PDA

View Full Version : Cầu nguyện bằng kinh mân côi



MatTheu Dang Dinh Quyet
06-03-2009, 10:56 PM
CẦU NGUYỆN BẰNG KINH MÂN CÔI


Chẳng hiểu sao, cứ gần tới tháng 10 là y như tôi lại nhớ tới câu chuyện được nghe từ thủa nhỏ về việc đọc Kinh Mân Côi. Hồi làng tôi mới tòng giáo (cuối thế kỷ XIX), Kinh Kính Mừng (cổ) đã có người đọc thế này : “A-vê Ma-ri-a đầy ca-ra-xi-a (gratias) Đức Chúa Dêu (Deo) ở cùng Bà – Mít ơi ! – Bà có phúc hơn mọi người nữ – mày đã đóng cửa chuồng gà chưa ? – và Giê-su ở cùng Bà – mai mà mất con gà nào thì mày chết với bà !...”. Chuyện có vẻ tiếu lâm, nhưng hàm ý khuyên răn khi đọc Kinh Mân Côi phải “cầm lòng cầm trí” (khẩu tụng tâm suy), đừng lo ra, chia lòng chia trí. Có thế thì việc đọc kinh mới có ích.

Hôm vừa rồi, lang thang trên mạng, tôi bắt gặp trang web CẦU NGUYỆN BẰNG KINH MÂN CÔI, trong đó có câu chuyện “Thánh Đa Minh tại khu rừng gần Toulouse, nước Pháp, năm 1214” (Ngưỡng Nhân Lưu Âu Nhi – http //www thanhlinh.net/) :

“Chúng tôi chỉ lược trích lời thánh Louis de Monfort trong tác phẩm Huyền Nhiệm Kinh Mân Côi của ngài về lịch sử Kinh Mân Côi, để chúng ta nhớ nguồn gốc và nhớ tại sao Chúa ban cho chúng ta Kinh Mân Côi.

“Từ khi Kinh Mân Côi được thành hình, chính yếu và căn bản, gồm Lời Cầu Nguyện của Chúa Ki-tô và Lời Thiên Sứ chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, tức là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng Maria. Đây là lời cầu nguyện được các tín hữu mộ mến sử dụng từ thời các Thánh Tông đồ tới nay.

“Tuy nhiên, mãi tới năm 1214, Giáo Hội mới nhận được Kinh Mân Côi trong hình thức và cách chúng ta dùng hiện nay. Kinh Mân Côi được ban cho Giáo Hội qua thánh Đa Minh, ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy làm phương tiện cải hoá những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác.

“Tôi (thánh Louis de Monfort) xin kể cho các bạn nghe thánh Đa Minh nhận được Kinh Mân Côi như thế nào, lịch sử này trong tác phẩm rất nổi danh ‘Tầm Quan Trọng và Sự Tuyệt Vời của Kinh Mân Côi’ của thánh Alan de la Roche. Thánh Đa Minh thấy sức nặng của tội lỗi dân chúng cản trở việc trở lại của những người phái Albigense, ngài lui vào khu rừng gần Toulouse để cầu nguyện suốt ba ngày đêm. Trong thời gian này, thánh Đa Minh không làm gì cả mà chỉ khóc và triệt để hãm mình đền tội, ngõ hầu làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa Toàn Năng. Ngài hành xác quá sức đến độ kiệt lực, và sau cùng mê man bất tỉnh.

“Lúc này, Đức Mẹ, có ba Thiên thần tháp tùng, hiện ra nói với thánh Đa Minh :

- Đa Minh yêu dấu, con có biết Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh muốn dùng thứ khí cụ gì để cải đổi thế giới không ?

Thánh Đa Minh đáp :

- Lạy Đức Mẹ của con, Mẹ biết rõ hơn con nhiều vì kề bên Chúa Giê-su, Con Mẹ, Mẹ luôn là dụng cụ chính của ơn cứu độ chúng con.

Đức Mẹ nói :

- Mẹ muốn con biết trong thứ chiến đấu này, mũi nhọn tấn kích luôn là Tầm Quan Trọng và Tuyệt Vời của Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là khối đá nền móng Tân Ước. Vì thế, nếu con muốn đánh động được các linh hồn chai đá này và chiếm được chúng về với Thiên Chúa, con hãy rao giảng Kinh Mân Côi.

Ngay khi thánh Đa Minh bắt đầu giảng tại Đại Thánh Đường, một trận bão lớn nổi lên, đất động, mặt trời tối đi, rất nhiều sấm sét khiến mọi người sợ hãi. Dân chúng hết sức xúc động khi nhìn lên tượng Đức Mẹ đặt tại nơi tráng lệ, người ta thấy cử chỉ Đức Mẹ kêu xin Chúa ngưng hình phạt nếu họ ăn năn trở lại, sửa đổi cuộc sống và tìm sự bảo vệ nơi Mẹ.

“Thiên Chúa muốn, qua những hiện tượng siêu nhiên này, truyền bá lòng mộ mến mới và phổ biến Kinh Mân Côi rộng rãi hơn.

“Sau cùng, nhờ lời cầu nguyện của thánh Đa Minh, trận bão ngưng và ngài tiếp tục giảng. Hết sức nồng nàn và hùng hồn, ngài giải thích sự quan trọng và giá trị Kinh Mân Côi khiến hầu hết mọi người ở Toulouse tiếp nhận Kinh Mân Côi và từ bỏ những tin tưởng sai trái của họ. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc cải đổi lớn lao được nhìn thấy tại thành phố này : Dân chúng khởi đầu sống đời sống Ki-tô hữu và từ bỏ các tật xấu”.

Kiến thức còn hạn hẹp, không dám lạm bàn về lịch sử và ý nghĩa của Kinh Mân Côi. Tôi chỉ xin mạn phép nói về một khía cạnh đặc thù : Tính đại chúng của Kinh Mân Côi. Vâng, trải dài theo lịch sử Giáo Hội, từ các vị Giáo Hoàng đến hàng giáo sĩ, tu sĩ, từ những nhà bác học đến những nhân sĩ trí thức, cho đến tầng lớp bình dân ít học; ai ai cũng mộ mến suy niệm, nguyện ngắm Kinh Mân Côi. Có thể do :

* Kinh Mân Côi là bản tóm lược vừa ngắn gọn, vừa súc tích, lại vừa bao quát được toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước.

* Kinh Mân Côi dễ học, dễ đọc, dễ hiểu, thậm chí còn dễ chiêm ngắm, suy niệm.

* Kinh Mân Côi là một phương thức cầu nguyện hữu hiệu nhất để nói chuyện + tâm sự + cầu xin + van nài với Chúa, với Mẹ (Kinh Lạy Cha chẳng phải do chính Thầy Chí Thánh dậy chúng ta đó sao ? Kinh Kính Mừng chẳng phải là lời Thiên Sứ chúc mừng Đức Mẹ và lời chúng ta cầu xin với Mẹ đó ư ? Còn Kinh Sáng Danh ? Đấy chẳng phải là lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh đó ru ?).

* Không những thế, Kinh Mân Côi còn là một vũ khí thật sắc bén vừa để tự vệ (khi bị ba thù cám dỗ, hoặc khi muốn kiềm chế dục vọng), vừa tấn công (khi muốn đẩy lui địch thù, tiêu diệt tội lỗi). Tóm lại, Kinh Mân Côi là vũ khí rất lợi hại để chống lại “thù trong, giặc ngoài” (hoán cải bản thân, cảm hoá tha nhân và còn giúp ích nhiều cho các linh hồn nữa).

* Ngoài ra, tập được thói quen đọc Kinh Mân Côi hàng ngày ngay khi còn trẻ, thì tới khi lớn tuổi sẽ càng cảm thấy luôn được gần gũi với Chúa với Mẹ, luôn được tâm sự với Mẹ với Chúa, nhất là luôn được Mẹ vỗ về an ủi trong tuổi già cô đơn bệnh tật. Đặc biệt hơn cả là lúc đã bị lú lẫn thì chính thói quen đọc Kinh Mân Côi sẽ giúp bản thân tránh được những tập quán không đáng có, gây sự phiền lòng xấu hổ cho con cháu (xc.”TẬP THÓI QUEN TỐT” – MLCN/thanhlinh.net – cùng tác giả). Không những con cháu không bị phhiền lòng, cảm thấy mắc cở với xóm giềng, mà chính gương tốt này lại giúp con cháu học hỏi và bắt chước để mong đến khi về già cũng sẽ được như vậy.

Là một Ki-tô hữu – nhất lại là một Giáo dân Đa Minh tự hào về vị tổ phụ đã đóng góp công sức vào việc hoàn chỉnh Kinh Mân Côi – tại sao chúng ta không thể và không biết tìm đến với Thánh Kinh qua Kinh Mân Côi ? Tràng chuỗi Mân Côi nay đã lên đến 200 Kinh Kính Mừng (ngoài 15 mầu nhiệm Vui + Thương + Mừng, còn thêm 5 mầu nhiệm Sáng – Tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria”– ĐTC Gioan Phaolô II – 2002). Mới nghe thì thấy có vẻ nhiều quá, dài quá; nhưng đâu có sự bó buộc “phải đọc” cả tràng chuỗi Mân Côi trong một lúc hay trong một Thánh Lễ !

Điều cuối cùng xin thưa : Chính vì tính đại chúng của Kinh Mân Côi, nên khi đọc chúng ta rất dễ bị sa vào quán tính (đọc mà chẳng biết mình đang đọc gì, đang làm gì, miệng thì đọc mà tâm trí thì bay bổng tận đâu đâu …). Vâng, xin hãy sẵn sàng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi (NÓI VỚI CHÚA) với tất cả tâm tình của một người con hiếu thảo đang giãi bày hết cả tâm tư và ước nguyện ra với Chúa, với Mẹ; nhiên hậu mới rao giảng Lời (NÓI VỀ CHÚA) cho tha nhân. Khi nào đọc, chỉ đọc vừa sức để tránh mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, và tuyệt đối phải cố gắng tập trung suy niệm theo từng lời kinh. Nếu thấy tâm hồn trống rỗng, đọc như cái máy, thì lập tức ngưng ngay, làm vài động tác thư giãn, nằm nghỉ, chờ khi nào tỉnh táo sẽ đọc tiếp. Mong vậy thay !


JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm