin nhắn "6 giờ tụi con đón cha tại khách sạn."

Chúng tôi nuối đuôi vào dòng xe hai bánh chật kín các con đường chiều 23 tết... bò chậm chạp rời trung tâm quận 1 hướng về quận 7. Mùi khói xe làm cho tôi khó thở - thế là tôi móc túi lấy lọ thuốc xuyễn bơm hai hơi vào cổ họng - để cho hơi thở được "thông suốt" và bắt đầu nghe em kể về hai "loại" người đặc biệt mà chúng tôi sẽ đi thăm. Cái đặc biệt là cả hai "loại" này đều đang cùng sống trên một mảnh đất đã từng "chôn xác kẻ chết"!



Xe đổ dốc đầu kênh Tẻ, thì em đã chỉ cho tôi thấy khu đất rất lớn được rào kín phía bên trái và em nói:

Đó là chỗ mình sắp ghé thăm, cha sẵn sàng chưa?"


"Sẵng sàng" từ lâu rồi! Tôi vừa giỡn vừa trả lời.

Chúng tôi ghé gởi xe Honđa vào nhà người quen và tiến bước về cái "cửa" duy nhất để ra vào nghĩa trang đã được giải toả. Và chúng tôi gặp "loại người thứ nhất":

Chào má! - Cô bạn tôi lên tiếng chào dòn tan, mà tôi không biết đang chào ai. - Chị Lượng đâu rồi má?
Nó về quê (Đồng Tháp) để cúng chồng và ba nó rồi! Hôm nay ông táo lên trời mà! Mơi (mai) nó lên! - Tiếng người đàn bà đã lớn tuổi vang lại!

Lần theo tiếng nói tôi nhận ra một bà cũng khoảng chừng gần 70, nhưng da đã rất nhăn nheo và đang chống cái gậy đứng bán sầu riêng ngay trước cái "cửa" duy nhất dẫn vào khu nghĩa trang.

Mấy con hôm nay ghé đây có chiện gì? Thằng Nhiêu sao rồi?
Dạ anh Nhiêu đã có chỗ ăn ở đàng hoàng! Tụi con tính ghé thăm mấy người "bạn anh Nhiêu." Má dẫn tụi con vô được không?
Cái gì chứ cái đó thì được. Mấy con giúp được họ má mừng!

Sau này tôi mới biết - cụ và con gái là chị Lượng lên Sài Gòn "thuê mặt đường" làm chỗ buôn bán sầu riêng và hai mẹ con cũng "dữ" lắm! Nhưng chỉ dữ với tụi "đầu gấu" thôi chứ với người tốt thì họ chẳng ăn hiếp ai, mà ngược lại còn tận tâm giúp đỡ! Vừa nói xong bà vừa biểu thằng cháu coi hàng rồi chống gậy dẫn chúng tôi vào bên trong nghĩa trang giải toả.


Trời đã tối, tôi cố gắng bước đi trên con đường sỏi đá và xi măng cục gập ghềnh. Chung quanh có một số cái chòi được dựng tạm bợ để che nắng che mưa cho những người có hoàn cảnh như mẹ con bà. Chỉ cần nhìn vào các chòi đó là biết ngay. Cả "nhà" chỉ một cái bóng đèn màu vàng úa le lói toả ra ánh sáng! Còn có một số ít các chòi khác thì không khí rất rôm rả. Đèn điện sáng chưng! Trước "chòi" có một số người đang ngồi nhậu. "Mồi" được bầy thịnh soạn! Xe tay ga (dòng xe Honda sang trọng và đắt tiền) dựng ngay phía trước! Tôi lén nhìn vào bên trong các "căn chòi" đó: Tivi màn ảnh phẳng đồ sộ nằm giữa được nối bằng truyền hình cáp! Một cảnh tượng thật "sang trọng" hết sức tương phản với khung cảnh xung quanh là các ổ chuột. Và đó là "loại người thứ hai" - Loại người mà chúng tôi muốn tránh chứ không muốn thăm!


Họ cũng là người "vô gia cư" nhưng khác với loại người thứ nhất - người lương thiện. Họ là các tay anh chị lo"bảo kê" cho khu này, mặc dù chẳng ai "thuê" họ bảo kê. Họ sống trên mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu của những người nghèo khác! Suốt ngày họ chỉ có ăn nhậu, coi tivi rồi... đi thu tiền!



Các con chó to lực lưỡng được họ nuôi tuá ra sủa oang oang và nhào về phía chúng tôi! Thấy thế bà cụ dẫn đường gọi tên từng con và cầm gậy xua chúng đi. Chắc là nghe tiếng người quen, chúng thôi không sủa nhưng cứ đi theo chúng tôi gầm gừ. Còn các "thân chủ" của chúng thì đặt chai bia xuống bàn nhậu và quát:

Ai đó?
Tao đây! - Bà cụ trả lời.
Má dẫn ai đi đâu vậy? Giờ tối rồi, còn vô đây làm gì?
Tao dẫn mấy đứa sinh viên - mấy đứa giúp thằng Nhiêu hôm bữa đó - vào thăm bà Sáu!
Má dẫn đi đi... vô nhanh nhanh rồi ra nhen! - Tiếng họ có vẻ bực mình khó chịu vì có người lạ "dòm ngó", nhưng có lẽ không làm được gì bà nên đành giả lơ. Tuy vậy, mắt họ tiếp tục theo dõi từng cử chỉ của chúng tôi.

Tôi ghé vào thăm bà Sáu, ngồi nói chuyện với bà một chút và biếu bà chút quà tết rồi nhanh chóng... "rút lui" vì không cảm nhận được sự an toàn ở nơi này. Thật đúng là....!



Đó là những người bạn của anh Nhiêu mà chúng tôi ghé thăm. Vậy còn "anh Nhiêu là ai?" Mời bạn nghe lời tường thuật của người bạn tôi nhé!


****************************

Sau một ngày thay sếp giải quyết những công việc của văn phòng, tôi mệt lả, rời khỏi công ty. Tôi chưa biết mình sẽ làm gì cho qua đi buổi tối thứ bảy tẻ nhạt này, tôi ghé nhà một đồng nghiệp tính tán dóc giết thời gian. Tôi chẳng có gì phải bận rộn, phải lo lắng. Cuộc sống của tôi nhạt nhẽo trôi qua từng ngày. Tôi đã từng than thân trách phận rằng sao số phận mình đen đủi, không được sống bên cạnh người mà mình yêu mến, không được làm công việc mà mình đam mê. Những suy nghĩ tiêu cực đó tạo ra một đám mây mù u ám trong cách nhìn đời của tôi.

Cô đồng nghiệp giới thiệu với tôi một nhân vật đặc biệt: một người vô gia cư. Anh nằm đó, co quắp trên chiếc ghế bố, ngoài hè của một căn nhà ổ chuột trong khu nghĩa trang giải tỏa. Anh không nhà cửa, không vợ con, bên cạnh anh là một người chị gái cũng vô gia cư như anh, làm nghề "ở đợ". Tôi chỉ dám đứng từ xa nhìn tới vì ở anh xông lên một mùi rất khó chịu, mặc dù theo lời chị gái của anh, anh mới được tắm rửa cách đây hơn một giờ đồng hồ. Tôi điện thoại cho đám bạn, trong lòng những mong anh được ra đi trong tư thế một con người. Vài câu trao đổi, khoảng 10 phút sau, bạn tôi có mặt. Chúng tôi gọi thêm một vài người nữa trong nhóm. Rất nhanh, quyết định được đưa ra: rửa tội cho anh. Trong lúc tôi và hai người bạn "cầm chân" chị gái của anh ở bên ngoài hàng rào thì hai bạn của tôi ở bên anh, hỏi han, an ủi, vỗ về và rửa tội cho anh.

Chúng tôi đã đề nghị một số giải pháp để chăm sóc anh những ngày cuối đời, chúng tôi muốn đưa anh đến chỗ chuyên chăm sóc những người như anh. Nhưng chị gái anh không đồng ý với lý do không muốn bỏ anh một mình trong lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Tôi nghe thấy hợp lý và cũng cảm động trước tình cảm của một người chị gái dành cho đứa em trai tội nghiệp của mình.

Nhìn anh, tôi nghĩ cuộc sống này sao mà khắc nghiệt thế! Anh đã sống ở khu nghĩa trang này lâu lắm rồi. Khi nghĩa trang chưa được giải tỏa, những người có người thân nằm ở nghĩa trang này đến cúng bái, thắp nhang... và chính những đồ cúng đó đã nuôi sống anh suốt nhiều năm qua. 44 năm anh sống trên đời là 44 năm anh sống nhờ bá tánh. Cuộc sống của anh không có gì: không nhà, không vợ con... nhưng anh vẫn được nuôi sống. Chiêm ngắm tấm thân gầy gò đen đúa kia, tôi thấy tình thương của Chúa ngập tràn. Chúa đã nuôi anh trong suốt từng ấy năm, mặc dù anh chẳng biết Chúa là ai, đến cuối đời, Chúa lại sai nhóm bạn của tôi đến để chăm sóc anh về phần linh hồn.

Những ngày còn đi lại được, anh đắm mình trong những cơn say rượu triền miên, nhưng anh cũng có triết lý sống riêng của mình, anh chỉ xin khi thật cần thiết và chỉ nhận vừa đủ nhu cầu cho lúc đói, không tích trữ, không để dành...Anh không biết Kinh Lạy Cha, nhưng anh lại sống triệt để lời kinh mà Chúa Giê-su đã dạy "xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày...". Tôi không nói lối sống say sưa ấy là tốt, nhưng tôi cảm nghiệm được sự phó thác của anh khi nghe đồng nghiệp của tôi kể lại. Tiền của người ta rơi ngay dưới chân anh, anh không nhặt, anh không tự tiện lấy bất cứ cái gì của ai bao giờ, chỉ khi nào anh được cho tận tay anh mới nhận và cũng nhận vừa đủ ăn một bữa. Cho đến bây giờ, anh nằm đó, anh quảng đại "đãi" bọn muỗi bữa đại tiệc ban đêm và đám ruồi nhặng "ăn nhậu xả láng" ban ngày. Cuộc sống của anh rơi xuống tận cùng đáy xã hội. Một người quen của anh khi vào thăm anh, đã phải kéo vạt áo lên bịt mũi và nói "anh đi sớm cho tui nhờ". Nghe sao mà chua xót! Người với người mà người ta lại bịt mũi như đụng vào xác thối.
Anh vẫn đang sống cơ mà, sao người ta lại ghẻ lạnh anh đến thế nhỉ? Vì anh nghèo? Vì anh hôi thối?... Có rất nhiều lý do để người ta phải bịt mũi khi đến bên anh.

Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi những người bạn là hình ảnh Mẹ Terexa Calcutta "made in Vietnam". Chị gái anh khi tắm rửa cho anh còn phải mang bao tay, và lấy vòi nước để xịt từ xa, mặc dù chị biết anh không có bệnh lây nhiễm, vậy mà bạn tôi quỳ xuống bên anh, một tay nắm bàn tay bẩn thỉu của anh, một tay vuốt mấy sợi tóc khỏi vết lở loét trên đầu. Tôi nhìn cảnh này mà thấy hổ thẹn. Hổ thẹn vì tôi chưa bao giờ dám đụng chạm vào một người đại loại như vậy. Thế mà bạn tôi đã âu yếm cúi sát xuống để nghe những câu phát âm không tròn tiếng của anh. Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp anh. Vì nhờ gặp gỡ anh mà đời sống cầu nguyện của tôi sốt sắng lên, đức tin vững hơn. Đám mây mù lúc trước cũng tan dần, nhường chỗ cho niềm tin vào cuộc sống. Tin rằng giữa chốn cuộc đời bon chen này, vẫn còn có những con người sẵn sàng trao cho người cùng khổ tình yêu tự con tim, một tình yêu vô vị lợi.

Anh nằm đó, người thân mong anh ra đi... sớm vì họ "không muốn anh bị hành xác", và họ không lỡ rời bỏ anh trong lúc này. Trò chuyện với chị gái anh một lúc, tôi mới hiểu lý do thực sự làm cho chị cương quyết không cho chúng tôi mang anh đi chăm sóc: họ đang chờ anh chết để nhận tiền phúng điếu. Cái chết của anh có thể đem ra kinh doanh. Chua xót làm sao, lúc anh hấp hối thì người thân bỏ rơi anh, nhưng khi có thể "kiếm lời" thì họ cương quyết không rời xa anh.

Trong tình yêu của Thiên Chúa, Ngài có thể rút sự lành từ sự dữ, Ngài có thể làm cho tội Nguyên tổ trở thành tội Hồng phúc, thì Ngài cũng đã biến anh thành món quà cho những người thân của anh và cho cả tôi nữa. Anh đã thực sự trở thành quà tặng đối với tôi khi mà đứng trước anh tôi cảm thấy mình được yêu thương và được mời gọi yêu thương.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi gặp anh, tạ ơn Chúa đã cho tôi những người bạn tuyệt vời!

Chút Suy Tư:

Tôi viết bài này trong tuần bát nhật Lễ Phục Sinh (8 ngày hân hoan sau lễ Phục Sinh - Mừng Chúa sống lại) - Các bài đọc được trích ra từ sách Tông Đồ Công Vụ trong đó có đoạn kể lại câu chuyện một anh thanh niên bị què bẩm sinh, phải nhờ người ta khiêng ra đặt ở cửa Đền Thờ mà ngồi xin ăn. Không ngờ anh ta lại "xin" và "ăn" được trọn gói Tình Yêu của Chúa Giê-su Phục Sinh khi anh ngửa tay ra xin Thánh Phêrô chút "cơm gạo." Thánh Phê-rô bảo anh: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi !" ( Cv 3, 6 ) Anh chàng khuyết tật đáng thương ấy không chỉ đi được mà còn có thể nhảy nhót vui mừng và sau đó ca tụng Thiên Chúa.

Ước gì ngày hôm nay, chúng ta là những con cháu của vị Tông Đồ cả Phêrô cũng biết làm như thế! Biết chia sẻ những gì mình có với những người chung quanh - từ vật chất cho đến tinh thần! Chúng ta không nên ngồi đổ lỗi và ganh tị với nhau là tại sao tôi lại phải làm tốt khi những người chung quanh tôi làm xấu! Hay tệ hơn, có người còn bảo "thế giới bây giờ ai cũng... xấu cả." Thưa bạn là không đâu - điển hình là đã có vào người bạn của tôi đang học theo gương của Thánh Phêrô đó - Họ đã dám nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh để nói với anh Nhiêu "tôi rửa anh, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần!"

Lạy Chúa, xin rửa tâm hồn chúng con sạch những ích kỷ và tư lợi! Xin cho chúng con biết mạnh dạn "chia sẻ" với tha nhân những gì Chúa đã ban cho chúng con, Amen!


Lm Martino Nguyễn Bá Thông & Voi Con
www.hayyeuthuongnhau.org (http://www.hayyeuthuongnhau.org)
Trích trong "Chuyện có thật"

mimosa_jolly
04-06-2009, 08:52 PM
Lại… Một Chuyến Ði - Chuyện thứ 6: Hạnh Phúc Bất Ngờ!


Người viết: Lm Martino Nguyễn Bá Thông 04/06/2009



http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/cuaanlinhhon/dawn-angkor-wat-0.jpg


Hơn 8 năm trước tôi gặp em - khi đó em đã hơn 15 tuổi. Em không phải người Việt, em là người Campuchia - nhưng lúc quan sát thấy em nói tiếng Việt sõi quá nên tôi đã lầm. Thế nên em được may mắn là một trong 4 cô gái mà tôi "chọn".

Ðó là lần thứ 2 tôi trở lại Campuchia - Khi đó tôi mới chỉ là một "tân thương gia" trong cái chốn đầy cám dỗ, quyền lực, ma túy, trụy lạc và tiền bạc này... Cái chốn mà sau này tôi gọi là địa ngục của trần gian, nơi mà mạng sống một người có thể bị lấy đi với giá chỉ 50 dollars!

** Sau khi 5 bài viết đầu tiên được trình làng, thì tôi bắt đầu nhận được một số email "phàn nàn" là các câu chuyện của chuyến đi năm nay không "hấp dẫn" bằng của năm trước! Trời, tôi có phải là... thám tử đâu mà chuyện nào cũng ly kỳ hấp dẫn hả bạn?! Vả lại, mục đích của những chuyến đi tôi thực hiện đâu nhằm tạo ra những câu chuyện hấp dẫn -nó chỉ là yếu tố phụ thêm, xảy đến trong quá trình tôi thực hiện "các chuyến đi", cho dù có thể đó cũng là một phần lý do khiến bạn chú ý theo dõi chuyên mục này. Ngòai ra, như tôi đã từng nói "các câu chuyện có thật này chỉ thật khoảng 80% thôi - tôi đã phải cắt đi khoảng 20% rồi, vì có những điều tôi không nên kể trong câu chuyện, có thể vì nó riêng tư, có thể vì nó chỉ thoả mãn sự tò mò của bạn mà không liên quan đến mục đích của tôi khi viết câu chuyện đó! Thế nhé, coi như tôi đã trả lời câu hỏi của nhiều bạn sau khi đọc chuyện thứ 4 " chuyện không thể tin được", khi bạn hỏi "cha có thể cho biết là trong 2 tiếng đó, cha đã nói gì với hai cô bé?"

Tôi không thể kể cho bạn chi tiết là tôi đã nói gì với hai cô bé đó - Nhưng những gì tôi nói chung quy là hy vọng đưa đẩy sao cho một ngày nào đó hai em cũng sẽ như cô bé mà chúng tôi đã cứu 8 năm trước đây! Cô bé này đã khiến tôi phải nói dối với chú em họ và người cháu cũng như hai người bạn đi cùng (và đến bây giờ, khi đọc bài này họ mới biết họ bị tôi nói dối!)

Chuyện là vầy: Sau khi đặt chân đến Siêm Riệp, tôi bảo với mọi người là tôi có việc "rất quan trọng" phải làm một mình nên tôi sắp xếp cho mọi người đi thăm đền Angkor Wat mà không có tôi. Dĩ nhiên, họ không biết tôi đi riêng để làm gì, nhưng họ biết những công việc của tôi với các em; với lại tính của tôi khi làm các công việc đó thì không bao giờ chia sẻ hay nói điều gì cho đến khi làm xong. Thế nên chẳng ai than phiền hay thắc mắc gì.

Sáng hôm đó sau khi tiễn mọi người ra đến tận cổng khách sạn và making sure (chắc chắn) chiếc xe đưa họ thẳng tiến về Angkor Wat, tôi quay lại phòng khách sạn. Tôi tắm rửa sạch sẽ và lấy bộ vest sang trọng ra mặc, rồi cẩn thận soi mình trong gương. Kể cũng buồn cười, nếu không phải nhập vào vai "nhà thương gia" giàu có khi làm việc với các em, thì chắc tôi đâu bao giờ biết đến các bộ vest này! Bình thường nếu tôi có mặc vest đi chăng đi nữa thì cũng là một màu đen ‘truyền thống" (màu đồng phục của các Linh Mục)

Nhưng hôm nay tôi đóng vào bộ vest này không phải để vào vai một thương gia Singapore giàu có nữa, mà là thể hiện trách nhiệm của một... vị chủ hôn! Tôi rất hãnh diện được mang trọng trách này - thậm chí, đó là lý do chính để tôi trở lại Campuchia ngay đúng dịp này. Bây giờ thì chắc chú em họ và người cháu hiểu tại sao tôi không thể đổi ngày đi Campuchia được - cho dù trước đó họ đã năn nỉ để ngày xuất phát phù hợp và đỡ gấp rút hơn.

Bạn thân mến, không những tôi chỉ hãnh diện cho tôi, mà còn hãnh diện cho em nữa! Vì em là người đầu tiên trong số các em chúng tôi cứu ra khỏi ‘địa ngục trần gian' có được ngày hôm nay. Tôi mỉm cười với chính mình trong gương lần nữa, sửa lại cái caravat rồi bước nhanh xuống khách sạn, nơi chiếc xe đón dâu đang đợi sẵn. Ðây là lần đầu tiên và có thể cũng là lần cuối cùng tôi được hân hạnh làm "chủ hôn" cho "đứa con" của mình. Tôi mở cửa xe, ngồi vào bên trong và chiếc xe lăn bánh. Tôi lại nở thêm một nụ cười nữa vì chỉ chút nữa thôi, sẽ được thấy em rạng rỡ tràn ngập trong hạnh phúc và chắc em cũng sẽ rất ngạc nhiên khi thấy mình được "đưa đón" bằng chiếc xe sang trọng đến mức này trong ngày trọng đại của đời mình.

http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/cuaanlinhhon/cambodiadust.jpg

Xe lao qua các đường phố bụi mù của vùng ven ngoại thành Siem Riep. Bụi cuộn đầy quanh xe, tưởng chừng sẽ nhuốm đầy áo quần mặt mũi người ngồi trong, nhưng cửa xe giương kính kín mít đã ngăn cản không cho những hạt bụi dơ bẩn len lỏi vào. Tôi chợt liên tưởng đến cuộc đời của em: biết bao nhiêu những hạt bụt đời đã nhuốm bẩn. Và chúng tôi, nói theo cách nào đó cũng như những chiếc kính xe - cho dù có thể bị đập vỡ bất cứ lúc nào - đã cố gắng bảo vệ, tách rời em hoàn toàn khỏi những dơ bẩn đó! Ngay cả không biết chút nữa đây, có ai đến quậy phá trong đám cưới của em không?! Tôi cũng cảm thấy hơi lo lo... Lo cho ngày vui của em không được trọn vẹn - và cũng lo cho chính tôi nữa. Ðây là lần đầu tiên tôi "lộ diện" tại Campuchia sau loạt bài tôi viết về tệ nạn này năm ngoái (và nhận được nhiều cú điện thoại và email đe doạ "xin tí huyết" của tôi.) Thôi mặc kệ, tôi làm dấu đọc một kinh và dâng mọi sự lên cho Chúa.


********************


Hơn 8 năm trước tôi gặp em - khi đó em đã hơn 15 tuổi. Em không phải người Việt, em là người Campuchia - nhưng lúc quan sát thấy em nói tiếng Việt sõi quá nên tôi đã lầm. Thế nên em được may mắn là một trong 4 cô gái mà tôi "chọn".

Ðó là lần thứ 2 tôi trở lại Campuchia - Khi đó tôi mới chỉ là một "tân thương gia" trong cái chốn đầy cám dỗ, quyền lực, ma túy, trụy lạc và tiền bạc này... Cái chốn mà sau này tôi gọi là địa ngục của trần gian, nơi mà mạng sống một người có thể bị lấy đi với giá chỉ 50 dollars!

Qua một đêm nói chuyện đầu tiên, buổi sáng hôm sau em đã tìm cách gặp riêng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, tôi vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh (trong nhà hàng) thì em chặn tôi lại và nói ‘Can you rescue me from here?" (Ông có thể cứu tôi ra khỏi chỗ này không?) Và dĩ nhiên, tôi không cần nói bạn cũng biết tôi trả lời em sao rồi phải không? "No, no way!" Vừa nói tôi vừa làm ra vẻ "giận dữ, khó chịu" và bước nhanh, nhưng trong lòng đã hé lên tia hy vọng đầu tiên.

Những ngày sau đó bằng số vốn tiếng Anh rất ít ỏi của mình em đã cố diễn tả cho tôi về cuộc đời của em (có thể bạn thắc mắc tại sao em nói tiếng Việt sõi mà lại phải khó khăn dùng tiếng Anh nói với tôi - tôi đang là một "thương gia Singapore" bạn nhé, và không thể để lộ rằng mình biết tiếng Việt) - Thật sự tôi chỉ hiểu lúc được lúc mất, nhưng có một điều tôi hiểu rõ là em đã linh cảm được tôi là người tốt và rất muốn được tôi đưa ra khỏi chốn này!

Sau khi tìm hiểu thật rõ về em, để biết chắc em không phải là cái bẫy mà bọn buôn người giăng ra để đưa tôi vào cái màng nhện này, tôi quyết định cứu em! Tôi trả cho mụ tú bà 700 dollars để chuộc em - số tiền đó vào năm 2001 không phải là nhỏ! Thậm chí sau này tôi mới biết là mình đã bị "hớ" trong việc trả giá! Nhưng dù sao đó cũng là HỒNG ÂN đầu tiên của tôi trong ơn gọi giúp các em.

Khoảng một năm sau khi đã đưa em ra được nơi đó và em đã được dạy dỗ đàng hoàng, tôi mới quay lại gặp em và tiết lộ bí mật tôi là ai. Và câu chuyện của đời em cũng vì thế mà rõ ràng hơn, không còn phải nghe qua những câu tiếng Anh chắp nối.

Cha mẹ em là người Campuchia. Sau khi sinh ra, em được bố mẹ đem cho một gia đình người Việt Nam sinh sống tại Campuchia nuôi, và đó là lý do tại sao em nói tiếng Việt rất sõi. Năm 13 tuổi em được cha mẹ cho đi chơi xa với... "cậu"... Và "cậu" đã làm hại đời con gái của em. Sau này em mới hiểu: "cậu" chỉ là người thương gia đang làm ăn thất bại và muốn "xả xui", chứ gia đình em và "cậu" chẳng có bà con chi! Và thế là từ đó em bắt đầu bị bố mẹ đẩy vào con đường nô lệ tình dục. Lúc đầu thì thỉnh thoảng - một tuần chỉ năm ba lần, nhưng chỉ vài tháng sau, một ngày đã là một hay hai lần. Và rồi sau đó, vì nhu cầu đi khách quá nhiều, có ngày lên đến 15 khách, nên em được "chuyển thẳng" vào sống trong tổ qủy...


************************************

Tôi là người duy nhất không biết nói tiếng Campuchia trong buổi tiệc đó. Tuy chẳng hiểu được người chung quanh nói gì nhưng tôi không sợ sệt, chẳng buồn chán, cũng không cảm thấy cô đơn. Ngược lại tôi rất hạnh phúc! Nó khác với cảm giác của những ngày đầu tiên qua Mỹ, mỗi khi đi đến nơi nào mà nói tiếng Mỹ tôi chẳng có chút hào hứng - ngược lại còn sợ nữa là đằng khác. Mà không cần phải cứ đi đâu, khi ở nhà mà nghe tiếng chuông điện thoại reo là tôi đã sợ không dám nhấc phone rồi. Vì lỡ bên kia người ta nói tiếng Anh thì mình biết gì mà trả lời!


http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/images/stories/cuaanlinhhon/cambodiawedding.jpg
Đám cưới Campuchia - Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa


Nhìn thấy em tươi cười trong trang phục truyền thống của Campuchia tôi không khỏi rơi nước mắt... Ít nhất em đã có thể trở về với con người thật của em... Em là người Campuchia! Tôi cũng liên tục "tạ ơn Chúa" vì đã cho cá nhân tôi được diễm phúc được làm chiếc cầu nối giữa em và các bạn bè của tôi trong việc giúp người. Gần cuối bữa tiệc, vợ chồng em mời tôi lên sân khấu. Em vừa nói, vừa cười rồi lại vừa khóc. Tôi chẳng hiểu em nói gì, chỉ biết là em đang nói về tôi - có lẽ là những gì chúng tôi đã làm cho em! Rồi em gạt nước mắt bước vào bên trong. Nhưng chỉ chưa đầy một phút sau đó em bước ra trong chiếc áo dài khăn đóng Việt Nam!!!! Mọi người vỗ tay vang dội! Sau này tôi mới hiểu là em đã nói với mọi người là "bố nuôi' của em là người Việt Nam nên em xin phép mọi người cho em được thay đổi quốc phục Campuchia và mặc chiếc áo dài để cho bố em được vui - cho dù tôi chưa bao giờ yêu cầu điều đó!


Chút suy tư:

Tôi ngồi nhẩm tính - trong 8 năm qua, số tiền mà chúng tôi "đầu tư" vào em lên đến khoảng hai mươi ngàn dollars! Có thể bạn nói đó là một con số... quá lớn! Nhưng nếu chia cho 8 năm thì vị chi mỗi tháng cũng chỉ có hơn 100 dollars. Tiền học, tiền ăn, tiền ở, tiền bệnh viện - vì em có nhiều căn bệnh, do tàn dư của những ngày làm nô lệ tình dục còn để lại - suy cho cùng số tiền đó không phải là chuyện lớn.

Có những người email về hỏi tôi, ‘thưa cha, tốn bao nhiêu một tháng để nuôi một em?" Thật sự tôi không biết phải trả lời như thế nào cho chính xác. Mỗi em một khác, mang những căn bệnh khác nhau cần được chữa trị! Nhưng mà, đó là những căn bệnh về thân xác- tuy tốn tiền nhưng có thể chữa trị được, chứ còn các căn bệnh về tâm hồn thì... không những chỉ tốn tiền, tốn công mà còn tốn rất nhiều thời gian, tình yêu thương, sự nâng đỡ và cả một hy sinh lớn lao! Nếu qúy vị nào có con bị các bệnh về tâm hồn, thì có lẽ sẽ hiểu rõ hơn những gì tôi nói.

Sau hơn 8 năm hoạt động tại Campuchia, chúng tôi đã trực tiếp hay gián tiếp giúp hơn 200 em. Hầu hết các em sau khi được cứu ra được các tổ chức giúp đỡ nuôi nấng - còn chúng tôi hay được mời để "chịu trách nhiệm" về tiền y tế. Và số tiền khám bệnh "sơ khởi" đã lên đến khoảng 600 dollars cho một em sau khi được đưa ra khỏi các ổ qủy. Và điều chúng tôi luôn hy vọng là sau khi có tất cả các kết quả xét nghiệm em không bị thêm căn bệnh nào - nhất là căn bệnh thế kỷ!

Tuy luôn sống trong lo lắng nhưng chúng tôi vẫn hy vọng: Hy vọng các em có một tương lai tươi sáng hơn - và em, nhân vật chính trong câu chuyện hôm nay là một minh chứng! Minh chứng cho tình yêu chia sẻ giữa qúy vị và các em mà chúng tôi chỉ là chiếc cầu nối. Đồng thời là minh chứng cho sự vươn lên không mệt mỏi của các em!

Tôi viết bài này xong đúng vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong bài chia sẻ hôm nay tôi nhấn mạnh với giáo dân về hai trong 7 ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn thứ nhất là ơn can đảm và tôi định nghĩa: "Can đảm là luôn làm điều đúng, ngay cả khi chúng ta sợ hãi!" (Courage is doing the right things even in the presence of fear).
Ơn thứ hai là niềm hy vọng, và Thánh Phaolô trong bài đọc hai trong thư gởi tín hữu Roma đã định nghĩa như sau: "Hi vọng mà thấy được thì hết là hi vọng, vì điều thấy được, ai nào còn hi vọng nữa! Nhưng nếu thực ta hi vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông." (Roma 8:24,25)

Xin Chúa cho chúng con biết sử dụng 7 ơn Chúa Thánh Thần để góp phần vào công cuộc canh tân bộ mặt thế giới! Ðặc biệt luôn can đảm dám làm, dám nói những chân lý ngay cả khi phải đối diện với đe doạ và sợ hãi; và luôn hy vọng vào một tương lai sáng hơn, cho dù không nhìn thấy trước được!


LM Martinô Nguyễn Bá Thông
Trích trong "chuyện có thật"
www.hayyeuthuongnhau.org (http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/www.hayyeuthuongnhau.org)

mimosa_jolly
29-06-2009, 08:01 PM
Lại... Một Chuyến Ði - Chuyện thứ 7: Những Ðiều Trông Thấy Mà Ðau Ðớn Lòng!

Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông 28/06/2009

Sau khi trở về từ Campuchia, thỉnh thoảng tôi như người... mất hồn! Thật ra hồn của tôi chẳng mất đâu cả - tôi có cho ai, có tặng ai, hay bị ai đánh cắp đâu mà mất - chỉ là trí óc đôi khi cứ lâu lâu lại "bay về" bên Campuchia với các em! Sau 10 năm sống và làm việc với các em, bạn có thể nói tôi đã bắt đầu "chai đá" với những chuyện "kinh hoàng" đó. Nó không còn làm cho tôi phải "sốc" - nhưng mỗi khi trở về từ Campuchia và tận mắt thấy lại "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du - Truyện Kiều) đó tôi lại chạnh lòng chua xót. Và những ngày sau đó tôi thường hay mất ngủ - mặc dù tôi đã là người ngủ rất ít - chỉ khoảng 4 đến 5 tiếng một đêm! Tôi và bố mẹ ở Khách Sạn mini trên đường Trương Ðịnh - Chỉ qua một đoạn (block) là ra đến chợ Bến Thành - và chỉ nhìn qua bên kia đường là công viên 23 tháng 9 và Khách Sạn New World. Mẹ tôi và các cậu đang ở ngoài Quy Nhơn để thăm lại quê ngoại của tôi (gia đình bên ngoại định cư ở đó từ ngày di cư từ Bắc vào Nam - năm 1954 - đến năm 1975). Bố tôi thì ở lại Sài Gòn vì có một số việc phải hoàn tất - Thế là hai bố con ở chung một phòng.

Nói là ở chung cho nó... "sang" - chứ như bố tôi vẫn cứ... cằn nhằn: "Con đi đâu mà đi suốt - cả ngày lẫn đêm! Nhiều khi 3 hay 4 giờ sáng bố thức dậy vẫn chưa thấy con về!" Những lúc đó tôi chỉ biết cười trừ và bảo "thì bố biết các công việc của con mà - chuyện phải làm thì phải làm thôi - bố cứ yên trí ngủ - hễ bố ngủ ngon là con vui rồi!"

Thật sự bố mẹ tôi đều biết những việc tôi làm nhưng không biết rõ chi tiết. Mà biết chi tiết làm gì, các cụ chỉ đâm lo thôi! Nhất là tôi lại là con một - mà các cụ thì cũng hơn "thất thập cổ lai hy" rồi chứ có còn trẻ nữa đâu.

Tôi không nói cho các cụ biết chẳng phải vì tôi làm gì sai trái - như bạn đã biết đấy - có đêm thì tôi "bay đêm" với các bạn trẻ khác ở Sài Gòn - giúp các người vô gia cư, có đêm thì vì không ngủ được và hình ảnh các em bên Campuchia lại cứ "nhảy múa trong đầu" nên để tránh căng thẳng thì tôi hay "một mình trên phố" để né cái cảnh "một mình đối diện với bốn bức tường" trong căn phòng bé tí của khách sạn!


***********************

Buồn làm gì anh ơi, đi chơi với em út cho vui vẻ! Tiếng một "bác" chạy Honda ôm cất lên sau cùng lúc anh ta rà chiếc xe honda sát tôi - trên xe chở một cô gái bán hoa.

No, thank you!

Tôi giả như không biết tiếng Việt và trả lời bằng tiếng Mỹ tỉnh bơ. Ðó cũng là cách tôi dùng để không phải đôi co, chèo kéo với cánh xe ôm môi giới hay các cô gái tự mình đi tìm khách! Vừa trả lời tôi vừa tiếp tục bước - mắt không nhìn họ!

Ði không anh? Em cho giá rẻ, gần sáng rồi... đi với em nhé! Tiếng một cô gái bán hoa khác lại vang lên.

No, thank you!

Tôi lại trả lời và tiếp tục sải những bước dài. Vừa bực mình, vừa khó chịu, không chỉ với những lời mời chào đó mà còn vì các hình ảnh của các trẻ em bên Campuchia vẫn đang sống lại trong tôi... Tôi sải bước đi vào bên trong công viên - nơi đèn sáng trưng và có các ghế đá - với mục đích tìm một chỗ ngồi. Nhìn đồng hồ đã hơn ba giờ sáng... Tôi lại tiếp tục theo các dòng suy nghĩ của mình.

Anh có chuyện buồn à, em cũng buồn lắm - nói chuyện với em nhé!

No, thank you! Tôi trả lời như một thói quen, mắt chẳng thèm nhìn lên.

So you speak English too! I am really depressed! My life is broken. You think we can talk? (Anh cũng nói tiếng anh à! Tôi buồn muốn chết được! Cuộc sống tôi bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì. Chúng ta có thể nói chuyện được không?)

OK. Tôi trả lời, không có vẻ gì là "muốn nói chuyện" với cô ta - tuy nhiên tôi ngước lên nhìn xem cô ta là ai - mà sao nói tiếng Anh rất chuẩn. Hay hơn cả tiếng Anh của tôi, nhất là trong cách phát âm.

If you don't feel comfortable - I am sorry. I would leave. (Nếu anh không cảm thấy thoải mái - tôi xin lỗi, tôi sẽ để anh một mình)

Oh, no. I am sorry. You just caught me by surprise - Please have a seat! (Không, mời cô ngồi. Cô làm tôi ngạc nhiên thôi!)

Tôi xích qua một bên và mời cô ngồi trên cùng băng ghế đá với tôi. Tôi đoán cô chỉ chừng gần 30... với cách ăn mặc khá giản dị, không có vẻ gì giống các cô gái bán hoa. Cô bận quần jean, áo polo shirt (thun có cổ), mang giầy cao gót và hình như có điểm chút phấn son.

Chúng tôi tiếp tục nói chuyện với nhau bằng tiếng anh - đủ thứ chuyện trên trời dưới đất! Cô chẳng hỏi gì về tôi, mà tôi cũng chẳng hỏi gì về cô! Xét về một mặt nào đó, cô là cái phao cứu tôi khỏi bị "làm phiền" bởi các cô gái bán hoa - nên tôi vui vẻ nói chuyện - lại được cái nói bằng tiếng Anh! Thôi thì cũng có cái phong vị là lạ của nó giữa Sài Gòn này.

Are you Vietnamese? (Anh có phải là người Việt không?) Ðang nói chuyện một lúc, tự nhiên cô hỏi.

Ờ, anh người Việt - tôi trả lời bằng câu tiếng Việt đầu tiên.

Vậy sao nãy giờ nói tiếng Anh?

Tôi giải thích cho cô biết là tại sao tôi nói tiếng Anh và giả vờ không biết tiếng Việt khi ra đường một mình vào ban đêm. Chỉ là để tránh bị... phiền thôi! Và chúng tôi tiếp tục câu chuyện bằng tiếng Việt - tuy nhiên lúc này đã trở nên "thân mật" hơn.

Tôi biết được cô sống ở Canada đã được 20 năm. Cô nhập cư vào Canada từ năm 8 tuổi, và đây là lần đầu tiên trở về Việt Nam có "công việc".

Vậy giờ này em làm gì mà còn lang thang ở ngoài công viên này? Không sợ nguy hiểm sao? Tôi hỏi với vẻ hơi lo lắng xen lẫn chút tò mò.

Em đi vũ trường về và ra đây ngồi cho đỡ buồn.

Em đi vũ trường một mình? Không đi với bạn bè hay gia đình? Sao không về ngủ đi? - Lúc này thì tôi thật sự tò mò.

Em đã nói rồi. Em đang muốn chết đây - đang muốn trả thù đời mà...... Cô bỏ lửng câu nói...

Máu "nghề nghiệp" tâm lý gia, cũng như ơn gọi "mục vụ" trong con người Linh Mục của tôi lại trỗi dậy - thế là tôi loại bỏ những tò mò của mình và chuyển qua công tác... mục vụ. Tôi không tò mò hỏi nữa mà nhẹ nhàng giúp cô lần hồi tâm sự câu chuyện đang làm cho cô đau khổ - hy vọng có thể giúp được gì cho cô chăng.

"Công việc" của cô trong lần đầu tiên trở về Việt Nam này là "lấy chồng". Cô và chồng đều ở Canda, nhưng bố mẹ chồng còn ở Việt Nam - và thế là hai người quyết định về quê hương làm đám cưới. Và... chuyện khốn nạn của đời cô đã xảy đến. Trong nước mắt cô kể:

Hai ngày sau khi cưới, vợ chồng em lên Sài Gòn để ngày hôm sau bay đi tuần trăng mật ở Phú Quốc. Tối hôm đó chồng em đi "nhậu" với bạn bè - và em đã bắt qủa tang anh không chỉ vui vẻ với bạn bè mà còn với một gái bán hoa! Em đánh ghen - em khóc, và đã hai ngày nay em không về nhà - Em cũng không liên lạc với ai. Em thuê khách sạn ở riêng và em có ý định muốn trả thù đời.

Tuy em lớn lên ở Canada, nhưng chữ "trinh tiết" em vẫn coi trọng. Trải qua bao nhiêu khó khăn em đã gìn giữ nó cho đến ngày thành hôn - thế mà "Chúa lại phạt em."

Lúc này tôi biết cô cũng là người Công Giáo, và chữ "trả thù đời" của cô có nghĩa là cô sẽ "ông ăn chả, bà ăn nem!" Ðiều đó thúc bách tôi cần phải "ra tay" sớm, chứ nếu trễ có thể cô sẽ trở nên bất cần và như thế sẽ khó giúp cô hơn. Việc đầu tiên cần phải làm là giúp cô "tin" tôi và có thể cảm nhận được tôi là người tốt!

Thế là chúng tôi lại nói chuyện. Tôi hỏi han chuyện gia đình cô, công ăn việc làm cho đến bạn bè và ngay cả chuyện sinh hoạt tại nhà thờ của cô. Cô bắt đầu hăng say kể. Bất thình lình cô hỏi:

Anh nói anh không có vợ à? Thật không? Người đàn ông "tâm lý" như anh mà chẳng lẽ không có cô nào yêu? - Cô hỏi vậy có lẽ vì tôi biết.... lắng nghe. Và chỉ nói khi thật sự cần.

Thật mà, anh là thằng "không" có vợ, chứ không phải "chưa" có vợ! Tôi cố gắng nhấn mạnh hai chữ "không" và "chưa" - tôi không muốn nói dối cô, nhưng đây cũng chưa phải là lúc cho cô biết tôi là linh mục

Chẳng lẽ anh hơn 30 tuổi mà không yêu ai? Và không ai yêu anh?

Có chứ! Anh cũng đã từng yêu, và cũng đã có người yêu anh! Nhưng anh "chọn" sống đời độc thân nên không lấy vợ. Vì đã chọn không lấy vợ nên anh không muốn người khác phải yêu anh để phải khổ.

Anh có vẻ đàng hoàng há! Về Việt Nam anh ở đâu? Cô lại đổi đề tài.

Anh ở khách sạn ngay bên kia đường.

Cho em về đó ngủ tối nay được không?

Oh, .. oh, không được! Tôi giật mình khi nghe cô hỏi. Anh ở chung phòng với bố anh nên em không thể nghỉ lại được!

Thôi đi ông, xạo nữa! Có vợ thì nói đại đi! Cô có vẻ sẵng giọng với tôi.

Bây giờ như vầy nhé, anh đã nói là anh ở với bố anh - nếu em không tin, anh và em về khách sạn anh ở - anh sẽ thuê cho em một phòng kế bên - em nghỉ ngơi. Sáng mai em dậy anh sẽ cho em gặp bố anh.

Ok! Vậy thì đi!

Hai chúng tôi đứng dậy, rời công viên và đi về khách sạn của tôi. Anh bảo vệ mở cửa, tuy còn ngái ngủ, nhưng cũng chào tôi:

Anh Thông về trễ vậy, bác trai mới xuống hút thuốc và "trách" là anh đi suốt đó!

Vậy hả?! Bố mình có nói gì nữa không?

Dạ không! Bác trai lấy chià khoá phòng lên lầu rồi.

Thôi, em không ở đây đâu! Chợt cô quay qua tôi nói.

Ủa sao vậy, giờ này trễ rồi còn đi đâu nữa. Tôi hỏi ngược lại.

Thôi em về.

Nếu em về thì anh đưa em về... Ban đêm nguy hiểm... Rồi sau đó anh quay lại đây cũng được. - Thật sự tôi không sợ cô bị nguy hiểm. Tôi chỉ sợ cô trên đường đi về lại đổi ý rồi đi "trả thù đời" thì khổ. Nên tôi nhất định phải đưa cô về.

Tôi gõ cửa chiếc taxi đậu trước cửa khách sạn và hai chúng tôi bước lên. Anh tài xế ngáp dài, ngái ngủ hỏi:

Về đâu vậy anh chị?

Về đâu vậy em? Tôi quay qua hỏi cô.

Khách Sạn "AB" anh - Ðường...! Cô nói trống không.

Anh tài xế rú ga cho xe chạy - không quên lâu lâu lại lén lút nhìn qua kính chiếu hậu để xem "hai anh chị" làm gì. Chắc anh ta lại nghĩ tôi đi "ăn sương" và để cho "gái" chọn bãi đáp.

Trên xe chúng tôi lại tiếp tục các câu chuyện. Bỗng dưng cô đề nghị:

Thôi anh ở lại khách sạn của em luôn nhé!

Không được đâu! Kỳ lắm! Chẳng lẽ em không sợ sao?!

Sợ ai? Sợ anh? Không, em nghĩ anh là người thật thà - vì nếu anh muốn "làm bậy" thì anh đã cho em ở chung với anh rồi! Với lại khi về đến khách sạn, nghe bảo vệ nói về bố anh thì em càng tin anh nói thật hơn.

Cám ơn em, nhưng anh không thể ở lại được. Bố anh sẽ lo. Em không thấy hồi nãy bảo vệ nói bố anh lo sao?!

Tùy anh thôi.

Sau đó tôi cố tình xin số điện thoại của cô để liên lạc về sau - nhưng cô nhất định không cho. Cô bảo tôi cho cô số điện thoại của tôi đi và "nếu" cô cần gì cô sẽ gọi cho tôi. Thật sự tôi không an tâm, nhưng chẳng có cách nào khác. Tôi xin tấm business card của anh tài xế viết số điện thoại của tôi đưa cho cô và cô bước vào khách sạn. Tuy vậy cô cũng nói với:

Anh thiệt sự không ở lại hả?

Không được em - Sorry! Nhớ gọi cho anh nhé!

Trên đường chở tôi về lại khách sạn anh tài xế bảo tôi "Ðẹp vậy sao anh không... dớt? Hay anh tính thả con tép mà bắt con tôm!" Tôi cười trừ không nói gì! Miên man suy nghĩ và đọc một kinh cầu xin cho cô không "trả thù đời!"


*********************

Trưa hôm sau điện thoại tôi reo:

Anh Thông đang ở đâu đó?

Anh đang đi công việc

Anh rảnh không mời anh đi ăn trưa!

Ok - Mấy giờ? Thật sự tôi đang rất bận nhưng lại sợ đánh mất cơ hội nên tôi nhận đại!

Em đến khách sạn anh ngay bây giờ!

Nửa tiếng nữa anh mới về tới khách sạn

Ok, vậy nửa tiếng nữa gặp anh!

Tôi đang ở mãi trong gần khu sân bay Tân Sơn Nhất - về đến quận một cũng phải nửa tiếng nếu không kẹt xe. Thế là tôi bắt chiếc Honda ôm - để tránh kẹt xe và... lao về khách sạn. Kẻo không cô ta đến sớm mà gặp bố tôi thì lại lộ ra "chân dung Linh Mục" của tôi thì hư hết mọi chuyện.

Sau khi đi ăn trưa tôi rủ cô ghé qua nhà thờ Kỳ Ðồng - Dòng Chúa Cứu Thế cầu nguyện - và tiện thể đi xưng tội luôn. Vì đó là nhà thờ duy nhất ở Sài Gòn mà tôi biết mở cửa ban ngày chứ không "kín cổng cao tường!" (nếu ai biết nhà thờ nào cũng mở cửa ban ngày xin cho tôi biết.) Sau một chút do dự cô cũng đồng ý.

Khi đến nhà thờ thì cô lại bảo tôi vào trong chứ cô không vào. Nói sao cũng không được - cô bảo là cô "không cảm thấy bình an" và "có tội với Chúa!" Thế là tôi đành vào một mình, còn cô đi về hướng đài Ðức Mẹ.

Cầu nguyện xong tôi chẳng thấy cô đâu, tìm loanh quanh mãi thì thấy cô bước ra từ tiệm sách. Cô đưa cho tôi một món quà và nói:

Cám ơn anh Thông... Chắc đây là lần cuối cùng em gặp anh... Tặng anh để nhớ đến em!

Cho anh mở ra được không? - tôi hỏi mà hơi bị shock!

Ðược. Anh cứ mở!

Ðó là một bức tranh nhỏ trên đó có ghi hàng chữ - "Không phải con đã chọn Thầy, nhưng chính thầy đã chọn con!"

Dòng chữ này có ý nghĩa gì?

Anh nên đi tu làm Linh Mục đi - anh sẽ giúp được nhiều người!

Vậy hả? Nói thật với em nhé - anh không cần phải đi tu "để làm Linh Mục" nữa đâu!

Tại sao vậy? Anh nên đi tu đi - Em nghĩ tốt cho anh và cho người khác!

Anh không đi tu nữa đâu... Tôi cười và nói tiếp, vì anh đã là... Linh Mục rồi - 4 năm rưỡi rồi đó!

Cô đứng nhìn tôi như trời trồng!

Em phải phạt anh - À không, con phải phạt cha - tội nói dối con! Hèn con thấy cha hồi này xếp hàng xưng tội!

Ok được rồi - cha sẽ dẫn con đi uống nước để... trả nợ cho con. Tôi vừa nói vừa cười trừ!


Chút Suy Tư:


Bạn thân mến - Từ ngày nước Mỹ có tổng thống mới Obama (Tháng 1 năm 2009) thì con số thai nhi bị giết chết tăng lên đáng kể vì các chính sách của ông và nội các! Ðiều răn thứ năm Chúa dạy chúng ta "chớ giết người!" Chắc bạn và tôi chưa ai cầm súng, cầm dao giết ai, nhưng chắc chắn có những lúc chúng ta giết người khác không phải chỉ bằng dao, bằng súng - nhưng bằng chính lời nói và hành động của mình.

Anh chồng trong câu chuyện hôm nay đã "giết" vợ mình và giết cả tình yêu của mình bằng hành động của anh ta - Và người vợ cũng tí nữa lại muốn "giết" chồng mình và "giết" chính mình khi muốn "trả thù đời!"

Quanh bạn và tôi có quá nhiều "cách giết người." Thay vì chúng ta đứng nhìn hay đôi lúc còn "thêm mắm thêm muối" thì chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu và học theo lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô "Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa! Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm! Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng! Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu!"

LM Martinô Nguyễn Bá Thông
Trích trong "chuyện có thật"
www.hayyeuthuongnhau.org (http://www.hayyeuthuongnhau.org)

mimosa_jolly
23-10-2009, 12:19 AM
Xin chào,


** mimosa_jolly xin chia sẻ đến Quý ACE video clip do Đài Truyền Hình Houston phỏng vấn Linh mục Nguyễn Bá Thông về " Tổ chức từ thiện One Body Village " :



http://www.youtube.com/watch?v=CkxzhcziPbA&feature=player_embedded



** Ca sĩ trẻ Trần Thái Hòa trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình đã có những lời chia sẻ tốt đẹp về " OneBodyVillage " :




http://www.youtube.com/watch?v=D66YmWPEb_M&feature=player_embedded



** Quý ACE có thể tìm hiểu và xem thông tin đầy đủ về " Tổ chức từ thiện One Body Village " do Linh mục Nguyễn Bá Thông điều hành qua website http://www.onebodyvillage.org/

mimosa_jolly
23-10-2009, 01:09 AM
** Xin chia sẻ đến Quý ACE Bài giảng của Cha Martino Nguyễn Bá Thông dưới dạng video clip bằng Tiếng Anh.


** 29th Ordinary - Year B - (2009) My name is Jesus - I will be your server today!

Người viết: Father Martino Nguyễn Bá Thông 22/10/2009

Father Martino's latest homily in video: My name is Jesus - I will be your server today!
(Bài giảng của cha Martino Nguyễn Bá Thông dưới dạng video clip)



Part I


http://www.youtube.com/watch?v=rLoc2fxngP0&feature=player_embedded





Part II

http://www.youtube.com/watch?v=y5zO_l8k-fI&feature=player_embedded