|
Suy niệm :
"Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay".
Không có đạo nào mà không tuân giữ luật ăn chay. Chẳng hạn các Phật tử ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày rằm và ngày mồng một. Người Hồi giáo giữ chay tháng Ramadan. Còn người Công Giáo chúng ta ăn chay và kiêng thịt vào hai ngày : thứ tư Lễ Tro và Thứ sáu Tuần Thánh; ngoài ra Giáo Hội khuyên không ăn thịt các ngày thứ sáu trong tuần thánh, như một việc làm đạo đức, khổ chế, hy sinh.
Ngày nay, nhiều người còn ăn chay, kiêng cữ không vì lý do tôn giáo; họ ăn chay để bảo vệ cho sức khỏe, giảm cân, phòng tránh bệnh tật trong việc ăn uống hằng ngày. Người ta bắt đầu xét lại chế độ ăn uống; chủ yếu ăn nhiều thực phẩm, rau đậu và ngũ cốc là chính; tránh ăn thịt, cá.
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc ăn chay. Những người biệt phái và luật sĩ thắc mắc với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?"
Những người biệt phái và luật sĩ thường khó chịu với Chúa Giêsu. Họ không ưa Ngài, chỉ tìm cớ để hạch sách Ngài. Họ khoe khoang, tự mãn về việc tuân giữ luật và cách sống của họ.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu dường như không biết gì về chay tịnh.
Làm thế nào để giải quyết thắc mắc của người biệt phái và luật sĩ về việc ăn chay? Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để giải quyết vấn đề ấy bằng hai dụ ngôn : tiệc cưới và dụ ngôn vải mới với áo cũ và rượu mới với bình da mới.
Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”
Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Cả các người biệt phái, luật sĩ, cũng vậy; họ giữ luật tỉ mỉ, nhưng lại quá hình thức.
Ăn chay để thể hiện lòng mong đợi Đấng Cứu Thế đến.Chúa Giêsu đã đến trần gian. Ngài hiện diện bên các môn đệ. Và các môn đệ đang có niềm vui với “tân lang”. Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là “tân lang” nghĩa là Ðấng Cứu Thế đã đến. Chính vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã miễn chước cho khỏi chay tịnh. Các môn đệ đang sống trong niềm vui mừng, hạnh phúc vì có Chúa hiện diện và niềm vui ơn cứu độ của Chúa mang đến.
Kế đến, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ.
Thật ra Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Ngài dùng dụ ngôn này để trình bày về giáo huấn: con người cần phải thay đổi tinh thần và nếp sống sao cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa.
Đoạn Tin Mừng này Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta :
1.Tránh xét đoán nhau. Chúng ta đừng xét đoán nhau, vì khi xét đoán ai, chúng ta dễ sai lầm, thiếu cái nhìn khách quan mà chỉ theo chủ quan của mình; chúng ta không nhận thức đúng và hợp lý các sự việc, nên cũng khó có thể nhận định đúng. Trái lại, chúng ta cần phải có cái nhìn quảng đại và biết tôn trọng người khác; hãy luôn nhìn đến những điểm tốt của nhau.
2.Sống đạo với niềm vui vì Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Chúng ta sống niềm vui và hạnh phúc mỗi khi chúng ta được đón nghe Lời Chúa dạy, khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, hoặc khi chúng ta cầu nguyện với lòng tin, lòng trông cậy tin tưởng phó thác và đầy lòng yêu mến Chúa; Chúa luôn ở với ta, lắng nghe lời ta cầu nguyện, nâng đỡ ta trong những lúc ta gặp thử thách gian nan.
3.Việc ăn chay theo luật Hội Thánh dạy. Chúng ta phải giữ chay theo luật, nhưng cần giữ theo tinh thần sám hối, đền tội; ăn chay bằng việc sống khổ chế, hy sinh, hãm mình để chế ngự nết xấu, và để nâng cao tinh thần yêu mến, chia sẻ cho người nghèo khổ.
4.Vải mới với áo cũ, rượu mới với bình da cũ. Đời sống chúng ta cần thay đổi sao cho phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Nghĩa là cởi bỏ tham sân si của bản thân, những đam mê của xác thịt, vì nó làm biến chất đời sống và phẩm giá của người môn đệ Chúa, người Kitô hữu của Chúa. Chúng ta hãy gia tăng và phát triển đời sống hằng ngày theo tinh thần của Chúa, của Phúc Âm Chúa. Nhưng bằng cách nào? Thưa : bằng đời sống đạo đức, thánh thiện, để cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào đời sống đạo của mình; bằng cách sống đức tin, một đức tin có việc làm, một đức tin sống động, một đức tin mạnh mẽ để làm chứng cho Chúa; bằng đời sống bác ái, yêu thương mọi người; bằng việc khổ chế, hy sinh hằng ngày.
Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta sống đạo, sống đức tin, sống Phúc Âm để canh tân bản thân, gia đình và xã hội hôm nay. Amen.
Lm. Duy Khang
____________________________________________________________________________________________
Mời bạn đọc:
- Suy niệm của Bảo_†_Lâm
- Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
- Suy niệm của tgpsaigon.net
- Lẽ sống ngày 2/9: Khuôn mặt Giuđa |
|