PDA

View Full Version : Chuyện đạo, chuyện đời.



Blue cloud
21-03-2009, 05:24 PM
NHỮNG LỌ MUỐI



Nguyễn Bửu Đồng






Trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm tại một nhà thờ ở Chicago, Hoa Kỳ, người ta thấy có một khu trưng bày các lọ đựng muối. Một ông khách nọ, sau khi mua một cái hamburger ở cửa vào, đi một vòng quan sát. Khi đến khu triển lãm các lọ muối, ông cảm thấy đói nên lấy cái hamburger ra ăn, nhưng thấy nó nhạt quá. Ông liền cầm lấy một lọ muối và lắc nhiều lần. Không thấy muối, Ông tiếp tục lấy cái lọ khác, đến lọ thứ 12 cũng vẫn không thấy muối. Thất vọng, ông trở ra cửa xin người bán hàng cho ít muối, và phàn nàn: “Gần 200 cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hạt muối!”

(Dấn Thân, số tháng 7 & 8 năm 2002)



*

“Anh em là muối đất... Anh em là ánh sáng thế gian.”

Mt. 5:13-14.

Xưa cũng như nay, muối và ánh sáng được xem là hai thứ thiết yếu cho đời sống con người.


Muối có ba công dụng:

1. Thêm vị đậm đà cho thức ăn. Thức ăn không có muối trở nên nhạt nhẽo, khó ăn. Người đầu bếp dù giỏi cũng khó nấu món ăn ngon nếu không dùng muối (hay gia vị liên hệ). Ngay cả khi nấu chè, người ta cũng thêm vào một tí muối để làm cho vị ngọt trở nên mặn mà hơn. Nếu vì bịnh mà kiêng cử muối như bịnh cao huyết áp, thì đời sống mất đi một phần thú vị.

2. Cá không ăn muối cá ươn. Muối dùng để bảo tồn, gìn giữ thức ăn không chóng hư thối. Khi tủ lạnh chưa được phát minh, và ngày nay, ngay cả ở các quốc gia chưa có được đời sống tiện nghi, ướp muối rồi phơi khô là phương cách bảo vệ thức ăn lâu dài.

3. Sát trùng, chữa trị vết thương.

Nói tóm, cả ba công dụng của muối đều nhằm cải thiện, làm tốt môi trường.




*


Nếu mỗi người có một trách nhiệm thì mỗi đồ vật cũng có một công dụng riêng. Lọ muối là đồ vật dùng để đựng muối, sao lại mang đi triển lãm? Người thợ có công làm nên lọ muối chắc chắn không bao giờ nghĩ đến “công dụng thứ hai” này và chắc cũng không muốn thiên hạ đem thành phẩm của mình đi triển lãm!


Người khách xem triển lãm tìm muối trong nhà thờ, nhưng chỉ thấy những lọ... không! Gần 200 lọ muối... không chứa muối. Nếu những “lọ muối” ở nhà thờ chỉ là những lọ không, chỉ dùng để “triển lãm” thì những lọ muối ngoài đời sẽ ra sao?


Người tín hữu đến nhà thờ để nghe rao giảng Lời Chúa và để “mục kích” những gương sống Tin Mừng thật sự hầu áp dụng vào cuộc sống của mình. Nhưng nếu họ chỉ thấy toàn hình thức -- lọ không! – mà không tìm ra nội dung chứa đựng qua lời rao giảng hay hành động tương ứng -- muối – thì cuộc sống Kitô hữu sẽ rất tẻ nhạt, lạt lẽo, chỉ thu gom lại trong thói quen sáng lễ chiều kinh hay sáng kinh chiều lễ...


Đa số giáo dân Việt Nam chỉ biết sống đạo nơi nhà thờ và chờ lịnh linh mục bảo sao làm vậy. Nhà thờ, do đó, không phải là nơi chỉ để “triển lãm” mà phải là nơi sống thật Tin Mừng. Sống Tin Mừng là sống bằng hành động men muối làm khơi dậy môi trường.


Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, con người thời đại ngày nay không cần những bậc thầy giảng dạy mà cần những chứng nhân. Nếu họ có tin những ông thầy chẳng qua là vì những người này cũng chính là chứng nhân của Tin Mừng.


Trọng tâm của đời sống đức tin Công giáo và công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải là giáo hội mà là Đức Kitô. Qua dòng lịch sử 2000 năm, khi giáo hội “bề thế và hoành tráng” thì Đức KiTô nhỏ lại và biến mất đi. Khi giáo hội nhỏ đi thì Đức KiTô lại lớn lên và sống động. Cho nên giáo hội phải nhỏ bé lại để Đức Kitô lớn lên, để thế gian dang rộng tay đón nhận Ngài và thực hành những lời Ngài dạy, không phải những người “đại diện” cho Ngài. Hơn ai hết, linh mục phải là hình ảnh trung thực cho lời dạy của Đức Kitô. Đi tu không phải là một nghề để kiếm tiền như bao nghề khác ở thế gian mà là “thiên chức” như lời các linh mục thường nói; và người giữ chức linh mục không phải là “thầy cúng” hay kẻ “khấn thuê” mà là người rao giảng và sống lời Chúa, làm gương sáng cho mọi người. Người giữ chức thánh không thể viện dẫn lý do “làm sáng danh Chúa” hay “phục vụ giáo hội” để nghĩ ra mọi phương cách gây quỹ, kiếm tiền, dù cho giáo hội, giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn hay cho cá nhân mình. Phải luôn luôn tâm niệm và hành động như Gioan Tẩy Giả, “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi:”


“Gioan dâng hiến hết uy tín, danh dự và sự nghiệp cho Thầy. Thậm chí đến lúc chết cũng không được chết công khai trên pháp trường, trước hàng ngàn người ái mộ như Phaolô, như Inhaxiô giám mục Antiôkia… Lính vào ngục chặt đầu ông như thằng đánh lén. Đầu của ông không được người ái mộ đem về chôn mà bị trao cho con đàn bà ác đức dày vò. Đau quá! Nhục quá! Nhưng phải như thế Gioan mới được mãn nguyện: Bây giờ niềm vui của tôi mới được trọn vẹn. Ấy là Người thì phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi.”

(Trích sách “Dấu Chân Của Thầy”, linh mục Pio Ngô Phúc Hậu, San Jose, CA, 2000, trang 31)


Người môn đệ theo chân Đức Kitô phải là men muối và ánh sáng, phải sống thế nào để hành động của mình là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, để làm chứng cho sự hiện diện của Ngài trong xã hội hôm nay. Không phải những lời rao giảng văn hoa, trau chuốt với mỹ từ mà chính gương mẫu của một đời sống tốt lành, nhân đức mới thực sự đem Tin Mừng đến mọi người, mới khiến người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta.

Muốn hữu ích, lọ đựng muối phải được chăm sóc để làm đầy mỗi ngày. Thời giờ cầu nguyện, suy gẫm và sống Lời Chúa, dành cho sinh hoạt tâm linh của cộng đoàn, giáo xứ phải nhiều hơn những bận tâm gây quỹ, bán buôn kiếm tiền, những sửa sang xây cất lộng lẫy, xa hoa, tiện nghi cốt để phô trương thanh thế của một giáo hội luôn luôn nhận là “giáo hội nghèo:” của người nghèo, cho người nghèo, và vì người nghèo! Nếu không, lọ sẽ vơi đi và tới một lúc nào đó sẽ không còn chứa muối mà chỉ là lọ trống không, dùng để triển lãm, trưng bày…