PDA

View Full Version : CHÚNG TA SỢ CÁI GÌ THẾ?



thienthannho
20-11-2007, 07:59 AM
Một diễn viên xiếc chuyên nghiệp trình diễn màn đi ngang trên không giữa hai nhà cao tầng bằng một sợi dây cáp. Người người đi ngang quan đều ngước mắt nhìn và trầm trồ khen ngợi, thán phục.

Diễn viên mời bất cứ ai, nếu muốn, anh sẽ nắm tay và dắt người đó cùng đi trên sợi dây. Nhưng không ai dám, ngoại trừ một em bé.

Được hỏi tại sao cháu lại liều thế, dám trèo lên như vậy. Em trả lời : có gì đâu mà sợ. Người đó là ba cháu mà.

Thiên Chúa chẳng lẽ không chuyên nghiệp hơn diễn viên xiếc kia sao khi nâng đỡ, bảo vệ con người do chính Ngài yêu thương dựng nên. Thật chí lý khi mỗi người kitô hữu đều có thể trả lời như em bé kia đối với Thiên Chúa tình yêu của mình. Với Ngài, có gì đáng sợ.

Vì thế, sợ là biểu hiện của người có niềm tin yếu, có đức tin không cao. Có nhiều thứ con người sợ :

Sợ chết

Thần chết thật khủng khiếp. Nó đe doạ người già cũng như trẻ nhỏ. Chia rẽ người khôn cũng như kẻ dại. Nó lấy đi mà chẳng hề để lại cho con người bất cứ thứ gì do thời gian và tuổi đời thu gom tích luỹ được. Nó thật ác độc. Vì nó mà ta phải run khiếp, phải khóc lóc. Còn vì ta mà nó vui cười vì cướp giựt được của ta những thứ quý giá là tiền bạc, tình cảm, những gắn bó thân hữu… Vì thế, nhiều người không dám nói, nghĩ hay bàn về cái chết. Và khi thần chết đến gõ cửa thì con người đành cam chịu vậy.

Nhìn thấy một kết cục như thế, ta cũng có thể nói Thiên Chúa xử với ta không mấy nhân từ. Bởi Ngài cũng tước đoạt đi tất cả những gì con người đang có như vật chất, trí thức, lòng đạo đức, tình cảm, tình yêu, dù những thứ ấy không phải do bất chính, mà do cố gắng, do hy sinh phấn đấu tìm kiếm. Ta như bị chặt cụt cánh tay, chặt đứt đôi chân đến độ không còn nhúc nhích xoay chuyển gì được. Ta bị tước đi mà không để lại một chút vết tích nào do công khó tìm kiếm suốt đời. Thử nghĩ xem, con người luôn phải lăn lộn với đời, với người để xây dựng đời sống cho sung túc, cho tiện nghi, cho khôn ngoan, cho thánh thiện, thế rồi lại bị lấy đi không chút thương tiếc. Thử hỏi làm sao ta không buồn, không lo, không sợ, không đau đớn và chua cay.

Còn trong cái nhìn đức tin thì Thiên Chúa quả thật quảng đại yêu thương vô lường vì con người. Không phải Ngài khờ dại hay lạnh lùng đến độ không còn rung cảm trước những đau xót của con người khi phải mất mát. Nhưng Ngài làm thế vì hoặc không muốn cho con người bị dính bén bởi những thứ chóng qua ấy, dù chúng không xấu. Hoặc vì tình yêu, Ngài muốn cho ta phần phúc lớn lao hơn là bình an, là hạnh phúc, là hoan lạc đời này, hay sự sống vĩnh cửu đời sau. Vì thế, Ngài đành phải lấy đi một phần hay tất cả những thứ con người đang có để thay vào đó là ân sủng, là sự sống của chính Ngài.

Thái độ của ta thế nào khi có được một Thiên Chúa như thế, oán hận hay vui mừng?


Sợ Chúa phạt

Hoả ngục là hình phạt nặng nề nhất của người kitô hữu. Nhiều khi vì sợ phải chịu phán xét trước toà Chúa, một Thiên Chúa khắc nghiệt ngồi trên toà cao, tay cầm gươm để chém giết những ai phạm tội…mà con người đành phải thực hiện một số việc, phải giữ một số luật, cốt để Thiên Chúa không có lý do gì phạt tội ta được.

Có thể nói ít nhiều ta cũng đã phải chịu ảnh hưởng một một thời gian giáo dục, nói nặng nề hình phạt hoả ngục, các linh hồn run khiếp trước toà Chúa. Mà quên đi Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót. Đáng lẽ con người phải nói thật nhiều về Thiên Chúa tình yêu mới đúng.

Đành rằng trong giây phút lìa đời, con người trở về để trình diện Đấng tối cao thời gian sống của mình, nhưng chắc chắn Thiên Chúa không muốn con người trở về với một tâm trạng sợ hãi. Ngài không muốn vì mình mà con người phải né tránh, sống đối phó để tránh án phạt. Ngài muốn được con người nhìn nhận đúng bản chất tốt lành của Ngài.

Nếu thiếu đức tin, chắc chắn ta sẽ hành xử với Thiên Chúa trong một tương quan chủ tớ, quan toà với bị cáo, quan án với tội nhân mà thôi. Nếu thiếu đức tin, ta sẽ tự tách mình ra khỏi vòng tay yêu thương đùm bọc của Thiên Chúa. Nếu thiếu đức tin, ta sẽ chỉ sống cho qua ngày đoạn tháng, miễn khỏi bị phạt là được. Ta nghĩ xem, nếu Thiên Chúa chỉ biết trừng phạt, tiêu diệt, làm hại, thì con người có tồn tại nổi không.

Nếu không yêu thương thì làm sao Ngài dám chia sẻ sự sống, trao ban tự do, cho con người làm bạn, biến con người thành con có quyền thừa hưởng kho tàng hằng sống, rồi dùng máu Châu Thân của Con Chí Ái để cứu nhân loại.

Thái độ của ta thế nào? Ta đã nhìn nhận Ngài ra sao, và Ngài có chiếm phần quan trọng, ưu tiên trong cuộc sống của ta?


Sợ Luyện ngục

Người công giáo tin có luyện ngục. Ở đây, con người phải chịu thêm một thời gian thanh luyện sau khi chết, trước khi vào hưởng vinh phúc muôn đời. Rồi ta cũng biết rằng những người còn sống có thể giúp các linh hồn rút ngắn được thời gian thanh luyện bằng việc xin lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức. Vì sợ mà nhiều khi ta không tin Thiên Chúa và người còn sống. Vì sợ mà ta coi Thiên Chúa như một tên đao phủ có thể chặt đầu con người bất cứ lúc nào. Vì sợ mà ta cảm thấy Ngài luôn cười vui khi chém giết, còn ta thì kinh sợ.

Đành rằng bất cứ tội nào thì ta phải có trách nhiệm đền bù ở đời này hay ở đời sau, nhưng người có đức tin thì không cậy vào sức mình mà cậy dựa vào Thiên Chúa. Người có đức tin luôn biết dâng lên Chúa thiện chí yếu đuối của mình để Ngài hướng dẫn nâng đỡ, bảo vệ. Đức tin là ơn ban nhưng không từ trời để ta có thể tin tưởng, yêu mến Ngài. Nhờ vậy ta có thể vui lòng đón nhận những cơ hội lập công đền tội hầu xứng đáng hưởng hạnh phúc muôn đời.

Thái độ của ta dành cho Thiên Chúa thế nào, khi Ngài muốn thanh luyện để ta trở nên xứng đáng hưởng nước trời ?


Sợ đau khổ, bệnh tật

Nhiều người sẵn sàng bàn nói nhiều chuyện, miễn đừng nói về tuổi già, đừng nói về bệnh tật, nhất là những cơn hấp hối cuối đời. Quả thực, bệnh tật cứ ám ảnh và rình rập con người. Nó như cánh cửa lớn, như bức tường vững chắc đang khép dần lại ngày sống đời ta. Nghĩ đến nó mà ớn lạnh. Nó có một sức mạnh lớn lao để kéo những thứ con người nắm giữ về phía nó là vật chất, sức khoẻ, hy vọng, quyền uy cùng danh dự… Xem ra bệnh tật không khoan dung, không nhân nhượng, cũng chẳng chút cảm thông gì với ta. Nó đến để mang cho ta sợ hãi và đầy mất mát. Vì nó mà ta lo âu, mất bình an, sống phập phồng vì không biết khi nào ta phải đối diện với vị khách không mời này.

Xét cho cùng, mỗi loài thụ tạo đều có thời có buổi, có thứ gì là vĩnh cửu đâu, trừ Thiên Chúa. Mọi thứ từ Ngài phát sinh rồi cũng hết thời hết buổi và phải trở về Ngài.

Trẻ thơ nằm trong vòng tay âu yếm và yêu thương của người mẹ thì dù xung quanh chiến tranh hỗn loạn, dù động đất hay bão tố, dù đói nghèo hay bệnh tật cũng không làm cho nó sợ hãi.

Cánh tay tình yêu Thiên Chúa đối với ta còn hơn cả cha mẹ thế gian nữa. Mọi sự xảy đến với ta đều nằm trong bàn tay quan phòng của Ngài. Tất cả là để ta được thanh luyện cho tốt hơn, sẵn sàng hơn, ít dính bén hơn với trần gian hơn.

Thái độ của ta thế nào với Ngài : tin tưởng hay sợ hãi ?


Sợ chia ly

Cho dù đức tin mạnh, lòng đầy đạo đức thì cũng khó có thể tách khỏi yếu tố tâm lý, yếu tố người trong các tương quan liên hệ tình yêu, tình cảm hay máu huyết, rồi đến những gắn bó khác với quê hương, bạn hữu, nghề nghiệp, những thứ đam mê của ta. Vì thế, dù chia ly ngắn hạn hay dài hạn đều là nỗi bận tâm cho con người. Con người được sinh ra để sống trong, sống cùng, sống giữa cộng đoàn. Ngày càng dài thì liên hệ càng nhiều. Sống càng lâu thì tương quan càng rộng và thắm thiết. Tình cảm thắt chặt khiến ta nhận thấy cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa nếu không có những liên hệ ấy. Và khi có rồi thì ta lại càng muốn xây dựng để cho các dây liên hệ được rộng lớn và vững chắc hơn. Và…bỗng một lúc nào đó ta phải chia ly thì thật là chua xót, hụt hẫng. Ta sẽ bị chao đảo, có thể sẽ như người mất hồn, có thể trở nên dại khờ khùng điên vì không chịu nổi nỗi biệt ly.

Quả thực khi càng gắn chặt với đời này thì càng đau khổ nếu phải chia ly. Còn nếu ta luôn hướng đến đời sống thiêng liêng đời đời, chắc chắn ta sẽ không quá kinh hoàng, không phải khốn đốn khi đối diện với những mất mát trần gian.

Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để tập quen với tất cả những điều có thể làm con phải chia ly. Xin cho con luôn sẵn sàng, tỉnh thức, không dính bén với những thứ chóng qua đời này, mà luôn biết bám chặt vào ân sủng Chúa ban để con có thể vượt qua mọi nỗi sợ hãi gây mất bình an và hạnh phúc của con trong đời. Amen.

Thanh Thanh

Nguồn: Thanh Linh