PDA

View Full Version : NIỀM VUI PHỤC SINH



Blue cloud
02-04-2009, 11:25 AM
Niềm Vui Phục Sinh

Đaminh Đinh Viết Tiên op
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4)
Trong đêm phục sinh, hội thánh hát : “Ôi đêm” thật diễm phúc, đêm duy nhất biết được thời gian, Đức Kitô từ cõi chết “sống lại”.
Exultet (mừng vui lên), bài ca chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh. Bài ca mời gọi mọi người hãy vui lên. Hãy làm cho môi miệng tràn ngập niềm vui. Niềm vui như thác vỡ bờ… Tràn trào men say chiến thắng vì Đức Kitô đã khải hoàn vinh thắng, đạp đổ thần chết, chiến thắng tội lỗi và quyền lực thế gian.
Hãy tán tụng bằng tất cả mọi âm điệu của trần thế… Mừng vui lên, đừng ôm sầu lẻ bóng, đừng hát lại bản tình ca cũ, đừng kéo lê cuộc đời một cách thảm hại.
Mừng vui khôn tả đọng trên từng bờ môi vọng trong từng câu hát, thấm vào sâu thẳm của tâm hồn lời tán dương Thiên Chúa đã chịu chết và sống lại : “Vì loài người chúng tôi”.
Xin cho mỗi tâm hồn dâng hiến chúng ta biết cảm nhận tình thương của Chúa để reo lên niềm vui, vì Ngài là Đấng Cứu Độ chúng ta.

I. ĐỜI PHẢI LÀ VUI TƯƠI
1. CHÚA LÀ NGUỒN VUI TƯƠI
Thiên Chúa là sự thánh thiện, sáng láng, đẹp đẽ vô cùng, nơi Ngài không có gì đen tối, buồn thảm. Nơi Ngài chỉ thấy có sự vui tươi và yên ủi. Chúa như thế chẳng lẽ dựng nên toàn tiếng khóc, toàn đau khổ mà không dựng nên được những tiếng cười, những niềm vui tươi phấn khởi sao ? Chúng ta xác tín vào tình thương của Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta :
“Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua,
là Thiên Chúa con thờ,
ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,
cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên bàn thờ của Chúa !” (Tv 84,4)
“Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
con đã được Ngài thương dạy dỗ.
Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài”. (Tv 71, 17)
“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy,
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người”. (Tv 34,9)
Con sẽ bước tới bàn thờ Chúa, Chúa là hoan lạc tuổi xuân con (Tv 42). Chúa là nguồn hoan lạc, những ai đến cùng suối hoan lạc ấy cũng sẽ được vui tươi.
2. MỌI SỰ ĐỀU VUI TƯƠI
Thiên Chúa tạo dựng nên muôn loài và Ngài thấy mọi sự đều tốt đẹp (St 1, 1-2, 1). Nhìn vào cảnh vật, có người cho là vui, có người cho là buồn. Nhưng thực sự, mọi cảnh vật đều là vui tươi phấn khởi vì nó là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng là chính nguồn vui của muôn vật, và Ngài thông ban nguồn vui ấy ra nơi vạn vật.
Lộng lẫy chốn cao vời, một khung trời trong vắt.
Nhìn ngắm cả bầu trời : Cảnh tượng xán lạn thay !
Vừa ló rạng lúc hừng đông, mặt trời liền công bố :
Công trình của Đấng Tối Cao diệu kỳ dường bao (Hc 43, 1-2)

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm”. (Tv 19, 2)
Ai chỉ coi khía cạnh tiêu cực của vạn vật, công trình sáng tạo của Chúa thì kẻ ấy chỉ làm nhục cho Chúa, là kẻ vô ơn thôi.
CÒN TIẾP....

Blue cloud
02-04-2009, 11:28 AM
NIỀM VUI PHỤC SINH (TT)-------- Đaminh Đinh viết Tiên OP.
3. THẾ NÀO LÀ VUI ?
Vui không phải là cái gì vật chất, không có hình dáng, không có trọng lượng hay mầu sắc vì niềm vui chỉ là trạng thái trong tâm hồn. Chúng ta chưa tìm được một câu định nghĩa đầy đủ khả dĩ thoả mãn được sự hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm thấy vui mà không tả ra được. Chúng ta chỉ cảm thấy niềm vui đang man mác trong lòng. Chỉ có thể cảm nghiệm được niềm vui chứ không thể định nghĩa hay mô tả đầy đủ được. Chúng ta sẽ cảm thấy có niềm vui khi lương tâm chúng ta không hối hận về n một việc gì mình đã làm, song còn được vui sướng hoặc hãnh diện về công việc đó.
Vui vì có ơn Chúa :
“Mừng vui lên,
hỡi Đấng đầy ân sủng,
Đức Chúa ở cùng bà”.(Tv 1, 28)

Vui vì đời sống huynh đệ cộng đoàn :
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Chị em được sống vui vầy bên nhau”. (Tv 133, 1)

Vui vì được lên đền thánh Chúa :
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA !” (Tv 122, 1)
4. SAO LẠI CÓ NGƯỜI BUỒN ?
Do tội Adam bất tuân lệnh Chúa, tội lỗi đã vào trần gian. Kế tiếp tội ác của Ca-in đã giết em mình : “ĐỨC CHÚA phán với Ca-in : A-ben em ngươi đâu rồi ? Ca-in thưa : Con không biết. Con là người giữ em con hay sao ? ĐỨC CHÚA phán : Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta ! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4, 9-12).
Những người làm nghề phá thai, nỗi ám ảnh giết người làm cho họ sợ hãi và bất an. Tội giết người luôn để lại một sự bất an trong tâm hồn. Có những vụ giết người xảy ra đã lâu, chính quyền đã chịu thua. Nhưng vì sống trong tâm trạng bất an, tội phạm đã ra đầu thú để tìm lại sự bình an.
Thường thì “Cực lạc sinh bi ai”, ngày đám cưới linh đình quá, long trọng quá, xài phí quá khả năng của túi tiền, những cái sang trọng vay nợ, nghèo mà ham sẽ làm cho cuộc hôn nhân vui mừng biến thành cuộc đời vỡ nợ.
Nhớ lại 17 năm sống trong những sự vui chơi của tội lỗi, thánh Augustinô viết những lời tự thú sau đây: “Lạy Chúa, Chúa biết lúc bấy giờ con đau khổ dường nào !.... Lòng con lúc bấy giờ tràn đầy một nỗi buồn vô hạn”
Được giầu có, được mọi người hoan nghênh, được nếm thử các thứ khoái lạc trên đời, Anatole France có được vui thật không ? Ta hãy nghe ông nói với người thư ký của mình : “Nếu anh có thể đọc trong linh hồn tôi, anh sẽ rùng mình. Trong trời đất, không có một tạo vật nào vô phúc bằng tôi : người ta tưởng tôi sống hạnh phúc. Thật ra không bao giờ được sung sướng cả, dầu trong một giờ, dầu trong một ngày”.
Alfred de Musset đã lạm dụng sức khỏe và đời sống của mình trong những cuộc ăn chơi, đã đau đớn kêu lên : “Tôi đã mất sức khỏe và đời sống của tôi. Tôi đã mất bạn hữu, đã mất sự vui vẻ của mình”.
Thực tế, nhiều khi chính mình làm khổ mình, chính anh chị em mình gây khó khăn cho mình, hiểu lầm sinh ra nghi ngờ… là những chuyện thường ngày xảy ra “ở huyện”.
(Còn tiếp....)

Blue cloud
02-04-2009, 11:31 AM
NIỀM VUI PHỤC SINH (Tiếp theo)----------Đaminh Đinh Viết Tiên OP
II. LÝ DO CỦA BUỒN PHIỀN
1. BUỒN DO TỘI MÀ RA
Những người tội lỗi không bao giờ được vui vẻ như :
- Cain sau khi giết em đâu tìm được giây phút bình yên vui vẻ vì con mắt lương tam tức con mắt Chúa luôn theo dõi ông khắp nơi, khiến tinh thần ông bị rối loạn.
- Philatô sau khi đã tuyên án bất công cho Chúa, cũng cảm thấy lương tâm cắt rứt và muốn đi tự tử cho xong đời.

2. BUỒN VÌ THIẾU NHIỆM VỤ
Những khi thiếu sót bổn phận đối với Chúa, đối với tha nhân và đối với chính bản thân mình, chúng ta cũng thấy lạc lõng, lẻ loi, như một cung đàn lạc điệu không ăn khớp với hoà điệu của toàn thể bài nhạc mà Thiên Chúa đã sáng tác.
Trong âm giai trưởng ta thấy cách xếp đặt cung và nửa cung đều đặn, đầy đủ ; còn trong âm giai thứ thì số thứ tự cung và nửa cung khác nhau, không đầy đủ, vì thế trở nên buồn. Chúa cũng muốn chúng ta hòa điệu theo âm giai trưởng cho vui tươi sáng sủa nhưng ta đã tự ý dùng âm giai thứ hòa vào với âm giai trưởng của toàn thể tạo vật, làm cho cung nhạc trở nên lạc lõng, bài nhạc trở nên khó nghe.

3. NGUY HẠI CỦA SỰ BUỒN
Đứng về phương diện sinh lý, buồn rầu, gắt gỏng đã thất bại đau đớn rồi, còn đối với bản thân, buồn rầu cũng giống như cái cây sâu, nó đã không nảy nở ra được lại còn chóng già, chóng cỗi nữa. vì sâu ở trong dần ùdần làm cho thân cây ruỗng nát ra mới thôi.
Nào khi lòng dười dượi buồn,
Quên ăn, biếng ngủ, kém dòn, kém xinh. (Ca dao)
Muốn biết buồn rầu gieo tai giáng họa cho con người ra sao, thì ta chỉ cần liếc mắt qua một đoạn ngắn do nhà chuyên khảo về thuyết “trường sinh”, Hufeland viết dưới đây :
“Buồn rầu rất nguy hiểm cho cả thể chất lẫn tinh thần. Ta thử ngắm một người buồn xem thấy có gì ? Kìa họ bắt đầu ngáp, ấy là triệu chứng làm ngăn máu không vận lên phổi được, vì thế, quả tim cùng các mạch máu bị hại lây, huyết ứ tữ chỗ. Bộ máy tiêu hóa yếu đi, rồi dần dần suy nhược. Trong người mỏi mệt nặng nề, bụng anh ách, tức tối nên lúc nào cũng cảm thấy ưu uất”.
Nguyễn Du, tác giả truyện Kim văn Kiều, mới ngoài 30 tuổi mà tóc đã bạc cũng là vì buồn rầu, suy tư nhiều.
Ngũ Tử Tư lo tìm kế vượt qua cửa ải mà chỉ có một đêm, cả tóc và râu bạc.
Hoa Đà, một thầy lang nổi tiếng đời Tam quốc, vì lo phương tìm kế cứu người, độ thế, mà mặt mày tuy rất trẻ, tóc bạc phơ cả đầu : Lo bạc râu, sầu bạc tóc.
Sự buồn rầu cau có gây hại cho người ta về sinh lý. Mỗi khi tức giận thì mặt mày cau có, da mặt nhăn nheo vì bị co, kéo nhiều nên chóng thành nếp nhăn trước khi tới tuổi già.
Nếu giận quá thì thân thể bị co dúm, cổ nghẽn, mặt đỏ bừng hay tái mét, các cơ thể bị xáo trộn, lệch lạc, tim đập mạnh, máu căng lên hay dẹp xuống, mà tiết ra một chất độc tán phá sức khỏe người ta.... Nộ khí ấy quật mạnh vào mớ dây thần kinh ở trước ngực làm cho quả tim như thắt lại, hay đập vào mớ dây thần kinh ở bụng khiến ruột như đứt ra. Vì thế, người ta mới có câu tục ngữ “Buồn đứt ruột”. Tức giận vô tình đã gây nên bệnh đau tim, đau phổi và đau bao tử. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải biết chạy đến với Chúa để giữ tâm hồn bình an thư thái.
“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ,
vì chỉ có mình Ngài, lạy CHÚA,
ban cho con được sống yên hàn”.(Tv 4,9)
(còn tiếp....)

Blue cloud
02-04-2009, 11:32 AM
III. NIỀM VUI CỦA CON CÁI CHÚA-------Đaminh Đinh Viết Tiên OP

1. HÃY TẠO CHO MÌNH MỘT NIỀM VUI
Hãy noi gương Mẹ Maria đem Chúa đến cho người khác : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 43-45).
Đời có lắm cái buồn. Không ai được mọi cái vừa ý, nhưng để sống lâu, sống yêu đời, ta hãy tạo cho mình một con mắt lạc quan, nhìn vào cái gì cũng thấy đẹp, thấy vui tươi phấn khởi; thực sự niềm vui không phải ở nơi cảnh vật, niềm vui ở ngay tại lòng ta.
Nếu ta nhìn đời với con mắt yêu thương, thì đời đối với ta cũng đáng yêu thương. Nếu ta nhìn đời với cặp mắt lạc quan vui tươi, thì đời đối với ta cũng phấn khởi xinh đẹp. Trái lại, nếu ta nhìn đời với cặp mắt hằn học thì nó cũng có vẻ hằn học trước mắt ta. Đời thì cũng như một tấm gương trong, ta cười thì nó cười, mà ta khóc thì nó khóc với ta. Những kẻ bi quan yếm thế, mang nặng một tâm hồn ích kỷ, đầy tư dục, thì dù sống giữa những cảnh đẹp nhất trần gian, giữa cảnh giầu sang tuyệt thế, cũng vẫn buồn khổ triền miên, vì đã mang cả một địa ngục trong lòng.
Hoán cải xã hội chung quanh mình là điều cần phải thực hiện, cần thật nhưng phải lo hoán cải lòng mình trước đã, nghĩa là phải lo hoán cải nhãn quan của mình về cuộc đời trước hết. Nếu tất cả mọi người đều có một tâm hồn tẩy sạch những mầm ích kỷ, những chồi tư dục, thì trước mắt mọi người, trần gian này là một thiên đàng đã được đưa xuống dương thế.
Một cách thế nữa để tạo được niềm vui trong tâm hồn, đó là bằng lòng về số phận, bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình, đừng oán trời, đừng than thân trách phận nữa.
Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, nguyên giám mục giáo phận Xuân lộc đã viết những lời tâm tình như sau : Về với Chúa, cha sẽ cầu nguyện cho các con, dù ở đâu làm gì, ở địa vị nào, các con hãy luôn sống là các tông đồ nhỏ, nghĩa là hiến dâng mình cho Chúa tình yêu như vật sở hữu và như dụng cụ hèn mọn trong tay Người sử dụng : “Tôn thờ Thánh Thể, yêu mến Mẹ Maria, hoàn toàn tính thác vào Chúa tình yêu, triệt để vâng lời các bề trên, khiêm tốn phục vụ mọi người và vui với phận mình khi gặp thử thách” (di chúc số 7).

2. HÃY TẠO CHO MÌNH MỘT NỤ CƯỜI
Có người đã viết : “Cười ví như nắng và buồn ví như mưa. Nắng mãi không sao nhưng mưa một ngày thì chán một ngày. Nếu vô phúc mà mưa suốt cả năm, hay tệ hơn thế nữa là mưa suốt cả đời thì hết thảy mọi thứ từ loài người, súc vật cho đến thanh bông hoa trái, cả đến nhà cửa núi non cũng phải đành chịu mục nát luôn”. Đúng thế, đời đại hồng thủy chỉ mưa có 40 mươi đêm ngày mà mọi tạo vật đã bị tiêu diệt hoàn toàn, trừ ra gia đình ông Noe với các vật đã được lệnh mang vào trong tầu (St 7, 24).
Người ta không thể định nghĩa được cười là gì. Người ta chỉ biết cười là đặc tính duy nhất của con người, và trong thực tế mọi người đã có lúc cười. Có rất nhiều thứ cười và mỗi loại cười lại có ý nghĩa riêng. Nói chung, cười là một biểu hiệu của quảng đại, của hiền từ, của chiến thắng và nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cười rất cần thiết vì nó có ích cho con người cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất, nó giải toả được sự bực tức, sự ấm ức khó chịu trong con người. Nhà văn hào Victor Hugo đã nói : ”Khi nào cười thì tôi mới độ 25 tuổi, nhưng lúc buồn rầu thì không khác gì ông già 60”
- Nhất tiếu thiên kim (Nụ cười đáng giá nghìn vàng)
- Nhất tiếu thiên địa không. (Bật lên được một tiếng cười thì trơi đất cũng như không)
Do đó cần luôn có nụ cười trên môi, nhất là trong phép xã giao. Các cụ ta khuyên nên lấy cái cười làm đầu sự xã giao, nên viết :
Nhân thế tao phùng khai khẩu tiếu.
(Người đời gặp nhau là nhoẻn miệng cười)
Cũng trong tinh thần ấy bác sĩ Victor Pauchet đã viết : “Anh hãy mỉm cười với đời trước đã rồi đời sẽ cười lại với anh”. Người Nhật lúc nào cũng có vẻ mặt tươi cười, cử chỉ nhã nhặn, nên rất được cảm tình với các dân tộc khác. Thái Lan được mệnh danh là đất nước của nụ cười. (Còn dân tộc Việt nam được mệnh danh là gì ?)
(còn 1 ky` nữa thôi.....:secret:)

Blue cloud
02-04-2009, 11:35 AM
NIỀM VUI PHỤC SINH (Tiếp theo và hết)--------------Đaminh Đinh Viết Tiên OP
3. NIỀM VUI TRONG HY SINH VÀ CHẤP NHẬN
Có một câu chuyện, có lẽ là của Charles Peguy, về một người đàn ông lên thiên đàng và thiên thần hỏi anh ta : “Những vết thương của anh đâu ?” Anh trả lời : “Vết thương à, tôi chẳng có vết thương nào cả ?” Và thiên thần buồn rầu hỏi lại : “Bộ ở trần gian không có gì để anh chiến đấu sao ?” Những vết thương mà chúng ta lãnh nhận vì người khác, chính là những gì làm nên giá trị của chúng ta. Chúng nhận diện chúng ta, cũng như các tông đồ nhận diện Đức Kitô sau khi người phục sinh, khi người chỉ cho họ xem những dấu đinh (Ga 20, 20). Thánh Phaolô mô tả sứ vụ của ngài ở Côrintô như thế này : “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì tôi chỉ muốn tập trung vào Đức Kitô và cái chết của Người trên thập giá. Tôi đến với anh em trong sự yếu đuối, sợ sệt và run rẩy” (1 Cr 2, 1-3).
Bao lâu người ta chưa biết hy sinh, chưa biết chấp nhận cuộc sống hiện tại, bấy lâu chưa có niềm vui trong lòng. Trái lại, chính sự hy sinh xả kỷ đã đem lại cho con người một niềm vui tươi man mác mà không một ai hay của cải vật chất có thể đem lại được. Ông Phạm Đình Tân đã nhận thấy như vậy và ông đã diễn tả tư tưởng ấy trong cuốn Thời bút như sau : Xuân chỉ đến với những tâm hồn chu toàn bổn phận, với những tâm hồn biết chia vui sẻ buồn với tất cả mọi người.
Ai biết được cái vui xuân của người lính gác trong đêm giao thừa ở nơi biên giới vắng vẻ ? Chỉ họ mới biết. Vì họ biết họ thức cho bao nhiêu người ngủ, họ canh gác cho bao nhiêu đồng bào bình yên, họ lẻ loi để bao nhiêu người xum họp.
Ai biết được cái vui xuân của một bà Phước trong ngày mồng một Tết vẫn cắm cúi lau chùi những vết thương đau của người khốn khổ ? Ít ai biết được. Chỉ có bà ta biết được lòng mình, vì bà biết sự hy sinh của bà đã yên ủi đôi ba tâm hồn chơ vơ trong cảnh vui chung.
Ai biết được cái vui xuân của một tu sĩ một mình lặng lẽ cầu nguyện trong bóng tối của tu viện. Ít người biết được. Chỉ có người đó biết lòng mình thôi, vì họ biết họ cầu nguyện cho người giầu sang thiếu sự an ủi, cho người cao qúi thiếu sự bình an, cho người nghèo khó no đầy ơn phúc.
Theo thánh Augustinô, khi yêu thì không còn vất vả, nếu có vất vả thì vất vả đó cũng trở thành niềm vui. Đã hơn một lần chúng ta cảm nghiệm được tình thương của Chúa đã dẫn đưa chúng ta.
“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
Ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
Và tôi đựơc ở đền Người
Những ngày tháng những dài triền miên”. (Tv 23, 6)

Kết luận : Đời là niềm vui :36:
Đời không hẳn là bể khổ, đời có vui, có buồn xen lẫn. Sự buồn phiền có thể do Chúa gửi đến cho chúng ta đi kèm với những đau khổ thể xác, nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng sự buồn phiền đó do con người tạo ra khi họ phạm tội. Khi họ phạm tội tức là họ thiếu bổn phận đối với Chúa hoặc đối với tha nhân, họ tự cắt đứt liên lạc với Chúa là nguồn vui tươi, tâm hồn họ bị giao động, không được yên nghỉ.
Vậy muốn tạo cho mình được một niềm vui tươi phấn khởi trong đời sống hiện tại, ta hãy giữ cho linh hồn mình được sạch tội, đón nhận tất cả những gì xẩy đến với một lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa từ ái, Người luôn săn sóc chúng ta như con ngươi trong mắt Người.
Mỗi ngày bạn hãy chọn một niềm vui. Niềm vui biết chia sẻ cho người khác. Mỗi ngày bạn hãy làm một việc thiện, bạn sẽ thấy đời tươi hơn. Bạn sẽ thấy cuộc sống này rất có ý nghĩa khi cuộc đời chúng ta nhằm đem lại hạnh phúc cho người khác. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi bạn giúp cho người khác được hạnh phúc.
“Thánh Phaolô luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy : cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35).
Hòa bình phúc âm là trạng thái một tâm hồn sạch tội, được giao hòa với Thiên Chúa, hài hòa với tha nhân, với vũ trụ và biểu lộ sự an bình nội tâm sâu xa.
HẾT