Sự Tích Ðức Mẹ Hiện Ra Tại La-Vang Năm 1798
Sự Tích Ðức Mẹ Hiện Ra Tại La-Vang Năm 1798
Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
---------Vài lời chứng nhân lịch sử :
---------Ngày 15 tháng 8 năm 1975 là ngày có ngay cuộc hành hương lần thứ nhất về Ðức Mẹ La Vang tại Linh Ðịa La Vang. Trong những đêm trước ngày hành hương lịch sử nầy, một mình trước Linh Ðài Ðức Mẹ La Vang giữa ba cây đa nhân tạo vẫn còn đứng vững sau chiến cuộc 1972, tôi lặng lẽ một mình suy niệm về sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang. Và trong bài suy niệm nầy, tôi đã đặt mình trong hoàn cảnh đau thương bi đát của các giáo hữu lúc đó đang ẩn trốn tại La Vang. Vậy tôi xin ghi lại đây bài suy niệm nầy. bài suy niệm nầy gồm có 6 phần:
1. Cơn Bắt Ðạo năm 1798
2. Cơ cực trăm bề
3. Giữa cảnh bơ vơ
4. Ðức Mẹ nhậm lời và hiện ra
5. Ðức Mẹ ban ơn
6. Lời cầu nguyện của người hành hương tại La Vang
1. CƠN BẮT ÐẠO NĂM 1798
---------Năm 1798, đang lúc đóng đô ở Phú-Xuân, Thừa-Thiên, Vua Cảnh-Thịnh, Nhà Tây-Sơn, ra sắc chỉ cấm Ðạo Công-giáo.
---------Lệnh vua vừa ban ra, quân lính đua nhau nổ lực tầm nã người công giáo để bắt bớ, hành hạ và chém giết.
---------Ðể tránh cơn bắt Ðạo độc ác nầy, hầu được trung thành giữ Ðạo, theo Chúa cho đến cùng, các bổn đạo thuộc tỉnh Quảng-Trị tìm cách chạy trốn vào một nơi rừng sâu nước độc, cách xa tỉnh thành hơn sáu cây số. Ðây là khu rừng núi La-Vang, độc địa, hẻo lánh, đầy những thú dữ đủ loại.
2. CƠ CỰC TRĂM BỀ
---------Lên ẩn núp tại núi rừng La-Vang để tránh nguy hiểm bị bắt bớ, bị chém giết vì Ðạo, người công giáo lúc bấy giờ phải lâm vào sáu cơ cực tầy trời sau đây.
---------Cơ cực thứ nhất: núi rừng độc địa
---------Lúc bấy giờ, núi rừng La-Vang âm u, rậm rạp, lạnh lẽo, không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, gây nên chướng khí độc địa, làm cho những người công giáo ẩn náu tại đây phải kiệt lực, mất sức, trở thành mồi ngon cho bệnh tật, chết yểu.
---------Cơ cực thứ hai: thú dữ tứ phía
---------Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ hoang vu rậm rạp, cọp, beo, heo rừng và những thú dữ đủ loại, ngày đêm xông xáo đi tìm mồi. Chúng sẵn sàng vồ giết bất cứ ai cả gan xâm phạm lãnh thổ của chúng.
---------Núi rừng La-Vang lúc bấy giờ có tiếng rất nguy hiểm vì đầy thú dữ, nên muốn vào đây đốt than, kiếm củi, đốn gỗ, người ta phải đi theo nhau từng đoàn, vừa đi vừa hò hét la vang, vừa khua lên những tiếng rộn ràng để xua đuổi các thú dữ. Vì thế, người công giáo vào ẩn trốn tại La-Vang lúc bấy giờ, rất dễ biến thành mồi ngon cho thú dữ phanh thây, ăn thịt.
---------Cơ cực thứ ba: thiếu hụt lương thực
---------Khi nghe tin bắt Ðạo, người công giáo vội vã lìa nhà lìa cửa, bỏ hết mọi sự để chạy trốn, chỉ vơ vét đem theo vài chục lon gạo, vài chút lương khô. Khi lên ẩn náu tại rừng núi La-Vang, họ không liên lạc được với ai để xin giúp đỡ vì không có chợ, không có quán ăn, không có gia đình nào ở trong chổ rừng rú nầy. Họ cũng không trồng trọt được cây ăn quả nào, cũng không chăn nuôi được con vật gì, vì ban ngày, họ cũng phải lo trốn lánh ẩn núp kẻo bị lộ diện. Vì phải trốn lánh ẩn núp lâu ngày, lương thực họ bới theo, đã hao mòn, lương thực họ kiếm được đôi chút trong rừng núi, cũng không đủ thiếu gì. Vì thế, họ lâm vào tình cảnh thiếu lương thực rất trầm trọng.
---------Cơ cực thứ tư: cuộc sống héo hon tàn tạ
---------Vì lo âu, vì khí độc, vì sợ bị bắt, vì sợ thú dữ phanh thây, vì thiếu hụt lương thực trầm trọng, những người công giáo đang ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, càng ngày càng héo hon tàn tạ, da bọc xương, kiệt lực, mất sức, gầy còm, ốm o.
---------Cơ cực thứ năm: bệnh tật lan tràn
---------Kiệt lực, mất sức, mang đủ mầm mống của bệnh tật, không có gì ăn để bồi dưỡng, không có thuốc men để chữa bệnh, không được ai săn sóc giúp đỡ, những người công giáo ẩn núp tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ, không ai mà thoát khỏi bệnh tật dày vò : họ mắc đủ thứ bệnh tật đau đớn.
---------Cơ cực thứ sáu: tình cảnh bất an
---------Lệnh bắt Ðạo do Vua Cảnh Thịnh ban ra lúc đó, thật gắt gao. Quân lính đi lùng quanh rừng, tìm cách bắt nộp người công giáo để được lãnh thưởng.
---------Trong tình hình quá bất an như vậy, dù ban ngày, những người công giáo đang trốn tại rừng núi La-Vang lúc bấy giờ cũng không dám tự do đi lại, không dám xuất đầu lộ diện, nhưng phải luôn luôn ẩn núp trong những lùm cây, hốc đá.
---------Dầu vậy, thật đáng khâm phục thay !
---------Giữa những cơ cực tư bề như thế, những người công giáo lúc bấy giờ vẫn không hề buồn phiền thất vọng, nhưng họ vẫn luôn giữ một lòng tin cậy vào Chúa và Mẹ.
2.GIỮA CẢNH BƠ VƠ
---------Giữa cảnh bơ vơ cơ cực trăm bề, những người công giáo lúc bấy giờ tại núi rừng La-Vang thúc đẩy nhau hãy đặt hết lòng trông cậy vào Ðức Mẹ đoái thương. Ban ngày, họ tản mác tìm chổ ẩn núp trốn tránh. Ban đêm, họ tìm gặp nhau nơi gốc ba cây đa để lần hột, thiết tha kêu xin Ðức Mẹ đoái thương cho họ được sống can trường, theo Chúa kiên trung, dù phải lao lung, dù phải khốn cùng, vẫn không ngại ngùng chồn bước lui chân.
---------Mặc cho bệnh tật đau đớn dày vò, mặc cho núi rừng độc khí cướp mất sức lực của họ, mặc cho sự thiếu hụt lương thực làm cho họ rã rời, mặc cho thú dữ rình rập nguy hiểm, trong đêm tối âm u của rừng sâu lạnh lẽo, trong những tiếng vang lên yếu ớt vì kiệt sức, những người công giáo lúc bấy giờ sốt sắng lần hột, kêu xin Ðức Mẹ cho họ được lòng tin Chúa cho mạnh, lòng cậy Chúa cho bền, lòng kính mến Chúa cho sốt sắng.
---------Kính mừng Maria đầy ơn phước!(Trong đêm tối rợn rùng của núi rừng độc địa, chúng con xin dâng lên lời kính chào Mẹ đầy ơn phước!)
---------Ðức Chúa Trời ở cùng Bà!(Trong khi tâm hồn chúng con đầy lo âu dằn vặt, chúng con vẫn ngợi khen Mẹ là Ðấng Hạnh Phúc có Chúa ở cùng Mẹ!)
---------Bà có phước lạ hơn mọi người nữ! (Trong khi chúng con đang nằm la liệt trong đêm tối, trên đất lạnh, vì bệnh tật trầm trọng, vì đói lã kiệt sức, chúng con vẫn tung hô Mẹ đầy ơn phước lạ hơn tất cả mọi người.)
---------Và Giêsu, Con lòng Bà, gồm phước lạ!(Trong khi chúng con sợ hải vì tình cảnh bất an, có thể bị bắt, bị giết bất cứ lúc nào, chúng con vẫn hết lòng ngợi khen Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đầy tràn phước lạ.)
---------Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời! (Giữa bao nguy biến khổ đau nặng nề, chúng con vẫn hết lòng trông cậy kêu đến Mẹ, vì Mẹ là Mẹ của Ðức Chúa Trời, nhưng Mẹ cũng là Mẹ của chúng con.)
---------Cầu cho chúng con là kẻ có tội!(Chúng con đang lao đao cực khổ, bỏ cửa bỏ nhà, bỏ ruộng đát tài sản, mạng sống đang phải bấp bênh nguy hiểm vì lòng tin Chúa, vì muốn trung thành theo Chúa. Chắc Chúa và Mẹ thương chúng con lắm ! Dầu vậy, chúng con vẫn nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và thành thật xưng mình là kẻ có tội, để được Chúa và Mẹ thương hơn nữa.)
---------Khi nầy, và trong giờ lâm tử !(Khi nầy - khi chúng con đang chìm ngập trong tang tóc, đau khổ, hiểm nguy - , chúng con đang sống cũng như chết, vì chúng con đang chết mòn, đang chết dần, đang kiệt lực mất sức vì bệnh tật, vì đói khổ, vì bị bắt bớ, nhưng xin Mẹ thương giúp chúng con sống theo thánh ý Chúa như Mẹ ngày xưa. Và trong giờ lâm tử, - giờ lâm tử, giờ chết đang treo lơ lững trên đầu chúng con - , sau khi chúng con chết, xin Mẹå đưa chúng con về Nước Trời bên Chúa muôn đời.)
---------Amen! (Xin Mẹ nhậm lời chúng con cầu nguyện!)
---------Những lời van xin Ðức Mẹ trong hoàn cảnh đau thương như thế, thật quá cảm động!
---------Người mẹ trần thế nầy, khi thấy con mình gặp cơn hoạn nạn, không đợi con mở miệng kêu xin, đã vội chạy đến giúp con, đã có mặt ngay bên cạnh con.
---------Huống nữa Ðức Mẹ là Bà Mẹ trên trời! Kìa, đoàn con Mẹ đang thi nhau kêu xin tha thiết trong đêm tối rùng rợn, trên đất núi rừng La-Vang lạnh hiu! Vì thế, Ðức Mẹ ra tay cứu giúp ngay!
Nguồn gốc của tên gọi La Vang
Nguồn gốc của tên gọi La Vang
---------Nhiều luận cứ đưa ra nói về nguồn gốc tên gọi La Vang. Một lập luận nói tại rừng La Vang có một thứ cây giây leo, tên Cây Vằng, người ta hái Lá Vằng phơi khô bán cho sản phụ uống. Lá Vằng là một vị thuốc bồi dưỡng sức khoẻ, làm gia tăng máu huyết, đưa huyết áp lên, làm co rút tử cung của sản phụ nhanh mà không đau bụng, làm sản phụ nhiều sữa, gương mặt tươi tắn hồng hào. Từ chữ Lá Vằng đọc trại đi thành La Vang.
---------Thuyết thứ hai nói rằng nơi chốn rừng rú La Vang vốn xưa kia nhiều cọp beo hại người (gia đình bên ngoại ba tôi ở Lại Môn La Vang có người con dâu bị cọp chụp). Do đó xưa kia những người đi rừng đi rú, ở lại đêm thường chia nhau thức canh, thấy động thì ‘la vang’ lên để mọi người đến tiếp cứu. Hai lý luận, cái nào nghe ra cũng chính đáng, có lý, nhưng chúng ta thử nhìn vào một gốc cạnh địa phương để tìm hiểu sự thật là như thế nào về nguồn gốc của tên linh địa ngày nay nổi tiếng thế giới là La Vang.
---------Thật tình chuyện lá vằng là có thật. Tuy người ta gọi là uống lá vằng, nhưng sự thật là ngưởi ta uống hết cành lá dây leo, vì lá nhỏ và dây nhiều. Nhưng cần nghiên cứu về thứ tiếng dân quê rừng rú để biết sự thật. Chuyện quan trọng là tiếng nói và chữ viết của người Quảng Trị rất chỉnh (chỉ hay sai dấu hỏi ngã). Trong lúc người Huế, xa Quảng trị có 55 cây số, mà phát âm nhiều chữ khác hẳn. Ngoài cái sai hỏi ngã của người Miền Trung, người Huế học theo điệu nói uốn éo bắt chước theo các bà Hoàng gốc miền Nam thành ra cách phát âm rất sai. Chẳng hạn chữ THIÊN là trời thì họ đọc là THIÊNG (thiêng liêng), NÓI thì họ đọc là NOÁI vv., và họ cho vậy là ra vẻ quí tộc, rồi quen miệng luôn. Trở lại người đưa ra ý kiến rằng La Vang là do chữ Lá Vằng đọc trẹo mà thành, người đề ra đó có lẻ cũng nghe người Huế đọc sai, nên mới sai nghĩa của cây lá hoàn toàn. Vì cây Lá Vằng tên thật là Lá Vằn (đọc đúng theo âm điệu của dân Quảng Trị), theo Huế là Vằng.
---------Vậy chúng ta thử nghĩ từ ‘Lá Vằn’ rất nặng nề có thể biến thành chữ La Vang cho người Quảng Trị không? Vì vốn chữ La Vang là chữ của người dân quê rừng rú Quảng Trị đặt ra. Người Quảng Trị không bao giờ kêu miền rừng rú LA Vang là ‘La Van’ để người Huế biến thành La Vang sau đó. Người Quảng Trị kêu là La Vang tức là kêu đúng nghĩa của nó không sai. Còn cây LÁ VẰN thì hiện tại người Quảng Trị vẩn kêu ‘lá vằn’ nặng nề nghe ra chẳng thanh bai đẹp đẽ gì, nhưng họ vẩn kêu đúng như vậy. Tính như vậy thì chữ ‘Lá Vằn’ khó mà là nguồn gốc của tên La Vang, phải không thưa quí vị ?
---------Bây giờ chúng ta tính tới giả thuyết thứ thứ hai. La Vang là do chữ LA TO, LA LỚN lên. LA to lớn tiếng cho VANG dậy lên mọi người cùng nghe. Cách giải thích nầy do cụ thượng thư Nguyễn Hữu Bài đưa ra. Dân Quảng Trị nghèo khổ vào rừng đốn củi đốt than kiếm ăn thường họ phải kiếm tranh tre làm nhà chòi ở lại nhiều ngày cho một chuyến. Để tự bảo vệ cho nhau họ phải thay phiên thức đêm đốt lửa đánh kẻng. Nếu có nguy biến thì la lên kêu cứu nhau. Nhưng tiếng Quảng Trị thường kêu là LA TO, người Bắc thì bảo là LA LỚN, dân Nam thì gọi LA BỰ. Dân Quảng Trị nhất là dân quê rừng rú lại không dùng từ nghe rất oai hùng huy hoàng mà thanh bai là chữ ‘Vang’.
---------Chữ ‘Vang’ không ẩn ý khẩn cấp cứu nguy trái lại nó ẩn nghĩa : hay, đẹp, oai, hùng, rộng lớn, sang trọng, hoành tráng mà lãng mạng nữa. Trong nguy khốn họ dùng chữ đơn sơ là : la to, la hét, la hoảng, bớ bà con cứu với cứu với. Tiếng kêu la cứng rắn chắc nịch chứ không vang dội, trừ ra họ nghe tiếng vang dội lại của núi rừng. Khi có tiếng vang dội lại của núi rừng thì tiếng đó mới là tiếng ‘vang’ hùng vĩ. Như vậy là có la thì nó sẽ vang dội lên từ núi rừng, chứ không phải tiếng của họ là ‘la vang’. Vậy họ dùng chữ La Vang là muốn nói rằng lúc họ la lên thì nghe vang dội lại tiếng của núi rừng chăng ? Luận cứ thứ hai nầy xem ra chỉ có nghĩa lý 50%.
---------Một điều chúng ta không thể chối cải là, chính dân quê rừng rú Quảng Trị là những người đã đặt ra tên La Vang. Họ hoàn toàn là dân đơn sơ, mộc mạc, ăn nói tự nhiên, không hề nói trật nói trẹo từ lá vằn ra la vang, cũng không la vang để xin cấp cứu. Như vậy giả thuyết Lá Vằng có vẻ là không hợp lý và luận điểm thứ hai chỉ có nghĩa 1 phần.
---------Vậy tên LA Vang mà dân tiều phu đi rừng đi rú đặt ra đó là do đâu ? Chúng ta thữ dựa trên tính chất hiền hoà mà cương trực, mộc mạc mà thẳng thắng, tiện tặn mà giàu lòng, nghèo khổ mà bất khuất của dân Quảng Trị để tìm hiểu ý nghĩa của tên linh địa La Vang.
---------Trong việc tìm hiểu về cuội nguồn tên La Vang, tôi xin đưa ra một nhân chứng. Chính thị là tôi, sinh quán tại làng Cổ Thành tỉnh Quảng Trị. Tôi xin phép dông dài một chút về khía cạnh lịch sử nhỏ của tỉnh Quảng Trị: Làng Cổ Thành, sinh quán của tôi, nguyên là thành cổ của chúa Nguyễn Hoàng khi vào Nam lập nghiệp. Đến đời Sãi Vương thì chợ Sãi được dựng lại ở ngay giữa 2 làng Cổ Thành và Hậu Kiên. Hậu Kiên là tên 1 trong 5 đạo binh của chúa Nguyễn Hoàng khi vào Nam dựng lập nên để chống chúa Trịnh, gồm : Tiền Kiên, Trung Kiên, Hậu Kiên, Tả Kiên và Hữu Kiên. Sau khi quân đội dời vào Quảng Hoá tức Huế sau nầy thì tên đạo binh trên trở thành tên làng. Hai làng nầy nằm trên một địa thế rất đẹp là mảnh đất được con sông Thạch Hãn rẻ đôi ôm bọc. Sự kiện lịch sử trên đây cũng là nguyên nhân khiến Đức Mẹ hiện ra lại La Vang Quảng Trị. Nguyên nhân rất đơn giản, Quảng Trị tuy nhỏ và nghèo, cái xứ ‘chó ăn đá gà ăn muối’, nhưng là đất tổ nhà Nguyễn, lại sát nách kinh kỳ, nên các vua cấm đạo lo bài trừ thật kỷ cái gai trong bọc. Nên việc giết đạo ở Quảng Trị thật ồn ào da diết, người ta quyết diệt tuyệt căn, nhất nước. Mà có tuyệt căn như vậy dân chúng mới vào rừng cầu nguyện để Đức Mẹ hiện ra.
---------Gia đình ba mạ tôi ở Cổ Thành. Tôi tuy là con thứ 5 của gia đình 7 con, nhưng được Mạ tôi cưng đặc biệt, từ bé tí mạ đi đâu cũng đem tôi theo. Trong nhà ba tôi có chiếc xe ngựa và ‘xe tay’ tức là xe kéo có chú kéo xe. Vì vậy từ 2, 3 tuổi tôi đã thấy mình được ngồi trong lòng mẹ đi La Vang. Sau khi đi tản cư về năm 1947, ba mạ tôi dọn lên chợ tỉnh Quảng Trị. Tôi học trường tiểu học Têrêxa của các chị Nhà Phước Trí Bưu. Tuy còn nhỏ mà cứ đến Chúa Nhựt tôi thường xin phép mạ một mình đi kính viếng Đức Mẹ La Vang với 1 loong gạo và 1 cái trứng trong tay. Ra đến ngã tư rẻ lên La Vang là đứng đợi dân làng gánh củi gạo đi buôn, tôi nắm gióng (của gánh củi hay gạo) xin chạy bộ theo. Lên đến La Vang tôi tìm ngay đến các O Nhà Phước gởi gạo và trứng xin nấu dùm. Vậy là tôi vào Đền Đức Mẹ lân la cầu nguyện, đến trưa tôi ra xin mấy O ăn cơm. Ăn xong một mình tôi thơ thẩn ra vào để rồi chiều xế bóng ra đường cái kiếm người xin đi theo về tỉnh lỵ. Khi ra vào chầu Mẹ, tôi thường hay ra phía sau Đền Thờ, nhìn ngắm núi rừng xa xa… Tôi tự cho mình làm thí nghiêm: Tôi đứng nhìn vào vách núi La Vang xa xa, kêu lên « Thanh ơi ». Phải mấy tích tắc sau tôi mới nghe một tiếng đáp lại thật lớn « Thanh ơi », thật oai phong hùng vĩ mà cũng thật dễ sợ! Tôi cố nghiên cứu cho ra lý do. Tôi rất thích làm thí nghiệm tiếng dội, tôi la và có tiếng vang lên như vậy. Tôi mới bừng tỉnh ra rằng do tiếng la mà vang lên đó nên dân địa phương đơn sơ mộc mạc gọi nơi đây là LA VANG ? Thật là âm vang hùng vĩ khó tả so với tiếng la cấp cứu thường.
---------Vậy thì tiếng ‘vang’ dội từ núi rừng trong những lúc dân quê rừng rú ‘la’ cấp cứu lên, phải chăng đó mới thật là tiếng ‘Vang’ danh từ trong tên linh địa ‘La Vang’. Như vậy tiếng ‘Vang’ không thể do chữ ‘vằn’ đọc trẹo mà ra. Cũng không thể là ‘trạng tự’ của tiếng ‘la’ cấp cứu của do dân tiều phu ngày xưa. Tiếng ‘vang’ chính là tiếng dội của rừng núi từ tiếng ‘la’ cấp cứu của dân đi rừng. Vậy tiếng ‘Vang’ là một danh từ chứ không phải là trạng từ của tiếng la. Dân đi rú ngày xưa đã ghép tiếng ‘La’ của mình với tiếng ‘Vang’ dội lại của núi rừng : « Mấy ‘en’ ơi, tui thấy mổi lần miền ‘la’ lên thì tiếp theo, núi rừng ‘vang’ dội đến rùng rợn! Như rứa cọp beo khôn sợ mà chạy răng được chớ. Chổ ni đúng là chổ La (và) Vang thiệt. Chổ ni miền kêu là La Vang hè.» « Chú mi nói rứa là trúng lắm đó, cứ kêu chổ ni là La Vang cho tau.» (tôi tưỡng tượng những trao đổi ngày xưa giữa tiều phu). Đó phải chăng là nguồn gốc chính đáng của tên kép linh địa LA VANG. Vậy La Vang chính thật là danh từ kép rồi.
---------Sở dỉ tôi đặt nặng vấn đề tìm hiểu về nguồn gốc tên gọi linh địa, vì tên La Vang có nhiều ý nghĩa LA VANG rất tuyệt vời. Tỉnh Quảng Trị vốn là đất tổ nhà Nguyễn dấy nghiệp, là đất cho các bà Hoàng trốn lánh khi có loạn, lại ở sát nách Đế đô. Nên không nơi nào bị giết nhiều như Quảng Trị. Tại Trí Bưu các lăng tử đạo tập thể ngập đồng. Dân làng Trí Bưu hần như CG cả làng. Từ lúc 4 tuổi ở ký túc trong dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu, tôi đã nghe kể rằng quân binh trong Huế ra đuổi hết dân làng vào nhà thờ rồi chất củi đốt (chính cả trường chúng tôi đã chạy chơi ù mọi, đá banh trên lăng tử Đạo lớn).
---------Ý nghĩa La Vang đầu tiên là tiếng ‘la vang’ trong âm thầm nhiệm mầu của Đức Tin các thánh tử đạo lên với Thiên Chúa trên trời. Tiếp đến là tiếng ‘la vang’ thứ hai, la vang âm thầm trong nguyện cầu của những người đói khát ốm đau khốn khổ run sợ nương nấu trong rừng. Và tiếng La Vang đó đã thấu đến tai Nữ Vương Thiên Đàng. Tiếng La vang đó đã kéo Ngài xuống với dân tộc Việt Nam. Nhờ tiếng La vang đó mà dân tộc Việt Nam được biết bao ơn lành tự Trời đổ xuống.
---------Một tiếng La Vang thứ ba là tiếng Đức Mẹ trã lời « Chúng con hãy cam lòng chịu khổ (để góp phần đền bồi phạt ta trái tim yêu thương của Chúa Giêsu và trái tim bị lưởi đồng đâm thâu của Mẹ)». Sao mà khổ vậy Mẹ ôi ! chúng con đã khổ nhiều rồi, nhưng Mẹ muốn chúng con ‘cam lòng chịu khổ’ nữa. Lời ấy Mẹ vẩn gởi cho chúng con bây giờ đây và mãi mãi, chúng con xin vâng.
---------Tiếng La Vang thứ tư là tiếng dội trở lại của Nữ Vương Thiên Đàng trong lòng mổi một người khi bước chân đến La Vang. Như tiếng La Vang của Đức Mẹ nói với mọi người, cũng như nói với một người Phật giáo có lòng tin vào Mẹ là thân phụ của nữ nhạc sĩ Lê Tín Hương (Hiệp Nhất số 64) «Ta là Đức Mẹ La Vang, Ta đến cứu con đây ». Ôi! phước lộc vô vàn, quí báu biết là bao nhiêu! Trước câu thú thật thoát ra từ miệng của một người cha gia đình Phật tử thủ cựu. Và cảm động chi xiết khi chính Đức Mẹ nhận mình là ‘Ta là Đức Mẹ La Vang’. Đức Mẹ La Vang, La Vang cái tên mà dân quê mùa Quảng Trị đã đặt cho Mẹ, Mẹ nhận. Đây đúng là một phút giây lịch sữ quí báu vô ngần. Chúng ta còn đòi phép lạ nào để chứng minh, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã nhận lảnh tên Đức Mẹ La Vang hiện ra trên mảnh đất đau buồn Quảng Trị trung tâm của nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam.
---------Đức Mẹ La Vang la vang lên cho chúng ta nghe, nhưng khổ thay không phải lúc nào chúng ta cũng nghe thấy tiếng Đức Mẹ rõ ràng đâu. Tiếng Mẹ lại càng la vang thêm và rồi sớm muộn gì chúng ta cũng nghe tiếng la vang của Đức Mẹ La Vang dội lại từ núi rừng Tin Cậy, từ núi rừng Yêu Thương Kính Mến, từ núi rừng Cầu Nguyện của các thánh tử đạo, của những người con yêu của Mẹ là của chúng ta hết thảy. Và Đức Mẹ càng la vang hơn nữa thúc dục chúng ta ăn năn thồng hối, sống theo tinh thần Phúc Âm Chúa Giêsu, làm gương tốt cho trẻ con, cho người ngoại giáo, làm tông đồ cho Chúa giữa trần gian u tối. Và ý nghĩa thứ năm và cũng là cuối cùng là một tiếng La Vang dội khắp thế giới hiện sinh chìm đắm trong vật chất u ám từ linh địa nghèo nàn đau khổ La Vang qua núi rừng cầu nguyện của các CĐNVCG khắp thế giới. Tiếng dội La Vang đã lan ra khắp hoàn cầu, và dội lên vủ trụ thấu tới Thiên Đàng. Ân đức của Đức Mẹ từ đất Quảng Trị đau thương đã lan ra khắp mọi miền trên thế giới tới Thiên Đàng.
---------Nguyên bao tiếng ‘La Vang’ đó đã là phép lạ lớn lao của Mẹ Maria. Nơi đây hiện đã trở thành nơi LA lên để nghe tiếng VANG dội cho cả Thiên Đàng, cho nước Việt Nam và cả thế giới cùng nghe. Như vậy tên La Vang có nhiều ý nghĩa thật tuyệt diệu vô cùng, ý nghĩa hay hơn đâu khác mà đức Mẹ hiện trên khắp thế giới. Phải chăng Đức Mẹ đã mặc khải cho dân quê mùa rừng núi chọn cho Mẹ cái tên LA VANG mầu nhiệm ?
---------Lạy Đức Mẹ La Vang, chúng con không biết gì hơn là bao nhiêu lòng Yêu Mến vô vàn dâng lên Mẹ. Có những lúc chúng con thờ ơ với Mẹ, nhưng xin Đức Mẹ cứ xem như chúng con vẩn thầm thỉ với Mẹ liên liên như trong những giây phút ân tình nhất.
Bs. Nguyễn Thị Thanh
NHỮNG ƠN LẠ MẸ LAVANG BAN
NHỮNG ƠN LẠ MẸ LAVANG BAN
-------Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh làm cha Sở Lavang (1948-1955) đã ghi lại phép lạ Mẹ ban cho vua Khải Định như sau: Nhân dịp lễ tứ tuần của vua Khải Định, bỗng dưng ngài ngã bệnh đến độ trầm trọng. Các ngự y đều bất lực. Các bác sỹ Pháp cũng bó tay. Lúc ấy có viên quan xin tâu vua về việc cứu chữa linh thiêng của Đức Mẹ Lavang và thỉnh cầu nhà vua tìm tới xin ơn Đấng Thánh Mẫu. Vua Khải Định liền cho mời cụ Nguyễn Hữu Bài vào điện và xuống mạng cho cụ đi Lavang khấn xin cùng Đức Mẹ. Vâng theo thánh dụ, cụ ra Lavang cầu xin Đức Mẹ cho nhà vua được bình phục, để ngày lễ tứ tuần ngài được vui vẻ và khoẻ mạnh để tiếp đãi quan khách. Thực thế, Đức Mẹ đã ban cho vua được bình phục, vì sau lễ tứ tuần, nhà vua đã cho người đến Lavang tạ ơn Đức Mẹ. Năm sau cũng vào dịp này vua bị ngã bệnh lại. Vua lại sai cụ Bài đi khấn xin và mang thêm hai cây đèn cầy lớn dâng kính Đức Mẹ. Tới nơi cụ cho chưng đèn và thắp nến trước bàn thờ Mẹ. Nhưng lạ thay, một cây đèn cầy không chịu cháy, cho dù có sửa tim, cạo nến, ngọn đèn cũng chỉ cháy lên leo lét một chút rồi vụt tắt. Cụ bài luận rằng đó là dấu Đức Mẹ cho biết, Mẹ chỉ nhận một lần này nữa mà thôi, lần sau sẽ không được nữa. Đúng thế, năm sau vua Khải Định lại ngã bệnh và thăng hà trong chứng bệnh hiểm nghèo ấy. (N.S.Đức Mẹ Lavang số 2 tháng 7,1962)
-------Ông bà Nguyễn khắc Nhân và Tôn nữ thị Quyên, đã sinh được 3 người con trai. Bà ao ước có thêm một cô Tôn nữ nữa, nên bà thường khấn rằng: "Nêu Mẹ Lavang cho con toại nguyện thì con sẽ trở lại đạo Công Giáo". Lần kia ông lên Đền Lavang hành hương xin ơn. Khi trở về bà kể cho ông nghe giấc mộng đẹp của bà: Một Bà-Đẹp mặc đồ trắng toát, tay ôm những bông Cúc Thọ kép. Bà xin một bông, Bà-Đẹp cho ngay một bông. Bà xin một bông nữa, Bà-Đẹp mỉm cười rồi biến đi.
-------Ông tin đó là điềm tốt, Đức Mẹ đã nhân lời ông bà cầu xin. Và thực thế, năm sau (15-8-1913) bà mang thai một người con nữa. Tới ngày sinh mà bà không cách nào sinh được; ông Nhân phải chạy lên Đền Đức Mẹ Lavang cầu khẩn và lấy Nước-Thánh Đức Mẹ đem về cho bà uống và thoa trên trán. Sau khi uống nước bà sinh được liền. Ông bà đặt tên cho con là Nguyễn thị Phi-Phụng và âu yếm nói với con: "Ba ước ao sau này con sẽ được huy hoàng như chim Phụng Hoàng, nhưng khi làm nên sự nghiệp vẻ vang, thì con sẽ phải mang tên hiệu là "Mộng Hoa" để kỷ niệm ơn lạ mà má con đã chiêm mộng". Năm tháng cứ thế trôi qua, Phi Phụng học hành ngày một khá. Đến lúc lên 16 tuổi, cô đã được báo chí ca ngợi về năng khiếu nghệ thuật của cô. Phi Phụng nhớ lời cha dạy nên đã nhận bút hiệu mới là gái "Mộng hoa". Cô không hãnh diện về mình nhưng luôn có tâm tình biết ơn đối với Mẹ Lavang. (N.S. Đức Mẹ Lavang số 9, tháng 5, 1962).
- TÉ BỂ SỌ ĐƯỢC MẸ CHỮA LÀNH
-------Ngày 25 tháng 5 năm 1932, có cha Phượng và cha Mục sau khi cấm phòng tại Dòng Phước Sơn về, hai cha đến Lavang kính viếng Đức Mẹ. Cha Phượng leo lên tháp chuông coi, mới lên được tầng dưới cao 5 thước, cha bị xẩy chân té xuống nền Xi-măng, sọ bể rạn từng miếng, một đầu gối bị dập, ống chân bị bẻ quặt lại, máu chảy dầm dìa lai láng. Cha bị ngất bất tỉnh nhân sự. Người ta chạy đến nhà thương Quảng Trị mời bác sĩ Phạm văn Hy, nhưng rủi thay bác sĩ đi vắng. Đến 8 giờ tối bỗng nghe có tiếng xe tiến tới trước cửa nhà xứ. Cha Morineau Trung ngỡ là người đón bác sĩ trở về, nhưng không, đó là xe của bác sĩ Hoslé, Quản Đốc Bệnh Viện Huế đi săn bắn, tình cờ đi ngang qua. Ông liền đưa nạn nhân lên xe chở về nhà thương, rồi đánh điện mời bác sĩ Hy trở về. Hai bác sĩ lo săn sóc cho nạn nhân nhưng cả hai đều nói rằng: "Cha có qua khỏi là nhờ phép lạ Đức Mẹ làm mà thôi". Quả thực phép lạ đã xẩy ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Chỉ sau 10 ngày cha Phượng đã khỏi hết mọi vết thương từ đầu đến tay chân. Bác sĩ tuyên bố: "Đó là ơn thiêng từ trời ban cho cha. Một phép lạ Đức Mẹ ban cho Cha, chứ không có tài nghệ nào chữa lành mau như thế được". (Phép lạ này đã được tường thuật trong Tạp Chí Hội Truyền Giáo, xuất bản tại Balê tháng 4 năm 1932).
NHỮNG ƠN LẠ MẸ LAVANG BAN (tt)
- BỐN MƯƠI NĂM MỘT GIÒNG LỆ
-------Ngồi liên tưởng đến Thánh Lễ Đại Trào Khai mạc năm Toàn xá, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lavang và kỷ niệm 10 năm Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tôi hồi tưởng về một khung trời ấu thơ xa xưa với một biến cố trọng đại đến với gia đình tôi cách đây 40 năm về trước, vào một ngày cũng mưa gió như hôm nay.
-------Năm 1958, ba tôi làm việc tại Bệnh viện Trung Ương thành phố Huế. Mỗi tháng ông cùng các bác sĩ đi thanh tra các Bệnh viện nhỏ trong vùng một lần. Hôm ấy ông sửa soạn đi thăm bệnh viện Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 65 cây số về phía Tây Bắc.
-------Tôi còn nhớ rõ hôm đó trời mưa lạnh, mưa rả rích suốt ngày. Ba tôi chuẩn bị lên đường. Ba tôi mặc chiếc Jacket bằng da và dặn dò mẹ tôi một vài điều gì đó rồi vội vã ra xe.
-------Bước xuống mấy bậc thềm, ông gặp ngay cha Cao văn Luận, người cùng quê quán với cha tôi. Ngài rất thương yêu gia đình tôi và niềm mong mỏi của ngài là được thấy gia đình tôi theo Đạo. Điều mà đối với cha mẹ tôi là một trở ngại rất lớn, không thể nào thực hiện được. Họ hàng cả hai bên đều không có ai theo Đạo Công Giáo, vả mẹ tôi đã quy y, pháp danh là Nguyên Kha. Mẹ tôi cũng đã xây chùa cho làng ngoại tôi ở Huế. Cả một đời mẹ hy sinh cho hạnh phúc của chồng con, nhưng trong vấn đề tín ngường bà rất là cương quyết, vì thế ba tôi cũng rất tôn trọng mẹ tôi, mặc dù ông rất mến cha Luận.
-------Cha Luận gặp ba tôi, ngài đưa cho ông một tấm ảnh và bảo: "Tôi mới đi kiệu ngoài Lavang về. Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ và rất linh thiêng, ông hãy giữ lấy mà cầu nguyện". Ba tôi cười cười, nói cám ơn cha, rồi thuận tay ông nhét tấm ảnh vào túi trong của áo Jacket: "Con phải đi ngay cha ạ, mọi người đang chờ con ở ngoài kia". Vừa nói ông vừa chào từ giã rồi đi ra xe.
-------Buổi chiều trong khi người làm dọn cơm, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ đang kể một đoạn trong câu chuyện "những kẻ khốn cùng" của văn hào Victor Hugo, thì chúng tôi nhận được hung tin. Chiếc xe chở ba tôi và bốn người nữa bị lật tại cầu Giồng Quảng Trị chìm xuống sông rồi. Tất cả đều tử nạn. Bệnh viện báo tin và yêu cầu gia đình đến ngay để nhận xác về mai táng.
-------Trước biến cố bất ngờ, mẹ tôi như người bị sét đánh, sững sờ ôm lấy chị em chúng tôi. Làm sao tôi có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ tôi lúc này... Mẹ tôi và chị em tôi theo xe bệnh viện ra Quảng Trị lấy xác cha. Đến nơi, tại trạm gác nhỏ nằm cuối chân cầu, xác của ba ông bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã được vớt lên, còn thi hài ba tôi chưa tìm thấy. Người ta chưa vớt được, nhưng quả quyết rằng ông cũng cùng một số phận với những tử thi đang nằm đó, vì ông ở dưới nước quá lâu. Thân nhân của các nạn nhân đã có mặt đông đủ, họ kêu gào khóc lóc rất não lòng. Em tôi còn nhỏ chưa hiểu lắm, nép trong vòng tay mẹ ngơ ngác nhìn quanh: "Ba đâu, ba đâu mẹ!". Mẹ tôi chưa kíp dỗ dành thì bỗng có tiếng người la lớn: "Đây rồi, vớt được xác cuối cùng rồi".
-------Là ba tôi đó. Mẹ tôi nhào tới. Người ta khiêng xác ba tôi đặt lên chiếc băng ca. Lại có tiếng la lên: "Trời ơi, ông ta hình như chưa chết. Còn thở, hơi thở yếu lắm. Làm hô hấp cho ông ta ngay đi".
-------Và ba tôi quả còn sống thật. Mẹ tôi qùi xuống lạy trời lạy đất. Cám ơn Trời Phật đã cứu sống ba tôi. Nước mắt mẹ tôi một lần nữa tuôn trào, nhưng lần này là giòng nước mặt hạnh phúc không ngờ. Chúng tôi quỳ xung quang băng ca. Ba tôi tỉnh lại hẳn. Ông nói bằng một giọng thật yếu ớt, câu nói đầu tiên tôi không bao giờ quên được: "Hãy xin cha rửa tội, rửa tội cho cả nhà. Đức Mẹ Lavang đã chữa ba".
-------Nói xong, ông đưa tay vào túi áo lục lọi kiếm tìm, ông rút ra một tấm ảnh Đức Mẹ Lavang, tấm ảnh mà Cha Luận đã cho ông trước chuyến đi định mệnh. Ba tôi nói tiếp: "Đây chính Bà này đã cứu ba. Ba bị mắc kẹt trong gầm xa không sao ra được. Bà đã đến lôi ba ra. Ra khỏi cửa xe, Bà đẩy ba nổi lên mặt nước và nói "Ta là Mẹ Lavang, Ta đến cứu con".
-------Tôi chợt nghĩ lại: Nếu ngày hôm ấy ba tôi không vội vàng ra đi và có thời giờ tiếp chuyện cha Luận, thì có lẽ bức ảnh Đức Mẹ Lavang đã bị bỏ quên trong ngăn kéo cùng với sự hững hờ của ba mẹ tôi rồi. Sau biến cố đó, gia đình tôi gồm ba mẹ và 7 anh chị em được rửa tội trong sự tự nguyện rất hoan hỷ của mẹ tôi. Ba vị Linh mục thân thiết nhất của gia đình là cha Cao văn Luận, cha Ngô văn Trọng, cha Vũ minh Nghiễm dạy giáo lý cho gia đình, đã dâng Thánh Lễ và ban phép Rửa Tội cho chúng tôi tại Thánh Đường Đức Mẹ Lavang Quảng Trị. Mẹ tôi vui mừng hân hoan và tin tưởng, bà lần chuôi Mân Côi mỗi ngày. Cho đến ngày nhắm mắt, bà vẫn là một tín đồ sốt sáng, sùng kính Đức Mẹ tuyệt đối. Đây là hình ảnh cuối đời của mẹ tôi.
-------Tôi còn nhớ, sau ngày gia đình chịu Phép Rửa Tội, mẹ tôi đã phải chịu đựng biết bao lời ra tiếng vào của họ hàng và những người quen biết.... Mỗi lần than vãn với Mẹ thì mẹ tôi lại khuyên: "Ba là cột trụ, là nguồn sống của gia đình. Đức Mẹ đã cứu sống ba là cứu sống cả gia đình chúng ta. Vì thế dù cho phải chịu bao nhiêu thử thách, khó khăn cũng phải chấp nhận, để cảm tạ ân sủng đó. Tình yêu luôn luôn có cái giá phải trả, và cái giá đó có nghĩa gì đâu với ân huệ mà Đức Mẹ đã ban cho gia đình chúng ta".
-------Mẹ tôi nói đúng, ơn lạ mà Mẹ Lavang đã ban là một biến cố lớn trong đời sống tâm linh của gia đình, cùng là một biến cố trong lịnh sử gia tộc. Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Ông vẫn còn giữ và kính tấm ảnh năm xưa đã cứu mạng ông. Tấm ảnh ngày nay đã mờ nhạt theo thời gian, nhưng mỗi ngày ông vẫn ngồi bên Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện, truyện vãn với Mẹ một cách thân tình.
-------Câu chuyện này vẫn thường được tôi kể lại cho các cháu nghe như một chuyện thần thoại nhưng có thực, chuyện xẩy đến từ một phép lạ của Đức Mẹ Lavang đối với gia đình tôi nói riêng và nhiều gia đình khác nói chung.
-------Ngày đại lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay trời mưa nhiều. Tôi lái xe đi trong cơn mưa như trút, nhưng lòng tôi hạnh phúc vô cùng vì tôi được có Chúa, có ánh sáng niềm tin của Ngài chiếu rọi tâm hồn tôi. Tôi có tình yêu bao la rộng mở của Đức Mẹ đã đến với gia đình tôi từ thuở tôi mới lên 10... Ngày nay tôi cũng vẫn cảm thấy mình may mắn, đã được hưởng một ân huệ quá đặc biệt đến từ tình yêu bao la không bờ bến của Đức Mẹ....
California ngày 22 tháng 2 năm 1998. Lê tín Hương. (trích từ Báo Hiệp Nhât số 64, tháng 4, 1998).
-------... Gia đình hoàn toàn ngoại giáo, lại nghèo nên bố tôi phải lên núi kiến trầm về bán nuôi sống gia đình. Nhưng chẳng may bố tôi bị một nhánh cây khô nhọn đâm xuyên bàn chân. Các bạn phải cõng bố tôi về. Tới nhà thì chân đã mưng mủ, nhức nhối, suốt ngày chỉ ôm chân kêu đau rên rỉ. Các cha, các Sơ đến thăm và chữa trị nhiều lần nhưng cũng không bớt. Có người nói trong thịt xương bàn chân còn nhiều miếng gỗ cứng sinh độc cần phải mổ mới lành. Bố tôi đi nhà thương soi điện nhưng chẳng thấy gì, còn bác sỹ thì nói phải cưa chân đi mới khỏi. Mẹ tôi sợ bố què cụt không làm được việc nên không cho. Bố tôi phần thì lo buồn vì sợ chất độc chạy lên tim đe dọa mạng sống, phần thì đau đớn không thể làm gì nuôi sống gia đình.
-------Ở rú làng tôi có hòn đá trắng giống hình người nằm dưới bụi vòi voi xum xuê. Người ta đồn rằng "Ông Đá" thiêng lắm, đêm khuya trời tối ông thường ngồi dậy trò truyện với các hồn ma trong nghĩa địa. Vì thế dân làng ai đau yếu cũng nấu nước chè xanh mang đến đây cầu khẩn rồi đem về uống. Mẹ tôi còn hơn thế nữa, bà dìu bố tôi ra đây khóc lóc cầu xin "Ông Đá" thương tình, nhưng bố tôi chẳng thuyên giảm chút nào. Tình thế gia đình ngày càng nguy ngập.
-------Cuối hè năm ấy, nhân có Đại Hội Thánh Mẫu Đức Mẹ Lavang, Sơ Camille là cô giáo dạy tôi học, gợi ý đem bố tôi đi Lavang nhờ Đức Mẹ cứu giúp. Sơ biết gia đình tôi ngoại giáo, lại túng thiếu, nên trình cha xứ cho nhập đoàn với giáo dân, đi chung chuyến xe đò và ăn ngủ với họ không phải tốn tiền. Nghe chuyện ấy mẹ tôi mừng lắm nên xin cùng đi theo. Lòng bố thì nghi ngờ, nhưng vì ngộ biến nên phải tòng quyền. (Gia đình tôi ngoại đạo, nhưng tôi học trường Công giáo, nên mọi kinh nguyện tôi xin nhận đọc cả để bố tôi yên lòng. Bố chỉ cần có lòng thành tâm thôi). Bố tôi hỏi:
-------- Thành tâm là thế nào?
-------- Là trong bụng bố đặt hết tin tưởng vào Đức bà.
-------Mẹ tôi vui mừng rưng rưng nước mặt bảo bố:
-------- Ông phải ăn chay mấy ngày và hết lòng cầu xin Bà Tiên giúp cho, không thì nguy lắm.
-------Tôi nói:
-------- Đức Bà chỉ cần lòng thành thôi, bố không cần ăn chay.
-------Gia đình tôi gia nhập đoàn hành hương trong bầu không khí đầy niềm tin. Mỗi sáng mỗi chiều, mẹ dìu bố đến trước tượng Đức Mẹ bồng con đứng dưới tàng cây đa cầu xin âm thầm, vì điều gì có trong trí nghĩ thì Đức Mẹ cũng đã biết hết rồi.
-------Buổi chiều bế mạc, mẹ tôi được Sơ dẫn lên ngọn đồi phía sau để múc nước Thánh và hái lá Vằng đem về. Sơ nói với mẹ tôi:
-------- Thím về, cho chú uống nước này, còn lá Vằng thì giã nhỏ đắp lên vết thương cho chú, cả nước và lá này đều thiêng lắm. Không phải bây giờ Đức Bà mới giúp người ốm đau ngặt nghèo vô phương chạy chữa đâu, mà cả gần 200 năm nay rồi. Mẹ đã hiện xuống giữa vùng núi non hẻo lánh này và nói với những người bất hạnh như thế. Nhưng thím phải nói với chú cầu nguyện và thật lòng nương nhờ Đức Mẹ mới được.
-------Đúng là phép lạ, bố tôi dùng nước và lá ở đồi Lavang một thời gian thì trong người bố tôi khỏe khoắn, tươi vui hẳn lên. Chân của bố từ từ líp thịt, đâm da non rồi lành hẳn. Bà con hàng xóm nghe tin ai cũng đến mừng. Bố tôi nói:
-------- Nếu không có Bà Tiên ngoài xứ Lavang, Quảng Trị thì tôi cụt chân hay mất mạng rồi.
-------Sau đó bố tôi đem nước và lá còn lại cho những người đang đau ốm, lại nói tôi ở lại nhà đọc kinh cho họ nữa. Dĩ nhiên là ai cũng được Đức Mẹ cứu chữa cả.... (Hồi ký :Vân Hà. Trích trong Báo Hiệp Nhất số 64 tháng 4, 1998).
MẸ LA VANG MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG
MẸ LA VANG
MẸ NGUỒN CẬY TRÔNG
------------Cuộc hành hương Đại hội Đức Mẹ Lavang lần thứ 28 nầy (13-15.8.2008) đối với rất nhiều người là những kỷ niệm khó quên, những ơn lành Đức Mẹ ban cách ngọt ngào trìu mến... những cảm nếm cái nóng, cái khát của thời tiết Quảng trị oi bức nhưng lòng vẫn tràn ngập niềm vui trùng phùng hội ngộ trong tình Mẫu tử nhiệm mầu... Phần tôi, sự kiện ghi đậm dấu ấn nhất là giờ cầu nguyện và thánh lễ dành cho nhóm khuyết tật vào lúc 9giờ30, ngày 14.8, ngày thứ II trong chương trình 3 ngày đại hội, do Đức Cha (ĐC) Phêrô Nguyễn văn Đê Giám Mục Phó Giáo Phận Bùi Chu chủ sự. Tôi xem như đã nếm được niềm vui sống bên Mẹ là tâm tình cầu nguyện, hiệp thông trong dịp hành hương 28 nầy, với con cái Mẹ khắp bốn phương tựu về, nhất là với những mãnh đời thiếu may mắn...
------------Đoàn khuyết tật đến từ Tổng Giáo Phận Hà Nội, gồm 225 người. Họ đến từ nhiều nơi trên các giáo xứ thuộc Miền Bắc: Vĩnh Phúc, Bắc Gíang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Giang, Hà Tây... có các anh em thiện nguyện, các thầy Don Bosco, các nữ tu cùng đồng hành, và đặc biệt có ĐC Phêrô Nguyễn văn Đệ làm linh hướng cho đoàn. Một chuyến hành hương về Đức Mẹ La-vang, gặp gỡ giao lưu, và tham quan một vài tháng cảnh... tất cả đã được lên chương trình chu đáo, từng ngày trong chuyến đi 7 ngày. Được biết, qui tụ bên Mẹ Lavang hôm nay, cũng có hơn 30 anh chị em khuyết tật từ Saigòn, Huế; hầu hết những anh chị em này là người không công giáo... Thật cảm động, khi nhìn thấy các anh chị em khuyết tật đủ mọi lứa tuổi, dưới những hình hài không toàn vẹn, khập khểnh dìu nhau lên trước Linh đài Mẹ, nhưng trên khuôn mặt lại toả rạng ánh ngời của niềm vui, bình an sâu xa...
------------Trong lời mở đầu giờ diễn nguyện, ĐC chủ tế mời gọi : "Lúc nầy đây, tâm hồn chúng ta đang tìm về suối nguồn nguyên thuỷ và tươi mát, mà Đức Kitô đã đúc kết nơi tấm lòng Từ mẫu của Mẹ Maria... Bởi đó, bên Mẹ hôm nay, xin cọng đoàn cùng với chúng con nắm tay nhau, không phân biệt đẳng cấp, giàu hay nghèo, lành lạn hay tật nguyền... để cất lên niềm vui hội ngộ nầy."
------------Giờ diễn nguyện do các em trong đoàn thực hiện đã đưa cộng đoàn về với những trang Phúc âm để chiêm ngắm dung mạo của Chúa Cứu Thế, Đấng không ngừng nghiêng xuống trên những mảnh đời bất hạnh: Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị loạn huyết, người mù, người bị bại liệt, người câm điếc...Với bài "Bàn tay Giêsu": Bàn tay ấy ôm hôn cuộc đời, bàn tay ấy nâng cao phận người... xoá những tuyệt vọng đớn đau, dù con tim giá buốt, tha thiết yêu thương hào phóng cho hạnh phúc vào đời". Phần tĩnh nguyện kết thúc với thánh vũ Nữ Vương Hoà Bình đầy tính nghệ thuật, diễm lệ tuyệt vời ... Các em khuyết tật thì phụ diễn, rạng rỡ tay nâng cao băng-rôn: "Nữ Vương Hoà Bình", rất ư là dễ thương! Tất cả như bức tranh sinh động ca múa trước nhan Mẹ dấu yêu ... Chắc là Mẹ đang nhìn đoàn con mà mĩm cười sung sướng trong cái nắng chan hoà của khung trời Lavang!
------------Bên Mẹ hôm nay, lương hay giáo, qua những tâm sự và lời nguyện các em dâng lên Mẹ, chúng ta mới cảm nhận được đức tin của họ mãnh liệt biết bao!
------------Chúng ta hãy lắng nghe lời trần tình anh chị em thân thưa lên Mẹ Thiên Chúa: "Đoàn hành hương chúng con hôm nay, mỗi người một cảnh, người thì không cha, không mẹ, người thì cụt tay cụt chân, người khiếm thị, người câm điếc, người què quặt, người bại liệt, khó khăn biết bao chúng con mới có thể về được bên Mẹ. Chúng con dâng lên Mẹ tất cả những khó khăn vắt vả trong đời sống chúng con."
------------Trong đau khổ, họ van nài tha thiết hơn: "Chúa ơi!, chúng con những người khuyết tật của Chúa, có người chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng long lanh hay nghe một âm thanh diệu huyền nào, chưa một lần được cùng bạn bè chạy nhảy tự do, thoải mái, chưa một lần đưa tay hái những bông hoa tươi thắm để tặng mẹ cha, chưa được mở miệng một lần nào để nói lên hai tiếng cám ơn, cũng chưa hát được âm thanh nào để chúc tụng Chúa, đã không ít lần con bật khóc khi phải ngồi riết trên xe lăn, một mình, một mình đơn độc! Xin đừng bỏ con một mình, Lạy Chúa!"
------------Gìờ cầu nguyện và thánh lễ được tổ chức rất sống động , đầy sáng tạo, khi Đức Cha nhắc đến nỗi đau của một nhóm khuyết tật nào đó, thì tiếp theo ca đòan cất lên tiếng hát, rất đặc trưng, diễn cảm, xoáy sâu tận lòng người: " Con không đuợc thấy mặt trời, con không được thấy mặt trăng. Con không nhìn thấy hàng cây cũng chưa được nhìn thấy những tầng mây... mà chỉ thấy một màn đêm u tối bao phủ quanh cuộc đời. Con không được đi đến trường học. Con không được cười nói tự nhiên nhưng trong lòng vẫn thấy bình yên. Con đã hiểu được những nỗi khổ đau khi con được sống trong cuộc đời này...(ĐK) Không phải lỗi tại con cũng không phải của cha hay của mẹ... con chẳng được may mắn như bao người, được sinh ra trong cuộc đời nhưng để làm rạng danh một Thiên Chúa trong nhân loại hôm nay".
------------Nhiều người hiện diện cảm xúc trước những lời nguyện của các em dâng lên. Bạn Văn Học thổ lộ: " Tôi nghe tiếng sụt sùi của ai đó, tiếng nấc nghẹn nghào của một người phụ nữ ngồi cạnh tôi, chị lấy khăn lau mắt nhiều lần, hẳn là chị cảm động lắm! Vâng, làm sao mà không thể cảm đông được trước những con người sinh ra với một thân phận như định mệnh oan khiên bủa vây và che phủ cuộc đời một màu u ám".
------------Tình gắn kết hiệp thông của hàng trăm con người kém may mắn tại linh đài Mẹ, và của đông đảo khách hành hương tạo nên một bầu khí linh thánh và sâu lắng... Trong phần chia sẻ Lời Chúa, ĐC nhắc bảo cộng đoàn: "Nếu không có cái chết tức tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá thì mọi lý giải đối với những "mảnh đời xấu số" này đều trở nên vô nghĩa, đều chỉ là âm thanh của não bạt phèng la mà thôi, vì tất cả đều là một bài toán hóc búa không tìm ra đáp số nếu chúng ta không tìm nơi Đức Giêsu Kitô. Và khi đó, thi ca và triết học... những học thuyết của chủ nghĩa xã hôị đầy ắp những khái niệm siêu hình?... và cả tôn giáo và những kiến giải thâm huyền của nó. Tất cả chỉ là những lý luân phù phiếm và vô nghiã? Khi con người đối diện với bao cảnh đau thương trên cõi đời này mà đành khoanh tay đứng nhìn một cách bất lực."
------------Như trọn tình yêu và chỉ có một thao thức duy nhất của Đức Cha Phêrô là dành để cho những anh chị em tật nguyền trước mặt Ngài, trong phần dâng lời nguyện cọng đồng. Ngài lại một lần nữa mời gọi Dân Chúa: "Chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời cầu xin chân thành thiết tha để họ luôn vững tin vào lòng Chúa thương xót, để khi trở về lại môi trường sống hằng ngày, họ vững lòng cậy trông và không bao giờ thất vọng." ĐC chủ tế cũng mời gọi số anh chị em chưa dâng lời cầu nguyện có thể ghi vào giấy đưa lên, Ngài đến từng người nhận những ý nguyện ấy đưa lên, đặt vào lư hương, đốt cháy, những lời nguyện thầm kín ấy quyện vào làn hương bay lên trời... Những ước mơ, những tâm tình, những khổ đau hoà tan trong lễ dâng hợp với của lễ Con Thiên Chúa, Đấng đã đến chia sẻ thân phận, đồng hoá và hiến thân cho con người, mang lấy cái đến chết và chết tủi nhục trên Thập giá.
------------Bên Mẹ Lavang, tôi cảm nhận được tình yêu thương chan hoà của Mẹ Thiên Chúa đang tuôn đổ trên mỗi đưá con tật nguyền, trên mọi khách hành hương hiện diện, chắc không thiếu những đứa con xiêu lạc, nhiều năm xa tình Mẹ, xa ơn Cứu độ của Chúa, họ lau nước mắt, họ sốt sắng nguyện cầu, họ ngước mắt nhìn Mẹ Lavang đang bồng Giêsu thơ bé, tỏ tình Mẫu tử đối với con cái... Đạc biệt Mẹ cũng như đang bế ẳm những người con bé mọn, tật nguyền đây để tiếp tục yêu thương, che chở và phù hộ trên đường đời...
------------ Sau Thánh lễ đặc biệt nầy, tôi trở về trong thinh lặng, mặc dầu tôi phải chen chúc giữa dòng người hành hương mỗi lúc càng đông tại linh địa, lòng tràn dâng niềm biết ơn vì như đã có phúc tham dự vào mầu nhiệm đau khổ trong thân thể Mầu nhiệm của Mẹ Hội Thánh . Tôi nghe tim mình đang rung nhịp với các chi thể tật nguyền nầy...Nỗi đau bây giờ đã hoá thành tình được chia sẻ, được yêu thương, đồng cảm! Mẹ Maria, Thánh Mẫu Lavang đang dâng họ lên Thiên Chúa, vì họ đang đóng góp phần mình cho hạnh phúc nhân loại, họ phải khiếm khuyết, để anh em mình được no đầy!
------------Ôi nhiệm mầu của cuộc sống và niềm tin Kitô giáo!
Xin MẸ MARIA NHÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN
nâng đỡ đức tin còn yếu kém của chúng con.
Maria
Một khách hành hương