PDA

View Full Version : Nước mắt và nghệ thuật sống



huynhlan
06-03-2009, 08:10 PM
NƯỚC MẮT VÀ NGHỆ THUẬT SỐNG


I. VÌ ĐÂU NÊN NỖI

Tôi còn nhớ như in, buổi chiều hôm ấy, mưa dữ dội. Mưa như người ta tháo cống. Tôi khá bất ngờ khi người gõ cửa phòng tôi là một cậu học trò đang tìm hiểu ơn gọi tu trì mà tôi đang chịu trách nhiệm linh hướng (hướng dẫn tâm linh). Bất ngờ vì cậu học trò của tôi có thể gặp tôi bất cứ lúc nào, nhưng đến với tôi giữa lúc mưa gió thế này, chắc chắn phải có chuyện!

Em học giỏi, là sinh viên năm cuối của một trường đại học, và đang là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học khác. Em lạnh run, đôi môi xám ngắt. Nhưng hình như lòng em chẳng lạnh, ngược lại đang bừng bừng nóng nảy, giận hờn. Nét mặt và cả đôi mắt của em cho tôi hiểu như thế.

Tôi mời em ngồi và kiên nhẫn đợi em lấy lại bình tĩnh. Em kể cho tôi nghe về nỗi muộn phiền của em, về sự bất bình đối với một “người có quyền” lại nỡ đối xử tệ với em, khi cho rằng em có lỗi. “Người có quyền” ấy lại còn lôi cả lỗi lầm của gia đình em, của chính người cha ruột thịt của em đã vấp phạm từ gần hai mươi năm trước để quy chụp và kết luận trên chính trường hợp của em: “Cha nào con nấy. Đã sinh ra trong một gia đình thiếu nề nếp, thì cầm chắc, con cái của cái gia đình ấy làm sao nề nếp được!…” Kể rồi em lại khóc. Khóc rồi em lại tức. Em tuyên bố: “Thưa cha, con nghỉ học, bỏ tu”.

Vẫn giữ thái độ bình tĩnh như từ lúc đầu gặp em, tôi im lặng ngồi nghe em trút hết tất cả niềm xót xa mà em đang gánh lấy. Em gục đầu trên chính đôi tay mình, khóc không biết bao nhiêu mà nói. Khóc cho nỗi oan ức mà “người có quyền” giáng xuống trên em, áp đặt em, không cho em có cơ hội bào chữa mình, hoặc chí ít là trình bày hoàn cảnh, trình bày sự thật…

Ngoài trời đang mưa to. Nhưng nước mắt uất hận của em là cả một trận mưa lòng còn lớn hơn tiếng mưa vỗ ngoài hiên...

Nửa giờ đồng hồ trôi qua, tôi vẫn hiện diện với em bằng tất cả sự đồng cảm, trân trọng và quý mến, trong khi vẫn thinh lặng, vẫn chăm chú theo em từng chi tiết của câu chuyện em kể. Có chăng khi phải nói thành lời, thì lời của tôi cũng chỉ là gợi hứng cho em trút hết vào tôi niềm bức xúc, sự suy nghĩ, cảm nhận và cả nội tâm nặng nề của chính em. Có một điều tôi không đồng ý với em khi em lặp lại chắc như đinh đóng cột quyết định của mình: “Con sẽ nghỉ học, bỏ tu”. Rồi để kết thúc dòng tâm tư đầy ngổn ngang, đầy xáo trộn, bộn bề của mình, em yêu cầu tôi cho em một lời khuyên.

Thay cho một lời khuyên suông, tôi đã kể cho em nghe những nỗi niềm ai oán đã từng xảy ra dọc đường đời của tôi và xảy ra nơi những nhân vật mà em có thể biết mặt biết tên. Tôi muốn em đối chiếu chính hoàn cảnh của em nơi những câu chuyện rất thật ấy để thêm vốn liếng, thêm cơ sở mà tự quyết định chính tương lai, chính chọn lựa của mình. Tôi tha thiết xin em bốn điều tuy rất bình thường, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn, đó là:

1. Đang trong cơn chao đảo, bấn loạn thế này, em đừng suy nghĩ, đừng quyết định bất cứ điều gì. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai. Lúc đó em sẽ tỉnh táo. Khi thật sự tỉnh táo, mọi suy nghĩ, mọi quyết định mới có thể sáng suốt, đúng đắn.

2. Tôi xin em đừng nói gì về vấn đề này với ai nữa. Nói với một mình tôi, thế là đủ. Hãy để cho nó lắng xuống. Thậm chí, nếu cần, hãy chôn sâu nó vào nấm mồ quá khứ. Đừng đeo bám nó. Nếu em cứ cố níu kéo nó, rồi than thân, trách phận, thì đau khổ của em chỉ càng đau khổ thêm. Em sẽ càng bí lối. Em sẽ là kẻ tự đào bới chính vết thương lòng của mình. Lúc đó em sẽ càng đau đớn hơn. Nặng hơn, nếu em không thể vượt qua, nó sẽ gây trong em sự xáo trộn, nhẹ thì mất ăn, mất ngủ, giảm sức khỏe… Nặng thì có thể sẽ biến chứng từ một người dễ mến trở thành kẻ luôn luôn nuôi mặc cảm căm hờn, không còn tin người, không còn tin đời, thậm chí muốn nổi loạn, muốn làm một cái gì đó, ngay cả cái tồi tệ nhất vừa để tự khẳng định mình, vừa như để trả thù. Lúc đó, sẽ rất nguy hiểm, vì chính em trở thành con người của sự nguy hiểm.

3. Em hãy cố gắng tha thứ cho người đã lỡ đối xử tệ với em. Vì chưa cần nói đến khía cạnh đức tin, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình là đòi buộc của Tin Mừng. Chỉ cần nói đến khía cạnh có lợi cho chính mình thôi, thì tha thứ mới là cách tốt nhất để lòng ta bớt trĩu nặng, tâm hồn ta thanh thản hơn, cuộc sống của ta sẽ thăng bằng hơn. Tha thứ cũng sẽ thêm sức mạnh để ta có thể đào mồ chôn sự mất mát này vào quá khứ. Tha thứ sẽ nâng đỡ em, giúp em vượt qua hoàn cảnh, nhờ đó, em sẽ không trở thành con người của sự nguy hiểm.

4. Trên hết vẫn là cầu nguyện. Tôi xin em hãy quỳ trước thánh giá Chúa Giêsu, quỳ trước nhà tạm, quỳ thật lâu, đừng nói gì, chỉ cảm nghiệm. Trong cô tịch của sự lắng đọng, em sẽ thấy bình an, sẽ khám phá ra tình yêu của Chúa, khám phá đến tận cùng nỗi đau của em cũng chính là nỗi đau của Chúa, không chỉ khi Chúa chết trên thánh giá, mà chính là nỗi đau của Chúa ngay hôm nay, lúc này. Bởi Chúa đang đồng cảm với em. Người đồng cảm còn lớn hơn cả việc tôi đang ngồi lắng nghe từng lời em nói đây. Chính lúc em chìm lắng hoàn toàn trong thinh lặng trước Chúa, là lúc em nói nhiều nhất, gào thét to nhất và cầu nguyện dữ dội nhất.

II. NÓI VỚI NGƯỜI TRONG CUỘC

Người trong cuộc thứ nhất là chính tôi. Tôi muốn đặt mình trở thành người trong cuộc để tự mình dấn thân vào chính kinh nghiệm mà cậu học trò của tôi đang trình bày. Từ đó, tự nhắc mình về nhiều bài học của đời sống, của những tương quan, của sự khôn ngoan và chính chắn trong những quyết định, những chọn lựa. Bởi nếu không dấn thân vào những khúc mắc thế này, thì bình thường không dễ gì có thể có bài học cụ thể nào dạy mình nghệ thuật sống cách xác đáng.

Bài học tôi nhận ra cho mình là:

1. Trên hết mọi sự phải là lòng yêu thương. Chỉ có lòng yêu thương mới là thước đo quyền lực. Không có lòng yêu thương, quyền lực trở thành bạo chúa. Bởi không có lòng yêu thương, quyền lực của bạo chúa sẽ phán xét anh em độc đoán, nhẫn tâm. Thậm chí cuộc phán xét đó trở thành bản án “tử hình” anh em.

2. Chỉ có bình tĩnh mới có thể có đủ thận trọng suy xét một hoàn cảnh, một biến cố, một con người, ngay cả nếp sống, nếp nghĩ của chính con người đó. Sự bình tĩnh và thận trọng mới chính là cách giải quyết khôn ngoan nhất của “người có quyền”. Bình tĩnh, thận trọng, khôn ngoan sẽ giúp “người có quyền” phân biệt được đâu là chân lý, đâu là dư luận, và dư luận ấy do thành phần nào tạo ra, nhằm mục đích gì, chính xác bao nhiêu phần trăm. Nếu không như thế, “người có quyền” chỉ đáng giá của một kẻ dưới mức tầm thường.

3. Dù là “người có quyền”, nhưng “người có quyền” trước hết hãy là người đồng hành. Chỉ khi nào biến mình thành người đồng hành, gác quyền lực sang một bên, “người có quyền” mới có thể có được một tinh thần khiêm tốn. Chỉ có khiêm tốn mới nghe được lời của trái tim con người. Chỉ khi nào đi vào được trái tim con người rồi, “người có quyền” mới được phép phán quyết về một hoàn cảnh, hay một con người mà mình đang đối diện. Nếu không như thế, “người có quyền” lộ nguyên khuôn mặt của mình là một kẻ sống theo bản năng quyền lực. Nhưng con người đâu chỉ có bản năng. Vượt trên bản năng là tình cảm, tình yêu, lý trí, sự sống động của nội tâm… Bởi thế, “người có quyền” mà chỉ biết đem bản năng của mình ra để đối xử, thì “người có quyền” ấy cần phải được xét lại xem, anh ta có còn là người nữa không!

4. “Bề trên” chỉ thành công trong việc giáo dục “bề dưới” bằng sự đồng cảm, chở che, yêu thương. Nếu giáo dục bằng quyền lực, “bề trên” chính là thủ phạm và là kẻ gánh trách nhiệm trước tiên về việc “bề dưới” phải sống dồn nén, khiếp đảm. Hoặc tệ hơn, “bề dưới” trở thành con người của sự lỳ lợm, luôn luôn muốn nổi loạn, muốn trả thù, muốn phá vỡ sự bình yên xung quanh… Nếu đúng như thế, thì “bề trên” chính là con rắn độc, kẻ chủ mưu của việc truyền nọc độc sang “bề dưới”. Lúc này, cần phải đem con rắn độc, nghĩa là đem đầu mối của sự dữ ra xử, thì hầu như người ta lại làm điều ngược lại: xử kẻ bị truyền nọc độc. Bởi người ta quá nông cạn chỉ thấy sự nổi loạn của “bề dưới”, mà không hề suy xét xem, ai đã làm cho “bề dưới” nổi loạn.

5. Để có được một mức độ quân bình hết sức trong cách cư xử, kẻ làm “bề trên” hãy nhớ rằng: Vì mình là “bề trên”, cho nên làm “bề trên” của anh chị em thì dễ, bởi nó là lẽ đương nhiên, nhưng làm một người đồng hành với anh chị em thì rất khó. Mà người đồng hành mới cần cho sự trưởng thành nhân cách của anh chị em chứ không phải “bề trên”.

Vì mình là “bề trên”, cho nên đóng vai trò của một giám thị hay giám luật, mạnh hơn: quan tòa để kiểm tra, đôn đốc, phán xét, kể cả kết án, thậm chí bạo quyền trong việc kết án… thì dễ, nhưng làm một người bạn với anh chị em, để anh chị em có thể tin tưởng ngã vào tim mình, từ đó dạy anh chị em một trái tim bao dung, nhân hậu, từ tốn, mực thước… thì rất khó.

Tại sao ta cứ chọn cái dễ, mà không thử một lần đứng về phía cái khó? Dù biết rằng cái khó sẽ khó cho ta, nhưng nó mang lại hiệu quả của bình an, của tình yêu, của lòng biết ơn không nhỏ. Chính “bề trên” còn sợ khó, sợ khổ, thì tại sao áp đặt quyền hành trên chính những anh chị em của mình? Hay bề trên cũng chỉ tầm thường đến nổi chỉ biết giải quyết theo bản năng. Trớ trêu và nghịch lý làm sao, khi con người có mọi phương cách để giải quyết, thì lại chỉ giải quyết theo bản năng. Mà bản năng vốn không phù hợp với loài người…

Có thể, bạn sẽ cho rằng tôi “đao to búa lớn”. Nhưng có khi phải nhìn thẳng vào sự thật để can đảm rút ra những bài học thật cần thiết để sống trong đời. Bởi sống thành công là một nghệ thuật sống. Mà nghệ thuật sống có khi lại đến từ chính những lời hằn học, những chê trách nặng.

Chắc chắn, trong cuộc đời làm linh mục của mình, không ít lần tôi đặt bao nhiêu ách chồng chất trên đôi vai của biết bao nhiêu người. Thì thôi, một lần nói với chính mình như người trong cuộc, để từ nay thêm ý thức, càng tránh được sai sót nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Mong ước trở thành ngọn đèn. Nhưng chưa thể trở thành ngọn đèn như mong ước, thì xin được ý thức từng chút, từng chút một, để hy vọng ngày qua ngày tiến gần đến niềm ước mong…

Và rồi thêm một lần chứng kiến giọt nước mắt của người, là thêm một cơ hội để tôi tích cóp bài học cho nghệ thuật sống trong đời tôi…




Lm. JB Vũ Xuân Hạnh

cafeda2009
14-11-2009, 07:50 PM
Nghệ thuật sống

Anmai CSsR (http://tgp-tphcm.net/taxonomy/term/587)

T7, 14/11/2009 - 16:45
http://tgp-tphcm.net/sites/default/files/imagecache/main_img/sites/default/files/toanbong15/t163349.jpg



Dẫn nhập
Nghệ thuật sống của con người là nét đẹp, là sự khéo léo trong suy nghĩ cũng như hành động. Người có nghệ thuật sống là người tinh tế trong việc thể hiện nét đẹp, sự khéo léo ấy ra trong cuộc sống thường ngày. Nét đẹp, sự tinh tế ấy nơi con người vẫn đang được đề cao và phát huy qua nhiều thời. Ngày nay, phát huy nét đẹp nghệ thuật sống nơi con người đang làm cho đời sống con người thêm đa dạng và phong phú. Sự phong phú đó đang làm cho đời sống con người tăng thêm ý nghĩa. Nhìn về con người, ta hãy cùng nhìn sự kỳ diệu của con người khi sống cuộc đời như một nghệ thuật.

1. Con người có tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật

- Con người được thượng đế phú ban cho khả năng sống cuộc đời như một nghệ thuật

Thật không quá khi nói: Con người ngay từ lúc thành thai trong dạ mẹ đã có khả năng sống nghệ thuật. Nghệ thuật sống đơn giản nhưng sâu sắc và tinh tế. Nghệ thuật sống của người con trong sự cưu mang của người mẹ. Trong dạ mẹ, người con hoàn toàn phó thác nơi người mẹ và chỉ biết đáp đền tình yêu của mẹ bằng một khả năng sống vui tươi, hồn nhiên.

Chào đời, con người đã sớm nhận thấy nơi mình một khả năng thần kỳ do Thượng Đế đặt để: khả năng hướng tới và thưởng thức cái đẹp. Dường như cái đẹp có mãnh lực đặc biệt, nó cứ thôi thúc con người lên đường và con người cứ đi, đi mãi. Có thể nói đó là cuộc hành trình chinh phục cái đẹp không ngơi nghỉ. Cuộc chinh phục này, cái đẹp đã đòi một điều kiện: người chinh phục phải sống cái đẹp ấy trứơc.

Như vậy, người chinh phục cái đẹp không phải là đi gom góp sự đẹp mà là một sự tương quan, một đòi hỏi phải đồng cảm nhận. Thế ra, con người không có cách nào khác để có được cái đẹp ngọai trừ việc sống cái đẹp ấy trước đã. Tuy nhiên, con người cũng không quá khó khăn để sống. Vì khả năng sống cái đẹp ấy, Thượng Đế đã phú ban cho ta từ đời đời. Vấn đề, ta phải thể hiện nó ra trong cuộc sống như thế nào để tìm ra sự tương đồng. Thành ra, nghệ thuật sống chính là phương cách tuyệt vời giúp con người chinh phục cái đẹp.

- Con người sinh ra đã hướng về nghệ thuật

Nói về con người, Khổng Tử rất tinh tế khi nói: Nhân tri sơ tính bản thiện. Sự tinh tế của Khổng Tử ở việc ông đã sớm nhận ra nơi con người có tiềm năng về sự thiện, sự đẹp. Có lẽ xuyên suốt tư tưởng của ông, con người được đề cập đến như một cuộc hành trình diễn tả sự thiện, một sự diễn tả ra bằng nghệ thuật sống. Khổng Tử cho rằng: Sự thiện đã có sẵn trong mỗi người và mỗi người hãy tùy theo cơ chất của mình mà thể hiện nghệ thuật sống đó ra.

Thực tế xã hội thời Khổng Tử cũng như bây giờ, con người đã có sự tha hóa. Sự tha hóa do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đưa đẩy khiến con người vốn có tiềm năng sống sự thiện, giờ đây lại phải ra sức tìm về sự thiện. Con người càng ra sức tìm về sự thiện lại càng chứng tỏ khát khao hướng tới sự thiện, càng gần với bản tính thiện của mình. Trong quá trình ấy, con người đã cố gắng thể hiện cuộc đời ra như một nghệ thuật.

- Con người có lý trí nên hành trình sống là hành trình vươn tới nghệ thuật

Ai cũng biết: Con người hơn con vật ở lý trí. Vì thế, lý trí cứ thúc bách con người đi tới cùng để tìm ra đâu là ý nghĩa thực của đời người, đâu là đích điểm của đời người...
Con người từ khi biết nghĩ là biết đi tìm điều đẹp cho mình và cho người. Nhưng xem ra chưa có ai đã thỏa mãn mà thôi tìm kiếm. Ví dụ Augustino sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm sự đẹp nơi trần gian đã phải thốt lên: Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới. Vậy ra, vẻ đẹp thực sự, vẻ đẹp tuyệt đối chỉ có ở nơi thiên giới thôi sao?

Theo các nhà kinh viện: Cuộc sống đời sau là đích điểm của con người và con người chỉ có thể thấy được vẻ đẹp tuyệt đối ở đời sau mà thôi. Tuy nhiên, các nhà kinh viện cũng khẳng định rằng: Cuộc sống đời sau đã được bắt đầu nơi trần gian này. Thế ra, con người sống cái đẹp nơi trần gian là để hưởng vẻ đẹp nơi thiên giới. Như vậy, sống nghệ thụât "Đẹp" nơi trần gian chính là hành trình để đi tới nghệ thuật “Đẹp” tuyệt đối.

- Con người có tự do lựa chọn cái đẹp

Con người còn có một khả năng đặc biệt nữa đó là tự do. Con người tự do lựa chọn và quyết định đời mình. Tự do để đào tạo mình trưởng thành. Tự do làm cho đời mình hạnh phúc hay bất hạnh.

Ở trong thế giới mà quan niệm về cái đẹp có nhiều cách hiểu như hiện nay thì tự do là người bạn tốt nhất để con người lựa chọn giá trị chân thiện mỹ. Chỉ khi con người tự do sống giá trị cao đẹp nơi mình, lúc ấy con người mới có trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như vậy, tự do vừa giúp con người sống nghệ thuật sống, vừa là chính nghệ thuật để con người vươn tới. Khi vươn tới tự do, con người cũng đồng thời khẳng định được mình và các giá trị nơi mình. Thành ra, cái đẹp ở đây không còn là cái đẹp chung chung nhưng là cái đẹp trong chính con người của chủ thể. Cái đẹp làm nên chủ thể. Cái đẹp làm cho con người là mình với tư cách là một nhân vị, nhân cách độc đáo.

2. Sống thế nào cho ra nghệ thuật

- Sống nghệ thuật là sống với chính mình, sống cho ra mình

Như trên đã nói: Con người có tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật. Nhưng con người sống thế nào để thể hiện được nghệ thuật?

Người ta không thể chấp nhận thứ nghệ thuật chung chung. Vì vậy, con người có nghệ thụât sống phải là người biết sống nghệ thuật. Con người biết sống nghệ thuật, có lẽ phải biết sống với chính mình trước đã. Con người phải thể hiện nghệ thuật sống ấy với chính mình qua sự trân trọng mình, qua sự khẳng định mình, tôi luyện mình, làm cho mình trở nên độc đáo. Có thể nói, con người muốn sống nghệ thuật với người khác thì trước nhất phải có nghệ thuật sống với mình đã. Bởi vì, con người tôi với những cá tính rất độc đáo, tôi phải tự khám phá tôi trước đã. Con người tôi với tư cách là một nhân vị, tôi phải lo bồi đắp cho xứng một nhân vị đã. Con người tôi với con người cụ thể, tôi lại càng phải tôn trọng phẩm giá của tôi dù tôi bất toàn. Khi ấy, sống với mình, sống cho ra mình mới chính là nghệ thụât sống đúng nghĩa. Nghệ thuật sống ấy mới làm cho con người trưởng thành. Con người như thế mới là mình, mới là cá nhân độc đáo, đáng giá trong vô vàn cá nhân.

Con người biết sống nghệ thuật không phải chỉ biết sống cho mình nhưng quan trọng còn phải biết sống trong các mối tương quan khác.

- Sống nghệ thuật sống là sống các mối tương quan

Tương quan với tha nhân: Chúng ta sống là sống trong một cộng đồng người nhất định vì thế mối tương quan với tha nhân là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, sống mối tương quan này như thế nào cho ra nghệ thuật đó mới là nét đẹp cần hướng tới. Thiết tưởng trong mối tương quan này, con người trước nhất phải sống cho ra mình đã. Sống cho ra mình để nhận ra tha nhân. Từ việc nhận ra tha nhân mới có thể nói tới trân trọng tha nhân như họ vốn là họ. Họ với tư cách của một nhân vị độc lập, độc đáo, đa dạng và phong phú. Dĩ nhiên trân trọng họ cả khi họ bất toàn.

Tương quan với xã hội: Theo nghĩa nào đó, con người là một động vật mang tính xã hội. Như thế mối tương quan con người với xã hội hẳn là rất quan trọng. Sự quan trọng ở chính cách thế ta cư xử với xã hội. Vì chính ta làm nên xã hội và chính xã hội cũng tác động trở lại để hình thành nên con người ta. Ở trong mối tương quan này, con người càng phải nỗ lực hơn bao giờ hết để sống cho ra mình, sống nghệ thuật sống nơi mình để tác động trên xã hội. Đồng thời, ta cũng phải ý thức xã hội gồm những con người đang trực tiếp hay gián tiếp tác động trên ta để ta có ý thức, cách thế thể hiện, ứng đáp cho phù hợp.

Tương quan với tự nhiên: Tự nhiên vốn là người bạn rất tốt của con người nên việc ứng đáp lại người bạn tốt này cũng là việc rất quan trọng. Đây là nghệ thụât sống mà chỉ khi sống con người mới cảm ra, mới biết cách nên gần gũi thiên nhiên. Chỉ khi con người sống, con người mới hiểu được thiên nhiên và được thiên nhiên là người bạn thân thiết hỗ trợ song hành.

Tương quan với Đấng Siêu Nhiên: Siêu Nhiên mà con người phải biết nghệ thuật sống mà đối đáp ở đây là chính Đấng Tạo Hóa. Ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghiệm ra quyền năng và tình yêu của Tạo Hóa. Nhưng Con người sống làm sao thể hiện được nghệ thuật sống với Đấng Tạo Hóa mới là điều cốt thiết. Dĩ nhiên con người chẳng xứng đáng để đáp lại. Nhưng không vì thế mà con người được phép xem thường. Thành ra, thiết nghĩ có lẽ con người nên sống là mình trong mối tương quan với anh chị em với vạn vật mà Tạo Hóa ban cho. Con người sống nương theo ý của Tạo Hóa, theo khát vọng tự nhiên Tạo Hóa đặt để… khi hành xử như thế là con người đáp lại Tạo Hóa cách nghệ thuật rồi.

- Sống nghệ thuật là sống hướng thượng

Con người sinh ra không phải chỉ để dành cho những đòi hỏi bản năng, cũng không phải ở chỗ con người thỏa mãn được nhiều nhu cầu. Song, con người được mời gọi hướng lên những thực tại Siêu Việt.

Thực tại Siêu Việt đó vẫn có, vẫn đang tồn tài bên ta và đang chi phối đời sống chúng ta. Ngày ngày, con người vẫn không ngừng đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Cõi tâm linh nơi con người vẫn không ngừng thúc bách con người hướng lên trời cao về với cõi vô biên, bất tử. Phải nhận rằng: Từ thế giới Siêu Việt mà con người được gợi hứng sống. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người khám phá ra giá trị đích thực đời mình. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người nhận ra mối tương quan của mình với anh chị em. Nhờ hướng lên thế giới Siêu Việt, con người ý thức được giá trị làm người của mình… Trong thế giới Siêu Việt, con người ý thức được vai trò của thế giới Siêu Việt trong đời sống của mình. Nhờ thế giới Siêu Việt, con người cũng được trở nên siêu việt.

Như vậy, chính khi ưu tư về ý nghĩa đời mình, ưu tư về mối tương quan với tha nhân và với Tạo Hóa, con người lại không ngừng được mời gọi sống hướng nên cõi Tuyệt Đối, hướng lên những giá trị cao đẹp nơi Trời Cao.

3. Sống nghệ thuật để cứu chuộc thế giới

- Sống nghệ thuật sống để cứu mình

Con người sống nghệ thuật trước hết là sống cho ra mình. Như vậy, khi con người sống cho ra mình cũng đồng nghĩa con người đang sống theo những nguyên lý đẹp mà Tạo Hóa tác thành, đăït để. Con người sống hòa hợp với chính mình, hòa hợp với những nguyên lý tạo hóa đã đặt để thì hẳn nhiên đã hạnh phúc rồi. Thành ra có nói: Con người sống nghệ thuật sẽ cứu được mình có lẽ cũng không sai. Bởi vì, khi con người sống với ý thức cao nhất, với sự trân trọng mình, trân trọng vạn vật thì con người đang giúp mình hoàn thiện mình. Con người đang làm đúng trách nhiệm của mình. Và chắc chắn, con người sẽ tránh được những bất trắc ... cứ thế, con người đang từng bước cứu mình khỏi hư đi.

- Sống nghệ thuật sống để sống cho tha nhân

Con người sống nghệ thuật không phải thứ nghệ thuật chung chung nhưng là nghệ thuật vì con người. Vì thế, nghệ thuật không gì khác hơn là nghệ thuật sống vì tha nhân. Vì tha nhân mà hành động. Đi tới cùng, nghệ thuật sống là để sống cho tha nhân. Và sẽ không quá khi nói: Con người biết sống nghệ thuật sống có thể cứu được tha nhân, cứu tha nhân khỏi sự ích kỷ, khỏi tang thương, khỏi hư mất... Thực tế, con người sống cao đẹp đã có tác động rất lớn đến người xung quanh. Con người sống cao đẹp đã có sức lay động lương tâm kẻ chai lì. Con người sống đẹp có thể khiến kẻ xấu bỏ đường tội lỗi về với đường lành. Con người sống tốt có thể khiến người chưa tốt trở nên hoàn thiện...

- Sống nghệ thuật để đưa nhân loại đến chân thiện mỹ

Con người luôn khao khát cái đẹp và dễ dàng rung động trước cái đẹp, từ những rung động đó, con người có thể nhận ra chính mình cũng như nhận ra giá trị của thế giới xung quanh. Vì vậy, ta có quyền tin giá trị của nghệ thuật sống có khả năng đưa nhân loại cũng như thế giới về với chân thiện mỹ. Ta có quyền tin nghệ thuật sống sẽ đưa con người vượt lên trên chiến tranh, hận thù, tang tóc... Ta cũng cần tin, nghệ thuật sống có đủ sức mạnh để chúng ta cải hóa thế giới.
Như vậy, ta có quyền tin vào con người, tin vào tiềm năng sống cuộc đời như một nghệ thuật nơi mỗi người. Chính khi tin thì cái đẹp lại là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng mời gọi ra vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm thế giới và mơ về tương lai.

KẾT LUẬN

Cuối cùng, con người sống nghệ thuật chính là cách cụ thể tiềm năng sống nét đẹp mà Thượng Đế đã đặt để nơi mỗi người. Để được thế, con người phải biết mình, biết người. Con người phải biết khám phá bản thân, biết dùng nó đúng chỗ, đúng lúc, đúng khả năng và khuynh hướng riêng của nó. Con người phải biết tạo cho mình một thế đứng, xác định cho đời mình một mục tiêu, chọn cho đời mình một lý tưởng. Có như vậy, chúng ta mới có nhiều khả năng sống cuộc đời như một nghệ thuật. Ước mong sao nghệ thuật thiên phú trong con người mỗi chúng ta được chúng ta thực sự quan tâm trân trọng và làm cho nó triển nở. Chính khi, ta làm cho đời ta triển nở là ta đang tiến tới giá trị thật của đời người. Chính khi, ta làm cho đời ta triển nở là ta đang làm cho phẩm giá con người trở nên đúng nghĩa và xứng với phận người được kêu gọi bước về nguồn nghệ thuật tuyệt đối nơi Thiên Chúa.




Nguồn:
danchuausa