Từ vựng thần học Kinh thánh: Ơn Gọi
Những biến cố nói về ơn gọi thì nằm trong số các trang ấn tượng nhất của Kinh Thánh. Môisen được gọi ở giữa Bụi Gai bốc cháy (Xh 3), Isaia thì được gọi ở Đền Thờ (Is 6), Đức Giavê trò chuyện với Giêrêmia trẻ tuổi (Gr 1), tất cả đều cho thấy Thiên Chúa trong sự siêu vượt và mầu nhiệm của Ngài hiện diện trước mặt con người trong toàn bộ sự thật của nó, sợ hãi và quảng đại, khả năng từ chối hay đón nhận. Để hiểu những trình thuật này chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong Kinh Thánh thì ơn gọi, trong sự Mặc Khải của Thiên Chúa và ơn cứu độ của con người, phải là một thời điểm quan trọng.
I. ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG TRONG CỰU ƯỚC
Tất cả ơn gọi trong Cựu Ước đều nhắm đến việc thực hiện những sứ mạng: nếu Thiên Chúa gọi thì tức là để sai đi; nơi Abraham (St 12,1), Môisen (Xh 3,10.6), Amos (Am 7,15), Isaia (Is 6,9), Giêrêmia (Gr 1,7), Êdêkien (Ed 3,1.4), Thiên Chúa lập lại cùng mệnh lệnh: Hãy đi! Ơn gọi là tiếng gọi mà Thiên Chúa muốn cho con người lắng nghe rằng họ được chọn và được định sẵn một công trình cụ thể trong kế hoạch cứu độ của Ngài và qua số phận của dân Ngài. Cội nguồn của ơn gọi chính là sự chọn lựa của Thiên Chúa; nói theo cách của Thiên Chúa thì ý Ngài được thực hiện. Tuy nhiên ơn gọi còn thêm một điều gì đó vào sự chọn lựa và sứ mạng: tiếng gọi riêng tư hướng đến ý thức sâu thẳm nhất của bản thân, làm xáo trộn cuộc đời người ấy, không chỉ qua những điều kiện bên ngoài nhưng còn đến tận tâm hồn, và biến đổi họ thành một người mới.
Khía cạnh cá nhân này của ơn gọi được dịch trong các bản văn: người ta thường nghe Thiên Chúa kêu tên người mà Ngài gọi (St 15,1; 22,1; Xh 3,4; Gr 1,11; Am 7,8; 8,2). Đôi khi, Thiên Chúa ban cho kẻ được tuyển chọn một tên mới (St 17,1; 32,29; x.Is 62,2) để ghi dấu ấn trên người được Ngài sở hữu và sự đổi thay cuộc đời của người đó. Và Thiên Chúa chờ đợi kẻ Ngài gọi một câu trả lời, một sự ưng thuận có ý thức từ đức tin và vâng phục. Đôi lúc con người ưng thuận ngay tức thời (St 12,4; Is 6,8), nhưng thường thì sợ hãi và tìm cách trốn tránh (Xh 4,10; Gr 1,6; 20,7). Đó là vì ơn gọi thường đặt ra sự tách biệt và làm cho kẻ được gọi trở nên kẻ xa lạ giữa những người thân thuộc của mình (St 12,1; Is 8,11; Gr 12,6; 15,10; 16,1-9; x. 1 V 19,4).
Tiếng gọi này không được nói cho tất cả những ai Thiên Chúa chọn để làm công cụ của Ngài. Chẳng hạn các vua, mặc dù là những người được Chúa xức dầu, nhưng họ không nghe tiếng gọi như thế, bởi vậy Sa-mu-en (Samuel) đã báo cho Sa-un (1 Sm 10,1) và Đavit (16,12) biết về tiếng gọi ấy. Các tư tế cũng không giữ chức thánh của mình nhờ tiếng gọi nhận được từ Thiên Chúa nhưng từ khi họ sinh ra. Mặc dù thư gửi tín hữu Do thái (5, 4) nói A-a-ron (Aaron) “được Thiên Chúa gọi”, nhưng ông chỉ đón nhận lời gọi này qua trung gian Môisen (Xh 28,1) và không có gì nói đến sự đón nhận từ trong tâm hồn. Nếu thư gửi tín hữu Do thái không nói rõ ràng điều này thì đó không phải là không trung thành với tư tưởng của tác giả để nhìn ra trong đặc tính trung gian của tiếng gọi này một dấu chỉ của sự thấp hèn, ngay cả nơi A-a-ron, một dấu chỉ của chức tư tế Lêvi liên quan đến chức tư tế của người mà Thiên Chúa đã nói trực tiếp: “Con là Con Ta… Con là tư tế….theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (Melchi sédech)” (Dt 5,5).
II. ƠN GỌI CỦA ISRAEL VÀ ƠN GỌI CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
Israel đã nhận lãnh một ơn gọi? Theo nghĩa thông thường của từ ngữ thì hiển nhiên là thế. Theo nghĩa cụ thể của Kinh Thánh, mặc dù một dân tộc rõ ràng không thể được đối xử như một người cụ thể và không thể có những phản ứng, tuy nhiên Thiên Chúa đối xử đối với dân ấy như đối với những người Ngài gọi. Chắc chắn là Ngài nói với dân ấy qua những trung gian, đặc biệt qua trung gian Môisen, thế nhưng nếu tách sự khác biệt này vốn bị áp đặt bởi bản chất của sự vật, thì Israel có tất cả những yếu tố của một ơn gọi. Trước hết, Giao Ước là tiếng gọi của Thiên Chúa, là lời nói với trái tim; Lề Luật và các tiên tri thì đầy rẫy tiếng gọi này: “Hãy nghe đây, hỡi Israel!” (Đnl 4,1; 5,1; 6,4; 9,1; Tv 50,7; Is 1,10; 7,13; Gr 2,4; x. Hs 2,16; 4,1). Lời này được Thiên Chúa cam kết bảo đảm cho dân tộc tồn tại cách riêng (Xh 19,8; Đnl 7,6) và cấm họ dựa giẫm vào một ai khác ngoài Thiên Chúa (Is 7,4; x. Gr 2,11). Tiếng gọi này chờ đợi một câu trả lời, một sự cam kết của tâm hồn (Xh 19,8; Gs 24,24) và của cả cuộc đời. Đó là tất cả những đặc điểm của ơn gọi.
Theo một nghĩa nào đó, đúng là ta tìm thấy những nét này đầy đủ hơn nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Người Tôi Tớ hoàn thiện của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn nghe tiếng của Cha và vâng phục Cha. Tuy nhiên, Tân ước hầu như không sử dụng ngôn ngữ đặc thù của ơn gọi trong trường hợp của Chúa. Nếu có thì Đức Giêsu luôn nhắc đến sứ mạng mà Ngài nhận lãnh từ Cha, không thấy chỗ nào nói đến Ngài được Thiên Chúa gọi, và điều này hẳn có ý nghĩa. Ơn gọi đòi hỏi một sự đổi đời; tiếng gọi của Thiên Chúa lôi kéo người ta ra khỏi thói quen của họ, khỏi môi trường thân thuộc của họ và dẫn họ đến một nơi bí mật mà Thiên Chúa đã dành sẵn, đến “đất ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 22,1). Dẫu thế không gì chỉ cho thấy có một sự ý thức về tiếng gọi nơi Đức Giêsu Kitô; phép rửa của Ngài cũng đồng thời là biến cố tấn phong: “Con là Con Ta” (Mc 1,11) và Thiên Chúa giới thiệu Người Tôi Tớ mà Ngài cảm thấy hoàn toàn hài lòng; nhưng ở đây không có gì gợi cho thấy những biến cố nói về ơn gọi: từ quyển này đến quyển khác của các sách Tin Mừng, Đức Giêsu biết mình đến từ đâu và đi về đâu (Ga 8,14) và nếu Ngài đi đến nơi người ta không thể theo Ngài, nếu số phận của Ngài mang một nét đặc thù, thì đó không phải căn cứ vào ơn gọi nhưng là chính con người của Ngài.
III. ƠN GỌI CỦA CÁC MÔN ĐỆ VÀ ƠN GỌI CỦA KITÔ HỮU
Nếu Đức Giêsu không nghe tiếng gọi của Thiên Chúa vì sự cân nhắc của Ngài thì trái lại Ngài gia tăng những tiếng gọi theo Ngài; ơn gọi là phương tiện mà nhờ đó Ngài quy tụ được Nhóm Mười Hai (Mc 3,13), nhưng Ngài làm cho những người khác nghe thấy tiếng gọi giống nhau của họ (Mc 10,21; Lc 9,59-62); và tất cả giáo huấn của Ngài có cái gì đó nó bao gồm luôn ơn gọi: lời gọi hãy theo Ngài bằng một con đường mới mà Ngài cất giữ bí mật: “Nếu ai muốn đến theo ta…..” (Mt 16,24; x, Ga 7,17). Và nếu có “nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn” thì vì lời mời tham dự vào Vương Quốc là tiếng gọi riêng tư: “Anh em hãy thoát khỏi thế hệ gian tà này” (Cv 2,40). Đối với Phaolô có mối tương đồng đích thực giữa ngài, “được gọi làm Tông Đồ”, với những Kitô hữu thành Rôma hay ở Cô-rin-tô, “được gọi làm dân thánh” (Rm 1,1.7; 1 Cr 1,1…). Để trả lại những người Cô-rin-tô về với sự thật, thánh Phaolô nhắc họ nhớ lại ơn gọi của họ, vì chính ngài thiết lập nên cộng đoàn Cô-rin-tô như nó là: “Hãy xem lại ơn gọi của anh em, có mấy ai khôn ngoan theo xác thịt” (1 Cr 1,26). Để cho họ một quy tắc hành xử trong một thế giới muôn hình vẻ, ngài khuyến khích họ mỗi người hãy ở “đúng địa vị mà mình được gọi” (7,24). Cuộc sống của người Kitô hữu là một ơn gọi bởi vì ơn gọi ấy là một cuộc sống trong Thần Khí, vì Thần Khí là một thế giới mới, vì Ngài “kết hợp với thần trí của chúng ta” (Rm 8,16) để làm cho chúng ta nghe Lời của Cha và đánh thức nơi chúng ta tâm tình đền đáp.
Bởi vì ơn gọi của người Kitô hữu bắt nguồn từ Thánh Thần, và vì chỉ có Thánh Thần hoạt động nơi Thân Thể của Đức Kitô, nên ở trong ơn gọi duy nhất này, có “nhiều ơn sủng… nhiều việc phục vụ…. nhiều hoạt động”, nhưng trong sự đa dạng đặc sủng này chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần (1 Cr 12,4-13). Bởi vì Giáo Hội, cộng đoàn những người được gọi, là l’Ekklèsia “Người Được Gọi”, cũng như Giáo Hội là l’Eklektè “Người Được Chọn” (2 Ga 1), nên tất cả những ai ở trong Giáo Hội nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì tùy theo vị trí của mình mà đáp lại theo ơn gọi duy nhất của Giáo Hội, nghe tiếng Chàng Rể và đáp lại: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” (Kh 22,20).
Tác giả: Nguyễn Trí Dũng
NHẬT KÝ CỦA KẺ THEO TIẾNG GỌI TÌNH YÊU - NTD
Cách đây hai năm, Bạn có gửi tặng tôi tập bút ký trước khi Bạn lên đường theo tiếng gọi Tình Yêu. Thời gian qua, tôi biết Bạn phải lo tu tập để tâm hồn luôn hướng về Trời Cao, nên không nhận được tin tức của Bạn. Nay Bạn cho tôi bất ngờ qua những trang nhật ký mà Bạn viết bằng sự cảm nghiệm của bản thân. Có lẽ noi theo Gabriel Marcel, triết gia người Pháp, Bạn muốn viết những cảm nghiệm về tình yêu qua mỗi ngày sống. Tôi muốn sắp xếp lại theo trình tự nội dung những điều Bạn viết, nhưng làm thế là tôi đánh mất ‘dòng mạch’ sống nơi những trang viết của Bạn. Bởi vậy, tôi chỉ có nhiệm vụ chia sẻ với các bạn trẻ đồng trang lứa những suy nghĩ cảm xúc của Bạn, ‘Kẻ Theo Tiếng Gọi Tình Yêu’.
Ngày… tháng… năm...
Nếu tính theo chiều dài sống lý tưởng của con người là trăm năm thì mình đã đi được một phần tư chặng đường đời rồi. Dù mình vẫn chưa tới tuổi ‘tam thập nhi lập’, nhưng ở tuổi này, mình cũng đã bắt đầu băn khoăn nghĩ suy về đời mình. Mình khắc khoải, ngóng trông, mơ về một cuộc sống nào đó mà mình chưa hề sống, chưa hề kinh nghiệm, chưa in dấu ấn trong ký ức mình. Chỉ cần một hình ảnh chợt lướt qua là mình nghĩ đến điều gì đó. Mình không biết ý nghĩ ấy dẫn mình đến đâu. Mình chỉ biết dẫn đưa tâm trí mình đi theo con đường ý nghĩ đó. Rồi đột nhiên ý nghĩ ấy biến mất, để lại dấu vết nơi mình những tư tưởng cảm xúc thật lạ như khung trời lộng lẫy đẹp rực màu. Mình như lạc vào khu rừng huyền bí đầy tiếng muôn loài đang ca vang đất trời. Và mình cảm thấy cái tôi mình như tan biến do sự bùng vỡ cảm xúc làm trào dâng nước mắt. Cảm nghiệm này đã kéo mình ra khỏi những tư tưởng chết mà người ta dạy mình. Mình nhận ra rằng tư tưởng chết chỉ đưa đến hành động chết. Hành động chết là sự vật vờ của thân xác thiếu sức sống chân thật, thiếu ý thức sâu sắc, nói đúng ra là thiếu Thần Khí Hằng Sống. Chỉ Thần Khí ấy mới làm cho những tư tưởng chết được sống lại, mới biến đổi những con người ‘sống mà như đã chết’ thành những người ‘sống và sống dồi dào’. Mình thích thú với ý nghĩ ấy. Mình muốn ý nghĩ đó dẫn đưa mình đến với Thần Khí để nhờ đó mình được Thần Khí dẫn đi hân hoan vui sướng giữa lòng cuộc sống hôm nay.
Mình đã một lần lỡ chuyến đò. Đã tới bến sông. Con đò năm đó đợi mình để đưa mình qua sông. Mình nhìn dòng sông mênh mông sóng, cũng đầy sóng trào dâng trong lòng. Không sao cất bước lên đò được. Hình như phút cuối mình xuống đò nhưng khi đò vừa rời bến thì mình cũng vội nhảy lên bờ. Để lại nuối tiếc sau lưng. Người đưa đò năm xưa ấy đã nhìn mình bằng đôi mắt trách móc. Đò đi rồi không thể quay lại liền. Vả lại mình đã có ý định ở lại bờ bến này, không dám mạo hiểm qua sông, nên nếu người lái đò có quay lại đón mình thì mình cũng không muốn đi. Có lẽ tâm hồn mình chưa chuẩn bị đầy đủ để thực hiện cuộc vượt sông năm ấy. Đúng hơn, mình thấy con đò năm đó có nhiều người lắm. Mình sợ chìm đò. Tâm hồn mình đầy lo sợ, suy tính, bất an. Mình không thể đi được. Mình sợ chính sự lo sợ, toan tính ấy là đúng lắm. Làm sao mình có thể qua sông lớn bằng một con đò nhỏ chở đầy người? Làm sao mình có thể vượt qua dòng đời nếu tâm hồn mình nặng nề? Nghĩ vậy để tự an ủi mình thôi, chứ thật ra mình thiếu niềm tin lắm. Bằng chứng đến hôm nay, mình muốn lên đường ‘vượt sông leo núi’ để tìm kiếm ‘lâu đài thánh thiêng’ nhưng lòng mình vẫn nặng trĩu ưu tư.
Ngày… tháng… năm…
Từ vùng nước mênh mông, ruộng đồng bát ngát, mình đã học được nhiều bài học. Dòng sông kia đã dạy mình luôn phải hướng lòng ra thế giới, luôn phải vận động không ngừng, không thể tự mãn trong không gian chật hẹp êm đềm như làn nước lặng yên của ao hồ, phảng phất những trầm lắng nhẹ nhàng. Ao hồ ấy chỉ để làm cảnh cho khách bộ hành đi ngang qua, dừng chân ngắm nhìn chốc lát rồi lại lên đường. Nước trong ao hồ không còn vùng vẫy sóng nữa mà chỉ lăn tăn gợn theo con gió buồn hắt hiu. Mình không thích cảnh ao tù. Nó ngột ngạt và buồn bã lắm. Mình muốn bầu trời tâm hồn bao la, tầm nhìn trí tuệ rộng lớn để thâu tóm vạn vật, để ôm trọn biển đời.
Những cánh đồng ngát hương đã dạy mình luôn phải biết tỏa hương cho đời, luôn vươn lên từ những hạt giống tài năng mình để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn. Không thể là hạt lúa ích kỷ nằm trong kho lúa, ngủ quên trong chiến thắng. Nhưng hãy là hạt lúa cho đi để trở thành cơm gạo nuôi sống con người. Mình không thích ở yên. Mình thích sự thay đổi. Nếu không, mình sẽ cảm thấy vô giá trị, tồn tại như một vật thể trong không thời gian sống chật hẹp. Như thế có thể gọi là tự do không? Cái tự do mà người ta tôn thờ ấy phải chăng là thứ tự do chết đói? Đói tình thương. Đói sự cảm thông, tha thứ. Đói lòng quảng đại bao dung. Vậy mà tự do chết đói ấy lại lôi cuốn được nhiều người. Người ta có thể sống trong không gian rộng lớn, di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin khác nhau, làm phong phú trí tuệ, nhưng lại nhỏ hẹp tấm lòng nó khó mở ra với mọi người để đi vào cuộc sống tha nhân và để tha nhân đi vào cuộc sống mình.
Vậy con người chỉ tự do khi tâm hồn tự do, thoát khỏi những ràng buộc của ngoại cảnh là không gian sống xã hội và nội cảnh là không gian sống cá nhân, tức cõi lòng mình? Tự do đích thực sẽ cứu mình thoát khỏi đói khát công chính, tình thương chứ không đem lại sự chết, lòng hận thù như thứ tự do người đời rêu rao. Ngước nhìn trời cao xanh thẳm, mình thấy cảnh sắc ấy bày ra trước mắt mình sức sống tràn trề mãnh liệt. Mình thoáng thấy thế nào là tự do thật theo nghĩa của trời cao đất thấp, mở rộng lòng mình ôm trọn cuộc đời. Chỉ cách ấy mình mới thật sự tự do.
Làm thế nào mình có thể vững tin tiến bước trên con đường kiếm tìm hạnh phúc? Trong kho tàng văn hóa tư tưởng nhân loại có ai dạy mình biết hạnh phúc là gì? Cho dù người ta chất thành núi sách bàn về vấn đề hạnh phúc thì cũng chẳng thể làm mình thỏa mãn. Bởi lẽ hạnh phúc trong quan niệm của người ta được diễn giải thành hang núi sách ấy vẫn không phải là hạnh phúc của mình. Mình chưa cảm nghiệm được hạnh phúc nơi con người mình thì những lý thuyết về hạnh phúc nào có ích gì. Hạnh phúc phải khởi phát từ chính bản thân mình thông qua môi trường sống quanh mình. Hạnh phúc có thực và ở trong những con người thật, chứ không ở trong những công thức lý thuyết khô khan. Mình muốn đi tìm những con người có hạnh phúc, những ai đã cảm nghiệm được hạnh phúc đích thực, chứ không phải hạnh phúc giả do mình tạo ra. Nhưng nhìn ra cuộc sống bên ngoài, mình thấy ít người hạnh phúc lắm, dĩ nhiên trong đó có mình.
Ngày… tháng… năm…
Có khi nào ta yêu ai mà lại buồn sầu, chán nản, lo âu khi ở bên người ấy không? Hẳn không rồi. Cũng vậy, người tin theo Chúa chắc sẽ không cảm thấy mình rơi vào trạng thái cảm xúc ấy. Vì trong ta có Chúa và ta luôn tin Chúa ở bên ta nên ta luôn tràn ngập niềm an vui nội tâm. Dĩ nhiên có những lúc ta không tránh khỏi những lo buồn chúng là thuộc tính của con người, nhưng đó là tâm trạng của đứa con ngóng chờ mẹ đi chợ về. Nó biết mẹ sẽ về nhưng không biết lúc nào mà thôi. Chúng ta tin Chúa không có nghĩa lúc nào ta cũng cảm nghiệm Chúa ở trong tâm hồn mình. Những khi ta thấy Chúa như bỏ rơi ta là lúc ta ngóng trông Ngài nhiều nhất. Và niềm âu sầu ấy nhiễm mùi siêu nhiên chứ không còn là những bám dính vào đối tượng mà mình hiện giờ đánh mất. Nỗi chờ mong được ‘an nghỉ trong Chúa’ của thánh Augustin đã diễn tả trọn vẹn tâm hồn kẻ tin theo Ngài. ‘An nghỉ trong Chúa’ hẳn sẽ hạnh phúc ngàn lần ‘an nghỉ’ nơi những đối tượng không phải là Chúa mà là các ngẫu thần, quản thần như thần tài, thần quyền… Thật vậy, trong Chúa chúng ta sẽ ngập tràn tình yêu và qua ta mà tình yêu của Ngài sẽ tuôn chảy vào lòng thế giới làm sinh sôi nảy nở muôn loài tươi đẹp hơn.
Ngày… tháng… năm…
Dường như mình thích nói những điều tốt đẹp để cho người khác thực hiện còn mình thì được miễn trừ! Kể cả khi mình sử dụng Thánh Kinh để phê phán những người thời xưa đã kết án Chúa, trong khi chính mình lại vi phạm những điều Kinh Thánh dạy. Mình thích áp đặt những chuẩn mực tốt đẹp lên người khác và rồi tự nhận mình tốt đẹp! Thái độ ấy không còn là đạo đức giả bên ngoài mà là cái tâm giả bên trong. Như thế, mình nặng tội hơn những người Pharisiêu xưa khi mà mình biết Chúa Giêsu đã có thái độ thế nào đối với họ mà còn lập lại những việc làm của họ dưới hình thức mới ‘nhân danh Đức Giêsu’. Không, mình phải sống điều Chúa dạy, không chỉ đối với những lời giáo huấn mà còn cả những lời phê phán của Ngài nữa. Ngài đang nói, đang dạy dỗ mình mỗi ngày, chứ không phải mình trang bị những lời của Ngài để ‘bắt chước’ Ngài phê phán người khác khi mà mình chưa thực sống điều Ngài dạy. Thầy Giêsu là người tự do nên sự phê phán của Thầy không nhiễm cái tôi, còn mình thì ngược lại, mình để cái tôi chi phối khiến những lời phê phán của mình mất tự do.
Nhìn lại bản thân mình, mình thấy nhiều lần mình sử dụng lời Chúa dạy ‘hãy mến Chúa yêu người’ để dạy và chia sẻ với người khác nhưng chính mình lại chưa cảm nghiệm sâu điều mình nói. Những ai nghe Lời ấy bằng việc cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa qua việc yêu tha nhân hẳn sẽ chỉ mượn Lời Chúa để giãi bày cảm xúc yêu thương của mình mà thôi, chứ không dám dung Lời Ngài để ‘nói với người khác’ về tình yêu huyền diệu ấy. Còn những người chỉ để Lời dừng lại ở lý trí mà không thấm nhập vào cõi lòng thì sẽ lập lại Lời ấy một cách xáo rỗng.
Yêu người thân cận không phải yêu con người trừu tượng xa vời nhưng cụ thể là những người quanh mình, sống hằng ngày với mình, mình gặp mỗi ngày… Tuy nhiên khái niệm thân cận cũng bao gồm cái toàn thể, nghĩa là ai cũng yêu người thân cận thì rõ ràng nhân loại đạt đến đỉnh điểm của tình yêu rồi. Tôi yêu những người thân cận quanh tôi. Bạn yêu những người thân cận quanh bạn. Và như thế chúng ta sẽ gặp nhau trong cái thân cận ấy. Điều này cũng đồng nghĩa mọi người yêu thương nhau vậy.
Ngày… tháng… năm
Khi nói đến tình yêu, người ta thường đề cập tới ba mối tương quan phổ biến: yêu Chúa, yêu người, yêu thiên nhiên. Nhưng ba mối tương quan yêu thương này đang rạn nứt trầm trọng. Mối tình dành cho Thiên Chúa dường như đã nhạt phai đến nỗi ngày nay ở phương Tây, mặc dù người ta tiên báo thế kỷ 21 là thế kỷ của tôn giáo, nhưng thực tế cho thấy Thiên Chúa đã bị loại khỏi đời sống xã hội, và chỉ còn thu hẹp lại nơi tình cảm tôn giáo của cá nhân mà thôi. Còn tình yêu thiên nhiên thì người ta đang ý thức trở lại, tuy nhiên sức mạnh của khoa học kỹ thuật tự hào đã chinh phục thiên nhiên, nay do con người sử dụng sức mạnh ấy để khai thác quá mức chịu đựng của thiên nhiên khiến nó quay lại phản ứng. Và con người phải gánh hậu quả nặng nề là sự thay đổi khí hậu dẫn đến lũ lụt, hạn hán, động đất, thiên tai… Rồi yêu người thì ta thấy mức độ yêu thương giữa người với người vẫn còn ở dạng ‘thăm dò’, nó chưa xâm nhập sâu vào lòng mỗi người nên chưa cải biến con người toàn bộ được.
Đứng trước hoàn cảnh thực tế ấy, mình lắng nghe lời Đức Giêsu truyền dạy: ‘anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em’. Mình không thấy Ngài giảng dạy giáo huấn này cho đám đông nghe nhưng chỉ nói với một nhóm nhỏ là các tông đồ mà thôi. Ấy vậy, thực hiện trọn vẹn triệt để lời dạy của Ngài quả là rất khó, vì các thành viên trong cộng đoàn đã phơi bày con người họ với đầy đủ cá tính, tâm tư tình cảm, suy nghĩ hành động nên họ rất dễ sa vào thái độ xem thường, hoặc thiếu nhạy bén. Đức Giêsu dạy các tông đồ yêu thương nhau, chứ Ngài không bảo các ông phải yêu mọi người: ‘Thầy truyền cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau’. Ở điểm này, mình cảm nhận một điều quan trọng: yêu người thân cận, gần bên mình quả không dễ chút nào. Nhiều khi mình cũng rơi vào tình trạng yêu ‘bao đồng’ ấy, chỉ thích yêu mọi người, yêu nhân loại ‘trừu tượng’ hơn là yêu những người quanh mình, những người mình gặp và sống chung với họ hằng ngày. Thái độ muốn yêu những đối tượng bên ngoài không thời gian tôi đang sống là lúc này và ở đây đã kéo tôi ra khỏi chính bản thân mình, rồi ra khỏi cộng đoàn tôi sống, nhất là cộng đoàn gia đình tôi. Từ đó, tôi dần mất đi cộng đoàn yêu thương, mất luôn cả chính mình nữa, vì tôi không thể yêu thương những người quanh tôi thì làm sao tôi có thể yêu những người tôi chưa hề gặp mặt? Thế nên, tôi phải biết quay về tiếp xúc yêu thương trở lại với bản thân, gia đình, xóm làng, những người tôi gặp hằng ngày để từ đó tình yêu của tôi mới có thể lan rộng.
Ngày… tháng… năm…
Chúng ta khó yêu nhau như Lời Chúa truyền dạy ‘anh em hãy yêu thương nhau’ là vì ta đã mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin vào lòng thương xót của Ngài là nhận biết rằng Ngài yêu thương tôi dù tôi tội lỗi, rằng Ngài chấp nhận những khuyết điểm yếu đuối của tôi dù tôi khinh ghét chúng. Phải chăng đây là nguyên nhân làm cho chúng ta không thể cùng nhau kiến tạo nên những cộng đoàn yêu thương để ‘người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau’? Nhiều khi tôi thích lo chuyện thiên hạ hơn chuyện trong gia đình. Vì chuyện trong nhà khiến tôi chán ngán, nhưng chạy theo chuyện thiên hạ tôi chỉ muốn trốn tránh cái trống trải khi ở nhà mà thôi. Nhiều khi tôi nổi loạn chống lại thực tại thế giới bệnh tật, khổ đau, chiến tranh, đói nghèo là vì tôi bất lực trước bản thân để phóng chiếu sự bất lực ấy ra thế giới bên ngoài. Những lúc như thế, làm sao tôi có thể nói tôi yêu anh em được, nhất là những người trong cộng đoàn tôi đang sống là gia đình, xóm làng…?
Bởi vậy, tôi cần ý thức rằng những khổ đau bên ngoài tự nó không phải là phương tiện để tôi xử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, dù đó là nhu cầu làm ‘sáng danh Chúa’ và ‘lợi ích cho các linh hồn’, nhưng là cơ hội để thanh luyện tâm hồn tôi trước khi tôi vào đời để đem tin vui cứu độ của Chúa cho muôn người. Tại sao tôi may mắn được ngồi ở ghế giảng đường học hành trong khi các bạn tôi đang ở quê nhà phải làm việc vất vả để kiếm sống? Sao đất nước tôi lại phải chịu cảnh chiến tranh dai dẳng, rồi phải chịu bao cảnh áp bức bất công xã hội? Tại sao và tại sao… những câu hỏi ấy giúp tôi cảm nghiệm rằng Chúa yêu thương tôi nhiều lắm, để đến lượt tôi, nhờ lòng xót thương của Ngài mà tôi cảm thấy cần phải yêu người, giống như đói thì ăn vậy. Cái khổ của kẻ khác cũng là nỗi khổ của tôi, và khi tôi khổ vì ai đó thì tôi cũng yêu họ luôn. Lúc ấy, tôi không còn khỏa lấp tâm hồn tôi bằng những hoạt động giúp đỡ bên ngoài mà bằng chính lòng xót thương của Chúa.
Ngày… tháng… năm…
Chúng ta dễ mở lòng ra với thiên nhiên để đón nhận cái đẹp đầy sức sống diệu kỳ vào trong tâm hồn ta, bằng chứng là những phút giây hướng lòng ra trời đất vũ trụ, ta thường quên hết mọi sự đời khốn khổ. Đối với thiên nhiên ta cảm thấy thoải mái vì biết rằng thiên nhiên sẽ không lấy đi cái gì đó của riêng ta, trái lại còn rộng ban nhiều điều mới lạ để nuôi dưỡng tâm hồn ta nữa. Tuy nhiên, đối với tha nhân, ta thường khép kín lòng mình, không dám để người khác đi vào cuộc đời ta cách trọn vẹn, chỉ vì ta sợ người ta sẽ lấy đi cái thân thiết nhất của ta.
Tình yêu hợp nhất mình và người nên một để trở thành chúng mình thân thương nhất, như đôi trai gái yêu nhau để trở nên ‘một huyết nhục’, để ‘không còn là hai mà là một’. Tình yêu hợp nhất mọi người trong cộng đoàn để mỗi thành viên thể hiện ý chí của mình trong sự hợp nhất ý chí chung của tập thể. Không thể yêu trong sự chia cách hay hỗn loạn. Muốn thế sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết giúp ta có được sự hợp nhất với tha nhân. Bằng không, ta chỉ tương quan với người khác ở bề mặt chứ chưa thể tương thấu bề sâu được. Tương quan ấy là hình thức xã hội thiên về những quy tắc luật lệ chúng làm cho các cá nhân thu vào vỏ bọc cái tôi, khiến họ không thể thông giao với người khác được. Chỉ bằng tình yêu, người ta mới dám ‘mở lòng’ ra để trao ban chính mình. Tuy nhiên, tình yêu chân thật luôn vượt trên tình yêu ta dành cho đối tượng yêu. Thật vậy, để yêu người thì tôi phải có tình yêu. Nhưng tình yêu ấy khi thể hiện ra bên ngoài luôn mang những khiếm khuyết do tác động của cảm xúc, ước muốn. Do đó, tôi luôn được yêu trước khi tôi yêu. Và đó là Thiên Chúa yêu tôi. Cảm nghiệm Tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho mình sẽ đem lại cho ta niềm vui là có Chúa Tình yêu trong tâm hồn ta, nhờ đó ta thể hiện bằng hành động là ‘yêu người như Chúa yêu ta’ để rồi chính ta trở thành tình yêu luôn. Có điều Tình yêu Thiên Chúa dành cho ta vượt trên tình yêu của ta dành cho Chúa và tha nhân. Thế nên, có những khi ta bất lực không thể hành động đáp trả tình yêu Chúa qua việc yêu người. Khi ấy, ta chỉ còn cách hiện diện trước Chúa và ở bên cạnh người anh em ta yêu như một sự bất lực tràn đầy sức mạnh tình yêu. Và để thực hiện điều đó, chúng ta phải đi sâu vào lòng mình để nhận ra người khác như cái Mình khác của ta. ‘Yêu người như yêu mình’ là nhận ra mình và người có mối liên hệ chí thân chí nghĩa để rồi nơi người mình gặp mình và nơi mình mình khám phá ra người. Từ đó, mình và người vươn lên trong tương quan thân thiết để hướng đến sự hợp nhất nên một trong Chúa, Đấng mà mình và người sẽ nhận ra nơi chiều sâu lòng của nhau.
Chúng ta mượn hình ảnh đôi trai gái yêu nhau để diễn tả sự hợp nhất tình yêu. ‘Tiếng sét ái tình’ đã thu hút người nam và người nữ lại với nhau. Đó có thể là cảm xúc yêu nó bùng cháy trong tâm hồn họ, khiến họ cảm thấy ‘ngất ngây’ như không thể sống nếu thiếu nhau. Có điều cả hai đều quyến luyến cái phút giây rực sáng nó làm nên điều thần diệu là cải biến tâm hồn hai người khiến cho anh có thể từ bỏ một tính hư nết xấu nào đó để làm đẹp lòng chị, hay làm cho chị trở nên dịu dàng hơn và biết quan tâm đến người khác. Ánh sáng xuất hiện trong tình yêu nam nữ dẫn đưa hai người đến với nhau thì cùng lúc đó cũng nảy sinh bóng tối nó trì kéo hai người ở lại với chính họ như là những thói quen chiếm hữu, hay những điểm tựa an toàn là tài năng, sắc đẹp, giàu sang… Cái ánh sáng ái tình ấy tạo nên vết hằn sâu trong tâm hồn hai người khiến họ cảm thấy không thể thiếu nhau. Chính vì sự quyến luyến ấy mà cả hai đã quên mất thực tại con người họ. Đó là con người của những dục vọng chúng khiến họ chỉ nhìn thấy nơi người họ yêu thứ đam mê vị kỷ, để rồi tuy gắn kết nhau đấy nhưng người này chỉ nhìn thấy đối tượng yêu như bản thân mình mà thôi. Khi tình yêu nam nữ ấy kết thành hôn nhân thì theo thời gian, bao nhiêu sự kiện in dấu sâu đậm trên thân xác và tinh thần của hai người khiến họ quên mất giây phút rực sáng của tình yêu mà họ đã cảm nghiệm được. Lẽ ra hai người phải nuôi dưỡng cái cảm xúc diệu kỳ ấy như là ‘dấu chỉ’ của tình yêu chứ chưa phải là tình yêu thực sự, để rồi tiếp tục khám phá sự hiện hữu của nhau hầu làm tràn đầy tình yêu ấy nơi tâm hồn mỗi người. Đó là sự mở rộng chính mình để đón nhận người mình yêu, chứ không phải thỏa mãn cái tôi vị lợi là chiếm hữu người yêu ấy cho mục đích riêng mình. Sự mở rộng mình không làm mất đi chính mình nhưng ngược lại ‘cứu’ được nó trong thể viên mãn với người mình yêu! Khi ấy hai người yêu nhau không phải vì nhìn thấy nơi nhau những thuộc tính hay nội dung đáng yêu, nhưng vì cả hai đều muốn được thăng hoa trong Tình yêu diệu vợi, được biến đổi thành những con người mới dồi dào sức sống hơn. Chỉ lúc đó hai người mới tạo ra môi trường tình yêu thực sự là gia đình
Ngày… tháng… năm…
Vũ trụ dưới cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nó, thật hoàn hảo và đẹp biết dường nào. Nhưng con người vì bản tính tội lỗi do sa vào sự tranh chấp thiện ác, tốt xấu nên nhìn vũ trụ ấy theo hướng phân biệt đối lập, tức tính nhị nguyên. Nhân loại trải qua dòng lịch sử nó in dấu sâu đậm cái nhìn nhị nguyên ấy nên luôn xảy ra xung đột. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã yêu thương con người nên Ngài đã thực hiện công trình cứu độ nơi Con Một của Ngài để hóa giải sự xung đột do con người gây ra, đã đóng dấu cái đẹp siêu nhiên nơi con người, khôi phục thể viên mãn đầy sức sống của mỗi cá thể, thăng hoa đời sống mỗi người lên một tầm cao mới, qua đó con người tìm về sự thống nhất nơi Đấng Cứu Độ như ‘Cha ở trong con và con ở trong Cha’. Những ai cảm nghiệm sâu sắc tình yêu cứu độ của Thiên Chúa hẳn sẽ không thể không tiếp tục công trình cứu độ của Ngài, không thể ‘ngủ yên’ trong niềm vui nội tâm bản thân, mà phải ‘xuống núi’, phải ‘vào đời’ để loan Tin Vui cứu độ mình đón nhận được từ Thiên Chúa cho mọi người.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu của Thiên Chúa không thể tồn tại một cách trừu tượng nhưng hiện thực cụ thể qua vũ trụ vạn vật, nhất là qua chính người Con của Ngài là Đức Kitô. Dung mạo Tình yêu Thiên Chúa được hiển lộ cao nhất nơi Đức Giêsu để những ai tin vào Ngài thì cũng yêu Ngài, và Thiên Chúa cũng yêu người đó luôn. Sự phong phú tột đỉnh của Tình yêu Thiên Chúa còn được tiếp nối suốt chiều dài lịch sử nhân loại để thâu nhận mọi loài thụ tạo vào tham dự bàn tiệc vinh phúc Nước Trời, nơi tràn ngập Tình yêu Chúa.
Khi Tình yêu Thiên Chúa thấm nhập con người ta, điều đó có nghĩa nơi sâu thẳm lòng ta đã được Chúa mặc khải cho biết điều gì đó về Ngài, và cũng là nơi khởi điểm để Thiên Chúa thực hiện cuộc biến đổi nội tâm ta để ta cũng trở nên tình yêu làm ‘men muối’ cho đời. Tuy nhiên, tình yêu ta thể hiện vẫn mang tính bất toàn, không thể thu nạp trọn vẹn đối tượng mình yêu, đồng thời cũng không thể bao gồm tất cả những ai cần được mình yêu. Bởi vậy, ta yêu Chúa ở ‘mức trần tục’ là ta vừa cậy trông vào lòng thương xót của Ngài vừa là lời mời gọi người khác hãy nhận ra tiếng gọi tình yêu nơi con người họ để họ có thể lan tỏa tình yêu ấy cách mạnh mẽ đầy sức sống hơn. Như thế, tình yêu con người giới hạn của ta sẽ trở thành dấu chỉ cho Tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nhận ra giới hạn bản thân, ta mới có thể yêu trần tục bằng tình yêu của Chúa.
Tình yêu của con người chỉ có thể vô hạn nếu nó sát nhập vào Tình yêu của Thiên Chúa. Đúng hơn, nhờ giới hạn của tình yêu ‘ở mức trần tục’ mà con người hướng về nội tâm mình để cải biến nó và nhờ đó nó gặp chính Thiên Chúa Tình yêu luôn. Chỉ trong ý nghĩa này, con người mới thể hiện tình yêu mình một cách bao la rộng lớn dù bị giới hạn.
Một khi Tình yêu thấm nhiễm vào toàn bộ con người ta là thể xác, tinh thần và linh hồn, hay ‘tình cảm, tư duy, ý chí’, chúng ta sẽ sống tràn đầy yêu thương. Nơi thân xác, ta sẽ không có những xung đột của các tế bào vốn gây ra bệnh tật. Nơi tinh thần, ta không còn những bất an. Nơi linh hồn, ta luôn hướng về Đấng Chí Tôn để được an nghỉ trong Tình yêu của Ngài.
Ngày… tháng… năm…
Sự lo lắng băn khoăn, ưu tư về tương lai là một chuyển động nội tâm lớn nó hoặc đưa ta đến với thế giới ngập tràn những của cải vật chất hoặc hướng ta về cội nguồn Tình yêu đã sinh ra ta. Bởi vậy, chúng ta cần quan sát những ‘vì sao’ giữa bầu trời thế nhân để tìm thấy ánh sáng giữa đêm đen, dù rằng những ánh sao đêm ấy không thể xua tan bóng tối. Những ‘vì sao’ ấy có thể nói là những người đã vượt qua thời đại tăm tối của họ để vươn lên cất cao tiếng hót báo hiệu cho thế hệ sau biết rằng Mùa Xuân Tình Yêu đã đến, chúng ta hãy đón nhận tin vui ấy.
Trong tương quan giữa con người với nhau, tiếng gọi của Tình yêu không chỉ thể hiện qua những giây phút hạnh phút lóe sáng tuy ngắn ngủi chóng qua nhưng để lại ấn tượng khó phai, mà còn vang vọng nơi những khổ đau của kiếp nhân sinh như là hậu quả của sự ‘vô minh’, của sự sa ngã phạm tội ‘ăn trái cấm’. Thế nên, chúng ta có thể đáp trả lời mời gọi của Tình yêu qua việc thu nhận vào mình toàn bộ thực tại muôn màu muôn vẻ ấy, hạnh phúc hay khổ đau, để thăng hoa nó lên tầm siêu nhiên mang giá trị vĩnh hằng và để chính bản thân mình cũng được cải biến trở thành Tình yêu luôn.
Do đó, có thể nói Tình yêu thể hiện muôn sắc thái trong cuộc sống con người. Những lời mời gọi yêu thương ấy đến từ thế giới bên ngoài, từ nền văn hóa xã hội chúng ta sống và từ chính nội tâm sâu thẳm lòng mỗi người. Thật vậy, mối tương quan yêu thương được hình thành do sự thẩm thấu qua lại giữa cá thể và môi trường tự nhiên và xã hội chúng vốn dĩ là những thực tại luôn biến đổi. Do đó, mối liên kết bộ ba ấy cũng phải linh động nhằm thích ứng với từng hoàn cảnh, từng giai đoạn lịch sử. Nhân loại tồn tại và phát triển nhờ sự gắn bó mật thiết yêu thương, bằng không sợi dây nối liền bộ ba ấy sẽ tách đứt khiến cá thể được tự do suy tôn mình làm chủ tể, tự nhiên vận hành xoay vần theo quy luật của nó mà không đếm xỉa đến sự tồn vong của muôn loài, nhân loại lạc hướng không biết đích đến.
Ngày… tháng… năm…
Tiếng gọi của Tình yêu luôn để ngỏ sự tự do để con người đáp trả cách tự nguyện hiến thân hay từ chối dửng dưng đứng bên ngoài thực tại Tình yêu để chấp nhận cách lệ thuộc những lời mời gọi của tội lỗi.
Trong sự thần hóa vật chất, con người không thể quyết định bằng những sáng tạo trí tuệ của mình nhưng đòi hỏi và luôn cần phải có sự ứng trợ tiếp sức của Thánh Thần, Đấng tự do tuyệt đối.
Ngày… tháng… năm…
Sự tiến hóa không hề biết xót thương. Nó theo quy luật sinh tồn để làm cho vạn vật luôn ‘sinh sinh bất nghỉ’. Nó cuốn trôi tất cả và lại làm đầy tất cả, như sóng biển vậy. Nhưng Thiên Chúa nhắm đích là con người nên bằng Tình yêu Ngài đã cứu con người khỏi ‘vòng xoáy’ của quy luật tự nhiên để con người được ‘sống và sống dồi dào’.
Ngày… tháng… năm…
Chúng ta bỏ nhà đi hoang chỉ vì bản thân mình chứ không phải nguyên do Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, không vì chúng ta mà Ngài mất đi bản tính Thiên Chúa. Ngài không tạo ra vấn đề để chúng ta giải quyết, nhưng chính chúng ta tạo ra những vấn đề, đó là vấn đề chúng ta gọi là sự dữ, là cái ác. Bởi vì chúng ta không chấp nhận Thánh ý Chúa như là nguồn mạch tình yêu đang tuôn chảy giữa lòng thế giới mà chỉ là sự ô nhiễm đầy rác rưởi của tội lỗi. Chúng ta một mặt nghĩ rằng Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng mặt khác thì chống lại thế giới của Ngài vốn tràn ngập sự dữ. Tại sao Ngài không dùng quyền năng của Ngài để loại bỏ cái ác? Đó là câu hỏi mà con người đã đặt ra cho Ngài. Nhưng vì nhìn dưới góc độ con người mà trí tuệ hạn hẹp nhỏ bé nên chúng ta đã lần mò trong tuyệt vọng tìm giải pháp cho những vấn đề sự dữ mà ta nghĩ do Chúa tạo ra. Ở điểm này, cái nhìn thiếu đức tin ấy cũng đồng nghĩa với việc ta không yêu Chúa. Tin và yêu liên hệ mật thiết với nhau. Tin Chúa quyền năng mà không yêu Chúa thì niềm tin ấy dễ dẫn đến nổi loạn chống lại Chúa và thế giới Ngài tạo dựng. Ngược lại, yêu mến Chúa mà không tin Ngài qua những việc xảy ra nơi thế giới này thì tình yêu ấy dễ đưa ta đến chỗ chối Chúa, như Phêrô và Giuđa vậy.
Ý thức sự vắng mặt của Thiên Chúa cũng có thể đưa ta đến thái độ nổi loạn chống lại Ngài, phủ nhận Ngài. Chủ thuyết vô thần, chủ thuyết ‘tuyệt đối cái tương đối’ đã lan truyền trong xã hội ngày nay chúng tạo nên sự khủng hoảng nội tâm trầm trọng của con người ‘thời mới’, bên cạnh con người ‘bỏ Chúa’, con người ‘vật chất’. Thái độ của đức tin trước sự vắng mặt của Thiên Chúa trong đời sống nội tâm mình là tin rằng Chúa sẽ trở lại dù bây giờ mình cảm thấy Ngài không còn hiện diện trong mình nữa.
Ngày… tháng… năm…
Tội là thực tại cuộc sống của ta chứ không phải là những công thức hay sự vật bên ngoài ta. Ta sám hối không có nghĩa ta từ bỏ những gì ta cho là xấu chúng gắn liền với cuộc đời ta, nhưng là nhìn nhận chúng đã ngăn trở ta tiếp xúc với Thiên Chúa Tình Yêu. Ước muốn từ bỏ tội vì thế là muốn được Chúa yêu và cũng là muốn yêu mình vậy. Mình không muốn phạm tội là mình yêu mình. Nghĩa là mình không muốn vô minh nó khiến mình phạm tội, ‘mình không biết việc mình làm’. Mình muốn tỉnh thức để có thể nhìn thấy thực tại cuộc sống tươi đẹp đang hiện hữu quanh mình. Và ước muốn đó chỉ có thể thực hiện được nhờ tình yêu. Tuy nhiên, dù yêu mình nhưng tự mình ta không thể tháo gỡ bức màn vô minh được, có chăng cũng chỉ vén lên một góc nào đó để nhìn cuộc sống mà thôi. Nhưng như thế mình vẫn còn phiến diện, nhìn đời chỉ một góc thôi, chứ không phải cái toàn thể của nó. Và trong nỗ lực một cách tuyệt vọng với tất cả tình yêu của mình đối với mình để vén bức màn vô minh đang che tâm trí mình ấy, mình sẽ được Chúa thương cứu mình thoát khỏi tình trạng đáng thương là tội lỗi của mình.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu của tôi luôn cần gắn kết với Tình Yêu Thiên Chúa, hút lấy mật ngọt từ nguồn Tình yêu ấy để bồi dưỡng cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần mình. Chính Tình Yêu Thiên Chúa mới duy trì sự nhiệt huyết của tình yêu ta dành cho tha nhân, cho thiên nhiên. Chính Tình Yêu Thiên Chúa bảo vệ sự sống nơi ta trong một thân xác khỏe mạnh và một tinh thần minh mẫn để ta vững bước trên con đường đáp trả tiếng gọi Tình yêu ấy. Tuy nhiên, ta không thể gắn kết với Tình Yêu Thiên Chúa nếu ta không sống trong tình yêu của ta, nghĩa là bằng cuộc sống hằng ngày, qua thân xác, suy nghĩ, cảm xúc ta diễn tả tình cảm của ta đối với tha nhân, với muôn loài. Nhìn một người nghèo đói khốn khổ mà ta không cảm giác gì hết thì làm sao tình yêu của ta nảy sinh được? Nhìn cảnh xung đột giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, ta không cảm thấy gì cả thì làm sao tình yêu của ta có thể chiếu giãi ra bên ngoài được? Phải chăng ta không thấy được sức hấp dẫn của Tình Yêu đang hoạt động mãnh liệt trong cuộc sống? Phải chăng ta không thể nghe hiểu được những âm thanh đang vang vọng giữa đất trời như bản trường ca hào hùng đầy sức sống?
Bao lâu tôi còn ở lỳ trong không gian cái tôi chật hẹp thì tôi vẫn cứ như ‘người điếc mù’ vậy. Thế nên, tôi cần khôi phục lại những tình cảm, xúc cảm ban sơ như thưở ta còn là đứa trẻ luôn ngạc nhiên với thế giới bên ngoài, dĩ nhiên không phải tôi trở về trạng thái trẻ con rồi. Cái tình cảm ban sơ ấy chính là sự vô phân biệt giữa ta và người để trở nên thống nhất, không phân ly và như vậy tình yêu trong ta sẽ nảy nở và phát triển một cách mạnh mẽ.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu có sức sáng tạo làm biến đổi những đối tượng nó tác động đến. Chúng ta thụ hưởng công trình sáng tạo của Thượng Đế, cảm nhận được cái đẹp của thế giới, nhưng ta có thể vẫn chưa biết sáng tạo. Chính trong Tình yêu ta học được sự sáng tạo của Thượng Đế để góp sức hoàn thiện thế giới Ngài đã nhắm đích tới. Nhờ đó, niềm vui sáng tạo sẽ tăng gấp đôi vì nó đi kèm với sự cảm nhận cái đẹp và sự sáng tạo cái mới. Không biết sáng tạo tình yêu của ta chưa trọn hảo và có thể nói còn ‘dang dở’ vì nó dừng lại nơi cái đẹp của thiên nhiên mà không đi sâu vào cái đẹp của nội tâm vốn là ‘lâu đài Thiên Chúa ngự trị’.
Đức Giêsu đã diễn tả Thiên Chúa Tình yêu một cách hết sức sinh động, như chúng ta đọc thấy trong các dụ ngôn của Ngài, đó là Tình yêu vượt ngoài dự kiến của con người. Sức sống của Tình yêu qua những câu chuyện của Ngài được thể hiện nơi từng người riêng biệt. Nơi người tội lội, Tình yêu ấy được thể hiện qua người chủ chiên nỗ lực đi tìm chiên lạc, hay qua người cha nhân lành kiên nhẫn đợi chờ đứa con hoang đàng trở về. Nơi người bất hạnh, Tình yêu ấy được diễn tả qua dung mạo người ‘ngoại đạo’ Samaritain bất chấp gian nguy sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn. Nơi người trí thức, Tình yêu ấy làm thay đổi tận gốc suy nghĩ của Nicôđêmô. Bởi vậy, Tình yêu đã diễn đạt rõ nét nhất dung mạo của Thiên Chúa.
Ngày… tháng… năm…
Tình yêu đòi hỏi sự sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo này không thể quy chiếu về những chuẩn mực quy định của đạo đức luân lý. Đơn giản sự sáng tạo của Tình yêu là vượt chuẩn, là biến đổi, là phiêu lưu mạo hiểm chấp nhận rủi ro, nghĩa là không có tiền lệ trước để Tình yêu bám dính. Sự sáng tạo vì thế đòi hỏi mình phải có cá tính mạnh mẽ để vượt qua những trở ngại khó khăn khiến mình không thể hiện thực tình yêu nơi đối tượng mình yêu. Vậy Tình yêu sáng tạo không phải tạo nên những giá trị mới, nhưng là đề nghị những phương cách mới để thăng hoa những giá trị hiện hữu nhằm làm lan truyền cảm hứng yêu thương trong môi trường xã hội, nhất là mời gọi người ta tham gia vào hoạt động thăng hoa ấy nhằm tự biến đổi bản thân mình.
(CÒN TIẾP)