PDA

View Full Version : Cn III Chay : Vì Nhiệt Tâm Với Việc Nhà Chúa (Ga 2,18-25)



xoicucnong
15-03-2009, 05:43 PM
http://daminhvn.com/upload/news//dao/cgs30.jpg



Không được buôn bán ở đây


Trong cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, câu chuyện Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Ðền Thờ là một trong những chuyện được biết đến nhiều nhất. Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại câu chuyện này. Nhiều nhà điêu khắc và hoạ sĩ cũng trình bày biến cố này theo nhiều phong cách khác nhau.


Từ trước đến nay, và mãi về sau vẫn thế, Ðức Giêsu vốn được nhìn nhận là nhà giảng thuyết về tình yêu. Trong câu chuyện này, Người bước vào khuôn viên Ðền Thờ, tay cầm roi, mặt bừng bừng giận dữ. Người xua đuổi những kẻ bán bồ câu, bò và chiên ; Người đổ tung tiền của những người đổi bạc, và lật nhào bàn ghế của họ. "Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."


Cách đây không lâu, bên bờ hồ, cũng chính Người đã công bố các mối phúc thật, trong đó có mối phúc : Phúc thay những ai hiền hoà ...


Ðức Giêsu là một người bạo động hay bất bạo động ?


Tại sao Ðức Giêsu lại nổi giận như thế ? Thánh Gioan trích lại một câu Thánh vịnh như là chìa khoá : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa ... Như thế, ở đây là một cảnh nói về sự ghen tương của Thiên Chúa. Kinh Thánh vẫn thường mô tả về một Thiên Chúa hay ghen, Người không chấp nhận sự chia sẻ. Cơn giận của Ðức Giêsu diễn tả mối ghen tương này : Người không cầm mình được khi nhìn thấy người ta xúc phạm, làm ô uế ngôi nhà nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân Người.


Hãy thử tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện, vì trong đó bao hàm nhiều ý nghĩa trái ngược nhau.


Trước hết, Ðức Giêsu không xử với những người buôn bán như là những người buôn bán. Người không tố cáo họ làm ăn bất chính, nhưng Người tố cáo họ, vì họ không tôn trọng nơi được gọi là nhà của Thiên Chúa.


Cũng cần phải hiểu về ý nghĩa của Ðền Thờ lúc bấy giờ. Ðây không phải là một đền thờ trong số muôn ngàn đền thờ. Ðây là Ðền Thờ duy nhất, nơi dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, một nơi mà mỗi năm, người Do-thái phải hành hương để dâng của lễ và nộp thuế.


Ðền thờ Giêrusalem thực sự là trung tâm mọi sinh hoạt của người Do-thái. Chỉ vì một lý do duy nhất là dân Do-thái phải tản mác khắp nơi nên các hội đường mới được xây dựng càng lúc càng nhiều để họ có nơi thờ tự.


Chính vì vậy người ta thấy được ý nghĩa sâu xa của trình thuật này, ý nghĩa vượt lên trên cả không gian lẫn thời gian. Khi nói về Ðền Thờ, Ðức Giêsu gọi là "nhà Cha tôi", và như thế Người là Con. Người còn cho biết, nếu người ta phá huỷ Ðền Thờ này đi, thì trong ba ngày Người sẽ xây dựng lại.


Nhưng đền thờ đó là đền thờ nào ? Chắc chắn Ðức Giêsu không có ý nói về đền thờ Giêrusalem : đền thờ này sẽ bị phá huỷ hoàn toàn ít năm sau đó, nhưng Người muốn nói về chính thân xác Người.


Sau này các môn đệ sẽ hiểu rằng đây là lời báo trước về Phục Sinh. Cuộc phục sinh của Ðức Kitô sẽ chứng tỏ rằng Người có quyền để cải tổ việc thờ phượng, đổng thời cũng cho thấy mối nhiệt tâm của Người dành cho nơi Thiên Chúa ngự.


Có lẽ chỉ ngay sau khi Ðức Giêsu ra khỏi Ðền Thờ, những người buôn bán sẽ tiếp tục hoạt động của mình. Tuy nhiên câu chuyện là một lời tiên tri về các hoạt động của Ðức Giêsu. Dưới ánh sáng phục sinh, Người sẽ bày tỏ dung mạo Tin Mừng của việc thờ phượng Người đã thiết lập : từ nay con người của Ðấng Phục Sinh sẽ là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Ðó là sức mạnh tiềm ẩn trong những hành vi mà bên ngoài xem như là không có hiệu quả. Những hành vi này khơi dậy và làm vang lên lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng mời gọi con người hướng tới tự do, tới những điều mới mẻ, tới điều không thể được.


Con người là Ðền Thờ


Thay vì minh chứng những cơn giận thánh của Thiên Chúa và con người, thay vì những nhận định với mục đích trấn an về tâm lý nhân loại của Ðức Giêsu, có lẽ việc suy niệm về ý nghĩa của Ðền Thờ phải là trọng tâm của phần lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay.


Ðền Thờ - nhà tù


Nếu người ta coi Ðền Thờ là nơi duy nhất để tế tự, thì chuyện những người buôn bán có mặt ở đây là điều bình thường. Họ cung cấp các loại thú vật, đèn nến dành cho việc tế tự như luật định. Họ phục vụ cho những người đến Ðền Thờ để chu toàn bổn phận của mình.


Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây lại khác : Thiên Chúa ở đâu ? Ai đã đặt Người ở bên ngoài cuộc sống, trong vòng rào của những nơi thờ tự, ai đã giam hãm Người trong vai trò một người chỉ để đón nhận các nghi thức ? Thưa chính con người.


Ai đã vạch ranh giới giữa hai vùng đất, đất thánh (Ðền Thờ) và đất phàm ? Ai đã chia cắt Thiên Chúa ra khỏi dân Người, là nơi mà trước đây, Người vẫn dạo chơi - theo cách nói của vua Ða-vít - ? Cũng chính là con người.


Những người buôn bán trong Ðền Thờ là hình ảnh minh hoạ mối tương quan đã bị hiểu sai lạc giữa con người và Thiên Chúa, được coi như một thứ thuế giữa miền đất của con người và vương quốc của Thiên Chúa. Chính vì vậy Ðức Giêsu đã cầm roi để xua đuổi họ. Người muốn trả lại cho Ðền Thờ ý nghĩa nguyên thuỷ và cao cả.


Con người - Ðền Thờ


Cũng thật là sai lạc khi muốn giải trừ Thiên Chúa vào kinh nghiệm thiêng liêng của đời sống cá nhân. Ðặt Thiên Chúa quá ở bên ngoài hay quá ở bên trong cũng là một thứ áp dụng quyền bính trên Thiên Chúa. Ðây chính là cám dôỵ lớn nhất kể từ thời Sáng thế cho đến khi Ðức Giêsu chịu cám dôỵ trong sa mạc.


Việc Ðức Kitô nhập thể là một dấu chỉ tuyệt vời về Ðền Thờ của Thiên Chúa. Ðền thờ ấy là một con người với cả thể xác lẫn tinh thần. Một hiện hữu toàn diện trở thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa.


Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trở thành xác phàm, trao ban chính thân thể Người làm của ăn, và máu Người làm của uống, tức là Người trao tặng sự sống của Người để trở thành sự sống của nhân loại. Trong Ðức Giêsu, Thiên Chúa tìm lại được vị trí đích thực của Người.


Mỗi người là một đền thờ


Từ những suy nghĩ trên, chúng ta còn phải đi xa hơn. Ðức Kitô vẫn đang sống trong Thánh Thể. Và thân thể này, cũng chính là Hội Thánh. Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô : "Anh em là thân thể Ðức Kitô" (1 Cr 12,27), "Anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa" (1 Cr 3,16).


Như vậy, trong thực tế, Ðền Thờ của Thiên Chúa là mỗi người chúng ta. Mỗi người cần phải xua đuổi, phải khử trừ tất cả những gì làm cho đền thờ này ra ô uế, không còn xứng đáng với danh hiệu nhà của Thiên Chúa. Những người buôn bán trong Ðền Thờ sẽ không còn là những người trao đổi hàng hoá trong khuôn viên Ðền Thờ để mưu sinh, nhưng là chính chúng ta, mỗi người chúng ta, từ nơi sâu nhất của chính mình, ngổn ngang vì những mối bận tâm đầy ích kỷ, gian dối và giả trá.


Như thế, đền thờ cần phải được thanh tẩy chính là tâm hồn chúng ta, ngõ hầu đền thờ ấy xứng đáng với sự hiện diện của Thiên Chúa chứ không phải là hang trộm cướp. Tâm hổn chúng ta phải được thanh tẩy khỏi mọi thứ chướng khí và mọi thứ lừa đảo, bởi vì đó phải là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, phải là đền thờ không gì đáng chê trách, phải là nhà để cầu nguyện.


Theo lời thánh Phê-rô, Ðền thờ của Ðức Giêsu được xây dựng bởi những "viên đá sống động". "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ" (Mt 18,20). Ðó chính là thân thể Ðức Kitô đang lớn lên giữa lòng nhân loại. Ðó chính là một đền thờ với những khuôn mặt, những bàn tay, những trái tim, mà chất xi-măng để gắn lại là sự gặp gỡ, chia sẻ, cùng đón nhận Tin Mừng và cùng tạ ơn ...


Hội Thánh được xây nên nhờ những con người, trước khi là một ngôi nhà bằng đá. Khi nghĩ đến câu nói của Ðức Giêsu về ngày sa-bát, người ta có thể thêm : "Các nhà thờ được xây dựng nên vì con người, chứ không phải con người vì các nhà thờ." Ðền thờ của Thiên Chúa vẫn sống động khi cộng đoàn Kitô hữu sống động. Ðền thờ của Thiên Chúa vẫn đang sống khi mỗi con người để cho chất men Tin Mừng hoạt động trong đời của mình.


Thiên Chúa ngự trong Ðền Thờ nhưng không bị giam hãm trong đó. Chính Người đã dẫn dân Ít-ra-en về Ðất Hứa, nhưng Người cũng yêu thích ngọn gió lay động các căn lều, Người cũng yêu thích những cuộc lên đường vào buổi sớm mai. Ðức Giêsu đã rảo khắp các nẻo đường, từ thôn quê tới thành thị, và Người tuyên bố Người là Ðường. Từ nay, Ðền Thờ có mặt khắp nơi, rất tế vi và không thể nắm bắt được - giống như ánh sáng. Và điều bí nhiệm để Người xây dựng nên Ðền Thờ ấy, chính là sự Phục Sinh.

G. Nguyễn Cao Luật op