PDA

View Full Version : TẬT CÁC NÀNG: CHÌA KHOA



Damsan
20-04-2009, 09:45 AM
Tật các nàng :
CHÌA KHÓA


Đã từ lâu, gã bị mang tiếng là thiên tư thiên vị, chuyên môn bốc thơm phe nhà mà lại hay phá thối phe ta. Có nghĩa là gã luôn mồm khen ngợi cánh đờn ông con giai, trong khi đó hễ mở miệng ra là lại chê bai phe đờn bà con gái.
Sở dĩ như vậy cũng dễ hiểu thôi, bởi vì bản thân gã cũng thuộc cánh đờn ông con giai, thuở nhỏ có một thời bố bắt phải húi cua, để có cái đầu “ca-rê” tóc năm phân đều…cho nó mát.
Nếu hồi tâm xét mình, gã cũng cảm nhận được đích thực là như vậy. Không hiểu tại sao mỗi khi phải vạch áo cánh đờn ông cho quí bà quí cô xem lưng, thì gã thường hay bị…tắc tị, tìm hoài kiếm mãi mà chẳng thấy được một con giáp nào cả. Còn khi bới móc phe ta ấy hả, văn chương chữ nghĩa cứ tuôn ra rông rổng chẳng cầm lại được, theo kiểu “sine fine dicentes” nói tới nói lui mà vẫn chẳng hết.
Hôm nay gã xin thành thật thú nhận và xưng tội trống với quí bà quí cô sự thể là như vậy :
- Bởi vì dối người thì dễ chứ làm sao dối được cả Chúa.
Mà cũng kỳ thật, hễ cứ đụng tới “phạm trù” này là tay chân, miệng mồm gã đều ngứa ngáy, giống như bị dị ứng, hay bị phong giật mỗi khi ăn phải ngao sò ốc hến...Nên đành phải viết, phải nói cho đã...ngứa.
Nếu có bị phang lại, thì cũng đành phải chịu trận :
- Rằng hư quen thói mất rồi.
Trước khi tiếp tục việc kể tội đờn bà con gái, như thường lệ, gã xin ghi lại nơi đây một vài so sánh, một vài ví von, được coi như là món…khai vị.
Một anh chàng nọ, hẳn đã bị các cô đá lên đá xuống như một trái banh, nên đã cay cú phát biểu như sau :
- Tivi thú vị hơn đờn bà.
Rồi anh chàng hâm hâm này đã đưa ra những nhận định riêng tư của mình như thế này :
- Này nhé, tivi chỉ cần một miếng vải che cho đỡ bụi mà không cần chạy theo “mô đen mô điếc” gì cả. Tivi không bao giờ hỏi bạn tại sao về trễ, hay tại sao lại có vết son trên áo. Bạn có thể xem tivi bất kỳ lúc nào bạn muốn và có thể bấm nút “mute” cho nó “im cái mồm”. Chỉ cần ngồi ở nhà với cái tivi, bạn có thể biết tất cả mọi chuyện xảy ra trên thế giới. Tiền điện mỗi tháng cho tivi dĩ nhiên phải ít hơn tiền son phấn, quần áo và sửa sắc đẹp của nàng…Và còn nhiều, còn nhiều điều thú vị khác nữa.
Anh chàng khác, đã méo mó nghề nghiệp, phân tích đờn bà con gái theo cung cách của một nhà khoa học và đã công bố kết quả “ngâm kíu” của mình như sau :
Về vật lý : Đờn bà con gái, bề mặt thường được phủ một lớp màu sắc, tựa như một bức tranh trừu tượng. Có thể sôi sục vì bất cứ điều gì, nhưng cũng thường đóng băng mà chẳng cần lý do rõ ràng. Sẽ đau khổ nếu không được trọng dụng đúng chỗ.
Về hóa học : Có một ái lực rất mạnh đối với vàng bạc và những loại đá quí. Hấp thụ rất nhanh các loại vật chất có tính xa hoa. Thường chuyển sang màu hồng khi bị khám phá ra trong trạng thái tự nhiên và chuyển sang màu xanh nếu bị đặt bên cạnh một đối tượng đẹp đẽ hơn.
Còn về công dụng, gã không dám phô ra vì sợ mang tính chất báng bổ, bởi vì nhà ngâm kíu lẩm cẩm này mới chỉ ghi nhận được một vài công dụng phụ như có sức trang trí nhất là trên các xe du lịch và có sức làm thư giãn rất cao…mà thôi.
Trong cuộc sống, hình như đã có một sự phân công, tuy vô hình nhưng lại khá rõ ràng. Đó là đờn ông thì có bổn phận kiếm tiền, dù có phải vất vả đổ mồ hôi sôi nước mắt, còn đờn bà thì có bổn phận phải...tiêu tiền.
Gã không nhớ rõ, hình như có một câu danh ngôn diễn tả mối liên hệ giữa đờn ông, đờn bà và tiền là như một chiếc vòng lẩn quẩn như sau :
- Người ta lấy tiền nhử đờn bà, lấy đờn bà nhử đờn ông và lấy đờn ông để...nhử tiền.
Hơn thế nữa, để phục vụ cho chồng, người vợ ngày xưa phải lo từ manh quần tấm áo đến cái khăn cái lược. Công việc này được gọi là “nâng khăn sửa túi”. Thế nhưng, những kẻ đầu óc có sạn lại nghĩ rằng việc “sửa túi” ở đây là sửa và nắm lấy cái túi tiền của chồng.
Sở dĩ có sự phân công như trên, bởi vì người đờn bà thường quản lý và quán xuyến mọi sự trong gia đình, cho nên việc giữ tiền và tiêu tiền phần lớn đều nằm trong tay người vợ, người mẹ.
Thế nhưng, sự đời đâu có phẳng phiu và trơn tru như vậy. Tiền bạc thường là một trong những nguyên nhân chính yếu gây nên hục hặc và đổ vỡ trong nhiều gia đình.
Ngày xưa, người ta thường để tiền, nhất là tiền cắc trong những chiếc bao nhỏ, được gọi là hào bao. Riêng các bà các cô lại thường để tiền trong chiếc “ruột tượng”. Ruột tượng là một chiếc bao nhỏ bằng vải thật dài, vừa làm dây lưng vừa đựng tiền bạc.
Ngày nay, người ta thường để tiền trong những chiếc hòm hay những chiếc “két” sắt rồi khóa lại cẩn thận. Muốn mở hòm hay mở két thì cần phải có chìa khóa. Chính vì thế, người vợ vốn giữ chân thủ quỹ và quản lý tiền bạc trong gia đình nên được gọi là...tay hòm chìa khóa.
Sự kiện này làm gã nhớ tới lời Chúa Giêsu phán với thánh Phêrô :
- Thày trao cho con chìa khóa Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất , trên trời cũng cầm buộc. Sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.
Vì thế, trong lòng Giáo hội, người ta cũng đã gọi quyền của thánh Phêrô là quyền...chìa khóa.
Ngặt nỗi tay hòm chìa khóa trong gia đình lại có những tình cảm và phản ứng riêng của mình : vui khi tiền được nhập vào, nhưng buồn khi phải xuất ra, nên chỉ xuấr ra nhỏ giọt, nếu có xuất ra ồ ạt thì lại chỉ dành cho những chuyện không đâu, thành thử mới bị thâm thủng nặng nề.
Gã xin ghi lại nơi đây tâm sự buồn của một anh chồng :
- Vợ tôi có tánh rất kỳ, nàng không quan tâm gì tới những khó khăn trong công việc của tôi để chia sẻ, an ủi, khích lệ mà cứ tôi đem tiền về nhiều thì vui vẻ, hớn hở. Còn đem về ít, thì nàng than thở, buồn phiền, trách móc và gây chuyện. Có những lúc thị trường nhà đất đóng băng, việc xây dựng chựng lại hay vật tư lên cơn sốt, tôi phải án binh bất động vì nhận công trình sẽ lỗ sặc gạch. Nàng gây gỗ, có những lời xúc phạm. Tôi không nín nhịn được, phản ứng lại. Không khí gia đình sôi sục như lò phản ứng hạt nhân, hạnh phúc chông chênh bên bờ vực thẳm, con cái ngơ ngác nhìn cha mẹ sắp chia xa...
Bình thường, người chồng đi làm đem tiền về cho vợ. Còn người vợ vừa giữ tiền, vừa tính toán làm sao cho việc chi tiêu được cân đối, để khỏi bị vay công mắc nợ.
Tuy nhiên, với vai trò thủ quỹ và quản lý, người vợ thường mắc phải một trong hai tình trạng thái quá. Mà đã thái quá thì bất cập. Đó là hà tiện và hoang phí.
Trạng thái bất cập thứ nhất đó là tính hà tiện, keo kiệt.
Chỉ muốn nhập vào mà không muốn xuất ra. Và nếu có xuất ra thì cũng chỉ xuất ra nhỏ giọt, kèm theo đó là những lời “mắng chó chửi mèo”.
Hồi còn nhỏ, gã có một thằng bạn, cứ đến đầu tháng là mặt mũi cu cậu buồn xo như treo cờ tang. Hỏi ra mới vỡ nhẽ : mỗi lần xin bu tiền đóng học phí, thế nào bu cu cậu cũng giáng cho cu cậu một bài luân lý giáo khoa thư về sự cực nhọc để kiếm ra đồng tiền đồng bạc, khiến cu cậu rất sợ khi phải mở miệng xin tiền cho những nhu cầu chính đáng của mình.
Sau đây cũng lại là tâm sự buồn của một anh chồng có chị vợ rất “keo nặng” thuộc hàng “vắt cù chày ra nước”, “đãi cứt sáo lấy hạt đa”. Anh ta đã giãi bày trên báo Phụ nữ Chủ nhật như sau :
- Lần cuối tôi vứt đồ ăn xuống cát và hùng hổ với vợ rồi bỏ đi thuộc về năm ngoái...Hay hớm gì kiểu chi li, riết róng tới mức ấy cho cực cái xác, khổ cái tâm mà lại sinh ra kình cãi ồn ào trong nhà chứ! Vẫn biết đã là phụ nữ, đã là vợ, là mẹ, là người giữ trách nhiệm “tay hòm chìa khóa” thì tiêu pha, chi phí gì cho gia đình và bản thân cũng phải được tính toán, chứ không được hoang phí. Bản chất của tôi cũng là một người đàn ông chừng mục trong tất cả mọi chuyện, nhất là chuyện xài tiền và vì thế tôi rất thương quí những người phụ nữ biết căn cơ, thu quén. Tiện tặn là tốt, nhưng tiện tặn kiểu nào chứ kiểu của vợ tôi thì tôi xin...đầu hàng.
Vợ chồng tôi có một quán giải khát bình dân ở dưới bãi biển. Công việc bận rộn lắm và vợ tôi quay như chong chóng suốt ngày cùng với công việc bán buôn. Tôi đôi lúc còn có thì giờ rảnh rỗi để lê la, lai rai với mấy ông bạn, chứ vợ tôi tuyệt đối là không. Từ sáng đến tối, cô ấy không mấy khi được nghỉ tay. Thương vợ và muốn bồi dưỡng cho ba mẹ con cô ấy, tôi có lỡ trót dại ba lần trong năm nay. Giờ xin tổng kết lại.
Lần thứ nhất khi tôi mua về một chục trứng vịt lộn để cả nhà cùng ăn cho vui. Mấy cha con tôi thì đúng là vui thật, nhưng cô ấy thì ngược lại. Cô ấy ca cẩm là tốn nhiều tiền, là hoang phí. Cô ấy xỉa xói tôi là thứ phá của. Cô ấy kể lể sự cực nhọc của mình khi tom góp tiền lời từng ly nước mía, từng hộp sữa tươi...Và tôi không chịu nổi nên đã ném hắt tất cả xuống cát rồi bỏ đi.
Lần thứ hai khi tôi mua về nửa ký chả quế Hà nội vì nghe cô ấy nói mình chưa được ăn loại chả này lần nào.
Lần thứ ba là nguyên một con gà nướng thơm lựng và béo giòn.
Tôi phải bỏ đi ngay để tránh những cặp mắt tiếc rẻ của các con, để khỏi phải thấy cái mặt “men” vì xót của nơi cô ấy. Để...dằn lòng. Để thương vợ hơn và cũng giận vợ hơn.
Sao không thử một lần tôi mua món gì đó ngon ngon về nhà mà cô ấy không kiềng riềng. Ăn liền một phát cho tôi mát cái bụng hay tưng tửng khen tôi một câu cho tôi nở cái mũi...
Trạng thái bất cập thứ hai, đó là sự hoang phí theo kiểu “vung tay quá trán”, “con nhà lính tính nhà quan”.
Ngặt nỗi sự xuất ra ồ ạt này lại được dành cho những nhu cầu không cần thiết của gia đình hay chỉ để dành riêng cho bản thân mình mà thôi.
Vậy đâu là những khoản vốn được phe ta hồ hởi và sẵn sàng chi ra một cách rộng rãi trên cả mức bình thường ?
Trước hết đó là khoản ăn quà vặt.
Không hiểu bên Thụy sĩ thế nào chứ còn ở Việt Nam ấy hả, bước chân ra đường, xó góc nào cũng có những hàng quà vặt, phục vụ tinh thần ăn uống rất cao của quí bà quí cô.
Ca dao vốn đã dành nhiều lời để diễn tả về “đức tính” này :
- Nhạt mồm chẳng muốn ăn quả,
Có mía súc miệng được vài bốn cây.
- Đi chợ hết tám tiền quà,
Chồng thương, chồng bảo về nhà đỡ cơm.
- Một đồng là chín củ khoai,
Mẹ ăn một thì con ăn hai.
Mẹ sai con đi bốc muối thì khoai chẳng còn.
Con ngồi con khóc nỉ non,
Mẹ cầm cái vọt lon xon lên rừng...
Theo Hoàng Thiếu Phủ, thì từ xa xưa trong truyền thuyết dân gian đã xuất hiện hai “siêu sao” điển hình cho tính ăn hàng của đờn bà con gái, đó là cặp bài trùng bà Rằn, bà Rí.
Đối với bà Rằn, ca dao đã diễn tả :
- Bà Rằn đi chợ miền quê,
Thấy hàng chả chó, lại lê trôn vào.
Chả này bà bán làm sao ?
Ba đồng một gắp, lẽ nào chẳng mua.
Nói dối rằng mua cho chồng,
Đi đến quãng đồng, ngả nón ra ăn.
Về nhà đau quẳn đau quăn dạ này,
Đem tiền đi bói ông thày.
Bói ra quẻ này những chả cùng nem.
Ông thày nói dối đã quen,
Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ.
Còn đối với bà Rí, thì có một mẩu chuyện vừa buồn cười lại vừa dễ thương như sau :
Bà Rí vốn rất yêu chồng. Biết chồng thích uống rượu, nên mỗi lần đi chợ bà thường mua thêm một món “ngoài luồng” để chồng đưa cay. Hôm ấy gặp món lòng lợn luộc, vừa ngon lại vừa rẻ, bà Rí mua mấy lạng bỏ vào rổ đội lên đầu mang về. Dọc đường, bà Rí thòm thèm, thỉnh thoảng lại đưa tay lên đầu bốc một miếng lòng lợn bỏ vào miệng. Về đến cổng nhà, bà Rí vội kêu réo chồng :
- Mình ơi, ra nhanh lên, xem có cái gì dành cho mình đây nè ?
Thế nhưng, khi bà Rí hạ chiếc rổ xuống thì mới hay cả gói lòng lợn luộc đều đã bốc hơi, chỉ còn lại miếng lá chuối. May sao trong rổ có một gói dưa giá. Bà Rí nhanh trí nói :
- Chợ hôm nay chẳng có gì cả, em mua cho mình gói dưa giá này để mình nhắm rượu đỡ vậy.
Từ đó cho đến nay, cái máu ăn hàng của hai bà đã thấm qua nhiều thế hệ hậu duệ như một thứ “gien” di truyền. Con cháu hai bà ngày càng đông thì nhu cầu ăn hàng lại càng lớn. Chả thế mà các kiến trúc sư vẽ kiểu chợ rất am hiểu tâm lý đờn bà con gái. Mỗi cái chợ, dù là chợ nhà lồng, chợ chồm hổm, chợ chuồng bò...đều có một khu trung tâm thuận lợi dành cho việc ăn hàng.
Khoản tiền ăn hàng này dĩ nhiên chẳng bao giờ được báo cáo công khai với gia đình, nhưng được luồn lách bằng cách tính bổ vào các khoản chi khác trong buổi chợ. Do việc bội chi này, chúng ta thường nghe không ít các bà các cô đi chợ luôn than một câu rất quen thuộc :
- Chợ hôm nay cái gì cũng đắt.
Rất hiếm khi họ khen được một tiếng “rẻ”.
Tác phong của việc ăn quà cũng đã được diễn tả :
- Vào hàng bánh ít chả tôm,
Hai tay lột lá, miệng mồm há ra.
- Chồng chê vợ xấu không ham,
Vợ chê làm bếp, ăn hàng vểnh tai.
Vì sợ người quen bắt gặp, nên khi ăn hàng, các bà các cô thường cúi mặt xuống như muông chim một cách kín đáo. Trong tư thế đó, tuy giấu được cái mặt nhưng không thể giấu được đôi tai. Vì thế mới có thành ngữ “ăn hàng vểnh tai”.
Có kẻ đã định nghĩa chiếc cặp của các nữ sinh chính là một cái chạn, một kho bãi chất chứa mọi thứ ăn được, từ trái me trái cóc đến quả xoài quả mận và không bao giờ quên một gói...muối ớt.
Có cô nàng còn tuyên bố hách xì xằng :
- Không ăn hàng, không phải là đờn bà con gái.
Mỗi lần được tháp tùng bà chị hay cô em đi thành phố, gã không bao giờ lo bị đói, bởi vì trong suốt cuộc hành trình dài, miệng bà chị hay mồm cô em luôn tóp tép nhai nuốt một thứ gì đó.
Theo bác sĩ Trần Bồng Sơn, chuyện ăn hàng của đờn bà con gái là điều bình thường, đáng mừng và đáng cảm thông, đôi khi lại còn mang cái nét duyên thầm nữa là khác.
Ông bác sĩ giải thích :
- Ở người phụ nữ, cơ thể của họ phải trải qua nhiều biến động đặc biệt như tuổi dậy thì, ngày hành kinh, thời kỳ mang thai, hay cho con bú…Một cơ thể phụ nữ tốt thường phải tiêu hao nhiều năng lượng trong những thời kỳ ấy. Do đó, tuy ăn ít bởi vì “nữ thực như miêu”, con gái vốn ăn như mèo, nhưng họ cứ thèm ăn vặt suốt ngày, nếu không muốn nói là suốt đời, chính là để nạp đủ năng lượng cần thiết.
Và rồi ông bác sĩ đã kết luận :
- Gia đình và xã hội nên tạo điều kiện thuận lợi để phe đờn bà con gái có thể ăn hàng một cách...thoải mái.
Không hiểu lời kết luận này có chí lý lắm không. Riêng phần gã, gã vẫn thích lời khuyên của câu ca dao sau đây :
- Đi chợ thì chớ ăn quà,
Về chợ thì chớ rề rà ở trưa.
Dù ai bảo đợi bảo chờ,
Thì em nói dối con thơ em về.
Tiếp đến, đó là khoản sửa sắc đẹp, tu bổ ngoại hình cho bắt mắt.
Có một câu “ranh ngôn” đã bảo :
- Thượng đế cũng không phải là nhà sáng chế hoàn hảo, bởi vì người ta đã phải lập ra nhiều mỹ viện nhằm cải thiện phần nào các tác phẩm do Ngài tạo nên.
Như chúng ta đã biết phe đờn bà con gái vốn được gọi là phái đẹp. Và quả thực họ cũng đẹp ra phết đấy chứ. Vì thế, làm đẹp phải là nghề của các nàng.
Lại cũng một câu tuyên bố hách xì xằng nữa :
- Đờn bà con gái mà không làm đẹp thì chẳng còn là đờn bà con gái nữa.
Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, các mỹ viện ngày nay mọc lên như nấm và người ta có thể làm được nhiều chuyện :
- Mắt một mí thì sửa thành hai cho nó tình tứ. Miệng hô thì sửa cho gọn gàng, để khỏi phải lấy tay che khi nở nụ cười mím chi. Mũi tẹt thì sửa cho nó cao. Ngực lép thì sửa cho nó to. Rồi thì cắt chỗ này, vá chỗ kia.
Chỉ cần liếc qua những hàng quảng cáo trên báo là đã thấy mê tít thò lò, chẳng hạn :
- Tạo làn da trắng mịn sau một lần tắm sữa.
- Giảm từ một đến ba ký sau một lần điều trị.
- Làm cho bụng nhỏ, eo thon...
Nhiều bà nhiều cô ở ngoại quốc, trong thời gian về thăm quê hương, đã tranh thủ tới các mỹ viện để sửa chỗ này, chữa chỗ kia…bởi vì giá cả ở Việt Nam vốn tương đối rẻ.
Dĩ nhiên chẳng ai có quyền cấm cản quí bà quí cô làm đẹp. Thế nhưng, trong lãnh vực này cũng cần phải lưu ý một vài điểm chính yếu :
Chẳng hạn phải chọn những chuyên viên có tay nghề cao, dùng những mỹ phẩm “chính qui”, bằng không làm đẹp lại hóa thành làm xấu và còn mang họa vào thân, như trường hợp bơm hay độn chất silicone.
Chẳng hạn phải cân đối ngân sách trong gia đình, đừng vì chuyện làm đẹp cho riêng mình mà gia đình bị thiếu hụt.
Chẳng hạn phải biết mình làm đẹp cho ai và làm đẹp như thế nào cho phù hợp với vóc dáng của mình, bằng không sẽ bị thiên hạ cười vào mũi :
- Đen thủi đen thui cũng lượt là.
Sau đây cũng lại là tâm sự buồn của anh chồng :
- Vợ tôi hay làm đẹp. Tôi không hề phản đối mà trái lại còn ủng hộ hết mình. Người đàn ông nào lại không thích vợ mình ngày càng đẹp. Tôi không tiếc gì khi nàng mua sắm quần áo, mỹ phẩm, miễn là những thứ đó làm cho nàng đẹp lên. Tôi nói thế vì nhiều khi nàng đổ rất nhiều công sức và tiền bạc mà hiệu quả hình như...ngược lại. Thế mới đau, mà đau nhất là tôi, vì phải ngắm nhìn những “bản sao bị hỏng” đó hàng ngày, hàng đêm. Vợ tôi trước đây có mái tóc thề bỏ xõa ngang vai rất đẹp, nhưng rồi khi cô ca sĩ nọ nổi lên, được báo chí lăng xê hết mình, lập tức nàng cắt ngắn mái tóc ấy không chút thương tiếc. Tôi công nhận mái tóc ấy hợp với một số người nhưng nó hoàn toàn không hợp với nàng. Tôi góp ý, nàng cho tôi là bảo thủ, là độc đoán. Tóc của nàng chứ phải tóc của tôi đâu mà có ý kiến ý cò…Một hôm nàng ra phố, rồi về nhà với cái mũ nồi tùm hụp và một cặp kiếng đen khiến tôi cứ tưởng là điệp viên...không không bảy. Riết rồi tôi thấy nàng hơi xa lạ, không còn là người mà khi mới gặp, tôi đã vui mừng nhận ra đó chính là nửa kia của tôi, đó chính là chiếc xương sườn cụt của tôi.
Sau cùng, đó là khoản mua sắm.
Trong lãnh vực này, gã chả có được mấy tí kinh nghiệm, nên bèn phải mượn đỡ những lời phát biểu của những chiến hữu dày dạn sương gió được đăng tải trên báo Phụ nữ Chủ nhật.
Trước hết, đức tính “dễ thương” bẩm sinh của đờn bà con gái là khoái mua sắm, còn gọi là “hội chứng sốp-ping”. Mấy bà mấy cô mà vào chợ, vào siêu thị, vào “sốp”, hay đơn giản là...ghé chợ chồm hổm bên lề đường, thì cứ như lạc vào mê hồn trận. Thứ gì cũng hoa mắt, muốn mua, muốn sắm.
Chợ thì ngày nào cũng đi, cũng lượn từ đầu chợ đến cuối chợ, rồi lặc lè mang về hàng đống thức ăn, tiêu thụ cả tuần mới hết, rồi hôm sau lại đi…chợ. Tuy là mua rẻ, nhưng để lâu bỏ đi phân nửa thì cũng thành mắc.
Mấy bà mấy cô lại dễ bị dụ khị bởi chiêu “khuyến mãi” của người bán, thành ra tiền nong trong nhà cứ lần lượt ra đi một cách “vô tổ chức”. Tiền ít, thì lại sa vào cái bẫy…mua trả góp. Cái gì cũng góp khuân về nhà, thậm chí nhà mình chưa cần đến nhưng vì hàng xóm đã có, nên mình cũng phải mua, rồi hàng tháng ky cóp trả không nổi, nợ nần chồng chất, vợ chồng gấu ó nhau, mệt.
Cao cấp hơn nữa là khoản thời trang, đẹp thì có đẹp nhưng chủ yếu là người khác ngắm, chứ các đức ông chồng thì đã quá quen mất rồi, có sửa mắt cắt môi hay khoác thời trang cao cấp, thì cũng vẫn là vợ mình, chỉ lo ngân quĩ gia đình ngày càng cạn kiệt.
Chẳng phải các bà các cô không biết cân đối chi tiêu, nhưng khi “máu” đã bốc lên thì không kiềm chế được. Nạn nhân của hội chứng này là các đức ông chồng, nhất là mấy ông thích chứng tỏ sự ga-lăng hoặc nín nhịn mà không dám can vợ.
Nhẹ thì mất thời giờ, nặng thì hao tốn tiền bạc. Cứ thế mà liên tục phát triển, thành thử không dám giao cho các bà các cô quản lý ngân quỹ gia đình nữa, rồi lặng lẽ âm thầm thành lập quỹ riêng...ảnh hướng không tốt đến tình nghĩa vợ chồng.
Không giao quản lý tiền bạc thì bị coi là “keo kiệt”, là để dành cho “con nào” ? Mà giao tiền cho các bà các cô có “máu tiêu xài vô kế hoạch” quản lý, khác nào...giao trứng cho ác. Thật là khó xử.
Một ông chồng khác lại cả tiếng than thở :
- Sống với nhau, ban đầu tôi cảm thấy mình như trẻ đi mười tuổi. Sự hồn nhiên đôi khi ngây ngô của nàng khiến tôi phải mỉm cười một mình mỗi khi nhớ đến. Tôi như cuốn hút tất cả tâm trí vào nàng. Nhưng cuộc sống vợ chồng đâu thể nhìn nhau suốt ngày là đủ, nó còn biết bao nhiêu việc phải làm, biết bao nhiêu điều phải tính. Nàng nay là vợ, là chủ một gia đình, dầu gia đình mới chỉ có hai người nhưng tương lai nàng còn là mẹ của những đứa con. Thế nhưng, không những nàng vẫn giữ tính nhõng nhẽo, đua đòi như thời con gái mà còn có chiều hướng gia tăng hơn, khi nàng nắm trong tay cái túi tiền gia đình. Mỗi khi lĩnh lương, tôi đưa hết cho nàng và lập tức ngày hôm sau trong nhà tôi có nhiều thứ mới lạ xuất hiện, nhất là tủ quần áo và kệ giày dép, nó luôn luôn được nàng “cập nhật hóa” liên tục...
Theo gã nghĩ tiền bạc là do công lao vất vả của mọi người trong gia đình, vì thế nó phải được tiêu dùng chung, nhằm bảo đảm một cuộc sống ấm no, chứ không phải tiền anh, tiền em và mạnh ai người ấy xài, nhất là xài hoang phí cho những chuyện không đâu.
Với những nhu cầu cần thiết và chính đáng, thì dù tốn kém bao nhiêu cũng phải chi. Còn với những thứ xa xỉ và thừa thãi, thì một đồng một cắc cũng không.
Nói tới đờn bà con gái là nói tới cái đẹp, tình yêu và hạnh phúc. Nếu thế gian này không còn phe đờn bà con gái thì cánh đờn ông con giai cũng chẳng thiết sống nữa. Đờn bà con gái sinh ra...tất cả. Vì thế, trên đời này ngu nhất là đi nói xấu đờn bà con gái.
Và lúc này, gã đang dại dột phạm phải cái ngu...tuyệt vời ấy.


Tác giả: Chuyện Phiếm của Gã Siêu
Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam