PDA

View Full Version : Lệnh truyền " Hãy đi " và sứ mệnh " Ra đi "



huynhlan
06-03-2009, 06:48 PM
Lệnh truyền "HÃY ĐI"
và Sứ mạng "RA ĐI"

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã mời gọi các tổ phụ ra đi. Các tổ phụ vâng lời lên đường trong niềm tin tưởng và tín thác mạnh mẽ. Chúa đã sử dụng chính sự ra đi trong đức tin nơi các tổ phụ, để làm phát triển một dân tộc thánh cho riêng mình. Từ giữa dân tộc thánh, Thiên Chúa chuẩn bị và thực hiện ơn cứu độ cho trần gian, qua mọi thời.
Thiên Chúa không ngừng mời gọi. Người tiếp tục mời gọi không biết bao nhiêu nhà lãnh đạo, bao nhiêu vị tiên tri, bao nhiêu những chứng nhân khác trong suốt cả chiều dài lịch sử Cựu ước… Qua những người được sai đi ấy, Thiên Chúa chuẩn bị cho dân xứng đáng nhận lãnh quà tặng lớn không thể tả, là chính ơn cứu độ đời đời của trần gian.

Chúa Kitô, Quà Tặng Cứu Độ lớn lao đời đời của nhân loại, tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa, luôn ra đi để loan báo và trao ban Tin Mừng Cứu độ. Và cũng một cách thức như từ ngàn xưa Thiên Chúa đã thể hiện, Chúa Kitô tiếp tục mời gọi những chứng nhân cho Tin Mừng tình yêu cứu độ của Người.

I. “ANH EM HÃY ĐI” : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19). “Hãy đi” là lệnh truyền của Chúa. Ra đi là sứ mạng của từng Kitô hữu. Sứ mạng ra đi bắt nguồn từ lệnh truyền “hãy đi”. “Hãy đi” là ơn gọi Chúa trao. Ra đi là danh dự, một danh dự bao gồm nhiều lý do. Lý do nào cũng lớn:




Được lãnh nhận chính ơn gọi Chúa trao.


Được lãnh nhận sức mạnh của ơn Chúa để thực thi sứ mạng. Vì sứ mạng nào cũng đi liền với ơn ban phù hợp sứ mạng ấy.


Được tham dự vào quyền làm ngôn sứ, quyền lãnh đạo và mục tử của Chúa Kitô.


Được tiếp nối chính công trình của Chúa và thực hành chính công việc Chúa đã làm.


Được hiến dâng đời mình như chính Chúa Kitô đã hiến dâng.


Được tham dự vào thừa tác vụ cứu độ của Chúa Kitô. Riêng nơi người linh mục, không những tham dự vào thừa tác vụ cứu thế, các ngài còn là người trực tiếp ban ơn cứu độ cho trần thế qua việc trao ban kho tàng ân sủng bí tích.


Được tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô để trao ban tình yêu ấy.


Được Chúa đáp trả bằng tình yêu muôn đời mà Người dành cho ai trung thành với Người.


Được trở nên “bạn hữu” của Chúa Kitô như chính Người đã nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).


Được lãnh nhận ơn cao vời, nguồn mạch sự sống và sức sống của đời Kitô hữu là chính Chúa Thánh Thần.


Tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, trai gái, sang hèn… đều được mời gọi “hãy đi”. Vì thế, là Kitô hữu, họ hãy ý thức trong từng nhịp sống thường nhật, qua tất cả mọi việc, mọi sinh hoạt, mọi suy nghĩ, mọi hành động… của mình là chu toàn sứ mạng ra đi, “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”. Ra đi như thế, người Kitô hữu sẽ là cánh tay nối dài của Chúa Kitô vươn tới mọi người, mọi môi trường, mọi hoàn cảnh sống, nhờ đó Chúa Kitô tiếp tục ở lại trong mọi người, giữa trần thế. Đó là danh dự lớn lao của người Kitô hữu. Danh dự này chắp cánh cho ước mơ sống vĩnh cửu trong Nhà Cha, nơi Chúa Kitô đã dọn sẵn (Ga 14,2-4) cho những ai trung thành hoàn thiện ơn gọi đời mình.

Nếu mọi Kitô hữu cần phải đáp ứng lệnh truyền “hãy đi”, thì người linh mục, phải là người trước tiên, cấp tốc thực hành sứ mạng ra đi theo lệnh truyền này. Bởi trên hết và trước hết mọi người, linh mục được tuyển chọn là để được sai đi. Trong sứ mạng ra đi thực hiện lệnh truyền của Chúa, các linh mục được mời gọi trở thành mục tử như Chúa, thay mặt Chúa hiện diện giữa lòng đời vì anh chị em, đúng nghĩa một mục tử. Bởi thế, trên hết mọi sự, họ hãy ý thức thật cao, thật sâu sứ mạng ra đi của mình. Nhưng chỉ có thể ý thức sứ mạng, khi linh mục biết không rời ánh mắt tâm linh hướng về Chúa Kitô, chiêm niệm cuộc đời, hành vi, suy tư của Chúa Kitô…

Nơi Chúa Kitô, bài học cho sự ra đi của linh mục rất nhiều. Ta chỉ nói đến một hành vi cao đẹp của Chúa trong nhà tiệc ly, mà Đức Gioan Phaolô II nhắc lại trong thư gởi các linh mục dịp Năm Tuần Thánh năm Thánh 2000. Đó là hành động RỬA CHÂN:

“…Tin Mừng Gioan diễn tả dài cử chỉ rửa chân. Còn hơn một gương khiêm nhường được trình bày để ta noi theo, sáng kiến trên đây của Chúa Giêsu đã khiến Phêrô bối rối, trước tiên là một mạc khải về tính chất căn bản của việc Thiên Chúa hạ cố đến với chúng ta…Như thế, những người có trách nhiệm nhân danh Chúa Kitô, lập lại cử chỉ mà Chúa đã thực hiện trong bữa ăn cuối cùng khi thiết lập hy tế Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, được liên kết hoàn toàn đặc biệt với các tông đồ đầu tiên. Ấn tích phân biệt họ, nhờ bí tích truyền chức đã lãnh nhận, làm cho sự hiện diện và tác vụ của họ trở nên DUY NHẤT, CẦN THIẾT, VÀ KHÔNG THỂ THAY THẾ được” (số 5).

Vậy cụ thể của việc ra đi là gì? cần phải làm gì để được gọi là ra đi theo sứ mạng Chúa trao? Chúng ta tạm ghi lại những định nghĩa thường thấy khi nói tới việc “ra đi” của người xây dựng Nước Trời.

II. RA ĐI

Ra đi là quỳ xuống “rửa chân” cho anh chị em. Nghĩa là phục vụ anh chị em đến quên mình như Chúa Kitô.

Ra đi là chấp nhận bỏ lại đàng sau mọi ổn định, an nhàn của cuộc sống.

Ra đi là chấp nhận đối diện với tình trạng chông chênh, bấp bênh, thiếu thốn, mất mát…

Ra đi là bỏ lại đàng sau mọi thứ vướng bận, cồng kềnh của sự đời, của vật chất, của những gì không thuộc về Thiên Chúa, để từ đây dám chấp nhận hiến thân và tín thác hoàn toàn cho Chúa.

Ra đi là loại trừ mọi tính toán riêng tư, ích kỷ có nguy cơ làm cản trở bước chân đời tông đồ.

Ra đi là can đảm bước ra khỏi những lề thói, những não trạng, những nếp nghĩ, nếp sống… cũ mòn, có nguy cơ kéo đời sống thiêng liêng của ta ì ạch, mệt mỏi, ương lười…

Ra đi là tước bỏ cách sống thụ động, tìm an nhàn, an phận, để bảo đảm sự nhanh nhẹn nhất cho bước chân lên đường. Bởi con đường mà người được sai đi không phải là con đường ngắn, nhưng là con đường kéo dài tận cuộc đời. Trên con đường cuộc đời của người được sai đi, không phải toàn gấm hoa, nhưng chắc chắn sẽ đong đầy gai góc và nước mắt. Vì thế mới phải tước bỏ nhiều để có thể bền chí trước mọi thực tế thương đau.

Ra đi là tự trút bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Bởi chỉ có thể trút bỏ hoàn toàn ý riêng, đi tìm ý Chúa, ta mới hiểu được ý Chúa trên suốt hành trình ra đi của mình. Nếu không, ta cũng sẽ bị Chúa quở trách như đã từng quở trách tông đồ Phêrô: “Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh là của loài người, chứ không phải tư tưởng của Thiên Chúa” (Mt 16, 23).

Sứ mạng của người ra đi chỉ trở nên xứng đáng với ơn gọi của Đấng sai đi, khi sứ mạng đó luôn luôn được đặt trong tương quan và gắn bó mật thiết với chính Đấng sai đi. Người sống sứ mạng ra đi chỉ trở nên xứng đáng với Đấng trao ban ơn gọi khi người ra đi chấp nhận dấn thân đến cùng, dấn thân đến hao mòn, đến quên mình, đến không còn gì cho mình, mà chỉ dành cho Đấng đã sai mình như tông đồ Phaolô đã từng thốt lên: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20).

III. CHÚNG TÔI, NHỮNG LINH MỤC COI XỨ : Những linh mục coi xứ được mời gọi ra đi để trở nên và để hiện thân hóa chính hình ảnh Chúa Kitô nơi cộng đoàn giáo xứ được trao cho mình. Dĩ nhiên, họ được mời gọi không chỉ làm chứng cho những anh chị em thuộc trách nhiệm của họ, mà còn cho mọi người, mọi nơi, mọi môi trường họ hiện diện. Tuy nhiên, lãnh trách nhiệm cai quản giáo xứ, họ phải để tâm, dồn hết khả năng cho trách nhiệm này. Bởi thế, chúng ta sẽ nhấn mạnh một chút về trách nhiệm coi xứ của các linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ.

Người ta gọi các linh mục là mục tử. Nhưng có lẽ, các linh mục coi xứ mới là mục tử đúng nghĩa nhất: Họ là người cha, đúng nghĩa một người cha trong tinh thần đức tin của gia đình giáo xứ, trong và hoàn toàn thuộc về gia đình giáo xứ, với tất cả trách nhiệm của một người cha trên giáo xứ ấy. Bởi vậy, trách nhiệm mà Hội Thánh trao cho các mục tử coi xứ là trách nhiệm nặng, một trách nhiệm không ai có thể thay thế được. Bởi vậy, các mục tử coi xứ, trước hết không tìm an thân, không tìm danh tiếng bằng những công tác xây dựng vật chất khang trang, không mải miết chạy theo cám dỗ của việc xây cất (nói một cách mỉa mai: chỉ lo kiếm tiền, xin tiền…), và ngụy biện cho việc cuốn hút chính mình vào những công tác trần thế bằng mỹ từ: xây dựng nhà Chúa.

Thực ra, xây dựng nhà Chúa giỏi nhất phải là VUN BỒI ĐỜI SỐNG ĐỨC MẾN trong lòng người. Nếu có chăng những công trình trần thế, thì phải luôn luôn ghi nhớ hai điều hết sức quan trọng:

– Những công trình trần thế ấy không phải do mình, nhưng do rất nhiều anh chị em đóng góp mà thành. Đừng đánh mất lẽ công bằng khi tự mãn với chính mình rằng: Tôi xây dựng nhà thờ, tôi làm nhà giáo lý, tôi xây nhà xứ, tôi xây hội trường giáo xứ, tôi dựng tượng đài Đức Mẹ…, thậm chí xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương theo yêu cầu của xã hội, cũng do tôi nốt… Cái tôi mà “giết chết” tập thể là giết chết lẽ công bằng!

– Những công trình trần thế, nếu là nhu cầu thực sự, thì nhu cầu đó phải mang lại nỗi ấm áp của một gia đình giáo xứ hiệp nhất, bình an. Công trình trần thế được hiện diện trên một giáo xứ, phải bảo đảm nâng cao tình yêu, lòng tin, sự cậy trông vững chắc vào Thiên Chúa đối với tất cả mọi người khi đến cầu nguyện. Bởi thà giáo xứ thiếu thốn mọi tiện nghi mà giàu tình yêu, còn hơn giàu tiện nghi mà lại nghèo tình yêu. Tôi thực sự cảm động khi nghe một linh mục giảng về về tình yêu, đã tuyên bố: “Nếu việc xây cất tượng đài tại giáo xứ chúng ta, vô tình làm mất tình đoàn kết, vô tình khiến anh chị em khoe cái giàu của mình, coi thường cái nghèo của người khác, thì thà giáo xứ chúng ta cứ giật sập tượng đài. Có tượng đài mà không có lòng yêu thương, không có tình bác ái, không mang lại lòng yêu mến Chúa, thì tượng đài có để làm gì hở anh chị em?”.

Các mục tử khôn ngoan hãy là những mục tử xây dựng gia đình giáo xứ của mình trên tinh thần đức tin, lòng yêu mến Thiên Chúa, sự đoàn kết yêu thương giữa những con người với nhau. Họ hãy là những mục tử thực thi vai trò mục tử của mình trong việc sống và làm nổi rõ tính cách cộng đoàn sống Lời Chúa, cộng đoàn sống Thánh Thể và trung thành với giáo lý Hội Thánh.

Nếu hình ảnh Chúa Kitô quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ là sự tóm kết cả một đời làm người để phục vụ ơn cứu độ cho trần thế của Người, thì các linh mục coi xứ cũng hãy ra đi và thả chiếc neo cuộc đời cũng như sứ vụ linh mục của mình vào cuộc đời Chúa Kitô, để như Chúa Kitô, các linh mục nghĩ gì, nói gì, làm gì đều nhắm một đích điểm duy nhất: ĐƯA MỌI NGƯỜI VỀ CÙNG THIÊN CHÚA. Đó phải là sứ mạng ra đi trước tiên của linh mục coi xứ.

Nhưng để thực hành sứ mạng ra đi, đưa mọi người về cùng Thiên Chúa, Chúa Kitô đã phải chấp nhận hao mòn, chấp nhận xóa mình. Người đã thực sự hóa thân làm người, sống, chết và sống lại. Bởi đó, sứ mạng ra đi của người mục tử theo chân Chúa Kitô, đúng là một danh dự lớn, nhưng cũng đầy cam go thử thách…

Hãy can đảm nhìn vào Chúa Kitô mà sống đời mục tử của mình.
Hãy yêu Thiên Chúa và yêu con người như Chúa Kitô đã yêu để tạo thêm nghị lực mà thực hành đời mục tử của mình.
Hãy đặt dấu chân đời mình vào dấu chân của Chúa Kitô, để có thể vượt trên “đầu sóng, ngọn gió”.
Hãy ngã vào Thánh Thể Chúa, và hiến tế chính mình trong từng thánh lễ.
Hãy cầu nguyện và tìm thánh ý Chúa trong Lời của Người.
Hãy nhận ra Chúa Kitô nơi từng hoàn cảnh, từng anh chị em, thậm chí cả những kẻ chống đối mình.







Lm. JB Vũ Xuân Hạnh