PDA

View Full Version : CHÚA NHẬT V MÙA CHAY B (09)



DonRac
31-03-2009, 01:20 PM
Viên đá đầu tiên dính đầy máu đỏ

Vào năm 1896, khi một thừa sai vừa bước chân lên eo biển Cayenne, thuộc một đảo quốc ở Đại Tây Dương, thì bị một người dân bản xứ nghịch đạo lấy đá ném trúng ngay đầu của ngài. Không giận dữ, không trách móc, vị linh mục thừa sai đã cúi xuống nhặt viên đá dính đầy máu đỏ lên và nói : “Xin cám ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của ngôi thánh đường tôi muốn xây lên ở đây trong một thời gian nữa”.
Thời gian trôi qua, vị linh mục vẫn bền chí hy sinh, tiếp xúc cầu nguyện, gặp gỡ, rao giảng…cho đến một hôm, viên đá dính đầy máu đỏ xưa kia trở thành viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ xây trên xứ ấy để dâng kính Đức Mẹ …
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng muốn giới thiệu cho chúng ta không phải chỉ là một “viên đá dính đầy máu đỏ” đã trở nên viên đá đầu tiên xây thánh đường ; mà chính là một “Con Người bị treo lên để làm nên một Đền thờ mới cho Thiên Chúa”, một “hạt lúa mì mục nát để trỗ sinh hoa trái cứu độ”, một “Giao ước mới bằng máu đổ ra” để giao ước giữa Thiên Chúa và con người được ký kết trên mảnh giấy tâm hồn của muôn muôn thế hệ chúng sinh.
Chúng ta cùng chia sẻ với nhau đôi điều gợi ý trên của sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

1. Thiên Chúa Đấng trung thành trong “Giao Ước yêu thương” :
Toàn bộ lịch sử thánh, hay cụ thể hơn, toàn bộ cuốn sách Kinh Thánh, nếu nhìn trong “lăng kính tình yêu”, có thể được định nghĩa : đó chính là “bức thư tình của Thiên Chúa”. Một bức thư tình mà nội dung chủ yếu đó chính là những hứa hẹn và ước giao, những thề nguyền và tâm sự, những bức xúc khổ tâm khi bị phản bội chối từ hay những lúc nguôi ngoai khi mở lòng khoan dung tha thứ…Và điều mà Thiên Chúa muốn bộc bạch như một mặc khải tối hậu, như một luận đề chung kết đó chính là : “Thiên Chúa mãi mãi trung thành với Giao ước yêu thương mà Ngài đã ký với “người tình nhân loại”.
Thật vậy, Bài đọc 1 hôm nay cho thấy : trên cảnh hoang tàn của Giê-ru-sa-lem và trong kiếp lưu đày biền biệt của một đời nô lệ tối tăm, lời sứ ngôn Giê-rê-mi-a vang lên như tiếng kèn hy vọng, niềm hy vọng chứa chan vào lòng trung tín của Thiên Chúa vượt trên những bất trung phản bội của dân Người : “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới…Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Chính tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mãi mãi là sức mạnh hồi sinh, là quyền uy giải thoát. Dân Chúa sở dĩ tồn tại và phát triển để đảm nhận vai trò và sứ mệnh của chính mình chính là nhờ không ngừng được nuôi dưỡng và bao bọc bởi chính nguồn năng lực siêu nhiên kỳ diệu nầy : Tình yêu thương của Thiên Chúa : “Cho dù có người mẹ không thương con, thì Ta, Ta không bao giờ quên ngươi”.
Hôm nay và nơi đây, chân lý nầy được lăp lại để nói với chúng ta rằng : chúng ta không được quyền thất vọng cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, với đắng cay và nước mắt, với ốm đau tật nguyền, với thất bại rủi ro và với cả cái chết. Bởi vì Thiên Chúa đang có mặt trên mọi nẽo đường và biến cố cuộc đời chúng ta để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. Như lời của Gilbert K. Chesterton : “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”.
Không phải chỉ “chỉ hướng tới các vì sao” mà là cuộc “hành hương đi về vĩnh cửu” (Pèlerin de L’ absolu), cuộc hành hương đi tìm hạnh phúc bất diệt. Chính trong niềm tin đó cuộc sống của người Kitô hữu phải là một lời chứng sống động về niềm hy vọng, về niềm vui về sự thanh thoát và tự do trước các quyến rủ của đam mê xác thịt và sự giàu có thế gian. Tin vào tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa cũng có nghĩa biết làm cho mối giao ước đó mỗi ngày thêm bền chặt và thắm nồng bằng thái độ trung thành lắng nghe và thực thi lời Chúa.

2. Ơn cứu độ và qui luật ‘Hạt lúa mì mục nát” :
Dĩ nhiên, để thực hiện đến cùng “giao ước đã ký với loài người”, Thiên Chúa đành chấp nhận thua lỗ khi phải “trao ban Người Con Một”. Và oái ăm hơn nữa, Người Con Một đó lại trả giá cho “giao ước của Cha” bằng chính máu của mình. Bởi vì, chỉ có con đường “giao ước bằng máu” đó, “lề luật của Thiên Chúa mới được ghi khắc vào trái tim và lòng dạ của con người” (BĐ 1), và cũng chỉ với bằng phương thế đó Con Thiên Chúa mới có thể kéo tất cả nhân loại cùng đi lên : “Phần tôi, khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (TM). Xét cho cùng, đó lại là qui luật muôn đời của chương trình cứu độ : muốn vào “Đất hứa phải ngang qua sa mạc”, muốn tìm được sự sống phải đánh mất, muốn hoan ca phục sinh phải qua mùa Chay tử nạn, muốn có một mùa lúa tốt xinh phải trở nên “hạt lúa mì mục nát”…Và phải chăng, đó chính là “nhân sinh quan của Tin Mừng”, là con đường “biện chứng của niềm tin Kitô giáo” : Làm người đúng nghĩa, hiện hữu đích thực đó là “phải chết đi mới sống lại”, phải ngang qua đắng cay thập giá mới tiến vào vinh quang phục sinh.
Hai ngàn năm qua bài học nầy xem ra vẫn còn mới mãi với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Vẫn còn mới và cần thiết cho một thế giới đã quá “già nua để thèm hưởng thụ mà không muốn chiến đấu”, đã quá mệt mõi để thà chọn dễ dãi mà yên thân hơn dấn thân nhọc mệt để chiến thắng anh hùng. Vẫn còn mới và cần thiết cho một Giáo Hội đã quá biếng lười và ích kỷ để thà ở lại trong vỏ bọc tự mãn kiêu căng, trong pháo đài hủ hóa, hơn là can đảm chấp nhận hy sinh, thua thiệt để làm chứng cho sự thật và công lý. Vẫn còn mới và cần thiết cho mỗi người chúng ta khi chỉ muốn dừng lại, thối lui để được mơn trớn vỗ về với cái tôi ươn hèn, mệt mõi, nhỏ nhen và hưởng thụ, thay vì phải tiến lên, đổi đời, lột xác trong chiến đấu cực nhọc để hiện thực hóa những lời dạy của Tin Mừng.
Ngay từ những tháng năm đầu khai sinh Hội Thánh, nếu roi vọt, đòn bọng, tù đầy, nhục hình và cái chết thương đau đã thành công trong việc bịt miệng các Tông Đồ, ngăn cản các bước chân loan truyền Tin Mừng, thì làm sao có được Hội Thánh hôm nay với cây Thánh Giá được cắm trên mọi nẻo đường thế giới ! Nếu những chàng thanh niên như Anrê Phú Yên, những bà mẹ như Anê lê Thị Thành, những thiếu nữ như Cecilia, Anê, Têrêxa, những linh mục như Gioan Hoan, Anrê Dũng lạc, Maximilien Kolbe…đều khiếp nhược đầu hàng trước đắng cay thập giá tử đạo, trước ngục tù máu đổ đầu rơi… thì làm gì thấy được những ngôi thánh đường uy nghi đỗ bóng và vang dội những tiếng chuông chiều trên khắp phố phường của thế giới hôm nay !
Từ “hạt lúa mì đầu tiên có tên Giêsu” đã được “gieo trên Đồi Sọ vào chiều Thứ Sáu Vượt Qua”, và được tiếp nối bởi muôn ức triệu chứng nhân ngã xuống trên khắp cánh đồng thế giới, quả thật, mùa xuân ơn cứu độ cứ mãi vươn lên, trăm hoa đua nở, trái chín vàng đồng. Phải chăng đó chính là “qui luật của Thiên Chúa”, một qui luật đã hóa thân nơi chính cuộc sống của “Con Người Giêsu” mà trích đoạn thư Do Thái nơi BĐ2 hôm nay đã trình bày : “Dẫu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” ; qui luật của Hội Thánh, của từng thế hệ kitô hữu ; và hôm nay, qui luật ấy đang mời gọi hiện thực hóa nơi chính mỗi người chúng ta trong giữa độ đường Mùa Chay thánh nầy.

Nếu không làm được những hy sinh anh hùng như cha thánh Maximilien Kolbe, như Á Thánh Anrê Phú Yên…, thì ít nhất chúng ta cũng tìm được những “viên đá dính đầy máu đỏ” là những hy sinh thầm lặng của cuộc sống đời thường mỗi ngày để góp phần xây dựng Ngôi Nhà Giáo Hội, góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng để đem ơn cứu độ đến cho bao anh chị em vẫn còn ngồi trong bóng tối sự chết. Hãy trở thành “hạt lúa mục nát” ngay từ hôm nay, để niềm vui Phục sinh sẽ tưng bừng rạng rỡ trong trái tim ta và trái tim muôn người.

josdhien@yahoo.com