Bạn mang hành trang gì khi vào đời?
Bạn mang hành trang gì khi vào đời?
Bước chân vào đời, ai cũng chuẩn bị cho mình một vài thứ hữu ích, nhưng hành trang của mỗi người không ai giống ai, có người chỉ cần một ít vốn về vật chất, có người mang trên vai những kiến thức đã từng được học, có người lại chẳng biết mình sẽ cần gì trên con đường tiến tới tương lai.
Còn bạn, bạn mang hành trang gì khi vào đời?
Một ít tăm ... vì cái tăm sẽ nhắc bạn nhớ tìm và phát hiện những đức tính tốt của mọi người, kể cả bản thân của bạn.
Một sợi dây cao su ... vì dây cao su sẽ nhắc bạn nhớ sống linh động.Mọi chuyện trên đời không phải lúc nào cũng đi theo hướng bạn muốn, nhưng dù cách này hay cách khác chúng ta vẫn giải quyết tốt được mọi vấn đề.
Một nụ hôn ngọt ngào... vì nụ hôn ấy sẽ nhắc bạn nhớ rằng mọi người cần nhận được một lần ôm hôn hoặc một lời khen tặng mỗi ngày.
Một miếng băng dán ... vì miếng băng sẽ nhắc bạn nhớ hàn gắn những vết thương lòng của bạn hoặc của ai đó.
Một cục tẩy ... vì cục tẩy sẽ nhắc bạn nhớ rằng ai đó cũng có thể phạm lỗi. Không sao, chúng ta học từ những lỗi lầm.
Một cây kẹo gum bubble ... vì chất dính của kẹo gum sẽ nhắc bạn nhớ luôn bám theo mục tiêu đã đề ra, đừng bỏ cuộc và bạn sẽ đạt được những điều mình mong ước.
Một cây bút chì ... vì bút chì sẽ nhắc bạn nhớ viết ra những điều tốt bạn làm hằng ngày.
Và hãy nhớ mang theo mình một túi trà... vì túi trà sẽ nhắc bạn nhớ hằng ngày nên nghỉ ngơi, thư giãn và ôn lại danh sách những điều phúc lành mà Thượng đế ban tặng.
Bạn có đem theo những vật đó không?
Lời tỏ tình không lãng mạn
Gửi con gái,
Dường như tình yêu đầu tiên lại làm con mệt mỏi. Con loay hoay với những thứ váy áo mà con vốn không thích mặc.
Bực bội với đôi mắt một mí "hàng độc" của mình. Bố thấy con buồn nhiều hơn là vui, con không tự tin khi là mình nữa.
Đúng là thật dễ để "quyến rũ" một người, nhưng thật khó để người ấy biết rằng ta không hoàn hảo.
Bố và mẹ đã yêu nhau được gần 30 năm. Mẹ từng là một cô gái được nhiều người để ý, mẹ đẹp và học giỏi. Nhưng tại sao mẹ lại chọn bố, một người không có gì đặc biệt? Có lần mẹ nói rằng, duy nhất bên bố, mẹ có thể biểu diễn điệu cười "khủng khiếp" của mẹ. Bởi mẹ biết bố yêu nụ cười ấy.
Mẹ tự ti vì đôi bàn chân của mình, và vẫn thường đi những đôi giầy kín mu bàn chân. Nhưng bên bố, mẹ có thể cởi bỏ những đôi giầy cao gót rất điệu của mình và thu cả hai chân trần lên ghế. Bên bố mẹ có thể thực sự là mẹ, trên từng milimét vuông. Đó chính là sự tin cậy. Niềm tin cậy tạo nên bầu không khí an toàn để những tình cảm thân mật, âu yếm nảy sinh. Và những người yêu nhau có thể giao phó vào tay nhau cả quá khứ, hiện tại và tương lai của mình.
Con có thể phải lòng hai người con không tin cậy, nhưng thật khó mà có thể chung sống với họ. Trong tình yêu, con phải được thật là mình. Mặc cho tất cả những mưu mẹo nho nhỏ chúng ta vẫn thử và có thể gây ấn tượng được với người ta yêu trong buổi ban đầu hò hẹn, thì tình thân mật gắn bó lại dựa trên những gì mà những người yêu nhau biết về nhau.
Người ấy cần phải biết cái tôi thực của con - con như thế nào khi con mệt mỏi, tức giận, nản lòng, phấn chấn. Người ấy phải yêu con như con vẫn thế, chứ không phải yêu cái hình ảnh hoàn hảo mà người ấy hi vọng có ở nơi con.
Con đã xem phim Nhật ký tiểu thư Jones rồi, đúng không? Có một cảnh mà Mark Darcy nói với "tiểu thư" Jones rằng "Anh thích em, như em vẫn vậy". Và cô ấy hoàn toàn bị chinh phục. Tại sao lại có thể có một phản ứng mạnh như vậy cho một câu "tỏ-tình-không-hề-lãng-mạn"? Bởi vì Mark nói với cô ấy rằng anh ta thật sự nhìn cô ấy và anh ta yêu những cái anh ta nhìn thấy. Anh ta không nói anh thích cô ấy gầy đi mười cân, ăn mặc cho lịch thiệp hơn chút nữa hay xinh hơn một chút. Anh thích cô ấy như cô ấy vẫn thế, vô điều kiện. Cô ấy không cần phải cố gắng để gây ấn tượng với anh ấy, bởi Mark thực sự bị gây ấn tượng rồi.
Sự tin cậy không thể tự nhiên mà có, dù đó là hai người yêu nhau say đắm. Nó cần nhiều thời gian và nỗ lực. Hãy lắng nghe cậu ấy, tôn trọng cậu ấy cũng như ý kiến của cậu ấy, và chấp nhận cậu ấy như cậu ấy vẫn vậy. Và con sẽ được đền đáp công bằng. Giống như mẹ đã yêu bố như bố vẫn vậy.
Biết mình được yêu vì con người thực của mình sẽ khiến con cảm thấy tình yêu thật sự là chốn thiên đường, nơi mà con có thể từ bỏ mọi "vũ khí". Nó cho phép con được thực sự là mình mà không hề phải lo sợ bị giễu cợt và chối bỏ. Điều đó tuyệt vời vô cùng.
Chúc con được nghe lời-tỏ-tình-không-lãng-mạn: "Anh yêu em như em vẫn vậy!"
Bố của con.
(Sưu tầm)
Dù thầy không phải là cha
Hồi đó tôi chỉ là cậu bé 6 tuổi sống cùng cha mẹ ở Los Angeles. Cha tôi là thầy giáo, ông dạy môn văn tại một trường trung học.
Một buổi chiều cha trở về, mặt đầy phiền muộn. Ngồi vào bàn ăn ông chẳng nói lấy một câu, mẹ lựa lời hỏi: "Ở trường xảy ra chuyện à?". Trầm ngâm một lúc, ông khẽ trả lời: "Cậu David ở lớp anh bị bắt vì mang cocain vào trường... Trước kia nó là một đứa ngoan, tại sao nay lại đổ đốn như vậy...".
Ghen tị vì bị người khác chia sẻ tình cảm nên tôi đã thốt ra một câu mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn hổ thẹn: "Anh ấy đâu phải là con của bố mà bố rầu rĩ thế?". Ông quay sang nhìn tôi, ánh mắt thật nghiêm khắc: "Con không được nói như vậy... Bố thấy bất lực vì không làm tốt vai trò của mình, những điều tốt lành từ chữ nghĩa văn chương bố truyền thụ cho học sinh đã không có tác dụng...".
Rồi giọng ông trầm xuống như tự nói với bản thân: "David không còn mẹ, bố nó làm việc ở nước ngoài nên thỉnh thoảng mới ghé thăm con, nó thiếu tình thương... Năm nay là năm học cuối, không ai bảo lãnh, nó nguy mất...". Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy ông đã đi rồi. Mẹ bảo: "Bố đến đồn cảnh sát".
Năm năm sau cha bị tai nạn giao thông, ông ra đi không một lời trăn trối. Trong đám tang của ông có một người thanh niên lạ mặc bộ vest đen lịch sự. Anh nói lời chia buồn và tự giới thiệu với mẹ: "Em là David, học trò cũ của thầy George, em vừa từ New York bay về". Tôi còn được biết David tốt nghiệp MIT hạng ưu và được tuyển dụng vào một công ty viễn thông lớn.
Năm 16 tuổi tôi học nội trú xa nhà. Mẹ đã đi bước nữa, dù bà rất thương yêu và chu tất cho tôi nhưng giữa tôi và mẹ vẫn có một khoảng cách. Ở trường cô giáo dạy toán Annie là người tôi yêu mến nhất, đằng sau những dãy số khô khan được cô viết bằng phấn trắng trên bảng là một tấm lòng rộng mở, cô dành cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp.
Tuổi sắp trưởng thành đôi khi thật ngông dại. Vì a dua và muốn chứng tỏ bản thân nên tôi tập tành hút hít. Một lần cùng hai đứa bạn trốn khỏi trường và chui vào một khách sạn rẻ tiền, chúng tôi bị cảnh sát bắt giữ khi đang phê thuốc.
Ngay tối hôm ấy các bạn được cha mẹ bảo lãnh. Tôi không muốn gọi điện cho mẹ, bà còn có một gia đình để lo. Chợt nghĩ đến chuyện của David ngày trước, lòng xốn xang khó tả, tôi ước bố vẫn sống ở trên đời. Ngày mai khi ánh bình minh tỏa sáng, ai sẽ đến đón tôi trở về? Nước mắt giàn giụa khi tôi nghĩ người ấy sẽ là cô Annie...
Hoàng Hiệp dịch
Theo trang Quảng Đức
.
Mặt trời trên đầu, nụ cười trên môi, trái tim hùng mạnh
Mặt trời trên đầu,
nụ cười trên môi,
trái tim hùng mạnh
Nguyễn Quyến
Cuộc sống hiện đại náo nhiệt, thực tế đã làm mất chất anh hùng ca lãng mạn trong xã hội. Nhiều người đã nói thế và "yên tâm" sống như những kẻ tiểu nhân chỉ vì... chất anh hùng ca đã mất. Nhưng với các bạn trẻ, những người mà tự thân trong dòng máu "xuân thì" của mình đều cảm thấy rõ điều đó. Chất anh hùng ca không chỉ có trong thời chiến mà thời nào cũng có và tồn tại ở bất cứ mô hình xã hội nào từ cổ đến kim. Có điều nhiều khi con người không nhận thấy (hoặc không muốn nhận thấy) những lối sống hùng mạnh, đậm chất hùng ca ấy.
Ðể khẳng định rằng bản hùng ca của thời hiện đại không những bền bỉ toả sáng mà nó còn chỉ cho chúng ta thấy rằng, một dặm ngắn trên đường vinh quang ấy cũng hơn bay mệt mỏi ngàn năm trong cái cô độc, ích kỷ của những mưu lợi cá nhân, tôi muốn kể cho các bạn nghe hai câu chuyện đang diễn ra ngay trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, ngõ hầu để các bạn nhận ra rằng ai cũng có thể sống theo lối sống hùng mạnh, đậm chất anh hùng ca dù đó là người nhỏ bé nhất. Trước hết, để những ai mơ hồ về lý tưởng anh hùng ca tôi xin khẳng định lại rằng, tinh thần anh hùng ca xuất hiện ở nơi khi con người hy sinh thân mình cho cộng đồng, cho người bên cạnh một cách trọn vẹn nhất và vô vị lợi nhất.
Ở Quảng Ninh có một người đàn bà già không có con cái. Nhưng bà không sống một mình mà nhận những đứa trẻ về nuôi (Ðài truyền hình đã làm một bộ phim về người mẹ này). Ðiều đáng nói là những đứa trẻ ấy đều bị nhiễm HIV. Chúng như thiên thần, chỉ sống với bà vài năm rồi lại ra đi. Bà đau đớn, lập bát hương thờ những đứa trẻ ấy. Ai có thể cầm lòng nghe những câu thơ xé ruột của bà "Mẹ nhìn con cười trong khói hương bay". Nguôi ngoai, bà lại tiếp tục nhận một đứa trẻ tương tự để chăm bẵm, chịu đựng tất cả nỗi dằn vặt bệnh tật của trẻ gây ra, rồi lại chịu đau đớn bất lực nhìn căn bệnh hiểm nghèo cướp thiên thần của mình đi.
Nếu theo cách tính toán thông thường thì bà sẽ nhận nuôi một đứa trẻ khoẻ mạnh để sau này về già thì có người nuôi nấng, chăm sóc trả ơn (Hầu như người bình thường đều làm theo cách này). Nhưng bà không làm vậy. Bà biết rất rõ về căn bệnh ấy, về sự mong manh của những đứa trẻ mình nhận nuôi. Nhưng bà vẫn dồn những đồng tiền (những đồng tiền ít ỏi định để dành cho sự yên ổn tuổi già) để nuôi chúng. Sự huy sinh của bà có thể ít người thấy được nhưng nó xứng đáng là một trong những bản hùng ca tuyệt đẹp của cuộc sống hiện đại đầy toan tính này.
Câu chuyện thứ hai về một người đàn bà buôn bán ve chai ở thành phố HCM (Ðài Truyền hình cũng làm một chương trình về cuộc sống của chị)). Chị Ðơn cũng có mấy đứa con nhỏ.Theo cách người bình thường "tính toán" thì gánh ve chai cực nhọc, mỗi ngày chỉ kiếm được mươi ngàn tiền lẻ như vậy chỉ có thể "co víu" tàm tạm những nhu cầu tối thiếu của ngần ấy con người. Ðiều này cũng đáng ngợi khen rồi. Nhưng có lẽ ngay lập tức chúng ta nhận ra được chất anh hùng ca trong cuộc sống của chị vì ngoài gánh nặng gia đình, chị còn là nơi cuối cùng mà mấy chục đứa trẻ lang thang cơ nhỡ nữa có thể nhận được một bát cơm, một miếng bánh... hàng ngày.
Hành động của chị Ðơn khiến cho những người ích kỷ, khép lòng với người khác không thể "thanh minh" cho sự ích kỷ, thiếu lòng nhân ái của mình rằng "Tôi còn có gia đình cần phải lo", hay"Tôi làm việc này (tự họ cũng nhận thấy là không tốt) cũng chỉ vì gia đình thôi". Những đứa con của chị cũng tươi cười, sẵn sàng chia mẩu bánh của mình cho một đứa trẻ khác.
Có thể khi mới đọc qua chúng ta không hiểu hết những hành động của hai người đàn bà anh hùng này. Có người chặc lưỡi rằng như thế cũng "bình thường" thôi, ai mà chả làm được! Ðúng! Hàng động như vậy thật "bình thường" nhưng ai làm! Sao không phải là tất cả chúng ta! Trong khi chúng ta có điều kiện, có khả năng hơn hai người mẹ trên để làm một cách rất nhẹ nhàng tất cả những điều ấy thì chúng ta lại nói rằng "ai làm" chả được nhưng không phải tôi!
Một người anh hùng ngăn sông lấp biển, xả thân vì lý tưởng của mình cũng giống như hai bà mẹ kia xả thân vì tình yêu nhân loại. Hành động của những người anh hùng đó có thể khác nhau nhưng lý tưởng bao la của tình yêu nhân loại của họ đều giống nhau và đều khiến cho mọi người cảm động và tin vào những điều thiêng liêng trong cuộc sống này.
Bạn trẻ! Hãy thức dậy từ cái tôi biếng nhác và ích kỷ của mình. Hãy bắt đầu một ngày mới với mặt trời trên đầu, nụ cười trên môi và tình yêu nhân loại nồng cháy trong tim. Bạn sẽ thấy khi bạn sống vì một người khác (như bản chất thiêng liêng của con người là thế), tất cả mọi người, tất cả cỏ cây, tạo vật sẽ mỉm cười với bạn và sẵn sàng trao cho bạn bí mật của cuộc sống. Niềm vui sẽ đến và đổ tràn trong tâm hồn bạn, trong cuộc đời bạn chính ở lúc bạn trao tặng niềm vui ấy cho một người bên cạnh.
Câu chuyện của cây bút chì
Khi ra đời, một cây bút chì luôn thắc mắc rằng cuộc sống bên ngoài xưởng làm bút chì sẽ ra sao bởi thỉnh thoảng nó nghe những người thợ nói chuyện với nhau. Bút chì băn khoăn mãi, anh em của nó cũng không biết gì hơn. Cuối cùng, trước hôm được mang đến các cửa hàng, bút chì hỏi người thợ làm bút rằng nó và anh em nó sẽ ra sao ở bên ngoài cuộc sống rộng lớn kia.
Người thợ làm bút mỉm cười. Ông nói:
- Có năm điều cháu và các anh em của cháu nên nhớ khi bắt đầu cuộc sống. Nếu cháu nhớ và làm được thì cháu sẽ trở thành cây bút chì tốt nhất.
Thứ nhất: cháu có thể làm được những điều kì diệu nhất nếu cháu nằm trong bàn tay một người nào đó và giúp họ làm việc.
Thứ hai: cháu sẽ cảm thấy đau đớn mỗi khi bị gọt, nhưng phải như thế cháu mới tốt hơn và có thể tiếp tục cuộc sống của mình.
Thứ ba: nếu cháu viết sai một lỗi, cháu hãy nhớ để sữa lại là được.
Thứ tư: điều quan trọng nhất đối với cháu và những người dùng cháu không phải là nước sơn bên ngoài cháu, mà là những gì bên trong cháu đấy.
Và cuối cùng: trong bất cứ trường hợp nào, cháu cũng vẫn phải tiếp tục viết. Đó là cuộc sống của cháu, cho dù cháu gặp tình huống khó khăn như thế nào cũng vẫn phải viết thật rõ ràng, để lại những dấu ấn của mình.
Hãy đón nhận tình cảm người khác dành cho bạn
Bạn là người trao gởi tình cảm hay là người nhận lãnh tình cảm? Với bạn việc bày tỏ tình cảm của mình với người khác và việc nhận lấy tình cảm của người khác dành cho mình, việc nào dễ dàng hơn? Mặc dù việc để cho người khác bày tỏ tình cảm nghe như khá dễ dàng thế nhưng trên thực tế điều đó làm cho không ít người trong chúng ta bối rối.
Tôi là một trong số những người đó. Vâng, tôi thuộc tuýp người có thể giúp đỡ mọi việc cho những người xung quanh. Thế nhưng khi nhận được sự bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của họ tôi lại cảm thấy lúng túng. Thỉnh thoảng khi có người nào đó khen ngợi, tôi phải nỗ lực rất lớn chỉ để đơn giản là cảm ơn và bày tỏ tình thân ái. Khi một người khác muốn mua tặng tôi một tấm vé xem phim, rửa chén bát giúp tôi hay tặng tôi một món quà thì tôi muốn “trả lễ” lại ngay lập tức.
Tại sao việc chấp nhận tình cảm của người khác lại khó khăn đến như vậy?
Bởi vì để nhận tình cảm từ một người nào đó đòi hỏi bạn phải cảm thấy xứng đáng và thoải mái với chính mình. Bạn phải tin tưởng rằng họ có tình cảm với bạn bởi vì chính bản thân bạn xứng đáng được yêu chứ không phải vì những việc bạn làm hay những món quà bạn tặng cho họ.
Bạn hãy mở lòng và đón nhận những tình cảm ấy dù cho đôi khi nó có thể làm cho bạn bị tổn thương. Và để giữ những tình cảm ấy, bạn phải học cách giao tiếp mềm dẻo và bạn có thể bảo vệ bạn tránh được sự tổn thương về mặt tình cảm.
Hãy để cho người khác yêu bạn. Lần sau nếu có người nào đó muốn khen ngợi bạn hay làm một điều gì đó tốt đẹp cho bạn thì bạn hãy hít một hơi thật sâu nhận lấy những tình cảm tốt đẹp ấy. Tự cho phép mình cảm nhận được lòng tốt của người khác sẽ giúp bạn dễ chịu hơn. Để yêu một ai đó hay tự yêu chính mình bạn phải có khả năng trao tặng tình yêu và biết cách nhận lấy.
19 tuổi - Tôi viết cho tôi
19 tuổi - Tôi viết cho tôi
Hải Đăng
Tôi bắt đầu nhớ ngày sinh nhật của mình từ năm tôi học lớp 4, nghĩa là năm tôi 9 tuổi. Lần sinh nhật lớp 4, tôi cùng mẹ và dì cả buổi chiều ngồi đánh vật với mớ trứng, bột và đường để làm bánh. Một ổ bánh to 3 tầng được viền bằng hoa hồng theo yêu cầu của tôi được hoàn thành lúc 5h chiều, kịp lúc cho tôi đãi lũ bạn. Hôm sinh nhật ấy vui, tôi ăn bằng hết những cái hoa hồng làm bằng bánh kem ấy, tay chân mặt mũi lấm đầy kem trông ngố không thể tả.
Lớp 9, ngày sinh nhật tôi là biển và rừng mênh mông, tôi được lũ con trai trong lớp hái tặng một chùm hoa dừa to thật to, cả một túi đậu ma đỏ chót. Trong rừng, nhỏ bạn tặng cho tôi một dây tường vi tím ngát hoa, những cái hoa rừng trông hoang dại nhưng lại ấm tình bạn, hoa bỗng chốc dễ thương và đẹp lạ lùng.
Lớp 10, lần đầu tiên tôi nhận được bó hoa hồng trong ngày sinh nhật mình, thấy xúc động và vui lắm. Tôi cắm nó được 2 ngày thì đem ép những cây mềm đi, còn hoa hồng thì đem chổng ngược treo lên. Ngày hồng khô cũng là khi những cái hoa kia mềm cả, tôi đem nó bó lại giống hệt như lúc mới được tặng. Hoa khô trông cũng đẹp lắm. Đẹp nhất là do chính tay mình làm mà.
Lớp 11, tôi có nhiều hoa của nhiều người, hoa hồng, đồng tiền, thảo, lan... của những người bạn. Nhưng vẫn thích nhất là một chùm phượng còn ướt đẫm sương được cài ở trước xe với mảnh giấy nhỏ mừng sinh nhật, không biết là của ai nhưng với tôi, cái màu đỏ ấy đẹp hơn hẳn so với những cái hoa kiêu sa được trau chuốt cẩn thận ở tiệm. Đến bây giờ tôi vẫn không biết người tặng là ai, nhưng ngày sinh nhật tôi luôn nhớ về chùm hoa ấy. Ngày tôi sinh là mùa phượng bừng sắc trên cao.
Lớp 12, ngày sinh nhật chẳng có một cành hoa nào, chỉ có những cái e-card lung linh với điệu nhạc dập dìu, mội buổi tối tan học về với mấy ly sữa nóng giữa gió mưa và vài bài hát karaoke. Mùa thi và mưa cứ xôn xao vào ngày của tôi. Ngày của tôi...
Sinh nhật ngày tôi 19.Tôi chưa biết mình có được nhận một cành hoa nào nay không nhưng tôi có một thời khóa biểu bận rộn cho 19: buổi sáng học ở trường, buổi chiều học đá banh, tối thì đi chợ với mẹ mua sắm chuẩn bị về quê trong tháng 6 tới. Tôi từ chối tất cả những lời mời làm sinh nhật của lũ bạn, từ chối luôn cả một buổi cafe với blouse...
Ngày tôi 19, tôi không cần màu mè như 18 năm qua. Tôi có một điều may mắn là được mẹ làm sinh nhật cho đầy đủ, 18 năm - chưa bao giờ tôi thiếu một ổ bánh sinh nhật vào ngày của mình. Có khi là mẹ làm cho, có khi mua, cũng có khi tôi ngồi làm cùng mẹ. Dù cho tôi có lang thang với lũ bạn cả ngày thì tối về tôi vẫn được đốt nến và ăn bánh cùng gia đình, cả nhà luôn chờ tôi mừng tuổi mới dù đã 10h đêm. Tôi hạnh phúc.
Tôi 19, tôi dặn mẹ đừng mua bánh vì chẳng ăn được bao nhiêu, mỗi lần sinh nhật xong đều bỏ hơn phân nữa. Tôi 19, tôi dặn mẹ nấu chè hột gà mà tôi thích, cả nhà cùng ăn rồi tôi và mẹ đi chợ. Như vậy là quá đủ rồi.
Tôi 19 tôi chờ đợi tiếng điện thoại reo và bài hát Happy Birthday.
o O o
19 khác với 18.
Ngồi giở lại quyển album gia đình, tôi thấy tôi. Tôi của những ngày bé xíu xiu đến cả tôi 18. Tôi với mẹ, với em, với ba, với cả gia đình, bạn bè... Tôi ở Đà Lạt, tôi ở Nha Trang, tôi trèo cây, tôi làm những trò khỉ, rồi tôi dịu dàng trong studio... Ngồi coi và mỉm cười. Mỗi lần ngày Sinh nhật qua đi là tôi lại khác nhiều so với một năm trước. Năm trước tôi còn lẫm chẫm tập đi, năm nay tôi đã chạy nhảy lung tung. Năm trước tôi còn lóng ngóng với mẩu viết chì, năm nay tôi đã ngồi viết văn cho cô giáo. Năm trước tôi còn quần tây áo sơ-mi, ngang tàng với đám con trai, năm nay tôi đã tha thướt áo dài ngoan hiền đến lạ. Mới đây thôi, tôi còn 18 và khi ngày ấy trôi qua, tôi đã là tôi của 19. Và tôi biết, 19 nhất định sẽ khác nhiều so với 18.
Tôi lớn thêm một tuổi, thường tự nhủ mình sẽ làm một điều gì đó thật có ý nghĩa, nhưng tôi chưa bao giờ làm được gì cả. Tuổi cứ trôi và tôi cứ tự nhắc mình vào ngày tôi lớn ấy. 18, tôi đã trượt đại học và đau một cú ê ẩm, tự trách mình suốt mấy tháng trời vì nửa điểm chết tiệt ấy. 18, tôi ra trường và quên luôn lời hứa về thăm thầy vì đã trót tuyên bố chắc với thầy: "Em đậu thì em mới gặp thầy". 18, tôi chưa làm dược gì cho ba mẹ. 18, tôi đánh mất anh – mối tình đầu của tôi.
Tôi 19, sẽ học hành đàng hoàng để đôi khi chạnh lòng không thấy xấu hổ với ba mẹ, không thấy uổng phí những đồng tiền của ba mẹ. Tôi 19, chắc chắn sẽ về thăm thầy, ngồi uống rượu bổ với thầy dưới gốc sơri to, nghe chim hót véo von như những ngày còn đi học. Tôi 19, tôi biết mình đã lớn nhưng vẫn còn bé nhỏ trong mắt ba mẹ, vì vậy tôi sẽ làm những công việc nhỏ nhưng khiến Người hài lòng: dọn dẹp nhà cửa, xoa bóp cho me, pha trà cho ba... Góp gió thì thành bão, nhiều công việc nhỏ sẽ hay hơn là làm việc gì đó lớn lao quá sức mình. Tôi 19, tuổi trẻ còn dài và tôi chưa vội tìm cái gì đó cho riêng mình, tôi mất anh và thế là xong 18.
18 đã từng có rất nhiều bạn, nhưng giờ đây 19 chỉ ao ước có một người bạn thân. Một người bạn thân đúng nghĩa.
Niềm tin của người luôn thất bại.
Niềm tin của người luôn thất bại.
Với Sparky, việc học rất quan trọng nhưng cũng là điều không tưởng. Bởi nó (tiêu) tất cả các môn ở lớp 8. Nó thi rớt môn vật lý trong trường trung học và lãnh con số 0. Sparky rớt luôn môn tiếng Latin, môn đại số và tiếng Anh. Nó cũng chẳng khá hơn ở môn thể dục. Rồi dù đã cố xin vào đội đánh golf của trường nhưng nó nhanh chóng thua ngay trận đấu quan trọng duy nhất của mùa giải và cũng thua nốt trận đấu vớt.
Những năm tháng lớn lên, Sparky giao tiếp một cách vụng về. Những học sinh khác không ghét Sparky, nhưng cũng không ai tỏ ra thích nó, và thật ra thì không ai quan tâm đến điều đó. Và nếu có bạn học nào chào Sparky ngoài giờ học, sẽ làm Sparky rất ngạc nhiên cho nên cũng không ích gì khi nói về chuyện hẹn hò của nó. Suốt thời phổ thông, Sparky chưa một lần mời bạn gái đi chơi vì sợ bi từ chối.
Sparky là người luôn thất bại. Cả nó, bạn bè... đều biết như vậy. Nó cũng suy nghĩ lung lắm về điều đó. Rồi cuối cùng, Sparky đã sớm quan niệm rằng: Nếu mọi chuyện đã là như vậy, thì cứ vậy đi... Nói cách khác Sparky tự nhủ lòng rằng những gì nó đang có là những chuyện hiển nhiên không thể tránh được. Tuy vậy Sparky lại có một niềm đam mê là vẽ. Nó tự hào về các tác phẩm của, dĩ nhiên là không còn ai khác quan tâm đến việc này nữa.
Trong những năm cuối cấp, nó nộp một số bức tranh minh hoạ cho biên tập viên các kỉ yếu và rồi bị trả lại bản thảo. Mặc kệ điều đó, Sparky vẫn tin rằng mình có khả năng trở thành một hoạ sĩ lớn.
Sau khi đã tốt nghiệp trung học.Sparky viết thư cho hãng phim Walt Disney. Khi được đưa đề tài vẽ thử, Sparky đã chuyên tâm vẽ hàng loạt tranh theo yêu cầu. Một lần nữa bản vẽ bị từ chối. Thêm một thất bại cho người luôn thất bại.
Cuối cùng Sparky quyết định viết hồi kí bằng hoạt hình, kể về thời thơ ấu của một đứa con trai luôn thất bại và bị xem là kém cỏi, bất tài.
Nhân vật hoạt hình ấy bỗng trở nên nổi tiếng toàn thế giới.
Sparky, người luôn kém may mắn trong trường và thường bị từ chối trong công việc, chính là hoạ sĩ Charles Schulz. Ông đã tạo ra phim hoạt hình vui nhộn "Peanuts" cùng nhân vật bé nhỏ Charles Brown thả diều không bao giờ bay cũng như chưa bao giờ đá trúng quả banh.