PDA

View Full Version : Nghệ thuật cãi lộn trong hôn nhân



megumi_ndtt
23-02-2009, 06:04 PM
Chuyện kể rằng, có một gia đình nọ, tuy là người Công giáo nhưng hai vợ chồng lại tối ngày cãi lộn nhau. Người chồng thì luôn gọi vợ là “con quỷ cái”, còn người vợ thì luôn gọi chồng là “thằng quỷ đực”, hai người lại luôn chửi con cái là “lũ quỷ con”. Một Chúa nhật nọ, Cha sở có sáng kiến mời hai vợ chồng người ấy đọc Lời Chúa trong Thánh lễ và gọi hai đứa con của họ lên dâng của lễ. Bà con giáo dân nhìn thấy thế liền vui mừng hớn hở: Chúa ơi! Quả thực hôm nay Ngài làm phép lạ cả thể mà từ tạo thiên lập địa chưa từng xảy ra, đó là quỷ đực quỷ cái và lũ quỷ con đã ăn năn trở lại, cả lũ chúng nó không những đã đi dự lễ mà còn có đứa thì đọc Lời Chúa, đứa thì dâng của lễ nữa đấy.
......
Nói về “cãi”, người Miền Bắc thì gọi là “cãi nhau”, người Miền Nam thì gọi là “cãi lộn”. Nhưng theo tôi, có lẽ từ “cãi lộn” có vẻ có nhiều ý nghĩa hấp dẫn hơn: vừa có ý là cãi “lộn qua, lộn lại”, vừa có ý là cả hai bên đều “lộn” nên mời gọi là “cãi lộn”, chứ nếu không thế thì người ta đã gọi là “cãi trúng” rồi, chứ ai lại gọi là “cãi lộn” làm chi!
Tranh cãi và giận dỗi là một trong những “hương vị” của tình yêu. Những cuộc cãi cọ bình thường rất ít khi gây ra đổ vỡ tình cảm. Do vậy chúng mình không cần ngạc nhiên khi biết có những quy luật biến “chiến tranh” thành “liều thuốc” cải thiện mối quan hệ.

1. Không cãi lộn trước mặt bọn trẻ
Điều hay làm: Tức tối điều gì đó là bắt đầu la mắng bạn đời, thậm chí khi lũ trẻ ở đó, và cố ý cho chúng biết và làm trọng tài xử án cái sai của đối phương và cái đúng của mình.
Điều nên làm: Cho dù vấn đề có nghiêm trọng đến mức nào, chúng mình cũng nên để khi vắng bọn trẻ. Gây gổ trước mặt con cái là hành động không tốt, rất dễ làm lũ trẻ tổn thương về mặt tâm lý, và ấn tượng không tốt về cha mẹ chúng, đặc biệt nếu xảy ra thường xuyên.
Ngoài ra, chờ đợi cũng giúp chúng mình “hạ hỏa” hơn và tranh cãi đỡ “căng thẳng”.

2. Không dùng từ ngữ “độc hại”
Điều hay làm: Trong cơn giận dữ, chúng mình rất dễ “thẳng miệng” lăng mạ nhau, nói những lời lẽ xúc xiểm đến đối phương thậm chí cả dòng họ 3-4 đời… để làm nhụt ý chí, gây sức ép và gây tổn thương mặc dù chính mình cũng không muốn làm như thế.
Điều nên làm: Không tấn công người ấy bằng những lời nói không đẹp. Nên tập trung vào vấn đề mà chúng mình đang quan tâm. Hãy đảm bảo rằng cuộc chiến không kết thúc trong thù hận đến nỗi “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.

3. Không vòng vo khi trình bày và lắng nghe
Điều hay làm: Cãi lộn mà không biết điều mình muốn đạt được là gì, nói dài dòng mà không biết khi nào dừng lại. Kết hợp chuyện của những người thân (cha, mẹ, anh, em…) của đối phương để tăng thêm “gia vị”, chứng minh cái sai và tăng sức thuyết phục. Không cần biết suy nghĩ và nguyên nhân hành động của đối phương mà chỉ muốn nói ý kiến nhận xét của riêng mình.
Điều nên làm: Xác định chủ đề, điều mình muốn đạt được của cuộc cãi lộn. Không liên kết lòng vòng với những chuyện khác, chuyện của người khác, chuyện trong quá khứ…không biến cuộc thảo luận thành dỗi hờn và nước mắt. Lắng nghe nguyên nhân hành động của đối phương và trình bày ý kiến của mình.

4. Không cãi lộn trong tình trạng say xỉn
Điều hay làm: Khi mình hoặc nhân lúc đối phuơng ngà ngà say mới đủ can đảm cãi lộn.
Điều nên làm: Nếu khó chịu vấn đề gì đó trong tình trạng ngà ngà say, tốt hơn hết nên ngừng tranh cãi và đợi một dịp khác nói chuyện. Thông thường, những vụ cãi lộn bất thường xảy ra khi có tác động của “ma men” thì không đem lại gì ngoài những kết quả tệ hơn chúng mình tưởng tượng và mong đợi.

5. Ngồi xuống và trò chuyện
Điều hay làm: Chống nạnh, vung tay chân đi khắp nhà cãi lộn, nói lớn tiếng cho hàng xóm biết, và không bao giờ đứng một chỗ nhất định.
Điều nên làm: Hãy ngồi xuống và bình tĩnh thảo luận vấn đề. Bằng cách nhìn vào mắt nhau, bạn sẽ không phải nói lên điều gì đáng tiếc, cũng như ít có xu hướng “đụng tay đụng chân”. Cuộc tranh cãi sẽ mau chóng kết thúc trong hòa bình.

6. Nghỉ xả hơi
Điều hay làm: La hét, mắng mỏ cho đến khi “mệt bở hơi tai” và mọi chuyện lại tiếp diễn vào những lần khác.
Điều nên làm: Ngừng tranh luận để “nghỉ giải lao” đôi chút. Thật tốt khi thỏa thuận tạm ngừng tranh cãi và sẽ trở lại vấn đề này sau một vài giờ, thậm chí là hôm sau. Điều duy nhất phải nhớ là dứt khoát giải quyết vấn đề. Tạm ngừng “khẩu chiến” không phải lời tuyên bố vĩnh viễn “giã từ cuộc chơi”.

7. Nói lời xin lỗi
Điều hay làm: Lấy cớ tranh cãi làm nguyên nhân giận nhau.
Điều nên làm: Một khi hai người đi đến sự đồng thuận, một lời nói xin lỗi rất cần thiết trong tình huống này. “Xin lỗi” sẽ có ý nghĩa rất nhiều với người ấy, đặc biệt giúp quan hệ gắn bó hơn.

Cầu chúc 7 bước ấy sẽ giúp chúng mình bước đến cãi lộn thành công.

Lm. Vinc. Nguyễn Bản Mạnh
Nhóm Thăng tiến Hôn nhân

Trích từ http://vietchurchjp.net/portal/modules/news/article.php?storyid=774