PDA

View Full Version : Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Lá thư của 138 người Hồi giáo



littlewave
30-11-2007, 06:29 AM
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Lá thư của 138 người Hồi giáo

Roma (Chiesa) – Lá thư của 138 học giả Hồi giáo gửi cho ĐTC Bênêđictô XVI và các nhà lãnh đạo các giáo hội Kitô giáo khác vào cuối tháng trước đã được phúc đáp tập thể và ngoạn mục trong một thông điệp có chữ ký của 300 học giả, phổ biến trên tờ báo “The New York Times” phát hành ngày 18 tháng 11.

Thông điệp này xuất phát từ Phân Khoa Thần học trường Đại học Yale, do sáng kiến đặc biệt của ông Viện Trưởng Harold W. Attridge là một giáo sư giảng dạy khoa giải thích Tân Ước.

Những người ký tên trong thông điệp đa số thuộc giáo hội Tin Lành, cả hai khuynh hướng “chính thống” và “cấp tiến”, có người đã nổi danh như nhà thần học Harvey Cox. Tuy nhiên trong số 300 người này cũng có một giám mục Công giáo Camillo Ballin, là đại diện tông tòa tại Kuwait. Những người Công giáo khác gồm có nhà Hồi giáo học John Esposito thuộc trường đại học Georgetown, và các thần học gia Donald Senior thuộc tu hội Thương Khó, và Thomas P. Rausch, thuộc Dòng Tên giảng dạy tại trường đại học Loyola Marymount.

Thông điệp ca ngợi không tiếc lời lá thư của 138 học giả Hồi giáo, ủng hộ nội dung lá thư, cho rằng lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân là “từ ngữ chung” giữa người Hồi giáo và Kitô giáo, trung tâm của cả kinh Koran và Sách Tin Mừng. Và phần mở đầu là lời yêu cầu được tha thứ từ “đấng Đầy Lòng Từ Bi và từ cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.”

Đây là lý do nêu lên để yêu cầu sự thứ tha:

“Vì Đức Giêsu Kitô nói: ‘Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em’ (Mathêu 7:5), chúng tôi muốn mở đầu bằng cách nhận rằng trong quá khứ (thí dụ: trong các cuộc Thập tự chinh) và hiện tại (thí dụ: trong những thái quá của ‘cuộc chiến chống khủng bố’) nhiều người theo Kitô giáo đã phạm tội lỗi đối với người Hồi giáo.”

Khi công bố thông điệp, những người đề xuất loan báo rằng tiếp theo sau sẽ là các buổi họp với một số trong 138 người đã ký tên trong lá thư, tại Hoa kỳ, Anh quốc, và tại Trung Đông; những cuộc họp này cũng sẽ mở ra cho người Do thái tham dự.

ĐTC Bênêđictô XVI và các nhà lãnh đạo khác tại Tòa thánh dường như cẩn trọng hơn và dè dặt hơn đối với loại đối thoại nhộn nhịp như thế.

Tòa thánh đã mau chóng trả lời lá thư của 138 người Hồi giáo bằng những bản tuyên bố khen ngợi đầy lễ độ. Tuy nhiên Tòa thánh hoãn lại để sau này mới đưa ra một sự phúc đáp đầy đủ và tỉ mỉ hơn.

Cho đến nay, lời bình luận duy nhất về lá thư của 138 người, được một cơ cấu liên hệ với Tòa thánh công bố – đó là Học viện Giáo hoàng Nghiên cứu về Ảrập và Hồi giáo – vẫn còn chìm trong bóng mờ, mặc dầu cơ quan này nhấn mạnh đến các yếu tố mới mẻ và tích cực trong sáng kiến của Hồi giáo.

Ngay cả tờ báo "L'Osservatore Romano" cũng không đề cập tới. Cho tới nay, lần đề cập duy nhất tới lá thư của 138 người trên tờ báo của Tòa thánh là trong khuôn khổ một bản tin và bình luận về cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng 11 giữa Hoàng đế Abdallah nước Saudi Arabia với ĐTC Bênêđictô XVI. Báo L'Osservatore cũng không đưa tin ngay cả về những bài bình luận lá thư của 138 người do các học giả về Hồi giáo rất được Đức Thánh Cha tôn trọng là hai nhân vật Dòng Tên Samir Khalil Samir ở Ai cập và Christian W. Troll ở Đức.

Nhưng chính xác là nhờ đọc các bài bình luận đó – đặc biệt là bài của Troll – mà ta hiểu được lý do tại sao giáo hội tại Roma phải cẩn trọng.

Troll cho biết rằng lá thư của 138 người Hồi giáo, nhấn mạnh vào các giới luật yêu Thiên Chúa và tha nhân là “từ ngữ chung” của cả kinh Koran và Sách Tin Mừng, dường như có chủ đích đưa cuộc đối thoại chỉ nhằm vào lãnh vực giáo lý và thần học.

Nhưng Troll phản bác lại: Có một sự khác biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa duy nhất của người Hồi giáo và Thiên Chúa Ba Ngôi của người Kitô giáo, với Chúa Con nhập thế làm người. Điều này không thể được giảm thiểu, càng không thể tư nghị. “Từ ngữ chung” đích thực phải tìm ra ở nơi khác: đó là ở chỗ thể hiện các giới luật này một cách cụ thể trong thực tế tại-đây–và-lúc-này nơi các xã hội đa nguyên.” Phải được tìm ra trong sự bảo vệ quyền con người, quyền tự do tôn giáo, sự bình đẳng nam nữ, sự biệt lập giữa các quyền lực tôn giáo và chính trị. Lá thư của 138 người lảng tránh hoặc im lặng về tất cả những điều này.

Và lá thư có chủ ý dụng tâm như thế. Một trong những tác giả lá thư là nhà thần học Aref Ali Nayed giáo sư trường đại học Cambridge đã tự giải thích đường lối này trong cuộc phỏng vấn của Catholic News Service là cơ quan thông tấn của hội đồng giám mục Hoa kỳ:

“Cuộc đối thoại đơn thuần chỉ về luân lý/xã hội là điều hữu ích và rất mực cần thiết. Tuy nhiên, loại đối thoại như thế xảy ra hàng ngày, thuần túy thông qua các cơ cấu thế tục như Liên Hiệp quốc và các tổ chức thuộc quyền. Nếu các cộng đồng tôn giáo có căn bản đặt trên mạc khải muốn thực tâm cống hiến cho nhân loại thì cuộc đối thoại của họ phải đặt nền tảng rốt ráo trên thần học và tâm linh. Nhiều nhà thần học Hồi giáo không chỉ quan tâm đến cuộc đối thoại thuần túy đạo đức về “văn hóa” hoặc “văn minh.”

Thế nhưng ĐTC Bênêđictô XVI muốn có loại đối thoại nào với Hồi giáo?

Đức Thánh Cha đã giải thích rõ rệt điều này trong một đoạn văn nơi bài giảng huấn cho giáo triều Roma trước lễ Giáng sinh, đọc ngày 22 tháng 12 năm 2006:

“Trong cuộc đối thoại cần được tăng cường với Hồi giáo, chúng ta phải nhớ rằng thế giới Hồi giáo ngày nay đang phải đối đầu với một công tác khẩn thiết. Công tác này rất giống với công tác đã được áp đặt lên người Kitô giáo từ thời đại Khai sáng (Enlightenment), và tương tự với nhiệm vụ mà Công đồng Vatican II – do kết quả của sự tìm tòi lâu dài và khó khăn – đã đạt được các giải pháp đích thực cho giáo hội Công giáo.

“Đó là vấn nạn về thái độ mà cộng đồng tín hữu phải có khi đối diện với những xác tín và những nhu cầu đã được thời kỳ Khai sáng củng cố.

“Một mặt, con người phải chống lại một thứ độc tài về lý trí theo chủ nghĩa thực nghiệm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi sinh hoạt cộng đồng và khỏi các tổ chức công cộng, và do đó tước bỏ con người không còn các tiêu chuẩn chuyên biệt để phán đoán.

“Mặc khác, con người phải hoan nghênh những thành quả của thời kỳ Khai sáng, nhân quyền, đặc biệt là tự do tin tưởng và tự do thực thi quyền này, và công nhận những điều đó cũng là các yếu tố căn bản của một tôn giáo chân chính.

“Còn về phần cộng đồng Kitô giáo, nơi đã có một cuộc tìm kiếm lâu dài về vị thế đúng đắn của đức tin trong tương quan với các niềm tin như thế - một cuộc kiếm tìm chắc chắn sẽ không bao giờ thấy được kết luận một lần thay cho tất cả - cũng như thế, thế giới Hồi giáo với các truyền thống riêng biệt đang phải đối diện với nhiệm vụ lớn lao là tìm ra các giải pháp thích hợp về vấn đề này.

“Nội dung cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và Hồi giáo lúc này đặc biệt sẽ là cuộc gặp gỡ nhau với cam kết tìm ra những giải pháp đúng đắn. Chúng tôi, những người Kitô giáo, cảm nghiệm được tình đoàn kết với tất cả những ai, chính xác là những người có căn bản niềm xác tín tôn giáo của mình là người Hồi giáo, hoạt động để chống lại bạo lực và cho sự dung hợp giữa đức tin và lý trí, giữa tôn giáo và tự do.”

Lá thư của 138 người không có dấu vết nào về đề nghị này, đề nghị mà ĐTC Bênêđictô XVI gửi đến thế giới Hồi giáo hồi tháng 12 một năm trước. Đây là dấu hiệu có một khoảng cách thật rất xa giữa những viễn kiến của hai bên.

Viễn kiến của ĐTC Bênêđictô XVI cũng chính là điều mà các giới thẩm quyền của Tòa thánh chứng minh mỗi lần họ nói về các đề tài này. Bằng chứng điều đó là thông điệp gửi cho người Hồi giáo hồi tháng 10 vào dịp chấm dứt tháng chay Ramadan của hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn giáo, đứng đầu là Đức hồng y Jean-Louis Tauran. Thông điệp này cũng đặt trọng tâm vào “tự do tôn giáo và thực hành quyền đó” như là nhiệm vụ của mọi tôn giáo, phù hợp với “chương trình của Đấng Hoá công.”

Và đó cũng là viễn ảnh mà Ratzinger đã từng bảo vệ kiên trì suốt bao năm, từ khi còn là hồng y và đến nay trong cương vị giáo hoàng.

Diễn văn đọc tại Regensburg về nhu cầu phải có “dung hợp giữa đức tin và lý trí” là nền tảng công phu nhất cho viễn kiến này.

Nhưng ngay cả trước đó, những giả thuyết về cách thức ĐTC Bênêđictô XVI hình thành cuộc đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo khác phải tìm lui về từ cuộc tham luận hồi tháng giêng năm 2004 tại Munich với nhà triết học thế tục Jürgen Habermas.

Trong dịp đó, Ratzinger nói rằng một “định luật tự nhiên” có giá trị phổ cập toàn cầu còn lâu mới được tất cả các nền văn hóa và văn minh ngày nay công nhận, vì họ chia rẽ nhau và ngay trong phạm vi nội bộ cũng chia rẽ về vấn đề này. Nhưng ngài đưa ra đường lối trong đó “các định lệ và giá trị thiết yếu mà cả nhận loại nhận biết hoặc trực cảm” có thể được làm cho sáng tỏ và “giữ cho thế giới đoàn kết với nhau”. Đó là đường lối nối kết tích cực giữa lý trí và đức tin, được “kêu gọi để thanh tẩy lẫn nhau” cho khỏi các bệnh hoạn đã đưa cả hai đến chỗ thống trị bằng bạo lực.

Một học giả lớn đã phân tích rất sáng sủa viễn kiến của ĐTC Bênêđictô XVI liên quan đến Hồi giáo: đó là nhà luật học Đức Ernst-Wolfgang Böckenförde, trong một luận đề công bố năm nay tại Đức và được tạp chí “Il Regno” dịch ra tiếng Ý.

Böckenförde hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha trong việc cho rằng Hồi giáo nay đang phải đối diện với thách đố tương tự như thách đố đặt ra cho Kitô giáo thời Khai sáng về vấn đề tự do tôn giáo.

Tại Công đồng Vatican II giáo hội Công giáo đáp ứng thách đố này bằng tuyên ngôn "Dignitatis Humanae" về tự do tôn giáo được đặt nền tảng trên quyền con người.

Nhưng Böckenförde hỏi rằng thế giới Hồi giáo có sẵn sàng đi theo một cuộc hành trình tương tự? Họ có sẵn sàng công nhận tính cách trung lập của tôn giáo, và do đó, công nhận sự tự do đồng đều cho mọi tôn giáo trong phạm vi quốc gia?

Người Hồi giáo sống “lưu vong” thành những nhóm thiểu số tại các nước thuộc Âu châu và Tây phương, có lẽ sẵn lòng chấp nhận sự công nhận đó. Bằng chứng điều này là bản tuyên bố năm 2001 của hiệp hội người Hồi giáo tại nước Đức có viết: “Luật Hồi giáo buộc tín đồ đạo Hồi sống lưu vong phải tuân giữ hệ thống pháp luật địa phương.”

Nhưng còn về những nơi người Hồi giáo chiếm đa số, và kiểm soát cả quốc gia thì sao? Böckenförde tỏ ra hoài nghi. Ông chủ trương rằng Hồi giáo, khi ở vị trí lãnh đạo, vẫn tỏ ra còn lâu mới chấp nhận tính trung lập của quốc gia, và do đó chấp nhận sự tự do đầy đủ của mọi tôn giáo.

Böckenförde rất xác tín điều này đến độ ông kết luận luận văn của mình bằng một ước đoán có tính cách giả định: Giả thuyết rằng trong một quốc gia tại Âu châu, những di dân Hồi giáo gần đến mức trở thành thành phần đa số trong dân chúng.

Trong trường hợp như thế - theo nhà luật học người Đức này – quốc gia đó có quyền đóng cửa biên giới, để tự vệ. Bởi vì một nhà nước thế tục không thể không thừa nhận “luật tự nhiên” tức là nền tảng của nó: “một luật lệ do thành viên lập ra trong một thế giới văn hóa có gốc rễ là các nguyên lý của thế giới cổ điển, Do thái giáo, và Kitô giáo, nhưng được hình thành lại trong bối cảnh của thời kỳ Khai sáng.”

Dù trong trường hợp nào cũng không thiếu tư tưởng Hồi giáo hiện đại có những lập trường “cởi mở để có một hình thức khoan dung về lý trí” như Ratzinger xác định trong cuộc đàm luận với Habermas năm 2004.

Một trong những lập trường này được Lm. Maurice Borrmans làm nổi bật - cha là cựu chủ tịch Viện Giáo hoàng Nghiên cứu về Árập và Hồi giáo - trong số mới nhất của tạp “Oasis” một tạp chí đa ngữ, gồm cả tiếng Arập và Urdu, được hồng y Angelo Scola là giáo chủ Venice bảo trợ.

Lm Borrmans trích dẫn lời một học giả người Tunisie cư ngụ tại Paris là Abdelwahab Meddeb. Ông này bình luận tích cực các luận đề của ĐTC Bênêđictô XVI trong một luận văn nhan đề “Le Dieu purifié” trong tuyển tập xuất bản tại Pháp dưới tên “"La conference de Ratisbonne: Enjeux et controverses."

Meddeb viết (trích đoạn):

“Tại Regensburg, giáo hoàng muốn nhắc người Hồi giáo hãy làm một nỗ lực hồi tưởng, để họ có thể từ bỏ bạo lực và trở về cách diễn đạt lý trí (logos) thân quen với tiền nhân của mình, để họ có thể mở rộng và đào sâu hơn lý trí đó.”

Và sau khi nhắc lại rằng trong số “các tiền nhân” Hồi giáo này được thanh tẩy bằng lý trí có cả đại triết gia Averroes (1126-1198), ông viết tiếp:

“Người Hồi giáo phải quay về những địa hạt này, là tham dự vào lý trí vĩ đại, làm rộng và sâu thêm, trong đường lối thanh tẩy nhằm trung hòa bạo lực và thiết lập ra một khung cảnh thanh nhàn đạo đức.”

Abdelwahab Meddeb không phải là người đã ký tên trên lá thư của 138 người, cũng như lá thư của 38 người gửi một năm trước đây.

Phụng Nghi