PDA

View Full Version : Kitô Giáo Dưới Mắt Một Phật Tử



vũng_nước
24-04-2009, 08:25 AM
Trích Từ: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/index.htm (http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/index.htm)

Ðại Sư Buddhadàsa (Thái Lan)


Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan





Phra Chao - Thượng Ðế - và Tam Bảo


Lòng nhiệt thành truyền giáo
Thời buổi chúng ta sống đang chứng kiến những sinh hoạt truyền giáo quy mô của các tôn giáo độc thần. Một số nhà truyền giáo không ngừng sáng kiến những phương tiện mới luôn hữu hiệu để thu hút tín đồ. Tuy nhiên người ta cũng có thể nghi ngờ rằng việc tìm cách cải giáo người khác ở đây có thích hợp hay không.
Khuyến khích và giúp đỡ mỗi người nhận biết rõ hơn tôn giáo của chính họ, đào sâu sự hiểu biết và sống đúng với tôn giáo họ có phải có giá trị hơn không?
Gần đây, trong giới phật tử với nhau, chúng ta bàn nhiều về một số thay đổi về giới luật, về một số giải thích hay diễn giải mới trong giáo huấn mà kitô hữu đã tưởng tượng ra. Chúng ta cho rằng một số giải thích đó có tính cách kích bác đối với chúng ta.
Kitô hữu ngày nay có thể chấp thuận để cho những cô dâu chú rễ khác tôn giáo cùng mang lễ vật đến các tăng sĩ phật giáo: cô dâu hoặc chú rễ kitô hữu trong cuộc hôn nhân dị giáo đó tự "thỏa thuận" dâng lễ vật cho những bậc đáng kính, những tu sĩ có phẩm hạnh, mà không phân biệt những vị nầy thuộc tôn giáo nào. Như thế thì không có gì trở ngại trong việc cả hai cùng tham dự những lễ nghi Phật giáo cả.
Ðể có thể tỏ lòng tôn kính "Tam Bảo", người phối ngẫu thuộc Kitô giáo có thể chỉ thỏa thuận trong lòng rằng mình bái lễ Ðức Phật với tư cách là Vị Tôn Sư hảo hạnh, rằng mình bái lễ Dharma (Pháp) như là quy tắc đạo đức tự nhiên, rằng mình bái lễ Sanha (Tăng) như là những món đồ của Vị Tôn Sư đó.
Làm như thế, người phối ngẫu theo Kitô giáo có thể giữ đúng luật đạo mình và không thể bị tôn giáo mình trách cứ.
Khi bày tỏ cử chỉ tôn kính đối với Tam Bảo: Buddha, Dharma, Sangha (Phật , Pháp, Tăng) thì có thể người đó lại tạ ơn Phra Chao, Thiên Chúa của mình vì đã ban cho con người Tam Bảo đó: làm như thế một nghi lễ phật giáo được cử hành bởi một kitô hữu lại có thể "trở nên" một cử chỉ thích ứng và khả chấp để tôn vinh Thiên Chúa thực, Phra Chao thực của họ.
Các bạn có hiểu rõ không? Kitô hữu đã tự "quy ước" rằng Tam Bảo của Phật giáo thì do Phra Chao theo quan niệm Kitô giáo "tạo thành" và ban cho con người: Với lối suy nghĩ đó, kitô hữu bái lễ Tam Bảo để ca tụng Phra Chao của họ. Các bạn nghĩ gì về điều đó?
Theo tôi nghĩ thì dù quan điểm của chúng ta đối với vấn đề nầy thế nào chăng nữa chúng ta cũng phải ưu tiên gìn giữ ước mơ về một sự cảm thông hỗ tương giữa phật tử và kitô hữu. Vậy cần phải thử tìm hiểu lý do sâu xa thúc đẩy kitô hữu tự áp đặt quy ước đó cho họ.

Căn bản của quan điểm kitô giáo: Thiên Chúa Ðấng Tạo Hóa
Theo các tôn giáo độc thần, tín điều đầu tiên chính là có một Phra Chao, một Thiên Chúa làm nên mọi sự, và không thể có điều gì có mà không do Ngài làm nên. Ðó chính là khẳng định ở trang đầu tiên của Thánh Kinh, đó chính là nền tảng cốt yếu của Kitô giáo: đó là điều đầu tiên người ta dạy cho kitô hữu.
Bởi thế, trong cái nhìn của kitô hữu vốn đã thâm tín rằng mọi sự đều do Phra Chao, nếu có Tam Bảo như phật tử tuyên xưng thì cũng chỉ có thể từ Phra Chao mà ra như mọi sự khác.
Chúng ta phải hiểu rằng một kitô hữu không thể không suy nghĩ và nói như thế; theo quan điểm của họ, không thể khác được: nếu có những điều được gọi tên là Buddha, thuộc giống loại nào bất kỳ thì cũng có thể từ Phra Chao mà có, bởi vì chỉ có một Ðấng, Ðấng của họ, và Ðấng đó làm nên tất cả. Ðối với một kitô hữu, tuyệt đối không có một chọn lựa nào khác.
Về phần chúng ta, theo quan điểm của chúng ta, tất cả vấn nạn là ở chỗ tìm biết khi kitô hữu nói về Phra Chao của họ thì điều đó có nghĩa là gì.

Phra Chao theo nghĩa tối hậu
Kitô hữu cho rằng: "Tất cả mọi sự hiện hữu, chính Phra Chao, chính Thiên Chúa đã tạo nên". Về phần phật tử chúng ta, chúng ta nói sao? Chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng không có gì tự mình mà có, nghĩa là đối với mọi hiện tượng, cần phải có một cái nhân; để cho một điều gì bất kỳ xảy ra, cần phải có một điều khác dù đó là nhân hay duyên. "Chỉ có sinh thành như là sinh thành có điều kiện": đó là một khẳng quyết căn bản của Phật giáo. Ðức Tôn sư đã dạy: "Có nhân đó như là điều kiện để có quả đó, không có nhân đó thì chẳng có quả đó".
Kitô hữu chắc sẽ hỏi ngay: - Theo quy định đó thì điều gì đã "chi phối" việc sinh thành ra Tam Bảo? Ðiều gì đã làm cho Tam Bảo hiện hữu?
Ðối với phật tử chúng ta, đặt vấn nạn theo cách thức đó không phải là đặt vấn nạn rốt ráo. Vấn nạn đó còn bị giới hạn trong giai trật của cá thể bị câu thúc: một điều gì "chi phối" một điều khác thì, bởi ngay mối tương quan chi phối nầy, lại bị chi phối bởi điều nó chi phối: Ðiều chi phối lại cùng lúc bị chi phối; điều chi phối và điều bị chi phối cùng bị giới hạn trong mối tương quan đó, trong "dây chuyền" những sự chi phối, như trong "sợi xích vô tận" của những chi phối hỗ quan.
Nếu chúng ta đặt câu hỏi để biết: "điều gì đã chi phối điều gì?", chúng ta vẫn còn vướng mắc ở bình diện cá thể, ở bình diện cá biệt. Ở bình diện đó chúng ta có thể trả lời về từng điểm cá biệt cho Tam Bảo.
Thái tử Gautama (Cồ Ðàm) đã trở thành Phật Thích Ca khi Ngài được "giác ngộ" bởi "Kiến Thị", bởi trực giác tâm linh về chiều kích tối hậu của cuộc nhân sinh, nghĩa là về Tánh Pháp uyên nguyên và phổ quát, về Dharma.
Dharma, theo nghĩa cá biệt thuộc về giáo thuyết (hay giáo huấn) của Ðức Phật, đã "xuất hiện" khi Phật Thích Ca kiến giải điều đó.
Sagha, theo nghĩa cá biệt về giáo đoàn những môi sinh của Ðức Phật, đã "xuất hiện" khi những môn sinh đầu tiên đi theo Ðức Phật.
Chúng ta vừa định nghĩa "nguồn gốc" thế tục của Tam Bảo theo bình diện cá biệt, theo nghĩa đen, "vật chất" và sát văn từ. Tuy nhiên đó không phải là vấn nạn tối hậu, vấn nạn về ý nghĩa tối hậu vốn là vấn nạn về Nguyên Tánh của chúng.
Ðối với vấn nạn tối hậu, về tánh tối hậu, về Pháp của Nguyên Tánh Tối Hậu, về Dharma Tối Hậu thì chỉ có một giải đáp, phổ quát và độc nhất; đó là tất cả đều quy chiếu về Dharma Tối Hậu như là "ý nghĩa" hay là Tánh Pháp, vừa Uyên nguyên vừa Tối hậu.
Ðối với "vấn nạn Tối hậu" về tính cách phổ quát của vạn pháp, chỉ có một giải đáp duy nhất: đó chính là Dharma! - Dharma theo ý nghĩa toàn triệt, ý nghĩa thứ nhất trong "bốn ý nghĩa của Dharma" - "Từ vĩnh cửu đã có Dharma!" - "Rằng có gì đó hoặc không có gì hết; rằng Tathagata (Như Lai) - Ðức Phật - đã sinh ra hoặc không sinh ra, đã xuất hiện hoặc đã không xuất hiện, rằng dù thế nào đi nữa thì Nguyên Bổn của Dharma đó cũng đã tuyệt đối có từ vĩnh cửu.
Chúng ta cũng nên tôn trọng nguyên ngữ điều được coi là do Ðức Phật nói ra. "Nguyên Bổn của Dharma" (Pháp Bổn), Dharma-Dhatu (Pháp Giới) đồng nghĩa với "Chân lý của Dharma (Pháp Chân), Dharma theo nghĩa tuyệt đối. Trên bình diện của Tối Hậu người ta không bao giờ dùng động từ "hiện tồn" (exister theo Pháp ngữ), vốn chỉ được dùng khi nói về cá thể, bởi vì "hiện tồn" - Bhu, Bhavati trong tiếng Thái - có nghĩa là "trở thành"; người ta chỉ sử dụng động từ "có" (y avoir trong Pháp ngữ) - As, Asti trong tiếng Thái - vì đó là một động từ thoát ra ngoài mọi sự quy định, và chỉ giới hạn trong ý nghĩa "không phải là vô", thế thôi.

Dharma theo giáo huấn của Ðức Phật
Dharma nầy, Pháp của Nguyên Tánh nầy thì tuyệt đối có đó, từ vô thủy, độc lập với mọi giác giả được giác ngộ, quán chiếu và giáo huấn Dharma.
"Dharma của Chân lý uyên nguyên nầy chính là Tathata - tự tại -, Ainsité, talité (theo tiếng Thái), điều có "như thế", và không thể có "không như thế".
Tánh Pháp, Pháp của Chân lý toàn triệt phổ quát được áp dụng ở bình diện cá thể, vì nhu cầu thông đạt của ngôn ngữ con người khi trình bày thì được cá biệt hóa và chi tiết hóa trong những Pháp căn bản của "giáo thuyết", hay còn gọi là "Dharma theo giáo huấn của Ðức Phật". Những Pháp đầu tiên được gọi là Tứ Diệu Ðế, gồm:
(1) Khổ, Dukkha (theo nhiều cấp độ ý nghĩa khác nhau, nghĩa theo sát văn từ và nghĩa tâm linh);
(2) Dukkha thực - nghĩa tâm linh - cái khổ não thực của con ngưòi có nguyên nhân ở nội tâm thì do những tâm cấu như tham, sân, si...;
(3) đối với "khổ sanh" do chính chúng ta tự tạo nên đó, chúng ta có thể chữa trị bằng cách dứt bỏ những trói buộc khổ não của nó;
(4) có một Con Ðường, một lối thực chứng tâm linh của "vô tác", hay "tịch tĩnh" việc tác tạo nên Dukkha.
Ðức Phật không sáng tạo nên những Pháp cá biệt của Dharma được truyền dạy nầy, nhưng Ngài đã kiến thị, quán chiếu qua thực tế của cuộc đời cụ thể như đã xảy ra; chính Ðức Phật đã kinh qua trong "thực nghiệm" sống thực của Ngài; Ngài đã hướng dẫn các môn sinh của Ngài để rồi đến phiên họ, họ sống với kinh nghiệm như thế. Những pháp nầy, như là việc minh nhiên hóa Pháp Tối Hậu của Nguyên Tánh thì luôn mãi là tuyệt đối chân thực, phi thời gian, vô điều kiện; chân lý của nó không lệ thuộc sự kiện Ðức Phật đã khám phá ra hay truyền dạy; những pháp nầy tham dự vào tính tuyệt đối của Dharma. Nếu có yếu tố quy ước nào thì đó chỉ ở trong mức độ ngôn từ được sử dụng để phát biểu những pháp nầy.

Dharma, Ngôi Lời
Trong Thánh Kinh của Kitô giáo có một đoạn đáng lưu ý nói đến Phra Chao không mang dạng thức cá thể kiểu Puggala: chính ở phần đầu Phúc Âm Thánh Gioan viết: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời". Lời đó chính là lời được nói lên, triệt để, tuyệt đối vì khi đã được nói lên, lời ấy luôn ở đó, không đổi thay. Một vài bản dịch mới đây còn viết: "Từ nguyên thủy, đã có Dharma". Những cách biểu thị như Lời, Pháp, Dharma có thể xích lại gần nhau dễ dàng, vì khá đồng tính.
"Lời ở cùng Phra Chao, và Phra Chao là gì thì Lời cũng như thế. Như thế, từ đời đời, Lời ở cùng Phra Chao, và mọi sự đến từ Lời, và không có điều gì không đến từ Lời."
Ðó là một ngôn ngữ ít có tính cách nhân hình, gần gũi hơn với ngôn ngữ của những Con Ðường Trí Huệ khi nói về Pháp của Nguyên Tánh. Nhờ bởi Tánh Pháp nầy mọi sự thì "tự tại", mọi sự sinh thành tự tại, trong bản thể cá biệt, phù hợp với Pháp của tánh Phổ quát. Ở đây không còn là ngôn ngữ quy ước nhân hình, theo dạng thức một nhân vật - Puggala - kẻ sáng tạo nữa.
Chính bởi Pháp của Tánh Tối Hậu của Dharma mà Ðức Phật đã xuất hiện tự tại, như là một Giác Giả chân thật, và không như điều người ta đã cố gắng giả định ra một quy ước cho người phối ngẫu kitô hữu như đã nói ở trên.