PDA

View Full Version : Có buộc dự lễ ngày Chúa Nhật và kiêng việc xác không?



Damsan
11-04-2009, 11:27 AM
CÓ BUỘC DỰ LỄ NGÀY CHÚA NHẬT Và KIÊNG VIÊC XÁC KHÔNG ?

Hỏi: xin cha giải thích rõ luật buộc xem lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng và luật kiêng việc xác các ngày này.

Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi cần nói qua về ý nghĩa và mục đích cử hành Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc trong phụng vụ của Giáo Hội.

Như chúng ta biết, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái phải giữ ngày Sabat, thức ngày thứ bảy trong tuần như sau:

“ ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc gì, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi..” (Xh 20:8-10).

Đây là nguồn gốc của luật giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ trọng và luật kiêng làm việc xác những ngày này trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay.

Thật vậy, Thiên Chúa muốn cho dân Do Thái dành riêng một ngày để thờ kính Ngài và suy niệm về công trình sáng tạo vũ trụ và tạo dựng loài người cách riêng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Ngài cũng không có ý bắt buộc họ phải giữ ngày Sabat một cách máy móc, nghiêm ngặt đến nỗi không cho ai làm bất cứ điều gì trong ngày này kể cả chữa bệnh cho người đau ốm hoặc cho người đói khát ăn uống. Đây chính là sự mù quáng của nhóm Biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu khi bọn này bắt bẻ Chúa chữa bệnh trong ngày Sabat, khiến Người đã phải nghiêm khắc nói với họ như sau: “ Ai trong các ông có con chiên độc nhất bị sa xuống hố ngày Sa bát lại không nắm lấy nó mà kéo lên sao ? Mà người thì quí hơn chiên biết mấy. Vì thế, ngày Sabat được phép làm điều lành.” (Mt 12:11-12)

Như thế cho thấy rõ là Chúa Giêsu không hài lòng về cách giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái vì họ hoàn toàn hiểu sai mục đích Thiên Chúa mong muốn cho dân tuân giữa ngày này. Họ giữ theo luật để bắt bẻ người khác không giữ luật cách máy móc như họ chứ không phải giữ vì lòng mến Chúa thực sự.

I- Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng trong Giáo Hội ngày nay.

Người tín hữu ngày nay không buộc giữ ngày Sabat nhưng phải giữ ngày Chúa Nhật. Trước hết, theo giáo lý của Giáo Hội thì ngày Chúa Nhật được gọi là Ngày của Chúa (Dies dominica) theo tinh thần Thánh Vịnh 118: 24:

“ Đây là ngày CHÚA đã làm ra

Nào ta hãy vui mừng hoan hỉ”

Mặt khác, ngày Chúa nhật cũng là ngày kỷ niêm Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Vì thế, Giáo Hội dạy rằng : “ việc cử hành Ngày của Chúa và Hy tế Tạ Ơn của Chúa (The Eucharist) mỗi ngày Chúa Nhật là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Ngày Chúa Nhật cũng là ngày cử hành Mầu Nhiệm vượt qua theo truyền thống Tông Đồ, và phải được tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ buộc chính yếu.” (x. SGLGHCG, số 2177; giáo luật số 1246).

Như thế, ngày Chúa Nhật vữa hoàn tất tinh thần ngày Sabat ca tụng Thiên Chúa về công trình sáng tạo của Ngài vừa làm sống lại Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô qua phụng vụ thánh để nhắc nhở mọi tín hữu về sự viên mãn của công trình cứu chuộc và hy vọng vào ơn cứu độ nhờ Chúa Kitô.

Nói khác đi, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật trước hết là để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài qua Chúa Kitô, đồng thời cũng nói lên hy vọng vào ơn cứu độ, vào sự sống chung cuộc trong Nước Thiên Chúa sau khi đã sống và làm chứng tá đích thực cho Tin Mừng Cứu Độ nơi trần thế này. Như vậy, các tín hữu phải sốt sắng và vui sướng được tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật thay vì ngần ngại hay miễn cuỡng phải giữ vì luật buộc.Nghĩa là phải coi luật buộc này như sự nhắc nhở đặc biệt của Giáo Hội về ý nghĩa và mục đích của phụng vụ thánh ngày Chúa Nhật chứ không phải sự gò bó làm mất tự do của ai.

Nói về luật buộc, thì ngoài ngày Chúa Nhật quanh năm, giáo luật cũng liệt kê thêm các ngày lễ trọng khác như lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh , lễ Phục Sinh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ Đức Me là Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm , lễ Đức Mẹ lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phaolô và Phaolô Tông Đồ, lễ các Thánh nam nữ . (x. giáo luật số 1246,triệt 1)

Tuy là luật buộc, nhưng không có nghĩa là bó buộc trong mọi hoàn cảnh, không chút nhân nhượng nào như thái độ giữ ngày Sabat của nhóm Biệt phái và luật sĩ Do Thái xưa.

Nói rõ hơn, trong điều kiện bình thường, thì mọi tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) buộc phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng khác. “ Những ai lỗi phạm nghĩa vụ này cách có suy nghĩ thì phạm một tội trọng” (x.SGLGHCG số 2181). Nhưng trong những truờng hợp bất khả kháng như đau yếu, phụ nữ sinh con, người săn sóc bệnh nhân trong nhà thương hay tư gia, sinh sống ở nơi không có nhà thờ Công Giáo, bị bắt buộc phải đi làm theo lệnh hay đòi hỏi của chủ nhân trong ngày Chúa nhật, nhân viên công lực phải làm nhiệm vụ, hoặc binh sĩ tác chiến ngoài trận địa….. thì đó là những lý do chính đáng không buộc phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng , tức là không có tội nếu không tham dự được thánh lễ các ngày đó.

Điều quan trọng cần lưu ý là phải giữ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trong vì lòng yêu mến Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh ..chứ không phải vì sợ lỗi luật buộc hay sợ người ta phê bình là “khô đạo”.

II- Luật kiêng làm việc ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trong.

Kinh Thánh cho biết : “..Khi làm xong mọi công việc của Người , ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.” ( St 2,2).
Đây là lý do khiến Giáo Hội mong muốn cho các tín hữu tạm ngưng nghỉ các công việc làm ăn bận rộn hàng ngày để dành thì giờ và tâm trí cho việc thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa cách đặc biệt trong Ngày của Chúa, đồng thời cũng có chút thì giờ để thư giãn thể xác và tâm hồn hầu lấy lại sức cho những sinh hoạt tiếp tục sau đó. Như vậy luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng cũng nhằm giúp chu toàn bổn phận thiêng liêng trong các ngày đó một cách tốt đẹp, hài hoà giữa thể xác và tâm trí. (giáo luật số 1247; SGLGHCG số 2184)

Tuy nhiên, cũng như luật giữ ngày Chúa Nhật, luật kiêng làm việc cũng không nhất thiết áp dụng khắt khe trong mọi trường hợp. Thông thường khi không có lý do chính đáng thì các tín hữu phải chú tâm chu toàn việc thờ phượng Chúa và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, để kính nhớ sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa trong ngày thứ bảy sau khi Ngài đã hoàn tất mọi việc sáng tạo trong sáu ngày. Tuy nhiên trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, nhất là ở những nơi người ta chủ yếu hoạt động thương mạiï và dịch vụ vào những ngày cuối tuần khiến rất nhiều người phải đi làm hay mở của hàng buôn bán, lo dịch vụ trong ngày thứ bảy và chúa nhật. Do đó vì lý do sinh sống thực sự cho gia đình hay vì lợi ích của xã hội thì đây là “ những lý do chính đáng để chuẩn miễn việc buộc nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật” (x. Sđd, số 2185).

Điều quan trọng là phải chu toàn việc thờ phượng Chúa trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, nghĩa là không được tự ý gây trở ngại cho việc đi dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

Nói khác đi, khi có điều kiện cho phép thì phải giữ các ngày lễ buộc và kiêng việc xác trong những ngày này. Nhưng nếu vì lý do kinh tế, phải đi làm những ngày đó mới đủ sống cho bản thân và gia đình, hoặc phải đi làm theo đòi hỏi của người thuê mướn; bác sĩ , y tá làm việc ở các bệnh viện, nhân viên cấp cưú, nhân viên an ninh công cộng phải làm theo nhu cầu của lợi ích chung thì không thể giữ luật buộc để nghỉ việc được. Đó là lý do chính đáng để được miễn trừ theo lương tâm và theo giáo lý của Giáo Hội.

Tóm lại, luật chỉ áp dụng trong những trường hợp bình thường để tránh thói lười biếng hay cố ý lơ là những bổn phận thiêng liêng mà thôi.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
www.vietnhim.com (http://www.vietnhim.com)

Damsan
11-04-2009, 11:29 AM
GIỮ LUẬT KIÊNG VIỆC XÁC NHƯ THẾ NÀO?



http://www.gplongxuyen.net/tapsan/blebul1a.gif Lm. LG. Huỳnh Phước Lâm


1. Ý NGHĨA CỦA KIÊNG VIỆC XÁC
Điều răn thứ hai trong “Sáu điều răn Hội Thánh” đã quy định: “Kiêng việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc”. [1]
Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, số 2184, đưa ra giải thích như sau:
“Như Thiên Chúa “nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất cả công trình” (St 2,2), đời sống con người cũng theo nhịp như thế giữa lao động và nghỉ ngơi. Khi lập ra ngày Chúa nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thời giờ nghỉ ngơi giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo (GH 67,3).
Để hiểu rõ ý nghĩa ngày Chúa nhật của Kitô giáo, chúng ta cần nói qua ý nghĩa của ngày sa bát trong Cựu Ước là hình ảnh tiên trưng.
Trong Cựu Ước, ngày sa bát là ngày thánh, là “ngày nghỉ hoàn toàn để dâng cho Đức Chúa” (Xh 31,15):
“Ngươi hãy nhớ ngày sa bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa bát và coi đó là ngày thánh” (Xh 21, 8-11).
Về ngày sa bát, Thánh Kinh không những gợi cho Dân Chúa tưởng nhớ công trình sáng tạo, mà nhất là còn giúp cho Dân Chúa tưởng nhớ biến cố giải phóng It-ra-el khỏi ách nô lệ Ai Cập: “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa bát” (Đnl 5,15).
Cũng như ngày sa bát được cử hành để tưởng nhớ những kỳ công Thiên Chúa thực hiện cho Dân của Giao Ước Cũ, thì ngày Chúa nhật, Dân của Giao Ước Mới nghỉ việc để tưởng niệm công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, nhất là sự phục sinh của Người nhờ đó chúng ta được giải thoát khỏi làm nô lệ tội lỗi, sự chết và ma quỷ.

2. KIÊNG VIỆC XÁC NHƯ THẾ NÀO?
Trong Cựu Ước, ngày sa bát, người ta bị cấm không được làm bất cứ công việc nào (x. Xh 20,10; Lv 23,3; Đnl 5,14); còn trong những ngày lễ quan trọng khác (Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men), chỉ cấm không được làm một công việc nặng nhọc (Lv 23, 7-8), là những công việc tay chân thuộc nghề nghiệp hằng ngày.
Còn trong Giáo Hội Công giáo, Điều 1247 của Bộ Giáo luật đã quy định vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc khác, tín hữu “còn phải kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc cho việc nghỉ ngơi cần thiết của tinh thần và thể xác”.
Quy định này cũng được lặp lại trong Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, số 2185, với sự bổ túc thêm một chi tiết là việc bác ái: “Ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu tránh lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, việc hưởng niềm vui trong ngày của Chúa, việc bác ái và tịnh dưỡng thể xác cũng như tinh thần”.
Trước kia, người ta thường để ý đến bản chất của công việc chứ không quan tâm đến ý hướng hoặc mục đích theo đuổi. Vì thế, không lạ gì khi người ta phân biệt công việc thành ba loại trong khi kiêng việc xác:
- Cấm các việc lao động thể xác.
- Được phép làm những việc lao động trí thức (dạy học, viết văn…).
- Cũng được phép làm những công việc chung cho mọi hạng người (thể dục thể thao…).
Cách phân chia như thế xem ra không ổn. Thí dụ:
- Ngày Chúa nhật không ai có thể làm một việc tay chân để giúp đỡ kẻ khác, trong khi một giáo viên vốn đã khá giả có thể dạy học để được thêm giàu có.
- Một Kitô hữu tham dự thánh lễ xong, dành cả thời giờ còn lại của ngày Chúa nhật cho thể thao và cứ đều đều như thế, thì thử hỏi có phải là thánh hoá ngày Chúa nhật không?
Cho nên ở đây, Giáo Hội không còn phân định việc lao động tay chân hay lao động trí óc, nhưng nói rằng các tín hữu phải ngừng nghỉ tất cả các công việc làm ăn hàng ngày và các hoạt động (thể thao, giải trí, nghệ thuật…) để dành thì giờ và tâm trí cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho bầu khí vui tươi của ngày lễ, cho việc sống hiệp thông huynh đệ và cho việc thư giãn thể xác cũng như tâm hồn.
Tiêu chuẩn quyết định không còn do bản chất của công việc nhưng do mục đích của sự nghỉ ngơi ngày Chúa nhật.
Giáo Hội còn nhắc nhở các tín hữu như sau: “Theo truyền thống đạo đức công giáo, ngày Chúa nhật phải là ngày dành riêng để làm việc lành và khiêm tốn phục vụ cho bệnh nhân, kẻ tàn tật và già lão. Người tín hữu cũng phải thánh hiến ngày Chúa nhật bằng cách dành thời giờ để chú tâm đến gia đình và thân hữu, những người mà thường nhật họ khó chú tâm tới. Ngày Chúa nhật cũng là thời gian suy tư, tĩnh lặng, rèn luyện và suy niệm cần thiết để đời sống nội tâm của tín hữu được phát triển” (GLHTCG, số 2186).

3. TRƯỜNG HỢP MIỄN CHUẨN
Cũng như luật giữ ngày Chúa Nhật, luật kiêng việc xác cũng không nhất thiết áp dụng khắt khe trong mọi trường hợp.
Sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, số 2185, quy định: “Luật giữ ngày Chúa nhật có thể được miễn chuẩn, khi có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng”.
Nếu vì lý do kinh tế, phải đi làm những ngày đó mới đủ sống cho bản thân và gia đình, hoặc nếu phải đi làm theo nhu cầu của lợi ích chung như bác sĩ, y tá làm việc ở các bệnh viện, nhân viên trực điện, nước, giao thông… thì đó là lý do chính đáng để được miễn trừ theo lương tâm và theo giáo lý của Giáo Hội.
Các Đức Giám Mục giáo phận và các Cha sở được quyền miễn chuẫn cho giáo dân của mình khỏi giữ luật kiêng việc xác, cũng như đối với luật dự lễ vậy (x. Điều 1245).
Tuy nhiên Giáo Hội cũng lưu ý chúng ta rằng: “Những tín hữu cũng phải coi chừng, đừng để những miễn chuẩn này dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình hay sức khoẻ của mình” (GLHTCG, số 2185).
[1] (http://www.gplongxuyen.net/tapsan/092008/kiegvxac.htm#_ftnref1) Tại Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các ngày Chúa nhật, chỉ buộc giữ lễ
Chúa Giáng Sinh.


www.gplongxuyen.net (http://www.gplongxuyen.net)