PDA

View Full Version : Giáo phận Ban Mê Thuột có tân Giám Mục



hungdung
22-02-2009, 06:40 AM
Giáo phận Ban Mê Thuột có tân Giám Mục



VATICAN - Sáng hôm nay, ngày 21-2-2009, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Benedictô XVI đã bổ nhiệm Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giáo sư Đại chủng viện Nha Trang, làm tân Giám mục chính tòa giáo phận Ban Mê Thuột.


http://vietcatholic.net/pics/BishopNguyenVanBan.jpg
Tân giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản


Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản năm nay 53 tuổi, sinh ngày 25-11 năm 1956 tại giáo xứ Tuy Hòa, Phú Yên, giáo phận Quy Nhơn, theo học tại Tiểu chủng viện Quy Nhơn (1968-1975), Sau đó từ năm 1975 đến 1988 theo học triết và thần học tại Trung tâm huấn luyện (Đại chủng viện) của Giáo Phận tại Màng Lăng, Tuy An. Một thời gian 5 năm sau đó, thầy Bản được lãnh chức Linh Mục ngày 16-9-1993.



Sau 3 năm làm phó xứ Tuy Hòa (1993-1996), năm 1996 Cha Bản được gửi sang Pháp theo học tại Học viện Công Giáo Paris trong 9 năm trời (1996-2005) và đã tốt nghiệp Cao học Thánh Kinh.

Năm 2005 cha Cha Vinh Sơn Bản trở về quê hương và được bổ nhiệm phụ trách việc huấn luyện các chủng sinh của giáo phận Quy Nhơn đồng thời làm giáo sư tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Cha được bổ nhiệm làm chuyên viên tại Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 về Lời Chúa tại Roma từ ngày 5 đến 26-10 năm 2008.

Giáo Phận Ban Mê Thuột trống tòa trong 3 năm qua, từ ngày 17-5-2006 sau khi Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức từ chức. Trong thời gian qua, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, kiêm nhiệm Giám quản Tông Tòa giáo phận Ban Mê Thuột.

LƯỢC SỬ ĐỊA DANH GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

Giáo Phận Ban Mê Thuột có 339.000 tín hữu Công Giáo trên tổng số 2.5208.000 dân cư, với 99 giáo xứ, 106 linh mục (trong đó 93 linh mục thuộc giáo phận và 13 linh mục thuộc các dòng tu). Giáo phận cũng có 35 tu huynh, 40 chủng sinh và 350 nữ tu.

Giáo phận Ban Mê Thuột có diện tích rộng lớn (24.462,44 km2) trải rộng các tỉnh Đăklăk, Đăknông và một phần của tỉnh Bình Phước ( Thị xã Đồng Xoài, huyện Bù Đăng, Bù Đốp và Phước Long).

Để biết rõ hơn về Giáo Phận Ban Mê Thuột, chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để tìm đến nguồn gốc của:

- Tỉnh Đăklăk và thành phố Buôn Ma Thuột.
- Tỉnh Đăknông.
- Thị xã Đồng Xoài, huyện Bù Đăng, Bù Đốp và Phước Long (thuộc tỉnh Bình Phước).

Thành Phố Buôn Ma Thuột:

Thuở xưa, đây là vùng đất của người Ê Đê Kpă với khoảng 50 nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng A Ma Thuột cai quản. Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh này thay cho Bản Đôn.

Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa thị xã này có tên là Ban Mê Thuột. Năm 1995, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại 3, và đến năm 2005 là đô thị loại 2.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ HÌNH THÀNH GIÁO PHẬN.

Tên hành chính hiện nay là Buôn Ma Thuột, nghĩa là buôn làng của cha ông Thuột. Tên được giữ trong giáo quyền khi thành lập giáo phận là Ban Mê Thuột. (Cũng là tên hành chính vào thời gian được thành lập thị xã 05/06/1930).

Đầu năm 1842, Đức cha Etienne Théodore Cuénot Thể, giám mục Đàng Trong, cử hai cha J.C. Miche Mịch, Duclos Lộ cùng thầy Micae Cuông tới vùng Tây Nguyên. Công việc thất bại nhưng đặt ra một định hướng và thầy Micae Cuông đã dùng chính mạng sống mình để minh chứng Tin Mừng Đức Kitô. Từ năm 1842-1846, Đức cha Thể liên tiếp sai linh mục, thầy giảng và tín hữu tìm đường lên Tây Nguyên qua ngả Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhưng sự việc không dễ dàng.

Năm 1847, Cha Fontaine Khâm thuộc hội Thừa sai Paris (MEP) được phái lên sống với đồng bào M’nông gần Buôn Yeng Drôm, giữa Bandon và Đăkmil. Đây có lẽ là vị thừa sai đầu tiên đến truyền giáo trên miền Đăklăk.

Ngày 14-1-1932, Đức Piô XI quyết định thành lập giáo phận Kontum gồm ba tỉnh Kontum, Pleiku, Đăklăk và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào. Toà Thánh bổ nhiệm cha bề trên M. Jannin Phước làm giám mục tiên khởi giáo phận Kontum, hiệu toà Gadara. Ngày 29-1-1934, ngài đến kinh lý Buôn Ma Thuột - Đăklăk lần đầu tiên và tìm khu đất để lập họ đạo với số giáo dân khoảng 50 người, thuộc giáo xứ Plei Pơo (La Sơn, Pleiku), cha Ban làm quản xứ.

1 - Thành lập Giáo họ Banmêthuột: 15.8.1934

Ngày 11-5-1934, thầy giảng Phaolô Hiền là một thầy giảng già có gia đình (nay gọi là Giáo phu) thuộc Họ đạo Mang Yang được sai đi giúp lập Họ đạo Banmêthuột. Ngày 15-8-1934, thầy Hiền và giáo dân lập nhà nguyện nhỏ đầu tiên ở Buôn Ma Thuột. Ngôi nhà đơn sơ, nhỏ bé, mái tranh vách đất.

Sau này các Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền Nhà nguyện tiên khởi này. Hiện nay nó thuộc phạm vi của Trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh.

Nhà nguyện Họ đạo Banmêthuột tuy được xây cất bất hợp pháp, nhưng Công sứ tỉnh Đăklăk là ông Henri Gerbinis và ông Trương Kỳ, quan An nam đầu tỉnh đã nhắm mắt làm ngơ, vì cả hai ông đều là người Công giáo. Trong khi đó Đức Cha Jannin vẫn tất bật ngược xuôi để lo liệu giấy tờ hợp pháp cho thửa đất đó. Và sau hơn bốn năm trời thơ đi thơ lại, cuối cùng Tòa Khâm sứ Trung kỳ mới chấp thuận giải quyết cho Đức Cha được mua khu đất trên với giá 2 xu (0.02 đồng) một mét vuông. Quyết định cấp đất này do ông Graffeuil, Khâm sứ Trung kỳ ký ngày 29.11.1938. Số 195/942. Tòa Giám mục Kontum đã trả 201 đồng để mua 10.050 m2 đất vào ngày 16.12.1938.

2 - Thành lập Giáo xứ Banmêthuột: 30.3.1937

Ngày 30-3-1937, giáo họ Buôn Ma Thuột được nâng lên hàng giáo xứ, đây là giáo xứ đầu tiên tại Đăklăk do linh mục Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn phục vụ.

Sau một thời gian ngắn phục vụ giáo xứ, do không hợp thủy thổ, Ngài bị bệnh sốt rét và thương hàn. Ngày 12.01.1938, Cha trở về Tòa Giám mục để chữa bệnh. (Ngài mất năm 1982 sau 60 năm làm linh mục).

Tuy nhiên trong khoảng thời gian này, Năm 1939-1940, hai cha Pierre Janningros và Pierre Romeuf Phương (giáo phận Quy Nhơn) lên đóng tại Buôn Ma Thuột, hai vị phục vụ thay cha Nguyễn Đắc Cẩn nghỉ hưu. Giáo xứ Banmêthuột không có linh mục quản xứ suốt 4 năm rưỡi vì thời cuộc lúc ấy và cũng vì Đức Cha Jannin Phước qua đời (ngày 14.7.1940 tại Kontum, hưởng thọ 73 tuổi với 42 năm linh mục và 7 năm Giám mục).

Gần hai năm sau ngày Đức Cha Jannin Phước qua đời. Ngày 22.4.1942, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Sion Khâm làm Giám mục Kontum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942 và hai tháng sau Giáo xứ Banmêthuột có Cha sở mới: Đó là Cha Romeuf Phương, Ngài được bổ nhiệm ngày 26.7.1942.

3 - Nhà thờ lớn Ban Mê Thuột 1958- 1959.

Mùa Phục Sinh năm 1941, cha đã vận động mua một mẫu tây đất để cất nhà thờ xứ. Từ năm 1955, nhiều giáo xứ trên địa bàn Đăklăk, Quảng Đức, Phước Long được hình thành, nhất là cuộc di cư từ Bắc vào đây làm số giáo dân ngày càng thêm đông. Tháng 9-1956, cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn được bổ nhiệm làm quản xứ Buôn Ma Thuột, ngài cùng giáo dân xây dựng nhà thờ Buôn Ma Thuột, nhà thờ này trở thành nhà thờ chính toà giáo phận Ban Mê Thuột. Chiều dài 45m, rộng 12m, mỗi cánh Thánh Giá 12m x 12m. Tổng diện tích 828m2; trừ cung thánh, còn được 1200 chỗ ngồi. Nhà thờ xây đúng một năm và được khánh thành vào ngày Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh tháng 4-1959.

Cơ sở Nhà thờ cũ, Đức Cha Kim tạm giao cho các Sư Huynh La San mở Trường Trung Tiểu học, niên khóa đầu tiên là 1959-1960. Sau khi các Sư Huynh xây cất xong Trung học La San đồi (nay là Trường Cao đẳng Sư Phạm Đăklăk), Đức Cha giao quyền sở hữu cơ sở cũ cho các Nữ Tử Vinh Sơn tùy nghi sử dụng.

4 - Thiết lập Giáo Phận 22/06/1967.

Ngày 22-6-1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban Sắc chỉ Qui Dei Benignitate thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh: Đăklăk (1925), Quảng Đức (1959) và Phước Long (1957). Giáo phận mới trải rộng trên diện tích 21.723km2 với dân số 290.800 người, gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái. Cùng sắc chỉ, Đức Phaolô VI, bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm giám mục tiên khởi giáo phận. Ngài được tấn phong ngày 15-8-1967, tại Sài Gòn. Khi thành lập, giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân.

Ngày 22-6-1987 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập giáo phận, Đức cha đã cung hiến nhà thờ Buôn Ma Thuột. Năm 1981, Đức cha phó Giuse Trịnh Chính Trực đã được tấn phong và ngài đã chính thức cai quản giáo phận từ năm 1990, sau khi Đức cha Nguyễn Huy Mai từ trần. Ngài đã âm thầm xây dựng giáo phận trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất cho đến khi nghỉ hưu vào cuối năm 2000, nhường quyền cai quản giáo phận lại cho Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức.

Năm 2006, vì lý do sức khỏe Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức đã đệ đơn xin từ chức. Vào ngày 17/05/2006 Đức Hồng Y Crescentio Sepe Bộ Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã ký Sắc Lệnh bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đang là Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, làm Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Banmêthuột.

Ngày 29 và 30/05/2006 toàn thể thành phần dân chúa Giáo Phận Ban Mê Thuột long trọng đón tiếp Đức Cha Phao Lô tại Tòa Giám Mục và nhà thờ chính tòa Ban Mê Thuột.

Và hôm nay ngày 21.2.2009, ĐTC Benêđictô XVI đã bổ nhiệm Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giáo sư Đại chủng viện Nha Trang, làm tân Giám mục chính tòa giáo phận Ban Mê Thuột.

5 – Bổn mạng giáo phận.

Giáo Phận Ban Mê Thuột chọn bổn mạng là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Lễ Bổn mạng được mừng kính vào ngày 22.6 hàng năm tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột, đây cũng là kỷ niệm ngày thành lập Giáo phận ( 22.6.1967 ). Nếu ngày 22.6 trùng vào thứ Bảy, Chúa nhật hoặc thứ Hai, thì sẽ chuyển qua một ngày khác trong tuần để mọi thành phần dân Chúa có thể dễ dàng tham dự. Cụ thể lễ Bổn mạng Giáo phận năm 2008 sẽ được cử hành vào ngày thứ tư 25.6 (Đây cũng là lần đầu tiên mừng lễ bổn mạng Giáo Phận).

6 - Nhà Chung Ban Mê Thuột (Nay là Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột).

Cơ sở này ban đầu do các Nữ tu Dòng Biển Đức xây dựng. Về sau, để thuận lợi cho sự phát triển của Dòng, hai Đức Giám mục Kontum và Sài Gòn đã chấp thuận cho Nữ Đan viện Biển Đức dời về Thủ Đức, Sài Gòn vào năm 1966 để lập cơ sở mới tại đó. Cơ sở Nhà Dòng đã được Đức Cha Kim mua lại để các cha trong hạt Banmêthuột làm nơi hội họp hằng tháng, như một sở quản lý và làm chỗ nghỉ vãng lai. Một nửa cơ sở này dành cho Dòng Mến Thánh Giá di chuyển từ Kontum xuống ở tạm trong khi chờ đợi xây cất Nhà Dòng.

Cha Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm làm Quản lý Nhà Chung Banmêthuột. Sau này, vào ngày 22.6.1967 với sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập Giáo phận Banmêthuột của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngôi nhà này được mang tên mới:“Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột”. (Tài liệu về lịch sử giáo phận Ban Mê thuột trích từ Website Vatican và Website GP Ban mê Thuột)

7 - Địa chỉ Tòa Giám Mục
104 Phan Chu Trinh
Thành Phố Ban Mê Thuột, Tỉnh Dăk Lăk
ĐT: 0500852756 – Fax: 0500840087 LM Trần Công Nghị


VietCatholic News (21 Feb 2009 15:07)