PDA

View Full Version : TƯƠNG LAI GIÁO HỘI ĐI VỀ ĐÂU



MatTheu Dang Dinh Quyet
08-04-2009, 11:24 PM
TƯƠNG LAI GIÁO HỘI ÐI VỀ ÐÂU ?

(Mt 16:13-20)

Ðêm 16.08.2008 vừa qua, LM Thomas Pandippallyil, 38 tuổi, bị ám sát trên đường về dâng lễ Chúa Nhật tại một làng bên Ấn Ðộ. Thân xác cha có nhiều dấu tra tấn, với những vết thương trên mặt, bàn tay và chân bị gẫy. Cha bị móc mắt. TGM Marampudi Joji, thư ký Hội đồng Giám Mục Ðông Nam Ấn Ðộ bình luận : “Cha Thomas là một vị tử đạo. Cha hy sinh cuộc đời cho người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội. Nhưng cha đã không chết vô ích, vì thân xác và máu cha làm giàu cho Giáo Hội Ấn Ðộ, nhất là Giáo Hội tại Andhra Pradesh.”[i] Nói đúng hơn, vì một niềm tin, vị anh hùng ấy đã gục ngã để tranh đấu cho công lý và sự công chính của Nước Trời.

Không có máu đổ ra, nhất định Giáo Hội không thể đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ðó là điều Chúa Giêsu đã nhìn thấy khi xây dựng Giáo Hội trên nền tảng đức tin của Phêrô và trao cho ông chìa khóa Nước Trời. Chìa khóa ấy đã mở ra cho mọi người thấy tất cả vẻ đẹp lạ lùng của Nước Thiên Chúa. Vậy giờ đây, chúng ta thử xem con đường Giáo Hội đang đi có dẫn mọi người đến Nước Thiên Chúa hay không.

NHẬN DẠNG

Sau những ngày tháng rao giảng về Nước Trời cho dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ dừng chân tại miền Xêdarê Philliphê để kiểm điểm tình hình và lượng định kết quả. Là những người sống trà trộn với quần chúng, các môn đệ hẳn đã nghe ngóng nhiều hơn về Người. Chúa bắt đầu kiểm chứng : “Người ta nói Con Người là ai? " (Mt 16:13)

Chúa Giêsu tự nhận là “Con Người,” để nhắc lại hình ảnh đầy thơ mộng trong Daniel 7:13-14. Trong đoạn này, ngôn sứ mô tả “Con Người” như một vị vua được “muôn dân từ các dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ” phục vụ. Khi xưng mình là “Con Người,” Chúa cho mọi người biết Người là mục tử hướng dẫn quần chúng. Ðể có thể chu toàn sứ mệnh làm vua và mục tử, “Con Người phải trải qua nhiều đau khổ” mới đem lại công lý và hòa bình cho muôn dân.

Tại miền Xêdarê Philliphê không có gió bão, không có cảnh đi trên mặt nước, không phép lạ. Không có biến cố hay cử chỉ khác thường nào đã thúc ép ông Phêrô phải tuyên xưng đức tin vào “Con Thiên Chúa.”

Sau khi nghe ông Phêrô tuyên xưng, Chúa Giêsu liền nói mạc khải độc nhất và chính yếu về bản chất con người Chúa phát xuất từ Chúa Cha, chứ không từ bất cứ ai. Không có tầm nhìn sâu xa như thế, không thể thấy rõ con đường hướng dẫn dân Chúa. Ðó là hạnh phúc tuyệt vời Chúa Cha dành cho ông Phêrô (x. Mt 16:17). Mạc khải đến đúng lúc ông cần để nhận quyền bính điều hành Giáo Hội.

Nhưng hạnh phúc không dừng lại đó. Sau khi thấy ông có cái nhìn của Thiên Chúa về bản thân mình, Chúa Giêsu đã trao cho ông chìa khóa Nước Trời, “chìa khóa” mở vào kho tàng quyền năng Thiên Chúa. Trong sách Khôn Ngoan, Chúa có nói : “Quyền thống lãnh mọi loài làm cho con đối xử khoan dung với mọi người. Nhưng, dù con có mọi quyền bính trong tay, con hãy lấy lượng khoan nhân mà phán quyết và xét xử.” Các “chìa khóa” ông Phêrô lãnh nhận là những phương tiện cai quản như Chúa Giêsu đã nhận từ Chúa Cha. Trong bàn tay khoan dung của Chúa, những chìa khóa đó dùng để mở tai, mắt và lòng người.

Nhưng Chúa cũng dùng những “chìa khóa” ấy ngăn cản bóng tối, sự ác và cái chết thống trị tạo vật và gia đình Thiên Chúa. Người dùng quyền năng để loại trừ vương quốc Satan ra khỏi trần gian và thiết lập Nước Thiên Chúa. Nay chìa khóa Nước Trời đã được trao cho Phêrô. Ông được Chúa ban quyền quản lý và trách nhiệm đặc biệt đối với cộng đoàn. Ông sẽ xử dụng “chìa khóa” quyền lực đó để tiêu diệt những sự bất chính, hầu có thể xây dựng Nước Thiên Chúa với toàn vẻ “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.”

Như Nước Thiên Chúa, Giáo Hội muôn đời bền vững, vì được xây dựng trên một đức tin sâu xa vào Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội xây trên nền tảng Chân Lý và Tình Yêu. Phẩm chất này bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bao lâu còn giữ được hai phẩm chất này, Giáo Hội không phải sợ bất cứ thế lực nào. Nhưng nếu đánh mất một trong hai phẩm chất đó, Giáo Hội không còn đóng nổi sứ mệnh Nước Chúa ở trần gian nữa.

Tự bản chất, Giáo Hội không phải là Nước Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội giữ “chìa khóa” Nước Trời. Nếu Giáo Hội là hiện thân của Nước Thiên Chúa ở trần gian, tất cả tín hữu đều được mời gọi xử dụng quyền năng Chúa Kitô để mở tai, mắt và lòng người. Lãnh sứ mệnh Giáo Hội trên vai, họ có bổn phận ngăn cản những tiếng ồn ào của những học thuyết sai lầm, những sự giả dối và những cám dỗ lôi kéo họ phủ nhận căn tính của mình. Nếu im lặng trước những ồn ào đó, Kitô hữu không thể xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian.

ƠN GỌI TRONG GIÁO HỘI

Hôm nay, có nhiều Kitô hữu rất hăng say lăn xả vào công cuộc bác ái xã hội. Nhờ thế, Giáo Hội đã thực hiện được nhiều chứng từ rất có giá trị ở khắp nơi. Nhưng trong số những người đó, cũng có nhiều người hoạt động để lấp liếm tiếng lương tâm. Tiếng lương tâm luôn thúc đẩy họ phải bắt đầu chứng từ Kitô bằng con đường tranh đấu công lý. Nhưng họ vẫn giả điếc làm ngơ. Họ muốn chăm ngọn mà quên gốc. Khi chăm sóc hay giúp đỡ nạn nhân, họ chỉ muốn thu xếp cho gọn gàng những gì guồng máy bất công bày hàng bừa bãi.

Bác ái mà bất chấp công lý là một thứ bác ái gì ? Có giải quyết được toàn bộ vấn đề một cách sâu xa và tận gốc không ? Vấn đề nào quan trọng hơn, bác ái hay công lý ? Xem ra nhiều lúc có mâu thuẫn giữa công lý và bác ái.

Mặc dù, nhắc đến bác ái nhiều lần, nhưng Chúa Giêsu lại nhấn mạnh : “Trước tiên hãy tìm sự công chính và Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Chúa sẽ lo cho sau.” Như vậy, Chúa muốn nói công lý là điều quan trọng nhất, chứ không phải bác ái.

Dĩ nhiên, “tự bản chất, công lý không đủ,” nên cần phải “mở rộng cửa đón nhận một sức mạnh sâu xa hơn, đó là tình yêu.”[ii] Chúa ủy thác cho ông Phêrô và các tông đồ xây dựng Giáo Hội. Giáo Hội được sinh ra để tranh đấu cho Nước Thiên Chúa dành được “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17) Chúng ta được kêu gọi để sống theo những giá trị và tiêu chuẩn Nước Thiên Chúa và cố gắng đạt tới những ưu tiên của Nước Chúa, nhất là sự công chính và công lý. “Chính trong những hoàn cảnh sinh sống và theo dòng lịch sử, Giáo Hội trở thành điểm cho con người tiếp xúc với Tin Mừng, với sứ điệp giải phóng và hòa giải, công lý và hòa bình.”[iii]

Chính sự công chính và công lý làm cho Kitô hữu nên thánh thực sự. Thực vậy, Chúa Giêsu nói : “Nếu sự công chính của anh em không hơn những người Pharisêu, anh em sẽ không được vào Nước Trời.” Làm Kitô hữu là sống thánh giữa cuộc đời. Sống thánh là sống công chính. Nói khác, càng sống công chính, chúng ta càng hoàn thành ơn gọi nên thánh. Ơn gọi nên thánh không dành riêng cho một hạng người nào. Mọi người đều được kêu gọi nên thánh. Nghĩa là, mọi người đều được Chúa kêu gọi sống công chính và tranh đấu cho công lý.

Khi trích dẫn thần học gia Hans Urs von Balthasar, ÐGH nói : “Ngày lại ngày, Giáo Hội cho chúng ta khả năng bước vào hàng ngũ các thánh. Theo thần học gia đó, các thánh là lời bình luận quan trọng nhất của Tin mừng về thực tế cuộc sống hằng ngày. Ơn gọi nên thánh không phải là một thứ xa xỉ phẩm, một đặc ân dành cho thiểu số, mà người thường không thể vươn tới. Trái lại, đó là một ơn gọi bình thường dành cho những ai đã được rửa tội. Không phải tất cả các thánh đều giống nhau. Không phải mọi vị thánh đều có đặc sủng hay một hồng ân đặc biệt. Có nhiều vị chỉ được một mình Thiên Chúa biết tên.”[iv] Muốn được nhập đoàn các thánh, chúng ta không thể quên ơn gọi sống công chính để công lý ngày càng ngự trị trong Giáo Hội và xã hội.

Hằng ngày Giáo Hội trình bày những vị thánh và chân phước cho chúng ta noi gương. ÐGH Bênêđictô XVI cho biết ÐGH Piô X “đã sống trong một thời đại hỗn loạn đối với Giáo Hội.” Hỗn loạn vì quá nhiều bất công. Theo ÐGH Gioan Phaolô II, “Ðức Piô X đã phấn đấu và đau khổ để cho Giáo Hội được tự do” và “để khẳng quyết về sự thật và đức tin toàn vẹn, người đã phải đương đầu với những ngộ nhận và chê cười của nhiều người,”[v] để công lý trở lại với Giáo Hội và xã hội.

Ngày nay, thực tế có những người sẵn sàng thỏa hiệp và cấu kết với những cơ chế bất công để tìm được sự an toàn và phát triển cho cá nhân và cộng đoàn. Nhiều người quá say mê dấn thân vào công cuộc bác ái đến nỗi quên cả công lý.

Chính khi tranh đấu cho công lý, chúng ta mới thấy tất cả sức mạnh của ân sủng. ÐGH Bênêđictô XVI quả quyết : “Muốn biết sống trong ân sủng có nghĩa gì, người ta không hoảng sợ vì đau khổ. Ngược lại, họ tình nguyện chịu đựng bất cứ hoạn nạn nào vì ân sủng là hoa quả của lòng kiên nhẫn.”[vi] Không đủ kiên nhẫn để tranh đấu cho công lý, chúng ta sẽ không thể sống trong ân sủng.

TIẾNG NÓI CÔNG LÝ TẠI VIỆT NAM

Rất vui khi thấy Thần Khí vẫn làm vang lên trong GHVN những tiếng nói bất khuất trước bạo lực. Dưới tiêu đề, “Chánh xứ Thái Hà kêu gọi Giáo Hội cần mạnh dạn bảo vệ giáo dân trước các bất công xã hội,” đài Á Châu Tự Do đã trình bày những phát biểu của linh mục Vũ Khởi Phụng về hiện tình công lý tại Việt Nam như một thách đố đối với Giáo Hội.

Trước hết, sau nhiều năm kiên nhẫn chờ đợi, mọi người đều thấy “hồi đáp từ chính quyền về vụ khiếu kiện đất đai của Nhà Thờ Thái Hà không đáp ứng nguyện vọng của giáo dân.” Dù thế, lòng gan dạ của tín hữu Chúa vẫn bền bỉ. “Bất chấp những lời lẽ và hành động đe dọa của nhà nước đối với Ban Hành Giáo và giáo dân Giáo Xứ Thái Hà, các cuộc cầu nguyện tập thể của bà con Công giáo tại đây vẫn liên tục và đều đặn diễn ra để đòi hỏi công lý.”[vii] Thật là can đảm ! Có can đảm như thế, Giáo Hội mới có thể làm chứng và xây dựng cũng như phát triển đúng hướng Chúa Kitô vạch ra.

Quả thật, khi trao chìa khóa cho Phêrô, Chúa Giêsu còn hứa cho Giáo Hội sức mạnh chiến thắng quyền lực âm phủ (x. Mt 16:18). Quyền lực âm phủ là “sức mạnh của ma quỷ dùng sự dữ để đưa người ta vào con đường tội lỗi và cuối cùng giam giữ họ trong sự chết đời đời”[viii] ? Con đường tội lỗi đầy dẫy bất công và gian ác. Chính cơ chế bất công đã xây đắp nên con đường đó. Tại sao phải sợ quyền lực âm phủ, khi đã được Chúa bảo đảm chắc chắn “Hội Thánh sẽ đứng vững trước sự tấn công của Satan, nhưng nhất là Hội Thánh sẽ tấn công Satan để giải thoát người ta”[ix] ? Phải chăng nhát sợ vì không đủ đức tin vào lời Chúa ? Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua không đủ mạnh để củng cố đức tin chúng ta hay sao ?

Hơn nữa, “Giáo lý của Giáo Hội nói rằng nền kinh tế luôn luôn phải phục vụ con người chứ không bao giờ con người lại được dùng để phục vụ những quyền lợi kinh tế, đặc biệt là những quyền lợi của giới tài phiệt.”[x] Chúa không muốn con người trở thành dụng cụ, nhưng phải là cứu cánh cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Phản lại nguyên tắc đó, tất cả mọi cơ chế đều trở thành guồng máy áp bức và phá hoại.

Sau khi đã nêu lên nguyên tắc chung ấy, linh mục Vũ Khởi Phụng đề nghị : “Trong rất nhiều hoàn cảnh cần phải có một đường lối mục vụ rõ ràng để cho người tín hữu của Giáo Hội thi hành đúng cái luân lý đạo đức xã hội và đồng thời Giáo Hội cũng đừng quá im tiếng trước những bất công mà những người nghèo phải gánh chịu.”[xi] Nói khác, “Giáo Hội cũng nên đưa ra một quan điểm nào đấy để hướng dẫn người giáo dân” trước “những vấn đề như là tham nhũng, hay vấn đề người nghèo bị thua thiệt.”[xii] Ðó là vấn đề vô cùng cấp thiết và phải chiếm vị thế ưu tiên trong mọi chương trình và kế hoạch của GHVN.

Giáo dân tập trung cầu nguyện

yêu cầu nhà cầm quyền trả lại khu đất của Nhà Dòng.

Ði vào chi tiết, LM Vũ Khởi Phụng cho biết : “Tôi mong muốn là trong Giáo Hội nên có một sự nghiên cứu về mặt cơ cấu của xã hội để thấy rằng cơ cấu của xã hội này có nguy cơ sản xuất ra những sự bất công như thế nào và nó có nguy cơ làm cho người nghèo bị áp bức như thế nào. Tôi xin Giáo Hội nghiên cứu cái vấn đề đó.”[xiii] Chắc chắn GHVN có thể thực hiện được điều đó, nếu GHVN muốn, vì Giáo Hội được Chúa kêu gọi làm “ánh sáng muôn dân.”

Công lý đã trở thành vấn đề quá lớn liên quan tới mọi người trong xã hội Việt Nam, chứ “không phải chỉ những chuyện liên quan tới quyền lợi của Giáo Hội” Bởi thế, LM Vũ Khởi Phụng mạnh dạn đóng góp : “Giáo Hội thu thập được tất cả những sự cộng tác của rất nhiều anh em, ví dụ như là những nhà chuyên môn về kinh tế, hay là về pháp luật, hay là về xã hội, để có thể soi sáng vào từng những vấn đề.” Nói khác, muốn vượt qua được nỗi sợ và bắt đầu hành động, GHVN cần phải lên kế hoạch và tận dụng nhân lực mới có thể tìm lại được công lý cho xã hội Việt Nam. Làm được như thế, GHVN sẽ thấy “tất cả những người nào là người nghèo, người bị oan ức, người bị áp bức có thể tìm thấy ở trong Giáo Hội như là một sự cảm thông, như là một cái gia đình, như là một cái tình nghĩa anh em chị em với mình”[xiv] Thật tuyệt vời !

Con đường và mục đích đã vạch ra, nhưng bao giờ GHVN mới lên đường ? LM Vũ Khởi Phụng nhận xét đầy thông cảm : “Các cấp lãnh đạo trong Giáo Hội có lẽ là còn đang do dự bởi vì cũng thấy rằng là vấn đề nó khó khăn và nó phức tạp.”[xv] Nhưng chẳng lẽ dậm chân tại chỗ ? Nếu thế, bao giờ mới giải quyết được vấn đề bất công ?

Gạt qua một bên những khó khăn, LM Vũ Khởi Phụng mạnh dạn lên tiếng : “Nhưng mặc dù như vậy đi nữa thì phải bắt đầu đặt vấn đề đi, bởi vì nếu không bắt đầu thì biết đến bao giờ mới có thể có một tiếng nói xác đáng về những vấn đề liên quan tới công bình xã hội hay là những tiếng kêu cứu, kêu oan đang nổi lên ở khắp mọi nơi trong xã hội chúng tôi.”[xvi] Cứu giúp người nghèo và dân oan cũng như chữa lửa, không thể chần chừ được !

Hiện tại, vấn đề quá phức tạp và bề bộn. Sở dĩ thế vì vấn đề đã có một nguồn gốc rất sâu xa và tồn đọng từ bao đời. Nhìn sâu vào vấn đề, chúng ta phải đồng ý với LM Vũ Khởi Phụng, “trong một thời gian khá dài, hình như là tôn giáo đã bị coi như là một cái gì đấy có hại, và vì thế tất cả những cái gì thuộc về tôn giáo thì hình như là bị thu hẹp tới mức tối đa. Chính cái chính sách đấy là một sự tính toán sai lầm. Nếu mà trước kia đừng có đối xử với các tôn giáo như vậy thì có lẽ những tệ nạn xã hội, những tệ nạn tham nhũng, những sự khủng hoảng tinh thần, nhưng sự giới trẻ mất định hướng, v.v. ngày nay nó sẽ giảm bớt nhiều.”[xvii]

Tôn giáo là một lực lượng có thể góp phần xây dựng phần rất quan trọng cho con người và xã hội. Con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc sản xuất. Nhưng con người chỉ có thể sản xuất khi ổn định về tinh thần trong đời sống gia đình và xã hội. Ai có khả năng đem lại sự ổn định đó, nếu không phải là tôn giáo ? Tại sao lại trấn áp và loại bỏ một lực lượng quan trọng đó ? Chính sách tôn giáo của nhà nước có lợi gì cho việc sản xuất hay an ninh quốc gia không ?

Tóm lại, sau khi tuyên xưng Chúa Giêsu là “Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” Phêrô đã được Chúa đặt làm nền tảng xây dựng Hội Thánh. Như Chúa Kitô, Hội Thánh trở thành sức mạnh giải thoát nhân loại. Nhờ lời Chúa hứa, Giáo Hội có một sức mạnh áp đảo cả quyền lực Satan. Không những có thể làm chứng cho Chúa Kitô, Giáo Hội còn có thể tấn công bè lũ Satan và bẻ gãy mọi gọng kìm của chúng là cơ chế bất công để thiết lập Nước Thiên Chúa trong sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Ðược thế, Giáo Hội sẽ đi đúng hướng Chúa Kitô đã vạch ra.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã thương ban cho Giáo Hội tồn tại và phát triển khắp nơi trên trần gian tới ngày hôm nay. Xin cho GHVN có nhiều chứng nhân và ngôn sứ can trường hơn nữa. Amen.

Đỗ Lực 24.08.2008
NGUỒN: THANHLINH.NET