PDA

View Full Version : Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi



Rocky
11-04-2009, 04:20 PM
Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi




Resurrexi, et adhuc tecum sum. Alleluia! – Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha. Alleluia!



http://www.tgmmt.org/DGH/Urbi%20et%20Orbi%202008_files/image001.jpg

Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, lặp lại những lời công bố hân hoan này với chúng ta hôm nay: lời công bố Phục Sinh. Chúng ta hãy chào đón lời công bố này với sự ngạc nhiên và lòng tri ân sâu xa!

Resurrexi et adhuc tecum sum – Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời.

Những lời này, trích từ trong phiên bản cổ xưa của Thánh Vịnh 138 (câu 18b), được hát lên trong phần đầu của Thánh Lễ hôm nay. Trong đó, vào lúc mặt trời Phục Sinh đang vươn lên, Giáo Hội nhận ra giọng nói của Chúa Giêsu, chính Ngài, Đấng trỗi dậy từ trong kẻ chết, đang hướng về Chúa Cha đầy hân hoan và yêu thương, và thốt lên: Cha ơi, này con đây! Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha, và Con sẽ bên Cha mãi mãi; Thần Khí của Cha đã không bao giờ bỏ rơi Con. Qua đó, chúng ta có thể đi đến một nhận thức mới về những đoạn khác trong thánh vịnh này: “Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài…Cả tối tăm cũng chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau.” (Tv 138:8-12). Thật thế: trong đêm canh thức Phục Sinh trọng thể này, bóng tối trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho thanh thiên bạch nhật không biết đến chiều tà. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thân là một biến cố của tình yêu bất khả chiến bại, đó là vinh quang của Tình Yêu dẫn đưa chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi và sự chết. Biến cố ấy thay đổi giòng lịch sử, ban cho sự sống nhân loại một ý nghĩa, một giá trị vĩnh cửu và mới mẻ.

“Con đã sống lại, Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời”

Những lời này mời gọi chúng ta chiêm niệm về Chúa Kitô phục sinh, trong khi để cho tiếng nói Ngài vang vọng trong tim ta. Với hy hiến của Ngài, Chúa Giêsu thành Nagiarét đã biến chúng ta thành nghĩa tử của Thiên Chúa, để cả chúng ta cũng được dự phần trong cuộc đối thoại mầu nhiệm giữa Người và Chúa Cha. Chúng ta được nhắc nhớ những lời Người đã từng nói với những ai đang lắng nghe: “Mọi sự đã được Cha Ta giao phó cho Ta. Và không ai biết rõ Cha trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27). Trong viễn tượng này, chúng ta ghi nhận rằng những lời Chúa Giêsu phục sinh nói với Chúa Cha hôm nay – “Con vẫn kề cận bên Cha đến muôn đời” – cũng áp dụng gián tiếp cho cả chúng ta nữa, “những con cái của Thiên Chúa và là những người đồng thừa tự với Chúa Kitô, miễn là chúng ta cùng chịu đau khổ với Người ngõ hầu chúng ta có thể cùng được hưởng vinh quang với Người” (x Rm. 8:17). Qua sự chết và sự sống lại với Chúa Kitô, chúng ta cũng vươn đến một cuộc sống mới hôm nay, và khi hiệp nhất chung một giọng với Người, chúng ta công bố rằng chúng ta muốn lưu lại muôn đời bên Thiên Chúa, người Cha tốt lành và nhân hậu vô biên.

Bằng cách này, chúng ta tiến vào những chiều sâu của mầu nhiệm Vượt Qua. Biến cố đáng kinh ngạc về sự phục sinh của Chúa Giêsu thực chất là một biến cố của tình yêu: tình yêu của Chúa Cha khi trao ra Con Ngài cho ơn cứu chuộc thế giới; tình yêu của Chúa Con khi vâng ý Chúa Cha vì tất cả chúng ta; tình yêu của Chúa Thánh Thần khi nâng Chúa Giêsu từ kẻ chết lên thân thể được biến đổi sáng láng của Ngài. Và còn nữa: tình yêu của Chúa Cha “ôm ấp” Chúa Con “cách mới mẻ”, bao bọc Người trong trong vinh quang; tình yêu của Chúa Con đáp lại Chúa Cha trong quyền năng của Thánh Thần, được trang hoàng bằng nhân loại được biến đổi chúng ta. Từ nghi thức hôm nay; trong đó chúng ta làm sống lại cảm nghiệm phục sinh tuyệt đối, một lần cho tất cả của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được lời mời gọi hoán cải cho Tình Yêu; chúng ta nhận được lời mời gọi loại trừ thù hận và ích kỷ, và bước theo trong vâng phục những bước chân của Chiên Con bị sát tế vì ơn cứu độ cho chúng ta, để bắt chước Đấng Cứu Độ là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Đấng là “nơi yên nghỉ cho linh hồn chúng ta” (x. Mt 11:29).

Anh chị em Kitô hữu trên mọi miền của thế giới, những người nam nữ có tinh thần chân thành mở rộng cho sự thật, xin đừng có con tim nào đóng lại trước quyền năng của tình yêu cứu độ này!

Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người; Ngài là niềm hy vọng của chúng ta – là niềm hy vọng chân thật cho nhân loại. Hôm nay, như Ngài đã làm với các môn đệ tại Galilê trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến mọi nơi như những chứng nhân hy vọng, và Ngài bảo đảm với chúng ta: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế (x. Mt 28:20). Khi hướng lòng trí chúng ta đến những vết thương nơi thân thể biến đổi của Người, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ, chúng ta có thể chăm sóc cho nhiều vết thương đang tiếp tục làm biến dạng nhân loại trong chính thời đại chúng ta. Nơi những thương tích vinh quang của Người, chúng ta nhận ra những dấu chỉ không thể tàn phai của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Người các tiên tri đã đề cập đến như Đấng băng bó những tấm lòng tan nát, bảo vệ kẻ thế cô, công bố tự do cho kẻ bị giam cầm, Đấng yên ủi mọi kẻ khóc than, ban cho họ dầu thơm hoan lạc thay tang chế, và bài tụng ca thay tâm hồn sầu não.(x. Is 61:1,2,3). Nếu chúng ta xích lại gần Người với một lòng tín thác khiêm cung, chúng ta sẽ gặp thấy trong ánh mắt Người lời đáp trả cho những khát vọng sâu xa nhất trong tim ta: đó là được biết Chúa và được thiết lập một quan hệ sống động trong sự hiệp thông thực sự của tình yêu, một sự hiệp thông đong đầy đời ta, và những quan hệ giữa con người và xã hội với cùng một tình yêu như thế (x Rm 8:24).

Quá thường khi những quan hệ giữa các cá nhân, giữa các nhóm và giữa các dân tộc đã không được đánh dấu bởi tình yêu nhưng bởi sự ích kỷ, bất công, thù hận và bạo lực! Đó là những tai ương của nhân loại, công khai và được nuôi dưỡng ở mọi chân trời góc bể, dù thường khi chúng bị lờ đi và đôi khi được cố ý che dấu; đó là những vết thương tra tấn những linh hồn và thân xác của cơ man những anh chị em chúng ta. Những vết thương đó đang chờ được chăm sóc và chữa lành bởi những vết thương vinh quang của Chúa Phục Sinh (x Pr 2:24-25) và bởi tình liên đới của những người đang bước theo bước chân Ngài, thực thi những việc bác ái nhân danh Ngài, dấn thân tích cực cho công lý, và loan truyền những dấu chỉ hy vọng trong những miền đẫm máu vì tranh chấp và ở bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người tiếp tục bị xỉ nhục và chà đạp. Hy vọng rằng đó chính là những nơi mà những nghĩa cử tự chế và tha thứ sẽ được gia tăng!

Anh chị em thân mến!

Chúng ta hãy để ánh sáng dõi chiếu từ ngày long trọng này thắp sáng chúng ta; chúng ta hãy mở rộng lòng mình trong sự tín thác chân thành nơi Chúa Kitô phục sinh sao cho vinh quang của Người trên tội lỗi và sự chết có thể chiến thắng khải hoàn nơi mỗi một người trong chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong các thành phố và trong các quốc gia chúng ta. Hãy để ánh sáng này chiếu soi mọi miền thế giới. Cách riêng, làm sao chúng ta lại có thể quên những miền nhất định ở Phi Châu, như Darfur và Somalia, miền đất chịu xâu xé Trung Đông, đặc biệt Thánh Địa, Iraq, Li Băng, và cuối cùng là Tây Tạng, tôi khích lệ tất cả mọi người hãy tìm ra những giải pháp bảo vệ hòa bình và thiện ích chung! Chúng ta hãy khẩn cầu sự viên mãn của hồng ân Vượt Qua của Người, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đấng sau khi đã thông phần những đau khổ trong cuộc thương khó và khổ hình thập giá của người Con vô tội Mẹ, cũng được hưởng niềm hân hoan khôn tả của sự phục sinh của Người. Khi chia sẻ vinh quang của Chúa Kitô, xin Mẹ là người bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường liên đới huynh đệ và hòa bình. Đó là những lời chúc Phục Sinh của tôi gởi đến những ai hiện diện nơi đây, và những người nam nữ mọi quốc gia và lục địa đang hiệp nhất với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Chúc Mừng Phục Sinh!



+ Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.



J.B. Đặng Minh An dịch