PDA

View Full Version : SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH LÊN GIÊRUSALEM



MatTheu Dang Dinh Quyet
22-03-2009, 09:28 PM
SỐNG VỚI CHÚA GIÊSU TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH LÊN GIÊRUSALEM
XEM
1. Có nhiều bạn bè chiến hữu chỉ sát cánh bên nhau khi mọi chuyện tốt đẹp, khi công việc thành công, khi họ được vinh quang phú quý. Họ sẽ bỏ nhau khi phải đương đầu với gian nan vất vả, khi công việc đòi phải hy sinh từ bỏ, phải cống hiến thời gian, sức lực. Những bạn bè chiến hữu ấy không xứng danh là bạn bè chiến hữu. Ngày hôm nay số người như thế càng ngày càng nhiều trong xã hội.
2. Dường như con người ngày hôm nay, nhất là người trẻ, rất ngại hy sinh, từ bỏ. Họ làm gì cũng nhắm ngay cái lợi trước mắt, cái lợi vật chất. Họ không hơn ai nhưng họ dễ có thái độ kênh kiệu, kiêu xa, khinh khi người khác, kể cả các bậc cha mẹ mà họ cho là lỗi thời, cổ hủ.
XÉT
1. Đọc lại Tin Mừng theo Thánh Máccô chúng ta thấy ngài trình bày cuộc sống công khai của Chúa Giêsu thành hai giai đoạn, gắn liền với hai cuộc hành trình trong không gian: Giai đoạn một là cuộc hành trình ở Galilê, được các nhà chú giải Thánh Kinh ngày nay gọi là Mùa Xuân cuủ Ơn gọi môn đệ (Mc 1,1-8,30). Trong giai đoạn này mọi chuyện xẩy ra một cách tuyệt vời: Chúa Giê-su hoàn toàn làm chủ tình hình: Người giảng dạy, chữa lành, xua đuổi thần ô uế, trừ quỷ, làm cho bánh hóa nhiều, dẹp tan sóng gió bão táp trên biển cả, làm cho kẻ chết sống lại. Các môn đệ đi theo Người trở thành những “nhân vật” quan trọng (VIP), những người may mắn trong con mắt quần chúng nhân dân. Nhưng giai đoạn thứ nhất không kéo dài bao lâu, vì ngay sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ phải bước vào giai đoạn thứ hai, giai đoạn được các nhà chú giải Thánh Kinh ngày này gọi là Mùa Hè của Ơn gọi làm môn đệ, tương ứng với cuộc hành trình lên Giêrusalem. Cuộc hành trình này kết thúc ở chính Giêrusalem, với cái chết thập giá kinh hoàng (1).
2. Cuộc hành trình lên Giêrusalem bắt đầu ngay sau biến cố Phêrô tuyên tín (2) với ba lần loan báo Cuộc Thương Khó và Phục Sinh (3) kèm theo ba lần giáo huấn về người môn đệ (4).
3. Trước khi bước vào Cuộc Thương Khó đúng nghĩa Đức Giêsu đã thực hiện hai điều mà Sách Phúc Âm đã ghi lại: Chúa quỳ xuống rửa chân cho Mười Hai môn đệ thân tín nhất (5) và Chúa tự hiến mình làm Của Ăn Của Uống cho những ai đi theo Chúa (6). Hai sự kiện này có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của Đức Giêsu và trong Mạc Khải Kitô giáo. Vì chưng có thể nhìn thấy trong hai sự kiện này là bản tóm kết cuộc sống của Đức Giêsu ở giai đoạn một và là lời dẫn nhập vào giai đoạn cuối cùng là Cuộc Thương Khó và Khổ Nạn Thập Gía. Cả hai biến cố đều mang một ý nghĩa chung là Thiên Chúa tự hiến, tự hủy ra không như trong bài ca của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philípphê:
“Đức Giêsu Kitô,
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ mình phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bở vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự” (7).
LÀM
1. Nếu Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta làm môn đệ của Người, tức để chúng ta sống với Người, thì chắc chắn chúng ta được Chúa mời gọi sống hai biến cố đặc biệt này. Sống với Chúa Giêsu trong biến cố rửa chân và tự hiến thành CủaĂn Của Uống. Có nghĩa là chúng ta được mời gọi thực hiện chính hành động mà Người đã làm, với chính Tỉnh Yêu bao la cháy bỏng của Người, với tinh thần tự hạ, tự hủy của Người!
2. Anh Charles là người đã suy niệm rất rất, rất kỹ, rất sâu sắc về hai biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và hiến mình làm Của Ăn Của Uống cho những kẻ tin theo Người. Hai biến cố, hai sự kiện này thuộc về Mầu Nhiệm Tình Yêu và Mầu Nhiệm Tự Hạ Tự Hủy của Con Một Thiên Chúa. Chúng ta hãy để lòng mình thinh lặng mà chiêm ngưỡng, thờ lạy, cảm tạ, ngợi khen Chúa.
VÀI PHÚT THINH LẶNG
HÁT BÀI: CON CHỈ LÀ TẠO VẬT hay một BÀI CA DÂNG HIẾN nào khác.
Chú thích:
(1) Mc 8,31--16,8.
(2) Mc 8,27-30
(3) Mc 8,31-33; 9, 30-32 và 10,32-34.
(4) Mc 8,34-9,1; 9,33-50 và 10,35-45.
(5) Ga 13,1-20
(6) Mt 26,26-29.
(7) Pl 2,6-8
Tu Viện Châu Sơn (Đơn Dương) Ngày 07.06.2000
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội