|
HÃY CÓ LÒNG TRẮC ẨN VỚI ĐỘNG VẬT
Ba thằng nhóc cầm con rắn, vẻ mặt vui tươi hớn hở vào khoe cha xứ “thành tích” vừa lập được: “Thưa cha, chúng con mới giết được con rắn.” Nhìn con rắn dẹp đầu trông rất tội nghiệp, cha xứ hỏi: “Nó làm gì mà các con giết nó?” Mấy thằng nhóc tranh nhau trả lời: “Dạ, nó chẳng làm gì cả, chúng con thấy rắn thì giết thôi!” Cha xứ tiếp lời: “Tối qua cha vừa dạy mọi người hãy yêu thương loài vật kia mà!” Nghe đến đây ba thằng nhóc tiu nghỉu bỏ đi.
Mỗi ngày có biết bao con vật bị giết vô tội vạ? Đây là vấn đề cần phải suy xét lại để mỗi người có thái độ đúng hơn khi đối xử với các loài vật.
1- Obama đập chết ruồi
Tổng thống Obama đã “hạ gục” con ruồi đang bay vờn quanh đầu khi trả lời phỏng vấn của người dẫn chương trình John Harwood của phóng viên CNBC tại Nhà Trắng hôm 16/6. Hiệp Hội bảo vệ động vật PETA “mếch lòng” vì Obama đập chết ruồi và họ mong muốn Obama lần sau có thái độ nhân đạo hơn khi “đối đầu” với một con ruồi trong Nhà Trắng. “Chúng tôi thương cảm cho thậm chí cả những con vật hay tọc mạch nhất, nhỏ bé nhất và được mọi người ít yêu mến nhất … Chúng tôi tin rằng mọi người nên có lòng trắc ẩn đối với tất cả động vật dù ở bất kỳ đâu”. Friedrich nhận xét: “Đập một con ruồi trên truyền hình cho thấy ông ấy không phải là con người hoàn hảo.”
2- Không đơn thuần là chuyện giết ruồi
Dĩ nhiên, việc giết con ruồi “quấy rầy” mình không phải là tội ác ghê sợ lắm, vì đây cũng là một vấn đề xảy ra thường ngày với tất cả chúng ta. Nhưng không đơn thuần là chuyện giết ruồi, mà còn là chuyện “hạ gục” biết bao con vật trong khi không có nhu cầu sự dụng. Hành vi này được coi là một “thói quen” hay chỉ là một “thú vui” của một số người và nhất là đối với không ít một số trẻ em. Chẳng hạn: vặt trụi lông con chim để vui chơi, ngắt đầu con dế để giải trí, hoặc ngắt đuôi con thằn lằn để làm trò chơi…
Cũng vậy, nhiều người nuôi vật trong nhà, nhưng thường không cho ăn uống và thiếu sự chăm sóc, cứ để mặc chúng: bữa no, bữa đói. Cách đối xử này cũng không thể nào chấp nhận được đối với những ai có lòng trắc ẩn với loài vật.
Còn hơn thế, một số người đã “sáng tạo” ra một số cách thức giết loài vật để ăn thịt rất dã man, như: giết mèo bằng cách cho vào lồng rồi nhấn vào nước, giết gà bằng cách đập đầu vào cột… Tất cả những việc làm này không chỉ được xem là hành động “vô cảm” đối với loài vật, mà còn là một tội ác đáng lên án.
Thời gian qua, trên mang xã hội Facebook một quân nhân có tên là Nguyễn Văn Quang đã khiến hàng ngàn người “sốc” khi tung lên mạng một loạt hình ảnh về cảnh giết hại hai mẹ con con khỉ một cách tàn nhẫn, khiến mọi người phẫn nộ. Những hình ảnh cho thấy trước khi giết khỉ bằng cách nhấn nước sôi và hun khói, nhóm thanh niên trói chặt con vật mang thai hành hạ đủ kiểu và bắt hút thuốc … Một cư dân mạng đã nhận xét: “Không có từ nào để nói về hành động này nữa. Không có óc suy nghĩ. Không có trái tim”. Có người còn nhận xét một cách rất thậm tể và cho rằng: hành vi này là vô nhân tính. Ông Trần Thế Liên – vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: “Đây là một hành vi không thể chấp nhận được, đáng bị lên án và bất kể là dân thường hay quân nhân đều có thể bị xử lý hình sự”. Còn theo ông Phan Tuấn – chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thì đề nghị khởi tố vụ án sát hại động vật quý hiếm, và xử lý nghiêm người vi phạm. (Tuồi Trẻ 18/07/2012)
Dẫu biết rằng súc vật có thể bị giết và được dùng làm lương thực cho con người (St 9,2). Hơn nữa, việc Ađam đặt tên cho muôn thú (St 2,20) đã khẳng định sự thống trị của con người trên con vật. Tuy nhiên, quyền làm chủ này không được trở thành một sự thống trị độc đoán và phá hoại. (x GLCG 373)
3-Tại sao phải yêu thương loài vật?
Thiên Chúa yêu thương tất cả các thụ tạo của Ngài, và chăm sóc chúng, cả đến những con chim sẻ (Lc 12,6) Và chắc hẳn Ngài cũng mong muốn chúng ta phải có thái độ đúng đắn với các loài vật, nghĩa là phải biết tôn trọng, yêu thương, chăm sóc cũng như bảo tồn những gì Thiên Chúa đã ủy thác cho con người.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 340 dạy: “Thiên Chúa muốn các thụ tạo lệ thuộc lẫn nhau. Mặt trời, mặt trăng, cây sến và bông hoa nhỏ, phượng hoàng và chim sẻ: cảnh thiên hình vạn trạng của các sự vật lớn nhỏ khác nhau nói lên rằng không thụ tạo nào có thể tự túc. Chúng chỉ hiện hữu trong sự lệ thuộc lẫn nhau, để bổ túc cho nhau trong việc phục vụ lẫn nhau.”
Thật vậy, thế giới động vật làm thành bộ phận của thiên nhiên rất gần gũi với con người. Có sự liên đới với nhau giữa mọi loài thụ tạo vì tất cả đều có chung một Đấng Tạo Hóa, và tất cả đều quy hướng về vinh quang của Ngài. (x GLCG 344)
Chẳng ai bài xích, phản bác chuyện chúng ta yêu thú vật và bảo vệ chúng cả. Nhưng mặt khác: chăm sóc và quan tâm loài vật đến mức lấn át cả tình cảm dành cho người thân, bỏ bê trách nhiệm với gia đình, thì quả là điều đáng trách! Đây cũng là một vấn đề đáng để mỗi người quan tâm hơn trong cuộc sống hôm nay.
Lời kết:
Mỗi loài đều có nét đẹp riêng, sự sống riêng và chỗ đứng riêng hợp lý trong vụ trũ này. Đồng thời, mỗi loài cũng có "ơn gọi" thi hành “sứ mạng” mà Tạo Hóa đã phú cho. Và mọi loài cũng được đặt để và sắp xếp trong trật tự, để sự sống của mỗi loài được trân trọng sao cho thích hợp. Bởi sự sống nào tồn tại cũng phát xuất từ Tạo Hóa. Hơn nữa, giữa con người và con vật cũng có những sự tương đồng, đặc biệt là cả hai có chung nguồn gốc từ cát bụi và chung lối trở về với lòng đất.
Lm Phêrô Nguyễn Châu Linh
Sưu tầm
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|