Giờ đây nhà tu hành trẻ của chúng ta đã đứng đầu một nhóm chiến sĩ Phúc âm can đảm, sẵn sàng theo lệnh của đức Nghèo.
Từ buổi đoàn có vỏn vẹn có bốn người, các chiến sĩ đã lên đường thử sức. Bốn người chia thành hai toán đi giảng đạo. Phanxicô đi cùng Êgiđiô đến Marchia Ancônê, là một tỉnh láng giềng với Ombria. Còn Bernađô và Phêrô đi về hướng nào không ghi rõ.
Lúc đầu dân chúng không nô nức, Phanxicô đành ca hát để hấp dẫn. Ngài hát những bài tán tụng lòng nhân lành Thiên Chúa bằng thổ ngữ Provence. Ngài còn tùy hứng hát những bài vui diễn tả lòng mộ mến Đức Nghèo. Qua thôn, qua xóm, hễ gặp ai là ngài đứng lại gợi chuyện. Nói chuyện thôi, lần đi giảng này chưa phải là đi giảng. Khi dừng lại ở một công trường hay một ngã ba, xen vào bài hát tùy hứng, Phanxicô chỉ nói vài lời, nhắc nhở mọi người kính sợ Chúa và lo ăn năn hoán cải. Còn Êgiđiô không quen đến chỗ đông người, thường chỉ im lặng, đứng vào một góc công trường. Khi Phanxicô dứt lời, anh ngại ngùng nói tiếp:
- Anh chị em ạ! Cứ làm đúng như lời người anh em thiêng liêng của tôi nói đây – Anh tôi nói rất đúng. Không ai nói hơn anh tôi được.
Truyện Thánh Phanxicô do Ba Người Bạn Đồng Hành thuật, kể rằng chuyến đi đầu tiên này, các vị thừa sai mới không thu được kết quả nào đáng kể. Gặp lắm nơi, dân chúng không buồn
- Bọn người đi chân đất, mặc áo thô, huyên thuyên này muốn gì? Chúng nó dở hơi hay là điên?
Một số ít hỏi như thế, còn số đông lắc đầu chán nản. Họ cho đó là điềm chơi không hay. Đàn bà yếu bóng vía và trẻ con nhát đảm cứ gặp anh em là hú hồn bỏ chạy. Vài kẻ khôn ngoan không rõ đây là thánh hay điên đành im lặng.
Riêng Phanxicô, ngài không chú trọng đến kết quả. Đức tin thúc đẩy đi thì đi. Thành công là việc Chúa Quan Phòng, đến sớm hay muộn, bao giờ cũng được. Ngài thấy lòng luôn luôn sáng bừng hy vọng và như sắp được đứng đầu một đạo binh đông đúc. Quân binh toàn là hiệp sĩ tuyển lựa của bà Chúa Nghèo, cùng nhau đi truyền đạt khắp thế gian sứ mệnh hoán cải, thương yêu và hòa bình.
Trên đường về Porziuncôl, Phanxicô tâm sự với Êgiđiô:
- Em ạ, dòng ta như một người đánh cá, thả lưới xuống nước, kéo lên đủ thứ cá. Cá nhỏ thì loại đi, chỉ lấy nguyên cá lớn. Chúng ta chỉ chọn lọc và chỉ giữ lại những phần tự tốt thôi.
Thấy Phanxicô nhận thêm đồng bạn, người Assisi lại càng thắc mắc. Họ hỏi nhau:
- Anh chàng này sẽ đi tới đâu? Chừng nào anh ta mới dừng lại?
Khả nẳng phản ứng và chí thông minh dè dặt truyền thống của người dân thành Assisi trước những sự kiện mới lạ, giờ đây đã chỗi dậy. Trong nhà ngoài đường dân thành bảo nhau chán nản:
- Bọn Phanxicô quấy rối trật tự. Chúng đã gieo vào những ý nghĩ mới giữa nề nếp thành nhà. Tương quan gia đình bằng hữu không còn nữa rồi. Chúng dám can thiệp vào việc riêng nhà người ta. Có người đang ăn chơi đình đám bỗng vì chúng bỏ bạn bè ra đi. Có người đang chuẩn bị báo thù nhà và lo rửa nhục cho gia tộc, bỗng vì chúng tra gươm vào vỏ, thôi không nói chuyện giết chóc đổ máu nữa. Có phải vì chúng mà sinh ra rụt rè do dự thế này thì còn làm ăn gì được nữa!
Dân thành còn kết tội anh em:
- Bọn Phanxicô chỉ được cái ăn bám. Nếu chúng biết giữ lại chút ít của cải thì đâu phải lê những tấm thân khỏe mạnh như thế đến cửa người ta mà ăn xin.
Và từ đây, đi hành khất, anh em được bố thí thì ít mà chịu sỉ nhục thì nhiều. Cả một dư luận phản đối. Tình trạng có thể đi đến đụng chạm. Đức Giám mục Guiđô phải can thiệp vào. Ngài muốn Phanxicô chặn đứng lại một thác nước vừa mới khai thác. Năm ngoái khích lệ Phanxicô ở tòa án, vị Giám mục Assisi có ngờ đâu rằng người thanh niên ấy muốn lập đoàn lập hội. Lần này ngài bảo thẳng Phanxicô:
- Cơm ăn nhà ở là sự cần thiết cho bất cứ một nhóm người nào. Nay xét tình trạng các con không cơm ăn nhà ở, xét nhân tình lại xáo động vì các con, cha thấy rằng lối sống của các con quá cực khổ. Liệu rồi có kham nổi mãi không?
Thoáng hiểu ý Đức Cha muốn gì, Phanxicô đành xếp lại lòng vị nể ân nhân, thưa lên:
- Kính lạy Đức Cha, nếu có tài sản, chúng con lại phải dùng khí giới để bảo vệ. Đức Cha cũng đã thấy của riêng thường gây nên tranh dành kiện cáo nhau, tổ hại lòng mến Chúa yêu người. Vì thế chúng con chẳng dám co của riêng ở thế gian này.
Tình trạng không ổn trong thành vì tranh giành tài sản cũng làm chứng cho lời Phanxicô nói. Vị Giám mục chẳng biết nói gì hơn. Để ngài an tâm, Phanxicô trình bày với ngài rằng anh em không lười biếng và lúc nào cũng cần mẫn kiếm việc làm nuôi thân. Trường hợp tối cần mới phải đi ăn xin từng nhà.
Những tháng tiếp sau, tình trạng đã ổn, Đức Giám mục lại giúp thêm điều kiện sống chung. Nhưng anh em vẫn cố gắng theo ơn gọi. Ai cũng khuôn mình theo đòi hỏi của bà Chúa Nghèo. Nhà cửa không có. Porziuncôla chỉ là nơi tạm trú, để gọi là nơi tập hợp mà thôi. Mười hai anh em mà chỉ vỏn vẹn có túp lều tranh chật hẹp, trước đây vốn chứa không đủ bốn anh em. Thời giờ thì dốc vào việc giúp ích đồng bào. Những ngày không đi giảng để làm chứng Phúc âm thì mỗi người đi làm một việc. Có người đi làm công cho các đan viện hay các nhà tư. Có người cày thuê cuốc mướn ngoài đồng. Có người lại chăm sóc bệnh nhân trong các trại phong lân cận. Như thế lại còn đến ngửa tay xin ăn từng nhà là cũng vì có những người tàn tật, những người phong phải nuôi dưỡng, nhất là đi làm công thì Phanxicô nhất định không cho nhận tiền bạc, không cho lo lắng đến ngày mai.
Đi ăn mày thì anh em vẫn ngại lắm. Buổi đầu thì Phanxicô cố tránh cái nhục ấy cho anh em. Truyện Thánh Phanxicô do Ba Người Bạn Đồng Hành thuật kể rằng hằng ngày sẵn thân hình yếu đuối và sức khỏe kém, Phanxicô vẫn ngửa tay xin từng nhà.
Đến những ngày sức quá yếu mà không ai dám tình nguyện đi thay, ngài mới bảo anh em:
- Anh em yêu dấu, rồi anh em cũng phải can đảm đi xin. Vì theo gương Chúa chúng ta và Mẹ Thánh Người, anh em đã chọn đời nghèo trần trụi. Đừng tưởng đây là việc nhục nhã khó làm. Anh em chỉ nói nguyên lời này: “Xin anh chị em bố thí cho tôi vì lòng yêu mến Chúa”. Các ân nhân của anh em sẽ được đền ơn lại và sẽ được nhận một ơn lành vô giá là tình yêu Chúa. Như thế là anh em lại đứng vào thế kẻ đổi trăm phần lấy một. Thôi, đừng thẹn thùng mắc cỡ nữa. Cố can đảm mà đi.
Buổi ấy anh em chưa đông để đi đôi cho có bạn. Mỗi người đi riêng một lối. Nhiều bữa đi về thỏa mãn lắm. Có anh còn cao hứng so đo kết quả hơn thua. Dĩ nhiên là anh đầy bị hài lòng, được cha thánh ban lời khen. Từ đó anh em hiểu rõ giá trị lối ăn xin khiêm nhường này. Ai nấy điều cho đó là một hân hạnh, một ơn riêng, và tranh nhau đi. Nhưng để hạn chế bớt lòng nhiệt thành và tránh lạm dụng, ai muốn đi phải có phép riêng.
Về thời biểu hằng ngày của anh em thì ngày đi làm việc, tối về thức khuya cầu nguyện. Mỗi đêm anh em chỉ ngủ vài giờ rồi dậy sớm đọc kinh ngợi khen Chúa.
Từ đầu hè đến cuối thu năm 1209, sống bên cạnh nhà thờ Đức Bà Thiên Thần, Phanxicô chú trọng đến việc huấn luyện anh em, bần cùng hóa anh em và tạo cho anh em một hoàn cảnh chỉ còn biết bám chặt vào Chúa Quan Phòng. Phanxicô thấy phải lo lắng cho các môn đệ biết sống đời sống thiêng liêng, hướng dẫn họ trên đường lý tưởng, giáo dục, ủi an và dạy họ cách suy gẫm cầu nguyện. Ngài tập cho họ biết khiêm nhường thống hối, và khuyến khích họ tiến bước vững vàng trên con đường hoàn thiện. Như một họa sư dạy các họa sĩ trẻ tuổi nghiên cứu một bức danh họa, Phanxicô cũng dạy anh em hiểu biết thân thế Chúa Giêsu. Dư âm những bài học này còn vang vọng lại trong Di Chúc: “Khi Chúa ban cho tôi có anh, không ai bảo tôi phải theo một lối giáo dục nào hết. Chỉ có Chúa Cao Cả dạy tôi thể thức huấn luyện anh em mà thôi”. Như thế là vị Thánh Tổ sáng lập dòng mới này không nợ nần gì các nhà lập luật và các vị tu hành xưa. Ngài không theo đường lối có sẵn và không bắt chước ai.
Riêng anh em, càng hiểu Lời Chúa cao siêu càng nhận thấy vô số nhược điểm trong đời sống thiêng liêng. Bernađô run sợ về ơn bền đỗ. Phêrô bị lẽ khôn ngoan người đời làm cho rụt rè do dự, muốn rẽ đường. Êgiđiô siêu nhiên là thế mà cũng đâm ra hoa mắt trước hào nhoáng của thế trần. Nỗi ưu tư trong tâm hồn riêng ai cũng có, nhưng anh em âm thầm chịu đựng, họa hoằn lắm mới có người để lộ cuộc chiến đấu nội tâm ra ngoài.
Chung một lòng yêu mến Đức Nghèo, chung một mục đích thể hiện lý tưởng Phúc âm, cảnh sống ấy đoán kết anh em thành một khối và thêm sức mạnh cho mỗi người. Sau mỗi chuyến đi giảng về, anh em gặp lại nhau, ai cũng hân hoan vui sướng. Bao nhiêu gian khổ tan biến hết.
Đối với anh em, Phanxicô là một vị thiên thần hộ mệnh. Được săn sóc anh em ngài cho là một hạnh phúc. Còn anh em đối với Phanxicô thì thực lòng tin cậy, đem tâm sự kể rõ cho ngài nghe, từ một cơn cám dỗ cho đến một ý nghĩ thầm kín trong lòng, không ngại ngùng em lệ. Nhiều lúc không cần phải nói ra, vì Chúa cho ngài thấy rõ chuyện lòng anh em như đọc trên một trang sách mở ra trước mắt.
Lúc đi công tác tông đồ, anh em vẫn giữ nguyên mức sống như ở Porziuncôla. Ngày thì tận tụy lo việc giảng dạy hoặc lo giúp đỡ anh em phong và dân nghèo. Đêm đến thì nằm nhờ ở xó bếp góc lều, hoặc những nơi dành riêng cho tôi tớ nhà giàu sang, cùng lắm thì có hè phố và cửa nhà thờ. Khi bị ai tàn nhẫn gạt công thì anh em chạy đến bàn ăn Chúa, nghĩa là đi ăn mày từng nhà. Bị ai sỉ nhục thì anh em nhớ đến lời dạy của Phanxicô, tập kiên nhẫn và suy về sự khó Chúa Giêsu.
Nhờ lối tu dưỡng của vị Thánh Nghèo, đời anh em chỉ còn là một đời khách lữ hành theo gót Thầy Chí Thánh, thể hiện Phúc âm. Đó là nguồn vui bất diệt của anh em trong cuộc đời khắc khổ này.
Mùa đông 1209 đã đến. Phanxicô định đi giảng một chuyến xa và lâu. Ngài tập trung anh em lại và nói:
- Thánh ý Chúa muốn rằng kẻ được hưởng ơn Cứu chuộc phải làm việc để tự cứu mình và cứu anh em khác. Riêng đối với con cái Đức Nghèo, ý Chúa lại rõ ràng hơn. Vậy ta sẽ đi khắp thế gian, đêm lời nói và gương lành giảng lẽ thống hối cho mọi người. Ta sẽ gặp gian khổ. Nhưng gian khổ đến đâu ta cũng giữ tâm hồn độc lập, quyết không làm nô lệ những sự chóng qua ở đời này. Ta sẽ hướng chiêm ngưỡng lẽ đới đời. Rồi sẽ có kẻ niềm nở đón tiếp anh em và nghe lời giảng dạy. Nhưng cũng có rất nhiều người sỉ nhục và tẩy chay anh em. Dẫu sao anh em cũng phải khiêm tốn trả lời những kẻ hỏi han và hết lòng biết ơn những kẻ cay nghiệt.
Nghe lời dạy, anh em nhớ lại những kinh nghiệm không may về trước và tưởng đến những thất bại đang chờ. Ai cũng lo ngại. Phanxicô phải nói để làm yên lòng mọi người:
- Tôi dốt, anh em dốt, nhưng anh em đừng lấy thế làm buồn. Thiên Chúa sẽ giữ lời người hứa. Người sẽ nói qua miệng anh em. Vả chăng đã đến lúc các nhà thông thái đến trợ lực chúng ta rồi. Hiện nay số anh em đang ít, nhưng anh em cũng đừng lấy thế làm lo. Có điều này, nếu đức bác ái không buộc, thì tôi chẳng nói đâu, nhưng bây giờ thì tôi phải nói để anh em rõ, là Chúa đã cho tôi biết, rồi đây Dòng ta sẽ phát triển khắp mặt đất này. Trong tai tôi đang nghe văng vẳng tiếng chân đi của nhiều người, từ Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, và các nước khác đang nô nức tới nhập đoàn ta.
Anh em nghe nói điều phấn khởi. Phanxicô liền chia anh em làm bốn đoàn, hai người một. Bernađô và Êgiđiô đi Tây Ban Nha theo hướng nhà thờ Thánh Giacôbê Compostellô. Phanxicô và một anh em khác đi về hướng nam đến Riêti. Còn bốn anh nữa thì đi về hai hướng khác.
Giờ lên đường, mỗi người quỳ gối xin Cha thánh chúc phúc lành. Phanxicô âu yếm hôn anh em, đỡ anh em dậy và nói với mỗi người:- Anh yêu dấu, anh cứ tin cậy vào Chúa. Chúa sẽ giúp anh.
Lãnh phép lành xong, anh em chia tay, ra đi, cương quyết trung thành với lời Phanxicô dạy. Khi qua một cây Thánh giá dựng bên đường, anh em liền quỳ gối đọc một kinh Lạy Cha. Khi vào một nhà thờ thì trước hết anh em cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa nơi đây và trong khắp các nhà thờ trên thế giới. Chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội thiên hạ.”
Gặp ai, anh em cũng vẫn giữ lời chào: “Xin Chúa ban bình an cho anh em” đủ cho ai đó hiểu rằng ơn bình an kia anh em đã được và anh em đang hân hoan muốn san sẻ với mọi người.
Không may cho anh em là qua nhiều thành thị hoặc xóm làng lối ăn mặc nói năng của anh em, khiến mọi người ngạc nhiên bỡ ngỡ. Họ tưởng lầm anh em là một lớp người man rợ từ phương nào tới. Nghe lời chào bình an những kẻ ác tâm và khó tính vội ngắt lời:- Chào gì kỳ vậy? Cứ chào như các tu sĩ khác có được không?
Đã có anh em nản lòng, xin Phanxicô bỏ lời chào ấy, nhưng ngài thản nhiên bảo:
- Anh cứ yên tâm. Những kẻ ác tâm kia chưa nhận rõ được điều Chúa muốn. Chúa đã lập ra đoàn ta. Bổn phận ta là phân biệt đoàn mình với các đoàn khác. Chúa đã dạy ta lối chào bình an thì ta cứ làm theo ý Chúa.
Đến những nơi, gặp kẻ sẵn lòng nghe thì anh em cứ nói với họ lời khuyên thống hối rằng:
Anh chị em ơi, hãy kính sợ và làm vinh danh Thiên Chúa. Hãy ngợi khen và chúc tụng Người. Hãy cảm tạ tôn thờ Chúa Toàn Năng đã tạo dựng muôn loài, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Đừng trì hoãn nữa. Hãy mau mau đi xưng hết các tội lỗi vì giờ chết đã gần rồi. Cứ ban phát rộng tay, anh chị em sẽ được ban phát lại. Cứ tha thứ cho người, anh chị em sẽ được tha thứ. Phúc cho ai chết khi đã thống hối ăn năn, người ấy sẽ đi thẳng về Nước Trời. Vô phúc cho ai không thống hối cải chừa, những đứa con của quỷ dữ ấy sẽ phải xuống Hỏa Ngục cho lửa đốt đời đời với cha chúng nó. Xin anh chị em hãy cẩn thận giữ mình, lo tránh xa điều ác và bền đỗ làm điều thiện cho đến cùng.
Phanxicô không ưa dài lời. ngài cho rằng giảng dài những tín lý trừu tượng đối với anh em là việc khó lại có thể sai lầm, nên chỉ khuyên anh em giảng đơn sơ như trên.
Chuyến đi này, anh em giảng ít, nhưng tập kiên nhẫn nhiều. Truyện Thánh Phanxicô do Ba Người Bạn Đồng Hành thuật, kể lại: “Qua miền nào, nhân dân cũng cho là anh em ăn mặc lố lăng. Có nơi họ bảo anh em là người man rợ. Nơi khác, họ tưởng anh em là bọn cướp trá hình, nên tay dùi tay gậy, họ đuổi anh em đi xa. Nhiều người không biết anh em ở đâu tới. Tự hỏi có phải là một phái rối đạo nguy hiểm nào chăng. Còn anh em thì tự giới thiệu là người thuộc nhóm “Anh em đền tội ở thành Assisi”. Vì tên này là tên đầu tiên Phanxicô đặt cho anh em. Nhưng tên này cũng chẳng làm an lòng ai. Có người còn quá quắt lấy bùn ném hoặc cầm lúp đầu anh em mà lôi như bao tải. Ở vài nơi, anh em bị lột áo giữa công chúng. Nhưng bị ngược đãi mấy, anh em cũng để mặc ý mọi người. Vì theo lời Phúc âm, anh em không phản đối người xấu bụng, anh em chỉ kiên nhẫn chờ người ta thôi đánh đập hoặc trả quần áo lại cho”.
Nhiều lần anh em phải chịu đói rét suốt mấy ngày. Như bữa kia gặp người an mày rét run cầm cập, Êgiđiô cởi cái áo ngoài đem cho. Hai mươi ngày sau, không xin được áo khác, Êgiđiô đành thử sức với cái rét cực độ của mùa đông năm ấy.
Kể tiếp chuyến đi giảng này của Bernađô và Êgiđiô, Truyện Thánh Phanxicô do Ba Người Bạn Đồng Hành thuật, viết:
“Hai anh em qua Florencia bị ngược đãi quá. Một chiều mùa đông Bắc Ý, rét như cắt, anh em tìm mãi chẳng ai cho tạm trú. Cuối cùng có bà kia động lòng trắc ẩn, cho tạm ở xó lò bánh bên cửa ra vào. Đêm ông chồng về, thấy hai anh em, ông tức giận, càu nhàu vợ:- Sao bà lại cho bọn vô công rồi nghề, quấy rối xã hội này trọ đây
Bà vợ dịu dàng đáp:
- Thì ông đã thấy, nghĩ khôn nghĩ dại, tôi đã không cho họ vào nhà, chỉ cho nằm ngoài cửa. Lò bánh còn vài thanh củi cháy dở, họ có lấy đi cũng không phải là mất nhiều.
- Lỡ rồi thì cho ở. Nhưng tôi cấm bà không được cho họ mượn mền đắp.
Đêm ấy rét như cắt vào da. Hai anh em chỉ chập chờn được vài giấc ngắn. Mền đắp đã có áo Đức Nghèo. Lửa sưởi đã có lòng mến Chúa.
Sáng hôm sau, bà chủ vào nhà thờ, thấy hai anh em đang quỳ gối cầu nguyện. Bà nghĩ thầm:
“Nếu là trộm cướp thì sao cầu nguyện sốt sắng như thế?”. Bà đang tự hỏi thì gặp lúc ông Guiđô đi phát chẩn tế bần trong nhà thờ. Lúc phát đến hai anh em, ông cho tiền, hai anh em không nhận, ông hỏi:
- Cũng nghèo như người khác, tại sao tôi biếu tiền, hai ông lại không lấy?
- Thưa ông, vì chúng tôi đã tự nguyện sống nghèo và không dùng tiền.
- Chắc hẳn xưa kia hai ông cũng có của.
- Thưa vâng. Chúa ban cho chúng tôi cũng khá, nhưng chúng tôi đã cho hết vì lòng mến Chúa.
Bà kia vẫn theo dõi câu chuyện lúc nghe đến đây, bà vội vàng xin lỗi và,mời anh em về nhà để tiếp đãi. Nhưng hai anh em khiêm tốn cảm ơn và từ chối. Còn ông Guiđô đã hiểu hai anh em là hạng người nào, nên mời về nhà riêng, chỉ một căn phòng rồi nói:- Căn phòng này là của Chúa sắm sẵn cho hai thầy, xin hai thầy cứ tùy tiện.
Bernađô và Êgiđiô trọ lại đó mấy ngày. Khi hai anh em đã đi sang xứ khác, ông Guiđô còn nhắc nhở mãi gương sáng và lời lành của hai anh em. Ông cũng bắt chước và làm phước rộng tay hơn trước”.
Kết thúc chuyến đi này, Truyện do Ba Người Bạn Đồng Hành nhận xét thêm: “Ít khi anh em được may mắn như hôm ấy. Kể chung thì anh em thất bại từ đầu chí cuối”.
Riêng Phanxicô, chuyến đi này đã gặp may. Ở Riêti ngài thu được nhiều kết quả. Dân miền này hư hỏng lắm, thế mà ngài đã cải thiện được một số đông. Trong số đó có nhà hiệp sĩ Tancredi. Tancredi sau này cũng nhập đoàn và trở thành một môn đệ tốt nhất của vị Thánh Nghèo.
Truyện kể rằng khi gặp Tancredi, Phanxicô khuyên:
- Anh Tancredi ơi, bấy lâu nay anh đã mang gươm cho thế gian rồi. Từ nay hãy gia nhập đoàn chúng tôi. Tôi sẽ phong anh làm hiệp sĩ của Đức Kitô.
Nhà hiệp sĩ xin vâng. Vào dòng, Tancredi đổi tên là Angêlô và được tiếng là một tu sĩ có lời nói và cử chỉ rất nhã nhặn lịch sự. Sau khi Phanxicô từ trần, Angêlô và hai anh em nữa là Lêô và Rufinô kết thành nhóm Ba Người Bạn Đồng Hành chép truyện Thánh Phanxicô.
Cũng ở Riêti, Phanxicô được một ơn phi thường. Đã lâu rồi, cứ mỗi lần nhớ lại thời gian phôi pha khi chưa trở lại, niềm vui của ngài như vương vấn một bóng mây buồn. Nhiều lúc quên mình, Phanxicô vui nhìn công việc Chúa làm giữa anh em. Nhiều lần cao hứng, ngài đã hát những khúc tán tụng Chúa Chí Tôn. Nhưng thời gian cũng trôi qua, nỗi ưu phiền kia càng ám ảnh, nhất là vài tháng gần đây.
Một hôm ở Poggiô Bustonê, Phanxicô vào cầu nguyện trong một hang đá cao chừng ngàn thước trên thung lũng. Suy về những năm trai trẻ buông lung, toàn thân Phanxicô run rẩy, nước mắt ràn rụa, miệng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần:
- Lạy Chúa! Con van lạy Chúa! Xin Chúa tha thứ cho kẻ tội lỗi là con đây.
Bỗng tâm hồn như lắng xuống, Phanxicô vui sướng ngất ngây. Khi tỉnh lại, bóng ưu phiền đã biến tan đâu mất. Phanxicô thấy lòng đổi mới. Ngài tin rằng mọi tội lỗi về trước đã được Chúa tha và ơn Chúa sẽ giữ gìn đến giờ sau hết. Chúa lại ban cho Phanxicô thấy trước Dòng Nghèo sẽ thành một đạo binh lớn, đi chinh phục Nước Trời khắp trần gian.
Tuy nhiên Phanxicô vẫn thấy mình tội lỗi hơn mọi người. Nhà nghệ sĩ thường thấy rõ hơn ai hết sự cách biệt giữa mình với cái đẹp tuyệt đối. Phanxicô cũng thế, một phần nào ngài lượng biết sự cách biệt vô cùng giữa Thiên Chúa Toàn Thiện với con người tội lỗi khốn nạn. Cho nên không bao giờ dám khoe khoang tự mãn. Phanxicô chỉ nhìn mình là kẻ sau hết mọi người.
Cêlanô kể rằng sau mấy tháng ở Riêti, bỗng một hôm Phanxicô náo nức muốn gặp lại anh em. Ngài tha thiết xin Chúa gọi anh em về. Chúa nhận lời. Và vài bữa sau, tất cả anh em, không ai rủ ai, lục tục kéo nhau về Porziuncôla. Không ai hiểu vì sao đã muốn về như thế. Anh em gặp nhau vui mừng hớn hở, kể lại cho nhau nghe những ơn Chúa ban riêng, rồi thú nhận với nhau những sơ suất khuyết điểm đã qua và chờ lời người anh cả khuyên dạy chỉ bảo. Phanxicô hết lòng tạ ơn Chúa. Ngài cũng hào hứng kể lại những ơn Chúa ban, nhất là ơn mặc khải về Dòng ngày mai sẽ phát triển rộng lớn khắp nơi.
Trong câu truyện tâm sự, anh em đều thông cảm chung một hoài bão tông đồ: rao giảng rắp nơi Nước Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh. Hoài bão ấy được nâng niu không phải vì danh dự riêng cá nhân hay đoàn thể, nhưng chỉ vì anh em đều nóng nảy yêu mến Chúa Giêsu. Ai cũng mong Chúa Giêsu mau thành vị Thầy của toàn thế giới trong hình thức khó nghèo và khiêm hạ. Và ai cũng muốn chia sẻ với đồng loại niềm vui của lòng mình đang chan chứa.
Tuy lòng rạo rực hân hoan, Phanxicô vẫn nhớ mình là thủ lãnh. Ngài cho anh em những nhận định về đoàn thể và sứ mệnh chung. Đoàn thể sẽ thêm người và ảnh hưởng thêm sâu rộng. Anh em không thể tránh khỏi một vài giai đoạn thử thách. Việc đoàn kết và điều khiển sẽ không còn đơn giản như trong một gia đình. Phanxicô nói:
- Anh em ạ, đời sống chung những ngày đầu tiên đây cũng dịu hiền như ta đang ăn quả ngọt ngào. Nhưng rồi đây, lẫn với quả ngọt ngào, người ta sẽ cho anh em ăn những quả chua chát. Chua chát lắm, mặc dù có vẻ đẹp bên ngoài. Chua chát đến nỗi không ai còn ăn nổi!
Nhưng ngài cũng nhận định thế thôi. Lời tiên tri chưa thể hiện. Và anh em đang vui sống những ngày hấp dẫn của lý tưởng khó nghèo. Trong niềm tin tưởng hôm nay, Phanxicô chỉ thấy cần báo trước cho anh em những hăm dọa của ngày mai.
Dòng anh em sẽ mở rộng khắp hoàn cầu, thì cố nhiên anh em phải được đảm bảo rạch ròi. Mà chỉ một chủ quyền có công hiệu thiết thực khắp hoàn cầu mới bảo đảm được. Anh em sẽ thề quyết theo chủ quyền ấy hướng dẫn. Đến đây Phanxicô nghĩ ngay đến ngôi Giáo hoàng, đại diện Chúa Giêsu.
Sau những ngày cầu xin ý Chúa, anh em quyết định sang Rôma, yết kiến Đức Giáo Hoàng.