PDA

View Full Version : Phận vụ thường ngày của người tu sĩ



teresangan
24-04-2009, 09:23 PM
PHẬN VỤ THƯỜNG NGÀY
CỦA NGƯỜI TU SĨ

Giacôbê Vũ Thế Hanh, O.P.

Tôi được phân trọng trách chia sẻ cho anh em những thực tại đụng chạm đến đời thường. Tưởng dễ nhưng không dễ chút nào. Tôi e rằng mình sẽ gieo vào đầu óc anh em những suy nghĩ bi quan. Hoặc lại trở thành kẻ lên mặt dạy đời. Ðiều này tôi không muốn. Tôi ý thức rõ mình đang kéo lê thân phận của mình và không ít những thái độ của tôi đang khiến anh em phải chướng tai gai mắt.
Tuy nhiên, khi tuyên khấn tôi đã phủ phục dưới chân anh em xin lòng thương xót của Chúa và của anh em, nên tôi tin anh em dù đã khấn, sắp khấn và chuẩn bị khấn sẽ luôn thương xót và bỏ qua cho tôi những gì tôi sa đà quá trớn. Tôi nói ra những suy nghĩ của mình cùng anh em cũng như một lời nhắc nhở với chính mình rằng chúng ta phải trở nên anh em của nhau và chúng ta luôn phải "thầm thì" nhắc nhở nhau thăng tiến trên con đường thánh thiện. Có thể những lời tôi chia sẻ là những lời "khó nghe" nhưng ẩn sau những lời "khó nghe" kia lại là một tấm lòng.
Như vậy, tôi xin được nói lan man những suy nghĩ vụn vặt rất có thể anh em sẽ cảm thấy nhạt nhẽo và chán phèo. Mặc kệ anh em, tôi vẫn nói.
Tu là sửa
Thời gian còn là thỉnh sinh, cha cố Ðương, (lúc bấy giờ là giám đốc thỉnh sinh) nhắc đi nhắc lại với chúng tôi : Tu là sửa, bao lâu không còn sửa thì lúc đó ta chẳng phải là tu nữa. Vỏ là thầy tu nhưng ruột lại là thầy đời. Ốc mượn hồn cua. Râu ông nọ cắm cằm bà kia. Con người như thế sẽ trở thành dị hợm.
Vậy mà trong "cuộc khảo hạch để đi tập viện", cha Ngô Sĩ Ðình hỏi tôi : "Tu là gì ?". Tôi trả lời rất thần học : "Tu là theo sát Chúa Kitô, là trở thành môn đệ Ðức Kitô, là dâng hiến cuộc đời của mình cho Chúa". Thầy hỏi tôi : "Có thế thôi sao ?". "Thế theo cha tu là gì ?", tôi hỏi. "Tu là sửa, anh hãy luôn ghi khắc điều này", cha nói với tôi.
Từ bấy đến giờ, hễ ai hỏi tôi : tu là gì ? Không suy nghĩ, tôi đáp ngay : là sửa. Tu sĩ : người chuyên sửa. Sửa cái gì ? Sửa bản thân. Chúng ta chẳng được mời gọi "Hãy trở nên hoàn trọn như Cha ở trên trời là Ðấng hoàn trọn" đó sao. Với ý thức như thế, chắc rằng sẽ không mấy tổn thương một khi đã "là thầy", "là cha" rồi mà vẫn bị người khác "sửa mũi". Bình thường thôi. Ơn gọi của ta là sửa mà.
Chúng ta cần phải hiểu từ "sửa" ở đây theo nghĩa rộng. Từ "sửa" này bao gồm cả một hành trình tập sống những giá trị tích cực nữa. Cảm tạ Chúa ! Cha cố Ðương kỹ tính, người chỉ dạy chúng tôi tỉ mỉ. Cha chỉ dạy chúng tôi từ cách biết viết một lá thư, bóc lá thư một cách trân trọng. Cha dạy chúng tôi biết cách phơi áo quần cho thẳng phòng khi không kịp ủi thì vẫn có thể mang ngay, dạy chúng tôi biết gõ chuông sao cho "có đức ái". Cha dạy chúng tôi bước đi nhẹ nhàng để giữ bầu khí thinh lặng.
Thinh lặng là luật rất thánh, anh em cần phải tuyệt đối giữ thinh lặng những nơi và những giờ quy định. Ðiều này rất hệ trọng để tạo bầu khí cho anh em cầu nguyện và làm việc riêng. Ðôi khi tu lâu nên quên thinh lặng, nói cười một cách tự do. Một cách vô tình chúng ta đang làm mất đi truyền thống thinh lặng của Dòng.
Ði cho người ta nhớ, ở cho người ta thương. Ðừng dở dở ương ương chẳng ai thương cũng chẳng ai nhớ. Ðã ở đâu dù chỉ một ngày thôi, hãy coi đó như nhà của mình, gia đình của mình. Với tinh thần như vậy, ta sẽ biết cách tôn tạo cuộc sống tốt đẹp hơn dù chỉ một ngày.
Khiêm hạ để sửa đổi bản thân và học hỏi người khác là điều chẳng bao giờ thừa.
Của máu của lửa
Ðây là lời cha cố Ðương luôn nhắc nhở chúng tôi. Tất cả những gì chúng ta dùng đều là của máu và lửa. Không phải bỗng dưng ta có những thứ chúng ta dùng nhưng vì yêu quý đời sống hiến dâng nên nhiều người đã góp vào cho chúng ta có được một cuộc sống tương đối đầy đủ. Phần lớn trong số đó là của những bà goá nghèo đã chắt bóp, nhặt nhạnh từng đồng lẻ để vun đắp cuộc sống cho các cha, các thầy. Do đó chúng ta phải hết sức thận trọng khi sử dụng của cải vật chất.
Phải thú thực rằng chúng ta sử dụng của cải vật chất của nhà dòng một cách "nhưng không" lâu ngày thành quen nên dần dần chúng ta suy nghĩ : cái đó là đương nhiên, chuyện người khác phục vụ tôi là dĩ nhiên, anh quản lý phải lo cho tôi đầy đủ cái này cái khác là lẽ thường tình. Trở thành kẻ đòi hỏi lúc nào tôi không hay biết. Tôi cũng chẳng bận tâm những thứ tôi được hưởng từ đâu mà có.
Nếu không tin bạn cứ quan sát từ những chi tiết rất nhỏ : cách chúng ta dùng bột giặt, nước, điện,. bạn sẽ nhận ra ngay mức độ hoang phí không cần thiết của mỗi chúng ta. Chúng ta không quá nhỏ nhoi đến độ bủn xỉn. Nhưng chúng ta cũng không quá hoang phí một cách vô tội vạ : cha chung không ai khóc. Chỉ buốt ruột quản lý mỗi khi phải thanh toán những tờ biên lai thu tiền. Chỉ tội nghiệp quản lý cứ phỏng cổ kêu gào tiết kiệm nhưng thử hỏi có bao nhiêu người hưởng ứng. Chắc lúc nào làm quản lý, chúng ta sẽ hiểu điều này hơn ai cả.
Phải đau đớn nói rằng có người anh em ra ngoài cả ngày, thế mà trong phòng hai bóng đèn cháy sáng, hai quạt máy quay tít. Thường xuyên như thế. Có lẽ chủ nhân của căn phòng muốn giữ cho phòng mình luôn sáng và mát mẻ. Chuyện tưởng nhỏ nhưng ắt không nhỏ. Khi một người lãng phí vô tội vạ những thứ tưởng chừng "rất nhỏ" như thế thì có thể anh ta sẽ hoang phí ở cấp độ rộng hơn một khi anh ta "nắm nhiều tiền và nhiều quyền trong tay". Lúc bấy giờ thiệt hại không chỉ ở mức cá nhân nhưng là tập thể. Tôi nghĩ như thế và xác tín như thế. Thiết tưởng nhắc nhở mình ý thức trong việc tiêu xài và sử dụng những của chung là điều chẳng bao giờ thừa.
Xét dưới khía cạnh thần học, chúng ta càng phải trân trọng vạn vật khi ta hưởng dùng. Này nhé ! Ðể có một bữa ăn cho bạn, biết bao heo bò ngan ngỗng đã phải chết đi, biết bao tôm cá đã phải chết đi, biết bao rau cỏ đã phải hy sinh để làm thức ăn mỗi ngày nuôi sống bạn. Vạn vật đều quý trọng sự sống. Chặt ngang một thân cây, vài ngày sau từ thân cây đó đâm lên những chồi non hướng về ánh sáng. Ðạp đứt đôi con giun đất thì phần còn lại vẫn cố trườn về phía ẩm ướt để được sống. Thánh Gioan nói rằng vạn vật những rên siết ngong ngóng mong đợi ngày Thiên Chúa cứu độ chúng. Chúng không vô tri vô giác đâu. Chúng ước muốn biến thành máu thịt chúng ta để qua chúng ta chúng được cứu độ. Như vậy, cũng thật bất hạnh cho chúng khi vì chúng ta mà chúng bị Chúa lãng quên. Hiểu như thế, chúng ta sẽ luôn trân trọng từ con sâu cái kiến đến cọng giá cọng hành. Chúng ta được mời gọi để qua chúng ta mọi vật đều trở nên có giá trị trước mặt Chúa và được cứu độ. Cha Antony Nguyễn Ngọc Sơn đã dạy tôi thế và tôi chia sẻ lại. Tôi nghĩ điều này rất hệ trọng giúp ta ý thức trong cách ăn uống và sử dụng những phương tiện sao cho thật có ý nghĩa.
Mọi thứ ta dùng đều là "của máu của lửa" vì đó là những thứ vì yêu Chúa người ta gởi cho chúng ta và chúng ta cũng phải sử dụng những gì ta có bằng sự trân trọng và bằng tình yêu.
Ngôn từ
Ngôn ngữ là phương tiện thường ngày chúng ta chuyển tải thông điệp cho nhau. Một lời nói ra có thể vực dạy một người anh em và một lời nói ra có thể làm cho người anh em mất ăn mất ngủ và có thể có những kẻ bỏ cộng đoàn vì câu nói của một ai đó.
Xin được trích dẫn tâm sự của Ðức cha "Fulton Sheen", nhà thuyết giáo nổi tiếng của Hoa Kỳ :
Tại Lavie, trong khi giúp lễ trên bàn thờ, một cậu bé vô tình đã đánh đổ lọ nước. Vị linh mục nổi giận tát cậu bé nảy lửa và quát : - Cút đi và từ nay đừng bao giờ trở lại đây nữa.
Cậu bé đã ra đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Sau này cậu đã trở thành nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản. Tên cậu là Titô.
Tôi còn nhớ tôi cũng là cậu bé giúp lễ tại nhà thờ chánh toà. Vị giám mục sở tại là đức cha John Pouldin. Lúc đó tôi lên bẩy. Trong một phiên giúp lễ tôi cũng đã có lần đánh rơi bình rượu. Có lẽ nghe cả một trái bom nguyên tử nổ cũng không bằng âm thanh của một bình rượu rơi trên nền đá lúc bấy giờ. Tôi sợ tưởng chết đi được bởi vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi ai cũng nghĩ đức cha là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng cha chẳng tỏ thái độ gì cả. Sau thánh lễ, vị giám mục nói với tôi : - Lại đây cậu bé, lớn lên con sẽ học ở trường nào ?
Ðối với một cậu bé bẩy tuổi như tôi lớn lên có nghĩa là vào trường trung học, tôi liền nói : - Thưa đức cha, con sẽ xin vào trường Sud Pondu.
Thế nhưng vị giám mục nói với tôi : - Cha nói là khi nào con lớn kia, con có bao giờ nghe nói đến trường Luvard không ?
- Dạ thưa có ạ ! Tôi đáp.
Ngài nói : - Vậy thì con hãy về nói với mẹ con rằng : khi con lớn, con sẽ vào học ở đại học Luvard, và một ngày nào đó con cũng như đức cha.
Tôi đã thưa với mẹ tôi như đức giám mục đã nói và mẹ tôi nói với tôi : "Luvard là một trường đại học nổi tiếng ở Châu Âu". Tôi không ngờ rằng hai năm sau khi chịu chức linh mục, tôi đã ngồi trên chiếc xe lửa trực chỉ Luvard, đúng là nơi đức cha đã nói với tôi.
Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về hướng này, còn Titô đã đi hướng ngược lại. [1] (http://www.daminhvn.com/thuvien/dongdaminh/chiasedoitu/tapvien/tv4-phanvunguoitusi.htm#a)
Tâm sự của Ðức cha "Fuklton Sheen" đáng để chúng ta suy nghĩ trong cách chúng ta sử dụng ngôn từ. Nói theo kiểu của cha Timothy Radcliff, chúng ta phải nói lời ban sự sống, lời chữa lành. Trong một bài thuyết trình cho các Thày giám hiệu các trường trung tiểu học thuộc Tổng giáo phận Wesninster, cha chia sẻ :
Nếu ơn gọi của Ađam là gọi các sự vật theo tên của chúng, thì như vậy lời nói có giá trị. Khi nói, chúng ta có thể giúp cho thế giới mà Thiên Chúa mong muốn được xuất hiện, trở thành những người đồng sáng tạo với Người. Chúng ta có thể nói ra những lời sáng tạo hay phá huỷ, những lời xây dựng hay những lời làm cạn kiệt sức sống của một con người và hạ giá họ. Ở Châu Mỹ có một con vật sống trong ao hồ, người ta đặt tên cho nó là rệp nước khổng lồ. Nó lướt trên những con cóc và hút hết bộ lòng, chỉ để lại bộ da con cóc rỗng không. Chúng ta có thể nói với nhau những lời giống như những Lời của Thiên Chúa, làm cho sự vật hiện diện, hay ngược lại, cách nói chúng ta có thể như con rệp nước khổng lồ phá huỷ thế giới của Thiên Chúa. Lời nói chúng ta có giá trị và có lẽ đó là điều căn bản nhất chúng ta phải dạy cho các em. [2] (http://www.daminhvn.com/thuvien/dongdaminh/chiasedoitu/tapvien/tv4-phanvunguoitusi.htm#a)
Tôi nghĩ những lời trên dành cho chúng ta mới phải. Mỗi ngày chúng ta cần kiểm nghiệm xem mình đang nói lời sáng tạo, dựng xây, nâng đỡ anh em bằng những Lời của Chúa hay chúng ta đang dùng cách nói của con rệp khổng lồ kia nhằm tiêu diệt anh em. Những lời nói ám chỉ, bóng gió, "móc họng" nhằm hạ bệ người khác đều là những cách nói của con rệp nước khổng lồ. Nếu không ý thức, những ngôn từ như thế cứ trực trào khỏi miệng ta bất kỳ lúc nào và rất có thể ta đang là người huỷ diệt anh em và hủy diệt công trình của Thiên Chúa.
Làm bổn phận
Không biết anh em thế nào, còn tôi, tôi luôn phải chiến đấu thường khi với căn bệnh mà tôi vẫn gọi là bệnh "hủi" hay bệnh "rệp", tức kí sinh "lười". Có lẽ không riêng gì tôi nhưng cả anh em nữa, chúng ta thích chơi hơn là làm việc và thích dễ dãi với bản thân hơn với người khác. Chúng ta phải nhắc nhở nhau để làm ngược lại với "lẽ thường tình trên".
Ðời đời chẳng ai thích sống với "con hủi" hay "con rệp". Nếu tôi "trở thành" hai loại côn trùng này thì vô phúc cho tôi. Tôi sẽ là một vi khuẩn gây hại và rất có thể anh em và cộng đoàn sẽ xua tôi như xua tà vì sợ lây nhiễm. Tôi nhớ có lần tôi khen mợ Tư của tôi số nhàn hạ. Anh Hai tôi nói ngay : "Lười thì có. Ở trên đời này chẳng có ai nhàn cả ngoại trừ những người không muốn làm. Giả như mợ ấy chăm chỉ hơn một chút thì cậu đâu phải lai lưng ra làm mọi việc". Tôi phải chân nhận mợ Tư lười. Mợ lười nên nhà mợ bê bối bẩn thỉu, chúng tôi chẳng muốn đến nhà của mợ. Cậu mợ mời ăn cơm anh em tôi chối khéo chỉ vì chuyện "bát không sạch nên không ngon cơm". Chúng tôi cũng chẳng dám nhờ mợ giúp gì vì các em tôi bảo mợ là "rệp".
Chúng ta chọn sống chung với nhau nên cũng phải chia sẻ công việc với nhau. Thú thật anh em không "đụng" nhau vì những chuyện gì lớn cho bằng chuyện rửa bát, lau nhà, quét nhà. Chắc chắn sẽ có anh em nói : nhỏ nhặt như thế thì làm sao làm được chuyện lớn. Tôi tự nghĩ chuyện lớn phải được hình thành từ cái rất nhỏ. Dụ ngôn hạt cải, chuyện năm nén, mười nén Ðức Giêsu đã chẳng dạy ta như thế là gì.
Trong một nhóm công tác, chỉ cần có một "con rệp" kí sinh thôi thì mọi việc sẽ phiền toái thêm nhiều. Con rệp đó có thể là bạn và tôi. Ví dụ tôi và bạn được chia công tác rửa bát. Ðến lúc làm, tôi "lỉnh" đi mất vì một lý do rất thuyết phục. Tôi "lỉnh" liên tục và lần nào cũng có lý do rất thuyết phục. Tôi đang chất gánh nặng của tôi lên vai bạn. Thà không có tôi bạn làm việc vất vả nhưng không bận lòng. Ðằng này khi tôi "lỉnh" như thế tôi sẽ làm cho bạn bực tức khi làm việc nữa. Như thế thật bất công. Chúng ta đang ứng xử với nhau nhan nhản như thế trong đời thường. Chúng ta cứ phỏng cổ lên kêu gào sống bác ái, trong khi ngay việc sống công bằng chúng ta chưa thực hiện nổi. Anh em đã mệt mỏi gánh vác phận vụ của họ, mình lại chất gánh nặng của mình lên vai của họ nữa. Có bất công chăng ? Chúng ta cũng phải mời gọi anh em mình như Ðức Kitô : "Hãy đến với tôi hỡi tất cả những ai vất vả, tôi sẽ bổ sức cho, vì ách của tôi thì êm và gánh của tôi thì nhẹ". Nhẹ và êm vì tôi mang giúp và gánh giúp chứ không chất thêm.
Bệnh "con rệp" thâm nhập vào cả đời sống phụng vụ nữa. Tu lâu chầu mỏi. Thú thật lắm lúc nghĩ tới kinh nguyện ớn tới cần cổ. Phóng xe ra đường gặp gỡ những người mình quý mến, tỉ tê tâm sự, hút điếu thuốc, uống ly cà-fê sẽ thú vị hơn nhiều. Lúc bấy giờ lại phải chiến đấu với bệnh "con rệp". Ðôi khi nó thua nhưng lắm lúc nó vẫn thắng.
Chúng ta có trăm nghìn lý do để thoái thác việc cầu nguyện chung. Ðây là cuộc chiến thường ngày của mỗi chúng ta. Chúng ta thức khuya dậy sớm và cứ phải "ra rả" cầu kinh như ve kêu mùa hạ. Lại còn những lúc khủng hoảng niềm tin nghi ngờ không biêt có Chúa. Thú thật nhiều lúc tôi nghĩ chắc Chúa chán lắm những lời lải nhải của ta. Tuy nhiên, nói gì thì nói chúng ta vẫn phải chân nhận rằng những lời kinh nguyện kia nuôi dưỡng Giáo Hội cả bao thế kỷ, đã bao nhiêu người nên thánh nhờ kinh nguyện và cộng đoàn chúng ta có sống hay chết là nhờ những giờ chúng ta cầu nguyện chung với nhau. Nhiều lúc tinh thần bải goải, sức lực mệt mỏi kéo lê thân xác ra nhà nguyện ngồi "ệt mặt" một đống trông thật thảm hại nhưng lúc đó là người anh em đang chiến đấu và chiến thắng "virus con rệp" đấy. Anh ta đang là biểu tượng của sự vượt khó và đối với tôi biểu tượng đó luôn đẹp và cũng cho tôi thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh con "rệp" đang ngự thâm canh cố đế trong tôi.
Kết
Chúng ta được mời gọi gia nhập vào Dòng để chia sẻ sứ vụ loan giảng Tin Mừng. Cộng đoàn chúng ta là cộng đoàn Thuyết Giáo. Chúng ta đã và sẽ trở thành tu sĩ Thuyết Giáo. Người khác chỉ tin chúng ta khi chúng ta thật sự sống tình huynh đệ trong cộng đoàn của chúng ta. Không có thứ tình huynh đệ suông, tình huynh đệ phải được thể hiện qua cung cách sống của mỗi thành viên. Tôi sẽ đóng góp gì cho cộng đoàn tôi đang hiện diện ? Tôi đang cộng tác với công cuộc sáng tạo của Chúa hay tôi đang thể hiện lối sống của "con rệp vĩ đại" hút cạn kiệt sinh lực của anh em tôi ? Mỗi chúng ta tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Trên hết, Thiên Chúa là niềm vui, Thiên Ðàng là chốn hạnh phúc hoan lạc. Khi chúng ta xây dựng cộng đoàn chúng ta trở nên cộng đoàn của niềm vui đó chính là dấu chỉ của Thiên Ðàng. Cha Giorđanô, một người anh của chúng ta giải thích câu "hãy vào trong niềm vui của Chúa" theo nghĩa là gia nhập Dòng, nơi "mọi nỗi ưu sầu của bạn sẽ biến thành niềm vui và niệm vui của bạn không ai có thể cướp được. Cha Timothy trong lá thư viết cho các chị đan sĩ đã trích dẫn lời của chị Barbra ở Herne :
Trong những khoảnh khắc giải trí, các nữ đan sĩ diễn tả niềm vui của mình là được ở với nhau. Họ cười nhiều đến nỗi làm cho những người đang tĩnh tâm ở nhà tĩnh huấn phải ngạc nhiên vì những tiếng cười giòn giã cứ vang vọng đến gần nửa tiếng đồng hồ mỗi buổi tối. [3] (http://www.daminhvn.com/thuvien/dongdaminh/chiasedoitu/tapvien/tv4-phanvunguoitusi.htm#a)
Niềm vui là cách thức diễn tả hạnh phúc. Một người mặt ỉu xìu thì làm sao có thể loan tin vui, mà nếu loan tin vui không biết người khác có tin. Gần đây tôi gặp anh Trọng Viễn và hỏi thăm cuộc sống của anh khi sống ở tu viện Alberto. Anh cười hô hố khoái trá nói : "Vui lắm, đã lắm em ơi ! Vui từ nhà cơm tới phòng hội, thế mới là sống, thế mới là tu". Tôi cũng vui lây và hạnh phúc lây.
Ước mong trong mỗi khoảnh khắc đời thường, chúng ta biết tạo cho nhau những niềm vui nho nhỏ : một lời chân thật, một nghĩa cử chân thành, một lời động viên, khích lệ. Từ những mẩu nho nhỏ này góp lại chúng ta có thể xây thành núi : núi của niềm tin yêu hy vọng.
"Vui lắm, đã lắm, vui từ nhà cơm đến phòng hội, thế mới là sống, thế mới là tu". Nếu cứ dựng xây, thế nào cũng có lúc chúng ta sẽ phấn chấn thốt lên những lời chân thành như thế.

---------------
[1] Tôi không nhớ mình đã góp nhặt mẩu chuyện này từ đâu
[2] Timothy Radcliff, Ðể niềm vui nên trọn, Học viện Ðaminh 2002, tr. 139
[3] Sách đã dẫn, tr. 58