PDA

View Full Version : SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU TRÊN NẺO ĐƯỜNG GIAO GIẢNG TIN MỪNG NƯỚC TRỜI



MatTheu Dang Dinh Quyet
22-03-2009, 09:26 PM
SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU TRÊN NẺO ĐƯỜNG RAO GIẢNG TIN MỪNG NƯỚC TRỜI
XEM
1. Những ai có dự định làm một công việc gì to tát và lâu dài, chắc chắn sẽ không toàn tính và thực hiện một mình. Trái lại những người ấy sẽ tìm bạn bè, đồng chí để cùng nhau thực hiện. Hai người thì nhất định phải hơn một người. Mười người thì nhất định phải hơn năm người.
2. Hơn nữa, có những công việc thế hệ này làm không xong, phải để lại cho thế hệ tiếp theo. Vì thế chẳng những cần có sự hợp tác còn mà cần có cả sự kế tục hay tiếp nối nữa.
XÉT
1. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy Đức Giêsu cũng làm giống như những người toan tính một công việc lớn lao và lâu dài. Sauk hi đến với Gioan Tẩy Gỉa để nhận Phép Rửa, Đức Giêsu bắt đầu công việc của mình. Việc đầu tiên mà Người thực hiện là tìm kiếm, mời gọi và chọn lựa các môn đệ. Trong bài 3 chúng ta đã đọc đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu chọn các Tông đồ:
“Rồi Người lên núi cầu nguyện và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai để các ông sống với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ” (1).
Rõ ràng là Chúa Giêsu cần có bạn bè, đồng chí, cộng sự, kế tục trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Và điều Chúa chờ đợi đầu tiên ở họ là: “Người ở đâu, thì họ ở đó” Và thục tế chúng ta thấy Đức Giêsu đi đến đâu thì các môn đệ đi tới đó. Xung quanh Đức Giêsu bao giờ cũng có một đoàn các môn đệ và dân chúng. Các môn đệ hiểu ở đây không chỉ là Nhóm Mười Hai, mà còn bao gồm một số người khác, kể cả các bà các cô mộ mến Chúa và hỗ trợ Chúa về mặt tài chánh, để Chúa và các môn đệ an tâm lo việc rao giảng.
2. Trải qua các thế hệ, Chúa vẫn tiếp tục tìm kiếm mời gọi những môn đệ, tức bạn bè, đồng chí, cộng sự, kế tục công việc của Người. Chúng ta cũng là những người được Chúa mời gọi đi theo Chúa trong cuộc hành trình từ Galilê, qua Samari, xuống Giuđê. Chúng ta được Chúa mời gọi sống với Chúa chặng đường rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
3. Muốn đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúntg ta phải xem thế gian này, xã hội này, cộng đồng dân cư trong đó chúng ta đang sống như một vườn nho, như một cánh đồng bao la. Vườn nho hay cánh đồng ấy cần những người dọn đất, những người gieo hạt, những người tưới nước, những người vun xới, dọn cỏ, tỉa nhánh, những người thợ gặt. Chúa mời gọi chúng ta vào làm trong thưở ruộng, trong vườn nho này của Chúa để biến thế giới này, môi trường này thành Vương Quốc của Thiên Chúa (2).
4. Muốn là thợ vườn nho hay thợ nông nghiệp chúng ta phải rèn luyện tay nghề. Tay nghề không chỉ là kỹ năng thao tác mà còn là kiến thức, sự hiểu biết, còn là lòng yêu thương, gắn bó với thưở đất, với mảnh vườn, với những con người sống trong thưở ruộng hay cánh đồng ấy nữa.
5. Anh Charles luôn ôm ấp một khát vọng cứu rỗi các linh hồn theo gương Chúa Giêsu Kitô:
“Ta cứ ra sức nên một với Chúa Giêsu đi, đem đời sống Người ra tái diễn lại, lấy điều ta tưởng, lời ta nói, việc ta làm mà gào thét rao giảng giáo thuyết Người vang trên các nóc nhà, cứ để Người chiếm ngự lòng ta, để Người sống trong chúng ta đi!”(3).
Trong tuần tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức Phó tế (tháng 3.1901) Anh Charles ghi lại định hướng của mình như sau:
“Quis? (Tôi là ai?): là kẻ phải theo và bất chước Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Chúa chiên lành đã đến “đem lửa trên trời xuống trái đất và “cứu cáu hư mất” (4).
LÀM
1. Việc đầu tiên Chúa chờ đợi ở chúng ta là một lời đáp trả. Chúa mời gọi chứ không ép buộc. Nghĩa là chúng ta có toàn quyền tự do để đáp trả. Nhưng làm sao chúng ta đáp trả nếu như chúng ta không có một ý thức sắc bén, nhanh nhạy về vai trò, trách nhiệm mà Chúa muốn giao cho chúng ta. Chúa đang cần chúng ta mà!
2. Việc thứ hai mà chúng ta được chờ đợi là tinh thần lao động của chúng ta. Chúng ta lao động với tinh thần nào? Để chỉ lấy một đồng tiền công vào cuối ngày thôi ư? Chúa dư sức trả đồng tiền công cho chúng ta. Nhưng điều Chúa chờ đợi nhiều hơn là chúng ta làm việc cho vườn nho của Chúa như cho vườn nho của chính chúng ta tức lao động với tinh thần vô vị lợi, lao động kjông quản ngại vất vả hy sinh, lao động một cách tận tụy hết mình.
3. Muốn làm một người thợ giỏi trong Vườn Nho của Thiên Chúa hay Cánh Đồng Truyền Giáo, chúng ta phải trang bị bằng khí giới của Chúa Kitô. Vì Vườn Nho của Thiên Chúa hay Cánh Đồng ấy cũng là bãi chiến trường, cũng là vùng biên giới phân chia hai phe: Phe của Chúa và phe của Ác thần. Ác thần hiện diện ngay chính trong lòng chúng ta khi chúng ta để cho mình bị lôi cuốn hay mê hoặc bởi Thú, Danh, Lợi. Ác thần hiện diện trong môi trường với những nếp suy nghĩ vụ lợi, thực dụng, chỉ biết có tiền tài, danh vọng, lạc thú. Nhưng Chúa là Chủ Tể tất cả và đã chiến thắng Kẻ Thù và Sự Chết. Vì thế chúng ta chẳng có gì phải sợ.
VÀI PHÚT THINH LẶNG
HÁT BÀI: ĐẸP THAY ÔI ĐẸP THAY …
Chú thích:
(1) Mc 3,13-15.
(2) Đọc Mt 20,1-7: dụ ngôn người thợ làm vườn nho.
(3) Charles de Foucauld, SỐNG ĐỨC ÁI (NXB Đức tin – Văn hóa, 44 Tú Xương, Sàigòn 3, 1973), Nadarét, trang 71.
(4) Charles de Foucauld, SỐNG ĐỨC ÁI (NXB Đức tin – Văn hóa, 44 Tú Xương, Sàigòn 3, 1973), Làm anh em mọi người, trang 194.
Tu Viện Châu Sơn (Đơn Dương)
Ngày 06.06.2000
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.