PDA

View Full Version : THÁNH GIUSE-người công chính



littlewave
19-03-2009, 10:06 PM
THÁNH GIUSE
người công chính



I. DẪN NHẬP:

Theo thuật ngữ Kinh Thánh, từ công chính chỉ dùng riêng để nói về Thiên Chúa: “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí” (Rm 16,27); nhưng con người cũng có thể được gọi là công chính và được công chính hóa (x. ICr 1,30), nhờ làm theo Thánh Ý của Người. Vậy, trước khi đi vào đề tài, xin giới thiệu đôi nét về thuật ngữ này.

II. CÔNG CHÍNH:

1. Thiên Chúa công chính

Thiên Chúa công chính, vì Người thánh thiện và tốt lành từ bản chất, Người luôn trung thành với giao ước và giữ trọn lời hứa. - Đức Giêsu Kitô là Đấng công chính, vì Ngài không có tội gì hết, đến mức cả viên đội trưởng trước tòa Philatô cũng phải cất tiếng tôn vinh: “Quả thật, ông này là người công chính” (Lc 23,47), Ngài lại là Đấng cứu độ con người và làm cho con người trở nên công chính hóa (x. Cv 13,38; Rm 3,24; ICr 1,30). Ngài trung thành với Thiên Chúa một cách tuyệt đối, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8).

2. Con người cũng có thể trở nên công chính

Người công chính là người trung thành với Thiên Chúa và luôn sống đẹp lòng Người (x. Lc 1,6), là người luôn thực thi Thánh Ý Chúa, người biết việc này phải làm và việc kia không được làm (x. Mt 3,15). Cũng như trong tám mối phúc (x. Mt 5, 3-19): người công chính là người chính trực, hiền lành, hoàn hảo… có quan hệ tốt với Thiên Chúa vì tuân theo Thánh Ý Người (x. Mt 5,20), không như nhóm kinh sư (x. 5,21-48), hay như nhóm pharisiêu (x. Mt 6,1-18), mà là đức công chính của người môn đệ Chúa (x. Mt 6,19-7,20), sống như Lời Chúa dạy để trở nên người môn đệ đích thực (x. Mt 7,21-27).

3. Thánh Giuse, Đấng công chính (Mt 1,19)

Nhiều người cho rằng: “Ông Giuse đã đính hôn với Bà Maria rồi (x. Mt 1,18), nhưng khi thấy vợ mình mang thai thì lại định tâm bỏ trốn, vì biết rằng chủ nhân của bào thai đó không phải của mình (x. Mt 1,19); hành động ấy không quân tử chút nào sao lại khen ông là người công chính?”. Theo lời giải thích của Cha Giáo Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP: “Thánh Giuse cư xử như vậy mới thật là công chính”:


Vì ông muốn giữ trọn luật Môsê. Luật cho phép ly dị trong trường hợp người vợ mang thai khi chưa chung sống với chồng. Mà trước khi về ở với Ngài, Đức Maria đã có thai, nên Ngài muốn ly dị.
Vì Ngài muốn cư xử công bình hợp lý với Đức Maria. Công bình hợp lý ở chỗ có tội mới bị phạt. Nhưng Ngài biết Đức Maria là người vô tội nên không đưa ra pháp luật, mà luật pháp bấy giờ rất khắt khe đối với trường hợp phụ nữ mang thai không có người thừa nhận. Theo luật Môsê, thì người phụ nữ không chồng mà có thai thì kể là người phụ nữ ngoại tình, tội của họ là phải bị ném đá cho đến chết (x. Ga 8,5), hoặc lôi ra mà thiêu sống (x. St 38,24), hay phải bị một hình thức xử tử nào đó (x. Lv 20,10; Đnl 22,20tt).
Vì Ngài cư xử khiêm nhường, không dám nhận mình là người cha của một Hài Nhi mà Ngài biết là do Thiên Chúa.

Cha Giáo nhấn mạnh: “Lý do thứ ba mới thật là đáng nói”. Với những giải thích nêu trên, cũng khá đủ để chứng minh rằng: Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng. Chưa kể đến những việc làm trong suốt cuộc đời của Ngài, hằng luôn vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22). Vâng, Thánh Giuse là một người công chính. Ngài chỉ luôn ao ước sống công chính trước mặt Thiên Chúa. Vì thế mà Ngài đã quyết định không muốn tố giác Đức Maria và cũng không định tâm bỏ Bà cách kín đáo nữa, để tránh tối đa điều sẽ làm cho Đức Maria phải đau khổ.

III. GƯƠNG CÔNG CHÍNH CỦA THÁNH GIUSE ĐƯỢC THỂ HIỆN RÕ NÉT NƠI CÁC NHÂN ĐỨC CỦA NGƯỜI:

Kinh Thánh nói rất ít về cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Giuse, nhưng chỉ cần thế thôi, cũng đủ để chúng ta nhận ra các nhân đức trong con người và đời sống của Ngài. Xin nêu lên một vài nhân đức tiêu biểu như:

1. Đức khiêm nhường

Thánh Giuse là một người rất khiêm nhường: Ngài thừa nhận vị trí của Ngài với sự kính trọng đối với Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết Ngài thua kém các Đấng trong bậc thang ân sủng. Dù vậy Ngài vẫn chấp nhận vai trò vị hôn thê của Đức Maria và người canh phòng Con Thiên Chúa. Đó là nhân đức giúp ta nhận thức và hành xử trong tương quan liên hệ của chúng ta, đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhân đức này còn là bài học giúp chúng ta không cho mình là tốt hơn hoặc vượt hơn những gì là thực tại của mình, vì đó là tính kiêu ngạo; đồng thời, cũng giúp chúng ta không đánh giá thấp chính mình, hoặc từ chối những gì mình có mà cho rằng mình kém hơn, vì đó là sự khiêm nhường giả hình. Sách nhân đức dạy rằng: “Một người khiêm nhường không cho mình hơn những gì mình có, nhưng cũng không tự nghĩ mình kém hơn những điều mình có”. Khiêm nhường đúng đắn sẽ là một nhân đức, nó thừa nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Và theo luật luân lý, nó nhìn nhận sự bình đẳng mình cũng chỉ là một loài thụ tạo đối với các loài thụ tạo khác; có chăng mình cao cấp hơn một số loài thụ tạo khác, thì đó là một đặc ân Chúa ban và phải biết tạ ơn Người. Khiêm nhường không chỉ đối lập với kiêu căng, nó còn đối lập với sự hạ thấp chính mình thái quá, tức là không nhìn nhận những ân huệ Chúa ban và sử dụng chúng theo như ý muốn của Chúa.

2. Đức vâng lời

Đức vâng lời của Thánh Giuse bao phủ lên mọi khía cạnh trong cuộc đời của Ngài. Ngài vâng lời khi nhận kết hôn với Đức Trinh Nữ Maria. Ngài vâng lời đón nhận Đức Maria về nhà mình, mặc dù đã biết Bà mang thai. Ngài vâng lời để Đức Maria cuốn gói đến nhà Bà Isave hàng ba tháng trời. Ngài vâng lời đi Bêlem để kê khai nguyên quán cùng với Đức Maria và đã chấp nhận cảnh đời nghèo hèn khi phải chọn hang bò lừa làm nơi sinh Chúa Hài Nhi. Ngài đã vâng lời khi đem Chúa Giêsu và Mẹ Người trốn sang Aicập giữa đêm đông lạnh giá. Ngài đã vâng lời khi đem Chúa Hài Nhi lên Giêrusalem dâng hiến theo như Luật dạy, và chấp nhận Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa khi lạc mất con, phải tìm kiếm khổ sở suốt ba đêm ngày. Chúng ta học được gì nơi nhân đức vâng lời của Ngài? Thưa, vâng lời chính là một minh chứng tình yêu của Thánh nhân đối với Thiên Chúa. Và Thánh Ý của Thiên Chúa cũng là cách thức và là cơ hội Chúa dùng để thử thách mỗi người chúng ta. Chúng ta có bổn phận chứng tỏ tình yêu của mình đối với Chúa, bằng sự vâng lời, tín thác và hy sinh. “Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu giả dối”; cũng vậy, “nơi nào không có vâng lời thì ở nơi đó không có tình yêu. Nơi nào càng yêu nhiều, thì càng vâng lời nhiều”.

3. Đức yêu thương

Thánh Giuse có nhiều nhân đức đáng ca ngợi và noi giương, Ngài đáng được noi gương bắt chước, đặc biệt về tình yêu mến của Ngài đối với Đức Giêsu và Mẹ Maria đã đành. Nhưng Ngài còn đáng được ca ngợi và noi gương ở đời sống lao động và làm việc cần mẫn, cho tình yêu và vì tình yêu. Bí mật của tình yêu đích thực cũng chính là ở chỗ đó. Trong nhân đức này, Thánh Giuse cho chúng ta nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa trong tất cả mọi công việc bổn phận hàng ngày, tùy theo bậc sống của mỗi người chúng ta. Vâng, Thiên Chúa không muốn hành động một cách đơn độc. Để biến đổi cuộc đời mỗi người chúng ta, Người muốn sử dụng lòng nhiệt tâm, nhiệt tình của con người nhân loại như một công cụ làm máng chuyển ơn thánh của Người. Qua đức yêu thương, khiêm tốn và chính trực của Thánh Giuse, chúng ta có thể nhận ra rằng mỗi người đều có một vai trò riêng trong kế hoạch của Thiên Chúa, và cách thế duy nhất để chu toàn trọng trách ấy là không ngừng điều chỉnh cách nghĩ, lời nói cũng như hành động của mình cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa.

4. Đức khiết tịnh

Chúng ta vẫn tin rằng, Thánh Giuse là người suốt cuộc đời thanh tịnh hiến dâng. Truyền thống của Giáo Hội xưa nay vẫn tin và dạy rằng: Sở dĩ Thánh Giuse giữ mình như vậy, là vì Ngài luôn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, bảo vệ danh giá của Mẹ Maria và gìn giữ phẩm giá của Con Mẹ, người Con mà Ngài biết rõ là được sinh ra bởi quyền phép của Thiên Chúa, mà Ngài có trách nhiệm dưỡng dục. Đối với chúng ta, chúng ta có thể thực hành nhân đức này được không? Thưa, tuy khó thực hiện hơn các nhân đức khác, nhưng mỗi người chúng ta đều có thể thực thi. Vì nhân đức khiết tịnh là nhân đức giúp con người tiết chế ước muốn khoái lạc dục tình theo các nguyên tắc Đức Tin. Với những người đã kết hôn, đức khiết tịnh giúp tiết chế sự thèm muốn không thích hợp cho đời sống vợ chồng. Với những người chưa kết hôn, đức khiết tịnh giúp kìm giữ sự thèm muốn làm điều dâm ô tục tĩu, ảnh hưởng xấu đến luân lý. Với những ai quyết định sống bậc tu trì, đức khiết tịnh giúp ước ao được thánh hiến hoàn toàn.

5. Đức khôn ngoan

Tuy Phúc Âm không ghi lại lời nào của Thánh Giuse. Nhưng hành động và việc làm của Ngài đã nói lên rất nhiều điều, vì “đức khôn ngoan được chứng minh bằng hành động” (x. Mt 11,19). Chúng ta nhận thấy Ngài hành động hoàn toàn là điều khôn ngoan, kể cả trong sự im lặng. Trong nhân đức khôn ngoan có ẩn chứa một đời sống âm thầm cầu nguyện. Ngài cũng thường xuyên cầu nguyện bằng đời sống vừa chiêm niệm vừa hoạt động: khi chiêm niệm, Ngài cầu nguyện trong thinh lặng; khi hoạt động, Ngài cầu nguyện bằng chính những công việc bổn phận hằng ngày. Dù là chiêm niệm hay hoạt động, Ngài luôn cầu nguyện bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria với hết tâm tình, sức lực và trí khôn của Ngài. Qua nhân đức này, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng: khôn ngoan chính là biết nhận thức đúng đắn về những việc phải làm hoặc những việc cần phải tránh. Kinh Thánh dạy rằng: “người khôn ngoan là người biết tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,33; xem thêm I Côrintô và II Côrintô). Còn Sách luân lý thì dạy rằng: Đức khôn ngoan là một nhân đức bản trụ, thuộc về trí tuệ, nhờ đó con người nhận ra đâu là điều tốt phải làm và đâu là điều xấu cần phải tránh. Sự khôn ngoan có thể nhận được trực tiếp nhờ ơn sủng Chúa ban, nhưng cũng có thể huấn luyện và nâng cấp bằng thực hành trí tuệ của riêng mình. Vì thế đức khôn ngoan được coi là tự nhiên khi được phát triển bằng nỗ lực riêng và cũng được gọi là ơn siêu nhiên, vì do Thiên Chúa ban để thực thi chương trình cứu độ của Người.

IV. THAY LỜI KẾT- THÁNH GIUSE TRONG LÒNG NGƯỜI KITÔ HỮU:

1. Noi gương và cầu xin

Thánh Giuse hẳn nhiên đáng cho mọi người Kitô hữu học hỏi và kêu cầu Ngài nguyện giúp cầu thay cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Thánh Giuse, vốn là người luôn thực thi Thánh Ý Chúa một cách tức khắc và chu toàn. Ước gì, mỗi người Kitô hữu chúng ta, đặc biệt là những người cha trong gia đình, luôn biết hướng nhìn lên Thánh nhân như một mẫu gương tin yêu phó thác và hy sinh, đặc biệt là bổn phận bảo vệ gia đình và giáo dục con cái. Như việc Ngài cộng tác thực thi kế hoạch cứu độ của Chúa một cách nhạy bén, trong sáng, khôn ngoan, kín đáo, khiêm tốn và khó nghèo. Mong sao, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng có một lương tâm trong sáng và nhạy bén, luôn biết chú tâm đón nhận ý Chúa trong mọi hoàn cảnh; nhờ đó, chúng ta được ơn Chúa hướng dẫn để có thể vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong đời sống thường ngày. Vì trong đời sống của chúng ta, thường khi gặp những lúc khó khăn, thử thách, nhất là cuộc sống giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái hoặc giữa những tương quan liên đới của ta với người khác. Ước chi mỗi người chúng ta cũng có những quyết định tự quyết khi có những vấn đề quan trọng trong lắng nghe và cầu nguyện, để ý muốn của chúng ta luôn hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

2. Những ngày lễ kính

Lễ Thánh Giuse - Bạn trăm năm Đức Maria (19-03, Lễ trọng):
Chỉ có Phúc Âm thánh Máthêu và thánh Luca mới nói về Thánh Giuse. Theo hai Thánh Sử, Thánh Giuse thuộc chi tộc Đavít: người được xem như dây liên hệ giữa dòng dõi Đavít với Đấng Mêsia. Những chặng đường đời của Thánh Giuse cho chúng ta thấy rõ: Thánh nhân là con người của niềm tin và phó thác, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân là con người thinh lặng, ít nói nhưng cần cù lao động. Như được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria; Ngài cũng được trao phó cho việc chăm sóc Con Thiên Chúa, như một người cha. Thánh nhân sống bao lâu, chúng ta không rõ mấy. Kinh Thánh cho chúng ta thấy lần cuối cùng Ngài xuất hiện tại Giêrusalem, khi trẻ Giêsu lên 12 tuổi. Giáo Hội Phương Tây chính thức tôn kính Thánh Giuse vào khoảng thế kỷ 14,15. Trong phụng vụ Rôma, thánh lễ này bắt đầu được cử hành vào năm 1621. Đức Thánh Cha Piô XI đã công bố: Thánh Giuse là quan thầy của cả Hội Thánh.

Lễ Thánh Giuse Thợ - Bổn mạng của những người lao động (01-05, Lễ trọng):
Chính Đức Thánh Cha Piô XII đã xác định lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày 01-05; đó cũng là ngày toàn thế giới mừng ngày Quốc Tế Lao Động. Trong ngày này, Thánh Giuse được tôn kính như một mẫu gương lao động để mọi người noi theo. Điều này cũng nói lên ý thức và giá trị lao động của con người trong cuộc sống trần thế. Thánh Giuse đã lao động bằng chính đôi tay và sức lực của mình để phục vụ lương thực và nhu cầu sống cho gia đình Thánh Gia. Lao động ngày hôm nay khác với ngày xưa, nhưng cũng có cùng một ý nghĩa khi con người sử dụng thân xác và trí óc của mình để lao động, họ thể hiện chính cuộc sống ý nghĩa và đích thực của mình để phát triển nhân vị và làm cho cuộc sống đó có giá trị ở giữa trần gian. Hơn ai hết, người Ktô hữu lại cần phải có ý thức về đời sống lao động chân chính của mình, mọi công việc và thành quả của lao động đều phải qui hướng về Thiên Chúa.

3. Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã giao phó Mẹ Maria và Đức Giêsu cho Thánh Giuse, và Thánh nhân đã trung thành chu toàn sứ mệnh của mình để cộng tác vào công trình cứu độ nhân loại của Cha. - Xin nhậm lời Thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Hội Thánh biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Cha đã khởi sự. Chúng con cầu xin… Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất. Cha đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Cha. - Xin nhậm lời Thánh Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương Ngài để lại, mà chu toàn nhiệm vụ Cha đã giao phó, hầu sau này được hưởng niềm vui Cha đã hứa cho những ai trung thành với Thánh Ý Cha. Chúng con cầu xin…

JB. Bùi Ngọc Điệp