PDA

View Full Version : Kỷ niệm 175 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh Catherine Labouré



MatTheu Dang Dinh Quyet
21-02-2009, 09:42 AM
Kỷ niệm 175 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh Catherine Labouré

Năm nay kỷ niệm 175 năm Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré, tại 140 rue du Bac, quận 7, Paris. Có chương trình lãnh ơn toàn xá cho những ai đến nhà nguyện tại đây, tham dự trong ba tháng kỷ niệm, từ 8-9 đến 8-12-2005. Cao điểm nhất trong 4 ngày :

- Thứ Năm 8-9-2005 : Khai mạc, lễ 16g30

- Thứ Bảy 26-11-2005 : Lễ Đức Mẹ Ban Ơn, lễ 17g30

- Thứ Hai 28-11-2005 : Lễ Thánh Catherine Labouré, lễ 10g30

- Thứ Năm 8-12-2005 : Bế Mạc, Lễ 10g30.

Trong tuần có lễ 8g, 10g30, 12g30, 16g lần chuỗi, 17g chiếu DVD về phép lạ

Thứ Ba, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra có lễ 8g, 10g30, 12g30, 16g, 18g30

Thứ Tư chương trình cho thiếu nhi từ 14g30 đến 17g

Chúa nhật có lễ 7g30, 10g, 11g15. 16g lần chuỗi và chầu Thánh Thể

THÁNH CATHERINE LABOURÉ (1806-1876)

Thánh Catherine Labouré sinh 2-5-1806, rửa tội tại nhà thờ Fain-les-Moutiers, tên thánh là Catherine. Trong gia đình quen gọi là Zoé. Catherine là con thứ 8 của gia đình 10 anh chị em. Chị cả là Marie Louise; liên tiếp 6 con trai. Một anh tên Charles (sau làm chủ tiệm ăn ở Paris) anh khác tên Hubert (sau làm sỹ quan ở Chalôn sur Seine). Sau Catherine có Marie Antoinette (hay còn gọi là Tonine, qua đời 1874). Chị Tonine có con là Linh mục Philippe, làm Bề trên Dòng Lazariste), và em trai út, yếu ớt mất năm 9 tuổi. Cha của Catherine là ông Pierre Labouré, nghiệp chủ nông trại. Mẹ là bà Madeleine Gontard Labouré từng là cô giáo. Khi có hai con, bà nghỉ dạy học, ở nhà phụ giúp chồng và nội trợ. Bà chăm lo dạy con về cả đạo đức và chữ nghĩa. Vì quá lam lũ, và giáo dục, Bà qua đời (9-10-1815), năm Catherine mới 9 tuổi.

Ông Pierre Labouré bận việc liên miên. Nên mướn một bà vú giúp việc. Mất mẹ, Catherine buồn, thầm lặng, một hôm đã bắc ghế lên ẵm tượng ĐM trên tủ cao, xin với ĐM nhận mình làm con. Catherine và em Tonnie được bà dì Jeannot nhận nuôi đỡ trong hai năm. Sau đó, hai chị em trở về nhà lo công việc nhà cửa và đồng ruộng. Gia đình có chuồng chim bồ câu tới 500 con. Trong nhà ít việc, vì các con đã lớn, thay nhau làm, nên ông Labouré chấp thuận cho cô con gai cả là Marie Louise, 22 tuổi vào tu dòng Nữ Tu Bác Ái (5-5-1818) do thánh Vincent de Paul sáng lập.

Xong cơm nước trong nhà, và ngoài đồng cho công nhân, Catherine tìm giờ đến nhà thờ học giáo lý. Ngày rước lễ lần đầu (25-2-1818), người ta thấy Catherine sốt sáng lạ thường. Và từ đây, từ 5g30, trong tuần, Catherine và em Tonnie đi lễ nhiều hơn, và có khi ở lại chầu Thánh Thể, nơi bàn thờ ĐM. Nhà thờ xa nhà 3 cây số. Sau đó mới về nhà phụ ba lo việc nhà và đồng áng. Chúa nhật nghỉ việc, ông Labouré dẫn con đi lễ, đọc kinh tại nhà thờ. Catherine càng lớn càng gắn bó với Chúa Giêsu và ĐM, tự nguyện ăn chay hai ngày trong tuần. Ông bố biết con mình ăn chay, tuy có ngăn cản, nhưng thấy con mình vẫn khỏe, làm việc đều, tốt, lại xinh đẹp, ông làm ngơ bỏ qua.

Năm 15 tuổi, Catherine nói với em là mình muốn đi tu nhưng không biết dòng nào. Năm Catherine 19 tuổi, có người đến ngắm nghía và xin cưới cho chàng trai trong làng. Catherine trà lời không muốn lập gia đình. Biết ý con, ông bố không nài ép con.

Một hôm, Catherine trong giấc mơ : trong thánh lễ, có linh mục già chủ lễ khi quay ra chúc ‘‘Chúa ở cùng anh chị em’’ đã quay nhìn thẳng Catherine. Sau lễ, linh mục đã gọi cô theo ngài. Catherinre không đi. Trên đường đi lễ về, Catherine lại gặp linh mục này. Lần này, Cha nói với Catherine : Con à, thăm và chăm sóc bệnh nhân là việc đẹp lòng Chúa. Lúc nãy con lánh mặt cha, nhưng có ngày con sẽ tìm cha. Vì Chúa đã an bài như vậy. Con đừng quên.

Catherine thức giấc, lòng khoan khóai tự hỏi : giấc mơ ấy có nghĩa gì ? Càng ngày cô càng cảm thấy Chúa thúc giục mình. Năm 22 tuổi, thấy việc nhà đã có cô em có thể đảm trách, trông nom, Catherine xin bố đi tu. Lúc đầu ông nổi giận. Nhưng được cô em hậu thuẫn bằng lòng. Sợ mất lòng Chúa, và chiều ý con, ông nói : Con muốn làm gì thì làm.

Ý Chúa nhiệm mầu. Ngày 22-1-1830, Catherine vui vẻ từ giã gia đình nhập dòng ở Châtillon, dưới sự hướng dẫn của sơ Séjole. Catherine tràn ngập vui sướng. Từ 4g30 sáng, Catherine thức dậy, cùng sơ Séjole đi thăm và chăm sóc bệnh nhân quanh vùng. Về nhà kinh sách xong, hai người lo việc nhà dòng tươm tất đâu vào đấy. Sau ba tháng thử, Catherine được vào nhà Tập, thuộc nhà mẹ ở rue du Bac.

Catherine ngoan, tuân hành luật dòng nghiêm ngặt. Trong thánh lễ và kinh nguyện, Catherine tham dự hết sức sốt sắng, và cung kính. Catherine được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu qua phép Thánh Thể hiện ra với y áo lộng lẫy của nhà vua. Có lần Catherine nhìn thấy quả tim của thánh Vincent de Paul có lúc đỏ, đầy máu; có lúc lại trắng bạch. Để khỏi lo âu, Catherine trình bày ơn lạ đặc biệt này cho cha linh hướng. Vì bề ngoài không có gì đặc biệt, cha an ủi và nói đừng bận tâm. Nhưng Catherine thường gặp thánh Vincent hay thấy quả tim của ngài. Trong dòng cũng xôn xao bàn tán, chị em đều công nhận Catherine có đạo đức thật, nhưng quê mùa, ít học, làm sao thấy được Chúa Giêsu. Ai cũng mỉa mai, diễu cợt, không tin. Cha linh hướng ra lệnh không được nhắc đến chuyện tưởng tượng này nữa. Trong thâm tâm, Catherine ao ước chiêm ngưỡng Đức Mẹ nữa.

ÐỨC MẸ HIỆN RA

Ngày 18-7-1830, trong tập viện, có buổi thuyết trình về ĐM. Catherine bồn chồn linh tính như sẽ được thấy ĐM. Đêm ấy, lên giường ngủ, Catherine thầm cầu nguyện với ĐM. Thì, vào lúc 11g30, có tiếng nho nhỏ gọi văng vẳng bên tai : Chị Labouré ! Chị Labouré !

Catherine chỗi dậy, vén màn, nhìn thấy một cậu bé, chừng 5 tuổi, măc áo trắng đến đánh thức và nói : Chị sang nhà nguyện ngay, Đức Trinh Nữ đang đợi chị bên ấy. Catherine sợ làm ồn, do dự thì cậu bé nói tiếp : Sơ cứ yên tâm, mọi người đều ngon giấc, em đợi sơ. Catherine hồi hộp ra khỏi phòng ngủ, theo cậu bé, sang nhà nguyện, vẫn e ngại sợ người ta biết. Rất lạ là, khi hai người bước tới cửa nào, cậu bé dùng ngón tay chạm vào cửa, là cửa mở, không một tiếng động.

Vào nhà nguyện, như có tiếng sột soạt của áo lụa, cậu bé nói : Đức Trinh Nữ đến đó. Catherine thấy một Bà đến. ĐM bái gối trước nhà tạm, rồi ngồi trên ghế của chủ lễ (nay còn lưu giữ trong nhà nguyện, đặt trước bàn thờ cạnh, bên trái). Catherine qùi trước mặt ĐM. ĐM mặc áo trắng. ĐM tiên báo tinh hình rối loạn chính trị tại Pháp. Giáo quyền cũng bị bách hại, thế giới đắm chìm trong chiến tranh. ĐM cho biết sẽ bảo vệ Dòng Thánh Vincent, Lazariste (trụ sở ở Sèvres), Dòng Nữ Bác Ái (rue du Bac), và ĐM hứa : Bất cứ ai đến chân bàn thờ này cầu nguyện thì sẽ được như ý. Sau đó, ĐM nét mặt tỏ vẻ buồn, rồi biến đi. Cậu bé xuất hiện, nói : Ngài đi rồi. Cậu bé đưa Catherine theo lối cũ về phòng, rồi biến mất. Lúc đó là 2g30.

Năm tháng sau, lần thứ hai, trong giờ kinh chiều ngày 27-11-1830, lúc 5g30, Catherine lại được ĐM hiện ra cũng trong nhà nguyện như trước. Lần này, ĐM đứng, mặc áo có vạt xanh dài, hai bàn tay xuôi ngửa về phía trước và từ lòng bàn tay có ánh sáng chiều tỏa từ lòng bàn tay. Trên đầu có hào quang bằng 12 ngôi sao chiều sáng.

Như được cắt nghĩa, Catherine hiểu ánh sáng từ bàn tay ĐM là ơn Chúa ban xuống. ĐM yêu cầu Catherine trình bày với Đức cha đúc Ảnh ĐM Ban Ơn. Và ĐM hứa : Ai mang Ảnh này trong người với lòng tin tưởng sẽ được ơn phúc dồi dào.

Lần thứ ba, ĐM hiện ra đứng sau nhà chầu của bàn thờ (hiện nay) và cũng sau kinh chiều. Lần này, không rõ ngày nào trong tháng 12-1830. Nội dung để Catherine hiểu như lần thứ hai : Ơn thánh sẽ xuống cho những ai khấn xin và ĐM cho biết đây là lần từ biệt.

SAU KHI ÐỨC MẸ HIỆN RA

Để chứng tỏ việc ĐM hiện ra, và những lời ĐM nói với thánh Catherine, đã có nhiều dấu lạ xảy ra ngay sau khi ĐM hiện ra : Ngày 5-2-1831, Catherine được măc áo và khấn dòng. Chị lần lượt được trao phụ bếp của nhà dưỡng lão, rồi chăm sóc người già và coi chuồng gà. Từ đây, nhà dòng có nhiều ơn gọi nhờ danh tiếng của Sơ Catherine. Sơ Catherine tu luyện và cư ngụ trong dòng ở Reuilly. Catherine rất kín miệng, chỉ trình bày cho cha linh hướng Aladel (+ 1965) về những lần ĐM hiện ra. Cha kín đáo, trình bày với Đức Cha Quélon TGM Paris và xin đúc Ảnh ĐM Ban Ơn. Đợt đầu đúc 20.000 mẫu, nguyên năm này số lượng đúc ra lên 150.000 mẫu. Trên ảnh, một mặt có hình chữ M nối liền với thánh giá và Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim ĐM Vô Nhiễm. Mặt kia có hình ĐM Ban Ơn và vòng trên đầu có ghi câu : Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội chạy đến cùng Mẹ (năm 1832). Người đầu tiên đeo Ảnh Mẹ chính là Catherine, đến tất cả nữ tu trong dòng, rồi tới giáo dân. Cả quân nhân và quân phiến loạn cũng tìm đeo trước khi ra trận. Nhiều người được ơn lạ thoát chết, vết thương lành mau chóng.

Ngày nay, cả thế giới đã đeo và tôn kính Ảnh ĐM. Ảnh đã được ĐGH Grégoire XVI nhận gắn vào Thánh Giá để trong phòng. Thánh Giáo Hoàng Pio X lập ra hội ‘‘Ảnh Phép Lạ’’. Chính sơ Catherine đã lập ra Hội Con Đức Mẹ’’ chuyên đeo Ảnh, và cổ võ sùng kính Mẹ.

Những gì ĐM tiên báo đều được thực hiện : chiến tranh thế giới bùng nổ. Âu Châu và Pháp rơi vào vòng lửa đạn. Khu quận 7 Paris bị thiệt hại nặng. Riêng nhà dòng Lazaristes (rue de Sèvres) và dòng của Catherine (rue du Bac) không bị phá hoại. Giáo quyền hết sức tin tưởng về phép lạ mà Catherine trình thuật và cho con người Catherine ngay thật và đạo đức chân tu.

Năm 1858, ĐM hiện ra với thánh Bernadette ở Lộ Đức tuyên bố Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, khiến Catherine càng tin tưởng mãnh liệt vào việc ĐM hiện ra và vững tin hơn nữa những lời ĐM nói vào năm 1830.

VINH DANH THIÊN CHÚA VÀ ÐỨC MẸ

Về già, Catherine giữ cửa nhà dòng và đón khách viếng thăm. Năm 1876, sơ được chuyển về nhà mẹ ở rue du Bac. Những ngày cuối đời, sơ đã trình bày với Mẹ Bề Trên nhà dòng thật cặn kẽ, tỷ mỹ về việc ĐM hiện ra, yêu cầu đúc Ảnh ĐM, xây bàn thờ, đắp tượng ĐM đứng trên trái cầu. ĐM hứa ban ơn lành cho những ai đến cầu nguyện tại nhà nguyện và đeo Ảnh ĐM. Đồng thời giúp giáo quyền kết thúc hồ sơ và xác quyết ‘‘Phép lạ ĐM hiện ra’’. Khi được nhìn tượng ĐM đứng trên trái cầu, Catherine nói : Ôi ĐM tuyệt đẹp, đẹp hơn trăm ngàn lần. Có ai xin sơ nói về ĐM thì sơ chỉ khuyên hãy lần chuỗi sốt sắng để tôn kính ĐM Vô Nhiễm.

Ngày 31-12-1876, mặc dầu mỏi mệt, và yếu sức, sơ vẫn tuyên khấn dòng. Sau kinh chiều, lúc 7 giờ, sơ ra đi êm ái giữa tiếng cầu kinh của chị em dòng. Và ĐM đến đón linh hồn sơ về Thiên Đàng sống an vui đời đời bên Ngài. Ngày 3-1-1877, linh cữu sơ được đem về Reully.

Năm 1932, để kết thúc hồ sơ phong thánh, quan tài sơ được khai mở. Lạ thay, xác thánh nhân còn nguyên vẹn, và được chuyển về nhà nguyện 140 rue du Bac, đặt để trong lồng kiếng, như thấy hiện nay. ĐGH Pio XII đã phong chân phước (năm 1933) và hiển thánh (1947) cho sơ Catherine Labouré.

NHỮNG ƠN LẠ ÐỨC MẸ HỨA BAN

Đã có những ơn lạ xác hồn mà ĐM hứa ban cho những ai đến cầu nguyện tại rue du Bac, đeo ảnh ĐM hay nhờ lời cầu bầu của thánh Catherine.

- Sau khi sơ Catherine qua đời, ở Reuilly có em bé 10 tuổi, bị bại hai chân, người ta đem em đến viếng và cầu nguyện trước mồ Thánh Nữ. Hai chân em mới chạm vào mồ. Lập tức hai chân em được lành ngay tại chỗ.

- Năm 1842, ông Alphonse Ratisbonne, người Do Thái có vị vọng, hay chỉ trích công giáo. Một hôm ông đến Roma thăm người bạn tên là De Bussières, công giáo rất sùng đạo. Ông Bussières tặng ông Ratisbonne mẫu Ảnh ĐM Hay Làm Phép Lạ. Ông Ratisbonne bất đắc dĩ nhận và đeo vào cổ. Hai người cùng đi dạo thành phố và ghé thăm một nhà thờ. Vào nhà thờ này, ông Ratisbonne đã gặp một ‘‘Bà Đẹp’’ giống như trong mẫu Ảnh ông vừa đeo trong người. Ông bị thu hút chạy ngay đến trước Bà này. Bà cúi chào và nói ông qùi xuống. Ông vâng lời qùi ngay, mặt sát đất, rồi ngẩng đầu nhìn lên, mắt ngang với hai bàn tay của Bà. Ông linh tính được ơn tha thứ. Ratisbonne khóc nức nở và nói với bạn : Bà ấy không phán bảo gì, song tôi hiểu. Anh đưa tôi đến gặp linh mục. Ông Ratisbonne đã được rửa tội, đi tu và làm linh mục. Suốt đời cha kêu gọi người ta ăn năn trở lại. Trước khi qua đời, cha trối ghi trên mộ ngài câu : Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nhớ đến đứa con mà Mẹ đã chinh phục một cách vẻ vang vì lòng yêu thương.

- Ở ngoại ô Paris, cô Viollette bị bệnh nặng, đã mời sơ Louise đến chích thuốc, lợi dụng cơ hội, sơ nói và cắt nghĩa về Chúa. Violette không thèm nghe. Sơ liền tặng cô một Ảnh ĐM Hay Làm Phép Lạ, và khuyên cô thỉnh thoảng hôn Ảnh ĐM. Cô đã làm theo lời sơ dặn. Hôm sau, sơ vừa đến, cô nói với sơ : Em đợi sơ từ sáng đến giờ, em xin được rửa tội gấp. Bà trong Ảnh đã nói với em về phép Rửa Tội. Cô đã được rửa tội và chết an lành.

- Bên Congo Belge, trong một làng nhỏ, một giáo sỹ thấy có nhiều trẻ em bị rắn độc cắn. Chân các em sưng phù, lên cơn sốt, nhức nhối khó chịu. Không có thuốc, giáo sỹ đeo vào cổ mỗi em Ảnh ĐM. Lạ thay, chúng hết sốt, chân hết sưng và lành khỏi mau chóng. Từ đấy, trong vùng không thấy một con nào thuộc loại rắn độc này nữa.

- Năm 1915, buổi sáng nọ, khu chợ Bon Marché, sát cạnh khu nhà dòng rue du Bac, bị cháy hỗn loạn. Các chị trong dòng lo ngại ngọn lửa tràn qua. Các chị đã tập họp chị em lại cầu nguyện. Lạ thay, ngọn lửa chỉ lan tới tháp chuông gỗ của tu viện rồi ngưng lại. Lạ hơn, toàn khu nhà dòng, nhà nguyện không hề hấn gì. Trong khi khu chợ xập đổ hoàn toàn.

- Năm 1942, ở ngoại ô Rouen, trong một cô nhi viện Notre Dame de Boisguillume, có hai em cô nhi về trung ương nhận phẩm vật tiếp tế. Dọc đường hai em bị dội bom. Tiếng nổ vang kinh hoàng. Hai em chạy lánh nạn trú ẩn vào làng bên cạnh. Xong trận bom, mình chúng đầy cát bụi, nhìn chung quanh thấy cả nhà xập đổ, trừ phần trần nhà trú ẩn và xe chở thực phẩm còn nguyên vẹn. Chúng liền tôn kinh Ảnh ĐM Ban Ơn rồi đảy xe về. Toàn viện reo mừng, cảm tạ ĐM đã thương cứu hai trẻ mô côi.

Hội Đạo Binh ĐM đã dùng tượng ĐM Ban Ơn để trên bàn họp hàng tuần. Hội viên ngồi chung quanh, lần chuỗi và thảo luận dưới quyền chủ tọa của ĐM. Như vậy, Legio đã đồng hóa Ảnh ĐM. Sứ mạng của Ảnh ĐM là sứ mạng của Legio. Mỗi quân binh là môt Ảnh ĐM Phép Lạ.

Ngày 31-5-1980, ĐGH Gioan Phaolô II đã viếng thăm ĐM tại nhà nguyện rue du Bac. Sau kinh Kính Mừng, Ngài dâng lời nguyện : Lạy Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông truyền. Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội chạy đến cùng Mẹ. Chúng con xin dâng lời cảm tạ vì nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã ban muôn vàn ơn lành hồn xác cho những ai kêu cầu Mẹ với niềm tin cậy vững vàng, với một tâm hồn đơn sơ chân thành.

SỨ ÐIỆP CỦA ÐỨC MẸ

Hàng năm hơn 2 triệu người không phân biệt tín ngưỡng đến kính viếng ĐM tại nhà nguyện rue du Bac. Đông nhất vào những ngày mùa hè, có ngày lên tới 4.000. Những người đến đều nhận được sứ điệp của ĐM, như thánh Catherine và đã đem ra thực hiện :

- Hãy chỗi dậy: Nghe tiếng gọi ngay trong đêm, thánh nữ chỗi dậy ngay, theo thiên thần dẫn đường, đi trong tối, với lòng ao ước mong chờ đến nơi ĐM đợi.

- Đến nhà nguyện : Mặc dầu phập phồng lo sợ, từ 9 tuổi, sau khi mẹ qua đời, Catherine đã nhận ĐM làm mẹ và ngày một mộ mến ĐM và ao uớc nhìn gặp ĐM. Nghe thiên thần báo : ĐM đợi chị bên nhà nguyện, Catherine đi ngay. Các cửa cầu thang và hành lang mở dễ dàng để chị sang nhà nguyện.

- Qùi xuống cầu nguyện : Thấy ĐM, như bị thu hút, thánh nữ qùi xuống trước mặt ĐM cầu nguyện liên tục hơn hai tiếng đồng hồ. Ba lần được diễm phúc diện kiến ĐM, Catherine say mê và tràn ngập ơn thánh.

- Chúng con là kẻ có tội : Thánh Catherine nhận nhiệm vụ vận động và phổ biến Ảnh ĐM Hay Làm Phép Lạ. Vòng trên đầu Ảnh ĐM có ghi câu : Lạy ĐM Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, chạy đến cùng Mẹ. Trong đời sống dòng, Catherine hết sức khiêm nhường và luôn xưng‘‘tôi không là gì cả. ĐM đã chọn tôi như dụng cụ của Ngài’’.

Ngày nay, những người dù xa hay gần đến với ĐM rue du Bac, ít hay hay thường xuyên, đều mang tâm trạng : chỗi dậy, qùi cầu nguyện và ăn năn sám hối trước Dung Nhan ĐM và xác Thánh Catherine Labouré. Thành tâm phó thác xác hồn trong tay Mẹ hiền. Họ hân hoan ra về mà lòng tràn đầy hy vọng, và bình an thực sự trong tâm hồn. Để rồi mỗi khi lo phiền, lỗi lầm họ trở lại tâm tình khấn vái cầu xin. Đều được như ước nguyện. Bởi vì ĐM lúc nào cũng sẵn sàng chờ họ tại đây để nâng đỡ và ban ơn.

TÀI LIỆU VIẾT BÀI

- GB Hồ Đắc Hòa, Gương Thánh Nhân, LaVang, 1992, ttr. 209-228.

- René Laurentin, Vie de Catherine Labouré, Lazaristes, Paris 6e, 1980.

- Une Lumière sur la terre. Message de Marie à Sainte Catherine Labouré

(Nguồn www.giaoxuvietnamparis.org)
Thi Chương