PDA

View Full Version : Cn II PS : Phục Sinh Không Phải Điều Tưởng Tượng (Ga 20: 19-31)



xoicucnong
19-04-2009, 10:56 PM
http://daminhvn.com/upload/news//tm/toma_tdo_2.jpg
G. Nguyễn Cao Luật op


Chúng tôi đã thấy Chúa và vui mừng


Chỉ sau khi được gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh, các môn đệ của Ðức Giêsu mới tin rằng Người đã sống lại thật. Có thể nói, sau cái chết đau thương của Ðức Giêsu, tất cả các ông đều sợ ; các ông tụ họp nhau và đóng kín cửa. Trong bối cảnh đó, các ông cảm thấy tràn ngập vui mừng vì gặp lại Ðức Giêsu vẫn đang sống, đang hiện diện giữa các ông. Các ông nhận ra Ðức Giêsu bằng xương bằng thịt, chứ không phải là ma, cũng không phải do ảo giác. Các ông đã nhận ra Ðức Giêsu với những thương tích trên mình : Người đã chết thật, nhưng đã sống lại. Các vết thương làm chứng Người đã chết ; nhưng con người đang chịu những vết thương ấy bây giờ đang sống giữa họ đây. Người đã sống lại thật. Các môn đệ tin như thế.


Tin Mừng Phục Sinh quả là Tin Mừng đúng nghĩa, Tin Mừng lớn lao nhất. Có lẽ các môn đệ chưa hiểu được tất cả ý nghĩa sâu xa của biến cố này, nhưng ít ra trong lúc này, các ông cũng hiểu lờ mờ về những điều Ðức Giêsu đã nói trước với các ông : Ðức Kitô phải chịu đau khổ. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi ..." (Ga 12,24). Những điều ấy nay đã được thực hiện cách trọn vẹn.


Các môn đệ vui mừng vì cảm nhận được sức mạnh của Lời Chúa : thế lực thù nghịch Thiên Chúa và con người đã bị đánh bại ; sự sống đã chiến thắng sự chết, tình yêu đã vượt lên trên hận thù, đem lại ơn tha thứ và sự sống mới. Nhờ cảm nhận được sức mạnh này, các ông sẽ can đảm dấn mình vào công trình cứu độ của Ðức Giêsu, và làm cho công trình ấy nảy sinh kết quả nơi nhiều người.


Ngoài ra, các môn đệ vui mừng vì các ông được biến đổi để thành con người mới. Các ông đón nhận từ Ðấng Phục Sinh một luồng khí mới, một luồng khí làm cho các ông trở thành những con người can đảm và hăng say làm chứng về Ðấng Phục Sinh tại khắp mọi nơi trên thế giới.


Như thế, nhờ cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh, các môn đệ bắt đầu một hành trình mới của lòng tin. Các ông sẽ dần dần gắn bó sâu xa hơn với Ðức Giêsu : các ông tin Người là Chúa bởi vì Người đã chiến thắng sự chết, đồng thời sẵn sàng chia sẻ thân phận của Người. Các ông biết chắc rằng, sau khi đã cùng bước đi với Ðức Giêsu trên con đường thập giá, các ông sẽ được tham dự vào cuộc chiến thắng của Người. Nói cách khác, các ông hiểu rằng chính mình cũng sẽ được phục sinh như Ðức Kitô nếu như các ông chu toàn trách vụ được giao phó, dù có những gian truân, dù phải hy sinh mạng sống.


"Tôi chỉ tin ... nếu ..."


Niềm vui của các môn đệ, bằng chứng các ông đưa ra không thể thuyết phục ông Tôma, người môn đệ vắng mặt khi Ðấng Phục Sinh hiện đến.


Thật ra, thái độ của ông Tôma cũng dễ hiểu. Tự nhiên ông cảm thấy mình thiệt thòi và thua kém. Trước đây, chính ông đã từng lên tiếng thúc giục các môn đệ : "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy" (Ga 11,16). Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Ðấng Phục Sinh, ít ra như mọi anh em, thế nên ông đã đưa ra điều kiện : "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người ... tôi chẳng có tin." Ông quả là một người chính trực và thẳng thắn.


Nhìn từ một góc cạnh khác, thái độ không dễ tin của ông Tôma lại là một cơ hội để mầu nhiệm Phục Sinh được chứng thực một cách rõ ràng hơn. Biết đâu các anh em muốn đùa với ông một chút, hay là câu chuyện các anh em kể lại chỉ là một thứ ảo giác tập thể. Vậy thì tốt hơn hết là khôn ngoan. Và nhờ vậy, người ta có dịp kiểm chứng về lời loan báo của các môn đệ.


Ðàng khác, có lẽ ông Tôma là người duy nhất nghĩ đến việc tổ chức lại sinh hoạt cá nhân cũng như cộng đoàn sau khi Ðức Giêsu chịu chết. Ông đã đi ra ngoài vì ông không sợ. Ông phản ứng dường như Ðức Kitô đã rời bỏ trần gian và chỉ trở lại vào ngày cuối cùng. Trong khoảng thời gian này, ông nghĩ rằng cần phải sống điều được gọi là sự vắng mặt của Thiên Chúa. Do đó ông đã ra ngoài, đi đâu đó, và không có mặt cùng với các môn đệ trong căn phòng.


Cuối cùng, ông Tôma đã được gặp gỡ với Ðức Kitô Phục Sinh và đang sống. Tám ngày sau, Người hiện đến và đáp ứng những yêu cầu của ông : "Ðặt ngón tay ... và hãy nhìn xem ... Ðừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin." Ông Tôma hẳn là cảm thấy mình kỳ cục khi Ðức Giêsu sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của ông. Ông chỉ còn biết lắp bắp thưa : "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con."


Trước chứng cớ rõ ràng, mọi nghi ngờ của ông đều tan biến, ông chỉ có thể bày tỏ sự thần phục của mình. Lời tuyên xưng phát xuất từ đáy lòng cho thấy tất cả niềm tin của ông vào Ðấng Phục Sinh. Ông đã đi xa hơn các môn đệ khác về những bằng chứng làm nền tảng cho lòng tin, nhưng có lẽ ông cũng đã vượt lên trên thái độ vui mừng của các môn đệ, để đi đến một lòng tin sâu sắc : "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con."


Lời tuyên xưng của ông đã trở thành khuôn mẫu, là tiêu biểu cho cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai cũng như sau này. Mọi người, mọi thế hệ cũng đều thưa lên như thế để bày tỏ niềm tin sống động vào Ðấng Phục Sinh.


Như vậy, xét cho cùng, thái độ của ông Tôma chẳng có gì là đáng trách : ông có lý do để nghi ngờ, nhưng một khi đã được mặc khải, ông sẵn sàng tin và tin đến cùng.


Lòng tin bắt đầu từ cộng đoàn


Ngày nay, có khá đông tín hữu chấp nhận thái độ như ông Tôma. Họ thích lặp lại câu nói : Chúng tôi chỉ tin điều chúng tôi thấy. Hơn thế, người ta còn hành động như thể là đời sống trần gian này chỉ tuỳ thuộc vào con người mà thôi. Người ta vẫn quả quyết rằng Ðức Giêsu Kitô đang sống, mỗi người vẫn đang tìm kiếm khuôn mặt của Người trong cuộc sống, trong cuộc gặp gỡ với người khác. Thế nhưng, khi hành động, người ta lại làm khác đi và từ tận đáy lòng vẫn vang lên câu hỏi : "Thiên Chúa của bạn ở đâu ?"


Thật ra, những người này nên nhớ rằng cuộc gặp gỡ riêng tư giữa Ðức Giêsu và ông Tôma, trong đó ông Tôma tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, đã diễn ra trong một cộng đoàn, khi các môn đệ đang tụ họp với nhau. Xưa cũng như nay, không khi nào Ðức Kitô hiện diện mà không có chứng tá của những cộng đoàn làm nên Giáo Hội. Có Ðức Kitô là phải có Giáo Hội.


Nhưng tại sao họ lại không tin vào lời chứng của cộng đoàn tín hữu ?


Trong niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, đây là một đòi hỏi luôn có tính thời sự. Tin vào Ðức Kitô Phục Sinh và đang sống là một hành vi riêng tư chiếm lĩnh toàn bộ con người. Tuy thế, hành vi này phải dựa trên lòng tin và chứng tá của một cộng đoàn tín hữu. Hơn nữa, hành vi này chỉ thực sự có ý nghĩa một khi nó được diễn tả qua việc loan báo Tin Mừng, vượt ra khỏi căn phòng đóng kín cửa. Vì vậy, nguy cơ lớn của thời đại hôm nay là người tín hữu muốn coi kinh nghiệm về Ðức Giêsu là của riêng mình và muốn giữ riêng cho mình, đóng kín tâm hồn.


Tin vào Ðức Kitô Phục Sinh là một niềm vui, đồng thời cũng là một cuộc phiêu lưu. Ðó là người ta có thể tin vào điều không thể và đem hết nỗ lực làm cho điều ấy được thực hiện.


G. Nguyễn Cao Luật op