PDA

View Full Version : Món quà chánh Pháp



duckha
25-04-2009, 01:31 PM
Gần đây, sự tiến bộ quá nhanh của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những khủng hoảng xã hội, mất thăng bằng về sinh thái, về văn hóa, tâm lý, đạo đức ... Nhà Vật lý học Albert Einstein cho rằng : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy".

Con người thời đại đã thông cảm và ca ngợi đạo Phật như thế. Còn đối với hàng Thích tử, dẫu biết rằng học sơ trí thiển, cũng xin vận tâm chí thành dâng lên cúng dường Đức Thích Tôn nhân mùa Phật đản.
Chúng ta đều nhìn nhận rằng nội dung của đạo Phật không ở nghi lễ, triết học hay thần thoại, mà chính là ở trong lối sống, trong cách ứng xử của bản thân, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ. Nếu không nhờ những đặc trưng trên, có lẽ giáo lý đạo Phật khó vượt thắng bao nhiêu luận thuyết của ngoại đạo trong xã hội Ấn Độ trước và cùng thời với Đức Phật, và cũng khó tồn tại trong một chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ. Nổi bật trong lối sống, trong cách ứng xử đó, là tinh thần khéo hành xử Trung đạo. Cuộc đời hoằng pháp độ sanh 49 năm của Đức Phật đã thể hiện sự xóa bỏ nhị biên giữa các cặp phạm trù đối đãi "nhận và khước từ", "nhớ và quên", "nói và không nói", "đi và dừng".

1. Đức Phật khước từ tất cả mà nhận tất cả
Khước từ những gì ?
 Khởi đầu là khước từ cung vàng điện ngọc, gia đình, địa vị, cuộc sống vương giả an nhàn …; nói chung là khước từ dục lạc, là việc lập hạnh đầu tiên của người xuất thế tục gia vì "đa dục là khổ". Người hành đạo phải thiểu dục tri túc, chỉ giữ những vật cần thiết để duy trì mạng sống mà hành đạo.
 Đến lúc qua bên kia bờ sông A-nô-ma, Đức Phật lại cạo bỏ râu tóc (thể hiện chấm dứt phiền não), gởi trả châu báu, vương phục (thể hiện cởi bỏ mọi ràng buộc với gia đình, với địa vị).

Nhận những gì ?
 Đức Phật đã nhận bát sữa để đánh dấu sự từ bỏ khổ hạnh vô nghĩa, nhận tám bó cỏ Kusa làm phương tiện tọa thiền, nhận y bát để làm phương tiện hoằng hóa, nhận tinh xá Trúc Lâm, Kỳ Viên … để làm nơi an trú cho Tăng đoàn. Tóm lại, Đức Phật nhận tất cả những gì cần thiết hỗ trợ cho việc tu hành của cá nhân người tu sĩ hay của tập thể Tăng đoàn, cũng có khi Đức Phật nhận vì lòng bi mẫn đối với chúng sanh mà làm phước điền cho thí chủ.
Nhận hay khước từ, đó là Đức Phật đã tùy duyên mà ứng xử vì LỢI MÌNH, LỢI NGƯỜI, LỢI CHO ĐẠO PHÁP, trước sau chẳng mâu thuẫn nhau.

2. Đức Phật nhớ tất cả mà quên tất cả

Nhớ tất cả :
 Khi sao Mai vừa mọc, Đức Phật đắc đạo, liền dành thời gian bảy ngày chiêm ngưỡng cây Bồ-đề, nơi đã che mưa đỡ nắng, trợ duyên cho Ngài an trụ trong thiền định suốt 49 ngày đêm và đắc quả vị Phật.
 Sau đó, Ngài tuần tự nhớ nghĩ đến hai vị Thầy dạy mình đầu tiên là "A-la-sa" và "Úc-đa-ca", muốn tìm phương tiện độ cho được giải thoát, nhưng cả hai vị đều đã qua đời, rồi đến năm anh em ông Kiều-trần-như, nhớ lời ước hẹn với vua Tần-bà-sa-la, nhớ cô thôn nữ Sujata dâng bát sữa, nhớ cậu trai Svastika dâng cỏ cát tường để trải tòa thiền định, nhớ vua cha Tịnh Phạn và dòng họ Thích-ca … Tóm lại, Đức Phật nhớ tất cả chúng sanh.

Quên tất cả :
 Là quên kẻ thù, kẻ làm thân Phật chảy máu, quên mọi nguyên nhân làm mình khổ (quên những sự thù hằn, thóa mạ, vu khống của ngoại đạo, quên tội tày đình của Đề-bà-đạt-đa). Tóm lại, Đức Phật không nhớ lỗi chúng sanh.
Ở đây, nhớ và quên không phải là mâu thuẫn, mà là trạch pháp : Điều thiện dù nhỏ chẳng bỏ qua, điều ác dù nhỏ phải dứt trừ. Vả lại, chư Phật thị hiện ở đời đều vì đại bi, đại nguyện đối với chúng sanh nên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, trong từng niệm, chư Phật đều vì chúng sanh, đều thương tưởng chúng sanh.

3. Đức Phật nói rất nhiều mà phủ nhận tất cả
Với 49 năm "giáo hóa độ xuân thu", cụ thể nhất là với 82.000 bài kinh do chính Tôn giả A-nan ghi nhớ được, chứng tỏ Đức Phật thuyết giáo rất nhiều, thế nhưng, cuối cùng Ngài tuyên bố : "Ta chưa từng nói lời nào !"… ? … Tuy Ngài nói vậy nhưng nào phải vọng ngữ ! Chẳng qua vì chúng sanh căn cơ hạ liệt nên Đức Phật đã chọn lọc trong rừng kiến thức của bậc Nhất thiết trí (ví như lá trong rừng) rút ra những nhận thức cốt tủy của Phật pháp (ví như lá trong nắm tay Phật) để phương tiện khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Đó là cách làm của bậc Y vương, biết căn bệnh trầm kha của chúng sanh là chấp mắc nên cho món thuốc xả chấp đó thôi. Giáo lý Như Lai dạy chỉ nên coi như thuyền bè đưa chúng sanh vượt qua bờ sanh tử, đừng dại dột nắm giữ mãi chiếc bè, đừng để bị kẹt vào giáo pháp mà hành xử một cách u mê, máy móc, thiếu trí xét đoán, không đúng lúc, đúng thời. Quá chấp vào lời kinh, để trở thành "tam thế Phật oan".

4. Đức Phật đi khắp nơi mà dừng lại
Chỉ với đôi chân trần mà vì lợi lạc cho chư Thiên và loài người, Đức Phật đã hành trình suốt từ Bắc Ấn đến Nam Ấn, có lúc độc hành, có lúc cùng đại chúng và cuối cùng, Ngài về Vesàli để nhập Niết-bàn :

"Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu".

Đức Phật luôn khuyến tấn các đệ tử phải đi và chính Ngài đã đi cùng khắp. Đi để giáo hóa, để đưa tất cả trở về với giáo pháp chơn như, giáo pháp của TỪ BI, BÌNH ĐẲNG, GIẢI THOÁT, nhưng Đức Phật lại bảo Angulimàla rằng : "Như Lai đã dừng lại lâu rồi !" khiến kẻ đang say máu giết người này bàng hoàng thức tỉnh, xuất gia theo Phật, và cuối cùng đạt quả vị giải thoát. Cho nên, đối với các bậc Thánh nhân, không có nhị biên giữa đi và dừng. Dừng là dừng mọi bất thiện pháp và đi thì mỗi bước chân của chư vị đều nhiếp đủ cả Tam tụ tịnh giới : Luật nghi giới, Thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới.
Điểm nổi bật trong giáo lý của Đức Phật Thích-ca, đó là tính nhân bản, tính bình đẳng, tính vô ngã và tính từ bi.

Tính nhân bản
"Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật".
Thật không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như đạo Phật. Theo Phật giáo, con người là chủ nhân mọi hành vi của chính bản thân mình, là vị Thượng đế duy nhất toàn quyền thưởng phạt mình, cho nên Đức Phật luôn luôn khuyên nhủ mọi người hãy tránh ác, làm thiện, gột rửa nội tâm để trở thành một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ.

Tính bình đẳng
Kinh Đại Báo Ân đã tán thán Đức Phật : "Như cơn gió lốc thổi dồn tất cả các thứ lá lại một chỗ, Đức Cồ-đàm giáo hóa tất cả, trí thức ngu si, vương giả bần cùng, nghèo hèn giàu sang, già cả niên thiếu, đàn bà đàn ông, kẻ ác người thiện, tất cả và hết thảy, Đức Cồ-đàm đều mang vào giáo pháp và xem như nhau. Đạo của Đức Cồ-đàm là đạo bình đẳng, không phân biệt vậy !"
Thành tích tuyệt vời đó sở dĩ Đức Phật làm được là do từ nhận định hết sức bình đẳng : "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ; không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn". Đức Phật đã ra sức giáo hóa, chiêu cảm, cứu vớt, thương yêu, độ tận mọi loài chúng sanh, cuối cùng đưa chúng sanh vào con đường giải thoát.

Tính vô ngã
Tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này đều hoàn toàn không có một cái chủ tể nhất định, luôn chuyển động, đổi thay qua bốn giai đoạn "sanh, trụ, dị, diệt".
Ngay khi còn sống trong cung vui, Đức Phật đã từng than thở cùng công chúa Da-du-đà-la : "Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người … Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương". Chủ tể đã không thì phải phá bỏ ngã chấp, có vậy mới mong giải thoát tự thân và thực hiện vị tha. Cái bi kịch của kiếp người không do một định mệnh khắt khe nào, không do một đấng sáng thế nào sắp đặt, mà chính do con người tự đày đọa mình trong vòng vô minh của NGÃ CHẤP vậy.

Tính từ bi
"Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ". Cứu khổ ban vui, đó chính là trọng trách thiêng liêng của Phật giáo và cũng chính nhờ sứ mệnh cao cả này mà Phật giáo tồn tại trên một lịch sử lâu dài của nhân loại : TỪ BI là thứ tình thương vượt qua mọi ranh giới, mọi quan hệ và bao trùm lên tất cả muôn loài, không phân biệt đây kia, thân sơ, bạn thù, giàu nghèo, sang hèn, người vật. Trên tinh thần đó, chắc chắn Phật giáo sẽ tồn tại mãi mãi. Đức Phật dạy : "Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù, đó là định luật của ngàn xưa".

Tồn tại 2545 năm lịch sử trong một thế giới có rất nhiều tôn giáo, điều đó nói lên tính ưu việt của đạo Phật, một tôn giáo không có giáo điều mà chỉ tùy duyên truyền đạt, mang tính phương tiện nhất thời. Lối hành xử của Đức Phật vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị biên nên chẳng những đã phá bỏ mọi chấp thủ mà còn đem lại sự giải tỏa mọi ức chế trên tâm lý con người, vì thế đạo Phật sẽ mãi mãi tiếp tục được sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.

Tuy thành tựu vẻ vang và tuyệt vời trong công trình hoằng hóa "có một không hai", nhưng Đức Phật chẳng bao giờ tự nhận hay chấp nhận người khác tôn thờ mình như một người sáng tạo ra học thuyết, hay một người có quyền năng của Thượng đế hoặc Thần linh. Đến với đạo Phật để mà "thấy" chớ không phải đến để mà "tin", đó là điều mà Đức Phật muốn phát huy cái khả năng Phật tánh ở mỗi con người để tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình.

Do những lẽ trên, con người thời đại ca ngợi đạo Phật vì đã có dịp kiểm nghiệm vai trò tôn giáo của đạo Phật qua thực tế cuộc sống, huống chi những người sinh ra đời gặp Phật, được chứng kiến Thánh hạnh của Đức Phật, bản thân cũng tự giác ngộ được những tri kiến "như thật", dĩ nhiên đã không ngớt lời tán thán Đức Thế Tôn : "Thật vi diệu, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho ai có mắt có thể thấy".

(Thích nữ Diệu Huệ)

Món quà chánh Pháp này ...
Sẽ chỉ cho bạn con đường dẫn tới sự bình an nội tâm.
Thân của bạn sẽ rối rắm, nhưng tâm sẽ không.
Người thế gian có thể rối rắm, nhưng bạn sẽ không,
Bởi vì tâm đã nhìn thấy.
(Ajahn chah)

nenhongnho
26-04-2009, 08:33 AM
:icon1:14 Điều răn của Phật
do Cố Đại Lão Hoà Thượng Luật Sư Kim Cang Tử sưu tập:


Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa người dối mình
Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
Tài sản lớn nhất của đời người là tình cảm
Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
Khiếm khuyết lớn nhất của đời là kém hiểu biết
An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Trong đạo làm NGƯỜI, nếu mỗi người đều biết giữ các điều răn này thì xã hội tốt đẹp biết bao!

dominico_dung
26-04-2009, 12:04 PM
Muju
101 câu chuyện thiền
Dịch giả Trần Trúc Lâm
Con Đường Bùn Lầy

Một hôm Tanzan và Ekido cùng đi trên một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi.
Qua một khúc quanh, họ gặp một người thiếu nữ xinh đẹp trong bộ kimono với đai lưng bằng lụa,
ngập ngừng không băng qua đường được.
"Này cô bé," vừa nói xong, tức thì Tanzan bế cô gái sang bên kia đường.
Ekido không trò chuyện nữa cho mãi đến đêm khi hai người đến trú ở một ngôi chùa. Không còn
chịu được nữa Ekido phàn nàn với Tanzan: "Chúng ta là tăng sĩ, không được đến gần phụ nữ,
nhất là con gái trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Tại sao sư huynh lại phạm giới?"
"Ủa, tôi đã để cô gái ở đấy rồi mà," Tanzan nói. "Sư huynh còn mang cô ấy theo ư?" trả lời.

dominico_dung
26-04-2009, 12:21 PM
“THÀ THẮP LÊN MỘT NGỌN NẾN...”

Quý độc giả Ephata Việt Nam và Chứng Nhân Đức Kitô thân mến,

Tự dưng trong những ngày này, tôi mệt rũ cả người, lại đang gặp chuyện buồn, bao công việc bị dồn ứ lại, báo Ephata đã bị trễ hạn, căn bệnh rối loạn tiêu hoá bộc phát trở lại, thêm cái đầu nhức như búa bổ, muốn buông xuôi tất cả. Thế rồi bất ngờ biết được Mái Ấm Thiên Ân được Hope Chapel, một Hội của anh em Tin Lành ở Mỹ “tặng” cho một chuyến đi chơi Vũng Tầu cuối tuần, tôi xin tháp tùng ngay. Và thật sự, riêng bản thân tôi đã được nguôi ngoai thanh thản rất nhiều, cả thể xác lẫn tinh thần, nhất là tinh thần !
Tôi muốn chia sẻ ở đây suy nghĩ riêng của mình, may ra đồng cảm được với mọi người. Chúa Giê-su ân cần ngỏ lời: “Hỡi những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng...”
Có bao lần chúng ta mang gánh nặng nề, gánh do chính ta hoặc do kẻ khác vô tình hay cố ý chất lên đời ta. Ta cứ loay hoay tìm cách trút bỏ mà không xong, càng xoay trở càng bế tắc, gánh lại càng oằn vai. Nhiều lúc tưởng đã thoát nạn nhưng hoá ra ta lại đang trút lên đầu lên cổ người khác cái sự khốn khổ ấy mà không biết. Rồi người khác ấy lại đổ quạu, lại tự ái, lại tổn thương, lại tìm cách trút đi gánh nặng vô duyên lên trở lại cho ta hoặc cho kẻ khác nữa, gánh cứ ngày một trầm trọng.
Bùng một cái, nổ tung, mất sạch tất cả những gì mọi người trong gia đình, hoặc trong cộng đoàn sống chung đã từng cùng nhau vun quén bao lâu nay. Bởi khi ấy sẽ là sự tức giận, trả đũa, hoặc ít ra cũng là tự vệ phòng thủ, chẳng còn tí gì tình thân ái. Mái ấm của ta biến thành mái... lạnh !
Chúa bảo hãy đến với Ngài. Đương nhiên là đến với Ngài bằng cầu nguyện. Bình an rồi đấy. Nhưng mới chỉ là một bước mở màn, còn cần thêm cái gì khác nữa cơ. Tôi nghiệm rõ, hình như Chúa đẩy tôi đi xa hơn tương quan của tôi với Ngài, bằng cách phải nối trở lại với tương quan con người với nhau. Trước hết, tương quan với tha nhân khách quan, tức là với những người chẳng có chuyện gì “trục trặc” với mình, mà bỗng nhiên Chúa Quan Phòng gửi đến cho mình, rồi từ đó vết thương lòng mình dịu đi ta mới có thể tương quan lại với những người đang có “sự cố” căng thẳng với ta.
Trong trường hợp của tôi những ngày mệt mỏi rũ rượi này, tôi đang cảm thấy mái ấm của tôi nó lành lạnh thế nào ấy, thì tạ ơn Chúa, tôi lại gặp được một mái ấm thật sự, đó là Mái Ấm Thiên Ân. Tạ ơn Chúa rồi cũng phải cám ơn thầy Nguyễn Quốc Phong và các em khiếm thị dễ thương.
Ngồi trên xe, cả chuyến đi lẫn chuyến về, các em hát nhiều bài lắm, trong đó có bài “Mái Ấm Thiên Ân” của anh Ý Vũ tặng riêng cho các em sau một lần đến chơi với Mái Ấm. Bài này tôi đã nghe nhiều lần, đã cảm nhiều lần, và tôi cũng đã có lần chép lại trên Ephata trong một bài viết về Mái Ấm Thiên Ân, nhưng sao lần này thấm thía quá đi mất:
“Ở Mái Ấm của chúng tôi, nỗi buồn được lắng vơi,
Ở Mái Ấm của chúng tôi, niềm vui nhân gấp đôi,
Vì chúng tôi đã khóc, đã cùng cười với nhau,
Sẻ chia cho nhau tất cả tình người...
Mái Ấm của chúng tôi, hai tiếng sẻ chia,
Hai tiếng yêu thương suốt cuộc đời...”
Mái Ấm Thiên Ân mấy ngày này liên tiếp có nhiều chuyện vui, đã ấm lại càng ấm hơn:
Cô bé Hảo 12 tuổi vừa từ Đại Hội Thể Thao Paralympic Athène 2004 dành cho người khuyết tật trở về, tuy không được huy chương nào về bơi lội, nhưng cả nhà tưng bừng kéo nhau ra sân bay để đón út gái, có cả vòng hoa nguyệt quế đàng hoàng. Chưa ai biết đất nước Hy Lạp nó như thế nào, lại khiếm thị nữa thì làm sao mà thấy gì trên báo chí hoặc ti-vi, hoàn toàn là hình dung theo lời kể tíu tít của bé Hảo, vậy cũng vui lắm rồi.
Trước đó không lâu thì việc chú Trường 24 tuổi được lọt vào khoa Giáo Dục Đặc Biệt của Đại Học Sư Phạm đã là một sự kiện chấn động. Hết báo chí đến đài truyền hình lên tiếng, cô Yến, cô Hải, cô Hương, cả thầy Phong mù cũng chống gậy chạy ngược chạy xuôi gặp các cán bộ ngành Giáo Dục mà Trường vẫn cứ bị từ chối không được nhận cho thi vì Nhà Nước thấy rắc rối nhiêu khê quá khi phải tổ chức riêng một phòng thi cho Trường với hai giám khảo. Cuối cùng, thôi thì người ta cho tuyển thẳng luôn, khỏi bắt thi chi cho tốn kém !
Và bây giờ thì Hội Hope Chapel lại biếu hẳn một chuyến Vũng Tầu nữa chứ !
Thấy các em hồn nhiên vui ríu rít mà tôi bắt thèm. Rồi sực nghĩ quẩn nghĩ dại: giá mình cũng... mù để được vui như thế nhỉ ? Bởi nếu mù ta sẽ không còn phải thấy những sự đời đáng buồn đang diễn ra quanh ta. Nói thế thôi chứ ai trong chúng ta cũng hiểu anh chị em khiếm thị vẫn có những nỗi buồn, vẫn gặp những cảnh xót xa riêng, có khi còn buồn và xót xa hơn chúng ta nhiều.
Chân thành mà nói, ở đây tôi đọc ra được các em khiếm thị vui và yêu đời là vì các em không chấp nhận cho nghịch cảnh nó quật ngã đời mình một cách dễ dàng. Các em không hề biểu lộ một nỗi hận đời, không hề tức giận hoặc tủi thân trước bất cứ chuyện gì quá... 5 phút. Cười xoà một cái, thế là xong !
Hoá ra biến mọi sự rắc rối ở đời thành một chuyện... tếu lại là một triết lý sống hẳn hoi cơ đấy !
Năm ngoái, có 4, 5 em Mái Ấm Thiên Ân dự Đại Hội Thể Thao Người Khuyết Tật toàn quốc, rồi giải Tiền Paragames ở Hà Nội, đoạt cả xâu huy chương loảng xoảng leng keng, vậy mà cho tới bây giờ tiền thưởng người ta hứa vẫn chẳng thấy đâu, dù chỉ là vỏn vẹn có mấy trăm nghìn, chả bù cho bao nhiêu tiền túi đã phải chi ra. Khiếu nại tới lui cũng vẫn cứ thấy im hơi lặng tiếng. Giá phải tay những người sáng mắt như chúng ta thì đã làm ầm cả lên, đâu có dễ mà nuốt trôi ngon ơ như thế ! Vậy mà với các em, cho qua luôn, bận tâm làm gì cho nó khổ ! Đi xa thi đấu, được gặp gỡ giao lưu với bè bạn đồng cảnh ngộ khắp ba miền quê hương là vui lắm rồi !
Sẽ có người chép miệng bảo đó là kiểu sống an phận. Chắc không phải vậy. Bởi an phận thì không vui một cách vô tư lự và trong sáng như thế này đâu !
Không chỉ riêng các bạn khiếm thị, nhiều lần tôi đã được gặp những người khuyết tật bại liệt về nhận xe lăn, hoặc những em bé nạn nhân chất độc màu da cam ở Mái Ấm Thiên Phước, Củ Chi, và cả nơi bà con bệnh nhân phong, ai cũng “mang gánh nặng nề” mà sao không bao giờ than thở kêu ca. Họ nghèo mà không khổ, họ biết tự vun đắp cho cuộc sống họ những Mái Ấm thật sự.
Còn chúng ta, mang tiếng là lành lặn, sao ta cứ mãi tự gây ra cho mình những nỗi khổ, sao ta cứ tự làm cho mái nhà đời ta bị giột, làm cho cửa lòng ta bị toang hoác ra cho gió lạnh bên ngoài nó lùa vào ?
Có ai đó, hình như là ông Thomas Merton thì phải, rút ra được một nghiệm sinh: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối !” Vâng, đi chuyến Vũng Tầu với Mái Ấm Thiên Ân về, hôm nay ngồi gõ vi tính những dòng chữ này, riêng bản thân cũng à lên một tiếng mà ngộ được như thế.
Tôi biết đó là “Thiên Ân”, là mình đã được Chúa Giê-su đỡ lấy “gánh nặng nề”, rồi Ngài còn đẩy tôi một phát, văng ra khỏi cái bóng tối đang vây bủa lòng tôi để đi mà gặp gỡ tha nhân, gặp gỡ những bạn mù mắt mà không mù tâm hồn, để rồi bây giờ tôi cũng nghiệm được thế nào là niềm vui sống, để rồi ngày mai tôi sẽ cố gắng hết sức mình làm cho cái “mái lạnh” của tôi được là một “Mái Ấm” cho chính tôi và anh em tôi...
Xin tạ ơn “Thiên Ân”. Xin cám ơn Mái Ấm Thiên Ân...

Lm. LÊ QUANG UY, DCCTVN, email: ttmvcssr@hcm.vnn.vn (ttmvcssr@hcm.vnn.vn)