PDA

View Full Version : CÁI TÌNH LÀ CÁI CHI CHI ??



Damsan
18-04-2009, 04:20 PM
CÁI TÌNH LÀ CÁI CHI CHI ???

Bàn về tình yêu, người ta thường bảo :
- Tình yêu thì cũ như trái đất, nhưng lại đổi mới như mỗi độ xuân về.
Xem ra gã không nhất trí với nhận xét này cho lắm, bởi vì trái đất vào thuở ban sơ, chưa một bóng người, giống như mặt trăng hay sao hỏa bây giờ, thì đào đâu cho ra được tình yêu. Tình yêu là lãnh vực của con người. Vì thế, phải có con người thì mới có tình yêu.
Đây cũng là điều sách Sáng Thế Ký đã mô tả. Thượng Đế lấy bùn đất tạo nên hình hài Adong, rồi thổi phù một cái để phú ban cho Adong tấm linh hồn. Và từ đó, Adong sống động như chúng ta bây giờ. Ngài để Adong ở trong vườn địa đàng, một nơi cư ngụ thật tuyệt vời, đầy ắp những hoa thơm cỏ lạ, ríu rít những tiếng chim kêu vượn hót và ve ngâm.
Thế nhưng, Ngài vẫn cảm thấy như có một điều gì đó bất ổn, một điều gì đó trục trặc…Suốt ngày Adong lủi thủi một mình, cô đơn đếm từng bước chân âm thần trên sỏi đá, hái những trái cây chín ngọt mà nuốt chẳng vô.
Lúc bấy giờ Thiên Chúa mới “ngộ ra” điều bất ổn, điều trục trặc ấy. Ngài vỗ trán đánh đét một phát, rồi lẩm bẩm :
- À, thì ra thế. Anh đờn ông ở một mình không tốt. Ta hãy dựng nên cho nó một người bạn đường tương xứng với nó.
Nói là làm. Đợi lúc Adong ngủ say, Thượng Đế bèn lấy một chiếc xương sườn của Adong mà dựng nên Evà, chị đờn bà đầu tiên. Sau đó, Ngài dắt Evà tới ra mắt Adong. Vừa nhìn thấy Evà, Adong đã mừng rỡ kêu lên :
- Này đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi.
Nếu diễn tả bằng ngôn ngữ bình dân Việt Nam, hẳn Adong đã hồ hởi gọi lớn :
- Mình ơi ! Mình ơi !
Hai chữ “mình ơi” này sao mà ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Evà nghe xong cũng cảm thấy ấm cả cõi lòng. Đồng thời, với hai tiếng “mình ơi” đầy trìu mến này, tình yêu đã anh dũng đi vào nhân loại và chiếm ngự mặt địa cầu.
Suốt dòng thời gian, tình yêu vẫn liên tục phát triển. Làm sao kể cho hết những bài thơ, những bản nhạc, những câu chuyện, những cuốn sách, những bức tranh, những pho tượng, những phim ảnh, những tuồng kịch…nói về tình yêu.
Thế nhưng, nếu có ai lỡ dại mồm dại miệng mà lên tiếng hỏi :
- Tình yêu là đí gì ?
Chắc hẳn chẳng một ai trong chúng ta đưa ra được một định nghĩa đầy đủ và chính xác về tình yêu. Như thế, tình yêu mãi mãi vẫn là một mầu nhiệm. Thành thử một ông thi sĩ nào đó đã thất vọng kêu lên một cách não nùng và bi đát :
- Đố ai định nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
Và một nhà thơ cổ đã đưa ra một nhận xét thật chí lý :
- Cái tình là cái chi chi,
Dầu chi chi, vẫn chi chi với tình.
Đúng thế, mặc dù không hiểu tình yêu là đí gì, thế mà người ta vẫn cứ phây phây sống tình yêu. Mặc dù chẳng biết cái tình là cái chi chi, thế mà người ta vẫn cứ chi chi với tình.
Vậy phải sống tình yêu như thế nào, phải chi chi với cái tình ra làm sao ?
Các cụ ta ngày xưa đã khuyên nhủ bày trẻ :
- Học ăn, học nói, học gói, học mở,
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải học từ những cái đơn sơ và tầm thường, đến những cái phức tạp và quan trọng. Phải học tuốt luốt, bất cứ sự gì, huống nữa là tình yêu, một vấn đề vừa cần thiết, vừa phức tạp, lại vừa tế nhị.
Có những người đã già cái đầu, gần đất xa trời rồi mà vẫn chưa biết yêu cho đúng đắn. Họ cứ tưởng mình yêu người, những hóa ra lại là yêu chính cái tôi của mình. Mà cái tôi lại thường đi đôi với cái tồi, hay nói theo kiểu Nguyễn Du :
- Chữ tồi liền với chữ tôi một vần.
Có một chàng thanh niên tới gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng hồi lâu rồi hỏi :
- Thế thì con đã yêu ai chưa ?
Chàng thanh niên đỏ mặt tía tai, ấp úng trả lời :
- Thưa cha, chưa ạ.
Cha bề trên bèn cười lớn và nói với chàng :
- Thế thì con phải trở về, học yêu trước rồi mới tới đây mà học tu sau.
Kinh nghiệm cũng cho thấy : tình yêu không ở thể tĩnh, mà luôn ở thể động, người ta không chỉ yêu một lần thay cho tất cả, trái lại phải yêu mãi, yêu hoài, có nghĩa là tình yêu phải được liên tục đổi mới, phải được liên tục phát triển, mỗi lúc một tăng, ngày hôm nay chất lượng phải cao hơn ngày hôm qua.
Giống như anh chàng và chị nàng, không phải chỉ kết hôn một lần ở nhà thờ là đã xong chuyện, nhưng hơn thế nữa, mỗi ngày họ còn phải kết hôn lại với nhau, mỗi ngày họ còn phải hâm nóng lại tình yêu.
Người ta thường phân chia tình yêu thành hai loại, đó là ấu trĩ và trưởng thành, vị kỷ và vị tha, vì mình và vì người. Vậy thế nào là một tình yêu ấu trĩ, một tình yêu vị kỷ, một tình yêu vì mình ? Còn thế nào là một tình yêu trưởng thành, một tình yêu vị tha, một tình yêu vì người ?
Với loại thứ nhất, người ta đặt cái tôi của mình lên hàng đầu. Họ giống như anh chàng Narcisse trong thần thoại Hy Lạp. Anh ta cúi xuống dòng sông và chỉ nhìn thấy khuôn mặt đẹp trai của mình trên làn nước, để rồi cuối cùng anh ta đã nhảy xuống sông mà chết. Hồn biến thành cây hoa thủy tiên mọc ở bên bờ.
Tình yêu của họ là một tình yêu vị kỷ hay vì mình bởi lẽ khi yêu họ bắt người yêu phải phục vụ cho bản thân họ, phải làm cho họ được vui sướng mà không kể gì tới những khổ đau, những tủi cực mà người yêu phải gánh chịu.
Họ giống như chị đờn bà nhìn vào cặp mắt anh đờn ông, không phải để thấy rằng cặp mắt ấy đẹp, mà chỉ để thấy hình ảnh mình được in trong cặp mắt ấy.
Tình yêu của họ là một tình yêu ấu trĩ , bởi lẽ họ giống như một đứa con nít yêu mẹ nó chỉ vì mẹ nó có một bầu sữa, sẵn sàng cho nó bú tí bất cứ lúc nào.
Trong khi đó với loại thứ hai, người ta dành địa vị ưu tiên số một cho người mình yêu.
Tình yêu của họ là một tình yêu vị tha hay vì người, bởi lẽ khi yêu họ sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, để đem lại hạnh phúc cho người họ yêu.
Họ giống như một người vợ tần tảo, đầu tắt mặt tối nuôi chồng, đã được ca dao diễn tả qua hình ảnh con cò :
- Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về trở lại cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng…
- Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Tình yêu của họ là một tình yêu trưởng thành bởi lẽ chỉ có người đã trưởng thành mới biết quên mình và dám hy sinh vì người khác.
Họ giống như một người mẹ không quản thức khuya dậy sớm để chăm sóc cho đàn con.
Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra tại miền Bắc, khiến cho gần một triệu người bị chết. Lúc đầu người ta còn ăn cháo, ăn rau. Về sau, ngay cả củ chuối trong vườn cũng không còn nữa để mà ăn. Đi tới đâu người ta cũng thấy những thây ma nằm la liệt, chỉ còn da bọc xương.
Có hai mẹ con nhà kia nằm thoi thóp bên vệ đường. Nghe tiếng khóc của đứa con, người mẹ đã cắt đứt đầu ngón tay, đút vào miệng đứa con, để đứa con được bú những giọt máu cuối cùng của mình thay cho dòng sữa, với hy vọng đứa con sẽ được một người tốt bụng nào đó cứu sống.
Và hy vọng này đã trở thành sự thật. Đứa con ấy đã được một người hảo tâm đi qua bồng ẵm về nhà và nuôi dưỡng, đến nay vẫn còn sống.
Sự tiến triển của tình yêu là một con đường một chiều. Hướng đi bắt buộc là phải đi từ ấu trĩ đến trưởng thành, từ vị kỷ đến vị tha, từ vì mình đến vì người.
Tuy nhiên, hướng đi này đòi buộc chúng ta phải cố gắng không ngừng. Sở dĩ như vậy vì từ bên trong, mỗi người đều mang sẵn hai yếu tố thiện và ác, vị kỷ và vị tha. Hai yếu tố này không ngừng giao tranh để dành dân chiếm đất. Chỉ cần nhắm mắt ngủ quên hay chểnh mảng một chút, lập tức cái ác sẽ thắng thế và vị kỷ sẽ lên ngôi. Đúng như ông thánh Phaolô đã bảo :
- Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm. Còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm.
Vì thế :
- Sống là chiến đấu, là bơi ngược dòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi.
Những điều vừa trình bày ở trên, xem ra nặng phần lý thuyết. Vì thế, bây giờ gã xin đi vào đời thường để đưa ra mấy thứ tình yêu thật cụ thể, không chừng mỗi người chúng ta đều đã gặp phải.
Gã tạm chia thành ba thứ, đó là tình yêu “nếu”, tình yêu “vì“ và tình yêu “dù”ø. Ba chữ nếu, vì và dù là những yếu tố then chốt, quyết định cho đặc tính và tên gọi cho mỗi thứ tình yêu.
Vậy trước hết, thế nào là tình yêu nếu ?
Đây là thứ tình yêu thường xuất hiện vào giai đoạn đầu khi hai người mới quen nhau. Thực vậy, vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, người ta vừa mơ mộng lại vừa so đo, vừa thi vị hóa lại vừa cụ thể hóa tình yêu, để rồi đưa ra những điều kiện thế này thế nọ cho tình yêu được nảy mầm và lớn lên, đâm bông và kết trái.
Nói huỵch toẹt ra thì đây là một thứ tình yêu có tính toán, có điều kiện :
- Nếu anh thế này…thì em sẽ yêu anh.
- Nếu em thế kia…thì anh sẽ yêu em.
Một trong những chữ nếu tệ hại nhất mà nhiều chị nàng ngây thơ đã bị sập bẫy và đã trở thành nạn nhân đáng thương, đó là :
- Nếu em…”cho” anh, thì anh sẽ yêu em mãi mãi. Nếu em thỏa mãn những đòi hỏi của anh, thì anh sẽ yêu em trọn đời.
Trước những lời dụ dỗ đường mật ấy, nhiều chị nàng đã phe lờ những cảnh cáo của cha mẹ, cũng liều nhắm mắt đưa chân, để rồi cuối cùng đã phải cúi mặt lãnh nhận hậu quả thảm khốc của đau khổ và nước mắt vì sự lầm lỡ và dại dột của mình, đúng là :
- Kiếm củi ba năm thiêu một giờ.
Còn anh chàng, một khi đã được thỏa mãn, lập tức quên béng ngay mất những thề thốt khi trước và lộ nguyên hình là một chàng họ sở tên khanh, bèn quất ngựa truy phong, phóng lên ngựa chạy biến mất tiêu, để chị chàng ở lại ôm mối hận một đời.
Có lẽ cũng vì thế mà tại các ký túc xá sinh viên, nạn “ăn cơm trước kẻng” vẫn cứ liên tục phát triển, và Việt Nam, con số những người nạo hút và phá thai cao vào bậc nhất trên thế giới, nhất là đối với những cô gái còn non trẻ.
Tuy nhiên, thứ tình yêu nếu này mới chỉ là như một chứng bệnh ngoài da, phớt qua mà thôi. Bởi vì tới một lúc nào đó, người ta sẽ sáng mắt ra, không thể ngồi đấy mà sống với những chữ nếu, những ảo tưởng, như dân tây chính hiệu con nai vàng ngơ ngác đã bảo :
- Với những chữ nếu, người ta có thể bỏ kinh thành Paris vào trong một cái chai.
Tiếp đến, thế nào là tình yêu vì ?
Mấy ông triết gia lẩm cẩm, thường phát biểu như sau :
- Phàm đã là người thì mỗi khi hành động thì đều có lý do riêng của mình.
Cũng vậy, khi yêu người ta cũng đưa ra những lý do này lý do khác để biện minh cho việc làm của mình. Anh yêu em vì em thế nọ. Còn em yêu anh vì anh thế kia. Thứ tình yêu này chẳng cần màu mè hoa lá, nhưng mang nặng tính cách thực dụng.
Cô gái nọ yêu chàng trai kia. Mọi người đều lên tiếng can ngăn vì chàng trai kia không đủ tiêu chuẩn. Ngay cả cha sở cũng phải lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng cô gái đã trả lời :
- Con dứt khoát phải lấy anh ấy, vì anh ấy đẹp trai và gia đình anh ấy lại giàu có. Ít nữa ra mắt con phải nhìn thấy một cái gì cụ thể chứ.
Đám cưới của họ được tổ chức một cách linh đình và trọng thể, trong nhà thờ chính tòa cũng như trong một nhà hàng năm sao. Cưới nhau xong họ liền có một chiếc xe hơi và một căn nhà bề thế. Cô gái hoàn toàn thỏa mãn với chỉ tiêu được hoàn thành.
Thế nhưng, chỉ ba tháng sau, cô gái tới gặp cha sở với khuôn mặt sưng vù vì bị chồng đánh sau một trận nhậu thiếu xỉn thừa say. Cô gái khóc lóc thảm thiết :
- Biết thế này thì…
Và cha sở cũng phải thở dài :
- Bây giờ thì con đã nhìn thấy một cái gì cụ thể rồi chứ ?
Người ta có thể đưa ra nhiều lý do cho sự chọn lựa của mình, nhưng cuối cùng xem ra cũng không ngoài ba lãnh vực, đó là sắc đẹp, tiền bạc và quyền thế.
Thứ nhất, đó là sắc đẹp. Em yêu anh vì anh bảnh trai lại còn hào hoa phong nhã. Anh yêu em vì em đẹp gái.
Lãnh vực này thường cuốn hút mấy anh đờn ông nhiều hơn. Nói vậy không có nghĩa là mấy chị đờn bà chẳng để ý tới ngoại hình của cánh mày râu đâu nhé. Bằng chứng là khối bà khối cô mê như điếu đổ mấy anh chàng tài tử, ca sĩ, cầu thủ đẹp giai như Elvis Presley, David Beckham…Mấy ông thần tượng này mà đi tới đâu, thì không thiếu đờn bà con gái liền bâu tới đó!!!
Thế nhưng suy cho cùng, có tuổi trẻ nào mà không già, có sắc đẹp nào mà không bị thời gian gậm nhấm, cũng như có sắc đẹp nào mà không bị tàn phai dưới ánh nắng mặt trời.
Khi sắc đẹp không còn nữa, khi cái lý do yêu đã đổ ngả đổ nghiêng, thì lập tức người ta liền đi tìm một đối tượng khác để điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, đúng như ca dao Việt Nam đã diễn tả :
- Còn duyên anh cưới ba heo,
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.
- Còn duyên kén cá chọn canh,
Hết duyên rốc đực, cua kềnh cũng vơ.
- Còn duyên kén những trai tơ,
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.
Thứ hai, đó là tiền bạc. Em yêu anh vì anh có nhiều tiền. Anh yêu em vì gia đình em giàu sang.
Lãnh vực này thường cuốn hút mấy chị đờn bà nhiều hơn vì họ muốn thấy được một cái gì cụ thể, bảo đảm cho tương lai của mình, như một câu danh ngôn đã bảo :
- Người ta lấy vàng để nhử đờn bà. Người ta lấy đờn bà để nhử đờn ông. Và người ta lấy đờn ông để tìm ra vàng.
Đúng là cái vòng lẩn quẩn!!!
Nói vậy không có nghĩa là mấy anh đờn ông chẳng để ý tới sự bề thế của gia đình vợ đâu nhé. Bởi vì không thiếu gì những anh đờn ông nhắm chỗ giàu sang để tá túc, chẳng quản ngại thân phận ở rể. Cưới xong một phát là đã có được một căn nhà đầy đủ tiện nghi, đỡ tốn sức lao động, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Mấy anh đờn ông loại này đã chẳng được xã hội phong cho hàm kỹ sư đào mỏ đó sao.
Thế nhưng, tiền bạc vốn dĩ là cái ở bên ngoài chúng ta, nay còn mai mất. Và khi tiền bạc không còn nữa, thì tình yêu cũng chấp cánh bay cao :
- Bây giờ tiền hết, gạo không,
Thì anh ở lại mà trông lấy hòm.
Thứ ba, đó là quyền thế. Em yêu anh vì anh là bác sĩ, là kỹ sư…Còn anh yêu em vì ông già em là chủ tịch, là giám đốc…
Lãnh vực này thường được cả đờn ông lẫn đờn bà nhắm tới. Thực vậy, có những chị đờn bà ngày hôm trước còn bán thịt lợn ngoài chợ, hay bầu bạn với nồi niêu xoong chảo trong xó bếp, nhưng ngày hôm sau đã nghiễm nhiên được cả và thiên hạ gọi là bà bác sĩ, bà kỹ sư, bà chủ tịch, bà giám đốc…kể ra thì cũng thích và cũng oai. Đây chính là một tước hiệu từ trời rơi xuống, chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào cả, cũng chẳng cần kèn cựa tranh đua chi cả.
Lại cũng có những anh đờn ông đi vào hôn nhân, nhắm tới người vợ thì ít, nhưng nhắm tới ông bố vợ thì nhiều, bởi vì ông bố vợ là một người thế lực, mà anh ta có thể dùng làm bàn đạp, hay dùng làm chiếc thang để leo dần lên từng nấc danh vọng. Anh ta không đứng trên đôi chân của mình, mà đã mượn đỡ và đứng trên đôi chân của ông bố vợ cơ đấy!
Một khi thứ tình yêu nếu và tình yêu vì được đem đi kiểm nghiệm và phân chất, hẳn chúng ta sẽ thấy chúng thuộc loại tình yêu ấu trĩ, tình yêu vị kỷ, tình yêu vì mình, bởi vì mọi thứ từ tiền bạc đến quyền thế, từ ông bố vợ đến ngay chính người vợ nữa, tất cả đều được dùng để phục vụ cho cái tôi của mình. Nói cách khác, đây là một thứ tình yêu dổm, một thứ tình yêu trá hình, một thứ tình yêu ngụy tạo mà thôi.
Sau cùng, thế nào là tình yêu dù ?
Theo gã nghĩ : đây mới là loại tình yêu thứ thiệt, tinh ròng, không pha thêm tạp chất như hai thứ tình yêu kia. Đây mới là loại tình yêu trưởng thành, vị tha và vì người.
Trong thứ tình yêu này, người ta sẵn sàng chấp nhận những khuyết điểm, những thiếu sót của nhau :
- Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Trong thứ tình yêu này, người ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để đem lại hạnh phúc cho nhau :
- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Để rồi :
- Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Và theo các nhà đạo đức, thứ tình yêu này chính là một phản ảnh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì :
- Thiên Chúa hằng yêu thương con người, dù con người đã phản bội Ngài. Thiên Chúa hằng yêu thương chúng ta, dù chúng ta là kẻ tội lỗi.
Đi vào thực tế, gã thấy thứ tình yêu dù đã được xuất hiện dưới nhiều hình thức, cụ thể là để đáp ứng với những tiêu chuẩn mà thứ tình yêu vì đã đưa ra.
Đáp ứng với tiêu chuẩn sắc đẹp : dù chị nàng có xấu như Chung Vô Diện trong truyện Tàu, thì anh chàng cũng vẫn yêu lấy yêu để :
- Mũi em mười tám gánh lông,
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu, chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
Đáp ứng với tiêu chuẩn giàu sang : dù anh chàng có nghèo rớt mùng tơi, có là dân khố rách áo ôm chăng nữa, thì chị nàng cũng vẫn mê tít thò lò :
- Chồng ta áo rách, ta thương,
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.
- Yêu nhau chẳng quản chiếu giường,
Dẫu rằng tàu lá che sương cũng tình.
Đáp ứng với tiêu chuẩn quyền thế : dù anh chàng có là phó thường dân nam bộ, vai nặng chân trơn, hay bần cố nông chăng nữa, thì chị nàng cũng vẫn cứ gắn bó khắng khít còn hơn cả keo Michelin, keo dán sắt, hay keo bẫy chuột :
- Yêu anh tâm trí hao mòn,
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.
Jean Wasa, một viên quan xứ Phần Lan, bị kết án tù chung thân vì tội phản loạn. Bà vợ là Catherine đã xin với nhà vua cho phép mình được vào trong tù, chia sẻ nếp sống đọa đày với chồng. Nhà vua cũng như mọi người hết sức khuyên ngăn.
Cuối cùng, bà đã phải rút chiếc nhẫn cưới cho mọi người xem. Trên chiếc nhẫn cưới này có khắc ghi hai chữ : “sola mors”, nghĩa là chỉ trừ có cái chết mà thôi.
Được phép của nhà vua, bà đã sống với chồng mười bảy năm trong tù, cho đến khi nhà vua băng hà và Jean Wasa được trả tự do.
Thứ tình yêu dù này làm cho gã nhớ tới lời cam kết mà đôi hôn nhân vốn thề thốt cùng nhau : dù thịnh vượng hay gian nan, dù khỏe mạnh hay bệnh hoạn, thì họ vẫn cứ chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt cả cuộc đời.
Quả là tuyệt vời, khiến Thiên Chúa cũng phải hài lòng và mỉm cười!!!

Tác giả: Chuyện phiếm của Gã Siêu.
Trích Đặc san Giáo Sỹ Việt Nam