PDA

View Full Version : MẸ



forget_me_not
06-03-2009, 09:04 AM
Mẹ

(Dân trí) - Những năm đầu thập niên 90, tôi là con nhóc ham vui, đến chơi nhà đứa em họ, thấy có cái đàn, đánh phát ra tiếng nhạc thật hấp dẫn, liền về năn nỉ, mẹ nhất quyết không mua. Tôi dỗi bỏ cơm. Mẹ mặc kệ.
Hôm sau thấy tôi làm dữ, mẹ ra điều kiện, nhà có vườn rau xanh mướt, mẹ hái rồi bó thành mớ, sớm mai hai anh em mang ra chợ bán, tiết kiệm dần mà mua đồ chơi. Hồi ấy nỗi khát khao trong tôi mãnh liệt đến nức lòng.


http://images7.dantri.com.vn/Uploaded/trangth1/2009/03/me-040309.jpg
Mẹ là người yêu thương và chở che cho con từ tấm bé.

Tiền mang về chẳng đáng là bao song mẹ rất vui, nhìn anh em tôi nói: “Mẹ chỉ muốn qua đó các con hiểu được đồng tiền kiếm ra không dễ, không được coi thường sức lao động của mình”. Rồi mẹ bù thêm vào để chúng tôi có được món đồ yêu thích.

Ngày ấy tôi chưa thể hiểu sâu sắc những lời của mẹ, chỉ biết khắc ghi một điều, nên căn cơ, tiết kiệm.

Lại có lần anh tôi thích chiếc ô tô chạy bằng pin đến mê mệt, tưởng như có nó thì khỏi cần ăn cơm. Bố tôi chiều con, định mua nhưng mẹ kiên quyết không chịu kiểu yêu sách, thích gì được nấy.

Không lâu sau, chú bạn mẹ đi hội chợ ở thành phố về tặng anh đúng chiếc ô tô đó. Anh sung sướng bên nó, không để ý ánh mắt hạnh phúc của mẹ. Sau anh mới biết, thì ra mẹ gửi tiền, nhờ chú mua hộ nhưng nói là chú tặng, kẻo anh quen thói vòi vĩnh.

Tình cảm của mẹ cứ thầm lặng mà dạt dào như thế. Những bài học của mẹ có thể giờ đây không còn thích hợp, song mẹ mãi là cô giáo tuyệt vời, luôn tìm ra nhiều cách thức để giáo dục anh em tôi nên người.

Bỗng thấy lo lắng không biết liệu mình có nuôi dạy con chu đáo và hết lòng như mẹ?

Thế rồi tôi lấy chồng, luôn mang trong mình mặc cảm “mẹ chồng nàng dâu”. Tôi thường trộm nghĩ, “chiến tranh” giữa hai người cố giành tình cảm của một người con trai là không khoan nhượng. Nếu người vợ có suy nghĩ viển vông, tự đưa mình và mẹ chồng lên bàn cân lựa chọn thì hẳn đó là một cuộc chiến không cân sức, thế mạnh ắt nghiêng về mẹ chồng.

Vì thế, đừng mạo hiểm và đưa ra so sánh, đong đếm làm gì, bởi có “tai quái”, “tiểu nhân”, “thiếu hiểu biết” đến đâu thì đó cũng là mẹ của chồng và chồng là người chịu ảnh hưởng giáo dục từ bà lớn nhất. Chẳng nên đối đầu làm gì mà chuốc lấy thua thiệt, cách hay nhất vẫn là tránh đi những va chạm ngày thường. Tôi cứ đứng cách xa mẹ chồng một khoảng như thế!

Vậy mà giờ đây, có những khi lòng tôi chợt xao động dữ dội khi nghe điện của mẹ. Mẹ lúc nào cũng gần gụi, thân thiết, khuyên tôi nhớ ăn nhiều, giữ sức khỏe. Mẹ hỏi tôi thích ăn cái này cái kia không để mẹ gửi. Nhớ hôm ra Tết, tôi khen bánh chưng mẹ gói dền và ngon quá, thế là sang tuần thấy xe ôtô quen gọi ra lấy, một chùm bánh chưng mẹ vừa mới nấu. Nghĩ đến tình cảm đó lại thấy áy náy khi chưa thực sự hiểu mẹ.

Hôm khoe với cô hàng xóm, “cháu mua bắp cải rẻ quá! Hai nghìn đồng được một cây to”. Cô chép miệng, “cô mua một nghìn được chín củ xu hào đây, rau rẻ chẳng bõ hái mang bán”. Chợt nhớ lần về nhà, tối ngủ với mẹ chồng, chuyện trò huyên thuyên đến nửa đêm mới chợp mắt. Sáng ra không thấy mẹ đâu, nhà vắng lặng đoán là mẹ đã đi làm đồng. Ngó đồng hồ kim hẹn giờ chỉ con số ba.

Trời lạnh thế này, mà mẹ dậy từ rất sớm! Những ngày mùa đông ấy mẹ cố gắng chăm cho vườn rau lên tốt, vì theo dự báo sau tết Nguyên Đán rau khan hiếm, bán sẽ được giá. Cả cánh đồng rau đủ các loại cứ lên xanh ngăn ngắt. Vậy mà, có đến nửa nhà kho mẹ đem chứa rau cho gà ăn dần, nghĩ mà xót.

Những người như mẹ, đã quá nửa đời người, chẳng trông mong được gì vào kiến thức thu lượm, chỉ nhờ vào kinh nghiệm cày cấy, gặt hái, trông trời trông đất trông mây, trông vào ông “gia cát Dự” mà xem ra bao năm vẫn hoàn vất vả, một nắng hai sương. Có những mùa còn “ngửa vai cho giời xem", chẳng có gì mà ăn! Nằm ốm có mấy hôm mà mẹ luôn miệng rền rĩ: “Cứ để mẹ đi, cấy có gạo mà ăn, nhà nông mà phải mua gạo thì khốn”. Có đợt mẹ gửi cho một bao gạo to, vừa ăn vừa thấy nghẹn ngào...

Ngẫm nghĩ lại, mẹ nào mà chẳng thương con!



Triệu San




http://dantri.com.vn (http://dantri.com.vn)