PDA

View Full Version : Thay con nuôi đàn cháu (đăng trên Báo Tuổi Trẻ ngày 04/12)



♥ teresavkn ™
16-03-2009, 07:01 AM
TT - Nhà ông Nguyễn Thế (90 tuổi) bé tẹo, nép mình trong con hẻm tại khu 6, ấp 7, xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Khi chúng tôi đến trời đang mưa. Bé Loan mới 8 tuổi vội chạy đến gầm bàn lôi chiếc thau nhôm ra đặt lên giường hứng nước dột. Từng giọt, từng giọt mưa rơi xuống chiếc thau.

http://galaxycine.vn/forum/uploads/1316/Ong_Nguyen_The.JPG
“Chỉ tiêu một ngày ông cháu tôi ăn không được quá 12.000 đồng” - ông Thế vừa chuẩn bị cơm tối vừa nói - Ảnh: Đ.Tuyên


Bốc gạch nuôi cháu

Ông Thế ôm cháu vào lòng: “Từ ngày cha mẹ chúng về với ông bà, tôi ngày ngày phải chăm sóc cho ba đứa. Mình già rồi cực khổ bao nhiêu cũng chịu được, ba đứa trẻ thơ có tội tình gì mà sao chúng lại…”. Ông Thế nói chẳng hết câu, đưa tay vò mái đầu bạc rồi lại ôm chặt cháu vào lòng. Gà trống nuôi con đã vất vả, nay “cụ gà” nuôi cháu lại càng khổ hơn.

Ba năm trước, chị Nguyễn Thị Lài - con gái ông Thế - ốm nặng và qua đời. Chưa đầy năm sau anh con rể Trần Viết Khánh cũng theo vợ mà đi, bỏ lại ba đứa con thơ cho ông Thế. Lúc ấy bé Loan lớn nhất mới tròn 6 tuổi, bé Tiền 5 tuổi và nhỏ nhất là Phượng chưa đầy 4 tuổi. Các cháu bơ vơ như đàn gà mất mẹ, chỉ còn biết trông chờ vào vòng tay của ông ngoại. Thấy cảnh cụ già nuôi ba cháu nhỏ cực nhọc, nhiều người hàng xóm gợi ý nên gửi chúng vào trung tâm mồ côi. Ông Thế gạt phắt: “Chúng không phải đi đâu cả, ngày nào tôi còn sức thì còn lo cho các cháu. Các cháu mất cha mẹ đã khổ nay chúng rất cần tình thương của ông. Tôi không nỡ gửi chúng vào trung tâm mồ côi”.

Ông Thế chẳng màng tuổi già, quần quật đi bốc gạch thuê cho các lò gạch để kiếm tiền nuôi các cháu. Làm ngày không đủ, ông bốc gạch đến tận tối khuya mới về. Có lần khuya, sau mười mấy giờ bốc gạch ông kiệt sức, liêu xiêu bước về nhà thì bị xe đụng. Người ta chở ông đến cổng UBND huyện Định Quán để đó. Mãi tới 2g sáng khi máu trên mặt đã khô, đóng thành vệt, các bác xe ôm mới phát hiện nhận ra, vội gọi mọi người đưa ông vào nhà thương.

Ông Thế tất bật chăm các cháu như phụ nữ nuôi con mọn. Sáng dậy sớm nấu cơm để các cháu có cái ăn ngay khi thức giấc. Trưa xong một buổi bốc gạch, ông lại tất tả chạy về tạt qua nhà xem cơm nước cho ba đứa cháu rồi lại ra lò gạch.

Chiều, ông lại lo cơm nước, tắm rửa cho lũ trẻ. Xong, ông quay lại lò gạch bốc thuê mãi đến tận khuya mới về. “Tắm rửa xong, tôi đi sờ đầu từng đứa xem chúng có ốm không, ghép lại mép mùng… Ba chị em như biết được hoàn cảnh mình nên cũng chẳng quấy khóc gì, ôm nhau ngủ. Đặt lưng xuống, mệt, xương cốt mỏi rã rời, ấy vậy mà cứ nghĩ đến các cháu mồ côi tôi không tài nào ngủ được” - ông Thế nhớ lại. Tiền bốc gạch mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 25.000 đồng, ông đong gạo để bốn ông cháu ăn qua ngày.

Ông cháu hủ hỉ lo cho nhau

http://galaxycine.vn/forum/uploads/1316/be_Loan.JPG

Mới 8 tuổi, đang học lớp 2, bé Loan đã phải lo toan khi nhà bị dột nhiều - Ảnh: Đ.Tuyên


Sau lần bị tai nạn cộng với việc lo nghĩ nhiều, ông Thế xuống sức. Giờ đây mắt ông mờ, nhìn chỉ thấy loáng thoáng nên phải tạm nghỉ việc bốc gạch thuê mấy bữa rày. Giờ tiền mua đồ ăn trông cậy vào suất lương già neo đơn của ông với tiền mồ côi của cháu, tổng cộng chừng hơn 200.000 đồng/tháng. Gạo đã có mấy nhà chùa ủng hộ.

Ông Thế cho biết ông có tám người con, anh con trai đầu mất, người con trai thứ hai bị cụt một chân, không còn sức lao động. Những người con còn lại, người bốc gạch thuê giống cha, người đi làm mướn. “Chúng chẳng khá giả gì, lại phải lo cho bầy con nên tôi cũng ngại nhờ vả nhiều. Tôi túc tắc làm được gì thì ông cháu ăn vậy sống qua ngày”.

Khi chúng tôi đến thăm, ông Thế đang ngồi một mình trước cửa nhà, mắt ngóng ra ngoài ngõ như chờ đợi điều gì. Thấy có khách, ông lật đật tìm mãi cũng chỉ lôi ra được hai chiếc ghế con mời khách ngồi. Nhìn quanh, căn nhà trống huơ trống hoác, từ trước ra sau chỉ thấy được chiếc nồi cơm điện bé xíu là có giá trị. Còn lại một chiếc giường vạt đã mục, thanh còn thanh gãy.

Cái tủ cũ kỹ được tận dụng dựng bàn thờ cho chị Lài, dưới kê thêm miếng ván làm bàn học cho các cháu. Ông Thế giãi bày: “Trước nhà nghèo, nay càng khó khăn hơn. Mái tôn dột chưa có tiền sửa. Ngay như điện Nhà nước cũng mới bắt ủng hộ cho. Ông cháu tôi xài tiết kiệm thế mà tháng cũng hết 12.000 đồng tiền điện”.

Chị Lài ngày còn sống cũng đi bốc gạch thuê và ở nhờ nhà ông Thế. Anh Khánh - chồng chị - lang thang đi mua ve chai. Từ ngày đó, ông Thế đã giúp nuôi đàn con nheo nhóc cho anh chị. Bao nhiêu ngày tháng cực nhọc nuôi con khôn lớn, nay lại nai lưng chăm lo cho các cháu. Vậy mà suốt buổi nói chuyện, chúng tôi không hề nghe một lời trách móc của ông về chuyện con cháu. Rặt một lòng ông đau đáu với nỗi lo mai này ba đứa cháu côi cút không biết sống ra sao. Ông cũng chẳng tính đến chuyện lo tìm ông bà, họ hàng bên nội của các cháu để nhờ giúp đỡ. Một mình ông cứ côi cút cùng các cháu như bao ngày qua.

Thế nhưng, mấy bữa rày ông Thế buồn lắm vì phải xa hai đứa cháu nhỏ. Hôm ấy, ông đến trường cách nhà hơn 1km đón các cháu đi học về. Bất ngờ một chiếc xe máy đụng ông ngã sấp bên lề đường. Đau, mắt hoa lên nhưng ông lồm cồm bò dậy tìm các cháu. Xương quai xanh dập gãy, ông phải nằm bó bột trong nhà thương hết mấy ngày. Khi về, hai đứa cháu nhỏ đã được bà con, hàng xóm đưa đi gửi cho các bà xơ nuôi. Sau đó, hai cháu được đưa lên Trung tâm mồ côi ở Q.1, TP.HCM. Xa hai cháu, ông Thế buồn bỏ ăn, giận mấy đứa con, giận hàng xóm, giận cả bản thân mình.

“Tôi mà biết vậy không nằm nhà thương lâu. Tôi nhất quyết không cho các cháu đi. Nhớ, thương chúng nó lắm!” - ông trầm ngâm rồi lại vò đầu. Vài ngày ông Thế lại gom góp tiền bắt xe lên thăm hai cháu. Thấy chúng khỏe, học giỏi, hát hay, các xơ chăm sóc tốt ông cũng yên tâm phần nào. Thế nhưng ông vẫn cứ một mực: “Có điều kiện là tôi rước chúng về ngay, ông cháu hủ hỉ lo cho nhau”.

Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với ông, bé Loan lấy sách vở ra tự học. Tôi hỏi có nhớ các em không, Loan ngước đôi mắt trong veo trả lời: “Con nhớ các em lắm! Lúc con lên thăm, hai đứa đòi về với chị và ông. Con ráng học giỏi để trở thành cô giáo đi làm thay ông, rước các em về nuôi”.

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN