Nguyễn Ánh 9 ‘mổ xẻ’ Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ
Nguyễn Ánh 9 ‘mổ xẻ’ Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ
(VTC News) – Với sự am hiểu sâu sắc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại ‘mổ xẻ’ các gương mặt đình đám nhất làng nhạc Việt như Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ.
Với thâm niên 60 năm trong nghề, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 cho rằng thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay chỉ có giải trí. Ông nói:
Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sỹ.
- So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói?
Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.
Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ những ca sỹ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sỹ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!
Thanh Lam hát Cô đơn còn thua ca sỹ nghiệp dư
- Những ca sỹ được phong hàng diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc?
Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơncủa tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, thua một ca sỹ nghiệp dư hát vì hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sỹ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi! Ca sỹ cũng phải hát 'nhập vai' như vậy mới ra ca sỹ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sỹ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sỹ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.
- Hai nữ ca sỹ đang nổi tiếng nhất trên thị trường hiện nay là Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, ông đánh giá tài năng của họ ra sao?
Mỹ Tâm chỉ hát nhạc Pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác. Mỹ Tâm cũng có những ca khúc hát không tới, gặp bài nào hát tới mới hay, như Cây đàn sinh viên, Ước gì...
Mỹ Tâm hát chỉ hợp với tuổi trẻ. Về tính nghệ thuật thì Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết.
Mỹ Tâm được cái là may mắn rơi vào đúng thời điểm không có ai cạnh tranh, từ đó nổi tiếng và khi nổi tiếng rồi thì rất khôn khéo đầu tư vào hát, múa, sắc đẹp để giữ vị trí.
Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi! Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa… cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát thì lại không được.
Khi diễn tả nội tâm, Hồ Ngọc Hà diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật. Ca sỹ hát phải biến mình thành nhân vật trong ca khúc mới hiểu nỗi đau làm sao. Không lẽ, ngoài đời mình buồn là phải hét, gào thét? Đâu phải vậy!
- Với các giọng ca nam đang nổi tiếng như Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… ông đánh giá thế nào?
Bằng Kiều cũng giọng tốt như Trần Thu Hà nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Thành ra, Bằng Kiều hát bài Buồn ơi chào mi của tôi khiến khán giả ở dưới sững sờ luôn! Tính lại thì hiệu quả sân khấu có nhưng tôi mở băng ra nghe thì phải nghe Tuấn Ngọc hay Xuân Phú, Trọng Bắc hát.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sỹ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu!
Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo ‘con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm’. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói‘nhưng con thích hát nhạc bố…’, tôi nói ‘nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn’.
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!
- Ngoài danh ca Tuấn Ngọc thì những giọng ca nào khiến ông hài lòng nhất?
Giọng nữ thì tôi thích Ngọc Anh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà… Nguyên Thảo nếu tiếp tục hát như ngày xưa thì rất hay. Ngày xưa, Nguyên Thảo hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó vào kỹ thuật như Mỹ Linh để khoe giọng và vô tình giết chết tình cảm.
Vừa rồi làm đĩa than của tôi có 2 bài Nguyên Thảo hát. Cách đây 6 năm, Nguyên Thảo hát Buồn ơi chào mi xuất thần luôn, nhưng giờ Nguyên Thảo để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm không còn, so ra khác hẳn.
Giọng nam thì ngoài Tuấn Ngọc còn có Trọng Bắc, Lê Hiếu… Tuấn Hiệp lúc trước hát tốt, tôi thích nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất.
- Nhưng rõ ràng trên thị trường, những giọng ca này không phải nổi tiếng nhất, được khán giả ưu ái nhất. Theo ông vì sao có nghịch lý này?
Nhiều ca sỹ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.
Mong có nhiều nghệ sỹ ‘tử tế’ và người nghe ‘tử tế’
- Với những đánh giá này, phải chăng gu thưởng thức âm nhạc bây giờ của khán giả quá khác với ông, bởi đơn cử, Đàm Vĩnh Hưng đang được phong là ‘ông hoàng nhạc Việt’?
Không phải! Nếu đem so sánh Tuấn Ngọc với Đàm Vĩnh Hưng, người ta vẫn thích nghe Tuấn Ngọc hát nhiều hơn, đúng không?
Nghe Tuấn Ngọc hát thấy nó khác liền, hát ra là cảm xúc đến với người nghe chứ không phải gắng gượng. Tại vì Tuấn Ngọc đã sống trong bài hát đó, khi hát Tuấn Ngọc để tâm trạng vào bài hát, nói lên tâm trạng của nhiều người. Ví dụ khi mình bị người yêu bỏ, nghe Tuấn Ngọc hát Buồn ơi chào mi, nghe nó đã lắm!
Tuấn Ngọc vẫn là giọng ca số một dù tuổi tác, thời gian làm cho giọng của Tuấn Ngọc không còn được đẹp như ngày xưa nữa, nhưng cái xúc cảm vẫn là Tuấn Ngọc và xúc cảm càng ngày càng sâu hơn.
- Vậy theo ông, thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?
Đây là vấn đề lớn, cả một thế hệ chứ không phải đơn giản, ăn thua là cách giáo dục của gia đình với con em làm sao. Nếu trong một gia đình chỉ có tối ngày đi kiếm tiền thì tinh thần nghệ thuật của họ chết rồi, bị tiền bạc chi phối hết.
Thành ra, họ cũng không chăm sóc con cái, cứ cho tiền là xong. Họ cũng ỷ lại tiền, đưa con vào trường này trường kia, mặc con muốn làm gì thì làm.
Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.
- Sau 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều ông mong muốn nhất là gì?
Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sỹ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng. Mình hãnh diện là người Việt Nam không thua ai hết!
- Xin cảm ơn ông!
Phượng Hoàng (thực hiện)
Kinh hoàng với văn hóa trong ứng xử của Mr.Đàm
Phản ứng đốp chát, ăn miếng trả miếng của Đàm Vĩnh Hưng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã khiến dư luận phản ứng gay gắt. Nhiều người gọi đó là thứ văn hóa chợ búa của người tự xưng mình là “ông hoàng” này nọ.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Mr.Đàm thể hiện văn hóa ứng xử kiểu ăn miếng trả miếng như thế. Trước đây, sau những lời nhận xét có tính chất đụng chạm đến cái ái trọng tự ngã của Mr.Đàm thì anh đều lồng lộn lên và đáp trả chua chát, kịch liệt, kể cả đó là bạn bè đồng nghiệp hay đàn anh đàn chị như ca sĩ Thanh Lam, Quốc Trung… Và vừa qua là với cả nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một người nhạc sĩ lớn tuổi mà Đàm Vĩnh Hưng hay gọi là “bố”. Thế mới thấy, ông bà ta bảo “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” thật chẳng sai.
Đầu tiên phải kể đến chuyện thua đủ của ca sĩ họ Đàm với đàn chị Thanh Lam. Còn nhớ khi Mr.Đàm tham gia chương trình Giọng hát Việt - The Voice mùa giải đầu tiên với vai trò là huấn luyện viên, nói về việc huấn luyện thí sinh của HLV này, diva Thanh lam có băn khoăn rằng: “Hà Hồ, Mr Đàm có gì để dạy người khác”. Đồng thời chị đưa ra nhận định: “Không thể tưởng tượng ra Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì nhỉ?” trong một bài phỏng vấn.
Ngay lập tức, những nhận xét ấy của đàn chị bị ca sĩ họ Đàm đăng đàn phản pháo, Mr.Đàm nói: “Nếu chị Lam cho rằng tôi là kẻ bất tài, vô tướng, không có năng lực, không có nền tảng gì đó… vậy thì ở tôi có điều gì hấp dẫn đặc biệt khiến chị ấy phải nhận lời xuất
hiện trong những chương trình của tôi và ngược lại? Chị ấy đã mời tôi khá nhiều lần trong những đêm diễn riêng của chị ấy, cũng như những đêm nhạc của bố chị, nhạc sĩ Thuận Yến?
Mặt khác, Đàm Vĩnh Hưng còn gay gắt tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ và không thèm nhìn mặt nữ ca sĩ này nữa: “Chấm dứt quan hệ ngay lập tức. Khỏi nhìn mặt nhau cho nhanh”!
Kế đến đó là chuyện danh ca Bảo Yến đã không ngần ngại chia sẻ trên báo giới về tình trạng “thảm họa” của nền âm nhạc hiện nay.
Chị cho rằng: “Ca sĩ theo tôi gồm 2 loại, loại thứ nhất là ca sĩ thực thụ, chuyên nghiệp và loại thứ hai là những người hát tựa ca sĩ. Với tôi, trời ban cho Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương... chút tài năng để họ bước lên sân khấu múa may quay cuồng như một con rối.
Đáp trả của Mr.Đàm là câu nói mang tính mỉa mai danh ca này: “Dân trong giới ai cũng biết bệnh tình của chị Yến mà. Thương thật”. Bệnh mà họ Đàm nhắc đến có ý là thần kinh không ổn định!
Và mới đây là nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét: “…Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng đi hát chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót, không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà”. Đàm Vĩnh Hưng đã nhanh chóng đáp trả theo kiểu đốp chát bằng những lời lẽ nặng nề trên trên cá nhân. “Nếu đó là những lời chú phát biểu thì thật tiếc cho chú với hình ảnh đẹp dễ thương, hiền lành trong suốt bao nhiêu năm qua chú mải công giữ gìn nay tan biến và Đàm Vĩnh Hưng cho đó là hình ảnh của ngụy quân tử, thưa chú. Nếu đúng, cũng đến lúc chiếc mặt nạ đó phải được tháo xuống bởi chính chú!”.
Người xưa có câu rằng: “Người khen ta là bạn ta, người chê ta là thầy ta”. Nhưng văn hóa showbiz bây giờ xem ra đã đảo lộn hết mọi giá trị, người ta mắng lại “thầy” không thương tiếc, bất kể “thầy” nói đúng hay sai. Thậm chí người đáng kính, già cả như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng phải “xuống nước” dù lời nhận xét của ông cũng không hẳn là sai nhưng chỉ vì ông thương đứa từng gọi mình là “bố” lại nổi sân lên dữ dội, chửi “bố” như thế!
Và nói đến chuyện văn hóa ứng xử của người xưng là “ông hoàng nhạc Việt” này thì không thể không nhắc đến sự lố bịch kinh điển của anh trong một đêm nhạc, đó là chuyện “khóa môi” nhà sư! Sự việc diễn ra trong phần đấu giá chai rượu Mr.Đàm, sau một hồi đấu giá đã thuộc quyền sở hữu của hai vị sư. Trước phiên đấu giá thì Mr.Đàm có hứa là sẽ “khuyến mại” nụ hôn cho ai là chủ nhân mới của chai rượu. Và họ Đàm đã “không tha” dù đó là hai nhà sư! Bởi ai cũng biết thực hiện nụ hôn với một vị sư là điều không thể chấp nhận, là một chuyện hết sức khả ố.
Thử hỏi, văn hóa gì đã phản ánh qua những ứng xử rất “đặc sắc” ấy của Đàm Vĩnh Hưng - người tự xưng mình là “ông hoàng nhạc Việt”? Nghĩ mà thật là buồn với những “ông hoàng”, “bà chúa” hiện nay, chỉ có chút danh tiếng còn văn hóa xem ra chỉ ở hàng chợ búa!
Theo PetroTimes