Ngày Truyền Thông Xã hội Công Giáo VN
GHVN thành lập Truyền Thông Xã hội Công giáo VN vào 24/05/2009
Những dân cư mạng và những nhân chứng
VietCatholic News (23 May 2009 18:21)
Lời ngỏ: Nhân Ngày Quốc Tế Truyền Thông xã hội của GH toàn cầu lần thứ 43 xin giới thiệu cùng quý độc giả bài giảng của Đức Cha Bernard Podvin, Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Pháp. Bài giảng được dựa trên các ý tưởng trong các bài đọc Kinh Thánh và Tin Mừng của Chúa Nhật tuần thứ 7 Phục sinh năm nay.
Những dân cư mạng và những nhân chứng
«Một điều ngạc nhiên là trong xã hội của chúng ta gặp phải khó khăn trong quy định sử dụng internet», một nhà giáo dục tỉnh ngộ nói với tôi. Không cần bàn cãi, đây là một công cụ làm mê hồn theo hai nghĩa của từ « quyến rũ ». Hấp dẫn bởi tiềm năng kỳ diệu hết sức hiển nhiên. Nguy hiểm vì tính lệ thuộc phát sinh. Bất kỳ bậc cha mẹ nào, nhà đào tạo nào hay bất cứ một công dân nào lại chẳng cân nhắc chuyện này ? Sử dụng nền công nghệ mới, nhưng không bị nô lệ hóa bởi chúng.
Không phải là không quan trọng khi mà Giáo Hội dành Chúa Nhật tuần này để giới thiệu cho chúng ta rằng ngày quốc tế truyền thông cảnh tỉnh chúng ta về cái được và mất trong lãnh vực này.
Xét về mặt tốt cũng như mặt xấu, internet được xác nhận có đóng góp cao cho nền văn hóa nhân loại, nhưng ngược lại cũng có sự hủy hoại đáng lo ngại.
Những bài đọc của Chúa Nhật này mang đến cho chúng ta một chìa khóa sự hiểu biết về đàng thiêng liêng: Đức Giêsu đã không muốn Chúa Cha sẽ cất nhắc hết các môn đệ của Ngài ra khỏi thế gian, nhưng lại nhắc lại một cách xác tín rằng họ không thuộc về thế gian này (Ga 17).
Phục vụ cho công việc truyền thông chính là lắng nghe con người thời nay. Trong khi thực hiện công việc này phải nói lại cho họ rằng không được đóng kín chiều kích nhân loại nơi bản thân của mình.
Một sứ mệnh cam go, nhất là khi cần phải áp dụng cách thực tiễn trong việc soạn thảo một bài báo, làm một chương trình phát thanh, hay thực hiện mục tin trên trang internet…
Không bị cất khỏi thế gian như là để kiểm chứng cho thế gian thấy rằng hạnh phúc đích thực là cái vượt lên trên cả những gì thế gian quan niệm. Hãy nói lại cho thế giới vốn bị giới hạn này rằng có một thứ ngôn ngữ khác hoàn toàn có thể, ngôn ngữ mà thánh Gioan nói trong bài đọc thứ hai: « Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, nên cả chúng ta nữa chúng ta cũng phải yêu thương nhau » (1 Ga 4).
Truyền thông thiếu tình yêu là thứ truyền thông phù vân. Và nó tự đánh mất tầm chiến lược về tính hấp dẫn. Thường rất dễ bị hủy hoại do một nền văn hóa phù du, cho nên tình yêu anh em đồng loại phải trở nên nguồn suối trường cửu cho người làm truyền thông. Lúc đó, những biên giới mới được vẽ ra bởi nền công nghệ tiên tiến trở nên ý nghĩa. Chúng tạo ra một chỗ xứng đáng vinh danh con người. Thiếu sự tôn trọng nền tảng này về ơn gọi làm người, công nghệ chỉ là thứ hiệu năng dùng để vuốt ve cho cái tôi.
Về điều ấy, bài đọc thứ nhất trong thánh lễ nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của tính cộng đoàn. « Cần có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi để làm chứng Người đã phục sinh ». Như thế, sự tuyển chọn Matthia không hoàn toàn mang tính lấp chỗ trống. Đây là sự kết nạp một tín hữu vào số những nhân chứng của Đức Kitô Phục Sinh. Cũng vậy, thánh Gioan Tông Đồ kêu mời chúng ta yêu thương, việc Matthia được chọn nhắc đến một ơn huệ cho tất cả hữu thể chúng ta. Người làm công việc truyền thông khi biết tin tưởng, yêu mến, và hy vọng không bao giờ tự cho mình là người tài giỏi lướt đi như cánh buồm căng gió. Trái lại, họ chỉ là nhân chứng cho một ai khác cao trọng hơn mình.
Hơn bao giờ hết, không có Giáo Hội, chúng ta không làm được gì. Mục vụ truyền thông trong giáo phận, trong giáo xứ là sự dấn thân trường kỳ trên con đường nhân loại. Nó đã trở thành điểm hẹn trên xa lộ thông tin. Những trang mạng thì nhiều vô số. Sự tinh thông là đáng kể. Nhiều tín hữu là những « thợ dệt » đích thực làm nên tấm thảm diệu kỳ. Lễ hiện xuống cận kề sẽ cho chúng ta làn gió để trở thành những người siêu lắng nghe, siêu chứng nhân, người siêu yêu dấu. « Chúng tôi xin chứng thực rằng Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến để cứu chuộc thế gian ». Đây là nội dung của một lá thư điện tử được chúng ta phấn khởi đón nhận và không biết mệt mỏi gửi đi bức thông điệp này.
Những sự kiện đầy khó khăn diễn ra trong xã hội và Giáo Hội kể từ nhiều tháng qua càng khẳng định rằng phẩm giá của truyền thông là cái được và cái mất về tinh thần và về quy chế hành xử mà không hề có trong tiền lệ.
Cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng phân định rằng phương tiện truyền thông cần phải phục vụ con người, chứ không phải con người nô lệ chúng.
Trong Chúa Nhật này, hãy trao tặng Đức Kitô quả tim nghèo nàn của chúng ta. Ngài sẽ biến đổi nó thành niềm vui phục sinh. Ngài sẽ tinh luyện thứ truyền thông ấp úng của chúng ta. Ngài cũng sẽ tăng thêm sức mạnh cho những lời lý luận ngập ngừng của chúng ta. Cùng với Chúa Phục Sinh, hãy công bố tất cả những gi là mới mẻ.
+ GM. Bernard Podvin
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng chuyển dịch
Phỏng vấn Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội
WHĐ – Nhân Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội 2009, để giúp độc giả hiểu thêm về vai trò của Truyền thông Xã hội trong việc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay, website HĐGMVN đã gửi đến Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội một vài câu hỏi gợi ý. Sau đây là những câu trả lời của Đức cha.
CÂU HỎI 1: Xin Đức Cha cho biết sơ qua về lịch sử Ngày Quốc Tế Truyền Thông Xã hội, chủ đề và nội dung chính của Sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền Thông năm nay.
TRẢ LỜI: Với Giáo hội toàn cầu và thế giới, Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội đã có từ 43 năm nay, nhưng riêng với Giáo hội Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta nghe nói đến Ngày Quốc Tế Truyền thông Xã hội tại Việt Nam. Thật vậy, trong phiên họp thường niên lần 1 năm 2009, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới có quyết định thành lập Ngày Truyền thông Xã hội Công giáo Việt Nam, cử hành vào ngày Chúa nhật lễ Chúa Lên Trời 24/5/2009. Do thời gian quá eo hẹp, Ban Truyển Thông không kịp họp để chuẩn bị cho ngày mừng quan trọng này. Ngày Quốc tế Truyền thông năm tới 2010, Ban Truyền thông sẽ chính thức mừng.
Tôi xin cám ơn Ban Biên tập trang WHĐ đã có những câu hỏi trực tiếp liên quan đến Ngày Quốc Tế Truyền Thông, nhờ đó tôi được làm một công đôi việc vừa trả lời các câu hỏi của Ban Biên tập WHĐ, vừa có dịp phổ biến những gì cần thiết liên quan đến nhiệm vụ Truyền thông.
Với lý do này các câu trả lời của tôi hơi bị dài, xin Ban Biên tập và quý độc giả vui lòng cảm thông. Sau đây tôi xin lược tóm ý nghĩa và sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội trong 43 năm qua!
1. Ý nghĩa Ngày Truyền Thông Xã hội
Qua văn kiện về Truyền thông Xã hội Inter Mirifica (số 18), Công đồng Vaticanô II đã thiết lập ‘Ngày Thế Giới Truyền Thông’. Trong văn kiện này, các Nghị phụ Công đồng nói: “Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức của Hội Thánh được hiệu quả hơn trong lãnh vực truyền thông xã hội, mỗi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ trong lãnh vực này. Phải xin họ cầu nguyện cho sự thành công của hoạt động tông đồ của Hội Thánh trong lãnh vực này và đóng góp cho mục đích này, các đóng góp của họ phải được sử dụng một cách nghiêm túc để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các dự án mà Hội Thánh đã khởi xướng vì nhu cầu của toàn thể Hội Thánh.”
Ngày Truyền Thông Xã hội lần đầu tiên được cử hành vào ngày 6 tháng 5, 1968 và kể từ đó nó đã trở thành một sự kiện thường kỳ. Mỗi năm, Toà Thánh đưa ra một chủ đề và Đức Giáo Hoàng công bố một thông điệp đặc biệt cho dịp này, thường được đề ngày 24 tháng 1, lễ Thánh Phanxicô Salê, bổn mạng của các nhà báo Công Giáo.
Hội đồng Giáo hoàng (về Truyền thông) hỗ trợ cho thông điệp này của Giáo Hoàng bằng các bản văn phụng vụ, các bài suy tư và các lời cầu nguyện cho dịp này. Ngày được toàn thế giới công nhận là ngày Chúa Nhật giữa lễ Lên Trời và lễ Hiện Xuống, nhưng mỗi HĐGM hay thậm chí mỗi giáo phận cũng có thể tuỳ nghi chọn ngày riêng cho mình.
Ngày Thế giới Truyền thông là một dịp đặc biệt cho việc Truyền thông mục vụ: Nó cống hiến cơ hội cho các tín hữu hiểu biết về tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong sứ mạng và trong hoạt động của Hội Thánh, và kêu gọi họ cầu nguyện cũng như nâng đỡ bằng tinh thần và tài chánh cho việc tông đồ truyền thông.
Nó cống hiến cho Hội Thánh một cơ hội để đánh giá cao và cảm ơn các chuyên gia truyền thông vì việc phục vụ của họ cho cộng đồng. Tại một số nơi, giám mục hay cá nhân các linh mục mời các người truyền thông đến để cám ơn họ và cùng nhau mừng lễ. Những nơi khác sử dụng dịp này để tung ra các dự án mới hay mời gọi dân chúng đóng góp các ý tưởng và gợi ý các đề xuất về truyền thông. Tại một số quốc gia, người ta làm và phân phát các áp phích tuyên truyền; người ta cũng mở các cuộc triển lãm để làm nổi bật mối quan tâm của chủ đề năm ấy. Các cuộc hội thảo và các khoá đào tạo đặc biệt cũng có thể được tổ chức để sử dụng dịp này vào việc đào tạo hay phát hiện các tài năng cho công việc truyền thông của Hội Thánh trong một giáo phận hay một quốc gia.
2. Các Thông điệp Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội
Trong thông điệp cho năm 1992 (Chủ đề: “Rao giảng thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông”), ĐGH Gioan Phaolô II đã mô tả mục đích của ngày này như sau:
“Vào ngày này, chúng ta cử hành lễ mừng những phúc lành của khả năng nói, nghe và nhìn, giúp chúng ta ra khỏi tình trạng cô độc và cô đơn để trao đổi với những người sống xung quanh chúng ta các tư tưởng và tình cảm phát sinh trong lòng mình. Chúng ta mừng hồng ân viết và đọc, chúng truyền lại cho chúng ta sự khôn ngoan của tiền nhân, để rồi các kinh nghiệm và suy tư của chính chúng ta lại được lưu truyền cho các thế hệ sau. Rồi, nếu chúng ta ít để ý đến những điều kỳ diệu này, thì chúng ta cũng phải nhìn nhận những điều kỳ diệu còn lạ lùng hơn nữa: ‘những điều kỳ diệu của kỹ thuật mà Thiên Chúa đã định cho thiên tài của loài người khám phá ra’ (IM số 1), những phát minh đã tăng lên vô số trong thời đại chúng ta và đã khuếch đại tiếng nói của chúng ta khiến cho cùng một lúc nó có thể lọt vào tai của những đám đông không thể nào đếm nổi.
Các phương tiện truyền thông - chúng ta không loại trừ một phương tiện nào trong lễ mừng này - là tấm vé vào cửa của mọi người, nam cũng như nữ, để đi vào thị trường đương đại nơi các tư tưởng được nói lên một cách công khai, nơi các ý tưởng được trao đổi, các tin tức được lưu chuyển, và thông tin đủ loại được phát đi và tiếp nhận (xem Redemptoris Missio số 37). Chúng ta ngợi khen Cha trên Trời vì tất cả những hồng ân này, vì ‘mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo’ (Gc 1,17) đều đến từ Người.”
Các chủ đề và các thông điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông kể từ năm 1968 đã tạo thành một kho tàng phong phú về các suy nghĩ và các mối quan tâm của Hội Thánh đối với truyền thông xã hội. Một số chủ đề có tác động đặc biệt đối với hoạt động truyền thông mục vụ, như khi chúng liên quan đến gia đình (1969, 1979, 1980, 1991, 1994, 2004), trẻ em (1979) và giới trẻ (1979, 1985), phụ nữ (1996), và người già (1982), cổ võ công lý và hoà bình (1983, 1987, 1988, 2003), và hoà giải (1975); máy tính và Internet (1990, 2002), và rao giảng Tin Mừng (1974, 1992, 2002).