Trích:
III- Quyền Tự vệ chinh đáng:
Mặc dù giới răn thứ năm cấm giết người, cấm tự sát, cấm làm gương xấu…..nhưng không có nghĩa là phải buông xuôi tay cho người khác tấn công ,xâm phạm đến sự toàn vẹn thân thể ,tính mạng và danh dự của mình. Nếu mình phải tôn trọng sinh mạng ,taì sản và danh dự của người khác thì cũng không ai được phép xâm phạm tài sản, làm gì nguy hại đến tính mạng và danh giá của mình. Đây là luật công bằng đòi buộc mọi người phải triệt để tôn trọng khi sống chung với nhau trong cộng đồng nhân loại,ở phạm vi nhỏ bé là gia đình hay rộng lớn ngoài xã hội.
Thật vậy, Luật của Chúa và luật tự nhiên đều đòi buộc phải yêu mến bản thân mình và tôn trọng sinh mạng của người khác.Tuy nhiên, vẫn có luật tự vệ chính đáng được phép thi hành trong thực tế để bảo vệ mạng sống và danh dự của mình trước hành vi xâm phạm bất chính của kẻ khác. “Tự vệ chính đáng của các cá nhân và các xã hội không phải là một ngoại lệ đối với luật cấm giết người..”(GLCG,c.2263).Nói
Khác đi, tự vệ chính đáng là biện pháp cần thiết để ngăn cản kẻ muốn vi phạm luật cấm giết người của Chúa và của xã hội,đồng thời cũng để bảo vệ mạng sống và danh dự chính đáng của mình. “Ai bảo vệ sự sống của mình sẽ không mắc tội sát nhân ,dù có vì thế mà phải đánh cho kẻ tấn công mình một đòn chí tử”(GLCG,c.2264)Đây là giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và cũng là luật pháp của mọi xã hội văn minh trên thế giới.Cụ thể trong thực tế, mọi người có bổn phận bảo vệ mạng sống của mình bằng mọi giá. Nếu có kẻ cầm súng, cầm dao tấn công mình thì mình có quyền tự vệ bằng phương tiện tương tự .Và nếu vì phải tự vệ để cứu mạng sống của mình đưa đến cái chết cho kẻ tấn công thì lỗi đó không phải của mình, và đó cũng không phải là tội sát nhân.Nhưng cũng phải rất thận trọng khi áp dựng quyền tự vệ chính đáng này.Không thể lấy cớ tự vệ để giết người khác trong khi thực sư không có nguy cơ mất mạng mình vì người đó. Thí dụ, một người chỉ mới lên tiếng đe dọa , chứ chưa có hành vi tấn công bằng võ khí giết người như súng, búa hoặc dao, mà mình đã vội ra tay hạ sát người đó thì đây không phải là tự vệ chính đáng mà là cố sát.Ngược lại ,một thiếu nữ bị kẻ lưu manh có võ trang muốn hãm hại. Cô cũng có súng trong tay và đã lớn tiếng cảnh cáo kể tấn công không được thực hiện ý đồ xấu, nhưng y vẩn cương quyết tiến tới thì buộc cô phải bắn y để bảo toàn thân thể của mình một cách chính đáng.
Cũng trong mục đích tự vệ chính đáng, một quốc gia có bổn phận bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân mình khỏi mọi đe dọa của bất cứ thế lực thù địch nào. Nghiã là , quốc gia có quyền và bổn phận chống lại mọi hình thức xâm lăng của nước khác.Không quốc gia nào có quyền vô cớ dùng võ lực tấn công một quốc gia khác. Chiến tranh là một tội ác vì nó đưa đến sự chết chóc vô lý cho nhiều người.Vì thế phải làm hết sức mình để tránh thảm họa này. Giáo lý Công Giáo nói rõ : “Bất cứ hành vi chiến tranh nào nhằm tàn phá toàn bộ những thành phố,hoặc những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó,một cách bất phân biệt, đều là những tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính con người: các hành vi như thế phải bị lên án cách mạnh me không chút ngần ngại.Một nguy cơ của chiến tranh hiện đại là mang đến cho con người những vũ khí khoa học, nhất là vũ khí nguyên tử,vũ khí sinh học hoặc hóa học,để họ phạm những tội ác đó” (GLCG,c.2314). Như vậy rõ ràng Giáo Hội lên án chiến tranh và mọi phương tiện đưa đến sự tàn phá cơ sở vật chất và sinh mạng con người.Tuy nhiên, quyền tự vệ chính đáng vẫn được phép sử dụng ở đây để đánh trả mọi hình thức chiến tranh nhằm chống lại một dân tộc ,tàn phá một quốc gia.