-
Mẹ tôi
Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
-
Hoa mai
Cây mai mang cốt cách người, từ xưa cha ông đã nói vậy. Mai đem thân mình đọ khí tiết xung hàn khắc nghiệt của mùa đông mới bật được những đóa vàng kỳ diệu, giống như người quân tử phải nếm trải trăm cay nghìn đắng, rèn luyện tâm trí, giữ lòng trung hiếu. Nét đẹp ấy chỉ hoa mai mới có. Ngày nay mai được cho vào chậu, chăm bón tối đa, nở theo ý muốn, biết phẩm chất kia có còn lưu dẫn trong tinh thần hoa không? Có còn được coi là một trong tứ quý không?
-
Tro Ấm
Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.
Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:
"Ông ơi vào ăn cơm"
Cả nhà tôi đều im lặng.
Ông nội đã mất 20 năm rồi!
-
Như một phép màu
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy người đàn ông góa vợ. Cô tôi coi Lộc, con riêng của chồng như cái gai trong mắt.
Sáu tuổi, Lộc làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.
Lộc mười lăm tuổi, bố chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô tôi đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như tính khắc nghiệt của bà mẹ ghẻ cũng được chôn vào nấm mộ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm, rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con yêu thương như một phép màu.
-
Những tờ báo của tôi
Mẹ tôi già, nguồn giải trí duy nhất là đọc báo. Mẹ thích đọc những bài báo của tôi. Có bài, tôi mua một tờ để đọc, tờ báo biếu để lưu. Tờ lưu tôi cất kỹ cho mới. Mẹ qua nhà tôi, lấy báo về đọc: " Mẹ đọc hết, không sót mục nào ". Bài viết của tôi, khi mẹ khen, khi mẹ chê. Thỉnh thoảng, cần lục tìm lại những bài báo, không thấy tôi cằn nhằn: " Đọc xong mà mẹ không đem qua cho con ".
Bị tiểu đường, mắt mẹ mờ. Đi khám. Có hai hạt cườm đang che lấp dần con ngươi. Chua mổ được, vì phải trị hết tiểu đường. Mắt mẹ mờ dần. Những tờ báo của tôi bây giờ nằm im gọn gàng trên kệ, hàng ngày từng lớp bụi áo lên. Chẳng có ai qua lấy báo về đọc, để tôi có dịp cằn nhằn mỗi khi tìm không thấy nữa.
-
Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
-
Người tốt, người xấu
Trong lần đi công tác lên Đà Lạt, chiếc xe hơi cũ kỹ bò lên dốc đồi, trời sẩm tối, đường vắng, anh thấy sợ. Chợt có một bóng người đàn ông tất tả xách một chiếc túi nhào ra đường vẫy tay dồn dập xin quá giang.
Nhìn tới nhìn lui, anh bỗng ngại. Nhưng đôi mắt kia van xin, tuyệt vọng.
Anh dừng xe chép miệng:
-Thôi đành vậy! Tôi chỉ sợ gặp phải người xấu.
-Xin ông cứ trói tay chân tôi lại và cho tôi đi nhờ
lên Thị xã. Con tôi đang nằm viện.
-
Người cha
Hừng đông, bến tất bật thuyền ra khơi. Cũng như mọi lần, chị ở nhà cùng con. Anh đi nhanh, bóng vạm vỡ, rắn rỏi.
Đã đủ cả: lưới, dây, lửa, đèn, dầu, muối...
Thuyền khởi động. Bỗng anh dừng máy, xuống thuyền quay trở lại. Chị hỏi:
- Anh quên thuốc hút?
Anh cười, mở tủ lấy bút. Hôn vợ và con thêm lần nữa, anh vội vã rời nhà.
Trời nổi bão. Anh không về nữa. Nhưng sổ liên lạc của con, anh đã nhớ ký.
-
Nghiệp sáng tác
Anh là nhạc sĩ. Mười năm trước, vừa tốt nghiệp anh lao vào nghệ thuật. Tận tâm với tác phẩm mà vẫn không sống nổi. Cái đói, cái nghèo vây quanh.
Cơ chế thị trường. Anh viết ca khúc cho giới trẻ, cho đơn đặt hàng. Dễ dàng hơn, vừa nhẹ nhàng túi lại rủng rỉnh.
Chiều nay. Họp phụ huynh về. Ngang cổng tình cờ nghe anh bảo vệ say sưa bài hát đầu tay của mình, anh cảm thấy rạo rực, kiêu hãnh lạ thường. Ôi ! cái thứ cảm giác - dễ đến 10 năm - hôm nay anh mới gặp lại.
-
Nghịch lý
Thời sinh viên, mỗi lần đi đá bóng anh phải ngồi chờ. Sân nhỏ, người đông. Thắng ở, thua ra. Được vào sân, ôi thôi đá "bốc" vô cùng.
Giờ là trưởng phòng. Mỗi lần giao hữu với công ty bạn là đá sân thảm cỏ. Rộng dài tiêu chuẩn. Ra sân, bên trái, bên phải, trước, sau toàn là sếp cả. Họ "cày" không nổi, tất thảy giục anh chạy như điên.
Mỗi lần có giải, anh mong được đá sân nhỏ. Ước có được hội 3. Thèm thất bại để được ra nghĩ... như thuở sinh viên ấy mà !...
-
Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố làm việc.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn:
- Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Ráng đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái. Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó:
- Vậy là tết thằng nhỏ mới về được...
-
Người trực phiên săn sóc bệnh nhân đến lay tỉnh một người bệnh đang ngủ:
-" Ông ơi! Dậy đi."
Bệnh nhân giật nảy mình hỏi:
-" Có chuyện gì vậy? Có gì xảy ra vậy?"
-" Chăng có gì. Chỉ đơn giản là tôi quên đã phát thuốc ngủ cho ông".
-
Nghề của ba
Trước đây, ba nó là công chức. Vì bất đồng với cung cách làm ăn bất chính của lãnh đạo cơ quan, ba nó xin nghỉ. Về nhà, ba nó sắm một chiếc xích lô:
- Đạp xích lô vậy mà tự do thoải mái hơn, được làm chủ công việc của mình và thu nhập bằng chính sức lao động đích thực của mình.
Từ ngày ba nó đạp xích lô, nó trở nên trầm mặc, ít giao du với bạn bè, không còn vui vẻ nhí nhảnh như trước nữa.
Một lần đi học về, không may nó bị trúng gió, tay chân cứng đờ, mặt xanh như tàu lá chuối. Bạn bè dìu nó vào nằm lề đường dưới gốc cây bàng. Giữa giòng xe cộ ngược xuôi hối hả, bạn nó đón một vài chiếc xe máy để nhờ chở nó đến bệnh viện nhưng chẳng ai chịu dừng. Bỗng một chiếc xích lô ở đâu trờ tới và dừng lại, bác xích lô liền bế nó lên xe chở ngay đến bệnh viện. Đến nơi, bác lại bế nó đến tận phòng cấp cứu. Bạn nó cũng vừa đến cảm ơn và xin gởi tiền xe. Bác nhất định không lấy.
Được đưa đến bệnh viện kịp thời nên cơn nguy hiểm đã qua, nó nhanh chóng khỏe trở lại. Nghe bạn kể, những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, nó bỗng yêu quí và mến phục tất cả những người đạp xích lô tốt bụng. Nó tin rằng trong số đó sẽ có cả ba của nó, bởi nó biết tính ba, và nó cảm thấy rất tự hào về ba của nó.
-
Ngày vui của em
Ngày vui của em, anh không về. Trong thư ba viết: "...Nó là đứa chịu thiệt thòi nhất trong nhà. Con ráng thu xếp. Mùa lúa vừa rồi nhà mình thất quá..."
Ngày vui của em, anh lang thang giữa Sài gòn náo nhiệt, lòng buồn rười rượi. Gần 2 tháng nay anh thất nghiệp. Đến cả chiếc vé tàu về quê cũng không lo nỗi...
Ngang qua nhà hàng sang trọng bày tiệc cưới linh đình, anh cúi đầu bước nhanh như người có lỗi...
-
Ngày thứ Bảy
Thuở bé tôi luôn luôn chờ đợi ngày thứ bảy. Vì đó là ngày ba tôi thường đưa cả nhà đi ăn tối; đi xem phim. Đến tuổi dậy thì, ngày thứ bảy càng đáng yêu hơn vì đó là ngày tôi đến nơi hẹn với người yêu. Khi lập gia đình, tôi cũng mong ngày thứ bảy để được nghỉ việc, được giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Và bây giờ tôi sợ ngày thứ bảy! Đó là ngày chồng tôi họp bạn nhậu, con tôi hẹn với người yêu, tôi hoàn toàn cô đơn.
-
Ngày sinh nhật đầu tiên
Tối nay, bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: " Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, mẹ nhỉ? " Mẹ lặng thinh, mắt đỏ hoe! Sợ mẹ khóc, bé vỗ về: " Đừng khóc mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu! " Bỗng nhiên, mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi ào theo.
... Ngày ấy, cái ngày mà tòa án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.
-
Nụ
Nụ là con nuôi. Mẹ tôi cho Nụ cùng đi học với tôi. Tôi thường đỏng đảnh đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả…
Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó:
- Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi. Mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng. Tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh...
Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.
-
Nắm tay
Tác giả: Huỳnh Phương Trang
Con gái đi chơi tối về muộn, chị mắng, nó chỉ cúi đầu tỏ vẻ hối lỗi nhưng lại cười tủm tỉm. Chị ngạc nhiên. Tối, nó rúc đầu vào lòng chị, khẽ bảo:
- Mẹ ơi, con đã nắm tay một người.
Chị gật đầu:
- Phải nắm chặt nghe con, nếu bạn trai con là một người tốt.
Ngày xưa, cũng bằng tuổi con, chị yêu và đã được yêu. Chị cũng đã biết cái cảm giác lần đầu tiên nắm tay người khác phái. Cảm giác run rẩy nhưng hạnh phúc đến rạng ngời mà sau này không bao giờ thấy lại. Anh còn bảo:
- Đã nắm tay em rồi, anh sẽ nắm thật chặt. Anh sẽ giữ em cho riêng mình.
Lúc đó, chị đã khóc...
Bây giờ chị lại nghĩ về anh. Anh nắm tay chị chặt quá, chặt quá... làm chị bức bối. Chị phải tự buông lỏng tay mình, để đến ngày lên xe hoa, nắm tay chị lại là một người khác.
Con gái chị vẫn còn cười rạng rỡ, hai tay cứ đan vào nhau như muốn tìm lại cảm giác được nắm tay. Thương mình rồi thương con, quay sang phía tường trắng, chị khẽ thở dài muốn nói với con:
- Nhưng đừng nắm chặt quá. Mẹ sợ..
-
Nón lá
Tác giả: Nguyễn An Tường
Khói lửa ngập tràn Bình Định. Mẹ bồng bế anh em mình vào Nam, mang theo khung nón lá. Làm nón, mẹ nuôi mình lớn lên, chắt chiu, trút ống mỗi mùa khai trường.
Anh bảo: " Ráng học! Tương lai mình phải thoát khỏi vòm trời nón lá! "
Mình vào đại học. Mẹ làm tăng giờ. Mỗi ngày tấp nập tiền vay, tiền hụi.
Tốt nghiệp, chờ việc làm, mình tránh nắng mưa trong vòm trời nón lá. Mẹ lưng còng bên khung nón. Đôi mắt cả đời chẳng nhìn lên, bây giờ lấp lánh một vì sao!
-
Nó
Tác giả: Quỳnh Châu
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành: " Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà! ". Vậy là nó nín.
rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: " Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà! " rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn
-
Một mình
Tác giả: Nguyễn Thái Sơn
Em lớn dần, cái tuổi rất dễ tự ti và mủi lòng. Nhà vẫn nghèo; ba mất sớm, mẹ làm lụng một mình. Mẹ chỉ có hai tài sản quý giá nhất, đó là em và chiếc xe đạp.
Hôm thi cấp tỉnh, mẹ dậy sớm, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỷ ấy đưa em đến nơi thi. Quanh quẩn, toàn xe máy ! Dường như tất cả nán lại cổ vũ tinh thần cho con em mình. Em ngẩng nhìn mẹ, giọng mẹ đượm buồn những đĩnh đạc: “Thôi, về đi mẹ!”.
Chuông điểm hết giờ ! Ngoài cổng nhốn nháo hẳn lên. Lời han hỏi roan ràng, tiếng máy xe dòn nổ. Nắng rát, em về lầm lũi, chỉ cái bóng là “người bạn đường” đi kè bên chân. Nhìn những chiếc xe chở bạn bè cùng trang lứa lướt qua, em thấy sự cô độc nhân đôi; nhưng lạ thay, em bỗng càng thương mẹ hơn vì giờ này mẹ cũng đang hẩm hiu ngoài đồng xa! Em ra đồng, chờ mẹ cùng về. Em nghe mắt cay cay : mẹ đang cấy mạ … một mình !
-
Một buổi sáng
Tác giả: unknown
Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
- Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
- Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau
-
Mồ côi
Tác giả: Nguyễn Văn Hùng
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng đi xa thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên.
-
Mẹ xưa
tác giả: Đỗ Thành Dũng
Cô rời quán lên xe. Phở ngon nhưng cô vẫn ăn không hết nửa.
Xe mới, nệm êm, máy lạnh. Đường không một gợn sóng. Chân sao vẫn tê cứng, mỏi rã hai tay ôm con.
Mười lăm năm trước. Cũng đường này, mẹ đưa cô lên tỉnh học. Xe cũ, đường dằn xóc. Mẹ tay bám chặt hàng chân ghế, tay ôm cô chen chúc dưới sàn. Định hỏi sao tay chân mẹ run, lại thôi vì cô cũng mỏi và đói.
Giờ đường về không ngồi chen chúc, không đói. Nhưng nước mắt cô cứ vỡ òa theo gió. Mẹ cô vừa mất
-
Mắc cỡ
Tác giả: Nguyễn Thái Sơn
( Thương tặng bé Hoa)
"Vòng loại" . Mỗi lần nắm tay, đâu chừng hai cái chớp mắt, em đã rụt tay về.
"Bán kết" . Sau mỗi lần hôn, em trò chuyện cùng tôi bằng cách quay mặt sang hướng khác, thời gian, có tới hai trăm cái chớp mắt.
"Chung kết" . Có con nhỏ. Mỗi lần con khóc, em vén áo ... nhưng bao giờ cũng vậy, cái lưng bé nhỏ của em luôn từ từ quay về phía tôi, bất kể tôi đang làm gì, có đang nhìn em hay không, miễn có tôi lúc ấy, cho dù khăng khít đã hai năm.
Mất
-
Mất
Tác giả: M.T.
Anh vốn rất không thích hai từ "được, mất" vì chúng gợi lên một sự tính toán cân đong đo đếm quá. Mà rõ ràng chẳng thể nào tính trước được số mệnh. Nhưng không hiểu sao hôm nay lại vang mãi bên tai câu thơ của một người anh yêu mến: "Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ". Thấm thía và thấy buồn. Suốt đời đi đào bới và sống nép vào ý tưởng của người khác, biết thế mà lạ thay cái tâm trạng kia cứ âm ỉ vướng vào thành một nỗi sợ hãi trong anh. Đánh mất. Có khi cũng chẳng biết mất gì, nhưng là mất. Mất mới đến tìm. Rốt cuộc, anh tìm thấy gì ở một bản thể ngày một xa lạ, ngày một bạc nhược để an phận, biến đổi theo chiều hướng tệ hơn? Những kẻ tự chơi trò ú tim với mình thì không cần biết thắng thua, còn anh thì biết lắm mình đang trở thành ai, đang vật lộn với từng ngày để không trở thành kẻ mà chính anh căm ghét. Nhưng giờ suy luận thì được ích gì ở những sàn đá lạ của tương lai? Và anh tự hỏi: "Có thể, chúng ta càng tiến đến những sự mất mát, càng tiến gần đến số không thì càng hiểu con đường đã qua thực chất là con đường gì?".
-
Mùi của má
Tác giả: Ngô Văn Vĩnh
Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão, chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.
Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên gường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giựt chiếc áo : "Em hửi miếng...", "Tao hửi với..." . Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.
-
Luật lệ
Tác giả: Hoài Như
Bé Vi 3 tuổi. Bé đã nói được rất sõi và rất thích tìm hiểu mọi sự việc xung quanh mình. Ngày ngày đưa đón con đi học, người mẹ thường giải thích cho con về luật lệ giao thông khi qua ngã tư. Một hôm, bé thắc mắc:
- Sao chú kia không dừng lại khi đèn đỏ hả me?
- ...
Có khi bé góp ý:
- Đèn đỏ mà. Sao mẹ chạy luôn vậy? Mấy chú công an phạt mẹ thì sao?
- ...
Một hôm, mẹ dừng lại ngay ngã tư đèn đỏ. Bé giục:
- Không có các chú công an. Chạy luôn đi mẹ.
-
Loài chim không bay
Tác giả: Tuyền Minh
Nhà Minh chuyển đến nơi ở mới. Mừng tân gia, chú Út tặng cho Minh con chim khướu. Ngoài giờ học, Minh líu ríu với chim nơi hàng hiên. Chừng tuần sau, Minh phát hiện cô bé nhà bên thường chăm chú nhìn Minh chăm sóc chim với đôi mắt một mí thật dễ thương nhưng buồn lạ.
Vốn tính xởi lởi, nó xách ù lồng chim lại tường rào giơ lên làm quen: " Bạn thích nuôi chim không? Bạn tên gì? "
Cô bạn mới chầm chậm lăn chiếc xe lại gần song sắt tường: " Em tên là Hoàng Yến! "
-
Lý Do
Tác giả: Giọt Đắng
Nó thấy trong ví anh có tấm ảnh mờ nhạt của một phụ nữ, tuổi khoảng chừng 25. Nó cầm lấy và nhận xét:
- Bạn anh đấy à! Xấu quá...
Anh không nói gì, nhét vội tấm ảnh vào ví và ra về với dáng điệu buồn bã.
Mười ngày, hai mươi ngày và cả tháng, anh vẫn không đến nhà nó, nó chẳng hiểu lý do gì? Giận anh nhưng nhớ anh. Nó quyết định tìm đến nhà anh.
Vừa vào đến cửa nhà, nó chợt giật mình vì tấm ảnh thân thuộc kia nằm ngay trên bàn thờ với khói hương nghi ngút. Nó như hiểu ra vì sao anh không bao giờ nhắc đến Mẹ trước mặt nó. Nó ôm lấy mặt mà khóc vì ân hận.
-
Lời trẻ
Tác giả: Hải Âu
Anh là người chu đáo. Noel nào anh cũng dành thời gian để chuẩn bị quà cho con. Cũng như nhiều ông bố khác, anh nói đó là quà ông già Noel. Và anh cũng thường nói với con là nó càng ngoan thì nó sẽ nhận được phần quà càng to như là một cách dạy con khéo léo.
Một sáng Noel, nhìn thằng bé mắt sáng rỡ khi mở gói quà anh cảm thấy lòng vui vui. Chợt thằng bé ngước nhìn anh và hỏi: " Sao con thấy bố cũng ngoan mà ông già Noel không cho bố quà? "
-
Lời mẹ
Tác giả: Nguyễn Thị Ly
Con đi học xa. Mẹ dặn:
- Cuộc sống ở trọ không như ở nhà. Từ nay con phải tự lo cho mình.
Chị lấy chồng. Mẹ lại bảo:
- Sống bên nhà chồng chẳng khác gì ở trọ. Con phải biết cách làm đẹp ý gia đình chồng. Có như vậy, cuộc sống của con mới được hạnh phúc.
Thời gian trôi, con ra trường. Con không còn ở trọ mà trở về bên mẹ. Con cảm thấy vui vẻ và ấm áp hơn.
Còn chị, chị xa chồng, cũng về với mẹ. Nhưng chị không còn tươi tắn như ngày nào. Mẹ nhìn chị khẽ thở dài.
-
Lời hứa
Tác giả: unknown
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi…cả năm qua con ngoan…không hư một lần nào…”.
-
Lễ tốt nghiệp
Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Nhung
Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi:
- Má! Má lên đây làm gì?
- Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp.
- Không được đâu. Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này.
- Thì má còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má...
- Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia. Tụi bạn con nó cười.
Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường. Vừa lúc người xướng tên giới thiệu:
- Sinh viên Phạm Thị X là một trong những sinh viên xuất sắc của trường
-
Lẽ đời
Tác giả: Nguyên Vũ
Gánh bún vĩa hè của bà thật đắt. Khách không đủ chỗ ngồi: chen chúc, nhường nhau, chờ đợi - vậy mà chẳng phiền ai. Cảm thông cảnh quán tạm, mọi người đều vui vẻ để được tô bún Huế nức tiếng ngon.
Con cháu phát triển nghề, mở cửa hiệu khang trang. Đến quán toàn những người sang trọng. Nhưng thay câu đùa, nụ cười, ánh mắt sẻ chia mỗi khi bún trễ, lát chanh chẳng tươi, đĩa rau muống ít giòn là thái độ khó chịu, mày cong môi cớn của khách.
Vẫn ngồi nồi, những lúc như thế bà ngậm ngùi nhớ cái…cảnh xưa
-
Lời hưá và thực hiện thật khó đi đôi với nhau. Trong câu chuyện trên, lơì hưá xuất phát từ tình yêu thương bất chợt đôí vơí câụ bé nghèo khổ, đáng thương. Một lơì hưá chưá đựng sự động viên đồng thơì còn là niềm mong ước chờ đơị. Thế nhưng đã hưá mà không thực hiện thì chẳng khác gì là kẻ dôí trá! "Thà từ chôí bảy lần chứ không được sai lơì hưá một lần"(Tục ngữ Tây Ban Nha). Ở đây là một lơì hưá vơí một đưá trẻ thì càng phải nhớ và thực hiện. Nêú không thì vô tình ta đã làm một tấm gương xâú và đưá trẻ sẽ mất niềm tin vào cuộc sống.
Mong sao cuộc sống luôn có những tâm hồn đẹp, chan hòa, đồng cảm vơí mọi ngươì xung quanh và nhất là "lơì hưá luôn đi đôi vơí thực hiện"
-
Lạc thú
Tác giả: Đào Đức Tuấn
- Làm gì đứng đó?
- Vợ chợ...
Lần đầu tiên tôi chở vợ đi chợ. Ông đợi cạnh, lầm bầm:
- Làm gì ở trỏng mà lâu dữ vậy hổng biết...
Chắc cha này có hẹn bạn nhậu. Ông đang đọc báo, xoay qua:
- Mình chở mấy bả đi chợ coi như đỡ tốn năm trăm gởi xe...
Chùm cặp mắt đàn ông chốc chốc dõi phía ngõ chợ. Rồi một ông, một ông... nổ máy ra đi.
Về nhà, vợ tôi triết lý:
- Mấy ông nhiều chuyện chơi, phải cho chị em tui hưởng chút lạc thú dạo chợ chớ!
-
Bàn Tay
Võ Thành An
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
-
Câu Hỏi
Nguyễn Hoài Thanh
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
-
Ba Và Mẹ
Lê Mai
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.