Còn về việc phong Thánh, theo truyền thống, ĐGH thường hỏi ý kiến của các Hồng y có mặt tại giáo triều trước khi quyết định, nhưng ngài không buộc phải theo ý kiến chung của họ. Thánh lễ đại triều phong Thánh có thêm phần kinh cầu các Thánh.
Giáo luật hiện hành không còn phân biệt việc phong Á thánh hay Thánh nữa. Chỉ còn mỗi một “phong thánh” (canonizatio) mà thôi. Nhưng trên thực tế cho tới nay vẫn còn hai nghi thức. Điểm khác nhau có thể nói như sau: Á thánh được tôn kính hạn chế trong một dòng tu, một vùng hay một quốc gia. Cũng không được lập bàn thờ riêng để tôn kính vị đó trong các nhà nguyện, nếu không có phép đặc biệt của Toà Thánh. Còn Thánh được tôn kính cho cả hoàn vũ. Ngoài ra, để được phong Thánh, giáo luật đòi phải có thêm một phép lạ nữa, kể từ sau ngày tuyên phong Á thánh. Đa số nhà thần học coi việc phong Thánh là một hành vi không sai lầm (bất khả ngộ) của Đức Giáo Hoàng.
Trên đây là chuyện thủ tục rắc rối của diễn tiến một án phong. Nhưng điều quan trọng cần biết hơn đối với chúng ta: Đâu là ý nghĩa và bản chất của việc phong thánh. Sách Giáo Lý Công Giáo (số 828) ghi về điểm này: “Khi Giáo Hội tuyên phong một số tín hữu nào đó lên hàng Thánh, nghĩa là long trọng tuyên bố những người này đã thực thi các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân huệ của Chúa, đó là Giáo Hội công nhận sự hiện diện của sức mạnh tinh thần thánh thiện nơi Giáo Hội. Giáo Hội tăng cường thêm hy vọng nơi tín hữu bằng cách trao cho họ các thánh như là những gương sống và là kẻ cầu bầu cho họ. Vào những lúc Giáo Hội gặp khó khăn nhất, các thánh luôn là người mở ra sự đổi mới. Sự thánh thiện là nguồn bí ẩn và thước đo không sai lầm của sức mạnh truyền giáo nơi Giáo Hội”.
Viết theo tác giả Ulrich Nersinger trên Zenit trang Đức ngữ ngày 13.03.07