Trong phần chia sẻ Tin Mừng, Đức Tổng Giám Mục Phêrô đã nhấn mạnh đến từ "thế gian" được nhắc đi nhắc lại 7 lần trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi (Ga 17, 11b- 19). Thế gian mà Chúa đã sai đến, trên quê hương chúng ta, cụ thể là mảnh đất tổng giáo phận mà chúng ta đang sinh hoạt. Thế gian này còn nhiều bất cập, bất toàn nhưng Chúa Giêsu không xin Cha cất chúng ta ra khỏi thế gian mà Ngài chỉ xin Cha gìn giữ chúng ta đừng để chúng ta bị lệ thuộc vào thế gian này mà để chúng ta thánh hóa, canh tân, đổi mới thế gian này theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta sống và thi hành sứ mạng của Giáo hội giữa thế gian này nhờ vào tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ cách mạnh mẽ qua việc Ngài chấp nhận để người Con duy nhất của Ngài chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Một tình yêu lớn lao như thế phải chiến thắng mọi cám dỗ, thử thách như lời thánh Phaolô khẳng định: "Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô? Hay là gian truân buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? Không gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta." Chính tình thương của Chúa đã mang lại cho Giáo hội Việt Nam thân yêu vô vàn những chứng nhân thánh thiện và can đảm để minh chứng đạo của chúng ta là đạo thật, Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa thật, là Chúa và là Cha của hết mọi người. Nếu không phải là Đạo thật, là Chúa thật thì làm sao hiểu được đời sống thánh thiện và cái chết anh hùng của vô vàn chứng nhân tử đạo; gồm ông già, người trẻ, thiếu nhi, đàn ông đàn bà, người có địa vị cao cũng như kẻ thấp hèn. Họ chấp nhận nhiều cái chết khác nhau, cách nào cũng độc ác, kinh sợ. Nhưng họ không sợ hãi mà còn vui vẻ, hiền từ, quảng đại, tha thứ và tràn đầy niềm hy vọng. Vậy, cái chết của họ phải là cái chết của những người sống có niềm tin sâu xa, tuyệt đối phó thác vào Đấng mình thờ và được Ngài thêm sức để sống trung thành và chết cho niềm tin của mình. Sự long trọng kính nhớ hôm nay không thêm vinh quang gì cho các ngài nhưng tưởng nhớ, tôn vinh, cảm tạ các ngài lại mang nhiều lợi ích cho chúng ta là con cái của các ngài. Trước hết, vì là con cái nên chúng ta có quyền tin rằng các ngài luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước tòa Chúa, và lời cầu của các ngài chắc chắn rất đắc lực. Ngoài ra, các ngài còn là gương sáng cho chúng ta noi theo vì các Ngài có cùng dòng máu với chúng ta, cùng sống trên một quê hương, cùng chung một phong tục, cùng nói một thứ tiếng. Ngày nay, chúng ta không thể bắt chước các ngài bằng cách đổ máu ra để tuyên xưng đức tin, nhưng có nhiều cách khác để noi gương các ngài mà làm chứng nhân cho Chúa qua những hy sinh, can đảm như lời Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha để xin cho chúng ta "ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian".
Hướng về các bạn sinh viên, Đức Tổng Giám Mục tiếp: Các con thân mến, thế gian thì tìm kiếm tiền bạc, địa vị, quyền lực trong khi chúng con là những môn đệ của Chúa thì được mời gọi sống khó nghèo, từ bỏ để được vào Nước trời, sống khiêm tốn để phục vụ và thi hành Lời Chúa như lời Kinh Hòa bình của thánh Phanxicô: "đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm...". Như vậy, sống yêu thương, sống quảng đại, sống tha thứ, sống công bằng, sống chân thật luôn đòi hỏi chúng con hy sinh, từ bỏ. Chúng ta phải đấu tranh gian lao, cương quyết để chọn lựa sống theo giới răn của Chúa mà quay mặt chống trả các quyến rũ của xa hoa, nhục dục, dối trá, bạo lực... Những giây phút đấu tranh để chọn lựa theo Chúa không phải là dễ nhưng tiếng Chúa luôn mời gọi chúng con tha thiết và bền bỉ.
Hơn hết, các con phải can đảm và hy sinh, phải biết chấp nhận từ bỏ và quên mình, phải rất khiêm tốn và quảng đại như người tôi tớ của Chúa và cũng là người cha, người thầy, người bạn, người anh của chúng ta là Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận mà Tòa thánh vừa công bố mở hồ sơ xin phong thánh cho Ngài. Ngài trung thành với Chúa, chứng nhân cho Sự thật, đấu tranh cho Công lý và Hòa bình. Hơn cả, ngài là vị mục tử nhân lành, khiêm tốn, yêu thương và phục vụ hết mọi người.