PDA

View Full Version : Thử thách



MatTheu Dang Dinh Quyet
06-03-2009, 10:55 PM
THỬ THÁCH


Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu là chúng tôi lại được dịp :

Cứ mùa thu đến lại đăng trình

Tổ chức lo toan cuộc Bắc hành

Thăng tiến Huynh đoàn theo Luật Sống

Chủ đề “Quản trị với Điều hành”

Tông đồ + học tập – cùng xây dựng

Cầu nguyện + hiệp thông – để trưởng thành

Nửa tháng trôi qua đầy ấn tượng

Đoàn con tiếp bước Thánh Đa Minh.

Được chia sẻ với anh chị em đoàn viên các Huynh đoàn Đa Minh tại các Giáo phận miền Bắc VN về “Quản trị và Điều hành Huynh đoàn” trong Sứ vụ người Giáo dân Đa Minh, quả thực là một điều đáp ứng đúng tâm nguyện bản thân. Riêng năm nay còn có thêm một sự kiện đặc thù lôi cuốn : thời gian chúng tôi ở miền Bắc là thời gian cao điểm của câu chuyện thời sự nóng bỏng của Giáo Hội Việt Nam và âm vang khắp thế giới – “dấu chỉ thời đại” Thái Hà.

Sau hơn tuần lễ Bắc du, về lại Saigon nghỉ ngơi ít bữa lại tiếp tục sứ vụ với các Huynh đoàn Giáo phận miền Nam. Đã cận kề ngày “Thế Giới Truyền Giáo” (CN XXIX TN – 19/10/2008), ngẫm nghĩ về công việc mình làm, lại liên hệ tới “dấu chỉ thời đại”, rồi mở Thánh Kinh ra đọc và suy niệm bài Tin Mừng CN Truyền Giáo “Nộp thuế cho Xêda” (Mt 22, 15-22). Bài Tin Mừng này tôi đã được nghe chia sẻ rất nhiều lần và lần nào cũng vậy, lời dậy của Đức Kitô luôn nhắc nhở tôi : “của Xêda hãy trả cho Xêda ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa", nhưng lần này thì tâm thức tôi còn bị đánh động thêm bởi những lời của đám Pharisiêu giả hình nói với Đức Giêsu "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta" (Mt 22, 16).

Mục đích của đám người Pharisiêu khi nói ra những lời này là có chủ ý nịnh hót, tâng bốc Đức Giêsu, trước khi đưa ra cái bẫy “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?". Thông thường thì khi nịnh hót, tâng bốc ai, người ta thường hay nói quá sự thật về người ấy, thậm chí còn gán cho người ấy những điều mà họ không hề có, không hề phát biểu. Mục đích là để đối tượng được tâng bốc, nịnh hót tít mắt vào, nở mũi ra, sau đó thì... lãnh đủ hậu quả (câu chuyện dân gian VN “Con ếch muốn to bằng con bò” là một dẫn chứng). Tuy nhiên, ở bài Tin Mừng nêu trên, chúng ta thấy rõ ràng bọn Pharisiêu đã nói quá đúng về Đức Giêsu. Như vậy thì phải hiểu sao đây ?

Trước hết phải hiểu Đức Giêsu Thiên Chúa đã biết từ trước ý đồ của đám người muốn thử Người. Nói đúng về Người mà còn bị khiển trách, huống hồ nói không đúng về Người thì sự tâng bốc sẽ đi về đâu ? Đám người Pharisiêu nghĩ rằng ông Giêsu này là người rất mực khôn ngoan, không thể đưa ra cái “ảo” mà có thể khiến ông ấy “nở mũi, tít mắt” được, chi bằng cứ sự thật mà nói, hy vọng sẽ “gài độ” ổng được chăng. Ngoài ra, những lời giảng dậy, những việc làm của Đức Giêsu đã được công luận đồng tình hưởng ứng (dân chúng luôn nghe và tin theo Người sau khi nghe Người giảng dậy), không thể bóp méo được. Muốn gài bẫy Người thì chỉ còn cách duy nhất là nói thật đúng về Người. Vậy phải chăng đây cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa ?

Thông qua lời nói thật thà của những người dân hiền lành, chất phác để minh hoạ cho Sự Thật, cho Chân Lý, là điều bình thường. Nhưng thông qua những người lẻo mép, nịnh hót (chuyên “có nói không, không nói có”) mà chứng minh được Chân Lý, ấy mới là điều đáng nói. Bởi vì luôn luôn và mãi mãi Sự Thật vẫn là Sự Thật, Chân Lý vẫn là Chân Lý. Ở một thời điểm nào đó, có thể Chân Lý bị thế lực che mờ, Sự Thật bị cường quyền bóp méo, nhưng dù cho thế lực ấy, cường quyền ấy có sức mạnh tới đâu cũng không thể tiêu diệt được Sự Thật, phá hoại được Chân Lý. Thực tế lịch sử loài người đã chứng minh điều ấy. Viết tới đây, tôi lại nhớ tới lời nói của một vị cán bộ cao cấp trong ngành giáo duc VN đã nói với chúng tôi (khi tôi chưa “mất dạy”) : “Tất cả mọi sự đều sẽ qua đi”. Vâng, quả thật tất cả mọi sự (thế lực, cường quyền, chế độ, con người... ) đều sẽ qua đi, chỉ Sự Thật, Chân Lý là tồn tại vĩnh hằng.

Mà sự thật nơi đám người Pharisiêu há chẳng phải là chính họ tự trong thâm tâm đã muốn đóng thuế cho Rôma rồi đó sao ? Thời đó, dân Do thái dùng 2 thứ tiền : Khi đóng tiền vào đền thờ thì dùng tiền Do thái, còn khi nộp thuế cho chính phủ bảo hộ thì bắt buộc phải dùng tiền Rôma (trên tiền Rôma có hình ảnh Xêda – hoàng đế Rôma, nên còn gọi là tiền Xêda). Họ muốn đóng thuế cho Xêda – đóng thuế cho kẻ cai trị, bảo hộ mình – nhưng lại muốn gài bẫy Đức Giêsu : Nếu Người trả lời là “không” thì họ sẽ kết tội Người là kẻ “chống chế độ” ; còn nếu Người trả lời là “có” thì họ lại quy kết là “kẻ vọng ngoại, ôm chân đế quốc”. Thật không khác gì câu chuyện “Ném đá người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 2-11), và lại càng giống hệt những chuyện thời sự trong thời đại ngày nay – nhất là trên mảnh đất chữ S nhiễu nhương này !

Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu đã làm những kẻ muốn thử thách Người bật ngửa "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (cũng chẳng khác câu Người nói với đám thượng tế “Ai trong các ông cảm thấy mình sạch tội, thì hãy ném đá người đàn bà này trước đi” – Ga, 8, 7). Ôi chao ! Lạy Chúa ! Đặt giả thử chính bản thân con là đám người Pharisiêu cách nay 2000 năm, khi nghe Chúa phán như vậy, không biết con còn đủ can đảm làm như họ đã làm (lảng đi tránh mặt Chúa vì xấu hổ, cụt hứng) hay không ? Chắc chắn là không. Con chỉ còn biết quỳ xuống ôm lấy chân Chúa mà thưa rằng : “Lạy Chúa con ! Lạy Thiên Chúa của con. Muôn ngàn lần con đắc tội với Ngài. Xin Ngài thương tha thứ tội lỗi và cứu vớt đứa con hoang đàng này”.

Điều trăn trở cuối cùng của tôi là tại sao Giáo Hội lại đưa bài Tin Mừng này vào ngày Chúa nhật “Thế Giới Truyền Giáo” ? Theo thiển ý thì bởi vì sứ vụ chính yếu và cũng là bản chất của Giáo Hội là “Truyền Giáo”, là "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Mà công cuộc truyền bá Giáo thuyết Kitô là phải làm thế nào cho đối tượng nghe và tin theo điều mình truyền giảng. Nói khác hơn, việc truyền giáo chính là việc làm chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ, bởi vì “người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân ” (Evangelii Nuntiandi 41), và “Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống” (Thư Mục vụ năm 2003 của HĐGMVN). Vậy thì những người Pharisiêu đã vô tình (không phải chủ ý của họ) làm chứng về Đức Kitô, họ mưu toan hạ bệ Người nhưng hoá ra lại trở thành chứng nhân cho Người. Xin trở lại một lập luận ở trên : Những người tin theo Chúa, đi theo Chúa có nhiệm vụ làm chứng tá cho Chúa là điều dĩ nhiên, nhưng những người phản Chúa, chối Chúa lại trở thành chứng nhân cho Chúa, ấy mới là điều đáng nói.

Mong rằng Lời Chúa Giêsu "... của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" sớm thức tỉnh những người Pharisiêu-thời-đại thế kỷ XXI. Xin đừng bẻ ngoặt cái hướng đi đối thoại hoà bình ban đầu ; cũng xin đừng bẻ cong mục đích nhằm lái dư luận theo ý đồ riêng tư. Vâng, xin hãy nhìn thẳng vào Sự Thật, bởi vì Sự Thật vẫn luôn luôn và mãi mãi là Sự Thật. Sự Thật đó đã được lịch sử 4000 năm con Hồng cháu Lạc chứng minh. Xin nhớ cho rằng “Tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi”, xin để yên cho lịch sử làm công việc của nó : chứng tá CHÂN LÝ sẽ trường tồn vĩnh cửu. Mong vậy thay !


JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm