PDA

View Full Version : TỰ DO TRONG CÕI CHẾT



jacobetuan
10-11-2007, 05:04 AM
Người ta thi vị hoá sự chết và gọi chết là đi xuống ngàn đời, một sự xa cách thăm thăm ngàn trùng với sự sống. Quả thực chết luôn đối nghịch với sống, bởi người chết luôn im lặng bí mật, chỉ người sống mới ồn ào tranh cãi, nói năng. Và thực tế là không ai muốn chết cả, vì chết là ngõ cụt của mọi ước mơ, hy vọng và hạnh phúc đang nắm bắt trong tầm tay của sự hiện hữu. Đối với phái Sađốc trong Phúc âm hôm nay, vấn đề không phải là chết, nhưng là không tin có sự phục sinh của sự chết nơi con người. Họ có thể được gán cho danh xưng hệ phái hiện sinh luôn day dứt và thao thức với sự sống hiện tại, để từ đó tỏa ra nỗi khát vọng hưởng thụ vội vã mảnh đời mau qua trong những chụp bắt hoặc nắm bắt hữu hình. Nhưng đó lại là ngõ cụt của sự hiện hữu. Ngược lại, Đức Kitô xác định minh nhiên về sự sống, nhất là sự sống lại trường tồn của đời người, chẳng những bằng niềm tin vào Ngài, mà còn bằng thực tế phục sinh nơi thân xác của Ngài sau khi đã yên giấc trong mộ ba ngày. Riêng trong bài Phúc âm hôm nay, Ngài mở ra cho con người sự bừng sáng của sự hiện hữu trường tồn: Khi sống lại, người ta không còn cưới vợ gả chồng, nhưng sẽ sống như các thiên thần trong Nước Thiên Chúa.

Ở cuộc sống hiện tại, người ta không muốn mất đi sự sống được gắn liền với các "khâu" cuộc đời mà họ đã xây dựng. Thực ra, nó chỉ là những gì quá nhỏ bé nếu đem so với thế giới bao la như mênh mông vô tận. Những người Sađốc nêu vấn nạn không tin vào sự sống lại với Chúa Giêsu, ngoài cái "trick" (mẹo vặt) sau này cô sẽ là vợ ai trong bảy anh em cô đã lấy làm chồng ở đời này, quả thực còn tố cáo nỗi khát vọng hưởng thụ của con người chỉ có trong tầm tay hôm này. Như thế, ta có thể nói, sự giới hạn của sự sống trong thân xác chính là cản trở mở ra thế giới bao la siêu việt và vĩnh cửu. Nên sự chết từ đó sẽ không còn là việc đi xuống ngàn đời hoặc im lặng thăm thẳm ngàn trùng, nhưng sẽ là sự giải thoát sống động và chân thật cái giới hạn tù đày của thân xác đời này. Việc sống như các thiên thần của con người sau sự phục sinh của họ mà Chúa Giêsu mạc khải chính là sự vô biên của sự sống bất tận. Người ta sẽ không còn bị lệ thuộc bởi vật chất "tro bụi" trong thân xác nữa, nhưng sẽ tự do trong suốt vượt mọi biên giới của sự sống hiện tại. Chúa Kitô phục sinh là hiện thân của sự tự do này. Bởi thế, khi ngắm nhìn người chết, ta sẽ thấy nỗi bình yên vô tận và quyền năng của tinh thần bất tử đang bao bọc chính ta. Người ta có thể gọi đó là tự do vĩnh cửu, vì nó luôn sống động, di chuyển và biến hóa trong sự phục sinh với Đức Kitô, và nhất là hòa tan trong sự sống thật của Thiên Chúa, để có thể luôn sống trong trạng thái "như các thiên thần".

Trích từ: liendoancongigao.org