PDA

View Full Version : SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU ẨN DẬT VÀ LAO ĐỘNG TẠI BELEM & NADARÉT



MatTheu Dang Dinh Quyet
22-03-2009, 09:23 PM
SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU ẨN DẬT VÀ LAO ĐỘNG TẠI BÊLEM & NADARÉT
XEM
1. Nhìn vào cuộc sống xã hội chúng ta thấy tuyệt đại đa số dân chúng chỉ có một cuộc sống rất ư là tầm thường với những công việc chẳng có gì đáng nói như ăn uống, ngủ nghỉ, nội trợ, lao động, sản xuất, kinh doanh. Ít, rất ít người có được một cuộc sống nổi danh với những kỳ công kiệt tác làm kinh thiên động địa, đáng ghi vào sử sách cho các thế hệ con cháu mai sau học tập hay nhắc nhở.
2. Câu hỏi được đặt ra là: vậy thì cuộc sống của hàng tỷ con người trên trái đất này có đáng gía gì không? Các triết gia và thần học gia ngày nay đều quả quyết rằng gía trị đích thực của con người không hệ tại những gì người đó có (to have, avoir) mà hệ tại phẩm chất của người đó (to be, être). Nhưng có đúng như vậy không? Dựa vào đâu mà chúng ta có thể tin vào khẳng định ấy?
XÉT
1. Thánh Kinh Ki-tô giáo chứa đựng một sự kiện vô cùng quan trọng cho đời sống con người: Thiên Chúa, Đấng Thần Linh, vô hình, siêu phàm đã hóa thân làm người, trong Đức Giêsu Nadarét. Chúng ta gọi đó là Mầu Nhiệm Nhập Thể tức sự kiện Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Một Thiên Chúa thành xác phàm nơi một con người bằng xương thịt là Đức Giêsu.
2. Nhưng điều đáng chúng ta suy nghĩ hơn nữa là tại sao Đấng Thiên Chúa ấy đã chọn sinh ra tại Bêlem, nơi máng cỏ bó lừa và sống một nếp sống ẩn dật, khiêm nhường, nhỏ bé, tầm thường, chôn vùi, từ bỏ… của một người lao động, của một người thợ mộc kiêm thợ nề (charpen-tier), giống như hàng tỷ tỷ con người trên thế gian này? Chọn lựa này phải có một ý nghĩa gì chứ? Không lẽ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện Toàn Năng Toàn Trí lại làm nmột công việc vô nghĩa, một công việc tình cờ, may rủi? Nhất định không thể thế được. Vậy ý nghĩa đó là gì?
3. Anh Charles là người rất thắc mắc về lý do tại sao Thiện Chúa nhập thể làm người lại chọn một cách sống “khác thường”, cách sống mà bình thường không ai muốn như thế?. Sau bao nhiêu thời gian đọc Phúc Âm, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện, Anh đã khám há ra rằng: Đức Giêsu đã chọn sinh ta nơi hang bò lừa Bêlem và sinh sống 30 năm tại Nadarét với nghề lao động chân tay tầm thường (cũng như sau này chết trên Thập Gía như một kẻ tử tội, bị mọi người ruồng bỏ) chỉ vì Đức Giêsu muốn mọi người có thể đến với Chúa một cách thoải mái, không chút mặc cảm về thân thế, về địa vị xã hội, về hoàn cảnh sống, về nghề nghiệp.
4. Anh Charles đã sống ở Nadarét từ tháng 3.1897. Ngày 10.3 Anh được Nữ tu viện Trưởng Thánh Clara bằng lòng cho anh giúp việc trong nhà. Thường anh họa lại những tấm ảnh mà cac nữ tu cần. Anh cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa và trong lều ván nơi anh ở, anh ghi các lời nguyện gẫm lại: “thật là đúng đời sống mà tôi tìm kiếm” Đây là một trong những bài nguyện gẫm Anh viết vào thời đó, anh hình dung Chúa nói với Anh như sau:
“Hãy xét lại đời sống Cha ban: có cuộc sống nào giống hệt đời sống ẩn dật Cha hơn được không? Con thực hiện được cả trong những nét chính yếu cũng như trong chi tiết nhỏ mọn (….) Nơi đây con có thể sống hoàn toàn như Cha, không thể hơn được nữa. Con thấy Cha đã cưng con biết bao. Cho con sống tại Nadarét vô danh, nghèo hết mức, hèn hạ, với chiếc áo vải thô và đôi dép, làm tên đầy tớ vô dụng cho các nữ tu hèn mọn. Kẻ thì coi con như chú thợ hèn kém nhất, người thì con coi như hạng “hết xài”; một vài người có lẽ coi con là con đẻ của một tên ác nhân thất đức, còn đa số hầu hết lại cho con là thằng điên. Con vâng lời, vâng lời các nữ tu kín, các nữ tu coi nhà khách như Cha vẫn vâng lời cha mẹ Cha; con không truyền lệnh cho ai hết, con làm việc, làn những gì người ta bảo con làm, khi thì việc này, lúc thì việc khác, không làm cho mình cũng không theo lựa chọn của mình gì cả.” (1).
Còn sau đây là bài nguyện gẫm của Anh về đức tự hạ. Anh cũng hình dung như chính Chúa Giêsu tâm tình Anh:
“Trước hết, con hãy chú ý: sau khi bảo: “Đầy tớ không được trọng hơn Thầy” Chúa đã thêm: “nhưng đầy tớ mà giống Thầy là đầy tớ hoàn hảo”. Như thế Cha không muốn con sống dưới Cha, mà cũng đừng trên Cha (….). Trước mắt người đời con hãy cố gắng sống đời sống Cha sống ở Nadarét, không hơn không kém. Cha đã làm một người thợ khó nghèo sống nhờ hai bàn tay…Cha đã sống như dốt nát, vô chữ nghĩa… Cha đã có cha mẹ, thân thuộc, bà con, bạn bè cũng làm thợ khó nghèo như Cha, làm nghề thủ công, làm nghề đánh cá. Cha đã nói năng bình đẳng với họ. Cha đã mặc như họ, ở như họ, ăn như họ khi sống với họ… Như một người nghèo khó, Cha đã bị khinh dể, và chính vì trước mắt thế gian, Cha cũng chỉ là một người Nadarét nghèo khó nên Cha đã bị bắt bớ, bạc đãi khi sống đời sống công khai: khi vừa mới cất tiếng nói lời đầu tiên trong nhà hội Nadarét, người ta đã muốn đả đảo Cha” (2).
LÀM
Chúng ta có thể rút ra một số kết luận thực hành cho buổi Tĩnh Tâm hôm nay:
1. Thiên Chúa làm người để sống với con người, bên con người, trong con người. Con người có gía trị trước mặt Chúa. Thiên Chúa tìm thấy Niềm Vui khi sống với con người.
2. Cái làm nên gía trị đời sống không phải là những chuyện to tát mà là chất lượng đời sống, là tình yêu. Thánh Têrêxa nhỏ đã đưa ra châm ngôn nên thánh: “Sống những điều bình thường của cuộc sống nhưng sống một cách phi thường”.
3. Chúng ta không có quyền coi thường một ai dù người đó nghèo hèn, khó nghèo tới đâu. Trái lại chúng ta phải nhập tâm điều naỳ: Chính Thiên Chúa đã đồng hóa với những người bé mọn nhất trong số những người bé mọn (3).
4. Chúng ta chẳng những không được coi thường mà phải kính trọng tất cả mọi lao động chân tay hay trí óc, khoa học hay nghệ thuật, sản xuất hay kinh doanh, vì lăo động nào cũng có giá trị trước mặt Chúa nếu chúng ta nắm bắt được gía trị và ý nghĩa đích thực của lao động: cộng tác với Thiên Chúa Sáng tạo; thể hiện Tình Yêu Thương đối với những người chúng ta có trách nhiệm chăm lo, nuôi dưỡng; sắp đặt chúng theo Thánh Ý Thiên Chúa để biến trần gian này thành Vương Quốc của Thiên Chúa.
VÀI PHÚT THINH LẶNG
HÁT BÀI: VỀ LAO ĐỘNG HAY NA-DA-RÉT
Chú thích:
(1) Charles de Foucauld, SỐNG ĐỨC ÁI, (NXB: Đức tin – Văn hóa, 44 Tú Xương, Sàigòn 3 1973), Nadarét, trang 69-70.
(2) SỐNG PHÚC ÂM theo Bút Ký Charles de Foucauld, (Tài liệu của Nhà Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu Việt Nam) trang 61-62.
(3) Đọc Mt 25.
Tu Viện Châu Sơn (Đơn Dương)
Ngày 06.06.2000
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.