PDA

View Full Version : Thảm đỏ cho những ai kiên trì



Ben
12-03-2009, 12:23 PM
Có ai là không có ước mơ, có ai là không có hoài bão? Tôi đã ngồi hàng giờ để nghe và kể chuyện cho một thằng đánh giầy…

Đang ngồi trong góc nhỏ của quán cà phê quen thuộc, nhâm nhi cảm giác... suy tư nghĩ ngợi. Tôi giật mình bởi một giọng nói lạ hoắc: "Chú đánh giầy không chú?".

Trước mắt tôi là một thằng bé đánh giầy gầy còm, đen, nhem nhuốc. Trên đầu đội một cái mũ mà tinh lắm tôi mới nhận ra đó là mũ... vì nó rách te tua, lấm lem y như bộ dạng của chủ nó.

Ngây ra một lúc tôi lên tiếng.

- Ùh, rồi sẽ đánh, lại đây. Ngồi xuống. Từ sáng đến giờ đã có gì vào bụng chưa?
Thằng bé khép nép, không dám ngồi. Ấp úng trả lời tôi bằng một câu hỏi: "Chú có đánh giầy không ạ?"

Tôi thường có ấn tượng với người đối diện khi tôi hỏi, người ta trả lời bằng một câu hỏi, đó là người kiên định và thông minh, không bị lái theo hướng của người khác. Tôi hơi cau mày nhưng trả lời với giọng nghiêm túc: “Có đánh!”.

Tôi nhắc lại câu đề nghị phía trên một cách thân thiện hơn, đồng thời kéo thằng bé ngồi xuống, gọi một cốc sữa và hai cái bánh mỳ.

Bóc một cái bẻ đôi, tôi mời nó ăn một nửa. Thằng bé ngập ngừng nhìn vào mắt tôi. Có cảm giác như đang nghi ngờ, đang thăm dò. Có lẽ cuộc đời này đã làm cho tâm hồn bé bỏng của một thằng bé 12 đến 14 tuổi phải đề phòng, luôn mở to mắt trước mọi cử chỉ của những người xung quanh.

Tôi ấn miếng bánh vào tay nó và quay sang một bên ăn ngon lành, coi như không thèm để ý nó có ăn hay không. Năm giây sau, lại câu hỏi đó vang lên "Chú có đánh giầy không ạ?”. Vẫn cái giọng lơ lớ nửa quê nửa tỉnh ấy, nhưng nghe thiết tha hơn. Tôi không quay lại mà vừa ăn vừa nói:

- Ăn và uống hết sữa đi sau đó hãy đánh giày.

- Ok! Cháu ăn hết rồi, còn uống thì chỉ cần một giây thôi.

Nghe vậy tôi quay lại, bánh mỳ đã hết, chỉ còn cốc sữa, nó cầm lên và làm một hơi hết sạch. Đúng như lời hứa tôi cởi giầy cho nó đánh, nó định cầm ra ngoài nhưng tôi nói ngay:

- Ngồi đây mà đánh, không phải chú sợ mày lấy mất giầy mà chú đang cần người nói chuyện. Cháu tên gi? Năm nay bao nhiêu tuổi? Quê ở đâu? Nhà còn ai không?
Thằng bé tròn mắt nhìn tôi, hình như chưa có ai hỏi nó như thế bao giờ. Không phải, hình như tôi hỏi một lúc nhiều câu quá.

Thấy vậy tôi dịu giọng tâm sự: “Anh thường ngồi đây uống cafê một mình vào chiều thứ sáu, hôm nay mới thấy chú em, Anh chỉ hơn em chục tuổi thôi, xưng anh em cho nó tiện nhỉ?". Thằng bé gật gật đầu ra vẻ đồng tình. Tôi nói tiếp:

- Thường thì trước khi đi làm anh đã tự đánh rồi, hôm nay thấy em thật thà, nên anh muốn hỏi chuyện. Mới đi đánh giầy phải không?

Thằng bé lại gật.

- Ngày có kiếm được nhiều không em?

- Gặp khách có hôm cũng được vài chục, có hôm không đủ tiền mua bánh mỳ, gặp hôm trời mưa thì... - Nói đến đây như có gi đó nghẹn lại

Nó lặng đi một lát, chiếc khăn vải hình như chà mạnh hơn vào chiếc giầy đã bóng lộn của tôi, nó nói tiếp:

- Gặp hôm trời mưa chẳng kiếm được đồng nào, lại còn ăn cả vào tiền để dành.

Ngạc nhiên lần này chuyển sang tôi, bởi trong đâu tôi một thằng đàn ông ngần này tuổi vẫn chưa bao giờ có khái niệm của từ "để dành", chưa đến ngày lĩnh lương là tôi đã được chị thủ quỹ cho tạm ứng 1/2 lương tháng sau. Vậy đấy! Lúc nào cũng túng thiếu. Tôi cảm thấy đã học được một điều gì đó rất quan trọng từ cậu bé đánh giầy này.

Xong việc, đôi mắt tròn xoe, trong vắt ngước lên nhìn tôi và nói: "Thế này đã được chưa hả chú, à quên. Hả anh trai!". Giọng nó thân thiết lạ thường, lâu rồi không có ai gọi tôi là anh trai. Trước cậu em nhỏ, tôi bỗng thấy mình lơn thêm.

- Quá được, em làm tốt lắm - Tôi nói

Tôi cầm chiếc bánh mỳ đưa cho nó với ý mời nó ăn, nhưng nó lắc đầu: “Em đủ rồi!”


Tôi chợt hiểu ý, móc ví ra tôi đưa cho nó 50 nghìn và nói:

- Chỉ cần em ngồi đây nói chuyện với anh một lát, số tiền này là của em.

Nó đẩy tay và tiền về phía tôi, nét mặt không vui.

- Anh cầm lấy đi, em sẽ ngồi đây nói chuyện với anh, chỉ cần anh trả tiền hai cái bánh và cốc sữa là được rùi, tiền đánh giầy em cũng không lấy đâu, coi như huề - Nói đến đây nó dừng lại một chút như sợ lỡ lời hay nghĩ ngợi chọn từ trước khi nói. Thứ sáu hàng tuần anh lại ra đây nhé?

- Ừ, em cũng qua đây chiều thứ sau nhé! - Tôi cười.

Nó gật gật.

- Nhà em ở đâu?

- Em không có nhà, hai anh em hay ngủ dưới gầm cầu.

- Hai anh em, em gái hay em trai?

- Em trai! Nó kém em hai tuổi.

- Em 14 tuổi phải không?

- Không 13 ạ.

Tôi không hỏi gi thêm mà bắt đầu kể về mình cho nó nghe. Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống học giỏi, cả làng cả tổng chỉ có bố tôi là: "Number one". Tiếp đến là anh em tôi. Trước đây, cụ tổ tôi là dòng dõi phú ông, ruộng đồng cò bay mỏi cánh, người làm không hết việc. Cách mạng đến, cụ theo cách mạng, hiến tất cả gia sản, làm một người dân bình dị, ông tôi - một tướng tài quân sự, đáng đông dẹp bắc... bố tôi, một cử nhân thời bình, học giỏi nhất làng, nhất tỉnh. Anh em tôi, đứa ít cũng cử nhân, đứa nhiều cao học, có kém nhất cũng cũng cao đẳng... trong thời buổi cơm gạo là chuyện thường, cái chữ đâu quan trọng. Tôi không thuộc hạng nào cả, về quê vẫn phải ngồi mâm dưới (chi dưới) cụ bà 80 tuổi vẫn ngồi dưới bếp ăn cơm với con gái và con dâu (vì là nữ). Với tôi nữ hay nam đều là con, miễn là ngoan ngoãn giỏi giang, đôi khi nữ còn ngoan và giỏi hơn nam. Quen em, biết em là con cả trong gia đình hai chị em gái, tôi hiểu và thông cảm gánh nặng gia đình trong em. Có nhiều chuyện nên giữ cho riêng mình, tuy nhiên có nhiều chuyện em nên chia sẻ cùng tôi. Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa mà.

Lan man trong đời tư, bỗng tôi dừng lại bởi giọng thằng bé: "Anh hạnh phúc hơn em nhiều. Em giờ còn chẳng biết gia đình ở mình đâu."

Thì ra nãy giờ có một thằng bé vẫn đang nghe tôi nói. Với giọng chậm và ấm, nó nói them: "Em ở Hà Nam. Mẹ em đi lấy chồng, dượng đối xử với bọn em như con vật nuôi trong nhà nên hai anh em bỏ nhà đi. Anh cho em thêm cái bánh này, em để dành về cho thằng Tí nhé."

- Ăn đi tất cả cho em đấy, ăn cho ấm bụng để còn kiếm tiền nuôi em. Ông anh cả cơ mà, không nuôi được em thi không xứng làm anh cả. Tôi mỉm cười và gọi thêm hai cái nữa.

Thằng bé có vẻ cởi mở hơn, vừa ăn vừa nói với tôi:

- Em gặp nhiều người nhưng chưa thấy ai như anh…

- Anh thế nào? - Tôi hỏi ngay như sợ qua mất cơ hội.

- Anh... không giống mọi người, không coi thường khinh bỉ bọn em, trong mắt mọi người, em là một đứa hôi hám bẩn thỉu, trộm cắp... phải đề phòng. Chẳng ai bắt nhời, chứ đừng nói là tâm sự thế này.

- Thật vậy sao? - Tôi cười

- Thật. Hôm qua em vừa bị túm cổ, tí nữa bị ăn đòn vì tội vừa đánh giầy vừa nhìn người ta ăn.

- Sao? Nhìn người ta ăn cũng bị đánh à.

- Vâng! Anh ta nói: Nhìn cái gì? Muốn ăn không? Rồi ném nửa cái bánh về phía em, thấy em không nhặt lên, hắn lao đến túm cổ định đấm em, may là có mọi người can lại, vừa mất công lại bực mình.

- Thế hắn không trả tiền em à?

- Không bị đòn la may rùi, tiền nong quan trọng gì!

Đấy, câu nói đó lại làm tôi suy nghĩ. Tiền đối với tôi trước giờ cũng không quan trọng, vậy mà giờ đây trở nên rất quan trọng. Tôi muốn làm cho nó một điều gì đó cho nó, nhưng sờ vào túi...tiền chẳng có là bao, chỉ đủ cho nó ăn một bữa nay thôi. Cả nhà cả họ làm ngân hàng, chỉ riêng tôi làm khác ngành (công chức quèn) luôn thiếu tiền.

Nó hỏi tôi:

- Thế sao anh ngồi đây có một mình, người yêu anh đâu?

Tôi cười nhếch mép, điệu cười mà bao người phê bình:

- Có ma nào nó thèm yêu loại rách nát như anh đâu, công chức quèn, ba cọc ba đồng, chưa đến tháng đã hết tiền.

- Em mơ làm người như anh mà còn không được đây! - Nó chen vào

- Em có được học hành gì đâu, may được một thằng bạn dạy cách đếm tiền, trước kia người ta đưa thiếu hay thừa, em còn chẳng biết để trả lại, giờ thì biết rồi... - Thấy vẻ mặt tôi ngạc nhiên thằng bé nói tiếp - nói đoạn nó cười để lộ chiếc răng khểnh...

- Thật vậy sao? Phổ cập trung học rồi mà! - Tôi cũng ôm miệng cười: Nó không đáp lại, chắc nó không biết "phổ cập là gi"... Thấy bị hớ, tôi đánh lảng

- Anh cũng hay đánh giầy, nhưng chẳng bào giờ được bóng và đẹp thế này. Em làm cách nào vậy?

- Thì anh thấy đấy, em quét si và đánh như bình thường thôi, tuy nhiên anh nhớ trà thật nhanh và kỹ, để si và da giầy nóng lên, tạo ra độ bóng và sáng cho giầy. Học chữ có khó lắm không anh? - Nó thật thà trả lời.

- Không khó lắm đâu, chỉ cần em chịu khó, kiên trì, anh tin em sẽ thành công.

Tôi cố nhét mấy cái bánh mỳ vào túi nó và đứng nhìn nó từ biệt ra về, chúng tôi chào nhau như hai người bạn thân quen từ lâu.

- Chào nhé, hẹn chiều thứ 6.

- Vâng chào anh, em nhớ rồi. - Nó nhảy chân sáo xa dần trong tầm mắt...

Chiều buồn còn lại tôi.

Ước mơ của nó là được như tôi, còn ước mơ của tôi đâu?

Ban đầu tôi ước mơ được bay lên trời cao như anh phi công (hụt bởi tôi có một chiếc răng sâu). Sau đó tôi ước mơ làm một sinh viên ngồi trên giảng đường, tiếp đến tôi... ước mơ... ước mơ... và ước mơ.

Chỉ có điều, thảm đỏ sẽ tới với những ai kiên trì mà thôi.

Tôi ngồi lại một mình, vẫn là tôi với những hoài bão.


Gửi từ email Hà Đình Huy - skcnhgvol