THỨ SÁU - Tuần XIV Thường Niên





✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 12,1-8)

Khi ấy, vào một ngày sa-bát, Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng lúa. Các môn đệ thấy đói nên bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Kìa, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát!”

Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Kinh Thánh chuyện vua Đavít đã làm khi cùng thuộc hạ đói lả sao? Ông vào nhà Thiên Chúa, và họ đã ăn bánh tiến, thứ bánh mà luật chỉ cho các tư tế được ăn, chứ người khác thì không được phép. Các ông cũng chưa đọc trong Sách Luật rằng: vào ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế’, hẳn các ông đã không kết án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Suy niệm

Dân Do Thái là một dân được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt. Họ đã được dẫn dắt suốt dòng lịch sử với tình yêu ân cần và nhẫn nại. Như bài đọc I hôm nay (Xh 11,10–12,14) thuật lại: Thiên Chúa chính là Đấng thiết kế cuộc giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, đến từng chi tiết cụ thể: giờ lên đường, cách ăn lễ Vượt Qua, cách chuẩn bị lương thực, dấu máu bôi trên cửa để tránh tai ương...

Ngài hành động như một người cha, vừa cương quyết giải thoát, vừa trìu mến bảo vệ. Thế nhưng, sau bao thế kỷ được uốn nắn, dân ấy, đặc biệt là các nhà lãnh đạo tôn giáo, vẫn không hiểu được trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Họ biến lề luật thành công cụ kiểm soát và kiêu ngạo, thay vì sống luật như biểu hiện của tình con đối với Cha.

Trong Tin Mừng, các kinh sư và biệt phái đã trách cứ các môn đệ Đức Giêsu chỉ vì họ bứt lúa ăn trong ngày sa-bát, một hành vi bình thường, nhưng bị họ coi là "lao động". Vấn đề ở đây không nằm ở hành vi, mà ở cách con người sử dụng luật để kết án thay vì phục vụ.

Thật nghịch lý: họ chăm chăm giữ từng điều khoản nhỏ, nhưng lại bỏ qua trọng tâm của luật là lòng mến và lòng nhân. Đức Giêsu đã mượn chính Kinh Thánh mà họ nắm giữ để phản bác: vua Đavít cũng từng ăn bánh tiến khi đói; các tư tế vẫn phải phục vụ trong ngày sa-bát. Vì sao không kết án họ?

Và Ngài kết luận bằng một lời rất mạnh: “Nếu các ông hiểu được lời này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (Hs 6,6), hẳn các ông đã không kết án người vô tội.” Câu nói ấy không phủ nhận lễ tế, nhưng xác định trật tự ưu tiên: tình thương đứng trước nghi lễ, lòng nhân ái cao hơn hình thức.

Đức tin Kitô giáo không phải là thứ đạo đức hình thức hay danh sách các điều cấm, nhưng là mối tương quan sống động giữa con người và Thiên Chúa là Cha yêu thương. Trong tương quan đó, các giới luật trở thành hành lang an toàn để ta bước đi trong tự do và chân lý, chứ không phải xiềng xích trói buộc lương tâm.

Giữ luật mà không có tình yêu thì dễ trở thành đạo đức giả. Còn giữ luật vì tình yêu thì luôn có lòng nhân hậu và sự tế nhị. Chính vì thế, Thánh Phaolô dạy: "Ai yêu thương thì đã chu toàn Lề Luật" (Rm 13,8–10).

Điều Thiên Chúa mong muốn nơi ta không phải là những con người răm rắp tuân lệnh vì sợ, nhưng là những người con biết cảm thông trái tim của Cha. Đức Giêsu chính là hiện thân trọn vẹn của người Con hiếu thảo, Đấng "đến để thi hành ý Cha" (x. Ga 6,38) chứ không để nêu gương giữ luật máy móc.

Khi sống đức tin, chúng ta đừng rơi vào cám dỗ của sự tự mãn: chỉ giữ đạo để “được yên thân”, để “hơn người”, hay để “lấy công với Chúa”. Tất cả những điều đó đều dẫn tới đạo đức giả. Chỉ khi sống như người con yêu mến Cha mình, mọi việc đạo đức mới mang giá trị cứu độ.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con tạ ơn Chúa vì đã mặc khải cho chúng con biết rằng: điều Chúa ưa thích không phải là những lễ tế vô hồn, nhưng là một trái tim yêu thương, biết cảm thông và tha thứ. Xin gìn giữ chúng con khỏi nguy cơ sống đạo cách hình thức, giữ luật vì sợ hãi hay vì tự mãn.

Xin dạy chúng con sống đạo với một trái tim của người con yêu mến: giữ luật vì muốn đẹp lòng Cha, cầu nguyện vì khát khao kết hiệp, phục vụ vì biết rằng chính Chúa cũng đang cúi mình phục vụ nhân loại.

Xin cho chúng con biết đề cao lòng nhân ái hơn hình thức, đặt tình yêu lên trên luật lệ, và sống như những người con đích thực giữa thế gian còn quá nhiều hận thù, phân rẽ và giả hình.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.



THỨ BẢY - Tuần XIV Thường Niên

✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 12,14-21)


'Khi ấy, các người Pharisêu ra khỏi hội đường và bàn tính cách hại Đức Giêsu. Biết vậy, Người lánh đi khỏi nơi đó. Có nhiều kẻ theo Người, và Người đã chữa lành tất cả. Người cấm họ không được tiết lộ về Người, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói:


“Này Tôi Tớ Ta đã tuyển chọn, Người Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Ta sẽ cho Thần Khí Ta ngự trên Người; Người sẽ loan báo công lý trước mặt muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, không ai nghe tiếng Người nơi công trường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng. Và muôn dân sẽ đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”

Suy niệm

Trong thế giới ồn ào và ưa phô trương, lời nói được sử dụng như khí cụ để chiếm lĩnh tâm trí và điều khiển dư luận. Từ những chiến dịch quảng cáo thương mại, đến tuyên truyền chính trị hay giáo dục, lời nói được nâng lên thành một chiến lược. Nhưng cũng trong thế giới đó, Đức Giêsu chọn một con đường ngược lại: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, không ai nghe tiếng Người nơi công trường.” (Mt 12,19)

Không ồn ào, không tranh biện, không biểu dương sức mạnh, Đức Giêsu rao giảng bằng sự hiện diện âm thầm và hành động cụ thể. Khi bị đe dọa bởi các biệt phái, Ngài lặng lẽ rút lui. Nhưng chính trong âm thầm đó, Ngài chữa lành mọi bệnh nhân, đem hy vọng cho kẻ yếu đuối và nâng đỡ những người bị tổn thương.


Tin Mừng Matthêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia để nói về căn tính của Đức Giêsu: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi.” (Is 42,3) Đây là biểu tượng tuyệt đẹp của lòng thương xót, một trái tim luôn nghiêng về người yếu đuối, tội lỗi, thất vọng.


Chúa Giêsu không tìm kiếm kẻ mạnh để cộng tác, nhưng đến với những kẻ đau khổ và thất bại. Không loại trừ một ai, Ngài thấu cảm từng vết thương lòng của con người, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thánh Gioan sẽ nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8), và tình yêu ấy được thể hiện cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu, không bằng lời nói suông, mà bằng từng hành động cứu độ.


Các biệt phái cho rằng Chúa Giêsu thất bại khi không còn rao giảng công khai. Nhưng họ không hiểu rằng: chứng từ mạnh mẽ nhất không đến từ môi miệng, mà từ lối sống. Có thể người ta khóa miệng kẻ công chính, nhưng không thể khóa được ánh sáng từ đời sống yêu thương, khiêm nhường và tha thứ.

Thánh Phaolô dạy: “Thư của anh em là chính đời sống anh em, được viết trong lòng con người” (2Cr 3,2). Trong nhiều hoàn cảnh hôm nay, nơi các quốc gia bị cấm đoán đức tin, hoặc giữa những xã hội khép kín, Kitô hữu không thể rao giảng bằng lời, nhưng có thể trở nên Tin Mừng sống động qua sự trung tín, hy sinh, liêm chính và bác ái.

Ngày nay, không phải mọi lời rao giảng trên mạng xã hội hay diễn đàn đều đem lại kết quả. Trái lại, nhiều khi sự tranh cãi, kết án, hay lên mặt đạo đức lại làm méo mó khuôn mặt của Đức Kitô. Thay vào đó, cần một Hội Thánh biết rao giảng bằng hành động cụ thể, như Chúa Giêsu đã sống: kiên trì yêu thương, nhẹ nhàng chữa lành, không bẻ gãy cây lau, không dập tắt tim đèn.


Đó là cách mà muôn dân “đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt 12,21)


Lời nguyện


Lạy Chúa Giêsu hiền lành và đầy lòng thương xót,

Chúng con cúi đầu cảm tạ Chúa vì Ngài đã đến không như một bậc vua chúa huy hoàng, nhưng như một Tôi Tớ âm thầm, mang tình yêu đến cho kẻ yếu đuối, tội lỗi và thất vọng. Chúa đã không lớn tiếng giữa phố chợ, nhưng từng bước chân của Ngài vẫn vang lên sứ điệp yêu thương và cứu độ.

Xin dạy chúng con biết rao giảng bằng cuộc sống: bằng sự nhẫn nại trong đau khổ, sự tha thứ trong hiểu lầm, và sự phục vụ âm thầm trong những công việc nhỏ bé. Xin cho chúng con đừng sống đạo hình thức, mà biết trở nên dấu chỉ tình yêu thương nhân hậu của Chúa cho thế giới hôm nay.

Xin đừng để chúng con bẻ gãy những cây lau đang dập, hay dập tắt những tim đèn đang leo lét; nhưng xin cho chúng con trở nên bàn tay của Chúa, nhẹ nhàng, cảm thông, và luôn biết chữa lành.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

G. Võ Tá Hoàng