PDA

View Full Version : MỖI NGƯỜI MỘT ƠN GỌI,MỘT CON ĐƯỜNG,MỘT SỨ MẠNG



MatTheu Dang Dinh Quyet
22-03-2009, 09:15 PM
MỖI NGƯỜI MỘT ƠN GỌI, MỘT CON ĐƯỜNG, MỘT SỨ MẠNG.
XEM
1. Nhìn vào một gia đình, một lớp học, một nhóm người, một cộng đoàn…. chúng ta thấy mỗi người một tính tình, một sở thích, một xu hướng, một khả năng. Dường như không ai giống ai và dường như mỗi người đã được chuẩn bị sẵn cho một tương lai, một công việc, một sứ mệnh.
2. Nhìn vào xã hội chúng ta thấy có những người lo sản xuất làm ra của cải hàng hóa; những người khác lo kinh doanh, phục vụ, đem hàng hóa đến cho người có nhu cầu; lại có những người khác chỉ lo việc nghiên cứu sưu tầm; lại có những người chỉ lo làm đẹp cho xã hội hay chuyên lo cho những người nghèo hèn, khốn khổ, gặp hoạn nạn, bị bệnh tật, sống trong cô đơn.
3. Nhìn sâu hơn một chút chúng ta sẽ khám phá ra rằng trong cuộc sống của mỗi người dường như còn có một số yếu tố, hoàn cảnh “ngoại tại” có tính quyết định, chứ không chỉ thuần túy do sở thích hay khả năng.
4. Nhìn sâu hơn một chút nữa, chúng ta thấy không phải ai cũng sung sướng như ai, không phải mọi người đều cực khổ như nhau. Mỗi người dường như có một số phận, một phần phúc riêng.
XÉT
1. Trong cái nhìn của người có tín ngưỡng, nhất là của người Kitô hữu, chúng ta cảm nhận rằng: mỗi người có một ơn gọi, có một sứ mạng, có một con đường. Khi nói về ơn gọi và sứ mạng chúng ta sẽ phải phân biệt có ơn gọi và sứ mạng chung cho nhiều người mà cũng có ơn gọi và sứ mạng riêng cho từng người.
Ơn gọi và sứ mạng làm người là ơn gọi và sứ mạng chung cho tất cả mọi người, không phận biệt mầu da, sắc tộc, già/trẻ, lớn/bé, nam/nữ, thông minh/ngu đần, giầu/nghèo. Ơn gọi và sứ mạng làm môn đệ Chúa Giêsu là ơn gọi và sứ mạng chung cho tất cả các Kitô hữu: giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục. Nhưng mỗi con người, mỗi Ki-tô hữu lại có ơn gọi và sứ mạng riêng của mình. Ví dụ: Tất cả những người giáo dân đều có ơn gọi và sứ mạng giáo dân, ơn gọi này khác với ơn gọi của các tu sĩ và linh mục; nhưng một giáo dân có gia đình thì có một ơn gọi khác với một giáo dân sống đời độc thân. Cũng thế tất cả các tu sĩ hay linh mục thì có cùng một ơn gọi tu sĩ hay linh mục là sống đời tu và đời linh mục, nhưng mỗi tu sĩ và mỗi linh mục lại có ơn gọi riêng của mình, ơn gọi mà chỉ mình người ấy có.
2. Nhìn vào cuộc sống của một số vị thánh, chúng ta thấy quả là “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”: Têrêxa Avila, Gioan Thánh Gía, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Phanxicô Khó Khăn, Phanxicô Xaviê, Catarina Siêna. Gần chúng ta hơn là những gương mặt điển hình của thế kỷ XX: Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Giám mục Helder Camara và Oscar Rômêrô của Mỹ La tinh, Mẹ Têrêxa Calcutta của Ấn Độ (1) và Cha Charles de Foucauld của chúng ta. Chẳng vị nào giống vị nào, chẳng vị nào thua kém vị nào. Mỗi gương mặt đều tuyệt đẹp! Mỗi cuộc sống thật phong phú. Thánh thiện, tỏa sáng!
3. Chúng ta dành một ít phút để ôn lại cuộc đời của Cha Charles de Foucauld (2) mà chúng ta gọi cách thân thương và vắn gọn là Anh Charles, vì chúng ta nhận Người là anh thiêng liêng của chúng ta: Xuất thân trong một gia đình quyền quý, giầu sang, Charles de Foucauld nhanh chóng vất bỏ ít vốn liếng giáo lý Kitô giáo thu thập được từ hồi còn nhỏ để lao mình vào thế giới ăn chơi, hưởng thụ, ưa điều mới lạ, thích cuộc sống mạo hiểm. Là một sĩ quan thành đạt, tưởng chừng đời Charles de Foucauld cứ thế tiến lên cấp tá, cấp tướng. Có ai ngờ có ngày Charles de Foucauld đến quỳ bên cạnh tòa giải tội trong thánh đường Thánh Âutinh tại Paris để xưng thú tội lỗi của mình và khi bước ra khỏi tòa cáo giải ấy Charles de Foucauld bắt đầu một cuộc sống mới in đậm dấu ấn của một tâm hồn khát khao tìm Chúa, khát khao nên giống Chúa Giêsu từng ly từng tý theo đúng nghĩa đen của các từ: ẩn dật, chôn vùi, từ bỏ, khó nghèo, yêu thương, hiến tế.
4. Anh Charles đã xác định ơn gọi, con đường và sứ mạng riêng của Anh và đồng thời Anh cũng hướng dẫn chúng ta biết cách tìm ra ơn gọi, con đường và sứ mạng riêng của mỗi người chúng ta như sau:
“Chúng ta hãy tìm kiếm Thiên Chúa, một mình Thiên Chúa mà thôi. Hãy tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa, điều tốt, lợi ích của Thiên Chúa, hãy tìm kiếm điều hoàn hảo nhất, dìều làm vinh danh nhất: chỉ nhìn một mình Người, vinh quang của Người, Thánh Ý của Người và chúng ta hãy thằng tiến! Một mình Thiên Chúa, Người muốn gì? Điều hoàn hảo nhất trong hoàn cảnh này la gì? Đức Giêsu sẽ làm gì?... Và chúng ta hãy làm như thế mà chẳng bận tâm đến bất cứ đìều gi khác. Đức Giêsu chắc chắn sẽ thực hiện điều tốt cho Thiên Chúa, sẽ thực hiện Thánh Ý của Thiên Chúa: nguyên thế đủ rồi! Chúng ta hãy tìm kiếm một cách cẩn thận, với tất cả con tim của chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, dìều làm vinh danh Thiên Chúa nhất, Thánh Ý Người và hãy thực hiện Thánh Ý ấy. Chúng ta hãy tìm kiếm một mình Thiên Chúa, điều tốt của mình Người, vinh quang của riêng Người, phục vụ một mình Người, phần rỗi của chúng ta và của tha nhân” (3).
LÀM
1. Mỗi người chúng ta cũng thế, mỗi người chúng ta có một chỗ đứng, một vai trò riêng trong thế giới tạo vật, trong lòng Dân Giao Ước và trong lòng Giáo Hội. Không ai thay thế chúng ta được, vì chúng ta là “độc nhật vô nhị” (unique).
2. Trong những ngày Tĩnh Tâm này và nhất là trong buổi sáng hôm nay, chúng ta nhìn lại - một cách bình thản, tin tưởng phó thác vào và biết ơn – cuộc sống của chúng ta, từ khi sinh ra cho đến ngày vào Tu Hội, từ ngày vào Tu Hội cho đến hôm nay. Để làm gì? Để khám phá con đường mà Chúa dành cho chúng ta, tiếng mời gọi mà Chúa nói với chúng ta, sứ mạng mà Chúa giao cho chúng ta. Để làm gì nữa? Để có những tâm tình và lời tạ ơn, ngợi khen, chúc tụng cho cân xứng. Và để đáp lại ơn Chúa một cách yêu mến và quảng đại, tin tưởng phó thác.
VÀI PHÚT THINH LẶNG
HÁT BÀI: TỪ MUÔN THƯỞ CHÚA ĐÃ YÊU CON
Chú thích:
(1) Vào tháng 6 năm 2000 Đức Gioan XXIII, Mẹ Têrêxa Calcutta chưa được Giáo hội phong Chân Phước. Cha Charles de Foucauld cũng thế.
(2) Về Cha Charles de Foucauld xin đọc bài CHARLES DE FOUCAULD: CUỘC DỜI VÀ DI SẢN THIÊNG LIÊNG ở bài trước.
(3) Charles de Foucauld, cuốn Suy niệm Phúc Âm (Méditations sur les Săintes Evangiles) tập 1 (cho một mình Thiên Chúa mà thôi) trang 45.
Tu Viện Châu Sơn (Đơn Dương)
Ngày 06.06.2000
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.