|
Hằng năm, bước vào tháng 11, chúng ta nhớ đến các linh hồn. Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến các linh hồn. Nghe đâu có một linh mục gọi linh hồn ông Quan Công (Một tướng lãnh thời Tam Quốc 184 - 280, có tiếng là trung thành và dũng võ.) lên và rửa tội cho ông. Ngày Lễ Vu Lan vừa rồi (2009), một tiệm bánh ở đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP.HCM đốt vàng mã và rải tiền với mệnh giá lớn cho ngạ quỷ (ma đói), ngạ quỷ không thấy, mà thấy “đói” đến lượm tiền quá nhiều, làm ách tắc giao thông, cảnh sát giao thông phải đến cảnh cáo chủ tiệm, sang năm không được rải tiền nữa.
Sở dĩ có những sự việc này là vì người ta có nhiều nhận thức khác nhau về người đã chết. Niềm tin về các linh hồn tôn giáo nào cũng có, nhưng quan niệm lại khác nhau, dân gian thường gọi là ma. Dân gian cho rằng ma là một khái niệm trừu tượng, một phần phi vật chất của một người đã chết (hay hiếm hơn là một động vật đã chết). Người Công giáo không gọi là ma, mà là linh hồn, động vật thì không có linh hồn.
Người ta cùng gọi ma là quỷ, quỷ xuất phát từ tiếng Hán (nghĩa là ma), dùng để gọi linh thể của những người đã chết. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết, linh hồn của con người sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lại trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ.
Theo quan điểm của một số tôn giáo, quỷ còn dùng để gọi một số sinh vật (thuộc về cõi siêu hình) có những khả năng siêu phàm, khỏe mạnh, độc ác và xấu xa. Đôi lúc cũng dùng để chỉ các ác thần, thường là phe đối cực với các vị thần.
Thực tế thì khi nói đến ma, người ta chỉ nghĩ đến những vật thể phi hình dáng, khó làm hại người. Nhưng khi nói đến “quỷ” thì đó là một khái niệm đáng sợ. Trong chuyện kể dân gian các nước thường lưu truyền những câu chuyện về quỷ từng giết và ăn thịt người rất hãi hùng dễ sợ, ma quỷ có thể nhập vào người sống.
Người ta cũng gọi quỷ là quỷ hồn, vong hồn, vong linh, u linh, u hồn, linh hồn, hồn, thánh, thần. Ở Việt Nam cũng có các huyền thoại về ma như ma da, ma le, ma xó, ma gà, ma lai, ma trơi…; Ở Trung Quốc thì có các cương thi, các oan hồn, hồ ly, yêu tinh…; Ở phương Tây thì có ma sói, ma cây, ma cà rồng…; Ở Thái Lan có ma nước, ma vi tính…; Ở Nhật Bản có ma gấu, ma sói, ma một mắt, ma cổ dài, ma dù…
Tiểu thuyết Liêu Trai Chí Dị của Trung Quốc bao gồm cả ma thiện lẫn ma ác và ma giống hệt như người từ sinh hoạt tình dục đến tình cảm yêu đương.
Theo văn hóa Trung Quốc, ngay từ triều đại Thương (BC 1700 - 1100) khi người Trung Quốc chưa có khái niệm về thần tiên bất tử, chưa có tư tưởng luân hồi của Phật giáo, người ta đã tin sau khi chết con người sẽ biến thành ma, nên mới có bói toán và chôn kẻ sống theo kẻ chết.
Những kẻ vô thần phủ nhận có ma tồn tại, vì tới giờ người ta chưa thể dùng khoa học kỹ thuật tìm ra năng lượng của chúng. Những người bất khả tri thì cho rằng có thể có ma, nhưng chưa chứng minh được.
Nho giáo thì không muốn bàn về quỷ thần. Trong Ung Dã IV Khổng Tử nói: “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hỹ: Việc phục vụ dân, nên nể thần và quỷ mà xa lánh chúng, mới gọi là khôn ngoan”. Khổng Tử cũng nói: “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, xiểm dã: Tế con quỷ không phải của mình, là nịnh nọt” (Nhi Học I). Khổng Tử còn nhấn mạnh thêm: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ: Đang khi chưa phục vụ được con người, sao lại có thể phục vụ quỷ”. Nho giáo giữ thái độ không bàn luận về quỷ.
Phật giáo thì không giống như tín ngưỡng dân gian. Khi người chết, tâm thức rời thân thể, trước khi đầu thai, vì nghiệp của mình mà trở thành “trung âm thân”, không có hình ảnh, không tỏ hiện trước những người không có thần thông, không thể thay đổi trạng thái sự vật chung quanh.
Nhưng còn một dạng nữa gọi là “ngạ quỷ đạo”, là một trong lục đạo luân hồi, xếp trên súc sanh và Địa Ngục. Ngạ quỷ không giống quỷ, mà như người, có thân thể. Ngạ quỷ có ba loại: Quỷ đa tài, Quỷ thiểu tài, Quỷ vô tài. Loài ngạ quỷ có hai nơi ở, một là nước Diêm La của nó, hai là sống trên dương gian cùng với người, vì vậy đi đêm có khi gặp quỷ. Vì có ngạ quỷ, nên phát sinh ra Lễ Vu Lan. Theo nhà Phật, ngày 15 tháng 7 Âm lịch làm Lễ Vu Lan bồn pháp hội, để cung phụng Phật tổ và chư tăng. Vu Lan (chữ Hán; Phạn: ullambana) là từ viết tắt của vu lan bồn (nghĩa là treo ngược lên) ‘bồn’ nghĩa là khí cụ cứu giúp. Thế nên các dịch giả Trung Quốc cũng dùng từ Đảo Huyền, “treo ngược lên” cho từ vu lan, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi sa đọa Địa Ngục, vu lan bồn nghĩa là khí cụ cứu giúp đau khổ của những ngạ quỷ bị treo ngược lên. Dùng thau đựng đầy ngũ quả và trăm thứ mùi vị, phụng dưỡng Phật tổ và tăng lữ, để họ vào Địa Ngục cứu chúng sinh đang chịu khổ. Nghi thức này bắt đầu từ pháp hội Mục Liên cứu mẹ thời Nam Bắc Triều Trung Quốc (420 - 589).
Truyện kể, Bồ tát Mục Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, vì bà đã gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên thức ăn đưa lên miệng thì đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm Tháng Bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Mục Liên làm theo và mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Truyền thuyết Mục Liên cứu mẹ trở thành một tập tục dân gian, và dần dần từ việc cung phụng chư tăng thành nuôi các ngạ quỷ. Từ đó ngày Lễ Vu Lan ra đời.
Đạo giáo gọi ngày 15 tháng Giêng gọi là tiết Thượng Nguyên, cử hành nghi thức bán phép lành. Ngày 15 tháng Bảy gọi là tiết Trung Nguyên, xá tội cho vong linh, nhưng chỉ giảm bớt thôi, không xá tội hết. Ngày 15 tháng mười gọi là tiết Hạ Nguyên, giải trừ xui xẻo của những người có lỗi lầm. Theo truyền thuyết, tháng Bảy cửa Địa Ngục mở ra một tháng, để các cô hồn ra nhận sự nuôi dưỡng của dân, nên cử hành nghi thức phổ độ. Dân gian cũng tin tổ tiên nhân dịp này cũng về thăm con cháu, nên cần tế tổ, và trở thành ngày báo hiếu.
Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo và Do Thái giáo phân biệt quỷ và linh hồn. Quỷ là những thiên sứ xấu (ác thần), đã phản bội Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh nhiều nơi đề cập đến quỷ, như Mc 9,17: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Còn người chết gọi là linh hồn, linh hồn người chết chịu sự phán xét của Chúa, mà không biến thành ma hay quỷ. Người Công giáo xác tín các thánh thông công, nên tháng Mười Một hằng năm, đặc biệt là ngày 02/11 Giáo Hội cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Công đồng Trentô dạy rằng các linh hồn ở luyện ngục là thành phần của Hội Thánh, cần nhờ đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta, những người còn sống. Thánh nữ Têrêsa Avilla nói: “Việc cứu giúp linh hồn trong Luyện Ngục là việc làm bác ái cao cả hơn hết”. Người Công giáo luôn cầu nguyện cho các linh hồn. Thói quen nhớ đến các người đã qua đời đã ăn rễ sâu nơi cuộc sống con người từ thuở xa xưa. Từ thế kỷ thứ II sau Chúa Giêsu Giáng Sinh, những tín hữu Công giáo đã tụ tập lại đọc kinh cầu nguyện tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Vào thế kỷ VII, Tu viện trưởng Isidor Sevilla đã truyền cho các tu sĩ trong Dòng ngay sau ngày mừng Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày lễ tưởng nhớ cầu cho các linh hồn. Từ đó các dòng tu khác cũng theo thông lệ này. Vào thế kỷ XIV, Giáo Hội ấn định ngày 02/11 là ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời trong toàn thể Hội Thánh. Đến đời Đức Giáo Tông Bênêđitô XIV (1748) cho phép dâng ba Thánh lễ cầu cho các linh hồn vào ngày này.
Nói chung, mọi tôn giáo đều có cách thức cầu nguyện cứu giúp những người đã khuất bóng. Người Công giáo chỉ nhờ vào quyền năng của Chúa, mà không phải bằng công sức của con người, và linh hồn không cần thức ăn trần gian, cũng không cần vàng mã, như một số người đã tin. Tuy nhiên các tôn giáo Đông Phương chú trọng đến đạo hiếu, mà Giáo Hội Tây Phương không nhấn mạnh. Rất may mắn Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ấn định Mùng Hai Tết là ngày cầu cho ông bà tổ tiên, nếu danh xưng được đổi thành Ngày Báo Hiếu thì rất hay, vì hợp với tâm tình người Á Đông.
st
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|